- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐÔI MẮT THỜI CHIẾN

12 Tháng Tư 20154:32 SA(Xem: 33692)
KyUc Thang Tu- ltt
Ký ức tháng 4-tranh Lê Thánh Thư







           Trên Tất Cả Những Đỉnh Cao Là Bình Yên-Goethe     

 

Người đạp xe thồ rướn sức lăn bánh xe lên đoạn dốc con đường đầy đá dăm và bụi.  Ông có dáng người cao to với nước da đen sạm, tuổi quá ba mươi, à không, bốn mươi. Tại đỉnh dốc, có lẽ thấm mệt, ông tạt vào quán mì Quảng ven đường. Quán nghe có vẻ thậm xưng, thạt ra chỉ có cái tủ đóng bằng tre củ kỹ cùng tấm lưới che bụi đường, bên trong ngất ngưởng những sợi mì vàng to bản. Chiếc nón lá rộng vành sùm sụp vẫn không giấu được khuôn mặt thông minh nhưng có vẻ mệt mỏi vì thiếu ăn. Chị chủ quán (kiêm chạy bàn) chăm chăm, tò mò nhìn xoáy vào khuôn mặt ấy. Có lẽ, từ khi mở quán đến giờ, không ai ăn nhanh như ông ta.

          Bất ngờ, chị đến gần la lớn. Chào, ông thiếu úy đồn trưởng. Người xe thồ giựt mình sém phun cọng mì, mắt nhìn lấm la lấm lét xung quanh. Tám năm trong tù ra, giờ mới có người gọi ông là thiếu úy. Lạy chị, đừng gọi tôi như rứa. Tôi mới được…từ trại cải tạo về…trả quyền công dân thôi. Bữa ni đạp xe kiếm cơm qua ngày. Ủa, mà sao chị ra nông nổi ni, phải bán mì. Tôi tưởng sau bảy lăm chị phải làm ông này bà nọ chứ. Chiến tranh mà ông. Chị thở dài.

Tất cả đều bắt đầu từ cái ngày…     

Bốn giờ chiều, một ngày oi nồng, tháng bức, năm 1973 tại tỉnh lỵ Quảng Tín miền Trung, chiếc trực thăng UH1 hùng hổ cất cánh đưa chàng thiếu úy trở lại cứ điểm 248 Đồi Tranh, Hiệp Đức. Dõi mắt xuống mặt đất, cứ mỗi lần ra trận, chàng như muốn nuốt vào trong lòng tất cả những gì thuộc về chốn thị thành tưởng chừng bình yên kia. Thời chiến, mọi thứ đều vội vã như đường đạn, kể cả cái chết. Cuối tầm mắt, loang loáng những ngôi mộ sơn trắng. Chàng cố nhìn xem nấm mộ nào là của mẹ. Ba ngày trước, chính chiếc trực thăng này vội vã đưa thiếu úy về nhà dự đám tang. Trước khi mất, mẹ thều thào, sao chưa thấy thằng út về. Bà vẫn chờ con với ánh mắt tha thiết dịu vợi.

          Vội vã trở về, vội vã hành quân.

          Bốn giờ sáng. Đặt chiếc áo giáp lên người, xốc lại cây súng colt 45 trễ nải bên hông, với chiếc nón sắt, thiếu úy lom khom bước ra khỏi hầm. Toàn đại đội rì rầm cầu nguyện. Ai cũng đem đấng tối cao ra để mặc cả cuộc đời trong canh bạc chiến tranh. Họ âm thầm hành quân tiến về làng Việt Cộng nơi giáp ranh giữa vùng đất quốc gia và cộng  sản. Tia nắng mặt trời vẫn chưa ló dạng. Trời đen kịt. Rừng lồ ô dài ngoằng đang ngả nghiêng như mạng giăng bẫy con người. Trong cuộc chiến này, ai bẫy ai, hay tự ta bẫy mình? Đi cứ đi. Khi về, mới biết mình còn sống. Vô số cành củi mục phát ánh lân tinh như nhảy múa, dẫn đường đoàn quân. Văng vẳng tiếng ồng ộc từ những chú tắc kè bị đánh thức sớm. Chàng thiếu úy đi cùng một trung đội sau chót. Không ai hành quân theo lối mòn cả. Trung đội dẫn đường gắng chặt hết các nhánh cây, đủ tạo lối cho một người len lỏi. Người sau nối tiếp theo ba lô người trước, cứ thế mà đi.

          Cảnh vật trong rừng bình yên quá. Càng im ắng, càng đáng sợ hơn. Mỗi khi vừa hành quân, nghe tiếng súng bắn tỉa từ xa, biết chắc rằng có quân chính qui Bắc Việt. Có vậy, du kích quân mới dám ra oai. Còn im lặng : Một, quân chính qui đã rút. Hai, coi chừng đi vào ổ phục kích. Thực ra hành quân chẳng có gì bí mật. Đôi khi mở đầu pháo 165 ly nã như mưa, như cảnh báo mấy ông Bắc Việt, quân lực VNCH đi đấy. Lỡ đi đầu ngọn gió, mùi thơm áo lính đã giặt ủi dưới tỉnh lỵ cũng vô tình làm du kích quân trốn nhanh.

          Mới bảy tháng trước thôi, chàng thiếu úy còn lạ nước lạ cái bị đẩy về miền Trung, cái xứ khỉ gió, chó ăn đá gà ăn muối. Nơi này nắng nóng oi bức nhất và giao tranh ác liệt nhất ở Việt Nam. Cuộc chiến ở miền Nam đã leo đến đỉnh dốc. Mùa hè đỏ lửa năm bảy hai, cứ điểm Charlie, Đại Lộc Quảng Nam, Bình Giã… những cái tên hư vô, giờ đây, đầy ám ảnh những máu, xác người, hồn ma vất vưởng đi trong chiều hoang. Những cuộc hành quân ấy không biết có đem lại bình an, hay thêm vài người lính tử vong. Lần đầu ra trận, nếm mùi bắn tỉa, Chàng chạy bán sống bán chết bên gốc cây trầu. Biệt danh chuẩn úy trầu có từ dạo ấy. Chỉ vài trận giao chiến, chàng trở nên lạnh lùng, ngạo đời hơn cùng mùi súng đạn. Những ngày đói khát, đêm ngủ bên xác người trong rừng đã làm tâm hồn người lính thêm giông bão. Chiến tranh. Chàng đã bị cuốn hút vào cuộc chiến dù chàng khinh khỉnh hai từ đó.

          Tám giờ sáng. Thấp thoáng hàng cây hóp (họ với cây tre) từ xa cùng những đường giao thông hào bọc quanh làng. Hào rộng chừng hai mét, đầy những hàm ếch. Làng nghèo quá. Những ngôi nhà - đúng hơn những túp lều - mái tranh, vách cũng bằng tranh. Nền nhà đất sét pha than pin đen sì. Đen đến nỗi khó mà biết đâu là đất đâu là nền nhà. Ngoài sân, cỏ hoang xanh rờn mọc ngang lối, đan xen những cây ớt chỉ thiên (do chim ỉa) đỏ lè. Một chốn bình yên, tưởng chừng như ở một đất nước khác, chứ không phải một Việt Nam điêu linh.

          Tiến vào làng, chàng thiếu úy dặn dò kỹ lính không nên đụng vào bất cứ ổ trứng, con gà nào. Không phải sợ mang tiếng xấu, mà Việt cộng đã gài mìn hết. Đó chỉ là cái bẫy chết người. Chú gà nào cũng gắn sợi dây dài vài mét vào ổ. Tay nào tham ăn mà đụng vào. Gà chạy, dây căng, mìn nổ. Người chết nhưng gà vẫn sống trơ.

Đặt một chân vào nhà, thiếu úy hơi sững người. Một thiếu phụ áng chừng bốn mươi hoặc trẻ hơn. Thời loạn lạc khó đoán tuổi. Đôi mắt sắc, sắc lắm, giống như mắt của mẹ chàng. Chào ông thiếu úy đồn trưởng. Coi bộ mấy tay lính vào trước đã cho chị biết. Sao nhà vắng thế này. Chết hết rồi ông thiếu úy. Chiến tranh mà…Chị hay đệm ba chữ “chiến tranh mà” một cách dửng dưng.

          Chàng lặng lẽ quan sát đôi mắt ấy. Đôi mắt không tỏ gì sợ hãi. Dù chị đang trong vòng vây hơn mười người lính. Cũng đúng thôi, làng của chị mà. Đồ hộp ngon quá. Chị cười. Từ sáng đến giờ, mới thấy chị vui. Ông thiếu úy cho tui thêm vài hộp. Chàng hơi chột dạ. Nhà này không thể chỉ mình chị…

          Chàng nghỉ trưa trên bộ phản giữa nhà. Cả tiểu đội vây quanh. Chị chủ nhà lặng lẽ ở nhà sau. Mi mắt chàng hơi nặng trĩu vì sáng nay thức dậy sớm. Bất chợt, chàng cảm thấy ớn lạnh, như có luồng điện chạy dọc sống lưng. Một đôi mắt sắc lẹm nhìn thẳng vào chàng, rồi liếc vội ra ngoài, thì thào…nguy hiểm. Chàng giật mình, ào ngay ra sân. Chỉ vài giây sau, một bóng áo đen thoát ra từ dưới bộ phản. Chớp. Sáng lòe, lựu đạn nổ. Chiếc phản thủng lỗ chỗ. Hình như mìn tự tạo nên chẳng ai bị thương. Hai cây đại liên phục sẵn ngoài sân thi nhau khạc lửa. Áo đen gục ngã ngay sân. Bất động nhưng còn hơi thở. Ngang thắt lưng lỏng khỏng cái xà cột và khẩu súng K54.

          Nắp hầm bí mật mở toang hoang ngay dưới bộ phản. Chàng vừa ngả mình trên cái chết mà không hay. Tiểu đội lính tràn vào nhà lần nữa. Hầm trống trơn. Chàng bước vào, tay phải đặt hờ lên khẩu súng ngắn. Chị chủ nhà ngồi bệt bất động trên sàn nhà bếp. Ánh mắt vẻ sợ hãi và đau đớn. Chàng tiến đến gần, chị lết thụt lùi vô góc bếp. Một người lính kéo chị ra gần hầm bí mật. Mười ngón tay cày nát nền nhà thành mười đường thẳng. Chàng bình thản hỏi. Chị đánh thức tôi phải không. Chị im lặng. Đầu hơi cúi thấp như đồng ý. Mắt chớp rồi nhìn xuống. Có lẽ sợ tai vách mạch rừng hay cứng lưỡi. Anh lính truyền tin chen vào. Bả nói láo thiếu úy ơi. Tui thấy bả ở dưới bếp, chứ có lên nhà trên đâu mà báo động với báo thức. Để em. Anh lính truyền tin kéo cơ bẩm cái rốp, đặt nòng súng lên thái dương chủ nhà.

Thôi, chuẩn bị rút quân. Chàng ra lệnh. Người ta phụ nữ chẳng có tấc sắt trong tay, chẳng chống đối, giết làm gì. Bắt được một tù binh và khẩu súng, vậy ngon cơm rồi. Anh lính hậm hực. Phí mấy lon đồ hộp quá thiếu úy. Tiếng cánh quạt phành phạch của trực thăng ồn ào bên kia lũy hóp. Quả pháo sáng đỏ bùng lên làm điểm báo hạ cánh. Anh lính lại càm ràm. Mẹ, tù binh vậy mà sướng, đi trực thăng, còn tụi này phải cuốc bộ băng rừng bốn tiếng nữa.

​          Vừa ra khỏi làng, chàng nghe văng vẳng một tiếng hú dài rùng rợn thê thảm. Tiếng hú tràn xuống thung lũng, xuyên qua rừng đại ngàn thăm thẳm. Tiếng hú kèm theo tiếng nấc. Đúng, tiếng hú của tui. Chị bán mì tiếp tục câu chuyện đang dang dở. Tiếng hú báo mọi người đang ẩn nấp biết quân đội Sài Gòn đã rút lui. Chị thoáng mừng vì thoát chết, nhưng chẳng biết vết thương của anh có nặng không, rồi về vùng quốc gia, biết ngày nào gặp lại…

​          Chuyện của anh.

​          Anh bị đa chấn thương. Gãy hai chân, thủng bụng, nát nhiều xương sườn. Sơ cứu xong, máy bay đưa anh thẳng về tỉnh lỵ, rồi dông thẳng ra quân y viện Đà Nẳng. Tỉnh giấc, anh ngơ ngác trong căn phòng trắng lạnh. Anh đòi về. Cô y tá ngạc nhiên.  Anh tù binh lại bị trọng thương, làm sao mà về. Anh nói sứ mệnh của anh phải đánh “Mỹ cút ngụy nhào”. Cô y tá lại cười. Thì Mỹ đầy ở đây nè. Anh giật mình pha chút bối rối. Lần đầu trong đời anh thấy Mỹ bằng xương bằng thịt. Một người Mỹ cao lớn hiền hậu. Chính người bác sĩ này đã giành giật linh hồn anh từ thần chết cả tuần nay.

Anh biết nếu giờ này anh còn trong rừng, anh sẽ ra sao? Tụi anh làm gì có thuốc men. Hai chân gãy sẽ ngâm trong nước muối, bị cưa bằng cưa sắt, rồi quăng trong góc rừng. Lúc đó anh tàn phế, đánh đấm được ai. Mà có trốn cũng không xong. Cột sống bất động. Anh ở lại quân y viện gần hai năm. Chuyện là vậy, nhưng nội tuyến báo về cấp trên của anh lại khác. Anh đã chiêu hồi. Tất cả đã chấm hết. Đầu tháng ba năm bảy lăm, bác sĩ Mỹ trong quân y viện về nước. Cuộc chiến sắp kết thúc. Cuối tháng ba, anh về chốn cũ Quảng Tín Tam Kỳ. Chẳng ai nhìn anh, chẳng ai dùng anh, môt kẻ bị oan, cõng trên vai hai chữ chiêu hồi.   

Chuyện của chị. 

Tin anh chiêu hồi chấn động cả làng. Chị không tin. Chị ngơ ngác như người mất hồn. Cấp trên đặt vấn đề trong cuộc hành quân ấy, vì sao người sĩ quan VNCH lại tha bổng chị. Bao nhiêu lần viết kiểm điểm, chị vẫn trả lời không biết vì sao. Nhốt. Thả. Nhốt. Thế là xong. Chị cô đơn ngay giữa đám đông bạn bè chóm xóm. Và chị ra đi… Chịu thôi. Chiến tranh mà…Sau năm bảy lăm, anh và chị kéo nhau về làng cũ. Làng vẫn như xưa, nhưng tình người không còn như xưa. Chẳng biết làm gì, anh chị về con dốc này, dốc Kỳ Mỹ, mở quán mì Quảng.

Nhìn ông xe thồ ăn mì Quảng ngon lành, chị chợt nhớ đến lon đồ hộp năm xưa trong cuộc hành quân. Lần ấy, chị hồi hộp lắm nhưng vẫn giả bộ bình tĩnh. Khi con người biết cái chết sắp xảy ra, ai mà không lăn tăn. Chị biết chắc anh sẽ tung lựu đạn giết ông thiếu úy. Anh lẻ loi, không thể nào kháng lại một trung đội vây quanh làng. Chị sẽ cùng chung số phận. Hai đổi một. Có cần thiết vậy không? Chị không muốn mất anh chút nào. Anh là người đàn ông duy nhất làm chị cười,  ngay cả khi chị không muốn cười. Hạnh phúc là lựa chọn. Mà sao hôm nay sự lựa chọn này quá éo le. Chiến tranh mà…Gặp đối phương phải giết thôi. Nhưng ngay lúc đó, bỗng dưng trong lòng chị có cái gì lên tiếng. Chị cầu mong đụng độ không xảy ra. Thiếu úy ơi, hãy chạy ra sân ngay.

Ông nha nhẩn gắp từng cọng mì. Ăn mà cứ như sợ hết. Sau chiến tranh gặp lại bạn cũ đã mừng, huống gì người một thời ông từng đối đầu. Dường như chị trẻ hơn ngày xưa. Thời bình phải khác chứ. Phúc cho chị trong cuộc hành quân năm xưa. Nếu có bất cứ người lính nào chết, có lẽ mạng chị không còn. Và may cho cả ba người. Mọi cuộc chiến do con người tiến hành và đều lấy lý do vì con người nên dẫu có tàn khốc đến mấy, đôi khi, ta vẫn thấy được “tính người” và có lẽ vì thế nhân loại vẫn còn chút gì đó gọi là may mắn.

Bốn giờ chiều, nắng bớt gắt. Ông còn muốn đạp thêm vài cuốc xe, đành từ giã chị bán mì. Chia tay, ông do dự muốn hỏi, trong buổi trưa hành quân ấy, chị có thực sự báo thức ông không. Nhưng ông nghĩ lại rồi nở nụ cười. Chuyện chị báo động hay không đâu còn quan trọng. Chiến tranh đã qua rồi. Lúc này anh mới tập tễnh chống gậy bước ra từ bếp. Miệng cười hơi xếch một chút, di chứng của lần bị trọng thương năm xưa. Hai người đàn ông từng ở hai chiến tuyến, mười năm sau mới gặp lại. Anh không nói gì nhiều. Một cái xiết tay thật chặt. Kèm một túi mì Quảng to tướng cho các cháu ở nhà.

Trên đường về, ông cảm thấy chiếc xe bỗng nhẹ tênh, có lẽ trong lòng thanh thản hay xe đang xuôi dốc về chốn bình yên…

Chiều trên bờ Đông nước Mỹ. Ông thiếu úy, giờ đã là ông cụ ngoài bảy mươi, ngẫm lại chuyện ngày xưa rồi nhìn lên bàn thờ. Nắng chiều lóa mắt hay tuổi già, ông chỉ thấy một cặp mắt sắc lắm trong khung hình nhìn thẳng vào ông.

 

THÁI BẢO
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Sáu 20236:10 CH(Xem: 7478)
có một đêm rằm trăng sáng thơ thẩn ta đi trên đường bỗng dưng nhớ bài thơ cũ … “cúi đầu chợt nhớ cố hương”
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 6429)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:22 CH(Xem: 7000)
mấp mé mấp mé chiều quanh / tiếng kêu sẫm buồn rợn tối / chim. lia rẽ / một khúc quành / xao xác đường về rất vội
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 6584)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.
18 Tháng Sáu 20235:07 CH(Xem: 6024)
Trên đỉnh tháp của đồng đô la / Em - cười vỡ sáng thế ký / Viết trật tự thế giới mới - toàn trị / Đưa ngọn lưỡi Pharisee trở về / Ưỡn mình vào công nguyên/ Liếm mòn nhân loại.
09 Tháng Sáu 20234:36 CH(Xem: 6444)
T. cận tôi trai Hà Nội, song có dịp được đi & sống ở nhiều vùng đất trở thành thân quen, rồi yêu quý - và một trong những vùng đất đó là Bình Định. Một sinh viên của tôi làm phim tốt nghiệp về “Võ Bình Định”, tôi rất vui, bảo: “Thầy mới chỉ biết đôi chút về Trời văn Bình Định thôi, phim của em giúp thầy và nhiều người hiểu thêm về Đất Võ Bình Định đáng tự hào”… Mấy Hội thảo Khoa học về cụ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - người thầy của Đào Tấn vĩ đại, về Tổng đốc Lê Đại Cang, may được ông Tổng BT tạp chí Văn Hiến Nguyễn Thế Khoa chiếu cố mời về cùng với tham luận và làm phim nên càng có dịp thâm nhập sâu hơn vào kho tàng văn hóa Bình Định. Một dạo, có lớp tập huấn về Biến đổi khí hậu do Thái Lan và Diễn đàn “Nhà báo Môi trường” tổ chức tại Quy Nhơn, được mời tham dự và làm phim cho họ, tôi có điều kiện hiểu thêm về giá trị của Môi trường “xứ Nẫu” nói riêng và Biển miền trung Trung bộ nói chung…
09 Tháng Sáu 20234:29 CH(Xem: 6596)
Con gái tôi thích ăn canh ổ qua xắt mỏng nấu với tôm, khi chín bỏ chút hành ngò rắc chút tiêu, món ăn ngày xưa của mẹ con tôi hay nấu nhưng bây giờ tôi lại hay nấu canh rau mồng tơi với tôm vì bọn trẻ con thích món này hơn chúng chê canh ổ qua đắng. Ngày xưa, mỗi lần cúng giỗ nhà tôi hay nấu canh ổ qua nhồi thịt, món này ba má tôi đều thích ăn, cả chúng tôi cũng hưởng ứng nên ngày thường cũng nấu. Sau 75 lại ít có vì thời khốn khó mà, thứ gì cũng không dễ có mà ăn.
09 Tháng Sáu 20234:24 CH(Xem: 7676)
đã có một thời xanh mắt trong / buồn vui cơn gió thoảng qua lòng / sớm mai thức dậy tươi màu nắng / thơm một mùi hương trên tóc mây
09 Tháng Sáu 20234:17 CH(Xem: 7157)
Thằng anh ngồi trên bậc thềm ngó mông lung về ngọn núi phía bên kia cánh đồng. Mặt trời dần sụp xuống, những ngọn cỏ chuyển sang màu tím thẩm, gió nồm Nam thổi về lồng lộng. Thằng em khe khẽ ngồi xuống bên cạnh, cả hai cùng lắng nghe tiếng bò hụ từng hồi trên con đường trở về chuồng. Ba, mẹ nó đã từng ngồi như thế…
24 Tháng Năm 20234:35 CH(Xem: 7663)
Và rồi vẫn vậy những tầng không / Gối lên nhau những khoảng chất chồng / Có khi đặc quánh khi trống vắng / Những mùa hè lạnh lắm mùa đông