- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KHÓC CHA

09 Tháng Tư 20153:19 SA(Xem: 34738)

                                   

Khoc Muon-bw
Khóc mướn- ảnh Internet

 

-         Ới cha ơi, sao nhà cao cửa rộng cha không ở, cha lại  bỏ con bỏ cháu mà đi, ới cha ơi!

-         Ới cha ơi chúng con ăn ở với cha như bát nước đầy sao cha lỡ bỏ chúng con mà đi cha ơi!

           Phướn, người con thứ hai phủ phục xuống quan tài cha khóc nức nở, tiếng khóc không lâm li nhưng cũng đủ làm cho lòng người đến viếng đám ma xao động mà thêm thương tiếc cho ông Phượng, ông sống hiền lành tử tế với dân làng thế mà ông ra đi thật thương tâm. Con cái ông tranh cãi nhau về việc chia đất đai, ông bảo ông vẫn còn khỏe đã chết đâu mà phải tranh nhau? Vợ ông và con cái hùa vào với nhau nói rằng, ôi giời sống chết biết thế nào mà tính, có người vừa ăn xong bát cơm đã lăn ra chết, có kẻ đang ngồi hóng mát thì lịm đi không bao giờ tỉnh dậy nữa. Trước sức ép của vợ con, ông Phượng đành phải chia đất, theo ông, phần anh con cả được nhiều hơn, sáu trăm m2 vì anh còn mang trọng trách cúng giỗ cha mẹ sau này, rồi đến người con trai thứ hai, thứ ba mỗi người được bốn trăm m2 và  cuối cùng là cô út được hai trăm m2. Anh con cả và cô út đồng ý nhưng hai người kia phản đối cho rằng như thế là không công bằng, con nào cũng phải cúng giỗ cha mẹ chứ riêng gì anh cả, cần thiết sau này thay phiên nhau mà giỗ; còn cô út đi lấy chồng rồi, chỉ được năm mươi m2 thôi. Thế là cãi nhau, anh con cả chửi hai đứa em trai là ngu, không biết trên dưới là gì. Hai người em trai thì chửi lại, rằng làm anh cả mà tham lam, lại nghe vợ xúi vào nên tối tăm mắt mũi vì tiền vì đất. Cô út thương cha, bảo với hai người anh, cô sẽ không lấy phần đất của mình, chia cho mỗi anh một trăm m2 nhưng họ vẫn không nghe kiên quyết đòi anh cả trả lại cho họ mỗi người thêm năm mươi m2 nữa. Cãi nhau, chửi nhau rồi cả đánh nhau, đưa nhau ra tòa. Ông Phượng đau buồn quá liền bỏ nhà ra đi. Con cái mải tranh nhau đất cát nên chả ai đi tìm, mà cũng chả ai muốn ông trở về lúc này để rồi gây khó khăn cho việc chia đất. Năm ngày sau thì thấy xác ông Phượng trôi dập dềnh ngay ven sông cạnh khu đất mà con cái ông tranh nhau, họ vớt lên làm đám ma cho cha.

          Đang khóc cha thì  Phướn nhận được cái vỗ vai:

- Này, có làm một chân không, thằng Khuông nó về rồi!

 Phướn dừng khóc ngay:

- Sao? Thằng ấy ăn non à?

- Không, con nó đang sốt ở nhà, nó đạp xe ra chợ mua thuốc rồi lại về chơi tiếp, có tranh thủ vài ván thì vào.

        Phướn dời cỗ quan tài đi đến chỗ em gái bảo đến bên quan tài cha túc trực, khi nào có khách đến viếng thì cho người gọi. Chả kịp để em gái có đồng ý hay không, Phướn bước nhanh ra góc sân vào chiếu bạc, chơi phỏm. Một lúc, người ta thấy tiếng  Phướn văng chim cò ra ầm ầm:

- Cái con c... bố mày nhầm một tí. Đ... mẹ, chơi đểu thế đến bố tao sống dậy cũng không chơi được huống hồ là tao!

Hai người cãi nhau kịch liệt, Phướn thì bảo nhầm một tí còn con bạc chuyên nghiệp Bốn thì bảo bài đã hạ xuống không được phép cầm lên, ván này anh ù,  Phướn phải đền làng ván ù này năm mươi ngàn. Cả hai đứng lên túm cổ áo nhau, mấy người kia can ngăn đang đám ma không nên đánh chửi nhau. Nếu ngày thường mà Phướn chơi xù thì rất có thể đã mất mấy cái răng cửa với con bạc Bốn nhưng hôm nay là người đám ma bố Phướn nên con bạc Bốn đành buông  cổ áo  Phướn ra, vừa lúc ấy vợ  Phướn chạy vào nói với chồng:

- Anh Phướn, có người đến viếng kìa!

- Chúng mày đợi tao một tý.

Phướn chạy vào nhà , đến bên cỗ quan tài cha phủ phục :

- Ới cha ơi!..

          Bấy giờ đã chín giờ tối nên khách đến viếng cũng thưa thớt, chỉ có đám cờ bạc là thêm đông, từ một chiếu phỏm đã nhanh chóng phát triển thành bốn chiếu, hai chiếu dưới sân, một chiếu trên hè, còn một chiếu mới phát sinh lúc đầu lay hoay tìm chỗ, cuối cùng theo sáng kiến của Đối, người con trai thứ ba của ông Phượng thì trải ngay trong nhà, gần cỗ quan tài để tiện một công đôi việc, Đối vừa có thể túc trực canh quan tài cha mà lại vẫn tham gia chơi phỏm được. Một con bạc trung niên thì nói rằng, chơi ở đây khéo mà ông Phượng cũng được tham gia, ngày còn sống, ông Phượng vẫn hay sang nhà ông chơi tổ tôm, có đêm say quá đến tận sáng mới về! Mọi người cười cười nói nói, phải đấy, phải đấy, không khéo ông Phượng cũng đang chơi tổ tôm ở thế giới bên kia cũng nên!

          Lệ ở làng, mỗi khi có người đến viếng, phải có con cả đứng ở chỗ bàn đặt bát hương để đáp lễ và có con ngồi bên quan tài cha, khi kèn nổi lên thì người con cũng phải khóc lên thành tiếng. Ba người con trai của ông Phượng, chỉ có anh con cả vừa đứng đáp lễ vừa tiếp khách còn hai anh con trai kia thì đang say bạc. Đối đang vào vận đỏ, ù được mấy ván, thu được hơn ba trăm ngàn, miệng cười nói rôm rả. Chợt có tiếng kèn báo hiệu có người đến viếng, Đối ngừng cười, quay lưng lại, một tay vẫn cầm bài, tay kia đặt lên quan tài cha:

- Ới cha ơi, chúng con thương cha lắm cha ơi!

Khóc không có nước mắt xong, Đối quay lại chơi bài tiếp. Lúc này lại có người đến viếng, Đối thấy bực mình liền đi lại chỗ một ông thợ trống kèn, thuê ông một trăm  ngàn để hễ có ai đến viếng thì ông đến bên quan tài khóc hộ cho đến khi hết người viếng. Ông thợ trống kèn cầm tiền, dặn bạn đồng nghiệp đợi ông đến chỗ quan tài rồi hãy nổi kèn, ông này gật đầu, lúc sau phùng mồm:

- Ò e í e!

          Đáp lễ, ông thợ kia cất tiếng khóc:

                - Ông ơi, trời thì cao, đất thì rộng, sao ông vội về nơi chín suối ông ơi!

- Ò e í e!

- Ới ông ơi, ông thác đi, con con cháu cháu xót xa thương nhớ ông ơi!

       Tiếng kèn bi ai xen lẫn tiếng khóc thuê chuyên nghiệp mùi mẫn nghe thật xúc động, giá mà là ban ngày hẳn có nhiều người đã rơi nước mắt. Nhưng đêm đang dần khuya, mà lại là đêm đông giá rét nên không có ai nghe, đám con bạc thì mải mê sát phạt nhau, khách viếng lại là một người đàn ông bị điếc nặng, đến người con cả cảm ơn, ông lại tưởng nói gì nên cứ hả hả hả nên anh đành chắp tay lạy lạy, ông điếc hiểu ra là người ta cảm ơn mình nên cũng đáp lại bằng cách chắp hai tay vái vái. Ông điếc viếng xong tưởng ra về ngay nhưng khổ, đã điếc lại còn thích hóng chuyện, ông châm điếu thuốc lá rồi sà vào chiếu bạc trong nhà:

- Xuống con này đi!

- Lão điếc đừng có nói gì.

- Hả, tao có ăn mì tôm đâu?

- Cút mẹ ông đi!

- Thằng này, mày bảo ai ăn cứt mẹ mày? Tao bằng tuổi bố mày mà mày dám láo  với tao à?

       Ông điếc túm cổ áo con bạc, kẻ kia giáng cho ông điếc một quả đấm chảy cả máu mồm. Thế là đánh nhau to, hai kẻ lao vào nhau như  đấm đá, cào cấu, tất nhiên phần thắng nghiêng về gã cờ bạc vì gã khỏe hơn trẻ hơn. Mọi người can ngăn mãi, anh con cả của người quá cố phải dúi vào tay ông điếc một trăm ngàn uống rựợu thì trật tự mới được vẫn hồi. Các con bạc lại tiếp tục sát  phạt lẫn nhau.

- Đ...mẹ mày chơi nhìn bài à?

       Từ chiếu bạc ngoài sân, Phướn chửi một người kế bên.

- Tao nhìn làm đéo gì!

       Con bạc kia chửi lại, mấy người cùng chiếu bảo tập trung vào chuyên môn, không cãi cọ nhau nữa, im lặng được một lúc thì lại bùng lên dữ dội, nguyên nhân, người kế bên hạ con chín rô xuống rồi lại cầm lên, con này sẽ làm cho bài  của Phướn được ù nên không cho người kia cầm lên nữa, nói bài đã hạ xuống thì không được lấy lại. Người kia bảo nhầm tí. “Nhầm cái con c...” , Phướn văng tục, người kia cũng chẳng vừa, ném bài xuống:” Ông đéo vào chơi nữa!” rồi đứng dậy phủi đít ra về. Chửi nhau ầm ĩ, suýt nữa thì Phướn cầm con dao thái thịt chém cho kẻ kia một nhát nếu không có mẹ anh gào khóc van xin. Tưởng chiếu bạc này sẽ tan nhưng không, ngay lập tức đứa cháu nội của người đã chết đã xung phong ngồi thế chỗ.

       Chiếu phỏm trong nhà, sau nhiều lần thắng bài, Đối bắt đầu thua liên tục, trời lạnh nhưng mặt Đối đỏ gay, mấy giọt mồ hôi còn rịn ra cả trên trán. Hết cả tiền vốn, Đối phải vay hai trăm ngàn, rồi cũng lại mất. Tức quá Đối quay người lại úp mặt vào cỗ quan tài cha thì thầm:” Bố ơi, bố sống khôn chết thiêng phù hộ cho con gỡ lại đi!”. Hoặc là ông bố rất ghét con cái cờ bạc hoặc là hồn ông đang phiêu dạt ở thiêng đàng nên lời cầu cứu của Đối không linh nghiệm, Đối lại thua liên tiếp mà lại thua nhiều, thua nhanh nên Đối qui tội cả cho bố đã không phù hộ mình. Vài trăm ngàn chẳng to tát gì cho lắm nhưng mà cay cú, kẻ nào cũng muốn vơ tiền vào lòng mình rồi hoan hỉ trước sự đau buồn của người khác. Đối cay cú quá, quay lại dập tay vào cỗ quan tài:

- Khi sống, ông ghét tôi nhất nhà, bây giờ chết rồi, ông cũng ghét tôi, ông chết đi chết đi.

       Ô, ông chả đã chết rồi nên mới có cái đám ma này, sao lại còn rủa ông chết đi, chết đi; ấy là vì Đối thua bạc, tâm thần bấn loạn nên mới mắng cả người chết. Hồn bạc nhập vào người Đối nhưng mọi người lại tưởng là hồn ma ông Phượng nhập vào con trai nên ai nấy đều sợ xanh mặt, có kẻ vơ vội tiền bỏ chạy thục mạng, có người dập đầu xuống cạnh quan tài van lạy:

- Con lạy ông, ông tha cho con, con xin không đánh nữa.

- Cháu lạy cụ, lạy cụ!

       Thấy ở trong nhà ầm ĩ, người nhà chạy vào, đám con bạc ở ngoài sân cũng chạy vào, ai cũng cho là Đối bị ma nhập, người con cả thắp hương cắm lên ban thờ làm rầm khấn các cụ tổ tiên, khấn bố phù hộ đừng nhập vào người Đối nữa. Đối thấy nhiều người kéo đến, lại thấy người anh cả xì xụp khấn bố thì thấy ngượng ngập liền đi đến bên quan tài bố, quỳ xuống khóc rống lên hối lỗi:

- Ới cha ơi, chúng con kính yêu cha nhất đời, sao cha lại nỡ bỏ chúng con mà đi cha ơi...

                                           

VŨ ĐẢM


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97240)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92731)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91400)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99758)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106495)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91785)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105928)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105486)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 127475)
l à ngày em không còn nghĩ về anh nữa sự tự tin của anh không đủ giữ gìn những kí ức về nhau
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 41426)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...