- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGƯỜI GÁC CỔNG

23 Tháng Ba 20152:49 SA(Xem: 31726)
LinhGac
(Lính gác - Ảnh Internet)



       Tôi đứng gác cổng. Cánh cổng phía ngoài tòa kiến trúc. Công việc đã từ lâu và tôi nhận nó cũng từ lâu. Cánh cổng này chỉ có mình tôi đứng gác và vì thế tôi không được phép lơ đễnh. Tôi được trang bị đầy đủ những loại vũ khí để đối phó với những kẻ có ý định xâm nhập. Những món vũ khí đều là loại tối tân và cần thiết cho những cuộc chiến bắt buộc. Bộ quần áo tôi mặc được làm từ loại vải chỉ có ở tòa kiến trúc. Chất vải mềm nhưng rất bền và dẻo dai, khi cần thiết các lớp áo vải sẽ cộm lên và cứng cáp như áo giáp. Bộ trang phục này không gò bó tôi và tôi vẫn có thể vận động theo ý mình. Những lưỡi dao giắt bên hông rất bén, khẩu súng, cái móc, kìm chích điện cũng đều là những dụng cụ sát thủ. Tôi được toàn quyền sử dụng.    

   “Nào, hãy tránh ra.” – Từ phía ngoài, một người đàn ông cao lớn hô và tôi gật gù, mở cánh cổng ra. Người đó bước vào và rất mau chóng biến mất sau cánh cửa.

Nơi tôi đứng gác là cổng chính. Một cánh cổng lớn, đúc bằng thép. Nó rất rắn và dày tới mức cản được cả xe bọc thép nhưng cũng vì vậy mà tôi sẽ khó khăn trong việc đóng mở cánh cổng. Tôi không ước tính nổi chiều cao và bề rộng của cánh cổng vì khi đứng đó tôi trông rất nhỏ bé.

     Cánh cổng này là một phạm vi quan trọng của tòa kiến trúc. Nó được đặt ở ngoài và che chắn cho tòa kiến trúc. Tôi đứng gác từ rất lâu, và như đã nói công việc này tôi nhận từ lúc còn trẻ. Vóc người tôi cao lớn và tráng kiện, tôi đã từng tay không đánh chết một bầy sư tử và vì thế tôi có đủ sức khỏe để làm việc cho tòa kiến trúc. Một thời gian dài, tôi phải vất vả để ngăn chặn những cuộc xâm nhập vào tòa kiến trúc. Luôn có những cuộc hỗn chiến và tôi luôn giành chiến thắng. Những kẻ tìm tới tòa kiến trúc này đều sống ở xa ( tôi chắc vậy vì họ đã mang theo cả hành lý.) và với những lời quen thuộc như “Hãy cho tôi vào gặp người trong tòa kiến trúc”, “Tôi muốn vào trong”, “Tôi có một vật cần chuyển vào trong.” – Tôi không dễ gì mà tin vào những lời nói đó. Tôi không phải một người đưa thư, càng không phải thuyết khách hay một cố vấn về tâm lý, tôi là người gác cổng và bảo vệ cho tòa kiến trúc là nhiệm vụ của tôi. Khi mọi thuyết phục thất bại, họ nhao nhác cả lên và trở nên hung dữ. Những người đó thường đi theo nhóm và kết thành một đám đông. Họ gào thét, nhào tới như muốn xô đổ cánh cổng.

     Những món vũ khí mà tòa kiến trúc đã trang bị cho tôi đều có sức mạnh và vì thế không mấy khó khăn để triệt hạ đám ô hợp này.

     Nhiều lần, sau khi hạ gục đám người, thân thể tôi ướt đẫm máu. Tôi vẫn án ngữ trước cánh cổng. Hai chân tôi trụ vững như cắm rễ xuống đất.

     Dưới chân tôi là những xác người nằm ngả nghiêng. Nhiều thân thể ôm lấy nhau, co quắp như loài gấu ngủ đông. Một cái xác ở gần phía tôi đã nát bấy nhưng cánh tay với vài ngón đứt lìa vẫn vươn về phía cánh cổng. Chúng chỉ vươn tới đó.

     Máu nhuộm đỏ đôi bàn tay tôi. Khẩu súng tôi cầm trên tay vẫn nóng rẫy, đầu súng chúc lên, giật giật như còn muốn khạc đạn.

     Tôi luôn đứng ở ngoài, trước cánh cổng lớn dẫn vào tòa kiến trúc. Cả những ngày nắng, mưa bão hay chớp giật tôi vẫn đứng ở đó. Điều này chẳng đáng bàn gì vì thể lực của tôi rất tốt. Những gì ở bên trong nằm ngoài công việc của tôi. Thực ra tôi sẽ vẫn gác ở đây, nhưng việc quá nhiều người tìm tới và mong đợi được vào tòa kiến trúc đã phần nào khơi dậy trong tôi chút tà tâm về một sự xâm nhập. Có gì ở trong? Một cuộc thăm viếng hay điều gì khác mà tôi chưa rõ về tòa kiến trúc. Lý do gì khiến đám người kia liều mạng để xông vào.

     Những lúc mở cánh cổng ra để những người làm việc trong tòa kiến trúc đi vào tôi đã từng nhìn vào bên trong. Điều đó vụt qua mau như một ánh chớp. Nhưng tôi đã thấy một khối hình rất lớn trong đó. Nhiều lần tôi đã cố ý mở hoặc đóng cánh cổng thật chậm để có thể nhìn tòa kiến trúc kỹ hơn. Việc này nằm ngoài nhiệm vụ của tôi và sẽ là phạm tội nếu tôi làm vậy, nhưng có thứ gì đó đã thôi thúc và chế ngự tôi. “Tôi là người gác cổng, tôi không thuộc tòa kiến trúc kia nhưng tôi muốn biết...” – Tôi nghĩ thế và buông mình theo cái suy nghĩ đó. Cặp mắt tôi nhìn vào, cố thu gọn khối hình khổng lồ đó vào trí nhớ. Nhưng có thứ gì đó đã che phủ tầm nhìn và tôi không thấy được gì ngoài một khối hình to lớn nhưng mù mờ. Rõ ràng không phải sương mù, cũng không phải tòa kiến trúc xây cách xa cánh cổng tôi gác. Tòa kiến trúc cố định sau cánh cổng lớn và tôi biết nó rất lớn, có tầm vóc như những vị thần Titan. Chỉ là tôi không thể nhìn thấy rõ.

   “Anh trở nên chậm chạp từ bao giờ vậy.” – Một người trong tòa kiến trúc nói khi tôi đang nhòm mắt vào bên trong, qua một khe hở trên cánh cổng. Ông ta bên trong, tôi bên ngoài. Sau đấy, ông ta xòe tay, tôi không thấy gì nữa. Tôi trở về thế đứng thẳng. Tiếng bên trong vẫn vọng ra. “Anh là người gác cổng, bổn phận anh là thế và hãy ở đó đi.” - Câu nói đó chạy vào tai tôi và vang lên rất lớn. Mọi suy nghĩ bị thứ âm thanh đó nghiền nát và thứ còn lại trong tôi là một điều răn của kẻ bề trên.

     Cái kẽ nứt trên cánh cổng đã được bít lại bằng một miếng thép tinh luyện. Cánh cổng thế là hoàn hảo, không một kẽ hở. Tôi vẫn biết sau cánh cổng có người đứng.

     Ngày hôm nay có một vị khách lạ tìm tới cánh cổng dẫn vào tòa kiến trúc. Người này ngồi xe lăn và chỉ một mình. Gương mặt vị khách này chỉ còn lại một lớp sẹo xù xì, lớp da còn lại gần như đã bong ra hết và cái mũi cũng rụng đâu mất, để trơ ra hai cái hốc đen ngòm. Môi người này nứt nẻ, một vài cái răng đã bị gãy. Vết thương ở cổ mà giờ đã thành sẹo khiến giọng nói người này méo hẳn đi và khàn đục như người bị ngạt mũi. Lớp da nứt nẻ, vài sợi tóc bạc mỏng mảnh còn sót lại trên cái đầu trọc đã giúp tôi biết được đây là một người đàn ông và ông ta đang tuổi già.

   “Hỡi người gác cổng, hãy cho tôi vào trong.”

   “Tòa kiến trúc này không dành cho ông đâu, hãy về đi.”

   “Tòa kiến trúc này không có chỗ cho tôi nữa - Người lạ mặt nói – Nhưng tôi muốn anh biết rằng tôi cũng từng có mối liên hệ với tòa kiến trúc, từ rất lâu. Anh hãy cho tôi vào hoặc hãy giúp tôi gặp một ai đó làm việc trong tòa kiến trúc.”

   “Tôi là người gác cổng và công việc tôi là gác cổng. Xin thứ lỗi, tôi không giúp được gì.”

     Người lạ mặt lấy trong chiếc túi mang theo một chiếc hộp. Ông ta đẩy chiếc xe lăn, tiến gần về phía tôi. Tôi nhìn thấy rõ hơn những vết lở loét trên khuôn mặt ông ta.

   “Hãy giúp tôi chuyển nó vào trong. Hãy coi đây là một lời thỉnh cầu.”

   Đôi mắt ông ta mang vẻ buồn bã. Tiếng nói ông ta đứt quãng dần vì những cơn ho. Tôi nghe thấy tiếng gõ cửa bên trong và như mọi lần tôi quay ra và đẩy cánh cửa nặng nề sang một bên. Một người đàn ông đi ra. Cũng như hầu hết những người tôi đã từng gặp trong tòa kiến trúc, tất cả đều mặc một bộ đồ kín mít. Họ mặc nhiều loại áo khác nhau, với đủ loại màu sắc, phụ kiện nhưng tất cả đều phải cố định trong khuôn mẫu một trang phục kín kẽ. Họ có đeo găng tay, cổ quàng một chiếc khăn mỏng, màu sắc của mỗi loại khăn có thể giúp tôi phân biệt được giới tính từng người trong tòa kiến trúc. Thứ duy nhất ló khỏi lớp vải là cái đầu nhưng thường thì một số người chùm một lớp vải để che đi gương mặt, số khác thì đeo kính hoặc kéo chiếc mũ liền áo. Chẳng thể nhìn rõ được họ. Có nhiều người đã để đầu trần, như người đàn ông đang đứng trước mặt tôi đây nhưng tôi chẳng tài nào có thể ghi nhớ khuôn mặt đó quá lâu. Đôi mắt, cái mũi, độ tuổi hay một dấu ấn để phân biệt giữa người này với người kia tôi đều không nắm được, nhưng tôi biết những người họ là chỉ huy của tôi và tôi phải trung thành phục tùng.

     Người đàn ông trong tòa kiến trúc nhìn tôi và người lạ mặt.

   “Người này chắc hẳn không phải là khách hoặc ai đó tôi biết trong tòa kiến trúc. Và này, anh lại quên mất nhiệm vụ của mình ư.”

   “Hãy mở cửa ra, ta muốn vào trong đó! – Người lạ mặt nói, nhìn chằm chằm về phía người đàn ông vừa bước ra.”

   “Tại sao chứ! - Ông ta nói – Ngươi phải biết tòa kiến trúc không tiếp người lạ.”

     Người lạ mặt đưa chiếc hộp khi nãy ra.

   “Ta biết. Nhưng có lẽ ông cũng biết tòa kiến trúc này vốn được tạo ra vì một cộng đồng. Chiếc hộp này, xin hãy nhận lấy, mọi thứ trong đó đều là của ông, trừ những tờ giấy. Hãy làm ơn chuyển tới tầng cao nhất của tòa kiến trúc.”

     Người đàn ông trong tòa kiến trúc cầm lấy chiếc hộp. Ông ta nhìn ngắm nó hồi lâu.

   “Được thôi, ta sẽ nhận lấy nó, nhưng ta phải nói trước bây giờ thì ngươi chưa vào được đâu. Ngươi sẽ còn phải chờ.”

   “Tôi đã chờ lâu lắm rồi…”

   “Ta làm việc trong tòa kiến trúc, nhưng nói để ngươi rõ, ta ở tầng hạ. Tòa kiến trúc còn nhiều tầng lắm và ta khuyên ngươi hãy tiếp tục chờ đợi.”

Người đàn ông trong tòa kiến trúc nhìn người lạ mặt. Bốn mắt chạm nhau. Không gian im bặt. Thật khó để kết luận một sự thiện ý gì ở con người quyền uy kia vì tới lúc này khuôn mặt thực của ông ta vẫn vô định như chưa được tạo ra.

   “Được! Ta sẽ về. – Người lạ mặt nói, cặp mắt ông ta vằn lên những tia đỏ rực – Nhưng ta sẽ còn quay lại, và các ngươi nhớ là thế.” Ông ta ho vài tiếng và chiếc xe lăn đi. Cái bóng nhỏ xíu đổ dài xuống con đường rồi tắt ngóm.

   “Sao ngài không mở cửa cho con người khốn khổ đó.”

     Người đàn ông trong tòa kiến trúc vẫn đứng quay lưng về tôi. Ông ta từ từ đáp.

   “Công việc của anh là gác cổng. Anh quên rồi sao.”

   “Tòa kiến trúc này được một tập thể tạo ra, hoàn toàn không thuộc sở hữu của bất kì ai.”

   “Này người gác cổng! Anh quên mất vị trí của mình rồi đấy.” 

   “Tôi biết. Tôi là người gác cổng, nhưng xin nhớ rằng tôi cũng là người bảo vệ cho tòa kiến trúc và vì thế tôi cũng có quan hệ với nơi đây.”

     Tôi rút súng. Nòng súng hướng về người đàn ông. Ngón tay tôi giữ lấy cò. Chưa kịp kéo cò thì khẩu súng đã tan biến, trong tay tôi. Khi sờ bên hông thì con dao và chiếc kìm chích điện cũng đã biến mất. Bộ quần áo đặc dụng mà tòa kiến trúc trang bị cho tôi co dần lại và cứa vào da thịt. Các lớp vải bó quá chặt khiến tôi không di chuyển được. Phần vải phía dưới chân chùng xuống mang theo sức nặng ngàn cân. Cặp chân tôi đã không còn nằm trong sự kiểm soát của thân thể và bắt đầu trượt xuống. Đầu gối tôi lún xuống đất.

   “Anh là người gác cổng, hãy nhớ như vậy. Tôi không mong chuyện này tái diễn một lần nữa đâu.”

     Người đàn ông quay lưng lại và đi về phía cánh cổng. Ông ta đi gần tôi, đi qua tôi, đi xa tôi và vào sâu trong tòa kiến trúc. Chiếc bóng của ông ta vẫn kéo dài về phía sau, nó to lớn hơn cỡ người vốn có của ông ta. Người đàn ông này và những người khác, to lớn và quan trọng hơn trong tòa kiến trúc mỗi khi đi đều có một cái bóng dài đổ dưới chân. Đây là điều không lạ nhưng cái bóng của họ luôn lớn hơn tôi. Mỗi khi họ đi qua và vô tình tôi lọt vào chiếc bóng đó, thân thể tôi bị thu nhỏ lại. Tôi kẹt ở chiếc bóng và những vùng tối quanh chiếc bóng vẫn tiếp tục tràn ra. Chúng phủ quanh tôi và tôi bị nhấn chìm...

     Cánh cổng đóng lại dù tôi vẫn sụm gối một chỗ.

     Chiếc áo giãn ra và tôi bắt đầu cử động được. Tôi sờ bên hông, khẩu súng vẫn ở đó. Cả con dao mà tôi luôn tìm kiếm lúc trước cũng trở về bên tôi. Tôi muốn quay người lại và mở toang cổng bằng đôi tay mình nhưng tôi không tài nào nhúc nhích được. Tiếng xương vỡ cùng cơn đau thấu tim không giúp tôi quay được nửa thân người. Lớp quần áo bó lại rất chặt mỗi khi tôi gồng sức. Sức lực của tôi bị hút đi và nguồn sinh lực tràn trề mà tôi có là của bộ trang phục. Tôi không còn nhúc nhích được chân. Ngón tay đặt nơi nòng súng đang chĩa vào thái dương cũng không còn là của tôi nữa.

     Bộ trang phục tối thượng một lần nữa dịch chuyển các lớp vải và cố định tôi vào tư thế đứng thẳng người.

     Tôi nén một hơi để hét lên một tiếng thật lớn. Không chắc tiếng hét có thể di chuyển được cánh cổng nhưng nó sẽ đánh động tới ai đó đang trên đường tới đây. Tiếng hét tắc nghẹn trong cổ họng. Tôi chẳng thể phát tiết thứ âm thanh đó ra ngoài vì miệng tôi đã bị chính tay tôi bịt lại. Tay còn lại bóp lấy cuống họng tôi. Những con chữ đáng lẽ vang ra ngoài bị chặn đứng lại. Tôi đẩy thêm hơi, bàn tay đang bóp nơi cuống họng xiết chặt thêm. Hơi thở tôi bị ngăn lại. Chút sức lực cuối cùng. Tôi lấy hết hơi thở. Mắt tôi vỡ tung thành hai cột máu. Bộ quần áo vẫn bó xiết tôi lại. Không thấy được gì nữa nhưng tôi vẫn nhận thấy cơn đau từ hai hốc mắt. Cơn đau của riêng tôi, và máu tôi vẫn chảy dài theo cơn.

     Chúng kéo dài xuống mặt và sẽ bám dính lại như được vẽ từ màu mực chấm từ máu tôi.

     Bộ quần áo vặn mình. Tiếng răng rắc. Tôi được bẻ vào thế đứng thẳng. 

 

TRU SA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4774)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4568)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 5027)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 5515)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 5213)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4587)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4954)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7201)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6529)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4664)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi