- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HƯƠNG VÔ HƯƠNG

18 Tháng Hai 20156:51 SA(Xem: 29236)
ChoHoa-BW


Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi nhang.”  Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng ta thường gợi nhắc.

 

Với tôi, hương Tết bắt đầu từ mùi khói củi của bếp nhà hàng xóm nấu bánh chưng.  Mượn cái tường nhà lân cận, chỗ nhà thụt ra thụt vào thành góc, má thằng Lù sẽ đặt nồi nấu bánh chưng.  Kê cái thùng phi đã được chế biến thêm 2 quai lên 3 chồng gạch, xếp bánh chưng vào, đổ nước và nổi lửa.  Nhúm một bếp củi không phải là dễ, củi ướt: không cháy, củi có mắt: không cháy, củi gỗ: mau tàn, hay gẫy.  Nhưng má thằng Lù là người đàn bà đảm đang, chỉ một loáng là lửa đã cháy ngỏn ngoẻn.  Thằng Lù phe phẩy đứng bên, chờ Bố với Má sai canh chừng nồi bánh thì kể như trúng mánh được thức đêm, nhưng má nó đã xua tay đuổi nó vào nhà.  Cái mối canh bánh chưng là của anh Hùng tôi cùng lũ bạn nhân dân tự vệ như Ba Gà, anh Ngọc, Khánh băng, Thắng Đinh tiệm (tôi quên chưa bao giờ hỏi anh ý nghĩa cái tên này).  Khi lửa đã cháy ngọt, nồi bánh bắt đầu sôi, má thằng Lù coi đồng hồ và giao lại cho anh tôi dặn dò cách châm thêm nước.  Bên cạnh cái bếp to đùng đó phải có một bếp nhỏ nấu nước sôi sẵn, để khi nồi bánh chưng cạn nước thì châm thêm vào.

 

Anh Hùng bắt đầu dạo đàn.  “Tôi thường đi đó đây…” anh hát một lèo 3, 4 bài nhạc lính, hát rất ngọt và giọng rất chuẩn, anh vẫn còn nói được giọng Bắc chứ không lai căng như lũ em.  Bây giờ đàn chuyển qua tay anh Ngọc, anh Hùng ngồi hút thuốc.  Anh Ngọc thường thích hát những bài nhạc tình nhẹ nhàng, “tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm…”  Anh nói giọng Nam nhưng gốc Bắc và cũng hát rất êm.  Lửa bùng tỏa hơi ấm, đã bắt đầu có than, anh Hùng sai Khánh băng đi mua bắp và khoai lang về lùi vào đống than để ăn chơi cho thơm râu!  Đám trẻ ham vui từ từ kéo vây quanh để nghe hát, để hóng mấy anh lớn cợt đùa.  Thằng Lù đứng trên ban công ngó xuống thèm thuồng, nhưng Bố nó canh nó dữ lắm, sợ nó lêu lổng nên không cho đàn đúm bao giờ (kết quả: vừa hết lớp 12 má nó phải lật đật đem trầu cau tới hỏi cô nữ sinh chung lớp vì nàng đã có bầu).

 

Đã qua một đợt củi, một đợt châm nước.  Bây giờ nhà nào cũng đã gọi con về đóng cửa tắt đèn, ban văn nghệ bánh chưng phải hạ đàn sợ bà con chửi.  Các anh bắt đầu thay phiên nhau đứng lên đi đây đi kia, đi mua cà phê thuốc lá, về qua nhà cho ông bà bô thấy mặt, v.v…  riêng anh Hùng tôi ngồi nguyên chỗ, vì nhà tôi sát vách nhà thằng Lù, ngay sau lưng nồi bánh chưng.

 

Tôi cũng phải vào nhà giắt mùng đi ngủ, nhưng không ngủ được.  Tiếng củi lách tách, tiếng các anh nói lao xao nhỏ nhỏ trong đêm vắng như một tiếng gọi, như một khoảng trời, một đời sống mà tôi không biết nên ước ao.  Mà bé như vậy thì biết cái gì là cái gì mà ước ao.  Tôi ngủ ngon lành trong cái ấm áp của khói củi, và dường như một lúc nào đó trong đêm vắng tôi thức giấc vì mùi thơm của lá tỏa ấm áp quanh xóm nhỏ. 

 

Sáng dậy, tôi chạy liền ra cửa.  Trong hơi sương sớm, khói củi chỉ còn vương nơi những tấm cạc tông che bếp, nhưng mùi lá nồng ấm trong gió thoảng.  Cả xóm như hớn hở dù bánh là của nhà thằng Lù chứ đâu phải của chung.  Mấy anh lấy một cái đòn xiên qua 2 cái quai ở miệng thùng phi để khiêng thùng bánh ra gần nắp cống chắt bớt nước và để dẹp bếp.  Má thằng Lù bắt đầu lùa 8 đứa con ra để sai vặt, nói cho đúng chỉ có 4 đứa lớn sai được, còn thì lấn quấn một lát bị đuổi vào hết.  Má thằng Lù dọn trống cái hè trước, trải giấy báo thật dầy, rồi bắt đầu xếp bánh ra thành 2 dẫy dài.  Bà đè một cánh cửa lên rồi sai thằng Lù và em nó xếp mấy khối gạch vuông lên tấm cửa để ép bánh chưng cho ra hết nước.  Đến chiều, chị Thảo chị Hương ra gỡ giây lạt sũng nước từ những chiếc bánh mới luộc xong.  Bây giờ tới phiên bà Thảo “lao động.”  Bà lấy mớ giây lạt đã cắt sẵn và ngâm mềm cột mỗi cái bánh bốn sợi dây trông tươi mới và vuông vức như một bàn cờ tí hon; bánh chưng thoắt chốc như có tấm áo mới, mỗi cái bánh hoàn tất để qua một bên đều như là một đóa hoa mai nở trong mắt tôi.  Tôi ước ao nhà mình cũng gói bánh nấu bánh như nhà thằng Lù, trong khi nó thì dành môi ra vẻ ngao ngán.

 

Nó chẳng ngao ngán được lâu, tôi chẳng bao giờ được thỏa nguyện, vì chỉ qua một năm là qua một chặng khốc liệt của chiến tranh.  Nhà nào cũng lo lắng bị pháo kích phải tản cư thì còn ai đâu để gói bánh.  Tôi chẳng còn được ngửi mùi khói củi, mùi lá nấu chín, mùi nồng ấm của bếp lửa trong đêm khuya… 

 

Nhưng đang tuổi lớn người ta chóng quên vì có quá nhiều thứ mở ra trước mắt, tôi đã bước vào trung học và đã biết săm soi rộn ràng ngày Tết được sắm quần áo mới.  Má dắt lũ chúng tôi đi mua vải ở chợ Bến Thành.  Giá cả đắt đỏ, má kỳ kèo so đo trả giá từ chút, đi từ sáng 10 giờ đến trưa vẫn chưa mua được một món hàng, vì khi mua là phải mua cho cả 2 đứa con gái giống nhau, 2 đứa con trai giống nhau; một thói quen đáng yêu (nhưng tôi không thích mấy) của mấy ông bà già xưa là cho con ăn mặc đồng loạt _ không biết vì mua nhiều tiết kiệm được chút ít hay vì thích “cúc vạn thọ” ?

 

Mua xong được vải may quần áo thì tôi đã ngửi được mùi chiếc áo mới còn đang nằm ở tiệm may!!!  Ngày ngày đi học về tôi đều phải lượn qua nhà may Thành đầu chợ Vườn Chuối chỉ để ngó vào tiệm dõi xem bà chủ hay các cô thợ may có ai đang cầm đang cắt tấm áo má đã gửi may cho chúng tôi; nhưng tôi luôn thất vọng, năm này qua năm khác, chả bao giờ bắt gặp được món quà Tết của mình đang lúc thành hình.  Đến ngày thử áo, tôi ngõm ngọi đợi chờ, mong sao chóng xong bữa cơm chiều để nhắc má dẫn ra tiệm lấy áo.  Đi bên má tôi thầm cầu sao má hài lòng không bắt thợ sửa đi sửa lại, để tôi được ôm về tấm áo mới mà hít hà.

 

Tấm áo mới, riêng với mũi tôi vẫn còn mang hương vải mới chưa một lần giặt, và dường như thoảng chút mùi phấn vạch, dù tôi vẫn cho rằng phấn thợ may chả có mùi gì.  Tôi sung sướng đặt gói áo bên cạnh lúc ngủ, vì ngày mai má sẽ bảo giặt đi cho hết lằn phấn, xem vải có rút không vân vân…  Khi tấm áo đã ủi xong chờ ngày mùng một Tết mới được mặc, dù lòng tôi vẫn rộn ràng nô nức, mùi hương Tết bỗng đã có chút lạt phai. 

 

Mỗi năm qua đi mỗi lạt lẽo.  Bây giờ ở đây, cây trái to dòn ngon mắt mà hương vị chả như xưa, bánh mứt đủ đầy mà hương Tết dường chỉ là hơi gió lạnh, tôi  thèm ước sao cái mùi khói cay nồng năm cũ, tôi thèm mùi vải của tấm áo mới hàng năm.  Hương kỷ niệm hình như chỉ là thứ hương vô hương trong lòng.

 

 

Lưu Na

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 72050)
.. . M ắt thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy là một minh chứng về kiếm tìm và kiến tạo bản sắc của một cây bút. Mười hai tác phẩm của chị đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. Khi dấn bước vào con đường văn chương chữ nghĩa, có lẽ ai cũng mong cho mình sẽ có được bước khởi đầu thuận lợi. Song con đường đến thành công thường luôn chứa đựng nhiều thử thách. Một khi được tôi luyện qua thử thách, mỗi cây bút sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn: “ Có thể vượt qua thế giới lớn lao của loài người, không phải bằng cách tự xóa bỏ mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình ” (R. Tagor)
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 86562)
N hư nhiều người, khi đọc bài “Tìm Thăm Nguyễn Hữu Đang” của Phùng Quán, chúng tôi rất xúc động. Cụ là một người xuất sắc về đủ mọi lãnh vực: văn chương, khoa học, chính trị, thông thạo nhiều thứ tiếng, mà suốt hơn 50 năm qua đã bị đọa đầy đến cùng cực...
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 113968)
Ơ i Hoài Khanh đang còn ở Biên Hoà tóc bạc phơ nhớ đêm giáng sinh nào lên Đà Lạt thăm Thiện Ơi Hoàng trúc Ly khuất mặt những câu thơ Thiện ngợi ca bởi Thiện là thi sĩ là hoạ sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (7) Thiện đã về Thiện đã tới.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 95991)
N hà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời vào ngày 8 tháng 3 tức thứ ba vừa qua tại Houston Texas, hưởng thọ 71 tuổi, theo Cáo bạch của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 91138)
G iấc mơ thổ kể chuyện một lũ người hoá điên vì ám ảnh quá khứ. Quá khứ ở trong mọi ý nghĩ, đè nặng lên từng số phận. Quá khứ hằn dấu lên ngôn ngữ, trong những lời nói đã trở thành thói quen, được phát ra như những khẩu hiệu trơ cứng, như trong câu của Quý với Vĩnh lúc đi săn rồng “ Khẩn trương lên giặc lái đến bây giờ ”. Quá khứ ở trong từng thức ăn, đồ uống, trong giải trí, trong thịt rồng, tim phượng, trong “rượu Armagnac Marquis de Caussade, đóng chai năm 71” , và trong “trận World Cup của năm 66” .
10 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 94031)
... T iếng khóc thút thít hiền lành. Tiếng khóc của Toàn thời thơ ấu. Cánh cửa sổ mở rộng, không có chút nắng nào. Tôi nhìn bầu trời, màu trời đục lờ lợ. Đột nhiên tôi nhớ lại tất cả, nhớ từng chi tiết thật kỹ càng. Nhớ từ lúc đặt chân xuống thuyền vượt biên gặp hải tặc cho đến lúc Toàn hãm tôi mới đây. Nhớ cả câu nói của người lính thủy bị bắn. Nhưng mà... Trời ơi! Chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi còn ở Vũng Tàu hôm qua kia mà! Tôi gục xuống, Toàn quay lại mặt đầy thẹo. Vết thẹo. Trời ơi, buổi sáng.
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 97853)
... Ở đây các nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải dành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho con người...
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 119142)
Thiên nhiên vừa khe khẽ đặt xuống con như viên sỏi trắng tinh khôi trên bãi cát bình an ấm áp viên sỏi cười với ánh mặt trời
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 90140)
Hư cấu trên năm, bẩy mảnh đời cóp nhặt tạo ra những nhân vật của truyện ngắn này. Chúng không là những người bằng xương bằng thịt, tức có thật, hoặc tưởng là mình có thật, kể cả (và nhất là) nhân vật mang danh xưng Tôi trong truyện. Tôi, phần não phải, nơi điều hành tâm và tình, trong truyện này mâu thuẫn với phần não trái, nhân vật tên Th, mang chức năng sai khiến lý tính. Khi mâu thuẫn biện chứng - lý và tình - bế tắc, thực tại mang tính định mệnh, một loại tổng hợp mang nét ngẫu nhiên, có người cho đó chính là chữ Duyên trong Phật pháp. Tác giả nói quanh, xin lỗi bạn. Có lẽ bạn muốn xem hắn kể chuyện thế nào cho thành truyện, thời giờ đâu mà viển vông.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 97303)
Ở Trung Quốc, màu đỏ có thể được nhìn như màu trắng. Hoặc không màu? Khi mà tất thảy đều mang sắc đỏ, con người ta bị mù màu tạm thời. Nhìn cái gì cũng thấy xanh biếc. Trong veo. Chẳng biết vì sao trâu bò thường rất căm ghét màu đỏ? Trăn cũng vậy? Nó có thấy trong veo và xanh biếc? Không giống với môi trường mà nó đang sống? Phải liều chết tranh đấu với con người để tìm lại chỗ của mình? Đấu bò? Có lẽ vì thế Trung Quốc không thể chơi môn thể thao này? Nhưng mặc áo đỏ ở Trung Quốc? Chẳng làm ai bận tâm. Chỉ như quả ớt chín ném thêm vào hũ tương ớt.