- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Khoảng Cuối Thời Gian

25 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 121825)
trangthanhtruc_0_300x218_11.

Đợi thằng bồ Tây hôn hít xong, khi cánh cửa vừa cài trên cài dưới cẩn thận xong, cô mang xấp thư tình ra xếp thành ba xứ sở khác nhau: Mỹ một bên, Gia Nã Đại một bên, Úc một bên. Lòng cô háo hức chụp giật. Phải đi thôi! Đã đến lúc cô cần phải vượt biên, vượt biển, tìm một bờ vai nào đó nương tựa. Ở lại Pháp, không sớm thì muộn mọi ước mơ sẽ dìm cô chết mất vì nản. Càng lúc ý định thoát ly trong lòng cô càng lớn mạnh. Cô không thể ngồi yên ngóng mãi một tương lai sương mù trong cái thành phố cổ tích này lâu hơn nữa. Cũng bao nhiêu đó quán cà phê vỉa hè, những chuyến métro đi về chen lấn ngộp ngạt hơi người và cũng bấy nhiêu bộ mặt văn nghệ quen thuộc. Chán! Từ một chữ chán thắp lên trong lòng cô hành động bỏ đi tích cực hơn bao giờ hết.

Cô học đàn chứ không học nhạc. Nghĩa là cô đàn nghe cũng được, nhưng khi bàn về nhạc lý thì cô không hiểu gì mấy. Cô chuyển sang đặt nhạc. Vị trí thay đổi ngay. Người ta tặng thêm cho cô hai chữ sáng tác, sau cái danh nhạc sĩ. Ban đầu nghe không quen tai, về sau, nghe mãi cũng vẫn chưa hết ngại ngùng. "Người sáng tác nhạc", thôi thì cứ nhận vậy đi!

Nếu đã đóng vai trò một người sáng tác thì không thể nào ở mãi một nơi. Dừng chân, cùng ý nghĩa với bế tắt, chôn vùi. Thật bất công hết sức nếu kêu cô hãy bước lên chiếc ghe nhỏ mà chèo thay vì nắm lấy tay cô, đưa đón cô lên con tàu đình đám chạy ra biển. Chốn nào lại không có sóng gió chứ. Nhưng thà biết một chút sóng gió để có cơ hội lớn còn hơn bơi mòn mõi trong con lạch tối mù. Cô còn quá trẻ. Còn trẻ là còn đam mê và ước mơ. Hơn hết, qua ánh mắt bạn bè xung quanh cho phép cô cảm nhận được một điều, cô là người biết giao tế. Bên ngoài song cửa cuộc đời nếu kém phần giao tế thì tình trường như chiến trường. Cô suy nghĩ thêm, chút bối rối trên con mắt đôi khi cũng là vũ khí lợi hại để dành tặng cho đối phương. Một tiếng than thở nhỏ thì lẽ nào không động lòng trái tim ai sao? Cô thấy thích thú và tự tin ở những điều vừa nghĩ như thế. Chưa hết, là phụ nữ cần phải có: nữ tính và cá tính. Thiếu một trong hai điều này đời sống như ly cà phê nguội thiếu đường. Không tin nhìn lại xem thì biết, bao nhiêu bão tố cuồng phong quét sạch quét gọn các thành phố lớn đều mang tên phụ nữ đó thấy không!

Mùa hè vừa qua ở Pháp nóng cực kỳ. Mùa hè nóng thì cũng cho là được đi nhưng bây giờ trời đã cuối tháng 10 mà mùa hè vẫn còn thấp thoáng sau lưng. 

2.

"Cái bà này, đã hai mặt con mà còn nghĩ đến chuyện li dị."
Cô ngập ngừng, lấp lững câu nói với người phụ nữ ở căn hộ cách phòng cô hai căn. Nhưng những ngón tay cô lại vô tình vắt mạnh thêm miếng chanh cho ly nước lã bỗng dưng chua chát.
"Ngoài 30, lỡ cỡ hết rồi. Li dị rồi, làm sao lấy chồng?
"Bộ li dị là để lấy chồng à?"
"Chứ sao không?"
"Đàn ông phải điên lắm mới ham rước về một người đàn bà ôm theo hai đứa con riêng của người khác làm của"
"Thì bởi vậy tui mới nói là, bà đã ngoài 30 mà còn nghĩ đến chuyện li dị làm chi"
 Rồi cô chì chiết thêm:
"Không có con thì còn họa may tính đến chuyện lấy chồng!"
"Vậy à ..." 
Thuốc lá đâu? Tự dưng thèm thuốc quá. Trời ơi, hy vọng đừng có quên không mang theo. Cô lục trong túi áo, lục trong giỏ sách. À, nó đây rồi. Ngón tay cô chạm đến cái bao giấy hình chữ nhật dưới đáy giỏ.

3.

Hôm qua trước khi rời khỏi nhà, thằng bồ Tây còn xoay mặt cô lại hôn lên chiếc mủi be bé một nụ thật dài. Da thịt hắn gắn liền với Miracle của Lancôme. Mọi khi cái mùi này quyến rũ cô lắm nhưng sao hôm nay cô cảm thấy khó chịu.
"Anh có công chuyện phải đi ra ngoài, em ở nhà không buồn thật à?"
Cô dịu dàng gật đầu. Cái dịu dàng dễ pha mầu nóng hết sức! Hắn siết cô chặt hơn.
 "Vậy em mệt thì ngủ một giấc cho khỏe nhé? Đừng ngủ nhiều quá, rồi quên luôn anh nghe ...".
Hắn xúc động nhìn cô. Cái dáng dấp nhỏ nhắn mà hắn đang ôm ấp dư sức nghiền nát trái tim hắn lúc nào không hay. Nụ hôn lan xuống khóe miệng. Nụ hôn mời mọc trên môi.
 "Em nhớ cài cửa cẩn thận nhé, anh đi nghe ... ".
 Hắn tiếc một ngày mới dễ thương như thế này mà lại phải lái nguyên đoạn đường dài không có bàn tay ấm áp của cô cạnh bên.
"Cài cửa đi em, người thương ...".
Cô đợi tiếng thang máy lên, đợi cánh cửa thang máy khép lại, đợi tiếng thang máy đưa hắn trở xuống, rồi mới cài then trên cài then dưới như lời dặn dò.
(Đây là đoạn phim tài liệu được ghi chép cẩn thận trong hồ sơ tình nhân với lời ghi chú như sau: "Hai diễn viên đã rất thành công khi nhập vào vai diễn của mình")
Nhưng chuyện hiện tại là chuyện hiện tại. Hắn về thật muộn. Lẳng lặng đặt trên chiếc bàn nhỏ, ngay phía cô nằm, nguyên cây thuốc Marlboro mầu huyết dụ. Hắn không muốn làm cô giật mình nhưng hắn thèm yêu cô ngay vào cái giờ chờn vờn sáng này quá . Bên ngoài mưa đang rơi từng giọt mà cô chẳng hề hay biết. Giữa bóng tối chập chùng và ánh sáng bỏ quên trên màn truyền hình, gương mặt cô thật thiên thần. Làm sao hắn có thể vào ra để làm cô không khỏi giật mình. Hắn xoa xoa hai bàn tay, cố hâm nóng những ngón tay cho bớt lạnh. Hắn sợ làm cô hốt hoảng khi những ngón tay dễ thương không biết ngừng nghỉ dưới lớp áo cô đang khoác. Hắn sợ đủ điều.
Nhưng hắn cố gắng tin tưởng, thuốc lá còn, tình yêu sẽ còn ! Thứ gì thiếu chứ thuốc lá thì không thể thiếu được khi cả hai đều chối bỏ động từ: cai thuốc. Đói, có thể ôm nhau ngủ vùi cho bao tử dằn cơn cồn cào. Thuốc lá thiếu là những sợi giây thần kinh đình trệ ngay. 

4.

 "Nhà có lon Coca nào không bà?"
"Có. Nhưng mới bỏ vào tủ lạnh thôi. Uống tạm nghe?"
"Có là tốt rồi. Cho tui nợ một lon nhé"
"Tự nhiên"
Một điếu thuốc, một Coca, cô rít hơi dài rồi gạt tạt thuốc ngay trong bồn rửa chén. 
"Năm tới tui tính ra thêm CD mới đó bà"
"Chà, ngon lành quá ta. Thu xong hết rồi hả?"
"Chưa xong gì đâu! Còn phải viết thêm mấy bài nữa mới đủ thành một CD. Rồi còn phải đưa cho người ta hòa âm, rồi còn phải o bế dỗ ngọt ca sĩ hát nghe cho được được một chút. Mệt!"
"Khó khăn vậy à?"
"Ừ"
"Biết nói ừ, vậy sao bà làm chi?"
"Làm chi gì?"
"Làm CD đó. Bà mới vừa than khó khăn dữ lắm đó "
"Cái bà này, nói chuyện đúng là… " 

Lầu cuối của dãy nhà ba mươi tầng có hết thẩy ba căn hộ người Việt Nam. Đó là căn hộ của cô, căn hộ của cái bà làm "neo", và gia đình thứ ba là "người đàn bà đã hai mặt con còn tính chuyện li dị". 


5.

Trong ba Đệ Tam Quốc Gia hôm trước cô hoạch định chương trình vượt biên, vượt biển để thoát ly, cô vừa dẹp xứ Úc sang một bên rồi. Không phải cô có thành kiến gì về cái nước có nuôi nhiều con đại thử mà chỉ ngại mỗi một điều là đường bay quá dài. Từ Pháp sang Úc phải mất ít nhất hơn 22 tiếng. Coi như mất gần một ngày trời. Một đường bay dài mà người ta cấm tuyệt đối không được châm thuốc hút thì không thể nào chấp nhận một cách thuận thảo được!

Bây giờ còn lại Gia Nã Đại và Mỹ. Theo đường chim bay, nếu như cô lựa Vancouver của Gia Nã Đại thì cô cũng nên chọn Seattle của Mỹ cho có vẻ hợp tình. Nhưng câu hỏi quan trọng là trong máy vi tính của cô từ bấy lâu nay những anh hùng hảo hán nào được cô đặc biệt chú ý, tìm hiểu, chọn lọc. Ai? Ai sẽ là người thật lòng chờ đón cô đến, ai sẽ là người biết ưu tư lắng nghe tấm lòng cô, và ai sẽ là người có bản lãnh để giữ đôi chân cô lại?

Hay tất cả chỉ là cái tình ảo vui chơi giả tạo mà chính cô cũng đang bị mù quáng rủ rê.

6.

"Bà biết không, có bồ Tây khổ lắm đó bà?"
"Sao khổ?"
"Tối hôm qua nhà hết cà phê tui sai nó đi mua dùm. Nó nói tuần trước nó mua rồi, tuần này đến phiên tui đi xuống tiệm Rệp mà mua đi!"
"Vậy là công bằng"
Người đàn bà, "Ngoài 30, lỡ cỡ hết rồi. Li dị rồi làm sao lấy chồng" đó, cười. Im lặng được một lát tự dưng lại nhớ đến chuyện vượt biển xa lắc nào:
"Bà biết không, lúc ở trên đảo đó trừ những người may mắn có thân nhân bảo lãnh cho đi định cư sớm, số còn lại nằm chờ Mỹ hốt rác thấy mồ đi!"
"Rồi sao nữa?"
"Có người được tàu Hoà Lan vớt, được phái đoàn Hoà Lan mời lên phỏng vấn mà nhất định xin từ chối để chờ Mỹ hốt rác đó bà"
"Thế à?"
"Lúc ở trên đảo ai cũng mong được đi Mỹ hết á"
Cô cười lớn, lòng hân hoan như trẩy hội:
"Trong số đó ngày hôm nay bà nhớ tính thêm tui nữa nghe"
"Tại bà chưa ra ngoại quốc lần nào, chưa đi máy bay khác nào khác trừ chuyến bay đưa bà từ Việt Nam sang Pháp nên bà không biết. Mỹ hả, bà nên đi chơi thôi, chứ đừng ở lại"
"Tại sao?"
"Bà cứ nhớ lời tui nói vậy đi. Hỏi tại sao tại siếc hoài !" 

7.

 "Mình làm tình nhé em?"
 "Đợi em tắm đã".

 Cô rời vội vã vòng tay của hắn. Cô bước vào phòng tắm, với theo cái đồ cắt móng tay rồi chậm rãi đứng khều mấy cái móng bị dính đất hồi trưa gọt khoai lang ra cho sạch. Cô không buồn nghe tiếng nước trong bồn chảy xối xả, nhưng cô lại nhớ cho vào trong cái bồn ấy vài giọt nước hoa hồng thơm ngất ngây. Cô nhẩn nha xếp cái khăn lông làm chiếc gối nhỏ để tựa đầu. Cô bình thản mở cuốn "Faire l'amour" của Jean-Philippe Toussaint ra đọc tiếp. Cái bà láng giềng này, thiệt tình! "Đã hai mặt con mà còn nghĩ đến chuyện li dị", dám vào thư viện chọn cuốn này mượn đọc là bả cũng gan cùng mình. Không phải gan là vì đọc "Làm Tình", (cuốn tiểu thuyết có cái tựa đáng ngại), mà là khi mượn sách phải xếp thành một hàng dài qua bao con mắt liếc ngang liếc dọc, đọc lén tựa sách của nhau đó mà. Hỏi lý do, bà ấy tỉnh bơ:

"Cái tựa, đôi khi chỉ là một kế hoạch bán buôn. Tui tò mò muốn biết các trang sách ấy có đúng như cái tựa tác giả viết hay không. Điều thứ nhì, khi không trời xui đất khiến đưa tui đến cái kệ sách có vần T. Tui có bao giờ đọc các tác phẩm của nhà văn này đâu bà. Ổng đối với tui lạ hoắc hà. Điều thứ ba, hình như cuốn tiểu thuyết được chiếu cố nên có nhiều người mượn đọc lắm. Tui để ý thấy các trang sách có vẻ thụng ra. Thì phải có nhiều tay chuyền nhau đọc lắm trang sách mới phùng phình ra như thế. Nhưng thật ra có nhiều đọc giả cũng chưa đủ kết luận là hay. Muốn xác nhận được chính xác hay hoặc không hay, cách duy nhất là tự mình mượn về đọc thôi".

Cô rời khỏi phòng tắm khi người đọc tin tức đang chào tạm biệt và chúc mọi người một đêm an lành.

Trên tấm nệm, hắn nằm ngủ thật hiền. Cô tắt truyền hình, rồi bước lẹ ra ngoài. Cô ngại hắn thức giấc sẽ níu tay cô lại. Cô ngại ánh mắt chân thành của hắn làm chùn lối cô đi. Cô ngại thật - bắt đầu từ giây phút này cho đến khi hắn thức dậy - không biết cô có đủ thời gian để tìm ra đoạn nhạc mở đầu nào đó vừa có thể xin thứ tha, vừa có thể phải dỗ dành, thay cho lời chia tay hay không?

t r a n g t h a n h t r u c

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86869)
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89785)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75439)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103511)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86932)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92440)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109069)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84164)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83206)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75533)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.