- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mộ Hoang

22 Tháng Chín 20141:40 SA(Xem: 33457)


MO HOANG

2014

Không gì mau giàu bằng buôn bán mộ phần. Giọng đàn ông lải nhải như tranh cãi và thuyết phục. Gió từ đâu giật mạnh. Cát mịn tung trắng nghĩa địa. Thời gian trôi. Ký ức trôi. Chỉ vẹo đất trắng này vẫn vậy. Một bóng người tha thẩn đếm từng tấm bia. Bóng dừng lại trước ngôi mộ có vẻ lâu ngày vắng chủ. Cỏ mọc tràn lên cả nấm mộ. Tường xi măng rệu rã, lộ cả đất bên trong. Bóng thào thào đọc chính tên mình trên bia. Đặng Long tạ thế năm 1969. Cha mẹ đồng phụng lập. Hai giọng đàn ông ồ ồ lần lượt cất lên. Đặng Long vấn đáp Đặng Lân. Đã bốn mươi lăm năm. Bốn mươi lăm lần tiết thanh minh có mấy lần chạp mộ. Cơn gió nồng khác lại đến. Hàng phi lao run rẩy dưới ánh trăng. Loáng thoáng hai dấu giày hằn rõ trên cát. Đặng Lân bật dậy, hú xé màn đêm như con sói cô độc. Xẻng và đá dội lên không trung những âm thanh khô khốc. Lân điên dại, hoang dã…đào mộ. Thúy hốt hoảng chạy đến, dừng tay anh… Nhìn tấm bia, rùng mình, Lân nhớ năm Kỷ Dậu.

1969

 Mẹ chuyển dạ. Song thai. Cha và chú gánh mẹ băng làng về huyện. Nhịp chân vồn vã theo tiếng súng cùm cắc. Người chết đầy đường. Cuộc chiến đang leo thang. Họ men theo đường tắt, tránh xa cái chết, giành giật sự sống, nhưng tiếng súng vẫn không buông tha. Họ băng trên hòa bình mà đi. Hòa bình không còn máu và xác người. Nghịch lý, máu và xác chết mang hòa bình về. Tiếng súng đã ngăn một mầm sống. Một thai chết trong bụng mẹ. Thượng đế chỉ chọn một người. Đặng Lân khóc thét và tồn tại.

2014

 Ba trưởng lão họ Đặng, Phạm, Lê trố mắt, vểnh tai nghe tay trưởng dự án thao thao bất tuyệt về nghĩa địa Thiên Hà. Một kẻ không cao, dư kí, vòng bụng dài hơn chân, nhưng lời tuôn ra chắc nịch như khắc vào đá. Gã tên Tiền họ Đồng.

- Dù nước sông có chảy ngược dòng, mồ mả tất tần tật phải dời khỏi nghĩa địa làng vào cuối tháng.

- Nếu không di dời. Trưởng lão Đặng dè dặt hỏi. Tiền chưa kịp trả lời, lão khẳng khái. Tôi quyết không dời mộ cụ tổ. Nếu anh dời, nhớ gọi tôi ra nhặt hài cốt.

- Chính tôi sẽ giúp quí vị dời mộ qua làng bên. Tiền đền bù chắc hao hụt đôi chút.  Trên mảnh đất này, sẽ xây một nghĩa địa bề thế đúng tiêu chuẩn quốc tế. Các trưởng lão được bồi thường một gang tay xấp tiền toàn bạc năm trăm ngàn.

Câu này gã lên giọng đột ngột. Ba ông già nín thở. Vài tiếng lao nhao, nhiều, khiếp. Gã tiếp.

- Đồng tiền phải hiếp đồng tiền đẻ ra lợi nhuận. Tôi hứa cấp cho ba lão miếng đất đẹp nhất để dành hậu sự.

Trưởng lão Đặng quay lại chì chiết Lân. Chính Lân đã kéo Đồng Tiền về làng phát triển dự án Thiên Hà. Dòng họ Đặng phất lên như diều, chắc chắn, mộ tổ tiên đã kết. Mộ ông tổ an vị địa thế sơn thủy hữu tình, hổ chầu rồng phục. Phía sau có con sông đào uốn quanh. Phía trước, ba ngọn đồi ẩn hiện sau hàng phi lao. Núi nghênh thủy, thủy in bóng núi. Đất tốt. Dời mộ e rằng thất sách. Lân là cổ đông nhỏ, bàn ra chẳng ai nghe. Một mét tới đất mộ giá hàng chục triệu. Lân hiểu. Thời buổi này kẻ ngu mới bỏ tiền đầu tư xây nhà, xây chung cư. Kinh tế suy thoái. Nhà cửa đóng băng. Cứ đất nghĩa địa mà làm.

1996

Chỉ tấm bằng kinh tế lận lưng, Lân vẫn có ma lực hút tiền làm giàu. Kinh doanh quan trọng mưu, đón đầu, quan hệ. Bạn bè sốc khi Lân hỏi. Có thằng nào tốt nghiệp kinh tế bằng đỏ mà giàu? Thúy không thoát được vòng ma lực ấy. Thúy vẫn mê Lân dù tính cách chàng hơi quái. Lân thất thường, thay đổi như sắc da kỳ nhông. Tự tin, lo lắng, tự kỷ, bất an. Trầm lặng người lớn tuổi, nhí nhảnh bốc đồng trẻ con, bạo dạn như sếp. Loạt tính từ vẽ nên bức tranh toàn cảnh về Lân. Một tập hợp hỗn mang mà Thúy ngỡ ngàng từ ngày cưới. Hai vợ chồng đã mòn gót chân các phòng mạch bác sĩ trong phố. Uống hết mấy lọ thuốc trầm cảm mà vẫn không khỏe. Lân biết rõ mười mươi mình không thể bị trầm cảm. Thúy đùa anh mắc bệnh thời cuộc theo giá nhà đất èo uột.

2014

Lắm kẻ giàu có ngắm nghía vẹo đất trắng nghĩa địa này. Trưởng lão Đặng chép miệng. Về phong thủy, đất làng ta còn đẹp hơn cả đất Kim Long của triều Nguyễn. Lân ở phố, làng cách phố chỉ ba mươi phút xe hơi, năm khi mười họa mới về làng ăn giỗ. Lân chỉ biết hai ngôi mộ: Đặng Long- anh em sinh đôi và Đặng Bân-quan võ duy nhất của dòng họ. Già gần xuống lỗ, trưởng lão Đặng chẳng mê tiền. Chỉ sợ có tội với tổ tiên.

- Giấy phép đã ký. Tiền bồi thường đã duyệt. Đồng Tiền gằn giọng.

- Tiền, mày nhớ ngày xưa lão cứu bố mày khỏi chết đuối không? Trưởng lão Phạm mớm lời, năn nỉ.

-Chuyện bố chuyện con, khác nhau lão ạ. Tiền cười nhạt.

Trưởng lão Lê e hèm… nhận bồi thường. Họ Lê làng này cả đời làm nông, chẳng vị nào học cao. Trong túi lúc nào cũng đầy đất, làm quái gì có tiền. Nay tiền về, sao phải chối từ. Lão giật phắt xấp tiền từ Đồng Tiền, ký cái rẹt. Rồi lia mắt nhìn trưởng lão Đặng khinh khỉnh.

Một giọng nói người già ồ ồ cất lên. Dân làng ngơ ngác. Hôm nay giọng thằng Lân lạ quá. Chắc nó bệnh. Lân nhìn xuyên qua Đồng Tiền. Cái nhìn vô định không quen biết. Lân chém mạnh tay lên mặt bàn gỗ mốc thếch. Phản đối. Tiền bồi thường quá thấp. Nhất định họ Đặng không di dời mộ. Đầu cuộc họp Lân hô hào họ Đặng di dời mộ. Nay phản đối. Bà con xì xào. Thành viên của ban dự án đó. Trưởng lão Đặng phì cười. Cái thằng ba phải. Cả họ Đặng ùa lên như cơn lũ quét ban dự án chạy tán loạn. Lão Đặng xĩa cây gậy vào mặt Tiền. Mắng. Mày đừng hòng bán tổ tiên. Dân làng lục tục biến. Còn lại Đồng Tiền chơ vơ với đống tiền.

Rời cuộc họp, hai ông cháu tha thẩn hai hướng khác nhau. Lân lang thang ra bãi tha ma còn lão sờ từng gốc cây, nghía từng bến nước. Lân từng học chung cấp ba với Tiền ở huyện. Tiền ở làng bên, làng trũng nghèo. Nghịch lý, gia đình Tiền giàu ngầm, bố làm thủ kho. Nhưng Tiền không thích kiểu có tiền như bố. Chẳng quang minh chính đại gì. Tiền thường bảo Lân, phải giàu mày ạ. Họ Đặng nhà mày mang tiếng học cao mà chưa giàu. Phí. Tiền bĩu môi. Nói dóc mãi cũng chán, hai thằng ra nghĩa địa bắt kỳ nhông. Một lão già da vàng cháy, râu bạc dài phủ rốn, vai quẩy bị sách, bước thấp bước cao, lè nhè chào hai đứa.

- Lão là ai, sao lạc bước chốn tha ma. Tiền cung kính hỏi.

- À, lão…mê thơ, thơ thẩn, khổ thế này. Hai đứa có rượu không?

- Nếu có, đổi lại cháu được gì.

- Lão biết được tương lai.

- Được đó, mong cụ xem cháu có giàu không.

Lão nhắm mắt, thè lưỡi tận đáy ly rượu hạt mít, hút thật mạnh. Ly rượu trống rỗng. Hai đứa tái mặt. Ở đời, chắc không có kẻ thứ hai hút rượu bằng lưỡi. Lão thò tay vào bị sách, mắt nhắm nghiền, khoắng ra một cuốn sách điển tích xưa cũ sờn gáy. Lão bảo Tiền lật ngẫu nhiên một trang sách, đọc lên cho lão đoán.

“ Thời xa xưa ở phương bắc, thịt người rất cao giá. Vua, quan lại thích ăn. Thiên hạ canh chừng giết lẫn nhau. Anh chàng nọ nhà nghèo, sức yếu, chẳng thịt được ai. Mẹ già đã chín mươi bảo con trai. Ta già lắm rồi, sống cũng như thác. Con cứ lấy thịt ta mà bán kiếm tiền. Anh con trai lặng lẽ làm thịt mẹ đem bán. Rồi xây lăng to đùng ngày ngày thắp hương khấn vái khóc thương. Thiên hạ khen anh ta có hiếu, nhắc con cháu lấy gương đó mà soi”.

- Số con sau này rất giàu. Tướng ngũ đoản mà, nhưng nghiệp lại vướng víu xác người. Lão nhà thơ nhắm mắt, vuốt râu bẩn, gãi rốn, phán.

- Vậy phải giết…Tiền ngập ngừng…

- Cháu dại quá. Ý ta, công việc của cháu liên quan đến người chết như ma chay ,mồ mả chẳng hạn.

Lão nhà thơ vẫn nhắm mắt bỏ đi. Bụi nắng vàng tung tóe khét lẹt dưới mỗi bước chân. Nghĩ chuyện thịt người, Lân lè lưỡi, tao chịu, không dám. Đồng Tiền im lặng, gật đầu khoái trá.

Trưởng lão Đặng tê tái. Ngồi thịch dưới gốc cây đa đầu làng, lão thẫn thờ nghĩ vẩn vơ. Không thể không di dời mộ. Nhìn giấy phép với con dấu đỏ loét đỏ lòm, phận dân đen đã chết khiếp. Đành răm rắp theo lời những kẻ giàu mua đất. Sang năm tết thanh minh, có lẽ, lão phải đạp xe lốc cốc qua làng khác chạp mộ. Mà lão cũng chưa biết dời mộ tổ tiên đi đâu. Đất làng bên trũng, mảnh đất chó ỉa như các cụ thường gọi. Lão không dại đem thân xác tổ tiên ngâm nước phèn. Cây đa, bến nước, sân đình còn đó, nhưng nghĩa địa làng không còn. Lão thấy mất mát phần tâm linh. Không được thờ phụng tổ tiên trong mảnh đất cha ông ngàn đời nay. Tủi. Lão nhìn xéo qua chiếc cầu gỗ sơn đỏ bắt ngang con sông đào. Tổ tiên họ Đặng kiến tạo tất cả trong những ngày đầu lập nghiệp ở làng này. Họ Đặng tạo nên mảnh đất phong thủy. Cuối cùng, vì phong thủy, mộ tổ tiên không được an táng trong làng. Mai mốt, ngang nghĩa địa Thiên Hà, chỉ thấy người dưng. Buồn. Đau còn hơn bị trục xuất ra khỏi làng.

Trưởng lão Lê quên lời hứa. Trưa qua khề khà mấy ly cuốc lủi, ba lão cùng thề không dời mộ đến cùng. Thế mà…Lâu nay hai họ Đặng, Lê chẳng thích nhau. Mỗi dịp cúng đình làng. Họ Lê ít chữ đành lo giết bò, mổ heo, dựng rạp, lui cui dưới bếp. Họ Đặng chữ nghĩa tinh thông chỉ lo cúng tế, rồi rung đùi mâm trên cổ đầy. Thuở nhỏ, ngay con sông này, hai lão Đặng Lê hay chơi trò ngụp lặn. Lần nào lão Lê cũng uống nước đầy bụng phải bỏ cơm. Chẳng qua lão Đặng già hơn Lê năm tuổi, đủ trí khôn để ngậm ống nhựa lặn lâu hơn. Lão thấy một nhành cây khô trôi trên sông, vướng mắc đám bèo, xoay vòng vòng. Cuối cùng, nhánh cây vẫn trôi theo dòng chảy. Lão thở dài. Lão xoạc chân muốn đo đất với trời. Bệnh thấp khớp làm lão nhăn nhó. Thời trẻ, hơn năm tuổi là lợi thế. Về già, hơn năm tuổi lại thất thế. Lão biết lão chẳng làm được gì. Trong mắt bọn trẻ, lão hâm.

Gió mát. Lão thấy lão đang bay tận chín tầng mây. Trước bụng lão mang một bình sứ to chứa tro cốt tổ tiên. Lão bay đến miền xa xăm. Chẳng có cách nào phản kháng bọn nhà giàu đầy ắp dự án nghĩa địa, ngoài cách bỏ làng mà đi. Lão mơ.

2012

Bệnh Lân trầm trọng. Thức ăn đầy cốp xe, nhưng Lân không hề nhớ mình đã đi chợ. Thúy đưa chồng đến bác sĩ giỏi hơn. Lân lọt thỏm trong căn phòng trắng toát. Bác sĩ trầm ngâm nuốt từng lời kể phận đời bạc bẽo của Lân.

1976

Năm ấy trời mưa dồn dập. Nước thượng nguồn ùa về tàn nhẫn. Lụt. Nước giăng giăng tứ bề. Rác, cặn bã xã hội ngập đầy. Cả nhà Lân trôi vô hướng trên chiếc bè (kết cục) như thuyền Noah trong kinh thánh. Lụt thành lũ. Bè vỡ. Chỉ mình Lân còn sống với một túi gạo ẩm. Cứ thế Lân trôi theo sông, theo dòng đời bầm dập.  

Rồi năm năm ở đợ. Những trận đòn của bọn tự xưng ông chủ làm Lân lầm lì co rút trong vỏ ốc. Vết hằn ngang dọc như tấm bản đồ ma mị trên lưng. Di chứng tinh thần suốt đời ám ảnh Lân. Đôi khi Lân tồn tại trong thân thể nhưng Lân không còn là Lân. Lân không kiểm soát được Lân. Lân lặng lẽ ngắm bản thân, quan sát tâm trạng của một kẻ mang tên Lân. Lân xòe bàn tay sần sùi chai sạn. Biết bàn tay ấy nhưng Lân không có cảm giác tay mình đang sờ vạn vật. Chàng tự xẻ thân thành trăm mảnh. Gắng tìm mảnh nào hoàn hảo nhất mà đứng dậy. Nhút nhát nhưng Lân học giỏi. Lân nhỏ nhẹ như con thỏ, đôi khi hung dữ như chúa sơn lâm.

2012

Cảm thông qua đôi kính cận dày, bác sĩ nhẹ nhàng hỏi Lân. Anh có bao giờ nghe bệnh rối loạn đa nhân cách chưa? Bác sĩ mở cửa đưa Lân qua phòng khác. Lại căn phòng trắng. Phòng khám này toàn những căn phòng trắng kết dính nhau. Phép chữa bệnh thôi miên sẵn sàng. Cứ tưởng tượng anh đang đi, đi mãi xuyên qua các căn phòng đến cõi vô tận. Bác sĩ nói. Cuối phòng chững lại cánh cửa màu vàng. Cứ đi tiếp nhé. Lân rùng mình, người co cứng, ngồi khép nép chân. Giọng nói trong trẻo vang lên. Bác sĩ hỏi anh là ai. Giọng trẻ con trả lời. Tôi là Đặng Long. Người anh em sinh đôi với Lân. Chúng tôi sinh đôi khác trứng. Lân là em. Tại sao anh muốn điều khiển Lân? Không, tôi chỉ muốn bù đắp tình anh em. Tôi không muốn Lân bị ruồng bỏ. Tôi sẽ chia tình máu mủ, tình người. Bác sĩ muốn nói chuyện với Lân. Long từ chối. Lân cần nghỉ ngơi. Bác sĩ hỏi dồn dập. Ngoài Long ra còn ai bảo vệ Lân nữa không? Long nhát gừng. Không phải việc của bác sĩ. Tại sao tôi phải trả lời. Bác sĩ đổi giọng. Tôi cũng bảo vệ Lân. Giọng trong trẻo của Long thoắt biến thành giọng ồ ồ. Bác sĩ hỏi tiếp. Ông là ai? Vẫn giọng người già ồ ồ ấy. Ta là quan võ Đặng Bân triều Nguyễn, họ Đặng trao quyền cho ta bảo vệ cháu Đặng Lân. Hãy để Lân tồn tại trong bình yên. Lân đi lại hiên ngang trong phòng khám, hai tay khuỳnh khuỳnh như con nhà võ. Rùng mình, Lân trở lại con người thật. Mệt mỏi và không nhớ gì hết.

2014

Đồng Tiền cao giọng. Làm gì có mộ kết trong nghĩa địa này. Các lão cứ vô tư dời mộ. Mắt Lân mở lao tháo đến tận hai giờ sáng. Không hiểu tay Tiền ý gì. Chỉ có tiền mới điều khiển được Tiền. Lân nhớ rõ lời tiên tri năm xưa của lão nhà thơ trong bãi tha ma. Lân trở mình, đêm nay khó ngủ. Tiếng ễnh ương uôm uộp đêm vắng nghe não lòng. Vài giọt mưa đồm độp rơi trên lá môn bên hè như kéo thời gian ra vô tận. Lân bật dậy, lặng lẽ xuống bếp chuẩn bị mấy chén cơm, trứng luộc, hương đèn, xẻng búa. Cứ thế âm thầm đến nghĩa địa như hồn ma.

Ánh trăng nhễ nhại chảy tràn vùng cát trắng bàng bạc. Dấu tích của đáy biển hàng triệu năm trước. Lân giơ cao chiếc búa tạ đập nát thành mộ. Chiếc búa nhịp nhàng theo quán tính như đang bay. Người bất động, tay cứ vung. Giờ này chỉ có những người hốt cốt mới ra nghĩa địa. Thúy hiểu Lân không đủ dũng khí làm việc này. Lân đang hành động trong nhân cách Đặng Bân. Để vượt qua nổi sợ hãi (di chứng tháng ngày roi vọt ở đợ), Lân xù lông nhím qua vỏ bọc cụ tổ dòng họ Đặng. Giọng già Bân ồ ồ qua cổ họng Lân. Cứ đập, cứ đào. Trước sau gì ta cũng dời mộ. Chi bằng xem thử mộ có kết hay không? Phải nhìn tận mắt. Qua lớp cát trắng, lại lớp cát trắng khác. Nếu mộ kết, đất lớp dưới phải đen, xốp và thơm. Hố đào càng sâu. Lân lọt tỏm dưới hố. Chẳng thấy vốc đất đen nào, toàn cát trắng nhạt nhẽo bạc lòng. Không vết tích gì của xương cốt, gỗ quan tài, quách… Lân ngỡ ngàng, hét lớn. Mộ hoang. Chẳng có gì dưới ngôi mộ hùng vĩ kia. Dù ngôi mộ được mối ùn lên to tướng.

Thúy chạy, miệng hét khản cổ. Lân vẫn đào vô hồn như người máy. Thúy vỗ mạnh vai chàng. Lân rùng mình rồi khụy người dưới huyệt mộ. Thúy dìu Lân về. Trưởng lão Đặng, Phạm giơ cao xẻng, búa dẫn cả làng rồng rắn ra nghĩa địa. Tiếng đập, tiếng đào, tiếng la hét tràn lan. Dân làng ngập tràn vẹo đất trắng. Đèn pin, đèn dầu, ánh sáng lóe điện thoại, đuốc, ánh trăng. Một bức tranh siêu thực. Cả làng òa khóc. Bia còn rành rành nhưng dưới nấm mộ trống rỗng. Trưởng lão Đặng tái mặt. Hay gã Tiền đã di dời tất cả hài cốt sang làng bên. Người chết đi đâu. Hồn ma đâu. Người sống sẽ về đâu khi không còn tổ tiên.

Đứng trước mộ cụ tổ, trưởng lão Đặng khấn vái lào thào trong miệng. Lão hét vang. Mộ chạy chứ không phải mộ hoang. Đào rộng thêm một mét, chếch sang hướng Đông Nam. Những vỉa đất đen dần dần lộ diện. Lão trèo xuống huyệt. Tay run run chạm vào khúc cây lớn chạm trổ tinh vi. Quan tài đây rồi. Lão cười. Người xưa đục cây gỗ quí để chôn cất. Mùi thơm trầm bay là là đáy huyệt. Lão thận trọng mở áo quan. Da thịt cụ tổ Đặng Bân vẫn còn nguyên. Tia nắng đầu ngày ló dạng. Chỉ vài phút sau, áo mão, da thịt người chết biến mất vào không gian. Trơ trọi trong quan tài chỉ còn bộ xương. Lão bật khóc. Ba giọt nước mắt rơi trên hài cốt chuyển thành màu đỏ như máu. Lão kinh hoàng. Xếp đặt tất cả vào áo quan mới. Trưởng lão Đặng dẫn đầu dòng người, khiêng quan tài cụ tổ đi về hướng mặt trời. Đoàn người mất hút trong sắc màu đỏ quạch của bình minh.

 

KẾT

Thúy thức giấc. Nắng mai chiếu thẳng đứng vào mắt. Trời nắng Thúy vẫn thấy lạnh. Nhà lạnh. Người lạnh. Thúy không dậy nổi. Cả người rã rượi vì đêm qua thức trắng ngoài nghĩa địa. Lân không còn nằm bên. Thúy vịn tay vào tường, lần xuống bếp. Bếp lạnh tanh. Mọi người đi đâu hết. Thúy tha thẩn qua nhà bên. Cả làng bốc hơi. Thúy hốt hoảng đi từ đầu làng đến cuối làng. Miệng lẩy bẩy anh Lân ơi. Nhà hoang. Làng hoang. Ngay cả súc vật cũng biến. Không còn dấu vết của sự sống. Không còn tiếng sủa, tiếng ục ịch, tiếng gà gáy. Không còn làn khói rơm thơm ngát mùi cơm trắng.

Thúy hoang mang trở ra nghĩa địa. Đất trắng lổn nhổn, hố đào khắp nơi, cuốc xẻng nằm la liệt như bãi chiến trường. Xa xa Đồng Tiền đang cắt băng khởi công dự án nghĩa địa Thiên Hà. Miệng gã cười toét loét, tay trái vẫy vẫy Thúy. Nàng nhìn tướng ngắn cũn cỡn của Tiền mà cười không nổi. Mười mấy năm trước cả Lân và Tiền đều trồng cây si trước cửa nhà nàng. Ngày ấy giữa hai người đàn ông, nàng đã rất khổ để quyết định chọn Lân. Thúy quay ngoắt. Nụ cười của Tiền tắt vội như sao xẹt trên dãi ngân hà.

Trưởng lão Lê khúm núm đứng bên, tay nâng xẻng cho gã hất nấm đất tượng trưng cho ngày khởi công. Sắc mặt lão Lê hồng hồng sảng khoái. Lão tự nhận mình khôn. Một tay lão âm thầm đắp vài ngôi mộ gió, kiếm thêm tiền đền bù. Lão cũng tâng vài nắm đất khởi công. Nắm đất này chứng kiến họ Lê đứng nhất làng, thay họ Đặng ăn trên ngồi trước trong mâm cỗ.  Nắm đất này chứng giám lão từ nay thành người đại diện dời mộ cho Đồng Tiền. Chà, lão tự sướng, mình phải in danh thiếp thôi.

 Bỗng mây đen tứ phía kéo về. Sấm. Chớp. Mưa nặng hạt rơi từng chùm. Mưa thối đất thối trời. Đám đông lố nhố rồi bỏ chạy tán loạn. Nước mưa tràn cả nghĩa địa. Hàng trăm con kỳ nhông rời khỏi hang, nhìn ngơ ngác, bò tụ tập trên gò cao. Mưa bình địa tất cả. Nghĩa địa như bãi cát trắng phẳng lì đau đớn.

Người không còn, xây nghĩa địa cho ai?

THÁI BẢO

Ý kiến bạn đọc
11 Tháng Mười Một 20149:38 CH
Khách
Toi khong sao dien ta duoc tam trang cua minh khi doc cau truyen nay ,that hap dan ,loi cuon ,voi ngoi but sac ben tac gia Thai Bao mieu ta tu nhan vat ket cau voi noi dung that chu dao hoan chinh ,that la mot tac pham tuyet voi
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89919)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75738)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103821)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87238)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92714)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109349)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84423)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83464)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75783)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80565)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.