- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mặt anh hùng

15 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 33162)

mausac-_nhn-content
 Màu sắc - ảnh Nguyễn Hoàng Nam


Cháu đã nói rồi mà ông không tin, hai cái ông đang đứng trên bục là hai cái ông hôm trước mình gặp ở Hội. Ông nhướng mắt nhìn kỷ rồi quay về đứa cháu trạc mười một mười hai tuổi. Ông cười hề hề mà mắt thì chẳng có vẽ gì là cười cả. Mắt trẻ con sáng lắm nhưng chưa thấy gì đâu… ông nói, cháu ậm ờ nhưng có phần tức tối. Vì nó đã chắc lên đến một trăm phần trăm. Nó khẳng định lại chuyện một lần nữa thì bị ông nó bụm mồm lại. Thôi, trật tự, sắp phát biểu rồi.

Ông ngồi nghiêm trang như bức tượng đồng nguyên thủ. Còn cháu ngó nghiêng liên hồi. Cái bục phong anh hùng mà trang trí không oai tẹo nào cả. Chỉ có mấy cánh sen không thèm phủi bụi che lấy phần dưới bức tượng chân dung đắp thạch cao nhưng đã cáu đùng đục cũng vì bụi. Mấy cái chậu hoa chắc được đặt hôm trước đến hôm nay có phần héo ở cánh mỏng. Nhìn phớt ngang cũng biết được nó đã bị nắng và gió phơn lên. Trên đài, sau lưng hai vị khách đang đứng có băng rôn mầu đỏ với chữ vàng. Có lẽ ăn theo mầu cờ Tổ quốc với mầu hình ngôi sao. Cháu nghĩ thế, và nghĩ lung tung không biết bao nhiêu điều nhưng cuối cùng suy nghĩ ban đầu quay trở lại.

- Hai ông đó hôm đấu võ mồm và đọ sức vóc ở Hội mà ông không tin.

Ông vẫn ngồi im như bức tượng đồng nguyên thủ. Cháu liếc ngang nhìn ông. Ông có vẽ anh hùng chán mà chẳng được phong anh hùng. Cái kháng chiến trường kỳ của đời ông được ghi lại trong một cuốn sách với hai mươi lần nhắc tên ông. Bây giờ cuốn sách đó vẫn nằm ở đầu giường cháu. Tên ông được nhắc vào những trang nào với công trạng gì cháu thuộc lầu lầu hết. Cháu tự hào về ông. Và cháu cũng cảm thấy may mắn vì có ông. Hồi đó, tám tuổi nhưng cháu không thích đi học lại hỏi ông vậy có sao không? Ông nói, không đi học chữ thì còn lâu mới hiểu được những gì ở trong cuốn sách kia. Đó là dạo ông nói với cháu trong sách đó có ông và cháu khư khư giữ lấy. Cho nên nói cháu đi học chữ chỉ để đọc ông thôi cũng đủ. Cái cơ bản là biết biến tấu từ ba mươi hai con chữ và những thanh sắc huyền, hỏi ngã và dấu… Thì hai ông trên bục kia. Học có đến lớp năm mà vui chơi với chữ qua cả chiến tranh lẫn hòa bình. Là tác giả của mười lăm cuốn sách và mấy công trình lý luận phê bình tầm cỡ (gọi tắt ông này là ông L nhé). Không quá nhiều sách nhưng ông đứng kế bên nổi tiếng bởi những bài đinh và tính tình khảng khái. Ông không luồn cúi bao giờ, chỉ mỗi điều luồn vào cái chửi tục (gọi tạm ông này là ông K). Thì đó, cháu nói mà ông lờ đi. Chớ hôm ở Hội sinh hoạt định kỳ của tổ chức vào ngày 25 hằng tháng ông K chửi ông L là cái mặt L. hôm đó cháu còn nhớ rõ nhà văn Nát Xì Đầm ngồi bưng miệng cười nhưng vẫn để lộ mấy chiếc răng tươi chấp chới. Nát Xì Đầm cũng chửi tục ghê lắm nhưng chửi đúng chỗ (Nát Xì Đầm nhận thế). Còn ông K chửi ông L khi hai ông tranh nhau cái danh hiệu anh hùng. Cháu ghi tạm lại lời ông K chửi ông L thế này “mày chỉ toàn luồn cúi và bợ đít mấy ông nên có được cái giải này giải nọ chứ viết lách cái đỉ nhà mày. Mày không thấy đấy chứ cái mặt mày là cái mặt L. đấy” chép lại câu này cháu vẫn bị sốc đó ông. Vì không muốn cũng phải hình dung. Cháu chưa thấy hình dạng của nó bao giờ mặc dù cháu cũng từ đó chui ra. Nhưng cháu nghĩ nó không có mặt. Chỉ những người anh hùng mới có mặt thôi. Những người bình thường thì cũng có mặt nhưng nó không oai và cá tình bằng mặt anh hùng. Cháu nghĩ là ông nói đúng (hy vọng thế) rằng mấy ông đó chửi nhau chỉ là đùa với chữ. Vì chữ mấy ông thừa quá chứ không có ý gì. Mà mấy chữ kiểu đó dạng văn minh cấm nói, cấm viết nên lâu lâu đem ra dùng cho trơn miệng. Chậc! Mấy từ sau này cháu chép thêm của Nát Xì Đầm thôi chứ ông chỉ nói đến đoạn “vì chữ mấy ông thừa quá chứ không có ý gì”. Rồi, cháu cũng ba hoa chích chòe rồi. Cũng đã tạo ra cái nghiệp miệng khi mới tròn vành con chữ. Có lẽ lắm, khi cháu máu cái nụ cười và cá tính của Nát Xì Đầm. Nát Xì Đầm là nhà văn nữ nhưng hay đắp vào mặt đàn ông những lời không kiêng khem làm vũ khí tự vệ. Chết cha, cháu rùng mình chợt tỉnh. Thì ra đâu đây là một cuộc chiến giữa những con người cùng trên một mặt trận. Chết cha!

- Cháu đang nghĩ gì đấy?

Ông hỏi, cháu cười nhưng không có vẽ gì là vui. Chợt dưng cháu tựa mình vẹo xiên khổ hạnh như một vị La Hán. Tượng La Hán so với tượng đồng nguyên thủ thì ai hơn? Nguyên thủ hơn. Chắc thế! Vì khối người giẫm đạp nhau làm nguyên thủ nhưng lại trù trừ khi làm La Hán. Họa chăng là nguyên thủ đến cuối đời mới chuyển dạ hóa thân thành La Hán để mong siêu độ. Bởi vậy trông cháu già đáng kể. Cái già của cháu cũng kể công cho cô giáo dạy văn. Đó là em gái của Nát Xì Đầm. Người đã đưa cháu đến ngữ cảnh táo bạo này cũng là cô giáo dạy văn. Hai hôm trước cô ra bài “các em hãy viết về khuôn mặt của một người anh hùng”. Và cháu theo chân ông để xem lễ phong tặng. Có thế mới viết chân thực được, mới tỉ mẫn bóc từng góc cạnh tạo nên khuôn mặt của người anh hùng. Ông bảo thế và cháu nghĩ là ông đúng. Nhưng khi mới bước chân vào hội trường thấy ông K và ông L, ông lại dắt tay cháu trở ra. Cháu buột miệng, bị “khớp” gì phải không ông? Ông lại trở vào nhưng lại không dắt cháu theo. Cháu tự trở vào đấy. Khi cháu vào đến thì ông đã ngồi lặng im như bức tượng đồng nguyên thủ rồi. Hình dạng này cháu mặc định cho ông đấy, đầy xót xa vì dường như ông đã chết. Trong khắc ấy, khi nhìn hai người bạn của mình đứng nhận danh hiệu anh hùng…

- Ông chết buồn vì không được danh hiệu như họ? Không phải, ông không màng mới không khai hồ sơ. Cháu miên man nghĩ về ông.

 - Ông hóa đá hóa đồng vì chợt khắc cháu khẳng định hai ông này hôm trước đánh nhau và chửi nhau mặt L. ở Hội? Không phải, vì ông bão họ đùa (nếu chắc là hai ông đó) chứ không có ý gì cơ mà.

 - Ông khó xử? Phải rồi ông khó xử. Vì cháu luôn xem ông là anh hùng nhưng ông lại từ chối cháu tả khuôn mặt ông nên mới dắt cháu đến xem lễ phong tặng danh hiệu anh hùng. Bây giờ, chắc thế. Đã có ba gương mặt anh hùng trong cháu. Phần còn lại là sự lựa chọn của cháu thôi. Ông băn khoăn vì sự lựa chọn này? Phải chăng ông sợ cháu không lựa chọn mình trong những trang văn đầu tay đầy chân thực? Có quá nhiều câu hỏi đối với cháu. Và những điều nghi vấn vẫn sẽ diễn ra nếu không có tiếng cười của Nát Xì Đầm ở phía hàng ghế sau của hội trường.

- Hẻ hẻ hẻ… Nhận giải thưởng Văn chương Vĩ đại chán chê rồi chửi nhau mặt L. vì tranh giành danh hiệu. Hôm nay nhé, cả hai ông được phong tặng danh hiệu như nhau xem ai là mặt L… hẻ hẻ hẻ.

Cháu quay lại phía Nát Xì Đầm thì thấy cô giáo dạy văn ngồi ngay đó. Trông thấy cháu cô trỏ ngón tay cái lên trời kiểu number one. Cô ra hiệu cộng thêm năm điểm thực tế. Chết! Như thế thì khó khăn thật. Vì bài văn tối đa cũng chỉ đến 10 điểm. Trừ năm điểm cộng của cô giáo hóa ra mặt anh hùng chỉ có năm điểm ư? Nghĩ vậy nên cháu lắc đầu biểu không cộng. Cô giáo đồng ý. Cháu cười, phải thế chứ. Mặt anh hùng phải xứng điểm 10.

- Hẻ hẻ hẻ… cha mẹ nó!

Chỉ thế. Nát Xì Đầm có mấy lời đáng ngờ nhưng khó đoán.

- Cháu quen bà ta à? Ông hỏi.

- Dạ ai cơ ạ?

- Nát Xì Đầm?

- Dạ cháu quen.

- Sao cháu quen được?

- Dạ chị Nát Xì Đầm là em cô giáo dạy văn của cháu.

- À ra thế.

- Có sao không ông?

Ông không trả lời.

Cháu im lặng…

Chỉ còn lại cuộc cười của Nát Xì Đầm và tiếng đằng hắng của cô giáo. Hội trường đang chuẩn bị để đại biểu lên bục nên không mấy ồn ào.

- Cha mẹ nó!

- Chị vừa thôi.

- Vừa cái con mẹ nó! Chó thật!

- Ai chó?

- Ngu, chó là chó chứ còn ai chó?

- Em tưởng chị chửi Người.

Dứt câu đó của cô giáo dạy văn, Nát Xì Đầm ngồi lặng im đến lạ. Cháu nhìn, cháu thấy. Dường như có một khoảng không bao la và sự tận cùng xa ngái của lòng người. Của sự trăn trở đến hồi dùng dằng kết thúc bám lấy Nát Xì Đầm. Trông Nát Xì Đầm cười tươi nhưng mắt thì buồn lắm! Mắt nhìn xa, mắt nhìn rất là xa...

- Hẻ hẻ hẻ he he… em bây giờ cũng đắng đót đấy. Nát Xì Đầm quay lại câu chuyện với cô em gái sau một hồi im lặng.

- Nhỏ thôi, học sinh em ở đây. Cậu ta ngồi kế bên ông già đó.

- Ai? Thằng Lương học sinh giỏi văn à?

- Dạ.

- Gọi nó ra đây ngồi, thằng đó vui và thính.

- Thính?

- Đúng, thính như chó. Mình nói gì nó nghe được tất.

- Thôi chị.

- Ông nó là anh hùng đấy.

- Phong rồi à?

- Phong cái chết mẹ. Anh hùng thật thôi. Hẻ he he

A lô, a lồ…

Tiếng ban tổ chức thử mic lần cuối cắt đi nhiều câu chuyện nhỏ to trong hội trường. Ban tổ chức giới thiệu. Đại diện lãnh đạo lên phong tặng danh hiệu. Ông K trong đôi mắt kiếng mầu đen thả chùm râu trôi chới với dưới làn gió quạt trần. Còn ông L trong mắt kiếng Tầu che không đủ đôi mắt và nụ cười nghộ nghĩnh. Ông K và ông L nhìn nhau cười hè hè nhưng lại giẫm chân nhau để giành phát biểu trước. Nhưng… rụp! Cúp điện. Hội trường mịt mờ. Ông cháu dắt nhau ra sảnh, mọi người cũng tuôn ra đây hết. Riêng hai vị được phong tặng danh hiệu anh hùng chẳng thấy đâu. Nát Xì Đầm cũng chẳng thấy đâu.

- Lương thấy chị Đầm đâu không? Cô giáo hỏi.

- Dạ không.

- Điên thế, sao lại đi cúp cầu giao điện. Chị ấy điên thật rồi.

- Tao không cúp cầu giao điện có mà nghe hai ông ấy lại chửi nhau đấy. Chị thương cưng đấy Lương. Đó, mặt anh hùng tả ngang đoạn đó. Không cần tiếng. Thanh âm nhổ toẹt vào. Nát Xì Đầm xuất hiện với khuôn mặt hí hửng và nụ cười tươi thường trực trên môi.

Cái đám này, nghĩa là có hơn hai trăm người đến dự lễ kiệm lời đến lạ. Chẳng nghe ai nói gì. Cứ lặng lẽ đến, lặng lẽ đi về. Đến ra sảnh khi bị Nát Xì Đầm cúp điện vẫn đậm đặc không gian và sự lặng im đáng ngại. Đám đứng ở sảnh nhìn xe chạy hai làn đường. Cháu và ông cũng im lặng nốt. Cô giáo đứng nhìn mong lung, Nát Xì Đầm miệng vẫn xòe ra vì quen cười.

- Chết! Thằng nào đóng cầu giao rồi. Nát Xì Đầm hốt hoảng khi nghe âm thanh lạo xạo từ phía hội trường vọng ra. Đây là hiện tượng lạ mà cháu thấy ở Nát Xì Đầm. Vì sao Nát Xì Đầm hốt hoảng? Chịu! Đợi thôi. Một khắc nữa mọi thứ sẽ tòi ra. Cái chết tiệt cũng còn tòi ra được. Cái hốt hoảng lại dễ dàng hơn. Nhất là sự hốt hoảng của Nát Xì Đầm.

- Mẹ nó, sao lại giẫm lên bó hoa của ông?

- Ai giẫm, tôi đứng yên từ nãy giờ.

- Mẹ nó, cái phong bì của ông đâu rồi?

- Không biết, tôi đứng yên nãy giờ.

- Đứng yên mà phong bì của ông chạy đến chỗ mày chắc?

- Đâu?

- Trên bó hoa. Cái thằng ăn cắp mà ngu. Có 1 bó hoa mà hai phong bì? Chỉ có một danh hiệu mới có hai người nhận thôi. Cái thằng ngu.

- Nghĩa là sao?

- Để tránh cãi vã khó nghe ông mày mới sắp đặt thế. Chỉ có một cái danh hiệu thực còn cái kia là ông mày bão họ scan. Hai cái phong bì chỉ cái bên ông có tiền thật. Đó, ông nhận tiền thật danh hiệu giả còn mày nhận danh hiệu thật nhưng tiền giả. Danh hiệu chia đôi.

- Ê, đúng là cái mặt L. Mày đúng là cái mặt L.

Thanh âm không còn lạo xạo nữa. Nát Xì Đầm vẫn đứng ở sảnh cười hẻ hẻ hẻ. Ai đó thay Nát Xì Đầm cắt cầu giao điện.

- Lương thấy cô giáo đâu không? Nát Xì Đàm hỏi.

- Dạ không.

Lương đứng lặng im nhìn ông xuống sân nhấc chiếc xe đạp điện một cách khó nhọc rồi ông chạy xe đi. Dường như ông bỏ quên cháu rồi. Cháu nghĩ thế. Nhưng lát sau ông quay lại với khuôn mặt rạng ngời và bó hoa trên tay. Ông bước nhanh lên sảnh dụi bó hoa vào tay cháu.

- Chúc mừng cháu có chuyến thực tế cho bài văn điểm 10.

Cháu nghe nóng râm ran người mình rồi lật tấm chăn. Ra cháu đang ngủ và cảnh tượng mấy ngày qua đã tự do trôi về trong giấc ngủ. Ông mới gặp cô giáo dạy văn cháu đấy, bài văn cháu điểm 10 không khuyến khích đâu nhé! Đấy, cháu thấy không. Mấy ông chỉ nói vậy thôi chứ không có gì. Các ông đó đều rất anh dũng thời kháng chiến đấy. Một thời… các ông dùng cán bút làm đòn xoay chế độ… một thời! Ông nói và có chút lặng nào đấy như một bài hát.

- Nói cho ông biết cháu tả ông nào? Ông K hay ông L?

Cháu cười rồi vùi mình vào lại trong chăn với hương hoa thơm phưng phức. Mặc dù buồn nhưng cháu không thể nhịn được cười. Rõ ràng là cháu tả ông mà ông không nhận ra mình. Có lẽ, ông như bó hoa vùi vào ngực cháu. Chỉ có cháu thấy hoa thơm nhưng hoa không nhận thấy mình thơm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89952)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75781)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103897)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87285)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92773)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109413)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84480)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83516)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75847)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80652)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.