- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Từ Thiên An Môn đến Bắc Phong Sinh

05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 28913)

Hai mươi lăm năm đã trôi qua, kể từ cái đêm 3/6 và suốt ngày 4/6/1989 khi quân đội theo lệnh lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đàn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn. Xe tăng cán nát tất cả, từ xe đạp đến xương thịt, đến sọ não sinh viên. Nhiều cựu lãnh tụ sinh viên, dù còn trong nước hay đang sống lưu vong, vẫn không quên được hình ảnh các bạn học của họ bị sát hại.

Hà Tiểu Thanh, khi ấy là một học sinh Trung Học, kể lại rằng sau cuộc thảm sát, cô quay lại trường với một băng đen tưởng niệm những người bạn đã khuất trên tay áo. Cô đã bật khóc khi bị nhà trường buộc cô phải tháo băng đen xuống. Sau này, cô tâm sự trong một cuốn sách: “tôi đã nghĩ rằng mọi việc xem như đã chấm dứt… Song, bằng cách nào đó chính vào ngày 4 tháng 6 các hạt giống dân chủ đã được gieo trong tim tôi, và nỗi khát khao tự do và nhân quyền đã ấp ủ. Như vậy hóa ra đó không phải là một sự kết thúc, mà là một sự khởi đầu khác”.

Ngô Nhĩ Khai Hy, một lãnh tụ sinh viên nổi tiếng vào lúc ấy và là nhân vật thứ hai trong danh sách bị Bắc Kinh truy nã. Khai Hy kể lại rằng anh đã được nhiều người dân ủng hộ, che dấu, giúp anh thành công vượt qua biên giới trốn ra nước ngoài. Lúc ấy, có cả một mạng lưới ở Hồng Kông đã tìm cách giúp đỡ cho các sinh viên như Khai Hy thoát khỏi sự truy nã gắt gao của giới lãnh đạo Trung Quốc. Ngô Nhĩ Khai Hy xuất thân từ một gia đình trí thức gốc Duy Ngô Nhĩ (tức Tân Cương cũ bị Trung Quốc xâm lấn). Cho đến nay, anh vẫn không chấp nhận việc bị áp bức bởi một chế độ độc tài và vẫn không thể sống an nhàn khi nghĩ đến những người đã chết trong vụ thảm sát ấy.

Nhân nhắc đến cuộc vượt thoát của những cựu lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn, người ta không khỏi bồi hồi nhớ lại những cái chết ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh chỉ mới hai tháng trước. Ngày 18/4 năm 2014 đã có những người Duy Ngô Nhĩ tị nạn, tuyệt vọng tự sát tại cửa khẩu Quảng Ninh. Hình ảnh thi thể của họ bị vất nằm ngổn ngang trên những chiếc xe lôi đã đem đến cho chúng ta cái cảm giác bất nhẫn, thương tâm. Có người dường như còn chưa chết, tay bấu chặt vào thành xe; cho thấy rõ công an Việt Nam và công an Trung Quốc cố tình làm ngơ mặc cho họ chết dần. Tất cả quang cảnh trên cùng thái độ giải giao lập tức những người còn sống - toàn phụ nữ và trẻ em - cho công an Trung Quốc, đã cho thế giới thấy sự tuân phục đối với Bắc Kinh, sự vô nhân đạo và yếu kém của một nước chủ nhà. Ngoài việc trao trả ngay những người tị nạn đáng thương kia cho công an Trung Quốc, nhà nước còn chỉ đạo không được dùng chữ Tân Cương khi nói về nhóm người tị nạn này, để tránh nhắc đến quê hương của họ, nơi đang bị Trung Cộng xâm lấn và đàn áp.

nguyet_quynh_-tuthienanmonHọ không thể là nhóm người khủng bố hay bạo động khi dẫn theo cả vợ, con gái cùng con nhỏ. Nhưng khi biết là sẽ bị trao trả lại cho công an Trung Quốc, những con người tuyệt vọng này đã giật súng kháng cự, gây ra cái chết cho hai sĩ quan biên phòng, và đưa đến cái kết quả đau thương sau đó - hai người Duy Ngô Nhĩ tự bắn vào mình tự sát và ba người khác đã nhảy lầu tự tử! Điều gì đã làm cho những người Duy Ngô Nhĩ này chọn cái chết thay vì để cho công an Trung Quốc dẫn độ về quê hương của họ?

Duy Ngô Nhĩ hay còn gọi là Uighur, là một dân tộc từng sống và làm chủ đất nước Tân Cương. Dân tộc này xưa kia đã từng thống trị vùng Trung Á hơn một ngàn năm, còn gọi là Đế Chế Duy Ngô Nhĩ. Trong quá trình lịch sử vùng Trung Á, dân tộc Duy Ngô Nhĩ đã để lại dấu ấn sâu sắc, đậm nét về cả văn hóa và truyền thống trong các sắc dân sinh sống tại đây. Các nhà thám hiểm Âu Châu, Âu Mỹ và Nhật Bản đã từng kinh ngạc trước những tác phẩm giá trị và một nền văn minh phát triển của dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, một quốc gia với một lịch sử lẫy lừng và một nền văn hoá lâu đời không có gì bảo đảm là dân tộc đó không bị đồng hóa. Duy Ngô Nhĩ đã tuột dốc nhanh chóng sau khi bị nhà Thanh xâm lược. Từ đó, họ đã luôn bị các triều đại Trung Hoa nhiều lần tiêu diệt đẫm máu để ngăn ngừa sự trỗi dậy giành độc lập của họ.

Thi sĩ Abduhalik Uyghur, người xứ Turpan, có chân trong phong trào cách mạng đã viết bài thơ mang tên Oyghan “Hãy Thức Dậy”. Bài thơ nhằm đánh thức dân tộc Duy Ngô Nhĩ trước nguy cơ bị Hán hoá, bị tiêu diệt bởi người Trung Hoa. Ông viết: “Này người Duy Ngô Nhĩ khốn khổ, vùng dậy! / Ngủ thế đủ quá rồi / Giờ này bạn chẳng còn gì cả…”. Ông kêu gọi đồng bào, những người anh em cùng chiến hào hãy thức tỉnh để tự cứu mình, cứu lấy đất nước trước khi quá trễ. Abduhalik Uyghur bị một lãnh chúa người Hán xử tử hình năm 32 tuổi vì tội “làm dấy lên tư tưởng dân tộc” của người Duy Ngô Nhĩ trong các tác phẩm của ông.

Ngày nay, Tân Cương cũng như Tây Tạng đều bị Trung Quốc chiếm đóng dưới danh nghĩa “tự trị”. Tân Cương là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, kim loại và Uranium. Mỗi năm Tân Cương đã cung ứng một số lượng dầu thô khổng lồ đứng vào hàng thứ hai cho Trung Quốc. Chiếm Tân Cương, Bắc Kinh cho thực hiện mưu đồ bành trướng dần dần bằng cách cho di dân ồ ạt đến nơi này, biến dân bản địa trở thành nhóm dân thiểu số. Nhiều cuộc xung đột đẩm máu đã xảy ra giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ, đến nỗi Bắc kinh có lúc đã huy động đến 10 ngàn cảnh sát có vũ trang và xe bọc thép đến để đàn áp 1 cuộc biểu tình. Tiếp sau những lần xung đột, là hàng trăm bản án tử hình dành cho người Duy Ngô Nhĩ. Cũng theo tin từ BBC, trong suốt mười năm qua, nhiều nhân vật nổi của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ đã bị Trung Quốc bắt giam, hoặc truy đuổi khiến họ phải trốn ra nước ngoài tị nạn.

Những người Duy Ngô Nhĩ ở bước đường cùng đã đi qua cửa ngõ VN để tìm một con đường sống với thế giới bên ngoài, nhưng ước mơ của họ đã lụi tàn ngay ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, trên một đất nước vẫn tự hào rằng lòng nhân ái là đạo lý ngàn đời của dân tộc. Đó là chưa kể từ năm 1986 cho đến nay, tức từ khi có chính sách mở cửa ra với thế giới tự do, Việt Nam đã và đang nhận biết bao nhiêu khoản tiền viện trợ nhân đạo của thế giới hàng năm. Đặc biệt là nỗ lực cứu đói sau 10 năm (1975 đến 1985) xây dựng khuôn mẫu xã hội XHCN thuần tuý.

Số phận của những người Duy Ngô Nhĩ 2 tháng trước cũng nhắc nhở chúng ta về thân phận người tị nạn Việt trong quá khứ. Hơn ba mươi năm về trước, cả thế giới đã rúng động về làn sóng người tị nạn Việt Nam. Rúng động vì sự ra đi bất chấp hiểm nguy, bất chấp mạng sống của họ; không biết có bao nhiêu con tàu mong manh đã biến mất trên biển đông đầy sóng gió! Một dạo các ngư phủ Thái Lan khi ra khơi đã hãi hùng vội quay tàu trở về đất liền khi phải chứng kiến những thi thể của người Việt tị nạn bị vướng vào lưới cá. Tuy nhiên, thế giới lúc đó đã mở rộng vòng tay nhân ái đối với người Việt, như họ đã mở rộng vòng tay đối với những sinh viên Thiên An Môn. Những chiếc thuyền xác xơ vì cướp biển, những khuôn mặt sợ hãi, tuyệt vọng, thất thần sau đoạn đường dài xuyên qua Cam bốt đã được chào đón bằng vòng tay nhân hậu, nồng ấm của các nước tây phương, ngay đến cả những đất nước xa xôi nhỏ bé như như Israel và New Zealand. Riêng quốc gia Thụy Sĩ, ngày đó đặc biệt đã ghé vai gánh cái gánh nặng của nhân loại bằng cách chỉ nhận riêng những gia đình có con em bị bệnh tâm thần.

Đối với mọi loại người tỵ nạn, nhà cầm quyền Việt Nam, nay đã vào làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, họ có biết các quyền của những người tỵ nạn này không? Tại sao nhẫn tâm để những người đàn ông Duy Ngô Nhĩ bị giết chết trên đất Việt Nam và nhẫn tâm hơn nữa là đẩy vợ con họ trở vào bàn tay tàn ác của công an Trung Quốc? Như vậy họ có khác gì những tên hải tặc Thái trên biển, và những tên cướp Miên trên bộ gần 4 thập kỷ trước? Chưa kể dân tộc Việt hiện nay cũng đang trong nguy cơ bị Trung Quốc xâm chiếm như dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Nhìn sự nhẫn tâm của những kẻ cầm quyền đối với người tỵ nạn Việt Nam sau 1975 đến các sinh viên Trung Quốc tỵ nạn sau biến cố Thiên An Môn 1989, đến những người Duy Ngô Nhĩ tỵ nạn năm 2014, liệu khi các lãnh tụ CSTQ và CSVN cùng gia đình họ chạy ra nước ngoài xin tỵ nạn như đã thấy ở các nước cựu độc tài, chính phủ các nước tự do có ghi nhớ cách hành xử vô nhân đạo của họ hôm nay không?

 

NGUYỆT QUỲNH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Mười 201510:41 CH(Xem: 33908)
Tôi thích những định nghĩa về tự do của John Adams và yêu thơ Tagore. Cả hai đều khơi dậy cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Điều lạ lùng là dù ở hai vị trí rất khác nhau, một chính khách và một nhà thơ; song họ lại gặp nhau ở một điểm rất chung. Tôi có thể mượn cái quan niệm của John Adam để nói về Tagore. Cả hai đều cho rằng không có sự ưu việt nào bằng sự ưu việt của linh hồn và không có sự giàu có nào bằng sự giàu có của con tim.
18 Tháng Mười 20154:41 CH(Xem: 31135)
Ngồi giữa buổi chiều mênh mông hắn chờ một cuộc điện thoại, bầu trời mở rộng trước mắt hắn, một dãy nhà cao thấp lô nhô trải dài làm cho đường chân trời trở nên răng cưa, gấp khúc. Xa hơn nữa, ở một góc nhỏ xíu lóe lên những tia sét lẫn trong những đám mây xám, những tiếng sét không âm thanh chớp lên rồi tắt ngúm một cách vô thưởng vô phạt.
18 Tháng Mười 20151:23 CH(Xem: 33370)
Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự...
18 Tháng Mười 20151:00 CH(Xem: 34992)
Ngôi nhà của anh không hoàn toàn im lặng, hoang vắng mà là một nơi chốn dừng chân của khách thập phương. Nó như là một thứ “trại tỵ nạn thứ hai” mà hầu hết những người lui tới gặp anh đều có mục đích khác nhau. Có người đến để nhờ anh “hợp tác” làm một công việc gì đó; có người đến vì cần một nơi chốn ở tạm; có người đến chỉ để bày ra những cuộc rượu say bí tử, ca hát, ngâm thơ, bày tỏ những tàn tích quá khứ, họ là những người lính đã từng tham dự chiến tranh kể về những trận đánh, trong đó có người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến. Họ là những “linh hồn” vất vưởng, thất lạc giữa một khoảng trống mênh mông trong tâm thức bám vào cái hào quang quá khứ hào hùng, đau thương đầy căm phẫn tủi nhục của lịch sử. Có người rũ bỏ quá khứ, lột xác hội nhập vào đời sống mới của xứ sở tự do. Họ bước vào cuộc thử thách trong thương trường, khởi nghiệp bằng đôi bằng tay trắng.
16 Tháng Mười 201510:35 CH(Xem: 37422)
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt". Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]
16 Tháng Mười 201510:03 CH(Xem: 32541)
Em không thể đi hết còn đường còn lại của mưa, anh biết không, có thể chúng dài hơn điều em nghĩ, có thể chúng đang ghen tuông với điều tự do của gió
12 Tháng Mười 201512:25 SA(Xem: 30214)
không phải thơ đâu em chỉ là lời nguyện đêm tha thiết không phải sáng mai nào cũng trong veo như sáng nay gió về vẩn đục lời kinh rớt xuống lũng oan cừu
11 Tháng Mười 201511:40 CH(Xem: 31482)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Thanh Hiện có lối viết rất lạ như thơ xuôi, từ đầu đến cuối chỉ dấu phẩy, không chấm. Chúng tôi hân hạnh mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào không gian truyện của Nguyễn Thanh Hiện.
11 Tháng Mười 20154:46 CH(Xem: 28576)
Đang ngồi trầm tư bên ấm trà nóng, ông Hội bỗng giật nảy mình khi nghe ngoài sân có tiếng rên rỉ. Ai nửa đêm khuya khoắt lại vào nhà ông than khóc? Vội vã ông chay lại mở cửa. Ánh điện trên thềm hắt xuống sân, ông trông thấy một người phụ nữ nằm sõng xoài trong vũng nước. Phương. Đúng là Phương.
11 Tháng Mười 20154:38 CH(Xem: 28747)
Mùa thu sắp cạn. Những hàng cây trên phố phơi dần những cánh tay trơ xương. Cuộc sống trong gia đình ông Hội vẫn diễn ra như một vở kịch mà ở đó những người diễn viên luôn phải oằn mình thể hiện vai diễn trái ngược với nội dung kịch bản. Nhiều lúc Phương tự hỏi, thật ra những con người này họ đã và đang nghĩ suy gì trong tâm não?