- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGƯỜI ĐÀN BÀ KHÁC

16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 39236)

phannguyen_99-content 
 Tranh Phan Nguyên


1.


Chiều xuống chậm trên biển. Hơi sương lù mù từ ngoài khơi bắt đầu kéo vào xâm lĩnh đất liền như muốn xoá lấp sự khác biệt giữa núi và biển. Quang đột nhiên thấy lạnh, anh lùa tay vào túi áo khoác ngoài tìm thuốc hút. Anh đổi tư thế ngồi rồi quay sang bảo tôi:


“Gần hai năm rồi tụi mình mới gặp lại nhau . . .” Anh ngừng lại rít một hơi thuốc. “Đôi lúc tôi thắc mắc không biết mình sẽ bị đời sống cuốn hút về đâu.”


Tôi lơ đãng nhìn ra ngoài khơi, thấy là lạ về câu nói của Quang. Tôi chưa bao giờ nghe anh nói như thế suốt thời gian chúng tôi quen biết. Hai đứa tôi là bạn từ thời Trung học, thứ bạn bè dù không chịu nổi tính tình, sở thích nhau nhưng chẳng bao giờ quên hẳn nhau được, khác với hạng gặp gỡ khi bản hoà tấu đời sống bắt đầu lặp đi lặp lại những hợp âm máy móc, tầm thường, nhàm chán, khi ánh mắt nhìn vào con người và sự vật chung quanh trở nên dửng dưng, buồn nản như thể thế giới này chẳng còn gì đáng quan tâm, khi người ta chỉ biết rúc vào thủ phận, sợ hãi mọi biến cố ngay cả biến cố đó chỉ là chuyện con chó nhà hàng xóm xổng chuồng chạy ngoài đầu ngõ. Sự thân mật giữa bạn bè kiểu đó, hay đúng hơn, sự suồng sã chỉ đổ ra vung vãi trên bàn tiệc hay bàn nhậu nơi quán ăn xó chợ, tuyệt đối chẳng để lại tâm khảm chút thâm tình quý giá nào.


Tôi nhớ Quang thuở nhỏ học hành không mấy xuất sắc, nhưng tôi biết anh có cái lanh lợi, khôn ngoan của người thành công nơi trường đời nhiều hơn là trường học. Quả vậy, khi sang Mĩ sinh sống anh là tay kinh doanh thành đạt, giàu có, khác hẳn tôi lúc nhỏ mang tiếng học giỏi nhưng bây giờ quá tuổi nhi bất hoặc rồi mà vẫn chưa biết làm gì cho đời mình. Nghĩ một cách đơn giản, có lẽ Quang thực tế còn tôi mơ mộng? Có lẽ Quang lúc nào cũng lao đầu vào đời sống với tất cả hăm hở của tuổi trẻ đam mê còn tôi thì mang nặng bệnh hoài nghi, một căn bệnh không duyên cớ, một thứ triết lí vạy vọ, đỏm dáng của thế hệ tôi. Thuở đó tôi không thân với Quang bởi tôi cho anh không phải là người có cuộc sống tinh thần cao mà chỉ biết dầm mình trong những thú vui tầm thường, mặc dù khi nghĩ lại, chúng chỉ là những đam mê vô hại của tuổi trẻ. Khi hiểu biết hơn, tôi không thấy xa cách anh nữa. Anh có cái ấm áp chân tình mà càng ngày tôi càng thấy hiếm hoi nơi con người, nó quý giá hơn cả những điều người ta thường cho là cao cả như lí tưởng, trí tuệ, tài năng. Tôi hiểu anh hơn và chúng tôi thân thiết nhau hơn thời còn ở quê nhà. Đôi lúc tôi tự thấy xấu hổ vì có lúc đã xem anh không ra gì.


2.


Nơi chúng tôi ngồi là quán cà phê lộ thiên nằm trên mỏm núi nhìn ra bãi biển Laguna, một thắng cảnh nổi tiếng vùng Nam California. Hai năm chúng tôi không gặp nhau. Ở Mĩ bạn bè hai năm không gặp nhau, mặc dù sống cùng thành phố, là chuyện không ngạc nhiên. Đời sống tất bật, thời gian eo hẹp, chẳng ai phiền trách người bạn hai năm không thấy mặt, nhất là người bạn trở về cố hương sinh sống trong suốt thời gian đó.


Quang quyết định về nước sau khi li hôn người vợ gốc Venezuela anh chung sống hơn mười năm ở Mĩ. Hai người không con cái nên quyết định trở về của anh cũng dễ dàng phần nào. Anh quay về trong khi ở trong nước vẫn có người cạy cục tìm cách chạy ra nước ngoài. Đó là con người. Anh bảo tôi vậy. “Ai cũng có lí do bào chữa cho quyết định và cách sống của mình. Tôi ghét thậm tệ những kẻ nhân danh những điều cao cả này nọ lên án lối sống và quan niệm của người khác.” Tôi hiểu anh nói gì. Con người anh có thể sống trong bất kì môi trường nào. Giá như anh không theo gia đình vượt biên lúc mười lăm tuổi thì ngày nay ở trong nước có lẽ anh cũng giàu sụ thôi.


Anh bảo tôi hai năm qua anh về sống ở Hà Nội, thuê một ngôi nhà khang trang ở Phủ Tây Hồ, mở một doanh nghiệp nào đó (đến đây anh có vẻ mù mờ), nhưng rồi anh lại chán, lại xách va li về Mĩ.


“Đời sống hết thử thách cho cậu rồi sao?” Tôi hỏi Quang.


“Đời sống chẳng bao giờ hết thử thách cả.” Anh lắc đầu. “Ngược lại là đằng khác. Nó nhiều thử thách đến nỗi mới ngoài bốn mươi mà tôi đã thấy quá mệt mỏi, chỉ muốn ngừng ở đây.”


“Cậu ngừng ở đây cũng được chứ có sao đâu. Như tôi đây mới đáng lo. Ngần này tuổi rồi mà vẫn lêu bêu, chưa đâu vào đâu, vợ con còn chưa có.”


“Sự thật không đúng như cậu nghĩ đâu. Như tôi kể cậu nghe, sau khi li hôn, tôi để lại căn nhà và gần như toàn bộ gia sản cho cô vợ cũ. Tôi tưởng chỉ trong vòng năm bẩy năm tôi sẽ gầy dựng lại được cơ nghiệp cũ, nhưng tôi lầm. Kinh doanh giống như đánh bạc. Khả năng tính toán, hiểu biết thị trường là một chuyện nhưng chính sự may rủi mới là cái gì định đoạt cho sự thành công của mình.”


Chẳng lẽ tôi lầm về Quang? Trong khối óc chẳng biết tí gì về kinh doanh, tôi ngỡ anh là người làm giàu thật dễ dàng. “Tôi tưởng trong việc kinh doanh, cậu là tay đấu cờ kì tài, biết trước cả chín mười nước đi của đối thủ.”


“Kinh doanh không phải là ván cờ.” Anh trả lời. “Nó như trò chính trị thì đúng hơn. Lừa kẻ khác vào bẫy để mình hưởng lợi, ngay cả trường hợp kẻ khác khi bị lừa có thể lâm vào cảnh tù tội, thậm chí mất mạng, thì đó cũng chỉ là chuyện thường tình. Quy luật của kinh doanh là sự trí trá tương tự như những chiến lược ghi trong binh pháp của Tôn Tử. Đó là lí do vì sao thời buổi bây giờ, trong giới kinh doanh, người ta tìm đọc binh pháp Tôn Tử rất nhiều.”


“Làm chính trị giết người nhân danh lí tưởng nào đó là chuyện có thể hiểu được.” Tôi cãi lại. “Nhưng làm kinh doanh mà hại người thì nhân danh cái gì, chẳng lẽ giơ tay bảo hãy vì tôi, hãy vì sự giàu sang của tôi các người phải hi sinh?”


“Gần như vậy, nhưng cố nhiên không ai nói ra. Làm chính trị, anh phải vẽ ra những lí tưởng để mọi người theo anh, làm kinh doanh không thế, lí tưởng của kinh doanh là đồng tiền và ai cũng biết như thế, đạo đức không có mặt nơi đây, nếu có, nó chỉ là sự đạo đức giả. Đúng ra, làm kinh doanh tức là khoác lên mặt mình bộ mặt đạo đức giả.”


Anh nói có vẻ thành thật chứ không có tí trào lộng, mỉa mai nào. Tôi khá thắc mắc, tại sao anh tự lên án mình một cách thậm tệ như thế? Dù sao anh cũng là kẻ gần như cả đời, từ khi trưởng thành, mê mải chạy theo đồng tiền. Chẳng lẽ chưa đầy hai năm kinh doanh ở Việt Nam khiến anh có cái nhìn gay gắt gần như khinh bỉ cái nghề mình theo đuổi bấy lâu?


3.


Ngồi bên cạnh Quang là Ngọc. Anh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định. Phong cảnh trời mây nước thật là thanh bình, như một hoạ phẩm của Levitan.


Quang bỗng đứng dậy đi vào toa-lét. Chỉ đợi có thế tôi bắt chuyện với cô.


“Ngọc đang nghĩ gì thế? Chắc là nhớ Hà Nội rồi, phải không?”


“Có lẽ thế, anh ạ.” Cô quay sang nhìn tôi nở nụ cười gượng gạo. Giọng cô thanh, luyến láy như hát. “Đây không phải là lần đầu tiên em ra nước ngoài, nhưng không hiểu sao lần này em lại nhớ nhà đến thế. Có lẽ những lần trước em chỉ đi chơi quanh quẩn các nước châu Á, còn lần này là cả nửa vòng trái đất. Nước Mĩ cũng không giống với những gì em hình dung trong đầu trước khi đặt chân đến đây, nó quá khác so với Hà Nội nên em có cảm tưởng như mình lạc đường, và càng lạc đường thì càng nhớ nhà, phải không anh?”


Mới câu nói đầu tiên, cô đã hé mở cánh cửa tâm hồn cô cho tôi nhìn vào. Có người bảo tôi đàn bà như thế sớm muộn có ngày yêu bạn.


“Ngọc nói đúng lắm . . .” Đầu óc tôi bỗng nhiên khô cứng, vắt mãi vẫn chẳng nghĩ được câu nói nào ra hồn. Đoạn tôi nói như chỉ để nghe cô tâm sự. “Tôi chưa bao giờ ra Hà Nội cả, mặc dù gốc gác gia đình tôi là ở ngoài đó. Tôi ao ước có ngày về đặt chân lên đất ngàn năm văn vật. Chắc là xúc động lắm.”


“Anh sống lâu năm ở nước ngoài chắc không hình dung được Hà Nội đâu. Sống ngay Hà Nội mà em còn thấy nó mỗi ngày mỗi khác. Bây giờ nó khác xa thời em còn là con gái.” Khuôn mặt cô bỗng thoáng mơ màng.


“Khác như thế nào, hả Ngọc?” Tôi hỏi như chỉ để giữ không gian giữa tôi và cô không bị rơi vào câm lặng, để nhìn đôi môi cô duyên dáng chuyển động và nhất là để nhìn vào mắt cô.


“Thuở đó, tuy còn bao cấp, đời sống thiếu thốn trăm bề, khổ cực lắm, nhưng em thấy Hà Nội đẹp và đáng yêu chứ không nhếch nhác, xô bồ như bây giờ. Lúc bé em sống với bà ngoại em ở quận Ba Đình trong một khu nhà tập thể. Mỗi ngày đi học, em đều đi bộ. Con đường em đi từ nhà đến trường có hai hàng cây rợp bóng mát và yên ắng đến độ vẫn nghe được tiếng ve kêu vào mùa hè. Trên đường chỉ thấy toàn xe đạp và người đi bộ, thi thoảng mới có một chiếc ô-tô phóng nhanh qua. Bây giờ thì ngay tiếng chó sủa cũng bị tiếng xe máy át mất . . .”


“Tôi nghe nói Hà Nội có những cây hoa sữa toả hương thơm ngào ngạt . . .” Tôi nói như một cố gắng tuyệt vọng cố giữ cho câu chuyện đừng ngưng ở đây, nhưng chưa hết câu tôi thấy mình khá là vô duyên. Cô hình như không để ý đến sự ngượng ngập của tôi mà cất tiếng cười.


“Em sợ nhất mùi hoa sữa, anh ạ. Mỗi lần từ trong nhà bước ra, hít phải mùi hoa sữa là em hắt hơi lấy hắt hơi để.”


Tôi cũng cười theo cô như muốn phủ lấp sự vô duyên của mình. Ngay lúc đó Quang trở lại bàn.


“Hai người nói chuyện gì vui thế?” Anh hỏi trong lúc ngồi xuống ghế.


“Em và anh Hoàng đang nói xấu anh đấy.” Ngọc vui vẻ bảo Quang. “Kẻ nào bước ra khỏi bàn kẻ đó đương nhiên bị nói xấu.”


“Nói xấu về tôi thì cả ngày chưa hết. Hai người cần tôi bỏ về để ngồi đây tha hồ nói xấu về tôi không?” Anh nói trong lúc nghiêng đầu nhìn vào Ngọc chứ không nhìn tôi. Mắt trái anh hình như nháy thật nhanh như đánh một tín hiệu gì đó cho cô, nhưng có thể tôi nhìn lầm, có thể anh chỉ bị khói hay bụi vương vào mắt.


Ngọc đứng dậy đòi về và chúng tôi chia tay nhau. Quang hẹn cuối tuần sau đi uống cà phê trước khi anh bay sang New York có việc bận.


4.


Tôi lấy PCH về nhà. Cảnh vật hai bên đường, một bên núi, bên kia biển, như mờ đi dưới màn sương tím ảm đạm trong lúc trời tối dần. Đường vắng xe, tôi bấm cửa kính xuống cho gió biển thốc vào. Lại một déjà-vu? Cảm giác này khiến tôi không thể không nghĩ đến Phương. Cũng con đường này, cách đây sáu tháng Phương ngồi cạnh tôi. Bữa ăn tối trong quán Las Brisas chỉ để lại cảm giác khó chịu, nhưng nhức như bị gai cứa trong lòng. Tuy không nói ra nhưng tôi biết Phương lại đang tìm cách xa tôi. Phương bảo tôi trong lúc dùng dao nĩa cắt những miếng cuối cùng của dĩa Robalo ala Cozumel béo ngậy, “Giữa anh và em ngay từ đầu đã không có chemistry . . . Cố gắng cách mấy cũng chẳng đi đến đâu. Anh hiểu không?” Cô ngửng lên nhìn tôi. Suýt nữa tôi buột miệng, “Giữa anh và em chỉ có độc tố sinh lí chứ làm gì có chất hoá học nào ở đây.” Nhưng cố nhiên chẳng đời nào tôi nói như thế. Tôi phải đóng cho trọn vẹn vai trò của kẻ bị bỏ rơi. Xa cô chắc tôi sẽ nhớ cặp đùi và lớp cỏ mượt mà của cô lắm (như tôi nhớ tất cả những người đàn bà trước cô) nhưng cùng lúc tôi như trút được gánh nặng suốt năm trời tôi chung sống với cô. Cô đúng lắm, tôi sẽ không bào chữa nữa, sẽ không lôi kéo những gì không thể hàn gắn, cứu vãn. Những chuyện đó tôi đã làm và tôi thất bại. Tôi đành để cô bước ra khỏi đời tôi. (Thật ra cô đã bỏ đi nhiều lần, nhưng mỗi lần gặp lại vì lí do nào đó—À, giấy đăng kí xe em về chưa, anh cho em xin; Ồ, anh xem hộ em cái laptop tự dưng chết nửa chừng—cô lên phòng tôi, tôi lại đè nghiến cô xuống giường, rồi lại làm lành, lại cãi cọ và cô lại bỏ đi.) Sống bên tôi nhưng hình như cô vẫn chờ đợi điều gì. Tôi không rõ cô chờ đợi cái gì và tôi đồ chính cô cũng không biết nốt. Cả hai chúng tôi hiểu tương lai và ngay cả hiện tại đều không thuộc về chúng tôi. Một hôm cô xách va li bước vào phòng tôi, cởi quần áo, chui vào giường nằm với tôi. Một hôm cô bỏ đi.


“Em có job mới trên Seattle. Tuần sau em dọn nhà.” Cô bảo tôi lúc chúng tôi đứng dậy ra lấy xe.


“Em cần anh giúp dọn nhà không?” Tôi hỏi cô.


“Không, anh đừng bận tâm. Công ti mới cho em gần mười nghìn đô-la giúp dọn nhà.”


Chuyện thay đổi chỗ ở, việc làm—dòng đời có thể đi vào một khúc quành mới—chúng tôi bình thản nói với nhau như một thông tin không đáng nói. Thế giới này có muôn triệu điều không đáng nói. Xin đừng nói ra làm gì. Bởi có nói cũng chẳng ai thèm quan tâm.


5.


Nhiều ngày sau buổi chiều ngồi uống cà phê với Quang và Ngọc tại bãi biển Laguna, có lúc tôi tự thú với lòng mình là tôi nghĩ về Ngọc khá nhiều. Nỗi dao động trong lòng khiến tôi hoảng sợ. Quang là người bạn thân thiết nhất của tôi bây giờ, và mặc dù anh không nói rõ cô là gì của anh, tôi chẳng thể nào để những ý tưởng đen tối trong đầu óc lấn át lương tri mình. Bằng mọi cách tôi phải dẹp yên chúng thôi, và nếu không dẹp yên được thì chí ít cũng phải chôn giấu chúng thật kín, thật sâu, dưới tận đáy lòng như kẻ phạm tội sống ngoài vòng pháp luật lúc nào cũng cực kì cẩn trọng che đậy tông tích mình.


Tôi che giấu tội lỗi tôi được đúng năm phút đồng hồ.


Tối thứ sáu, từ cơ quan về, tôi rút máy bấm số di động của Quang. Anh trả lời bảo tôi anh đang ở New York. Anh xin lỗi về chuyện lỡ hẹn, không đi uống cà phê với tôi. Anh hẹn tuần sau về gặp nhau cùng đi ăn cơm tối. Tắt máy, tim tôi đập mạnh. Như thế có nghĩa là Ngọc hiện đang ở nhà một mình. Đoạn tôi lại nghĩ biết đâu cô theo Quang lên New York mất rồi. Nhưng ngay cả nếu cô không theo Quang đi New York thì tôi định làm gì? Chẳng lẽ xồng xộc chạy lại nhà gõ cửa? Chẳng lẽ tìm cách mời cô đi chơi, mượn cớ hỏi han về Hà Nội, nơi ông nội tôi làm nghề dạy học cách đây sáu bảy mươi năm, về một thành phố tôi chỉ biết qua sách vở và tâm tưởng, chẳng hề biết mắt ngang mũi dọc nó ra sao, chẳng hề có kỉ niệm nào? Nhưng rồi tôi chợt nhớ từ ngày Quang về lại Mĩ tôi vẫn chưa biết anh cư ngụ nơi đâu. Tôi chỉ nghe anh nói loáng thoáng anh đang thuê một căn hộ loại đắt tiền ở vùng Newport Beach.


Sau một lúc lâu trấn tĩnh, tôi dẹp bỏ được ý tưởng điên rồ của mình. Tôi khoác áo, ra nổ máy xe định phóng đến một nhà tắm hơi, nơi có cô gái người Hàn ngực mông ngồn ngộn hẹn tôi từ lâu. Cô phục vụ tôi tốt lắm bởi lần nào tôi cũng không quên rút ví đưa cô thêm tờ giấy trăm sau hai giờ cô đổ mồ hôi với tôi. Lái xe được nửa đường, không hiểu nghĩ sao tôi lại đổi hướng, lái về phía thị xã nơi Hoa cư ngụ. Tôi quen Hoa khá lâu, từ khi còn sống với Phương. Cô li hôn hơn năm nay, làm nghề móng tay nuôi đứa con gái bảy tuổi. Thú thật tôi thèm muốn thân xác cô lắm, nhưng chưa bao giờ dám tiến thêm nửa bước với cô mà chỉ xem cô như bạn. Chẳng phải bởi tôi chân tình, chung thuỷ với Phương dạo đó mà chỉ vì Hoa là mẫu người đàn bà của gia đình, cô sẽ không buông tha tôi nếu tôi bạo gan chạm đến thân xác cô. Cô hé mở cho tôi biết như thế những lần tôi đến chơi thăm mẹ con cô trong căn hộ dung dị nhưng ngăn nắp cách chỗ tôi ở gần tiếng đồng hồ lái xe.


Tôi đỗ xe bên vệ đường, rút máy di động gọi cho Hoa. Tiếng cô trả lời trong máy giọng Nam mát ngọt như miếng thạch. Tôi hỏi cô tôi ghé thăm cô được không. Cô cười bảo, “Bộ bị bồ đá hay sao mà hôm nay đòi tới nhà thăm em? Lúc có bồ bên cạnh thì biệt mặt luôn.” Nói vậy nhưng cô vẫn cho tôi lại nhà. Tôi ghé tiệm hoa mua bó hồng mười hai nhánh rồi ôm hoa đến gõ cửa phòng cô. Lúc trao hoa cho cô nơi ngưỡng cửa tôi ghé môi định hôn lên má cô nhưng cô đẩy tôi ra. Nói chuyện trên điện thoại cô vui vẻ cười đùa nhưng khi gặp mặt thì cô lạnh nhạt như thể cô đang có chuyện bận rộn và tôi đến thăm chỉ gây phiền nhiễu cho cô. Hoá ra cô đang bận thật. Mẹ con cô đang dồn một núi bánh kẹo, quần áo và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác vào chiếc thùng các-tông thành một kiện hàng lớn.


“Tuần sau mẹ con em về Việt Nam.” Cô bảo tôi.


“Bé Trang phải nghỉ học à?” Tôi hỏi.


“Dạ. Má em dưới quê đau nặng . . . Em sợ kì này bả qua không nổi.”


Đột nhiên tôi thấy có lỗi với cô. Trong lúc cô đang bối rối về tin buồn bên nhà thì tôi chỉ nghĩ đến chuyện trăng hoa. Cô nhu mì, dễ yêu. Gái Nam thương chồng, thương con, chịu khó, chịu cực. Cô cắn răng kí giấy li hôn người chồng vũ phu, suốt ngày rượu vào, đánh đập mẹ con cô, nhưng tôi biết cô khổ tâm không kém với cảnh đứa con gái không có cha bên cạnh. Đằng nào cô cũng khổ. Hình như có những người sinh ra chỉ để chịu khổ. Và tôi sắp làm khổ cô nếu tôi không trấn át nổi cơn thèm muốn đang nung nấu trong lòng, chốc chốc bốc lên mỗi lần nhìn đôi mông tròn lẳn của cô sau lớp quần lụa mỏng.


Tôi sà xuống thảm ngồi xếp bằng phụ mẹ con cô đóng kiện hàng. Con bé bảy tuổi ngây thơ hỏi tôi:


“Bác Goàng có dzìa dzưới guê dzới má con hông?”


“Bác muốn đi lắm nhưng má con không cho bác đi theo.” Nói xong tôi thấy hối hận với câu nói không mấy tử tế đó, không tử tế với Hoa và không lành mạnh chút nào với đứa bé bảy tuổi, đầu óc còn hoàn toàn trong sạch. Tôi có cảm tưởng như mình vừa quệt vết bùn nhơ lên bức tượng Đức Mẹ. Tôi quay sang nhìn con bé, nó xinh đẹp, dễ thương lạ lùng. Rất may nó có nhiều nét giống mẹ. Tôi âu yếm bảo nó:


“Con về quê nhớ đừng ăn uống bậy bạ nhe. Con ở nhà coi sóc bà ngoại để bà ngoại mau khỏi bịnh chơi với con.”


Con bé dạ nhỏ. Tiếng dạ của nó nghe thật mát lòng.


Đóng xong kiện hàng, Hoa dọn dẹp rồi cho con đi ngủ. Tôi không tìm ra lí do nán lại nên đành kiếu từ cô ra về. Có lẽ thấy “trừng phạt” tôi như vậy đã đủ, cô để tôi nắm tay cô hơi lâu lúc tiễn tôi ra cửa. Đến lúc này cô mới cám ơn tôi đã tặng hoa nhưng vẫn không chịu cho tôi hôn lên má.


“Nhớ điện cho anh khi em về lại Mĩ.”


Cô dạ nhỏ rồi khép cánh cửa sau lưng tôi. Lại thêm một tiếng dạ mát lòng, nhưng tôi thấy nỗi buồn kì quặc trì hãm lòng tôi như kẻ ở tù lâu ngày được phóng thích, tìm lại không khí tự do, nhưng không biết về đâu bởi ngôi nhà xưa của hắn không còn nữa. Từ lâu cảm giác này chế ngự tâm khảm tôi. Tôi không biết đâu là nhà. Tất cả như cõi tạm và có lẽ tôi sẽ lang thang như vầy cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay mất thôi.


Chín rưỡi tối lúc tôi ra khỏi nhà Hoa. Đã quá trễ để lục máy di động tìm kiếm một cuộc hẹn hò nào khác và quá sớm để về nhà đêm thứ sáu. Tôi lao xe vùn vụt trên xa lộ, luồn lách giữa những dòng xe đèn pha sáng rực như trẩy hội hoa đăng. Từ lâu tôi có thói quen lái xe rất hung hãn trên xa lộ. Những chiếc xe chạy chậm, dù đã trên tốc độ quy định, khiến tôi mất kiên nhẫn. Tôi như nổi điên, vọt chiếc BMW nhiều mã lực của mình lên đoạn bẻ quặt tay lái ép vào mũi chiếc xe kia bắt nó phải thắng gấp đằng sau. Có ngày tôi bị bắn chết trên xa lộ mất thôi!


Tôi đỗ xe trước một nhà hàng sang trọng trong khu phố Tàu. Tôi biết nhà hàng có những phòng ăn riêng, trong phòng có những cô gái Thượng Hải nước da trắng muốt ngồi hầu rượu. Tôi quen một cô tên Tiểu Cơ, quê quán tận Vũ Hán. Cô nói tiếng Anh tạm đủ cho tôi nói chuyện tầm phào với cô, toàn những lời trăng hoa, giỡn cợt. Tôi thèm nói chuyện với một cô gái nào đó, bất cứ cô gái nào.


Trong lúc bước chân vào tiệm ăn, hình ảnh Ngọc sắc sảo, đằm thắm, duyên dáng lại hiện rõ trong tâm trí tôi.


6.


Phương có lần bảo tôi, “The impulse in you is just insane.” Cô đúng lắm, nhưng tôi làm gì được cho tôi? Thượng đế tạo dựng chúng ta mỗi con người mỗi khác và Ngài ban cho chúng ta mỗi người một thân xác, một tâm hồn, một đời sống để sống. Tôi chẳng thể nào đánh đổi đời sống tôi với một kẻ khác. Tôi chẳng thể nào ra tiệm mua về những bộ phận rời của cơ thể để thay thế những bộ phận không hoàn hảo trên con người tôi. Cũng chẳng có nhà tâm lí học nào sửa đổi được tâm hồn tôi. Tâm hồn tôi an vị bên trong cái vỏ an toàn của nó nhìn ra. Nó điều khiển hành vi tôi, ra lệnh cho tôi thi hành những nhiệm vụ cần yếu để đem lại niềm hoan lạc cho cái gọi là đời sống tôi. Nhưng đời sống tôi là con thú không bao giờ biết no đủ. Tôi nuôi nó thật kĩ, cho nó ăn thật nhiều, nhưng nó vẫn cứ phả lên tâm hồn tôi nỗi buồn chán lạ lùng tôi không sao hiểu nổi. Tâm hồn tôi càng buồn chán nó càng ra lệnh bắt tôi thi hành những công tác điên khùng, thác loạn. Tôi biết nó chẳng bao giờ buông tha tôi.


Quang gọi tôi trong lúc tôi đang dán mắt vào màn ảnh máy vi tính trong cơ quan.


“Hello! Hoàng hả? Quang đây. Công việc ở New York của tôi chưa giải quyết xong, chắc tôi phải nán lại thêm vài ngày nữa. Cuối tuần này có thời gian cậu lại đưa Ngọc đi chơi giùm tôi nhé. Tôi nói chuyện với Ngọc rồi. Cậu gọi điện cho Ngọc đi. Tôi sẽ email cho cậu địa chỉ nhà tôi và mã số vào cổng.”


Chúng tôi nói thêm vài chuyện bâng quơ nữa, đoạn Quang đột nhiên hỏi tôi:


“Cậu nghĩ sao về Ngọc?”


“Ngọc thông minh, sắc sảo, duyên dáng, có trình độ. Đàn bà như thế hiếm có trên đời.” Tôi ậm ừ trả lời anh, trong lòng hơi thắc mắc, không hiểu anh đang giở trò gì.


“Chắc cậu nghĩ Ngọc là tình nhân của tôi, phải không? Sự thật không phải thế. Ngọc với tôi chỉ là bạn. Ngọc nghe lời tôi rủ sang Mĩ chơi. Nếu thích cậu thử tìm hiểu Ngọc xem sao. Cô ấy là người có tâm hồn, hợp với cậu. Tôi nghĩ đến cậu ngay khi mới quen Ngọc ở Hà Nội và chuyến này tôi nhất quyết kéo cô ấy sang Mĩ để gặp cậu vì tôi biết cậu chẳng bao giờ chịu bước chân ra khỏi chốn này.”


“Cậu quen Ngọc lâu chưa?” Tôi hỏi Quang.


“Hơn một năm. Đúng ra, tôi quen người chồng cũ của Ngọc, quen qua chuyện làm ăn kinh doanh thôi. Khi gặp Ngọc, tôi thân với cô ấy hơn. Ngọc có đứa con trai năm tuổi. Hai mẹ con sống tương đối êm đềm ở Hà Nội. Ngọc còn là người rất giỏi giang trong công việc . . .”


Tôi biết định mệnh đang đùa cợt với tôi.


7.


Vài ngày của Quang biến thành mười lăm ngày. Suốt thời gian đó hôm nào tôi cũng ở bên cạnh Ngọc, lúc tại một nhà hàng nào đó, lúc trong rạp chiếu phim, lúc quán cà phê, lúc đi dạo ngoài bờ biển. Ngày cuối tuần tôi đưa cô lên Santa Barbara, đi thăm những cơ xưởng chế tạo rượu nho, viếng ngôi nhà thờ cổ xây từ thời vùng này còn là đất của Mễ Tây Cơ. Tôi tận hưởng những giờ phút êm đẹp đó như chú ong mật tìm ra vườn hoa lúc mặt trời sắp tắt và phải gấp rút hút nhuỵ để kíp bay về tổ trước khi tối trời. Hai chúng tôi đi bên nhau như cặp vợ chồng trong thời kì trăng mật.


Nhưng chỉ có thế. Ngọc để tôi nắm tay cô trong lúc đi dạo hay mua sắm. Đoạn đường về trong chuyến đi Santa Barbara, trên xe hoả, cô co người nằm nghiêng trên nệm ghế, đầu gối lên đùi tôi, nhắm mắt ngủ vật vờ. Nhưng lúc chia tay ra về tôi kéo mặt cô vào định hôn lên môi cô thì cô đẩy mạnh tôi ra. Cô đồng loã với tôi trong trò chơi tình ái này nhưng hình như cô chỉ muốn đến thế, cô ngầm bảo tôi cô vạch ra lằn ranh giới hạn và tôi không được quyền vi phạm lằn ranh đó.


Thế rồi cái hôm trước ngày Quang trở về một ngày, tôi đến đón cô đi ăn sáng, nhưng thay vì ra nhà hàng như mọi hôm tôi đưa cô về chỗ ở của tôi. Cô ngoan ngoãn theo tôi vào nhà. Mọi chuyện xảy ra sau đó như trong thế giới ảo. Đúng hơn, thế giới bên ngoài đột nhiên tan biến. Suốt ngày không lúc nào cô có mảnh vải trên người vì cô chưa kịp mặc vào thì đã bị tôi lột ra. Chưa bao giờ tôi thèm khát thân xác đàn bà như lúc này. Bừng bừng. Căng cứng. Điên cuồng. Cuống quýt. Ngọc hình như cũng mê đắm trong nhục cảm như tôi, cô quên hết thời gian, và có lẽ cũng quên luôn cái không gian cô đang ở. Chúng tôi không nói chuyện nhiều với nhau, chỉ những điều thực cần thiết, thời gian còn lại chúng tôi yêu nhau.


Tôi không hiểu cái gì cuối cùng đẩy cô vào cơn mê nhục cảm. Cô là người đàn bà lẳng lơ, đa tình? Hay cô bị thu hút bởi nỗi say đắm gần như thác loạn nơi tôi? Trực giác cho tôi biết cả hai lí do đều không đúng. Câu trả lời chỉ được hé mở lúc mười hai giờ khuya khi tôi chuẩn bị đưa cô về nhà Quang, khi cả hai chúng tôi như bừng tỉnh sau cơn mê hoảng.


8.


“Hoàng nghe em nói này, anh quên cái ngày hôm nay đi nhé.” Cô bảo tôi, giọng cô ngọt ngào, âu yếm hơn bao giờ.


“Em nói gì lạ thế? Làm sao anh quên được?” Tôi trả lời cô, ngạc nhiên đến ngẩn người. “Em nói thế có nghĩa là gì?”


“Anh không thấy thật ư? Sau ngày hôm nay em sẽ trở về đời sống của em. Anh cũng thế. Anh còn công việc, còn đời sống của anh nơi đây.”


“Có nghĩa là . . . em chọn về với Quang?” Tôi hỏi một câu mà khi nói ra tôi mới thấy hết sức ngớ ngẩn—hình như trước mặt cô lúc nào tôi cũng ngớ ngẩn—tôi sực nhớ suốt hai tuần lễ nay đây là lần đầu tiên chúng tôi nhắc đến Quang.


“Anh nói gì nhảm thế?” Cô cười nhẹ, nhưng tiếng cười không có tí gì mỉa mai, nhạo báng về sự ngớ ngẩn của tôi. “Quan hệ giữa em và Quang chỉ là bạn bè. Anh thừa biết mà còn hỏi câu hỏi rõ vớ vẩn. Quang lần này về Mĩ đem theo hai người đàn bà, em và một cô người mẫu hai mươi tuổi. Quang rủ em đi Mĩ chơi và em đi theo hai người. Cô người mẫu đó mới thật là nhân tình của Quang. Quang giấu anh. Nhưng ngày mai anh sẽ gặp cô ấy. Quang đâu có đi New York vì công việc, Quang đưa cô nhân tình đi hưởng trăng mật dưới biển Caribbean.”


“Mọi chuyện ở Quang cả.” Cô nói tiếp. “Mới đặt chân đến nước Mĩ, Quang đã nói về anh và đòi giới thiệu em cho anh, nhưng em không chịu. Em bảo Quang em chỉ muốn ở Mĩ chơi một thời gian ngắn rồi trở về Hà Nội tiếp tục cuộc sống cũ của mình. Em sợ dính líu vào chuyện tình cảm lắm, nhưng Quang nói mãi về ý định của mình, Quang còn nói về anh rất nhiều khiến em tò mò muốn biết anh ra sao mà một người khó tính như Quang phải ca ngợi. Thế là em chịu theo Quang đi gặp anh ở quán cà phê dưới bờ biển Laguna . . . Quang bảo em, ‘Thằng bạn anh nó hâm lắm, nó chỉ thích chọn những nẻo đoạn trường mà đi thôi, anh biết nó từ thuở còn đi học, ba mớ thơ văn đỏm dáng, trí thức khật khừ giết chết nó. Em phải giúp anh cứu nó ra khỏi cái nhà tù đó.’ Quang bảo anh là nhà thơ có tiếng ở ngoài này. Nghe thế em lại càng tò mò hơn và em nhận lời đi chơi với anh. Sau khi gặp anh ở quán cà phê em nghĩ là sẽ chẳng hề hấn gì nếu anh chàng mặt mày sáng sủa, trí thức nhưng sổi nổi một cách vô cùng ngố ngác này yêu mình . . . Em thấy vui vui, hào hứng với ý tưởng này, em nghĩ nó chỉ là trò chơi, một trò chơi vô hại . . . Nhưng em lầm . . . Đùa giỡn với con tim là cái gì nguy hiểm vô cùng. Em tưởng hai tuần lễ cuối cùng ở xứ Mĩ em có tí thời gian nhẹ nhàng, thơ mộng với một người đàn ông hoàn toàn xa lạ để rồi khi trở về nó sẽ như một kỉ niệm đẹp khó quên . . . Em làm được như thế vì em có cảm tưởng trong thời gian này, ở nơi đây, em như một người đàn bà khác. Em không còn là em lúc bình nhật nữa. Chính em cũng không hiểu được cái tình cảm mới mẻ, lạ lùng này trong em. Ở Hà Nội, trong mơ cũng chẳng bao có chuyện như thế xảy ra với em . . .”


“Em yêu anh?” Tôi hỏi cô sau một lúc khá lâu im lặng như để ngấm vào lòng sự thật những lời cô vừa nói. Quả thật tôi vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được suy nghĩ của mình.


“Anh đừng nói với em về tình yêu. Em sợ lắm.” Ngọc không ngăn được những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên hai má cô. Hiển nhiên cô đang bị xúc động. Tôi đoán cô đang chiến đấu với lòng mình.


“Tại sao mình không làm người bình thường được, hả Ngọc? Tại sao em cứ để những tình cảm phức tạp đó chi phối lòng em? Việc gì em phải sợ? Mọi chuyện anh đã hiểu và chẳng có gì là đáng sợ. Nếu em yêu anh thì mình sẽ . . .”


“Không, không.” Ngọc ngắt lời tôi. “Anh đừng nói đến tương lai. Sẽ không có tương lai nào đâu. Em còn đứa con năm tuổi ở Hà Nội, còn bố mẹ em. Con em không cha vì em li hôn đã hơn ba năm nay, nó cần tình thương của em và của ông bà ngoại nó . . . Nhưng điều quan trọng hơn cả là em sẽ không đứng vững ở nơi đây.”


“Em muốn nói là em sẽ gặp nhiều khó khăn tạo dựng lại sự nghiệp của em nơi đây?” Tôi hỏi cô bởi qua chuyện trò tôi biết cô có địa vị khá cao trong một ngân hàng nhà nước.


“Anh chưa hiểu ý em. Ở Hà Nội hai chân em chấm đất. Ở đây em như người đi trên mây. Chỉ người đi trên mây mới có ngày hôm nay với anh.” Nước mắt cô vẫn chảy. Giọng cô sụt sùi, tức nghẹn.


Hiển nhiên, câu nói này giải thích khá rõ ràng tình cảm của cô cho tôi mấy ngày hôm nay, nhưng ngay lúc đó tôi chưa hiểu ra, tôi buông một câu nói gần như chẳng có ý nghĩa gì: “Cảm giác đó sẽ hết sau khi em hội nhập với đời sống nơi đây. Vấn đề là em có chịu chấp nhận sự thay đổi hay không.”


Ngọc hình như không nghe tôi nói gì. Cô đột nhiên oà lên khóc. Tôi không hiểu tại sao cô khóc. Cô ôm mặt khóc như điên dại. Tôi ngồi nhìn cô khóc, lòng bỗng thấy khô cạn. Tôi chẳng bao giờ tiên liệu có một ngày như ngày hôm nay. Mọi chuyện dồn dập đổ ập xuống trong vòng mười mấy giờ đồng hồ khiến tôi như tê dại. Tôi mất mọi khả năng ứng phó. Tinh thần tôi cạn kiệt. Cách đây hơn giờ đồng hồ cũng khuôn mặt đó của Ngọc nhăn nhíu vì hoan lạc, giờ đây nó đang nhăn nhíu vì thương đau. Tôi không dỗ dành cô mà cứ để cô khóc. Cô khóc đến khản tiếng tôi mới lại ôm vai cô. Nhìn cô khổ sở, đột nhiên tôi lại thấy thèm làm tình với cô. Sức mạnh không biết từ đâu tụ về. Cơn thèm muốn lại râm ran trong từng tế bào cơ thể tôi.


Tôi nghe chuyện này về Thánh Mahatma Gandhi thuở ngài còn trẻ tuổi. Người ta kể hôm cha ngài nằm chờ chết trên giường bệnh thì ở phòng bên, ngài và người vợ nằm trên giường làm tình với nhau. Nếu quả thế thì hoan lạc và thương đau chỉ cách nhau có bức tường mỏng, tức là kề cận nhau trong gang tấc. Cả hai chỉ là hai điểm nhỏ, đúng hơn, hai phân tử vô chiều kích, vô trọng lượng trong đời sống chúng ta và cái quả lắc đời sống cứ thế lắc bên này chạm điểm này trong tích tắc rồi lại lắc sang phía bên kia, chạm điểm kia. Cái quả lắc đó lắc mãi cho đến khi vũ trụ tan biến vào khoảng không huyền tẫn. Và, nếu thế thì hành vi kiếm tìm hạnh phúc hay né tránh thương đau chỉ là những cố gắng tuyệt vọng, hoài công vô ích. Chúng ta bước ra ngoài sân khấu cuộc đời, sắm vai trò bi hài, hân hoan chui vào nằm trong cái rọ của định mệnh đời sống, nơi niềm vui và nỗi buồn hoà nhập vào nhau thành một khối đặc cứng, không rời. Trong cái rọ, chúng ta không phân biệt được đâu là niềm vui, đâu là nỗi buồn nữa.


Tôi bế thốc cô vào phòng. Mặt cô vẫn đầm đìa nước mắt lúc tôi đặt cô xuống giường, rồi dường như cũng bị kích thích như tôi cô vồ vập lấy tôi trong những động tác cuồng điên như loài thú. Đôi môi cô tham lam gắn lên môi tôi, cô cắn mạnh môi tôi tưởng chừng bật máu. Tôi lại lột quần áo cô. Tôi liếm sạch từng giọt nước mắt của cô. Nước mũi, nước miếng lem nhem đầy khuôn mặt cô tôi cũng không chừa và trong lúc thúc như điên loạn vào người cô, tôi thấy mặt cô lại nhăn nhíu. Quả lắc đang lắc về phía hoan lạc. Cách đây mấy phút nó ở phía thương đau. Tiếng rên xiết thoát ra từ miệng cô, tôi không biết là gì. Thế rồi tôi vỡ oà trong lúc miệng cô vẫn không ngừng rên xiết, thân xác cô vẫn không ngừng quằn quại. Tôi nhấc khỏi người cô, nhưng hai chân cô vẫn xoạc ra quặp chặt hông tôi. Tôi quỳ khom người say đắm nhìn thân xác cô đang căng tràn hoan lạc. Nỗi hoan lạc như nằm trong tay tôi, tôi có thể sờ mó thấy nó, nó thật đến nỗi tôi có cảm tưởng như đang dầm mình trong bồn nước ấm tẩm hoa thơm. Bỗng nhiên từ khoảng da thịt âm u một tia nước ấm vọt mạnh vào mặt tôi, lên ngực tôi. Thật bất ngờ tôi khựng lại nhưng ngay lập tức tôi hiểu ra. Cơn hoan lạc vỡ bùng trong cô và cơ thể cô không tự chủ được nữa, cô không ý thức được chuyện gì đang xảy ra, hai mắt cô vẫn nhắm nghiền. Tia nước tiểu của cô vọt lên bắn vào mặt mũi tôi. Một cảm giác kì lạ bỗng dâng lên trong tôi, tôi không thấy nước tiểu của cô dơ bẩn, đáng tởm chút nào, ngược lại là đằng khác, nó là một phần của cơn hoan lạc trong cô và như thế nó chan chứa niềm sung sướng chân phúc, đắm say. Tôi bị kích thích đến tột cùng, tôi hứng tia nước ấm như hứng cơn hoan lạc và cảm giác tuyệt đỉnh cứ thế lây lan, dâng tràn. Khi tia nước ngừng chảy, tôi tiếc rẻ, ước gì nó cứ tuôn chảy mãi, đừng bao giờ ngừng, để căn phòng ngủ của tôi biến thành biển hoan lạc và tôi sẽ dầm mình trong đó cho đến thiên thu. Tôi cúi xuống ôm ghì lấy thân xác gần như chết lịm của cô trong vũng lầy của đam mê.


9.


Quang trở về. Da mặt anh cháy đen, khoẻ mạnh. Trông anh tươi trẻ, yêu đời bên cạnh cô nhân tình người mẫu có khuôn mặt đẹp nhưng vô cảm như bức tượng ma-nơ-canh trong tiệm quần áo thời trang. Chúng tôi bốn người ngồi trong một nhà hàng Việt có món chả cá Quang ưa thích.


Tôi hỏi Quang: “New York tháng mười hai rồi mà còn nắng cháy da à?”


Biết tôi hỏi xỏ, anh phá lên cười: “Vâng, nơi chúng tôi sang chơi nắng đẹp chưa từng thấy, còn Cali của cậu, tôi nghe nói mưa bão sụt sùi suốt ngày.” Chúng tôi đều cười, riêng tôi hơi chột dạ, tôi hi vọng Ngọc không đến nỗi quá vụng về để lộ chuyện ngày hôm qua. Tôi thấy cô nói nhiều và bặt thiệp hơn mức bình thường. Cô bình phẩm các món ăn rất chính xác, so sánh món này món kia với các nhà hàng ở Hà Nội. Chúng tôi đi ăn cơm tối với nhau lần cuối, chốc nữa tôi sẽ đưa cô ra phi trường để chỉ sau một giấc ngủ cô xuất hiện lại trong thế giới của cô, nơi hai chân cô chạm xuống mặt đất cứng rắn, vững vàng chứ không lềnh bềnh như kẻ đi trên mây nữa. Cô sẽ là người đàn bà khác, khác lắm so với người đàn bà cách đây hai mươi bốn giờ thân xác nằm say đắm cho tôi khám phá từng phân vuông trên thân thể, khác lắm so với người đàn bà yếu đuối, run rẩy, ôm mặt khóc đến cạn khô nước mắt trước mặt tôi. Ngay lúc này, tại bàn ăn của nhà hàng trong khu phố Việt, cô đã bắt đầu đổi khác, hai chân cô đã la đà sa xuống mặt đất. Đường về của cô đã bắt đầu thu ngắn được mươi cây số. Cô linh hoạt, tự nhiên như người điều khiển một chương trình ca nhạc vui nhộn trên TV. Cô đã nhìn thấy đường về của cô và tôi là kẻ đứng lại bên này đại dương nhìn theo.


Sau bữa ăn, chúng tôi đứng trước cửa nhà hàng bịn rịn chia tay một lúc lâu. Sau đó, Quang đưa cô nhân tình có khuôn mặt như tượng ma-nơ-canh đi khiêu vũ còn tôi đưa Ngọc ra phi trường. Trên đường đi suốt gần giờ đồng hồ lái xe và cả lúc ngồi chờ tại bàn cà phê trong hành lang phi trường, chúng tôi chẳng ai nói gì nhiều, chỉ vài câu trao đổi bình thường. Thấy tôi đăm chiêu mãi, cô vừa cười vừa bảo tôi như ra lệnh:


“Anh đi mua cho em viên kẹo. Chỉ một viên thôi đấy.”


“Kẹo ở đây bán từng túi chứ ai bán từng viên.” Tôi tưởng cô thèm ngậm kẹo thật, giậm chân đứng dậy định chạy đi vì chỉ còn chừng mười lăm phút nữa là đến giờ hành khách lên phi cơ. Cô bật lên cười:


“Em sai anh đi mua kẹo là để khỏi phải nhìn thấy cái mặt tư lự như đưa đám của anh.”


“Em nghĩ anh vui được à?” Tôi hỏi lại cô, giọng hơi gắt. Tôi thấy tưng tức trong lòng bởi tại sao cô có thể vui vẻ được trong lúc chia tay. Chí ít cô nên đóng hết vai trò cho khéo một chút chứ. Như đọc được ý nghĩ của tôi, nét mặt cô bỗng trầm xuống.


“Quang nói về anh đúng lắm.” Cô không trả lời câu hỏi của tôi mà lảng sang chuyện khác.


“Quang nói gì về anh?” Tôi hỏi.


“Quang bảo anh là kẻ thất lạc trong cuộc sống này. Thất lạc vì chính mình bắt mình thất lạc. Nghe phi lí, nhưng em nghĩ Quang đúng.”


“Kẻ thất lạc gặp kẻ đi trên mây. Quả là cuộc tương phùng vô tiền khoáng hậu.”


Cô cười to với câu nói của tôi. Đoạn cô đổi sang giọng trầm tĩnh, hỏi tôi:


“Quang bảo anh đỗ tiến sĩ toán năm hai mươi bốn tuổi, đúng không?”


“Đúng.” Tôi trả lời cô, trong lòng thoáng ngạc nhiên, câu hỏi có vẻ chẳng dính dáng gì đến tâm cảnh lẫn không gian chúng tôi đang ngồi, nhưng tôi cũng nhớ ra tôi chưa kể gì với cô về thân thế tôi, tôi thật sự biết cô mới hai tuần lễ.


“Anh hiện là chuyên gia hàng đầu của tập đoàn công ti Xircom, đúng không?” Cô vẫn tiếp tục hỏi tôi như cật vấn can phạm.


“Không phải hàng đầu, nhưng nói thế cũng được.” Tôi vẫn chưa dò ra ý cô muốn gì.


“Anh còn là người chơi vĩ cầm giỏi như một diệu thủ lừng danh?”


“Từ toán học sang âm nhạc chỉ là đoạn đường rất ngắn. Anh lại học vĩ cầm từ khi còn bé . . . Nhưng em hỏi thế có nghĩa là gì?”


“Người như anh đáng lẽ phải có đời sống bình thường, hạnh phúc. Em thắc mắc.”


Đến đây thì tôi hiểu ra mục đích của cô là gì. Tôi bảo cô: “Em cho anh là kẻ điên khùng? Anh tưởng anh cũng bình thường như trăm nghìn kẻ khác.”


“Không, không. Không ai nói anh điên. Anh đừng nghĩ thế, oan cho em. Em chỉ thấy anh phung phí tình cảm mình như kẻ đánh bạc ném từng đống tiền xuống chiếu mà không cần biết trên tay mình đang cầm những quân bài nào. Cố nhiên, em chưa biết anh đủ để có cái nhìn thật chính xác về anh, nhưng mấy ngày đi chơi với anh cộng thêm trước đó tối nào em và Quang cũng ngồi nói chuyện về anh khiến em có cảm tưởng như em biết anh đã lâu lắm rồi.” Cô ngưng lại mấy giây đoạn đổi sang giọng từ tốn, nói tiếp, “Hoàng nghe em nói này, anh chịu khó tìm sự quân bình trong đời sống anh đi, anh sẽ không khổ nữa. Anh là người có tình cảm mãnh liệt, nhưng với cuộc sống, càng mãnh liệt anh càng chết. Trong tình yêu, đàn bà say mê điều đó, nhưng họ sợ lấy anh.”


Cô nói thêm vài câu nữa, toàn những lời khuyên nhủ chân tình, tôi biết thế. Nhưng những lời của cô chui vào tai này của tôi chạy thẳng ra tai kia, chẳng lưu lại trong lòng tôi chút nào bởi trước đây Phương cũng đã từng khuyên nhủ tôi như thế. Cuối cùng tôi ngắt lời Ngọc: “Anh chỉ cần em yêu anh là đủ. Anh sẽ về Hà Nội tìm em.”


Câu nói chẳng chân tình chút nào, tôi biết thế. Hai chân cô sắp chạm mặt đất, tôi chẳng cần phải chân tình với cô nữa. Tôi đang gạ gẫm cô, đang trao đổi, đúng hơn, đang buôn bán tình yêu với cô. Chúng tôi đang là những kẻ buôn bán phàm trần. (Từ thời tiền sử tình yêu đã là sự buôn bán. Lúc ông bà mình còn ăn lông ở lỗ, người đàn bà chỉ chịu giao hợp với kẻ đem thức ăn về hang—kẻ yếu sức, kém cỏi, không những bụng đói mà còn không được thoả mãn!) Và, theo lời Quang thì kẻ buôn bán là hạng người trí trá nhất trên đời (họ đọc Tôn Tử Binh Pháp rất kĩ).


“Đừng, anh ạ. Ở Hà Nội em là người đàn bà khác. Vả lại Hà Nội có hàng trăm đôi mắt cú vọ nhìn theo em. Không được đâu. Anh đừng có mà điên rồ.” Cô trả lời, tưởng tôi nói thật.


“Nhưng anh biết em yêu anh.” Tôi nói với sự chờ đợi của đứa bé vòi mẹ mua quà. Tôi chỉ thích nghe cô nói cô yêu tôi.


“Có lẽ đúng thế. Có lẽ em yêu anh thật. Có lẽ em sẽ chẳng bao giờ quên được anh. Nhưng đó là chuyện khác.” Cô nói sau một lúc khá lâu im lặng, hai mắt cô lại bắt đầu ươn ướt, hình như cô rất sợ hãi khi bất cứ ai nhắc đến hai chữ tình yêu. Nó khiến hai chân cô như muốn cất cánh bay lên mây trở lại. Cô lưỡng lự, chao mình trong giây lát, nhưng rồi tôi thấy cô lại chới với sa xuống mặt đất.


Tôi không hiểu lắm câu nói sau cùng của cô nhưng không còn thời gian cho tôi hỏi thêm mà thật sự tôi cũng chẳng muốn biết làm gì. Tôi thấy cô càng lúc càng khác. Chỉ còn mươi bước từ đây ra đến cửa phi cơ. Hai chân cô chỉ còn cách mặt đất vài mi-li mét. Cô sắp biến thành người đàn bà khác. Nói chuyện với một người không quen biết thì có gì hứng thú đâu. Lòng tôi trở nên nguội lạnh, tôi nhìn cô như nhìn món đồ trang sức đẹp trưng bày trong tủ kính của gian hàng bách hoá. Thân xác cô vẫn thế, mặt cô vẫn đẹp, nhưng đối với tôi lúc này cô là người đàn bà khác.


Rồi cũng đến lúc cô đứng dậy, khoác chiếc ví da to quá khổ lên vai đoạn nhập vào dòng người đang xếp hàng chờ lên phi cơ. Tôi chỉ kịp hôn lên má cô và ghi nhận vào trí nhớ mình hình ảnh cuối cùng của cô, phần lưng của chiếc áo màu tím than cô mặc lúc đó, nó ẩn hiện giữa những đầu người lố nhố, mỗi lúc mỗi xa dần tầm nhìn của tôi và cuối cùng thì mất hẳn.


10.


Từ phi trường ra, tôi không lái xe về chỗ ở của tôi. Tôi cần “về nhà”. Nghĩa là tôi cần ngủ với một người đàn bà nào đó đêm nay. Ngủ ở đây không phải là làm tình. Ngủ là nằm chung một chiếc giường, đắp chung một tấm chăn, sao sát thịt da hai thân hình ấm áp của nhau, ngửi vào mũi làn hương ngai ngái của thân thể nhau, nghe tiếng ngáy đều đặn của nhau, và nhất là nhìn khuôn mặt an bình của nhau trong giấc ngủ.


Nhưng ngủ sao còn nhìn được? Chẳng lẽ tôi ngủ với hai mắt mở thao láo nhìn sang người kia?


Đừng tưởng các giác quan lúc ngủ nằm yên, không hay biết gì. Chúng vẫn hoạt động đấy, chúng vẫn âm thầm rị mọ ghi nhận vào tâm trí chúng ta hình ảnh, màu sắc, âm thanh của người mình đang ngủ chung. Chúng ta yên tâm bởi chúng ta biết đang được vỗ về trong cái ổ yên ấm nơi tâm hồn chúng ta sung sướng co lại trong cái vỏ hạnh phúc của nó. Chúng ta chỉ thật sự “về nhà” khi chúng ta vào nằm ngủ chung với một người nào, còn kì dư tất cả những lúc khác, ngay cả lúc hai thân xác nhập vào nhau trong hoan lạc,

chúng ta vẫn lêu bêu dưới bầu trời vô định này.


Tôi lấy máy di động ra cầm trên tay mân mê mãi vẫn chưa biết gọi cho ai. Phương từ ngày dọn lên Seattle hình như nhất quyết xa tôi. Cô không cho tôi số điện thoại mới, email cũng đổi. Hoa thì chắc vẫn còn kẹt cứng dưới quê bên kia bờ đại dương với bà mẹ đang nằm chờ chết. Hơn nữa, cho dù còn ở đây cô cũng chẳng đời nào chịu cho tôi vào nằm giường cô, tôi có giải thích cách mấy cô cũng chẳng hiểu. Nhưng tôi sực nhớ bây giờ là mười hai giờ rưỡi khuya. Sẽ chẳng có người đàn bà nào trên cõi đời mở cửa nhà vào lúc này cho tôi vào ngủ chung giường, cô sẽ gọi tôi là thằng điên.


Ngoại trừ một người.


Tôi bấm số di động của Tiểu Cơ, cô gái Vũ Hán, cô gái nước Sở xinh đẹp mà phải đem thân xác ra làm trò tiêu khiển cho bọn sài lang hung bạo, trong đó có tôi. Nhưng quan hệ giữa tôi và Tiểu Cơ càng ngày càng trở nên lạ lùng. Sau một thời gian lui tới cô không xem tôi là khách nữa mà là một thứ bạn tình hờ. Thi thoảng, những hôm cô nghỉ làm tôi ghé căn hộ bé xíu nơi cô sống một mình và ở chơi với cô suốt ngày. Cô dạy tôi tiếng Quan Thoại, tôi ngạc nhiên khi biết cô thuộc rất nhiều thơ Đường. Cô đọc thơ Đường bằng tiếng Quan Thoại cho tôi nghe, âm điệu nghe hay như bài hát. May ra chỉ có cô mới cho tôi ngủ chung giường đêm nay.


Cô trả lời máy. Tôi hỏi cô đêm nay có phải tiếp khách thâu đêm không. Cô bảo không nhưng cô phải ngồi đây cùng bốn cô gái khác hầu rượu năm tên đại gia Đài Loan đến hai giờ khuya.


“Anh về phòng em ngủ đêm nay được không?” Tôi hỏi cô.


“Ưmmm . . . Nhưng đi làm ra, em mệt lắm . . .” Giọng cô nũng nịu.


“Anh chỉ cần chỗ ngủ thôi. Em hiểu không?” Tôi nói nhanh.


“Em hiểu. Anh đến đón em lúc hai giờ nhé. Em khỏi phải nhờ bạn đưa về nhà.”


Cô nói tiếng được tiếng mất bởi cứ bị át bởi tiếng ồn của năm con sài lang đang tranh nhau cấu xé xác chết con mồi bên cạnh.


“Anh chờ em ngoài xe, anh không muốn vào bên trong nhà hàng.” Nói xong tôi tắt máy.


Tôi đỗ xe khá xa cửa nhà hàng, tôi không muốn gã bảo vệ nhìn thấy tôi. Vẫn còn nửa giờ trước khi Tiểu Cơ thoát khỏi bộ xiêm y phơi bày lồ lộ thịt da nõn nà của cô, thay vào bộ quần áo thường và ra về. Tôi co ro ngồi trong xe, trời hình như đang chuyển cơn mưa đêm. Những ngày cuối năm hay có những cơn mưa đêm bất chợt và mỗi lần mưa thì rét mướt lắm. Tôi châm đến điếu thuốc thứ tư mà vẫn chưa thấy cô gái nước Sở của tôi đâu. Tôi định bấm máy gọi cô thì thấy bóng cô nghiêng ngả, bước đi xiêu tó trên sân. Cô vẫn mặc bộ xiêm y tiếp khách trên người, bên ngoài khoác thêm chiếc áo choàng. Tôi chui ra khỏi xe mở cửa cho cô vào. Người cô run bần bật lúc ngồi vào xe, mùi rượu bia từ miệng cô toát ra nồng nặc, hai hàm răng cô đánh vào nhau liên hồi thành những tiếng lộp cộp đều đều như tiếng đánh moọc. Tôi choàng tay sang ôm vai cô, đoạn đưa cô điếu thuốc tôi đang hút dở. Mãi lúc sau cô mới dịu xuống. Cô bảo tôi giờ chót một tên đại gia đổi ý đòi đưa cô về khách sạn. Gã ta nhất quyết chọn cô chứ không ai khác, mặc dù cô đã hết lời khéo léo đẩy gã sang một cô gái khác xinh đẹp không kém cô. Gã ta sẵn sàng bỏ ra một nghìn đô-la hoặc hơn thế để ngủ với cô đêm nay. Tôi hỏi cô không có cách nào khác hơn sao. Cô bảo không bởi gã chủ nhà hàng không thể bỏ qua mối bở này. Cô bảo tôi về nhà đi ngủ trước đoạn cô đưa tôi chùm thìa khoá.


Tôi vào phòng Tiểu Cơ, tắm táp qua loa. Lục lọi tủ áo quần tôi vớ được cái quần ngủ bằng vải mềm rộng nhất của cô, tôi lấy mặc vào người, để mình trần. Quần dây thun nên bụng tôi không đến nỗi bị chật tức nhưng nó cao đến đầu gối khiến tôi trông như anh chàng nông phu vùng miền quê nhiệt đới nào. Đoạn tôi lên giường nằm chờ cô về. Phòng cô bé nhưng gọn ghẽ, xinh xắn, giường nệm êm ái, thoang thoảng mùi nước hoa. Đầu giường cô xếp một lô những con gấu, con chó nhồi bông xinh xắn, chúng nhìn tôi mỉm cười. Tôi vói tay lấy xuống một chú gấu ôm vào ngực như ôm đứa bé con. Tôi định chờ cô về rồi mới ngủ nhưng sức lực tôi dường như không còn nữa, tôi không tài nào cưỡng nổi cơn buồn ngủ đang ập đến và tôi thiếp đi.


Lúc Tiểu Cơ về đến nhà thì trời đã bắt đầu hửng sáng. Tôi mở mắt thấy cô ngồi cạnh tôi, trên người mặc bộ quần áo ngủ bằng lụa màu xanh nõn chuối. Cô khẽ nở nụ cười khi thấy tôi mở mắt, có lẽ cô ngồi nhìn tôi ngủ từ nãy đến giờ. Trong lúc mơ màng còn say ke giấc ngủ, dưới ánh sáng mờ ảo của căn phòng, tôi thấy cô xinh đẹp đến não nùng, khuôn mặt cô thanh tú, mái tóc dài chảy xuống hai bên vai. Trông cô thơ trẻ làm sao, như một đứa bé gái được mẹ cưng chiều hết mực và đang nũng nịu đòi mẹ thương yêu. Cô lấy tay gỡ nhẹ con gấu nhồi bông từ tay tôi rồi chuồi vào áp má lên khuôn ngực trần của tôi. Hơi thở cô toát mùi rượu lẫn mùi kem đánh răng. Chưa đầy một phút sau cả cô lẫn tôi chìm vào giấc ngủ.


11.


Ít lâu sau Quang gọi điện cho tôi báo tin Ngọc lấy chồng. Người chồng mới của cô cũng ở trong giới kinh doanh Hà Nội, một người đàn ông đứng tuổi nhưng đàng hoàng, tốt bụng. Ông ta rất thương yêu đứa bé con Ngọc, và đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô. Quang kết luận như thế. Anh cũng bảo tôi anh rất tiếc chuyện tôi với Ngọc không thành. Anh trách tôi sao cứ mãi lông bông bay bổng trên mây xanh và tôi đồng ý với anh về điểm đó. Nhưng tôi ậm ừ, thật sự dửng dưng khi nghe Quang thuật chuyện. Anh đang nói về một người đàn bà nào khác, cô ta chẳng có quan hệ gì với tôi, một người hoàn toàn xa lạ. Người tôi yêu tên cũng là Ngọc, cô từ trên mây hiện ra trên giường ngủ tôi đúng một ngày và đem đến cho tôi niềm hoan lạc tôi chẳng bao giờ quên.


Đến bây giờ tôi vẫn chờ đợi có ngày cô trở lại với tôi. Tôi vẫn thấy cô trong những giấc mơ ngày của tôi. Tôi làm hơn nghìn bài thơ cho cô để cô đọc ngày cô trở về. Và như người Do Thái, dù trong vô vọng vẫn chờ đợi ngày Đấng Messiah tái hiện, vẫn một mực tôn thờ cuốn thánh kinh Torah, tôi vẫn chờ đợi ngày người đàn bà đi trên mây xuống nằm với tôi, vẫn tôn thờ tình yêu bằng cách dầm mình trong những cuộc truy hoan bất tận.



Trịnh Y Thư


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 40500)
t a đã đi ngang qua nhiều biển vẫy vùng suýt chết thằng đàn ông nhìn em ánh mắt màu mật ngọt giấu sau bản tình ca chiếc mặt nạ sau khi vẽ lên bầu trời vòng tròn của khói
25 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 40586)
R ồi cũng đến lúc không còn để nói câu tiên tri nở trắng cánh phù dung rồi cũng đến lúc không còn để đợi khúc tình xa rớt lại giữa lưng chừng
22 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 39727)
B ạn tôi dậy cho tôi viết ca khúc Sau 3 tuần bắt tôi viết 8 tiểu đoạn Tôi ghi note cho từng tiểu đoạn Tất cả đều không có gì sai Bạn dạo những note kia bằng dương cầm Tôi nghe những âm thanh là lạ Bạn nói với tôi  Cái này không phải nhạc Hiền ơi…
21 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 36562)
MKDSNM được phát hành vào một thời điểm rất ý nghĩa, ngay sau Hội nghị Thượng Đỉnh Mekong II / MRC Summit II vừa diễn ra tại Thành Phố Sài Gòn ngày 5 tháng 4, 2014. Hội nghị này đã được giới quan sát quốc tế và các nhà hoạt động môi sinh đánh giá như một thất bại về phía Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ sự phát triển bền vững hệ sinh thái Sông Mekong, và ĐBSCL, cũng là mạch sống của ngót 70 triệu cư dân sống trong lưu vực.
21 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 43252)
K hi về đã lạnh vườn xưa Chỉ nghe giá rét sang mùa mà thôi Giờ em heo hút phương trời Biết chăng đây có một người nhớ thương
19 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 39787)
Q ua một loạt truyện gởi đến độc giả Hợp Lưu gần như liêu trai và siêu thực, Uyên Lê tâm sự: “ Em chỉ thích viết về quê hương này, về Việt nam, có những điều đẹp như hoang đường ... Chỉ có yêu thật lòng người ta mới thấy cái đẹp của người mình yêu. Em viết về Phan Thiết và nước mắm rất nhiều, em cho đó là cái đẹp và tình! Em cũng viết nhiều về Huế… em không biết HL có thích chất tự tình quê hương đó của em không…” Chúng tôi xin gởi đến quí bạn đọc một bài viết về Phan Thiết của tác giả Uyên Lê.
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 66771)
R ồi đến cuộc sụp đổ của miền Nam mùa Xuân 1975 và nhiệm kỳ Tổng thống vừa tròn 40 tiếng đồng hồ của Tướng Minh. Lệnh buông súng đầu hàng của Tướng Minh sáng ngày 30/4/1975 khiến nhiều người, vốn chẳng biết nhiều về những diễn biến tại hậu trường sân khấu chính trị, trút mọi trách nhiệm việc “ mất nước ” (sic) lên đầu ông “ hàng Tướng ” này. [Những lời thở than, khóc lóc “ mất nước ” cũng chẳng khác gì việc đồng hoá một chế độ chính trị với “ Tổ Quốc ” trên trình độ hiểu biết chữ Việt!]
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 43522)
C hỉ còn một góc phố Và một ngã tư chơ vơ không người chờ đợi Em đi qua hôm nào anh đâu biết Một nửa tình buồn lạc nhịp ngoài đêm
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 36843)
Đ ồng hồ cũng dừng lại đối với những người phải bỏ nước ra đi, sau khi ông Trần Mai Hạnh và bạn bè của ông vào Sài Gòn. Họ ra đi từng đợt: đợt di tản, đợt thuyền nhân, đợt đoàn tụ gia đình, đợt H.Ọ Mỗi đợt ra đi mang theo một loại quê hương, và trong hoài niệm, không ai muốn thay đổi hình ảnh thân yêu ấy. Bạn bè, nhà cửa, phố xá, tên đường tên đất, cả đến ngôn ngữ trao đổi thường ngày...giống như một cuốn phim đột ngột bị đứt, ngưng lại, thành tĩnh vật.
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 42548)
T hế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư. {Bây giờ} Qua hai câu thơ đó Nguyên Sa đã diễn tả tâm trạng của thế hệ ông, thế hệ của những người trai trẻ ở miền Nam thời 1954-75, đã nuôi nhiều kỳ vọng cho tương lai đất nước, nhưng chẳng bao lâu đầy tuyệt vọng trong một quê hương khói lửa.