- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

miên di đi mãi trong thơ

27 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 37824)


miendi
 miên di -2014


LTS: Sinh một năm sau chiến tranh Việt Nam, năm 1976, miên di là bút danh (không viết hoa) của Lê Xuân Hòa. Cái tên miên di không viết hoa là một đặc biệt, đặc biệt như tên và đặc biệt như thơ. Thơ của miên di rất gần gũi trong đời sống của chúng ta. Mời quí vị cùng chúng tôi đi vào thế giới thơ đặc biệt nầy…

 Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

quạnh hiu


đười ươi lặng lẽ ngắm chiều
nỗi buồn tiến hóa thành điều quạnh hiu

 

miên di

 

 

bạn

nhiều lúc tưởng chẳng còn ai là bạn
loay hoay đành phải gọi chính tên mình

ừ thì sống ai mà chẳng khổ
kẻ khổ tiền
người khổ chuyện công danh
tai ương thăm người có báo trước ai đâu

mày có nhớ cái thằng hay ghẹo gái 
lấy cô bé tao yêu
giờ nằm lạnh lẽo trên đồi 
thương vợ nó mà tao không dám tới
sợ bạn mình sau cái chết vẫn còn đau

đời vậy đó !
dài bao nhiêu cũng ngắn
có thương nhau đôi lúc phải lạnh lòng
biết bạn khổ mà không đành giúp 
vì mẹ tao còn khổ gấp trăm lần

ừ vậy đó !
nhiều khi như người cụt 
dù hai tay vẫn quần quật với thường ngày
bạn bè vắng nhau cơn hoạn nạn
vì tối về còn phải bế con
vì phải sống như thằng chết nhát
vì phải hèn để tròn bổn phận làm cha

tao vẫn nhớ cái thằng nhiều khát vọng 
mớ ước mơ dễ phủ được thế thời
giờ phụ vợ bưng nỗi buồn trong góc bếp
thương cái nhìn vẫn khao khát như xưa

đám bạn mình cũng có đứa làm quan
cũng xông xênh 
cũng người đởi nể sợ
vậy mà vẫn thấy thương đời nó
bà Sáu, chú Tư ngày nào cũng chửi 
đồ đẽo lương tâm để vừa với chỗ ngồi

rồi có đứa anh hùng nộp thuế
bỗng hóa tội đồ khi lỡ chuyến kinh doanh
chết giữa chiến chinh có sử xanh làm bia mộ
chết giữa thương trường tù ngục ghi danh

*

nhiều lúc tưởng chẳng còn nhau là bạn
tao với mày chỉ là bữa cà phê
vài ly rượu dốc nỗi buồn cho cạn
không sao đâu !
mày hãy làm bạn với chính mày
tao cũng thế 
còn chính tao là bạn
hiểu cho nhau điều này
để còn là bạn của nhau

 

miên di

 

 

miền qua tay

 

cà phê như những lời kinh
đều đều rớt xuống từng tinh thể buồn

một mình tưởng niệm nụ hôn
chết trong bệnh viện tâm hồn không may
còn gì sau cuộc chia tay
tên ai đầy những cơn say rỗng người

tự dưng có một bật cười
nghe như tiếng vỡ của lời nói câm
yêu thương như một vết đâm
phủ lên ngày tháng mảnh khâm liệm nhàu

bởi vì trìu mến mà đau
liền da có phải vắng nhau là liền 
không đau nhói
không triền miên
không tên để gọi một miền qua tay

mai này gội tóc đã dài
em còn nhột cái vành tai vắng người

 

miên di



mỗi thức dậy gặp mình như câu hỏi


mỗi thức dậy 
gặp mình như câu hỏi
nghe trăm năm thấm thoắt bỏ đi 
những thằng bạn yên bình xây mộ sống 
trong mưu sinh nhạt nhẽo vật vờ

đứa làm thơ chết bằng bút mực
đứa làm ngơ sống sót lờ đờ
đứa làm quan cơ tim nhồi mưu kế 
đứa làm người không thể đầu thai

dẫu làm gì cũng chỉ là xong sống vậy thôi

mỗi thức dậy
gặp mình như chỗ vắng
cái yên vui của chiếc lá vàng
sống sót giữa chiều đợi rụng xuống đêm đen...

mỗi thức dậy nghe chuyện xưa đỏ ngực 
chỉ thầm thì như cổ tích xa xôi 
như âm hồn của những người lính trẻ 
ra đi rồi còn để lại bài thơ
để lại sự thờ ơ vạn lần đáng nhớ 
1974 dưới đáy biển âm thầm
và câu hỏi 
ai người cúng giỗ ?

mỗi thức dậy 
gặp mình như câu hỏi
nghe trăm năm rồi sẽ bỏ đi 
những sống sót như tôi và nhiều người khác nữa
trăm năm không biết để làm gì ?

câu hỏi đó đem ra bỏ biển
biển lặng câm bằng những trận bão gào
câu hỏi đó đem lên gác núi
núi bơ vơ khóc nhem nhuốc đỏ bùn
câu hỏi đó đặt vào công sở
câu trả lời vô nghĩa tháng ngày trôi

mỗi thức dậy gặp mình như câu hỏi
trăm năm không biết để làm gì 
những anh hùng đành khoác áo đi tu
gươm giáo chỉ là câu kinh thảm não

chiều lịch sử 
chiều không tiếng súng
đám chim muông tao tác điều gì ?

là cái thời sống và chết như nhau
bên trong tóc những đầu lâu chưa chết
nếu đại thụ có thể nào bất diệt
lá hoa kia đã chẳng rụng bao giờ

miên di

 

 

thử

 

một ngày thấu hiểu mây trôi
cao xanh cũng chứa tả tơi trong lòng

thử làm một chuyến xe đông
đi không để đến và không để về
thử làm thú giữa hoang khê
động tình tru thót cơn mê kiếp người


thử bỏ mình lại ven trời
như đôi dép kẻ trầm trôi xuống dòng

thử vào bệnh viện ngày đông
để nhìn vào cuộc chưa xong giật mình
một vài mầm khóc sơ sinh
dăm ba tiếng cú tâm linh gọi về
ngổn ngang thân thể gây tê
còn bao người sống hôn mê ngoài đời

thử nghe một tiếng chuông rơi
ngày như tiếng mõ rã rời chậm mau
ai cười rách cả cơn đau
câu kinh an lạc mà sâu thẳm buồn

thử dừng một nhịp luôn luôn
thử quên cho lạc con đường đã quen
thử làm một kẻ bệnh hen
để bên hơi thở như bên món quà
nẻo người gần quá hóa xa
quen đi lối khóc ngại qua ngõ cười
đôi khi hạnh phúc cũng lười
đôi khi chưa đếm đến mười đã trăm
bồng lai tiên cảnh xa xăm
trời cao chắc cũng âm thầm xanh thôi
bên trong cái sự mười mươi
vài con sâu nhỏ nằm cười héo hon

 

kén lòng nhấm cải đắng non
có buồn cũng phải buồn ngon mới buồn

thử mang cả chợ bán buôn
vào tu một chốc nghe chuông cõi thiền
thử cảm ân đấng vô biên
ban cho thức ngủ còn liền vào da
còn ai trong giấc mộng ma
ta là thân thể hay là vong linh

mệt không đuổi kịp chính mình
hai con mắt mở vô minh ra nhìn

miên di

 

 

tâm hồn mã vạch

có lần gặp Chúa trong siêu thị
bên cạnh đức tin có giá tiền

 

thời cảm xúc kim loại
tổ ấm hợp kim

thiên nhiên đóng hộp

mẹ còng lưng trên cánh đồng ký tự

cha cày dưới nắng neon

 

tôi và em
tâm hồn mã vạch
tìm nhau trong tương thích mắt dò

 

quầy tôn giáo

ngổn ngang nhu yếu phẩm tín ngưỡng
có thể chọn món đức tin quá đát, xài rồi
thời hạnh phúc thặng dư hay nỗi buồn khủng hoảng

từng con dế bị cầm tù trong hộp diêm thế sự

đấng quyền năng lạ hoắc sáng tạo trần gian bằng những vuông đắt đỏ

từng vỏ người mang khuôn mặt iphon

 

 

miên di

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 99107)
Về Mùa biển động... V ới đôi mắt tinh tường, cái nhìn thàng hậu (nhân bản) Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng lại cuộc đời của nhiều gia đình, nhiều nhân vật trong thế hệ những người đã sống hoặc lớn lên ở trong Nam, thời kỳ chia đôi đất nước... Là nhân chứng có con mắt bao quát và sâu xa, ông nhìn và viết lại xã hội miền Nam trước 1975, thuật lại biến cố Phật Giáo những năm 60, biến cố Mậu Thân thập niên 70, biến cố 30 tháng tư 1975, thuật lại cuộc di tản, thuật lại cuộc đời tha hương trên đất Mỹ.. .
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 96502)
Hồn tôi ngây ngây như người nhọc nhằn leo núi, lúc lên tới đỉnh chỉ thấy những khối đá tảng xù xì rêu phong, và nhìn trở xuống là một vực thẳm đầy mây". ( Tha hương , Văn Nghệ xuất bản 1989, trang 1849). Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác với Mùa biển động.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 72307)
M ùa biển động tập 5, Tha hương là tập cuối, dày nhất, hơn 600 trang, quan trọng nhất và được độc giả mong đợi, để biết số phận nhân vật sẽ ra sao, qua cuộc «đổi đời» tháng 4-1975.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85608)
H ồi xưa, mẹ tôi thường theo mùa mà gọi những người đàn bà bán hàng rong vào nhà để mua hàng của họ. Mùa sen, mẹ tôi mua sen để lấy nhụy ướp trà, mùa cà cuống, mùa cốm, mùa sắn dây…
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 91995)
T ôi có thể kể một câu chuyện giống như diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Tất nhiên điều đó không có hại gì cho sự nghiệp văn chương của tôi. Trừ phi tôi muốn dây dưa bằng những thứ ì xèo người ta gọi là vạ miệng. Con chữ giết người. Sự sứt mẻ tinh thần đem đến những mớ bòng bòng rắc rối. Và họa vô đơn chí sẽ có một vài kẻ bắt vạ không lương thiện. Họ làm tổn thương tâm hồn nhà văn của tôi.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 87863)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 90898)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 78117)
Một phóng sự ngắn về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa ra đi trong sự tiếc thương của bằng hữu. Mời quý vị theo dõi trong phóng sự sau đây  (video 3 phút).
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 100004)
V ì người tụng một thời Kinh Tôi đi rước nắng về in hiên trời Chiều trông chiều vẫn thảnh thơi Tôi đi hái thuốc về in hiên nhà...
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85032)
T ừ xưa tới nay chúng ta cứ nghĩ rằng sở dĩ con người biết đọc là vì i biết nói, nghĩa là biết tạo ra ngôn từ và phát biểu - còn thú vật vốn không biết nói thì làm sao biết đọc cho được. Thế mà các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm khoa tâm lí và khả năng nhận thức gọi là laboratoire de la psychologie cognitive thuộc trung tâm nói trên, chỉ sau một tháng rưỡi trời khảo sát, đà có thể phủ định điều mà chúng ta hằng tin chắc, khẳng định ngược lại rằng loài vượn babouin tuy không biết nói nhưng biết đọc hẳn hòi.