Tôi nhận cuốn sách anh tặng, gửi từ Cali do một người bạn mang về chiều hôm qua. Suốt đêm tôi đọc một mạch cuốn “Bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu” có thể gọi là tùy bút cũng có thể gọi là truyện.
Những truyện tình bất ngờ cuồng điên và những bức thư
anh gửi cho “Vy yếu dấu”. Tôi tự hỏi, người tình ở đâu mà nhiều quá vậy. Mỗi
truyện là một người tình. Có lẽ với chất lãng tử và một người đàn ông quyến rũ như anh là một hấp lực
khó cưỡng đối với các cô gái theo phong trào thời đại mới những năm 60.
Với Hà một cô nhà báo chiến trường mạnh mẽ có cá
tính, có một đứa con nhưng cô không biết cha nó là ai, mà anh và những thằng bạn
thì biết rỏ có lẽ một trong bọn họ. Với Trâm sang trọng rực rỡ tiêu tiền như nước,
sài toàn đồ hiệu, cô muốn bao giờ cô cũng phải hơn người, mối tình thân xác
trên biển quê nhà mà chính anh và cô chưa bao giờ nói tiếng yêu thương. Với Thủy
trong chiếc khăn choàng màu tím đón anh ở phi trường Đà Lạt, anh gặp bất ngờ
khi cả hai cùng đón chung một taxi trong buổi chiều mưa. Với Kim người đàn bà
như trẻ con, mái tóc tém ngổ ngáo như một nhân vật của Sagan lái chiếc xe thể
thao màu đỏ sẫm, một buổi chiều đến tòa soạn, anh chưa kịp ngỡ ngàng đã vào đề
nhanh gọn, “anh lái thử xe mới của em nhé”
(*), rồi cả hai phóng trên đường, len lỏi trong các con phố Chợ Lớn để tìm cho
ra quán Mì Hoành Thánh mà cô thích. Và Vân cô gái Hà Nội di cư vào Nam kín đáo,
đoan trang mối tình dại khờ đầu tiên khi thằng con trai mới 14 tuổi Vân đã 20,
nhưng Vân trẻ măng như anh nghĩ, thằng con trai ngồi học bài nhưng ghen ngầm
không muốn Vân được nhìn ai, nói chuyện với ai ngoài hắn. Nhưng trên hết là Vy
yếu dấu, tất cả những người tình trong truyện là những bức thư hắn gửi cho Vy,
Vy yêu chi một thằng đàn ông hoang đàng, cộc cằn như hắn, em vượt qua mọi lễ
giáo, xem thường "Khổng Mạnh"...
“Bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu” tưởng là kể chuyện
tình, nhưng không tôi nghĩ khác. Dù chúng ta không bắt gặp những hình ảnh bắn
giết trên chiến trường, nhưng bàng bạc trong từng chuyện là tâm trạng chán nãn,
hỗn loạn, bất cần đời, sống không biết ngày mai của một lớp thanh niên, của một
Sài Gòn trong thời chiến tranh. Khi đang ngồi viết thư cho Vy trong tòa soạn
thì hôm qua Vy biết không một thằng bạn của anh vừa mới mất trên chiến trường
Cao nguyên không thấy xác, chiều nay lại một thằng bạn nữa. Là mẹ khóc lặng lẽ
đến thăm Sơn ở quân trường, bàn tay mẹ rờ khắp mặt mũi Sơn, kêu Sơn đen quá, gầy
nữa. Gia đình mẹ đã cung cấp cho tổ quốc 3 thằng con trai. Là bác lái taxi có đứa
con trai lớn vào lính chưa đầy hai năm và mới chết trong một trận đánh tuần vừa
rồi, nó bằng tuổi cậu. “Tới chừng nào thì
hòa bình hả cậu, cậu có tin hòa bình sắp đến nơi rồi không?(*)
Hay nói theo cô ký giả người Pháp nghe nói chiến
tranh hoài mà không biết thế nào là chiến tranh cho nên đến Việt Nam cho biết
“…chị đến Việt Nam để tìm hiểu con người,
chị muốn biết con người nghĩ gì khi giết người khác và bị người khác giết lại…Chiến
tranh là một việc làm vô ích và ngu ngốc, là bằng chứng súc vật nhất về tính ngớ
ngẩn của loài người”.(*)
Tôi ngờ những điều anh kể về tình yêu trong “Bất cứ
lúc nào bất cứ ở đâu” chỉ là những cuộc tình tưởng tượng của một thằng con trai
“trong thời chiến tranh, tình yêu đôi khi
là xa xỷ phẩm”.(*)
BAN MAI
20.3.2014
(*) “Bất cứ
lúc nào Bất cứ ở đâu” Nguyễn Xuân Hoàng; Sài Gòn 1970; California USA 1998,
NXB Văn.
* Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thư ký tòa soạn tạp chí Văn Sài Gòn trước 1975.