- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Xương, Thịt Đời Sau, Máu Rất Buồn,

30 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 68347)

loden-blackscorpion-content
  Photo by Blackscorpion

“tưởng ai oan khuất vừa quay gót
“xương, thịt đời sau, máu rất buồn!”
(thơ dtl.)

 
1.

Những cột đèn lẻ loi, ốm nhom, cố lách mình khỏi những tàng cây du mập ú, xum xuê, liên lủy rắc mưa lên mặt đường đen. Gương. Nước. Khu parking bên kia lộ cụt, lác đác dăm chiếc xe kiên nhẫn đợi chủ. Tôi không biết mưa khi nào? Chỉ nhớ lúc ấy, khoảng chín giờ rưỡi. T. vừa rời Fountain Valley Regional Hospital về nhà - - Sau một ngày dài lầm lũi theo sau chiếc xe lăn, đẩy tôi từ khu Emergency Room, tới phòng chụp X-Ray, Cat-Scan…Trước khi hai securities chuyển tôi lên lầu hai. Phòng 258B. Nơi có một tấm kính trong suốt, chạy hết chiều ngang căn phòng. Ở đây, ngay khi vừa tới, tôi đã được chào đón bằng những hồi hú, gào man rợ của bệnh nhân giường ngoài! 
Tôi không hiểu có phải vì mưa đêm, dăm ngọn đèn đường, con lộ cụt, những chiếc xe không có khả năng tự đi tìm chủ và, sự tĩnh lặng tưởng chừng đông đá của cả một khu vực rộng lớn, bị những building mái bằng, vô cảm, trấn ngự, ném tôi vào góc khuất, lãng quên?
 Tôi hối thúc T. về, khi những xao xác của bữa cơm chiều đã qua. Cuộc đổi ca của các y tá trực đã xong. Những thủ tục thăm, khám, dặn dò cuối cùng dành cho bệnh nhân cũng hoàn tất. Hành lang lặng. Vắng chân người. Cảm giác lãng quên bị dìm sâu có cơ hội trồi lên. Như thể chính nó mới là kẻ bị loại bỏ, chứ không phải tôi.
 
2.

Gác chân lên thanh ngang của chiếc bàn ăn di động, tôi lọt thỏm trong chiếc ghế bành, với cây cột treo bình nước biển, trên cao. Tấm áo choàng bệnh viện mầu xanh chấm trắng. Quá khổ. Tôi và lãng quên nhìn nhau. Cá cược xem kẻ nào thực sự bị loại bỏ? Lãng quên lắc đầu. Không tiếng. Tôi chợt hiểu, giữa chúng tôi khó thể có một cuộc trao đổi hay, tranh luận dù ngắn ngủi - - Khi cơ thể đã bắt đầu cho tôi những cơn nôn thất bại và, những đau nhức thấy rõ, do đầu ống giây nylon để lại những đường xước ở mặt trong thực quản. Đó là lúc hậu quả sự cọ sát của ống giây nylon luồn từ mũi tôi, thọc sâu xuống thực quản. Xuống nữa. Xuống nữa. Xuống nữa… Trước khi nó phải dừng lại nơi đáy bao tử. Đó cũng là lúc hai cô y tá người Phi, thay nhau hối thúc tôi “Nuốt xuống! Nuốt xuống! Nuốt xuống!” Tôi không thể nghĩ, cuối cùng rồi đoạn nylon dài ngoằng, có đường kính tương đương một chiếc đũa cả nhà bếp, lại có thể chuồi hết vào thân thể tôi. Những cơn buồn nôn thất bại, các vết xước bắt đầu tấy sưng, tiếng rú, thét hoang dại của người bệnh giường ngoài, cơn mưa dưới thấp…cuối cùng, cho tôi nhiều cảm-thức không rõ mặt!
Nó không hề là nỗi ngậm ngùi của kẻ một mình, đợi chết. Nó cũng chẳng là những cảm-thức mất mát, đỉnh cao! Cô đơn đáy vực! Nó như dăm cột đèn lẻ loi, ốm nhom, cố lách mình khỏi những tàng cây du mập ú, xum xuê, liên lủy rắc mưa lên mặt đường đen. Gương. Nước. Hay chiếc xe tự biết không có khả năng đi tìm chủ!
Nhưng cách gì, tôi vẫn thấy mình đang bị đông đá trong nhận biết: Thời gian đã hoàn toàn ngưng đọng tự sớm mai, khi T. cương quyết bắt tôi nhập viện.
 
3.

Đó là ngày thứ ba, giữa khi lượng nước trong cơ thể tôi bị vắt cạn. Bụng tôi căng. Cứng. Tưởng chừng nếu ai gõ vào, nó sẽ bật kêu như…trống! Đó là lúc những chuyển động dữ dội của từng khúc ruột bị chấn thương, lồng lộn tìm đường đào thoát khỏi cơ thể. Food poisoning / ngộ độc thực phẩm…
Tôi hiểu, khi chấp nhận nhập viện, thời gian không còn thuộc về tôi. Kinh nghiệm bước tới mé bờ sinh / tử cách đây bảy năm, kéo dài nhiều tháng, nhắc nhở tôi: Chẳng những thời gian không thuộc về tôi mà, đời sống thực sự, bên ngoài căn phòng giam lỏng này, cũng thuộc kẻ khác. Tôi chỉ là con vật thí nghiệm, hoặc một thứ con tin trong cuộc giành giựt giữa y khoa và, thần chết. Tôi như đống thịt, xương bầy hầy, được phủ, che bằng tấm drap trắng muốt, chuyển dịch từ building này, tới building khác. Điều duy nhất tôi có thể dành lấy cho mình là nín lặng. Và tự nhủ, dẫu sao, ta cũng còn may mắn !?. 
Mới đêm trước, trong mê sảng, đôi lần tỉnh thức, tôi thấy rõ hai ngón cái và trỏ của tôi, nhiều lần chập vào nhau. Tựa chúng cố gắng nhặt giúp tôi một sợi tóc, một mảnh vụn gì đó, dính trên ngực áo. 
 Khi trực nhận đó là phản ứng mất kiểm soát của một người sắp chết - - Mà, cụm từ bình dân gọi là “tay bắt chuồn chuồn,” (như quá khứ từng trải qua,) thay vì lay tỉnh T., tôi trộm nghĩ, đằng nào thì cũng chết! Sao không để T. bình an với giấc ngủ của T., sau một ngày làm việc căng thẳng trí não?
 Tôi cũng không chọn niệm, đọc lục-tự, theo chỉ dẫn của kinh điển Phật giáo, để được chư Phật độ trì, như cơ hội sau chót, khỏi sa địa ngục… 
Trong bóng đêm quánh đặc, với những cơn rét từng đợt xuyên suốt cơ thể, cùng lúc mồ hôi tươm ướt trán và tóc, tôi dành những phút cuối kia, cho sự kết toán sòng phẳng, một lần, đời mình.
 Tôi đặt cho tôi những câu hỏi (với sáng suốt bất thường của ngọn đèn hết dầu, vụt sáng):
“Sau gần bảy mươi năm làm người, ta có phạm điều ác nào, khiến lát nữa đây, ta chết không nhắm mắt?”
 Câu trả lời đến với tôi thẳng thắn, nhanh chóng rằng, tự xét, tôi thấy mình có nhiều sai, quấy. Nhất là với những người phụ nữ đã đi qua đời tôi. Nhưng đồng thời, tôi cũng tự thấy, những năm, tháng gần đây, tôi đã có được cho tôi một cuộc sống bình an, phẳng lặng. Tôi đã tự chế được tôi trước mọi cửa ngỏ. Mọi cám dỗ của những trạng huống tình cảm bất ngờ, đến từ nhiều hoàn cảnh, cơ hội…
Tôi nghĩ, chí ít, cuối cùng, tôi đã sống đúng với một người! Với T. Tôi đã đền bù phần nào những chịu đựng, cay đắng, nhục nhằn mà T. gánh, nhận kể từ ngày chúng tôi có lại nhau.
 Tôi lại hỏi tôi, có ân hận, hối tiếc gì không?
 Câu trả lời vẫn là “không!”
 Nếu có điều gì đáng để gọi là ân hận thì đó là, tôi tiếc đã không thể sống khác đi sớm hơn! Để những người liên hệ với tôi, những ruột thịt, máu mủ, bằng hữu tôi bớt khổ, đau, lo lắng, ái ngại cho những phần đời dằn xóc, sốc nổi của tôi! 
 Trong bóng đêm, bên cạnh hơi thở đều đặn, xen kẽ những nói mớ của T., tôi cũng tự thấy tôi đã ngay thẳng với chính mình, khi câu trả lời đứt khoát là “không!”
Tôi hiểu trên dặm trường nhân sinh, tôi đã có quá nhiều điều sai, quấy. Dù hầu hết sự kiện, không do tôi chủ động. Chúng cũng chẳng đi ra từ một toan tính, khao khát thầm kín nào! Cái sai, quấy lớn lao nhất của tôi, là tôi yếu đuối(!?!)
Tôi không biết, có phải mặc cảm cô đơn, bất an từ thiếu thời là thủ phạm dẫn dắt tôi tới những lối, nẻo bế tắc?!
 Tôi cũng không biết, có phải thèm khát được chăm sóc, nâng niu, vuốt ve, ôm ấp, dỗ dành, là ám ảnh thành hình rất sớm trong tôi? Từ bàn tay có tật, tới hoàn cảnh sớm mất cha, lại thường xuyên thiếu mẹ…chúng đã cù rủ tôi, tới những lối, nẻo tai ương?! 
Tuy nhiên, riêng tôi, tôi biết, tôi đã chân thực biết bao trong những lốc xoáy mê sảng từng giai đoạn, đời mình.
 
4.

Tôi nghe một kẻ nào đó, trong tôi, cất tiếng, mách bảo, có tiếc, hận chăng là, tôi đã không còn đủ thời gian, khí lực để ngỏ lời cảm ơn những người đọc / nghe tôi. Những người làm thành tôi. Những tri âm không diện mạo. Tôi vẫn nói mỗi khi có dịp, ở nhiều nơi khác nhau rằng, nếu không có người đọc / nghe thơ, văn của tôi, chắc chắn sẽ không thể có tôi. Không thể có một sinh vật yếu đuối (và cô đơn,) mang tên Du Tử Lê!!!. 
Kẻ khác trong tôi bảo, có tiếc, hận chăng là, tôi đã không còn đủ khí lực, thời gian, để ngỏ lời cảm ơn bằng hữu. Những người bạn vô tình, thay mẹ tôi, nuôi, dưỡng tôi từ năm tôi mười ba, mười bốn tuổi. Năm tôi chính thức rời bỏ căn nhà số 1029, đường Trần Hưng Đạo, Saigon. Tôi bắt đầu bước chân vô định. Chỉ vì tự ái, ngông cuồng của khủng hoảng thời niên thiếu. Trong chỗ riêng tư, nhiều lần tôi nói với bằng hữu, bên cạnh tình yêu của những người nữ, sự sống tôi được gìn giữ, vun bồi bởi tình bạn. Không có tình bằng hữu bát ngát nắng, mưa kia, tôi đã cát bụi tự những ngày còn rất trẻ.
Tôi hiểu, những năm, tháng cuối đời, tôi còn nhận được thêm nhiều hơn nữa, thương, yêu từ bát ngát nắng, mưa ấy.
Kẻ khác trong tôi bảo, có tiếc, hận chăng là, tôi đã không còn đủ khí lực, thời gian, để ngỏ lời cảm ơn cả những kẻ thù ghét, nguyền rủa tôi - - Khởi tự tâm lượng vốn nhỏ hẹp, giới hạn hiểu biết, lại bị tính đố kỵ đóng xập mọi cánh cửa ý thức. Họ nhãng quên rằng: Tên tuổi, danh vọng, hào quang nào, rốt ráo cũng chỉ là hư, huyễn! Họ nhìn tôi như vật cản!? Họ thấy tôi như chiếc gai quá lớn trong mắt!
Tôi biết, tôi chỉ còn đủ thời gian, khí lực lặng lẽ đặt tay lên ngực T. Như bày tỏ (xác nhận?) cuối cùng rằng, cái thân tứ đại (đất, nước, lửa, gió) này, đang rã, tan. Những rã, tan vật lý. Một tiến trình trụ, hoại mà, sinh vật nào cũng phải đi qua. Nhưng định luật bất biến ấy, không có khả năng đứt đoạn, chia lìa tình, nghĩa đời riêng, chúng tôi. Tôi tin, rồi đây, mỗi khi nhớ lại, nhiều phần T. sẽ vui! Hiểu rằng, đấy là điều cuối cùng, tôi muốn T. nhận biết.
 Ý nghĩ này, giúp tôi an tâm, thanh thản chờ đợi cái chết xâm thực từng phần thân thể.

5.

Tôi có lại cái cảm giác của nhiều năm trước, lúc bị nhiễm trùng máu, chỉ ít ngày sau khi mổ, được cho về từ bệnh viện. Đó là cảm giác cái lạnh đi từ đầu ngón chân, men lần theo ống quyển…Tôi nghe được hơi thở ra của mình, tăng dần độ nóng. Và, phần không khí hít vào, mỗi lúc một sút giảm!
Dù tỉnh táo, tôi vẫn thấy không cần thiết niệm, đọc lục-tự. Tôi nghĩ, ngay cả khi tôi có bị đầy xuống địa ngục thì, lúc linh hồn tôi thoát khỏi đường hầm tối tăm, tôi tin, tôi vẫn được gặp lại thầy, me, các anh, các chị tôi trước nhất!
Tôi cũng tin, tôi sẽ được gặp cả những anh, những chị tôi chỉ nghe tên. Không biết mặt! Họ mất quá sớm! Nhiều chục năm, trước khi tôi được sinh ra…
Tôi chỉ không biết, đằng sau những máu mủ, ruột thịt của tôi, liệu có H.C.? Có T.N… chờ, đón tôi? Nếu có, tôi hỏi tôi, mình sẽ nói gì?
Không chắc lắm, nhưng nhiều phần, tôi sẽ xin H.C., xin T.N. tha thứ cho tôi. Như trước đấy không lâu, cùng với lời cảm ơn gửi mọi người, tôi cũng đã xin những trăng, sao, những mặt trời, những nắng, gió khỏa thân…hãy tha thứ cho tôi (dù tôi không thể ước, hẹn kiếp khác!)
 
6.

Trong khoảnh khắc hồi-dương trước khi chết, lúc khí lạnh lan tới bụng, tôi bỗng nghe được tiếng nói quen thuộc của mẹ tôi. Mẹ tôi nói từng câu ngắn. (Tuồng bà sợ tôi không kịp nghe hết): 
“Chưa chết đâu!”
“Chú chưa chết đâu!” 
Tôi luống cuống khua khoắng cánh tay còn lại! Tôi thấy cánh tay tôi chơi vơi. Không chạm đụng hình ảnh nào! Tôi nghe tim mình đập mạnh. Những lượng máu đâu đó, trong cơ thể, thình lình dồn dập chuyển.
Rồi, mẹ tôi hiện ra. Sống động. Đó là hình ảnh mẹ tôi giữa nguyên đán 1951. Mẹ tôi kể, trước khi chính thức được tin anh Uyển tôi đã bị máy bay Pháp bắn chết trưa mồng ba Tết, ở Nho Quan, bà trải qua những ngày ruột nóng như lửa đốt. Mẹ tôi linh cảm chuyện bất tường, xẩy đến cho anh tôi. Những người nghe chuyện mẹ tôi thuở đó, kết luận: “Thần giao cách cảm!”
Khi ấy, tôi lờ mờ hiểu rằng, đôi khi người chết rồi vẫn có thể “nói chuyện” với người sống, cách nào đó!
 Cũng thế, nhiều chục năm sau, khi tin đồn đãi tôi đã bị lạc đạn, chết tấp chân cầu xa lộ, ngày 30 tháng 4 - 1975, cuối cùng đến tai mẹ tôi! Tôi không rõ bà có bị bất ngờ? Hốt hoảng? Chỉ biết sau đấy, trong một lần nói chuyện với các dì, tôi nghe kể lại rằng, mẹ tôi đã quả quyết:
“Không. Chú ấy còn sống đấy! Chưa chết đâu!”
 Hơn nửa năm sau, khi lá thư đầu tiên của tôi, từ Hoa Kỳ, được chuyển về Saigon cho mẹ tôi, qua ngả Paris, xác nhận bà nói đúng!
 
7.

Khác hơn lần trước, lần này tuy T. vẫn cho tôi nhập viện bằng lối ngõ Emergency Room, nhưng tôi lại không thấy mình chấp chới rơi, lăn trên con dốc thần chết. Tôi không nghĩ vì bệnh viện, như ốc đảo lạnh lẽo cuối đáy con đường cụt, Mountain Hope, Fountain Valley, là nơi tôi từng tới, lui nhiều lần. Quen thuộc. 
Tôi nhớ, mới tuần trước thôi, tôi vào thăm Đỗ Hùng, người bạn năm lớp nhì, trường Hàng Vôi, Hà Nội, cũ. Một ngày sau, Hùng được xuất viện. Bạn tôi chấm dứt những ngày hè xám ngoét. Thất thần bay về DC.
Tôi nhớ, cũng building này, cũng tầng lầu này, tôi lui, tới nhiều lần thăm Khánh Trường. Lần sau cùng, xuất viện, cách đây khá lâu, Khánh Trường vẫn ngồi xe lăn - - Nhưng đã cầm cọ, vẽ lại.
Tôi nhớ một số bằng hữu khác của tôi, như Đào Quý Châu, Thảo Trường…cũng lui tới building này, nhiều lần. Nhưng họ sẽ không phải một lần thêm, trở lại. Họ đi xa. Những đi xa sẽ bị thời gian ăn khuyết từng phần trong trí nhớ nhiều người!
Tuy nhiên, lần này, cảm-thức bơ vơ (như vật bị bỏ quên,) cho tôi nỗi buồn mới. Nỗi buồn lớn, cao trên cái hữu hạn tới vô nghĩa của kiếp người. Nỗi buồn của một sinh vật mang tên con người: Khi cái chết tới, cuối cùng, nào hơn gì con vật?!. 
Và, tôi hiểu, nếu không đêm nay thì, cũng đêm mai, tháng sau, năm tới… tôi sẽ phải chia, lìa chính tôi, trước nhất!
Tôi chỉ không biết, khi ấy, tôi có còn đủ tỉnh táo, thời gian, khí lực để đặt tay lên ngực T. Như bày tỏ (xác nhận?) cuối cùng rằng, cái thân tứ đại (đất, nước, lửa, gió) này, đang rã, tan. Nhưng đó là những rã, tan vật lý…
 
Bis.
Mấy ngày đầu, khi các bác sĩ ký giấy cho tôi xuất viện, T. chuyển cho tôi điện thư mới nhất của Trang Ng. Thư Trang Ng. viết từ một bệnh viện ung thư ở Singapore.
 Có dễ đó là lá thư buồn nhất trong thâm tình mười mấy năm giữa chúng tôi. Thư có đoạn:
“… (Bệnh viện) Ung Bướu VN đã làm một điều quá tàn nhẫn với em là chuẩn đoán sai và phẫu thuật cẩu thả. bây giờ, mỗi khi nhìn xuống ngực mình là em rớt nước mắt. không biết nó đã cứu em hay đã giết chết em bằng 1 cách nào đó. em rất muốn gặp 1 người phụ nữ mất ngực để hỏi xem bằng cách nào mà họ vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui. em chưa thể...”
Từ chỗ nằm gần như suốt ngày đêm, thư của Trang khiến tôi bật dậy. Ngồi trước màn hình computer, với lá thư được in ra giấy, tôi những tưởng mình có thể viết ngay, viết liền một thư dài cho Trang. Trong đầu tôi, ý tưởng hăm hở xô, đẩy nhau, như những đợt sóng không có một khoảng lặng tối thiểu.
Tôi nghĩ, tôi sẽ nói với Trang, một trong vài người bạn nhỏ thân thiết và, tin cậy nhất của chúng tôi nhiều năm qua rằng, có thể Trang không biết, tôi cũng mới nhập viện. Mới từ nhà thương về. Có thể Trang không biết, trong đêm, tôi đã lặng lẽ nói lời chia tay T...
Nhưng, cũng như Trang, giữa những-tưởng-ung-thư-tuyệt-vọng, Trang có cha và, bốn em vây quanh giường bệnh, xứ người - - Tôi có T. và thường xuyên Orchid, chăm sóc.
Nếu tôi có may mắn hơn Trang vì, tôi được gặp những lương y như Lê Tâm, như Vũ T. Khải, như Lê Trần Hoàng… Và, mới nhất, là Phương D. Dương, một Registered Nurse của Fountain Valley Regional Hospital - - Thế hệ thứ hai - - Cô tiên nhỏ với đôi đũa thần là, nụ cười và, lòng tận tụy nghề nghiệp.
Dẫu vậy, tôi cũng sẽ nói với Trang rằng, không phải vì bị “…chuẩn đoán sai và phẫu thuật ẩu tả” của ai đó, nơi bệnh viện ung thư Saigon mà, Trang không thể “vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui.”
Tôi nghĩ, tôi sẽ nói với Trang, với người bạn nhỏ thân thiết, tin cậy của chúng tôi rằng, tôi hiểu (rất hiểu) quan trọng biết dường nào, bộ ngực của người nữ dù ở phương Tây hay phương Đông. Nhưng, không phải vì không còn ngực, hay không còn tay, không còn chân (thậm chí không còn cả đôi tay, mất trọn cả đôi chân)…mà, người ta không thể vượt qua và sống an vui!
Ý nghĩa tận cùng của cuộc sống, theo tôi, nằm nơi bộ óc và trái tim. Bộ óc cho chúng ta phân biệt đúng, sai; trách nhiệm với kẻ khác. Trong khi trái tim là nơi ươm giữ và, xiển dương tình yêu.
Nó là ngôi đền thường trực lung linh những ngọn nến ơn nghĩa ruột thịt. Gia đình. Bằng hữu.
Nó là nơi lưu trữ và, không bao giờ ngưng, dứt tiếng hát ngợi ca thiên nhiên. Ngợi ca thời tiết nắng, mưa… (Luôn cả đêm tối, bão bùng, lốc xoáy…)
Tôi nghĩ, tôi sẽ bảo Trang, hãy đọc lại thơ Trang Ng. đi! Có phải những dòng thơ của Trang Ng. cũng ắp đầy những ngợi ca khổ đau / hạnh phúc / thiên nhiên / bất toàn / và, thảm kịch?
 Nếu tôi có may mắn hơn Trang (nhiều phần không chắc,) ngoài vợ, con, gia đình, ruột thịt, tôi còn có được khá nhiều thương yêu từ bằng hữu. Như một ngày trước khi phải nhập viện, một người bạn, ĐPP, bất ngờ ghé thăm tôi. Trong ánh sáng nhờ nhợ của buổi chiều đã xế, với những đám mây ủng nước từ sớm mai, vẫn chưa chịu buông tha bầu trời, trên giường, tôi kể P nghe, vắn tắt vài dữ kiện xẩy ra cho tôi, đêm trước…Tôi kết luận, có thể đó là những dự báo chắc tôi sẽ phải “đi” sớm.
“Tuy nhiên, tâm tôi bình an, thanh thản lắm P.!”
 P. nghe chăm chú. Căng thẳng.Thình lình, P. nhoài người đặt tay lên trán tôi, thốt kêu:
“Tốt lắm!Không sao! Không sao!”
Rồi cũng thình lình, P. ôm tôi. Bật khóc.
Tôi không biết P. khóc vì vui mừng, tin tưởng nơi cảm nhận riêng của P.? Hay P. linh cảm một điều gì khác? Chỉ biết ngay sau đấy, dường P. cho rằng biểu lộ của mình, không được đàn ông lắm, P. ngay người lại. Quay mặt. Tôi cũng không dám nhìn P. Tôi không có chọn lựa nào khác! Ngay khi ấy, tôi hiểu, cách gì thì, nước mắt cũng đã gọi nước mắt. (Tối thiểu, điều đó cũng đúng, với trường hợp của tôi.)
Tôi muốn kể Trang nghe chuyện ấy, chỉ để nhắc nhở Trang: Hãy sống tử tế, chân thành, chan hòa với bằng hữu. Chúng ta sẽ nhận lại nhiều hơn những gì cho đi.
 Tôi định. Định. Định…sẽ nói với Trang nhiều điều. Nhiều chuyện. Nhưng khi T. bảo tôi, vào lại thư của Trang. Sẽ thấy mấy tấm hình mới nhất của Trang. Với cha và các em.
Tôi trở lại internet. Bỗng thấy, không cần thiết nữa, phải viết thư cho Trang. Hình ảnh Trang Ng. trong bệnh viện Singapore là một Trang Ng. mới! Một Trang Ng. ốm hơn. Xinh đẹp hơn. Chiếc mũ len che kín đầu trọc. Cặp kính cận. Nụ cười trẻ thơ. Trước mắt tôi, Trang đã là một người khác. Trước mắt tôi, một câu thơ của Trang hiện ra, “Bởi bàn chân chưa bước khỏi hôm qua!” Nhưng, tâm hồn, trái tim Trang, đã là tâm hồn, trái tim một…ni cô. Một ni cô hồn nhiên. Thanh thản. Tách lìa khỏi thảm kịch dữ dội đời mình.
Tôi trở lại giường nằm với ý nghĩ, thong thả. Hãy thong thả. Lá thư viết cho Trang, sẽ không còn là thư viết cho “Con Trang” (ký tự cuối mỗi thư Trang viết cho T.) Mà, nó sẽ là “Thư gửi một Ni Cô.” Một loại thư tôi chưa từng một lần viết, trong đời mình.
Hôm nay, sau nhiều ngày cân nhắc, tôi nghĩ, chắc tôi sẽ phải nhờ T. mất thôi!
Một việc quá dễ với T.(?) So với những chuyện “tày trời,” T. từng làm cho tôi. Có phải? 
 
Du Tử Lê

(Hợp Lưu 117)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 8018)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 13111)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 742)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 1826)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 931)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 1157)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 694)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 999)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 1142)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 1357)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.