“… Tôi phải xa lìa quê
hương và phải tự mình chịu trách nhiệm đời mình, chịu trách nhiệm cái tự do của
mình. Không còn ai bảo bọc tôi, không còn ai cấm đoán tôi. Thành công, tôi
không biết khoe với ai. Thất bại, tôi không thể đổ thừa cho ai. Tôi trơ trọi,
không mang trên người nhãn hiệu “nhân danh,” “đại diện,” “phát ngôn viên” để
hưởng những ưu quyền (và ưu phiền) dành cho một đám đông, một cộng đồng xã hội.
Với ai khác không biết, với tôi, tôi thích được là mình, và không thích làm
đại diện của bất cứ ai, không khoái nhân danh bất cứ ai, không muốn nợ nần bất
cứ ai
.”
(“Sống và viết tại hải ngoại” – Nguyễn Mộng Giác)
Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị
em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở
nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được
thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.
Nguyễn Mộng Giác tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học sư phạm Huế năm 1963, sau
đó được mời làm giáo sư tại trường Nữ trung học Đồng Khánh. Nơi này ông đã gặp
và yêu Nguyễn Khoa Diệu Chi một người con gái Huế duyên dáng, nền nã, hết lòng
vì chồng con. Chính tình yêu này là chỗ dựa tinh thần giúp ông đứng vững trong
những năm tháng nhiễu nhương của đời người.
(Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Khoa Diệu Chi,
Thụy Khuê, Nguyễn Xuân Hoàng)
Sau tháng 4 năm 1975, xã hội Miền Nam bị xáo trộn dữ dội. Trên phương
diện dân sinh, phần lớn người miền Nam làm việc cho chính phủ Cộng Hòa
đều bị tập trung cải tạo. Từ người lính chiến, đến anh nhà văn, từ chị công
chức, đến anh nhà giáo… đều bị nghi ngờ, tình nghi “thành phần nợ máu”. Cuộc
sống của nhiều gia đình đảo lộn. Vì sau khi đổi đời, họ bị thất nghiệp, nhiều
người lâm vào cùng quẫn. Một số bị tịch thu nhà cửa, một số về quê sinh sống,
một số phải đi “kinh tế mới” trên những vùng rừng hoang vu. Cảnh quan thành phố
tiêu điều xơ xác. Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức miền Nam không còn
được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thu tri thức nhân loại.
Năm 1979, khi Việt Nam tiến quân vào Campuchia chấm dứt chế độ diệt chủng Pol
Pot và chiếm đóng xứ này, Trung Quốc liền tấn công biên giới phía Bắc để “dạy
cho Việt Nam một bài học”. Những người Việt gốc Hoa từ bao đời sinh sống
trên đất Việt đột nhiên lâm vào cảnh khó xử. Nhà nước đề phòng “nội ứng”, cho
phép người Hoa nộp tiền, đóng thuyền, tự do ra khỏi nước. Phong trào vượt
biên bán chính thức của Hoa kiều bộc phát ồ ạt, cùng lúc với cao trào vượt
biên của người dân miền Nam.
Họ lũ lượt ra đi, không hẳn vì kinh tế, mà rất nhiều người vì khao khát tự do
muốn thoát khỏi những áp đặt ràng buộc vô lý, mà kẻ chiến bại phải gánh chịu
hậu quả sau cuộc chiến. Hy vọng tìm lấy cho mình, cho gia đình và con cái mình
một tương lai tươi sáng, được đối xử bình đẳng, đầy đủ cơm áo và thụ hưởng tự
do tinh thần trên những xứ sở bình yên trở thành giấc mơ lớn của trí thức, văn
sĩ và cả dân lao động.
Trong bối cảnh lịch sử đó, cuộc đời của nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng không thoát
khỏi những biến động chung của đất nước, trên cái nền lịch sử đã phân ly, vừa
sang trang. Từng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Nam Trung học Cường Để Quy
Nhơn, rồi Chánh sự vụ Sở Học chánh Bình Định, và sau cùng là chuyên viên nghiên
cứu của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30-4-1975, Nguyễn Mộng Giác
bỗng nhiên thất nghiệp. Nhà văn đi bán sách cũ, đi làm công nhân cho một tổ hợp
gia công mì sợi. Bị bắt đi tù 3 lần. Từ trí thức bị tước quyền phát biểu, từ
nhà văn bị tước quyền xuất bản, đến nhà giáo bị tước quyền dạy học, Nguyễn Mộng
Giác rớt xuống đáy tuyệt vọng. Như rất nhiều người dân miền Nam khác, như hầu hết các nhà văn miền Nam thời kỳ
này, Nguyễn Mộng Giác quyết định tìm tự do.
( Trần Vũ, Nguyễn Mộng Giác)
Ngày 29-11-1981, Nguyễn Mộng Giác vượt biên, sau năm ngày sáu đêm trôi lênh
đênh trên mặt biển mênh mông, giữa sống và chết, chiếc thuyền mong manh của ông
may mắn được tàu giàn khoan của Công ty liên hiệp Tây Đức – Nam Dương vớt lên
đưa vào đảo KuKu, Indonesia. Hơn hai tháng ở lại đảo KuKu,
một nơi biệt lập với thế giới bên ngoài, không có gì làm ngoài việc chờ tàu đến
đón chuyển về trại chính, Nguyễn Mộng Giác trở lại với công việc cầm bút.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác khởi viết từ thời sinh viên nhưng tính thận trọng ông
không gửi đăng. Đến năm 1971 lần đầu tiên ông gửi bài trên Tạp chí Ý Thức, từ
đây những tác phẩm của ông lần lượt ra đời.
1.Những tác phẩm đã xuất bản:
-Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung
(tiểu luận, NXB Văn Mới, Sài Gòn, 1972),
-Bão Rớt
(tập truyện ngắn, NXB Trí Đăng, Sài Gòn, 1973),
-Tiếng Chim Vườn Cũ
(NXB Trí Đăng, 1973),
-Qua Cầu Gió Bay
(truyện dài, NXB Văn Mới, Sài Gòn 1974),
-Đường Một Chiều
(truyện dài, NXB Nam Giao, Sài Gòn 1974).
Đoạt giải thưởng Văn Bút Quốc Tế Pen Club 1974.
-Ngựa Nãn Chân Bon
(tập truyện ngắn, NXB Người Việt, 1983),
-Xuôi Dòng
(tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ 1987),
-Mùa Biển Động
(trường thiên tiểu thuyết gồm 5 tập, NXB Văn Nghệ
1984-1989),
-Sông Côn Mùa Lũ
(trường thiên tiểu thuyết, NXB An Tiêm, Hoa Kỳ 1991
và NXB Văn Học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội 1998).
- Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, nhà xuất bản Văn Học và nhà sách Văn Lang (Sài
Gòn) tái bản lần thứ nhì năm 2003
- Nhà xuất bản Văn Học và Nhà sách Thanh Nghĩa tái bản lần thứ ba năm 2007
- Nghĩ về văn học hải ngoại (tiểu luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2003)
-Bạn văn, một thuở…(tạp luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2005)
2.
Tác phẩm chưa xuất bản:
-
Tình và Đạo trong thơ Hàn Mặc Tử (tiểu luận)
-Vào đời (truyện dài), đã đăng một phần trên tạp chí Bách Khoa (Sài
Gòn, 1973-1974)
-Đêm hoang (truyện dài), đã đăng trên tuần báo Đồng Nai (Hoa Kỳ)
-Mây bay về đâu (truyện dài)
Và nhiều bài phê bình, tiểu luận đăng trên tạp chí Văn Học California,
Hoa Kỳ.
Năm 1986, Nguyễn Mộng Giác giữ địa vị chủ biên tạp chí Văn Học ở California
suốt 19 năm. Ông là một trong số ít những nhà văn hàng đầu xây dựng nên nền văn
học Việt Nam
ở hải ngoại.
Năm 2000, bộ tiểu thuyết “Sông Côn Mùa Lũ” của Nguyễn Mộng Giác viết
về ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ xuất bản tại Việt Nam, và ngay lập
tức có tiếng vang trong giới nghiên cứu văn học nghệ thuật. Có lẽ, đây là tác
phẩm hải ngoại đầu tiên được tái bản nhiều lần trong nước, được Đài Truyền hình
Tp. Hồ Chí Minh mua bản quyền để đóng phim. Và đây cũng là tác phẩm hải ngoại
đầu tiên được Đài Tiếng nói Việt Nam chọn trích đọc hàng đêm trên
sóng phát thanh trong chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya”. Bộ tiểu thuyết “Sông
Côn mùa Lũ” cũng đã được nghiên cứu trong các trường đại học, là đề tài
nghiên cứu trong các luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ...
Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Mộng Giác đến nay vẫn chưa được
nhiều người biết đến ngoài tác phẩm “
Sông Côn Mùa Lũ”, những sáng tác
rất có giá trị khác của ông chưa được người đọc trong nước biết đến vì chưa
xuất bản. Đó còn là một thách thức bỏ ngỏ cho giới nghiên cứu khi muốn tìm hiểu
về ông về những giá trị mà các tác phẩm của ông phản ánh. Nếu như ở trong nước
bộ tiểu thuyết “Sông Côn Mùa Lũ” của Nguyễn Mộng Giác được đánh giá
cao thì ở hải ngoại bộ trường thiên “Mùa biển động” mới là tác phẩm để
đời của ông.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác suốt cuộc đời luôn ưu tư về thái độ sống của người trí
thức. Trong mọi thời kỳ lịch sử và hoàn cảnh mà ông đã trãi qua, nhà văn luôn
giữ phẩm giá của một trí thức có cái nhìn tỉnh táo, đúng mực, dám sống và viết
theo suy nghĩ của riêng mình, đó là điều không dễ trong bối cảnh phân ly của
cộng đồng Việt Nam.
Sau một thời gian dài bạo bệnh, ngày 2/7/2012 nhà văn Nguyễn Mộng Giác qua đời
vào lúc 22h15 ở California, Hoa Kỳ trong vòng tay yêu thương của gia đình. (Tức
12h ngày 3/7/2012 giờ Việt Nam).
Với tôi, ông như một người thầy, người cha mà tôi kính trọng. Từ lần gặp đầu
tiên ông đã cho tôi cảm giác ấm áp đó, và cho đến bây giờ 7 năm đã trôi qua. Từ
xa, nghe tin dữ tôi rất đau lòng, tiếc thương một nhà văn lớn của dân tộc, một
người con ưu tú của Bình Định. Bài viết này như một nén nhang kính viếng hương
linh ông, cầu mong linh hồn ông siêu thoát về miền cực lạc.
Ban Mai
Quy Nhơn, ngày 3/7/2012
(Nguồn: blog NGUYỄN XUÂN HOÀNG / VOA)