- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HOA CÚC QUỲ KHÔNG BAO GIỜ CHẾT

18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 96032)

 phamphuong_2011_bw-content

 Phạm Phương (Hà Nội)

Tôi có thể kể một câu chuyện giống như diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Tất nhiên điều đó không có hại gì cho sự nghiệp văn chương của tôi. Trừ phi tôi muốn dây dưa bằng những thứ ì xèo người ta gọi là vạ miệng. Con chữ giết người. Sự sứt mẻ tinh thần đem đến những mớ bòng bòng rắc rối. Và họa vô đơn chí sẽ có một vài kẻ bắt vạ không lương thiện. Họ làm tổn thương tâm hồn nhà văn của tôi.

Tôi là một phóng viên có năng lực, ít ra là sự tự tin nói vậy. Hai mươi ba tuổi, với nhiều truyện ngắn đăng báo và vài cuốn sách được xuất bản, gắn mác nhà văn, tôi có chỗ đứng trong một tòa soạn tiếng tăm. Không người yêu, không gia đình, không cả hứng thú với cuộc sống, tôi đơn độc đối chọi với một cục người hàng ngày ăn uống ngủ nghỉ, chửi nhau, làm bậy, giết nhau, thậm chí chôn vùi nhau trong một đống bầy nhầy gọi là thành phố.

Tôi lặng lẽ chấp nhận.

Thành phố phồn hoa đã có thời quyến rũ tôi. Như cô học trò đôi chín choáng ngợp trước vẻ đẹp hiệp sĩ của thầy giáo, tôi háo hức từ quê đến thành phố để học đại học với những mơ tưởng viển vông về một thế giới khác, nơi người ta tự do hơn, có thể sẽ có một tình yêu trên chiếc xe đạp rách, những xóm trọ bốc mùi hôi thối nằm trong hang cùng ngõ hẻm với lời chửi bới ngoa ngoắt đến hài hước của bà già chủ nhà có hình dáng quỷ dạ xoa, chống nạnh, gầm gừ. Trước khi trở thành sinh viên, tôi ít khi nghĩ đến kết cục vinh quang với tấm bằng đỏ. Tôi dành nhiều thời gian để mơ ước một lối sống mới hơn. Sau khi tốt nghiệp, tôi dần biến đổi trở thành một kẻ vật vã kiếm tiền rồi vật vã tiêu tiền. Như một con bạc khát nước trong vòng quay xổ số của cuộc sống, có đêm tôi nằm mơ thấy mình là vua Mi – Đát, đang cầu xin thần Đi-ô-ni-dốt trên bờ biển toàn cát vàng lóng lánh. Tôi ghét màu vàng. Tôi yêu màu trắng hơn.

Chân dung phác họa của tôi cho đến bây giờ chỉ có vậy!

Tòa soạn của tôi nằm giữa một trung tâm thương mại lớn với một vòng xuyến xoay như xoáy nước trong nồi phở. Đứng trên tầng 8 nhìn xuống, cảm giác người qua kẻ lại là hành mỡ đang quyện vào nhau. Trong lớp kính đã mờ vì hơi sương trước mặt tôi có một hình bóng loang loáng, đổ vỡ. Tôi đưa ngón tay gạch chéo chữ X vào cái bóng rồi quay lưng bước đi về phía phòng làm việc của mình. Bây giờ đã là cuối mùa thu, sự nhức nhối trong từng lớp không khí làm cho mùi vị cuộc sống có vẻ tanh tưởi hơn bình thường. Lá đã bắt đầu phơi mục, trơ gân cứng, lớp diệp lục mành mành tan vào đất. Một sự tàn úa khủng khiếp đến tê dại nơi đầu các giác quan trễ nải của tôi. Cố quẳng một cái nhìn lạnh giá về phía thiên nhiên, tôi chui vào bàn làm việc – vốn là một cái ngăn gỗ nhân tạo với một chồng giấy má, máy tính, bút nhiều màu và vài thứ đồ hộp được dấu kĩ dưới ngăn kéo bàn.

Lịch công tác tháng này, xem nhé các tình yêu.

Tiếng nói của ai từ góc nào đó trong văn phòng đập vào tai tôi. Một tờ giấy được ấn xuống trước mặt tôi từ một ngón tay đàn ông sạch đến từng cái móng. Những cái móng bị viêm nhìn như móng giả lướt đi một cách ẻo lả và ngu ngốc, dí ngược từng dòng chữ đen đậm trên đó vào mắt tôi. Tháng này đi Tây Nguyên à, tôi lẩm bẩm, chết tiệt thật! 

Vùng đất cao nguyên vẫn luôn đem đến cho tôi một ấn tượng không tốt. Từ bao giờ, tôi luôn chạy trốn khỏi nó như một con ma chạy trốn địa ngục, hoặc cũng có thể là giống như một con người chạy trốn trái đất của mình. Mặc định phiêu du và tự do luôn ám vào nó chăng nữa, khao khát của tôi dành cho những ý muốn trong lòng vẫn trở nên trơ lì trước sự căm ghét dường như ăn sâu vào máu dành cho miền đất vô tội ấy.

Lén lút vò vún tờ lịch công tác lại rồi vất dưới ngăn bàn. Một hành động vô học của một đứa con hoang vẫn tồn tại trong không gian đầy chất trí thức này. Tôi nhìn sang bàn bên cạnh, thấy khuôn mặt đồng nghiệp cúi gằm xuống tờ bảng biểu ép Plastic. Trong tấm nhựa ép bóng loáng ấy là cái bóng của khuôn mặt hắn. Một điệu cười nhếch mép và một đôi mắt quả ớt nham hiểm đến rụng rời.

Cái làng ma ấy cũng hấp dẫn đấy chứ. Ông bố quân nhân của cô lại là chúa đất ở đấy. Một con ma cúc quỳ chứ vài chục cũng phải nghe lời ông ấy thôi.

Tôi im lặng dần rồi từ từ chìm nghỉm trong không gian cô đơn đầy những bóng khí ép chết nhau. Con ma cúc quỳ ở ngôi làng Jrai đó, cái thứ có hình dung được mô tả như một dị nhân luôn để lại một bông cúc quỳ sau khi ăn thịt động vật. Cái xác của con vật bị giết bị gặm nham nhở. Những vết cắn man rợ đẫm máu, đôi mắt bị moi ra theo những dây máu đông. Nhìn vẻ đau đớn của con vật là biết ngay nó bị giết khi đang còn cố giãy giụa. Đôi khi là chó, lợn, thậm chí gần đây còn có cả người. Nghĩ đến đây, sợ hãi dán chặt vào người tôi dính lớp nhớp. 

Tôi đi Tây Nguyên vào đầu tuần. Bầu trời Hà Nội lúc tôi ra đi ngồn ngộn mây đen. Một kiểu thời tiết ấm ức thô tục, bất lực. Đón tôi ở sân bay Pleiku là một người thanh niên mặc quân phục có điệu cười như tượng thần trong các đền đài Ăng-co-vát, môi dày, mắt hơi lồi, nước da nhám đá. Anh ta cầm tấm biển ghi tên tôi đầy đủ đến từng chức danh, đứng nhấp nhổm nơi phòng chờ. Tôi định quay bước hoặc lờ anh ta đi. Có lẽ đã có kẻ nào đấy chơi xấu tôi, gọi điện cho Người ấy, báo cho người ấy biết tôi đã vào Tây Nguyên. Tôi đến trước mặt người thanh niên, anh ta cười bẽn lẽn với tôi. Thật tức cười khi pho tượng thần phương Đông đẹp đẽ và huyền bí ấy lại đang ngại ngùng trước con bé đến từ thành phố dáng hình yếu ớt và đôi mắt lạnh lùng. Như một con rắn trắng đang quan sát con mồi, tôi cố gắng không thè lưỡi. Tình trạng kịch tính và không được lãng mạn cho lắm. Không muốn bị tưởng tượng ru ngủ, tôi nhanh chóng trèo lên chiếc xe U Oắt xanh rêu đã tróc sơn thành từng vảy sắt han gỉ da cá sấu, đất đỏ bám trên đó khô cứng, rụng tơi bời như hoa hồng quế mùa đông. Chiếc xe bon bon trên con đường trải nhựa - những đồ thị hình sin đang vẽ trên một hệ quy chiếu xanh ướt cây và đỏ rực bazan. Người thanh niên chăm chú lái xe, vận tốc có khi lên đến hơn trăm cây số một giờ. Bên ngoài, khung cảnh nhảy múa. Tôi đang đứng giữa tâm của một hình tròn để xua đi ảo giác, trước mắt chỉ còn cây, đất và những bóng hình của người đi đường vun vút ở lại sau từng khắc thời gian đổ bóng xuống suy nghĩ của tôi.

 Tôi và Tượng-Thần đều im lặng. Nóng rẫy cảm giác. Nước da rám nắng ấy cuối cùng cũng tìm được điểm tương đồng với cảm quan thẩm mỹ của tôi. Tôi bắt đầu nghĩ anh ta đẹp trai. Nơi tôi đến là một doanh trại quân đội, vài người lính trẻ măng nhìn tôi với đôi mắt ngây thơ như mắt nai rừng. Tôi cố cười thân thiện, cúi người chào hỏi. Bước vào gian phòng còn nồng mùi băng phiến, tôi nằm xuống chiếc giường phẳng phiu đến từng mm với ga giường màu trắng đục. Một người đàn ông bước vào. Quân hàm đại tá rung rinh trên cầu vai đã gần trễ xuống vì tuổi tác. Tiếng nói đơn độc như những bông hoa cúc quỳ xấu xí sau bếp của bà nội ngày xưa. Nơi đó mẹ vẫn thường đứng nhìn rồi chảy nước mắt. Mẹ chết, cây cúc quỳ cũng chết khô. 

Đói chưa? – Người đàn ông hỏi tôi.

Tôi không nói gì, trở mình quay lưng vào tường, cố nhắm mắt ngủ, cảm giác có bàn tay ai đó kéo chiếc chăn chiên đắp lên người mình.

Tỉnh dậy lúc trời đã xế chiều. Giờ tôi mới để ý thấy bầu trời ở Tây Nguyên không có mây đen. Buổi chiều muộn luôn vàng rực nắng quái hoàng hôn và trời sập tối rất nhanh. Trong chút đơn côi của trời đất có từng bóng nắng đu đưa vẫy gọi nhau, ríu rít như hồn lịch sử bí ẩn đang làm tình, thì thầm, rên rỉ, miên man, mải miết, bồi hồi...

Trong bữa cơm, mùi lá sắn trong món cá sông Sê San luộc chát sít đến tận cổ họng.

Con cần vào làng để lấy tin viết bài... – Tôi nói.

Con ăn đi, mai bố sẽ cho người lấy tin cho con.

Con muốn tự đi...

Con không được đến làng đó – Bố nói như ra lệnh.

Con là một nhà báo, con muốn tự do tác nghiệp...

Nhưng con là con gái bố, đừng có bướng... – Bố quát

Con gái bố ư? – Tôi nói với giọng hơi mỉa mai.

Khuôn mặt bố tôi méo xệch như người trúng tên. Tôi hả hê...

Hoa cúc quỳ ở Tây Nguyên hình như là loài hoa không bao giờ chết. Nếu dùng một hình ảnh nào đó để so sánh với nó thì đó chỉ có thể là hình ảnh những thiếu nữ Tây Nguyên ngực trần, mắt sáng rực như sao. Những bông hoa cúc quỳ ở bên nhau nên vàng lại càng vàng. Từng rặng, từng rặng vươn lên về phía mặt trời đôi khi thành những lũy hoa. Cánh hoa mong manh nhưng mạnh mẽ như những loài hoa dại khác. Màu vàng hòa hợp của nắng và thời gian. Loài hoa đẹp đẽ, trong nỗi lòng khép kín của tôi vẫn luôn có một chỗ đứng không thể từ bỏ được. Người mẹ hay cười, ít nói chỉ còn lờ mờ trong trí óc. Hình ảnh ấy đứng lại trong khung tranh truyền thần đặt trên bàn thờ, viền tranh trang trí hoa cúc quỳ theo ước muốn của mẹ. Người mẹ lạ lùng, luôn thích cởi trần đi lại trong gian phòng nhỏ của hai mẹ con. Bầu vú căng mọng tung tẩy theo từng nhịp đi. Mẹ hay vẽ những hình hài nhỏ bé, méo mó trên giấy, lúc thì một cánh chim, lúc lại là một bông hoa. Mẹ kể về thảo nguyên, những con đường đất đỏ vàng rực hoa cúc quỳ. Loài hoa ấy trong một ngôn ngữ khác còn có tên là Po-Nga-Phí.

Trước cửa phòng bố tại đơn vị có trồng một hàng cúc quỳ. Không phải đất hoang, những bông hoa vẫn sống, ra hoa nhưng gầy yếu, se sắt. Thỉnh thoảng có đôi mắt nâu đen lờ mờ đâu đây bẽn lẽn. Trong chớp mắt, tất cả những ưu tư, bức bối trở thành quẩn quanh đến ngượng ngập như lối mòn dẫn vào rừng. “Con muốn vào rừng”, tôi nói. Bố lờ tôi đi bằng thái độ cam chịu. Tôi đồng ý với đôi mắt đen nâu lúc này đang nhìn chăm chăm vào tôi qua cửa sổ như muốn nói, “anh sẽ dẫn em đi”. Tôi ngước mắt lên nhìn rồi chợt cảm thấy đồng tử của mình dãn ra, bối rối.

Con đường vào ngôi làng sau núi là một con đường đất đỏ gập ghềnh đáng sợ, lởm chởm đá dăm và dấu vết của những con nước xói mòn đất thành những dòng chảy cứng ngắc, ngập ngừng vươn đến những đoạn dốc có khi dựng đứng. Tượng-Thần đi trước tôi, đeo một ba lô lớn. Tượng-Thần thỉnh thoảng quay lại đưa tay kéo tôi qua nhưng chỗ khó đi. Có khi tôi ngã dúi dụi vào khuôn ngực vạm vỡ sau lớp áo xanh thì lập tức nước da rám nắng đỏ lựng như quả cà chua chín. Trong thâm tôi như dội lên những suy nghĩ mông lung khó tả về một thời điểm nào đó hơn 23 năm về trước, cũng có một người đàn ông dắt một người đàn bà đi trên con đường này. Người đàn bà Jrai da nâu, mắt sáng, đẹp đẽ như nàng Hơ Bí, Hơ Nhí trong trường ca Đăm San. Người đàn ông áo xanh, bóng dáng mạnh mẽ, với cầu vai đeo quân hàm trễ nải. Từng tấc đất reo ca, cây rừng im lìm mê đắm. Đứa con của anh bộ đội và cô gái Jrai sinh ra sau một trận mưa rừng... Một đứa con gái mắt nâu, tóc lơ thơ, nước da trắng và khóc oa oa như tiếng thác đổ lúc chiều xuống.

Vượt qua hơn 10 km đường đất như vậy, làng Po-Nga-Phí hiện ra trước mặt tôi. Giống như cái tên của nó, ngôi làng bao quanh bởi rừng hoa cúc quỳ vàng rực đã tan tác sau cơn mưa.Tất cả dường như chỉ là hoa cúc quỳ và màu vàng đến mờ nhạt, khét nắng. Cổng làng cách khu nhà ở rất xa. Đứng ở đó chỉ có thể nhìn thấy mờ mờ bóng một cây nêu cao lớn dựng đứng, kiêu hãnh đối diện cửa nhà Rông, mái như lưỡi Rìu bổ lên trời. Không một bóng người nơi ấy, cảm giác cô liêu bám vào những ảm đạm trong không khí khiến tôi thấy mình như cánh bướm đang đậu lại trên một hạt sương. Trách nào những kẻ rỗi hơi ở thành phố lại quá tò mò về nó, gọi nó là ngôi làng ma hấp dẫn nhất trong năm. Tôi là kẻ được phái đến với lý do săn tin. Liệu có phải mình là con cọp đang rình mò cái làng này không, tôi tự nhủ rồi cùng Tượng-Thần đi sâu vào làng, con đường đất đỏ lầy lội, bùn nhão dính chặt chân tôi.

Giàng ơi...

Trước mặt tôi là một bà già móm mém, nhăn nheo như một con dộc cái, mặt ngắn choằn, cái miệng há hốc rú lên kinh ngạc.

Giàng ơi, H’Pía về rồi!

Tiếp sau đó một toán người chạy ra đứng cạnh bà già nhăn nheo nọ. Tất cả họ đều nhỏ bé, da đen như đồng hun, ánh mắt hoang dại. Một lúc sau cả làng đã vây quanh chúng tôi. Trẻ con, người già, tất cả họ đều có mặt đầy đủ. Không ai tỏ ra dữ dằn, nhưng Tượng-Thần kéo tôi nép vào người mình.

H’Pía, Giàng thả mày về rồi à? – Bà già vẫn chưa hết hoảng loạn – Giàng bắt tội mày quên cả tiếng Jrai rồi!

Bà ta nói bằng tiếng Jrai, tôi không hiểu nghĩa. Tượng-Thần khẽ dịch nghĩa cho tôi. Bỗng khuôn mặt của bà già căng lên dữ tợn, nói một điều gì đó như hét. Tiếng hét hay tiếng gào thét của rừng?! Mọi người sấn tới ôm lấy bà ta rồi kéo về chiếc cột lớn trước cửa nhà Rông, trói nghiến lại.

Sau đó họ đứng quây quần lại quanh cái cột, mặt ai cũng u ám. Không ai nhìn về phía người đàn bà đang lảm nhảm nói nữa. Tượng-Thần nhìn về phía tôi trấn an rồi cùng đứng đối diện với người đàn ông già nhất, có lẽ là già làng. Ông ta bắt đầu nói chuyện với tôi bằng thứ tiếng Kinh trọ trẹ.

Từ khi Mày theo cái thằng bộ đội đó. H’Du bị con ma điên bắt. Cha mẹ mày chết hết rồi, cái nhà lạnh lẽo, bếp lửa không ai thắp, ruộng rẫy không ai làm.

Nó thành ma của người Kinh rồi – người đàn bà có hình dung con dộc lại nói xen vào – Da nó trắng như mắt con hổ, nó không còn là người Jrai mình đâu... – Nhưng không ai để ý đến bà ta.

H’Du ...– già làng ngậm ngùi.

Sau mỗi tiếng nói của ông già là một cảm giác sầu thảm ghê gớm, Tượng-Thần càng lo lắng, lúc nào cũng trong tư thế kéo tôi bỏ chạy.

Tôi không phải H’Pía... – Tôi lắp bắp.

Nó dẫn thằng bộ đội đến. Nó là ma người Kinh... – Bà H’Du vẫn gào.

Người đàn ông già nhìn thằng vào tôi, cái nhìn sắc lạnh như nước suối lúc nửa đêm. Sau đó ông thở dài:

Ừm, nếu mày là H’Pía thì cũng phải già bằng H’Du. Mày không phải H’Pía rồi.

Sau sự kết luận của ông ta, mọi người lục tục bỏ về nhà mình. Người đàn bà già vẫn bị trói ở giữa cột, mồm liên tục gào. Tượng-Thần khẽ rùng mình, nói thầm vào tai tôi:

Bà ta nói muốn giết chúng ta.

Tôi định lại gần nhưng Tượng-Thần đã kéo tôi đi nhanh về phía làng.

Làng Po-Nga-Phí có lẽ là ngôi làng của người dân tộc nguyên bản nhất mà tôi đã từng gặp. Một ngôi nhà Rông lợp lá Som đã cũ, mái chảy dài vệt của mưa nắng, dính bết lại như sơn. Một bếp lửa lập lòe trong ráng chiều bí ẩn và hoang sơ, lấp ló sau những vách gỗ nhà sàn. Bầu trời ở đây dường như đẹp hơn. Con trai đóng khố, con gái ngực trần... đâu đó lại vang lên tiếng đàn réo rắt như tiếng thì thầm:

Ta luyến ta thương

Cái đất nước ông bà

Cái nơi làm rẫy

Cái bến nước ăn

Cái làng cũ, cái nhà xưa

Nơi bãi cỏ xanh xanh

Có con trâu con bò gặm cỏ

Ta luyến ta thương

Dòng suối nước trong

Và rừng ta đi về lấy cây suốt cá

Rừng ta đẹp chim bay về làm tổ

Nước ta trong bờ suối nở hoa rừng

Trong hương thơm đất và trời, men say chết người của cảm giác khiến tôi đờ đẫn, ngây dại. Tiếng đàn T’rưng hay Klông-pút cất lên, dập dìu nấp sau kẽ lá, nhành hoa, từng hạt đất đỏ hoặc một đôi chân trần ngây thơ đang dẫm đất bước đi. Ngôi làng là một thế giới hoàn toàn khác với bên ngoài, một thế giới dường như tách biệt khỏi những vương vấn rất không thật trong đời thực. Tôi thấy hoa cúc quỳ nghiêng ngả, say sưa trong tiếng gọi của đại ngàn, gió núi và nước mắt kỉ niệm, tình yêu và đơn độc. Mẹ ơi!

Trong làng không có người trưởng thành, chỉ có người già và trẻ con. Họ không đề phòng chúng tôi những có vẻ sợ hãi. Phía sau ngôi nhà sàn có những ánh mắt trẻ con đen nhẻm, rách rưới. Thấy tôi, chúng bỏ chạy. Tôi đến ngôi nhà lớn nhất và tươm tất nhất. Đó là nhà của già làng. Trước khi vào nhà, tôi hướng dẫn cho Tượng-Thần cách bấm chiếc Canon D60 của mình sau đó lên tiếng gọi. Sau tiếng gọi của tôi, tôi thấy im lặng mải miết trườn xuống bậc thang, trùm kín lên tôi. Tôi mạnh dạn bước lên trên gõ cửa, đến lần thứ 2 mới thấy có người mở cửa. Ông già mời tôi vào nhà. Đó là một ông già rất già. Cái sự già ấy nó không chỉ in hằn trong từng nếp nhăn sâu và nhiều. Mà sự già trong đôi mắt dường như chỉ còn nhìn thấy cuộc sống bằng thói quen. Không như những cuộc phỏng vấn của tôi, ông già chặn ánh sáng từ chiếc D60 bằng một cái xua tay rồi mở lời trước. Bếp lửa cháy rực lên rồi lụi tàn trong chớp mắt. Những quầng sáng bay như linh hồn tan rã trong gió.

Ngày xưa làng này còn có H’Pía thì hoa Po-Nga-Phí nở nhiều quanh làng, bảo vệ làng. H’Pía suốt ngày chỉ thích chơi với hoa. Từ khi H’pía đi, trai gái trong làng cũng bỏ đi hết. Người già đau yếu không có ai trông nom, bọn trẻ con ngày càng nhiều, nhưng rồi chúng nó cũng bỏ làng mà đi theo bố mẹ chúng trồng cao su thôi... Mày tìm H’Pía về đây thì sẽ có nhiều hoa đẹp cho mày nhiều cái hình đẹp đấy.

Ông cười chua chát sau câu nói cuối cùng. Người ấy đã từng là hoa ở đây.Tôi bất giác mở lời:

Ông kể chuyện H’pía cho cháu nghe được không?

Khuôn mặt ông già dãn ra, dường như xa xăm, hốc hác.

H’Pía đẹp lắm. Sinh ra đã làm hoa Pơ lang phải ghen tị, dòng suối phải lặng lẽ trôi đi mỗi khi mái tóc H’Pía thả xuống gội đầu. Lớn lên, H’Pía hát hay còn hơn chim rừng. Con hươu, con nai gặm cỏ non cũng phải ngẩn ngơ. Cái nương, cái rẫy nhà H’Pía bao giờ cũng tốt nhất làng. Chàng trai nào cũng muốn được H’Pía lấy làm chồng. Rồi vào một mùa mưa, khi nương rẫy còn chưa gặt lúa, thằng bộ đội trắng trẻo ấy đến, bảo dân làng bỏ rẫy trồng cao su. Không ai nghe nhưng H’Pía nghe nó, cho nó nhiều ruộng rẫy, để nó phát hết cả hoa Po-Nga-Phí trong vườn. Cha mẹ H’Pía và chị gái H’Du vì thế mà buồn rầu. Dân làng xa lánh. H’Pía khóc ròng rã mấy tháng trời, sau đó bỏ nhà đi theo thằng bộ đội. Dân làng đuổi theo nhưng chúng nó chạy nhanh như con sóc, con thỏ. Sau đó không lâu có rất nhiều thằng bộ đội nữa về, chúng nó trồng nhiều cao su lắm. Hoa cúc quỳ ngày càng ít, chỉ còn một ít ở làng này thôi. Trước đây, hoa mọc tràn cả vào sân nhà...

Ông có gặp lại bọn họ không? H’Pía và bộ đội đó.

Có, cách ít lâu sau ta đi chợ mua cái sắt thì thấy thằng bộ đội bế một đứa trẻ con. H’Pía đi đằng sau, mặc quần áo của người Kinh. Ta sợ nó bỏ chạy nên ta đi hướng khác.

Bếp lửa lại được mấy đứa trẻ đốt lên, bập bùng cháy trong không khí lúc chiều xuống đã hơi se se lạnh. Bà nội của tôi, một người đàn bà Bắc Bộ thuần túy đã sửng sốt biết bao nhiêu khi con trai mình đem về nhà một cô gái dân tộc với một đứa con gái còn đỏ hỏn trên tay. Người con trai quân nhân về rồi lại đi. Người vợ vốn đôi chân quen leo núi, đôi tay quen trỉa bắp, trỉa lúa, dường như không thể đứng vững nơi đất bằng phẳng. Cô không thể tắm nơi sân giếng, cô không thể ăn cơm bằng đũa cũng không thể cấy cày. Như con chim bị nhốt trong lồng, hót đến rách họng để kêu gào tự do. Cô khóc, khóc đến khi chết nước mắt vẫn đọng lại nơi gò má nâu đen xinh đẹp. Đứa con gái trở thành mồ côi, mồ cút. Người chồng đau khổ vì cái chết của vợ, đã chạy trốn tội lỗi của ông ta để rúc vào xó rừng, nơi thỉnh thoảng ông ta vẫn nhìn thấy hình bóng người vợ thân yêu trong những đóa cúc quỳ. Đứa con gái lớn lên với nhiều ám ảnh vì bị bố mẹ bỏ rơi, luôn mặc định mình không gia đình.

Đứa con gái đó là tôi.

Một sự lãng quên thầm lắng, cháy đắng cay nồng... Mẹ của tôi là H’Pía. Giờ linh hồn Người phiêu du nơi chốn nào?!

Bên ngoài có tiếng la hét thất thanh. Qua kẽ những miếng ván trống hoác của căn nhà, tôi thấy lửa. Mọi người trong nhà đều chạy ra ngoài, Tượng-Thần nắm tay tôi kéo đi vội vã. Bàn tay nóng, ướt đẫm mồ hôi.

Căn nhà Rông to lớn cháy phừng phừng. Như một cây rìu lửa bổ lên trời xanh, mùi mục rỗng bị đốt nóng hăng hắc đáng sợ. H’Du đứng gần đó cười điên dại. Nhìn thấy tôi, bà ta không nói câu nào, phi lại như tên bắn, tay lăm lăm một thứ vũ khí nhìn như móng vuốt diều hâu. Đó chính là thủ phạm những vết cào của con ma cúc quỳ. Tôi run rẩy mò xuống túi đựng máy ảnh đeo bên hông, định rút máy ra chụp thì đã bị Tượng-Thần kéo đi. Tôi vẫn rút máy ảnh ra, bật nguồn chuẩn bị bấm. Tượng-Thần nhỡ đà đã chạy được một đoạn, chợt đứng khựng lại, hốt hoảng nhìn về phía tôi đang dần bị H’Du áp sát. Tôi nhắm mắt cam chịu một cái chết đến rất gần.

H’Pía, hoa của mày đây. – Người đàn bà điên trở nên dịu dàng, ánh mắt hiền từ.

Bỗng có tiếng súng nổ rất gần, H’Du ngã xuống. Một toán người chạy đến vây kín đám cháy. Bông cúc quỳ cài trên tóc rơi xuống theo dòng máu chảy ra từ ngực H’Du. Màu vàng pha đỏ trở nên lợm giọng. Tôi ngất lịm đi. Trong cơn mê man, thấy đôi mắt lo lắng của bố. Và kề bên tôi là khuôn ngực vạm vỡ của Tượng-Thần.

Anh là Tượng Thần à? – Tôi hỏi.

Không, anh là bộ đội thôi...

PHẠM PHƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 74962)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 96706)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 94343)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 98957)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 97519)
Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 102543)
Phần II II. NHỮNG THẾ LỰC CHI PHỐI BÊN NGOÀI: Chính sách hòa hoãn Mỹ-Nga, cộng với sự va chạm cá nhân với các viên chức Mỹ, cũng khiến họ Ngô tìm cách nới rộng hơn sự kềm tỏa của Mỹ. Phong trào chính trị đang lên trong thời điểm này là phi-liên-kết, và trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga, do Pháp và India đi hàng đầu. Ngoài ra, Trung Cộng thường tuyên bố theo đuổi chính sách “sống chung hòa bình” [peaceful co-existence], trong khi Mao đưa ra “thuyết” Thế Giới Thứ Ba, tức thế giới của các nước nghèo và cách mạng giải phóng khỏi ảnh hưởng các cường quốc.
19 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 114354)
K hi ra toà, thằng Hoàng đòi con Quyên bồi thường... Bồi thường vì đã lấy con Quyên, ... Thằng Hoàng bảo với quan toà: Tôi đã lấy phải một con điếm, nên tôi phải được bồi thường. Toà đang không biết nói sao thì con Quyên đã đứng dậy: “Thưa toà, tôi có là con đĩ tôi mới lấy nó”...
19 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 104260)
Q uyển sách The Trial", "The Castle" và "Amerika" của Kafka đã được xuất bản sau cái chết của ông vào năm 1924, khi Brod, cũng là người viết tiểu sử cho ông Kafka, đã làm ngơ và bác bỏ ý muốn trước khi chết của nhà văn người Do Thái nói tiếng Đức phải đốt hết những công việc chưa xuất bản của ông.
19 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 105578)
Tin New York – Newsweek hôm 18/10/2012 thông báo cuối năm nay họ sẽ chấm dứt báo in sau 80 năm hoạt động và sẽ chuyển sang báo kỹ thuật số để đương đầu với tình hình kinh doanh báo chí ngày càng khó khăn.
04 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 108114)
Ông Kissinger chỉ trích ngôn ngữ vô cùng đáng trách về Trung Quốc mà cả 2 ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ đã sử dụng trong chiến dịch vận động của mình. Ông nói rằng luận điệu này không có gì mới trong các chiến dịch vận động tại Hoa Kỳ