- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhân Mùa Xuân, nhớ hai kẻ nòi tình

26 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 104084)



kl-tcs-content

...là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly (TCS-KL). Tên họ, không cần nhắc. Bóng dáng họ, lẩn quất, vẫn đâu đây. Và trong tôi, hai lần hội ngộ.

*

Lần thứ nhất, ở Paris, năm 89 kỉ vừa qua. Chàng lần đầu viếng Kinh kỳ Ánh sáng, xuống máy bay về đến quán Monge thì đã say mèm để thoải mái “giao lưu”. Người thân trong gia đình Sơn lục tục từ Canada kéo qua. Những kẻ ngưỡng mộ bao vây. Sơn ở trên gác quán Monge, và không khí có cái sự sợ, sợ bị phá, thậm chí sợ Sơn bị “bắt cóc” trong cái tình huống găng go bên này-bên kia. Sơn tiếp tục uống. Rượu Tây, ngay trong một phim thriller, vẫn ngon hơn Lúa Mới, vodka nội. Hơn Ararat, rượu mạnh xã hội chủ nghĩa, uống quá chén là nhức đầu. Nhưng vẫn phải uống, má ơi! Bạn nào biên tập xin giữ hai tiếng má ơi và dấu than ! giùm tôi, tôi không say đâu!

Sơn hát ở Nhà Việt Nam, có Thanh Hải từ Đức qua góp tiếng. Vào hậu trường, thấy Sơn lại say rồi. Môi mím, mắt nhắm, chàng liêu xiêu, chân không chạm đất. Nhưng chàng vẫn hát. Và nói. Người vỗ tay, rầm rầm. Bớt, rồi hết sợ, chàng bắt đầu mỉm cười. Người em rể Sơn thì thào, tiếc quá, Khánh Ly chưa qua kịp. Sơn cất tiếng, như gọi: “ em còn nhớ,hay em đã quên...Nhớ Sài Gòn, mưa rồi lại nắng”. Lại vỗ tay, rào rào. Quá khứ nào chẳng có những nét đẹp ẩn những nhớ quên lãng đãng. Và cuộc gọi hồn nào cũng có những phút thần linh chao nghiêng cho lòng người bước vào một cõi đi về thăm thẳm.

Khánh Ly qua Paris thật. Tối hôm đó, tôi ở nhà Bạch công tử, người tổ chức chuyến đi của Sơn. Đang ăn, có điện thoại. Chủ nhà vội ra đi, chừng như hớt hải. Những người trách nhiệm nay lại lo “bảo vệ”. Cặp đôi TCS-KL hẳn nhắc nhở thời nhạc phản chiến ở Sài Gòn giữa thập niên 60. Và gợi lại thứ trí nhớ chai lì cảm tính của loại ngôn từ chỉ trỏ “những kẻ đâm sau lưng chiến sĩ” mà tôi cũng từng có hân hạnh là nạn nhân. Nghe đâu bên kia sẽ biểu tình chống TSC-KL, bên này sửa soạn chống biểu tình, vận động những võ sinh một dojo Vovinam dàn chào khi cần. Đó là hậu chiến của một cuộc tương tàn không chịu chấm dứt. Bên này, ta. Bên kia, ngụy (tiếng của nhà cầm quyền thời đó, và cho cả đến bây giờ). Má ơi, tiền đồn của tiếng gào âm u tiền kiếp. Đỉnh cao của trí tuệ mù lòa loài không đứng lên được làm người. Chao ôi!

Trong không khí căng như một sợi dây đàn chỉ chực đứt, Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly ở Paris là một thứ cơ mật. Tôi vốn không tọc mạch, không tìm, không hỏi. Và thế là không gặp Khánh Ly. Nhưng chính thế mà tôi lại hội ngộ với nàng (gọi Sơn là chàng, nên bất tất gọi Khánh Ly là nàng với lòng trọng thị). Khi nàng về Mỹ (về, về đất lạ, nghe mà đau xót) thì bão chừng lặng, và chỉ còn vài cơn gió xôn xao. Chàng bảo tôi “toa dẫn moa đi phố”. Chúng tôi lẳng lặng đi, bắt Metro đến Boulevard St – Michel, bước dọc sông Seine ghé mắt vào những cuốn sách cũ bày trong những kiosque ven đường, nơi bác Nguyễn (Tuân) từng ao ước dừng chân lần bác được Nhà Việt Nam mời nhưng (hình như) bác không được Nhà Nước cho phép giang hồ. Tôi hỏi, Khánh Ly đi rồi, có nhớ không? Sơn ngập ngừng “nhớ chứ, nhớ cả một thời đáng lẽ phải quên!”, và lại mím miệng như mỗi lần phải nói những điều ấp ủ.

A, cái thời phải quên là thời nào. Có phải thời Khánh Ly là nàng Mai hát ở một phòng trà trên Đà Lạt trong đêm mưa cao nguyên buồn lắng? Không đâu, có lẽ nào. Chắc chắn là thời nàng xuống núi, vào Sài Gòn những năm 66-67, đi chân đất hát cùng với chàng trong khuôn viên Đại Học Văn Khoa, trên bục quán Văn xác xơ ghế bàn nhưng thấm đậm tình người. Và hát những ca khúc phản chiến. Sơn cho ra đời Ca khúc Trịnh Công Sơn năm 1966, và rồi Ca khúc da vàng (đầu 1967), Kinh Việt Nam ( 1968). Trong những cuộc xuống đường của thanh niên, sinh viên và học sinh đòi hòa bình, độc lập...anh đã xuất bản Ta phải thấy mặt trời năm 1970. Và khi Việt Nam hóa chiến tranh, độ tàn phá ngày một khốc liệt thì anh in tiếp Phụ khúc da vàng năm 1972. Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn có 5 tập, và là một số lượng nhỏ so với nhạc tình Trịnh Công Sơn khi đó đã có những tác phẩm đi vào lòng nhân gian như Ướt mi, Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Thương một người, Diễm xưa, Như cánh vạc bay... Trịnh Công Sơn đã thành danh trước khi nhạc phản chiến được phổ biến. Và phổ biến rộng. Qua những bản chuyền tay, băng cassette, trên sân trường, trong những quán cà phê, xa tít tắp ở chiến trường, và trong rừng núi hoang vu phía “ta” như nhà thơ Nguyễn Duy kể lại đã nghe khi “ta” ém quân chờ thời cơ “giải phóng”.

TCS-KL hát gì? Xin trích dăm ca từ trong Ca khúc da vàng.

Từ hiện thực trần trụi:

Ghế đá công viên

Dời ra đường phố

Người già co ro buồn nghe tiếng nổ

Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi...

đến những giọt nước mắt:

...Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng

Giọt nước mắt thương sông ấp ủ rêu rong

Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm

Giọt nước mắt thương dân, dân mình phải long đong

qua giai điệu uất nghẹn cho cuộc trần ai:

... Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè

ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương

còn có ai

không còn người...

và rồi, chết thì :

...xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng

trên nóc nhà thành phố, trên nhữngđường quanh co

xác người nằm chơ vơ, dưới mái hiên chùa

trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu...

Nhưng ám ảnh là những câu hát siêu thực, hình thể văn chương vứt vào ao tù thứ ngôn ngữ duy lý, thét gào tâm cảnh phi lý, thậm chí bệnh hoạn, của một thời bình thường-là-bất-khả:

,,,mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh

chị vỗ tay hoan hô hòa bình

người vỗ tay cho thêm thù hận

người vỗ tay xa dần ăn năn

Hát những ca từ trên, hát thế nào? Thanh Thúy? Chị hát Thương một người, tuyệt vời. Hay Lệ Thu? Ướt Mi, chắc bất hủ...

Còn Ca khúc da vàng, âm sắc thế nào cho hòa nhịp với chất trong ca từ. Phải hát như con trẻ vừa lớn, còn hồn nhiên, nhưng nay đối mặt với một thực tại bi thương. Phải hát giọng những âm hồn chưa muốn rời dương thế, hát để chống lại tai ương chết chóc. Phải hát, như cầu kinh, những bài kinh gầy lửa hy vọng và đánh thức sức tồn sinh để đối mặt vào sự hủy hoại đầy nghịch lý nhưng không khoan nhượng của con người với con người. Những con người cùng một mầu da. Da vàng.

Khánh Ly đã hát như thế, giọng đến từ một thế giới bên cạnh cõi chết, nơi thần linh cũng như yêu ma còn đó, một bên nhắc nhở rồi ta phải thấy mặt trời, bên kia tung hô ca ngợi hận thù của những màn đêm u mê.

Khánh Ly đã hát như thế, bởi nàng cảm được nghệ thuật của họ Trịnh. Cảm được nỗi lòng họ Trịnh.

Khánh Ly hát được như thế vì nàng đồng thời tiếp cận sâu sắc cái thảm thương của một thế sự thăng trầm qua xương máu của hàng trăm ngàn sinh linh bơ vơ trên một chặng đường vô định.

Khánh Ly hát để cùng Trịnh Công Sơn đối kháng hiện thực bằng cách dựng lời kêu than cho thời đại:

... người nằm co như loài thú khi mùa Đông về

người nằm yên, không kêu than buốt xương da mình

từng tiếng người, nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm...

người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi

người ngồi đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài

nhuộm đất này nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay...

Khánh Ly hát như thế, và nàng đánh một dấu ấn vào cái chặng đường khốn khổ của lịch sử mà Trịnh Công Sơn mím miệng thốt là một thời đáng lẽ phải quên. Nàng , kẻ nòi tình, hiểu và đi chân đất trong những quảng trường cất tiếng hát liêu trai. Đuổi u mê. Bắt nắng muộn. Với trực giác một ngày mai, và với bản năng đàn bà ươm sự sống, nàng đã gặp một kẻ cũng nòi tình, trắng tay trắng lòng, mang thơ vào mong dỗ yên những tai ương máu lửa. Cơ duyên cho hai kẻ nòi tình gặp nhau không to hơn một hạt bụi trong ngân hà. Nhưng hạt bụi đã có. Và một khi chiến tranh còn trên trái đất quá quắt này, tiếng hát cho hòa bình và cho phận người nhỏ nhoi cần cưu mang vẫn cứ vang vọng thiết tha. Phải chăng đó là phép lạ? Và là nguyên nhân khiến hai cái tên TCS-KL kết thành một chuỗi liên từ không tách ra được.

*

Tôi đã nói về lần đầu không gặp Khánh Ly, nhưng lại hội ngộ trong tâm tưởng, bên bờ sông Seine với Sơn, một Khánh Ly tôi chỉ thoáng thấy từ xa ngày ở Paris.

Lần thứ hai, tôi gặp Khánh Ly bằng da bằng thịt, trên gác quán ăn La Famille Vietnamienne ở khu Duluth, thành phố Montréal. Đầu năm 1992, Sơn qua thăm các em một thời gian sau khi mạ Sơn mất. Theo lời kể của Vĩnh Trinh, cô em út chàng trân quí, Sơn bị sốc. Hình ảnh mạ Sơn đứng rình nơi cửa sổ nhìn ra vườn treo hay nhìn xuống phòng ăn vì lo Sơn uống quá nhiều lại hiện ra. Bà xưa dặn dò tôi : “con đừng để Sơn quá chén, hại gan lắm!”. Còn Sơn, chàng yêu mạ lạ lùng, kể lể “bài nào mới moa cũng hát lần đầu cho mạ moa nghe, mạ bảo được thì moa mới phổ biến”. Ngày chôn mạ, Sơn gào khóc níu quan tài, không cho mang đi. Tôi nghe thuật lại, sợ chàng quị mất. Nhưng khi biết Sơn qua Montréal, tôi yên tâm. Lái xe từ Québec cách Montreal đâu 250 cây số lên thăm bạn ngay, tâm trí lang mang thế nào mà giữa đường xe hết xăng, tôi phải gọi xe cẩu.

Sơn vẫn gầy gò nhưng nhìn khí sắc có chiều tươi tỉnh. Chúng tôi có những ngày tương đối yên tĩnh. Không như ở Paris. Không như ở Sài Gòn, người và ruồi tấp nập. Sơn kê giá vẽ. Khi đến với bạn, tôi ngồi một góc, lặng lẽ nhìn. Ôi, quí làm sao những giây phút vô ngôn. Chúng tôi gọi là những phút ngồi đồng. Bấy giờ, ngôn ngữ trở thành vô tướng. Tư tưởng, vô tăm. Chỉ có gì như một thứ năng luợng thật nhẹ, mảnh mai, không mà như có. Tác động? Sau, có thể cả một thời gian dài, nó làm người ngồi đồng suôi đến những nơi hư thực trộn vào nhau biến cái ngũ quan nhìn, ngửi, sờ... thấy thành một chuỗi những sáng tạo. Ngôn từ, văn và thơ. Họa, vẽ tranh. Còn gần được cõi trên, là tạo âm. Nhạc gần với Thượng Đế nhất. Đời tôi, chỉ hai người mang đến cho tôi sự cộng hưởng năng lượng huyền diệu đó. Một là Trịnh Công Sơn. Và hai, là Trần Dần.

Một sáng thứ bẩy, tôi lò dò leo thẳng lên nơi Sơn ở. Từ trong phòng, Sơn lênh khênh đi tới, mặt sáng rỡ, nói “ Edith Piaff của moa tới chơi” . Cửa phòng mở, và Khánh Ly bước ra. Mở ngoặc, Edith Piaff là một danh ca người Pháp nổi vào những năm 50-60, người đã lancer những chansonnier tài danh như C. Aznavour, C. Leveillé... Chỉ nhìn Sơn, tôi biết bạn mình đang hạnh phúc. Và nghe Khánh Ly chuyện trò với Sơn, tôi hiểu họ là hai người bạn ở cái nghĩa đẹp nhất. Sơn trìu mến nàng với tấm tình một người anh trai. Và Khánh Ly viết ngày Sơn lìa xa cõi này rằng “ từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân.... ông Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của tôi'’, thì, đối với nàng Trịnh Công Sơn còn hơn một người anh, và chỉ có thể như một người cha.

Buổi tối, chàng lãng tử Phạm Nhuận mời. Trong một tiệm ăn ở phố Tàu, chúng tôi quây quần, có anh em Hoàng xuân Sơn, Hoàng xuân Giang, cũng bạn Khánh Ly từ thời quán Văn ở Sài Gòn. Khi chỉ còn chúng tôi là những thực khách cuối cùng, Khánh Ly và hai anh em Sơn và Giang leo lên cái bục gỗ nơi thường dành cho những cặp mới cưới hỏi. Ôm ghi-ta, họ hát. Như những ngày xưa. Thời của tuổi trẻ hồn nhiên. Thời của một thời chẳng thể quên. Sau này, Hoàng Xuân Sơn kể, Khánh Ly đến chơi với anh em Quán Văn lắm khi ở qua đêm, rất bụi, có gì ăn nấy, không điệu bộ kiểu con gái. Khánh Ly từng viết: “... một dĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly cà phê cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất. Tình bạn, tình anh em nẩy mầm từ đó. Quán Văn cái tên dễ nhớ và dễ thương...Mỗi người tới tùy tiện tìm chỗ ngồi trên cái nền xi-măng bỏ trống ngổn ngang gạch vụn và cỏ dại. Đó là nơi gặp gỡ đẹp nhất của một thời tôi còn trẻ...” (Tạp chí Văn Nghệ, số 1 -2000)

Đấy, Khánh Ly như vậy đó. Và tôi hiểu thêm một nguyên nhân khiến TCS-KL là một từ kép gắn bó. Cả hai thật trong và sáng. Họ cùng một chất nòi tình. Nên cơ duyên nhỏ như hạt bụi trong ngân hà đẩy họ vào một trường hấp lực khiến họ keo sơn với nhau chẳng qua cũng chỉ là chuyện xưa như Diễm.

*

Thời gian sau đó Sơn, Khánh Ly và Vĩnh Trinh hát, thu băng nhằm ra một loạt CD. Ở xa, và vốn ít thích nhộn nhịp, nhớ bạn tôi chỉ điện thoại hỏi thăm. Đầu tháng 4, Sơn nói, giọng rầu rầu “Khánh Ly về rồi, lên chơi với moa đi! ”

Chúng tôi thả bộ dọc Mont Royal. Cuối con đường, băng Park Avenue, đỉnh đồi nhô cao, trên đó cây thánh giá người đời thắp sáng mỗi đêm chọc thẳng vào bầu trời trong xanh buổi tàn đông. Tuyết bắt đầu tan. Dọc lối lên dốc, những bông crocus mỏng mảnh tím biếc trồi ra khỏi những lớp tuyết đọng long lanh dưới mặt trời. Trong chiếc áo ngự hàn thùng thình, Sơn lướt tới, bước liêu xiêu như một đạo sĩ bay lên rồi đáp xuống bên những bông hoa. “Lạ hỉ? Làm sao nó mọc được trong tuyết ? Nó tên chi?”. Tôi gọi crocus là hoa tầm xuân, loài hoa báo hiệu mùa đầu một chu kỳ tuần hoàn mới của đất trời. “Tầm xuân bên mình mầu xanh. Bên ni lại tím, thật kỳ diệu...” Sơn trầm mặc. Chúng tôi lên dốc. Một lúc sau, Sơn nói như chỉ cho mình nghe: “Không chi cản được mùa xuân đâu!”.

Gần đỉnh đồi, chúng tôi băng ngang khuôn viên không một vết chân trên tuyết chưa tan. Đi qua một bức tượng đồng, Sơn đứng lại đọc tên rồi hỏi : “Ai vậy? “ Tôi đáp, tên một thi sĩ. Anh nhắc kỷ niệm ngày anh đến thăm tôi ở Québec. Bữa tôi dẫn anh vào thăm Đại học Laval, một tảng đá cao chừng 5,6 mét, ngang 2,3 mét đặt ngay ở lối vào một pavillon giành cho sinh hoạt của sinh viên. Trên tảng đá, người ta đục những dòng chữ của Pablo Neruda: j’avoue que j’ai vécu1. Anh lẫm nhẩm hôm đó, moi aussi, je l’avoue2. Anh vui vui : “Thành phố toa ở là nơi có văn hoá! Nơi không cần những anh hùng...” Trước một tôi ngỡ ngàng, anh kể: “Moa không nhớ ai viết, rằng khốn khổ thay cho những đất nước nhiều anh hùng!”

1 Tôi nhận rằng tôi đã sống

2 Tôi cũng vậy, tôi nhận.

Chúng tôi lại đi. Sơn thình lình ngừng bước, giọng ngùi ngùi: “Chỗ này là nơi Mai chụp hình với moa mùa tuyết qua. Hình tính làm bao bì cho CD...”. Rồi Sơn ngập ngừng: “Viết cho moa về Mai và những thành phố không cần anh hùng !” Tôi hồi tưởng thời anh cũng từng nói tôi viết hộ vài dòng cho Michiko, một người con gái đất Phù Tang đã tha thiết yêu anh. Chữ nghĩa Sơn thừa, cớ gì phải nhờ viết hộ nhỉ? Chiều bạn, tôi gửi anh:

Ngày Mai đến

Chăng tơ cho nhện

nhả thơ vào đời

Vết chân anh trên thành phố-không-cần-có-anh hùng

Kén vàng ươm nắng cuối đông

cánh bướm mượt mà gió đợi

Góc công viên tuyết nõn nà trắng tới mênh mông

Anh lại cất tiếnghát

để đêm giật lùi vào nơi không ai đặt tên

vì ngày mai

ngày Mai lại đến

Tiếng hát của Núi

đưa nắng Mai lên

xua đi những bóng đêm thừa thãi

Những bóng đêm không có bóng con Người.

Mai là Khánh Ly, và Núi là Sơn. Thành phố-không-cần-có-anh hùng thì tôi vừa nhắc đến rồi. Năm 1998 tôi về Sài Gòn, Sơn kể anh viết và đăng báo (Tuổi Trẻ?) một bài về chuyến đi Canada, có một đoạn về cái thành phố không cần có anh hùng đó. Cười buồn, anh tiếp, thế là bị Tuyên Huấn TP HCM đánh tơi bời hoa lá.

Ngày tôi hỏi nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo thuở sinh thời cái tên phố nơi anh ở là Huỳnh Văn Bánh thì anh có biết ông Bánh này làm chi không? Anh cười tinh quái, đáp chắc lại là một anh hùng hay liệt sĩ, loại này ở đây đông lắm, nào là Lê văn Sĩ, Nguyễn thị Bé...Ai biết được họ làm gì, chỉ chắc một điều là họ đã hy sinh, thế thôi...

Đất nước ta mà.

Đầy bóng ma của những người chết hai lần, ba lần mà chưa siêu thoát. Đầy tên đường, những tên vô âm hưởng. Và tiếng xe. Và bụi bặm một thời chưa hẳn qua. Một thời đáng lẽ phải quên, nhưng vẫn chưa được!

Nam Dao

9-2011

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Mười 201510:41 CH(Xem: 34210)
Tôi thích những định nghĩa về tự do của John Adams và yêu thơ Tagore. Cả hai đều khơi dậy cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Điều lạ lùng là dù ở hai vị trí rất khác nhau, một chính khách và một nhà thơ; song họ lại gặp nhau ở một điểm rất chung. Tôi có thể mượn cái quan niệm của John Adam để nói về Tagore. Cả hai đều cho rằng không có sự ưu việt nào bằng sự ưu việt của linh hồn và không có sự giàu có nào bằng sự giàu có của con tim.
18 Tháng Mười 20154:41 CH(Xem: 31350)
Ngồi giữa buổi chiều mênh mông hắn chờ một cuộc điện thoại, bầu trời mở rộng trước mắt hắn, một dãy nhà cao thấp lô nhô trải dài làm cho đường chân trời trở nên răng cưa, gấp khúc. Xa hơn nữa, ở một góc nhỏ xíu lóe lên những tia sét lẫn trong những đám mây xám, những tiếng sét không âm thanh chớp lên rồi tắt ngúm một cách vô thưởng vô phạt.
18 Tháng Mười 20151:23 CH(Xem: 33583)
Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự...
18 Tháng Mười 20151:00 CH(Xem: 35218)
Ngôi nhà của anh không hoàn toàn im lặng, hoang vắng mà là một nơi chốn dừng chân của khách thập phương. Nó như là một thứ “trại tỵ nạn thứ hai” mà hầu hết những người lui tới gặp anh đều có mục đích khác nhau. Có người đến để nhờ anh “hợp tác” làm một công việc gì đó; có người đến vì cần một nơi chốn ở tạm; có người đến chỉ để bày ra những cuộc rượu say bí tử, ca hát, ngâm thơ, bày tỏ những tàn tích quá khứ, họ là những người lính đã từng tham dự chiến tranh kể về những trận đánh, trong đó có người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến. Họ là những “linh hồn” vất vưởng, thất lạc giữa một khoảng trống mênh mông trong tâm thức bám vào cái hào quang quá khứ hào hùng, đau thương đầy căm phẫn tủi nhục của lịch sử. Có người rũ bỏ quá khứ, lột xác hội nhập vào đời sống mới của xứ sở tự do. Họ bước vào cuộc thử thách trong thương trường, khởi nghiệp bằng đôi bằng tay trắng.
16 Tháng Mười 201510:35 CH(Xem: 37652)
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt". Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]
16 Tháng Mười 201510:03 CH(Xem: 32755)
Em không thể đi hết còn đường còn lại của mưa, anh biết không, có thể chúng dài hơn điều em nghĩ, có thể chúng đang ghen tuông với điều tự do của gió
12 Tháng Mười 201512:25 SA(Xem: 30299)
không phải thơ đâu em chỉ là lời nguyện đêm tha thiết không phải sáng mai nào cũng trong veo như sáng nay gió về vẩn đục lời kinh rớt xuống lũng oan cừu
11 Tháng Mười 201511:40 CH(Xem: 31874)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Thanh Hiện có lối viết rất lạ như thơ xuôi, từ đầu đến cuối chỉ dấu phẩy, không chấm. Chúng tôi hân hạnh mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào không gian truyện của Nguyễn Thanh Hiện.
11 Tháng Mười 20154:46 CH(Xem: 28908)
Đang ngồi trầm tư bên ấm trà nóng, ông Hội bỗng giật nảy mình khi nghe ngoài sân có tiếng rên rỉ. Ai nửa đêm khuya khoắt lại vào nhà ông than khóc? Vội vã ông chay lại mở cửa. Ánh điện trên thềm hắt xuống sân, ông trông thấy một người phụ nữ nằm sõng xoài trong vũng nước. Phương. Đúng là Phương.
11 Tháng Mười 20154:38 CH(Xem: 29069)
Mùa thu sắp cạn. Những hàng cây trên phố phơi dần những cánh tay trơ xương. Cuộc sống trong gia đình ông Hội vẫn diễn ra như một vở kịch mà ở đó những người diễn viên luôn phải oằn mình thể hiện vai diễn trái ngược với nội dung kịch bản. Nhiều lúc Phương tự hỏi, thật ra những con người này họ đã và đang nghĩ suy gì trong tâm não?