- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trương Chi

21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105932)

truongchi

“Ai đi qua bến giang đầu tha thiết, nghe sông than mối tình Trương Chi…” (Trương Chi- Văn Cao)


LTS: Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi.
Tạp Chí Hợp Lưu

Hoàng hôn rắc một lớp bụi màu tím sẫm trên mặt sông. Gió đã chuyển hướng từ nam sang đông, mang theo hơi nước mát lạnh. Trăng non đầu tháng đã lên tự bao giờ, mỏng như một chiếc lá lúa đang thì con gái, xanh và trong suốt. Sông Cải mùa này nước trong hơn nhưng cạn hơn. Anh thò tay vốc một vốc nước, rồi để dòng nước chảy qua kẽ tay, rơi xuống bàn chân cô.
- Anh này... Làm ướt hết cả người ta rồi- Cô kêu lên, giọng hờn dỗi
- Đâu có. Anh chỉ rửa chân cho em thôi...
- Chỉ khéo chống chế... Cô mỉm cười- Ta về thôi anh. Trẻ chăn trâu về hết rồi. Mẹ mắng em chết. Bảo là ra sông giặt áo, vậy mà ngồi mãi từ nãy đến giờ...
- Thôi nào, một chút nữa thôi. Trời chưa tối mà...
Cô nhìn anh, rồi nhìn mặt sông. Chẳng biết từ bao giờ, người ta gọi dòng sông bằng cái tên “ Sông Cải”. Cũng chẳng biết từ bao giờ, người làng trồng cải bên sông. Khi cải trổ hoa, hai bờ sông rực vàng, lũ bướm từ đâu kéo về. Chúng vờn hoa, rồi vờn hoa. Hết mùa hoa, chúng lại kéo nhau đi, để lại những nàng hoa ủ rũ thai nghén những hạt cải non.
Nếu anh không nói thì cô chẳng biết dòng sông này còn mang một cái tên rất đẹp, rất thơ nữa: Vân Giang- dòng sông mây. Đối với cô, cái tên đó thật xa lạ, xa lạ như những câu chuyện mà anh vẫn kể những đêm trăng sáng.
Trăng đã lên cao. Ánh sáng non nớt nhưng cũng đủ lấp lánh cả một khúc sông. Cô chạm khẽ vào tay anh, thì thào
- Ta về thôi anh. Em sợ
- Ừ...ta về thôi...
*
Trăng đã lên. Trăng rằm tròn vành vạnh. Trương Chi đẩy thuyền lên mạn trên. Gió tây thổi lồng lộng. Xa xa, xóm làng yên ắng. Chỉ có tiếng chó cắn ma chốc chốc theo gió đưa tới. Dải núi Vu trầm mặc vắt ngang bầu trời trong như hổ phách. Ra đến giữa dòng, Trương Chi cất tiếng hát, như hàng đêm vẫn vậy.
Hò ơ
Trăng trăng cao
Ta lướt mái chèo
Gió reo
Sóng reo
Bốn bề quạnh hiu
Ta lướt mái chèo
Sương ngấn lệ gieo
Đêm cô liêu
Hò ơ...
Thương ai mắt hoen sầu
Tiếng hát tan ra trên mặt sông loang loáng ánh trăng, lẫn với tiếng mái chèo khua nước nhẹ nhàng. Đêm nay cũng như mọi đêm, Trương Chi quăng lưới và hát. Nhưng đêm nay không như mọi đêm, lòng chàng nặng trĩu. Chàng nhìn ánh trăng tan dưới mái chèo của mình, rồi ngước nhìn mặt trăng xanh buồn bã, tự nhủ: “ Trăng sao giống nàng, kiều diễm và buồn bã. Ước gì ta có thể làm tan biến nỗi buồn ấy...”. Chàng hướng mắt lên phía tây, xa xa là lâu đài của nàng, ánh đèn vẫn sáng kiêu sa. Đêm nay nàng có nhìn trăng không? Nàng có nghe ta hát không. Này là khúc tương tư...

*
- Có đúng là Trương Chi đã hát khúc hát đó không? – Nàng đã hỏi anh câu hỏi ấy không biết bao nhiêu lần. Và lần nào cũng vậy, anh không trả lời, chỉ ngước đôi mắt buồn bã nhìn nàng. Đôi mắt thật đẹp và thật buồn. Thỉnh thoảng chúng ánh lên vẻ lo âu thoảng thốt. Nàng cảm thấy như vậy. Nàng không nhớ từ bao giờ nàng bắt đầu biết đọc những câu trả lời trong mắt anh.
Nàng biết anh từ lúc nàng mới sinh ra. Có lẽ vậy. Hai nhà chung một lối cổng. Anh mất mẹ, sống với cha và mẹ kế. “ Mấy đời bánh đúc có xương...”, mẹ nàng vẫn nói vậy mỗi khi nghe dì ghẻ anh la mắng con riêng của chồng. Anh lớn lên, lầm lũi như một cái bóng. Có người bảo anh lì lợm, vì chẳng bao giờ anh trò chuyện với ai. Không bạn bè, cũng đúng thôi, vì anh đâu có thời gian để chạy chơi với chúng, không thả diều, không bắn chim. Hết tiết học ở trường, hôm thì xách giỏ ra đồng, hôm thì canh lũ vịt. Mười lăm tuổi mà anh chẳng cao hơn được cánh cổng gỗ mở sang nhà nàng. Hồi bé, nàng và lũ bạn lít nhít hay leo lên cây ổi, dòm qua vườn nhà anh, canh chừng nếu không có người thì lẻn qua hái trộm dâu chín. Thế nhưng lần nào cũng thấy anh ngồi đọc sách dưới tán dâu. Mấy đứa vừa sợ vừa ghét ánh mắt lạnh lùng của anh, thường thè lưỡi ra chọc giận rồi tụt khỏi cây ổi bỏ chạy, cười vang cả xóm.
Ấy thế mà không biết từ khi nào, anh trở thành một phần trong một ngày của nàng. Nàng đi học, anh chạy đến tận trường bằng chiếc xe đạp Nhật cũ mua lại của ông chú bằng tiền anh bán cua suốt mấy năm. Sáng đi học, chiều giúp cha và dì việc đồng áng, tối anh lọ mọ xách đèn ra ruộng tìm bắt cua. Sáng ra, mang cua bán cho người đi chợ trước khi tới trường, ngày nào anh cũng có mấy nghìn đồng. Dì anh định lấy luôn số tiền đó, nhưng sợ chồng, nên mặc kệ anh. Thế là năm nàng học lớp mười và anh học lớp mười hai, anh đã có xe đạp. Và nàng, dù đã được mẹ mua cho một chiếc mới toanh vẫn thích ngồi xe của anh. Bạn bè trêu, nàng không đỏ mặt. Thì sao chứ, anh nghèo thật, không đẹp trai nhưng chăm chỉ và học giỏi. Và nàng biết rằng với anh, nàng có nhiều ý nghĩa hơn cả một người bạn gái. Nàng là người duy nhất anh kể truyền thuyết Trương Chi và là người duy nhất anh hát cho nghe khúc ca ai oán của chàng ngư phủ.
*
Trăng đã biến mất. Gió đổi hướng đông, đẩy thuyền ngược lên mạn trên. Trương Chi cố ghì mái chèo. Mây ùn ùn kéo đặc cả bầu trời đêm. Mặt sông trong chốc lát tối sầm lại. Sóng cuộn lên, đánh tới tấp vào mạn thuyền. “ Đêm mai, ngươi phải ghé vào bờ, chỗ bãi cải đang trổ hoa kia. Nhớ là phải che mặt lại”. Người thị nữ ấy đã vội vã nói và vội vã đi, không thèm nhìn mặt chàng. Trương Chi biết là nàng phái người ấy đến. Hẳn là nàng muốn nghe chàng hát. Nhưng chẳng phải là nàng không muốn gặp chàng hay sao. Nàng đã quay đi kinh hãi khi nhìn thấy chàng hôm đó cơ mà. Và chẳng phải người ta bảo rằng chàng phải ra đi, không được quay lại khúc sông này nữa. Và chẳng phải lúc này chàng đang phải ra đi, để nàng vừa lòng, cũng như chàng đã phải đến trước đây, để thoả ý nàng sao?
Không. Trương Chi không muốn đến. Chàng không muốn con tim nhỏ bé của mình phải quặn lên khi phải hát trước mặt nàng. Và hẳn là, nàng sẽ đưa tay che mắt. Ai hiểu được chàng không? Gió thổi mạnh quá. Thuyền chao trên sóng. Trương Chi mệt mỏi ngồi bệt xuống sàn thuyền. Một tiếng sấm rền vang, liền đó, ánh chớp xé ngang mặt sông. Mưa ào ào trút xuống. Người ngư phủ ngửa mặt lên, hứng lấy những hạt mưa như những nhát roi quất. Chàng cất tiếng hát...
*
- Trăng thật là đẹp, anh nhỉ- Nàng phá tan im lặng. Ngày mai anh đi rồi, nàng không muốn anh đi với một tâm trạng nặng nề
- Trăng lúc nào cũng đẹp- Anh nói- Và buồn, và cô đơn...
- Thôi nào anh... Sang đó nhớ giữ sức khoẻ. Nhớ em thì cũng thỉnh thoảng viết thư thôi, đừng gọi điện thoại kẻo tốn tiền. Nghe nói gọi điện từ nước ngoài về tốn tiền lắm...
Anh im lặng. Lại hai năm nữa trôi qua. Nàng đã mười tám tuổi, đẹp như bông sen trong ao làng. Còn anh, anh sắp đi xa, đến một nơi mà anh chưa đến, để làm việc trong một nhà máy hay một công ty nào đó, để kiếm tiền. Cha và dì anh đã phải đi vay mấy chục triệu đồng chạy cho anh đi xuất khẩu lao động là mong anh kiếm được nhiều tiền. Anh cũng mong vậy. Kiếm được tiền, anh có thể học lên đại học. Và hơn nữa, anh được gần nàng. Năm nay nàng cũng sẽ vào đại học.
- Anh hát khúc Trương Chi đi
- Em muốn nghe ư?- Anh ngạc nhiên. Có lần nàng đã bảo anh đừng hát, vì khúc đó “ buồn làm sao” ấy
- Vâng, anh hát đi...
Anh ngắt một ngọn cỏ đưa lên môi. Mùi cỏ hăng hắc. Anh nhìn nàng rồi nhìn ánh trăng lấp lánh trên mặt sông. Anh cất tiếng hát

Hò ơ...
Đêm đêm trôi
Trăng chơi vơi
Gió than khúc ngậm ngùi
Sầu giăng tơ
Mộng giăng tơ
Cành theo gió phất phơ
Hò ơ...
Ai buông tóc bơ phờ
*
Sau một đêm mưa như trút, ngôi làng tỉnh giấc dưới ánh mặt trời chói gắt. Mọi người kháo nhau về điềm dữ sắp xảy ra. Chứ còn gì nữa, trời đất bất thường đến thế. Ở cái xứ sở này, có bao giờ mưa mùa đông lại có sấm rền chớp loé. Lại nữa, mặt trời chói gắt thế kia, chắc chắn có tai hoạ.
Quả nhiên là tai hoạ. Ông Cả Tuần chủ bãi cải ven sông đi thăm đồng về với khuôn mặt tái nhợt. ông chạy đi tìm tuần đinh, báo rằng có xác người chết trên ruộng cải nhà ông. Tuần đinh và dân làng kéo nhau ra bãi. Người ta nhận thấy đó là xác anh ngư phủ vẫn kéo lưới ở khúc sông chảy qua làng mấy tuần trăng nay. Thỉnh thoảng, các cô gái trong làng vẫn kháo nhau rằng anh ta hát rất hay. Con người xấu xí nằm chết trên ruộng cải. Mọi người kháo ầm lên. Người thì bảo anh ta bị giết. Người thì bảo anh ta chết đói và chết rét. Nhưng trên ruộng cải bị quần nát một góc, dấu vết rõ ràng hằn trên đó là của hai người. Chắc hẳn họ đã vật lộn rất lâu, vì những cây cải ngồng bị dập nát be bét, lẫn vào bùn nhão. Điều lạ là, trong mấy dấu chân để lại, người ta nhận thấy rõ vết hài phụ nữ.

*
Anh đi được ba năm thì nàng lấy chồng. Nàng có vào đại học và yêu một vài chàng trai thị thành. Họ dạy nàng cách hôn. Người cuối cùng là con trai một cán bộ cao cấp trong chính quyền thành phố. Ngày cưới nàng vào mùa hoa cải. Sắc vàng như lụa trải suốt bãi sông dài. Lũ bướm lại dập dờn kéo đến cùng vũ điệu lả lướt của chúng.
*
Trong câu chuyện anh kể cho nàng về chàng ngư phủ, hai tháng sau cái chết của Trương Chi, Mỵ Nương cũng lấy chồng. Và nàng sinh con bảy tháng sau đó, một đứa trẻ xấu xí không giống mẹ chút nào.

Nguyễn Thị Quyên

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 56329)
Con đường thơ của Nguyễn Lãm Thắng có nhiều bước chuyển. Sau “Điệp ngữ tình”, “Giấc mơ buổi sáng” (333 bài thơ thiếu nhi), anh thử nghiệm, gieo hạt giống thơ của mình vào thế trận khác: thế trận đời. Thế trận này đã đánh dấu tiếng nói riêng cho “họng đêm” [ *] trong hành trình sáng - tạo - thi ca của anh. Anh gần như đoạn tuyệt hẳn cái nhìn trong trẻo của “Điệp ngữ tình”, cái hồn nhiên thơ trẻ của “Giấc mơ buổi sáng” để ném vào “họng đêm” cái nhìn từ góc độ người mù và “có thể nói nhiều về điều không thể nói”.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65757)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 54272)
N guyễn Phi Khanh sinh năm 1355 và mất năm 1428[1] (có thuyết nói ông sinh năm 1336, mất năm 1408[2]), quê ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây (có thuyết nói ông còn có quê thứ hai ở Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương). Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương...
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 63424)
Tôi chìm vào một giấc mơ, giấc mơ có những sợi dây bé xíu đan vào nhau thành những mắt lưới. Tôi đi tìm một thế giới, nỗi đau oán thù bị xóa bỏ, chỉ còn tôi với thế giới ấy.
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 60133)
B ài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất, luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 ...
06 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 70238)
Bây giờ đã bước sang một ngày khác một ngày như và không như mọi ngày không còn nợ nần nào để tính sổ không còn niềm vui nào để cho đi hay giữ lại nỗi buồn...
11 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 93533)
Cuộc Họp Báo Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền - 10/12/2012
10 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 90948)
S au hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 94789)
Một trong những vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ. (1) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn blackmail hay chơi một ván bài poker với Mỹ. (2) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc, (3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
30 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 93485)
Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 152)