- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhật ký của một hộp thư cũ

02 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101537)


phamthingoc_hl_114

Tôi hỏi cô nhân viên mới trong sở đã nhận được ngân phiếu đầu tiên do hãng gửi qua đường bưu điện chưa. Cô trả lời chưa, nhưng cũng đã mấy hôm rồi cô chưa thăm hộp thư, và than thêm rằng hộp thư của cô chỉ mang toàn tin buồn. Đứa con gái lớn của người đàn ông cô đang chung sống đã bao nhiêu năm ở tù bây giờ vừa được tự do, viết thư xin về nhà với bố. Ở tù vì hút sách, đứa con gái có hồ sơ toan tự tử bao nhiêu lần trong và ngoài tù. Tôi mím môi gật gù. Từ một câu hỏi giản dị được xung phong ra quá nhiều chi tiết. Lần sau tôi sẽ không hỏi cô điều gì nữa, dù cô đưa ra nhận xét hơi đúng: hộp thư mang toàn những tin buồn. Những người mang gia cảnh như cô, và ở nước Mỹ này thì đấy là gia cảnh bình thường, họ không hay có máy điện tóan, và không luôn địa chỉ liên mạng. Hộp thư mang đầy những tin buồn từ chủ nợ, từ nhà trừng giới, tù ngục, bệnh viện tâm thần, những đứa con hoang, tòa án ly dị.
Trải qua bao nhiêu năm, do hệ thống e-mail trở nên thông dụng, hộp thư của tôi cũng cạn hết nguồn vui, chỉ còn lại tấm ngân phiếu lương bổng hãng gửi về mỗi hai tuần đều đặn, không sai hẹn. Đó là một thứ văn kiện tôi xem xét kỹ lưỡng mỗi đầu và giữa tháng, dù chẳng có gì khác biệt từ tấm check mới nhất và hai tuần trước đó. Hơn một thập niên sau sự xuất hiện của hộp thư liên mạng, những cánh thư cá nhân cho tôi cũng đã biến thành cổ lỗ, tuyệt chủng, mà số lượng junk mai, thư quảng cáo, vẫn không giảm bớt. Dù thế, tôi vẫn mỗi ngày vui vẻ thăm hộp thư trước nhà, vẫn như một đứa trẻ trông ngóng đón ra từ đấy một điều làm ngạc nhiên, một cánh thư mang nét chữ của một con người có thật, một nhân vật nào đó từ dĩ vãng. Dĩ vãng thời trong nhóm Thế Hệ chẳng hạn. Một hôm xuống phố, đi ngang đường cũ để nhìn thấy trụ sở Thế Hệ xưa đã bị san thành một bãi đậu xe. Trụ sở nghèo nàn tối tăm khi xưa cũng có ổ khóa, và tôi một thời đã được trao phó chùm chìa khóa riêng để tự do ra vào, lấy thư, đọc thư, trả lời thư dù chỉ là những xã giao hình thức. Trụ sở không còn, tôi thấy ngậm ngùi. Mọi sự là phù phiếm, hình như chỉ có khóc than là dai dẳng.

Trong vòng một thập niên, kỹ thuật thông tin liên lạc tiến triển đến mức vừa bàn đến một phát minh mới thì điều ấy đã thành lạc hậu. Những chiếc điện thoại cầm tay lưu động ngày càng nhỏ nhắn, hấp dẫn đến mức người ta quỵt cả tiền nhà để trả tiền điện thoại cầm tay. Những đứa làm cùng sở, đứa nào cũng pager đầy người, điện thoại lưu động inh ỏi trong sở, ngoài xe, và e-mail những khi nói chưa đủ. Phương tiện xa xỉ của liên lạc nằm trong bàn tay, nhưng tôi không chắc họ có gần nhau hơn. Tôi thấy họ, như thấy mình, là những con người ngày càng mất kiên nhẫn giữa những tiện nghi vượt bực. Nhu cầu cần phải được đáp ứng nhanh chóng, liên lạc giữa thời đại e-mail cần phải có hồi âm trong tức khắc.

Những lá thư đầu đời của tôi, cách đây cũng gần cả ba mươi năm gửi đi cho bạn bè ngày vừa đến Mỹ, phải chờ ít nhất hai tuần lễ mới có thư trả lời. Những cánh thư gửi từ Louisiana đi California, đi Texas, đi Florida, đi Canada, đi đến những địa chỉ mới của lũ trẻ đã quen nhau ngắn ngủi trong trại tị nạn. Tôi biết tên cha mẹ từng đứa, và từ đó tìm ra địa chỉ chúng nó qua tờ thông tin liên lạc hội cựu thuyền nhân, dày vài trang đánh máy được đóng gáy bằng ghim bấm. Những lá thư gửi đi cái thì được hồi âm, cái thì biệt tích, được viết giữa tâm trạng cô lập, giữa mùa đông đầu tiên trên xứ sở mới, học hết bộ English for Today vẫn chưa qua mùa đông, giữa những đêm thâu nước Mỹ im lìm không có tiếng người gọi nhau, chửi thề, ngoài xóm, không có tiếng súng như tiếng pháo sau giờ giới nghiêm, không có giọng ca cải lương éo le của anh hàng xóm điên trên sân thượng nhà bên cạnh, không ánh hỏa châu. Một màn đêm im lìm gần đến mức mất trí. Khi một trong những đứa bạn viết và kể rằng đêm đêm nó thấy bóng trắng của một con ma hiền đến nói chuyện bằng cái ngôn ngữ nó chưa hiểu, tôi viết lại rằng nó đã mất trí thật. Ngày ấy, gia đình tôi không có điện thoại, không có cả máy truyền hình, thì chỉ còn lại những thư từ. Ngày ấy, bưu phí chỉ có mười xu một con tem. Hai tuần lễ cho một chuyến đi về của thư trong nội địa không có gì lâu lắc, so với những thư từ liên lạc về Việt Nam. Thư của bố tôi từ Việt Nam phải chuyển sang Pháp hoặc sang Canada, đến lúc vào đến Mỹ thì cũng đã qua sáu tháng, và ngược lại. Thư chúc Giáng Sinh đầu tiên gửi về có lẽ bố tôi nhận vào mùa hè, kể về Giáng Sinh hơn bao giờ hết được nuôi dưỡng bởi đức tin, dù rằng những trả lời của đức tin thường mở ra thêm nhiều câu hỏi khác. Tất cả đòi hỏi thời gian, chúng tôi chỉ còn có thể chấp nhận thời gian nên nó không còn là một thách đố.

Vấn đề của tôi là tôi không thoát khỏi nỗi cô lập của mình một cách dễ dàng. Viết thư là một cách giải tỏa cô lập, nhưng cũng qua những cánh thư tôi nhìn thấy sự chậm tiến của mình trên con đường hội nhập. Một đứa bạn khác viết kể về gia đình nó gia nhập hội thánh Tin Lành tại California, sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng truyền giáo của họ. Được báo trước ngày sinh nhật của bạn, tôi gửi cho nó chiếc vòng đeo tay bạc, lủng lẳng mười mảnh bạc vuông tí hon, mỗi bảng khắc một điều răn. Chiếc vòng của ai đó đã cho tôi vẫn còn nguyên trong hộp của nó, dù chẳng là gì nhưng tôi cũng mất thì giờ bỏ vào đó nhiều suy nghĩ, vì chẳng có gì khác để cho. Bạn tôi viết trả lời, nó thích món quà lắm, tìm mua cho nó cái nữa. Tôi đọc và hiểu ra giòng chữ, và sau đó không còn thư nó cho tôi.

Khi đứa con gái lớn của tôi nhận thiệp mời sinh nhật bạn nó gửi, tôi nhìn thấy tôi mấy mươi năm nào, mặt mũi sáng rỡ cầm phong bì có nét chữ bạn mình, viết tên mình không sai một chữ đánh vần. Nét chữ non nớt trên «lá thư thật» làm tràn nỗi sung sướng của một đứa trẻ, nó chạy biến vào nhà tắm, đóng cửa, và ngồi trú trong đó đọc thư bạn dù chúng nó vừa gặp nhau vào ban sáng ở lớp học. Hạnh phúc căn bản không hề thay đổi.

Lá thư như thiệp mời vào một vòng thân ái, con tôi sẽ không lạc lõng như tôi thuở nào.

Trong những năm từ mười ba đến mười tám, hộp thư của tôi chứa đựng những cánh thư đã được gửi thẳng từ quê hương, và các hiệu sách Việt Nam. Chỉ ngần ấy thôi cũng là thú vị. Bao nhiêu mùa hè dài như bất tận, tưởng chừng thời gian không thể đi tới, chỉ có tôi và tôi, lâu lâu lác đác những buổi họp mặt sinh hoạt thiếu niên Công Giáo của cộng đồng không hấp dẫn, «năm xưa trên cây xoài, làng Fatima xa xôi...» Cho nên thật là sung sướng khi tôi mở thùng thư để lôi ra bọc vàng bưu điện ôm kín những tiểu thuyết Mai Thảo, Duyên Anh, Túy Hồng, Từ Kế Tường, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Kim Dung, và cả Quỳnh Dao. Đọc để nối dài nỗi nhớ. Đọc để nuôi dưỡng tưởng tượng, và giấc mơ ngây thơ làm nhà văn. Giấc mơ lớn ra ngoài tuổi mười tám đưa đến một hành động táo bạo là gửi truyện ngắn đầu tay cho Mai Thảo, gửi đi và không trông chờ một hồi âm, cho đến một ngày nọ tôi nhận được thư viết tay của nhà văn, viết rằng truyện ngắn sẽ được đăng trên Văn, kèm theo mấy lời khích lệ.

Chỉ ngần ấy thôi cũng là hạnh phúc, một câu trả lời hỗ trợ cho sự mạo hiểm của tôi là đúng hướng.

Tôi liên lạc nhiều nhất với Thomas Mays vào những năm đầu đại học, đặc biệt là khi anh bỏ học để nhập ngũ. Tommy Mays tôi biết ngày còn tiểu học, và chúng tôi chung lớp từ năm đệ thất, khi tôi chọn lớp mù mờ chọn lầm phải một lớp dạy xây cất dành cho nam sinh. Tommy và tôi ở cùng một nhóm, một hôm đóng đinh tôi lỡ tay đập xuống tay Tommy một búa. Tommy từ đệ thất đến đệ nhất chỉ có cao vọt lên mà dáng người không thay đổi. Gầy gò, lưng còm, tóc quăn, hình dáng của một tên dork theo kiểu nói bây giờ. Tommy ít nói, nhưng nói thì được nghe, cho nên dù trông cù lần hắn không bao giờ bị trêu ghẹo. Tommy hình như không có bố, ở với mẹ, trong niên giám điện thoại tôi thấy tên là Goldie Mays ở đường Wyoming, khu phố sạch sẽ có những ngôi nhà xinh xắn gần nhà thờ thánh Leo. Năm đệ nhị, lớp mười một, Tommy duy nhất lái xe hơi mới tinh đi học, chiếc Sunbird màu nâu bảo thủ như cách phục sức bảo thủ cỡ Richie Cunningham của Happy Days. Vòng bạn bè là đám lực sĩ đẹp trai của trường, Tommy với dáng dấp khẳng khiu chỉ xách máy chụp hình chạy theo những trận banh cà na bách chiến bách bại của trường. Nó có vẻ bực mình khi tôi bảo nó đang phí thì giờ vô ích.

Đệ nhị, đệ nhất chúng tôi gặp nhau nhiều hơn ở những lớp dự bị đại học. Lớp sử học đông nam sinh Mỹ rường cột của tổ quốc, nhưng thầy sử học Henry Vautreaux lại ưu chuộng tôi hơn. Hai năm liền thầy chọn tôi, miễn thi tuyển, đại diện trường đi dự thi giải sử học toàn tiểu bang, và tôi đã không phụ lòng tin tưởng của thầy. Cuối năm, một trong những điều kiện của thầy là học trò phải viết sưu tầm về một biến cố lịch sử. Tommy viết về những trận đánh lớn của chiến tranh Việt Nam, cho phóng lớn bản đồ Việt Nam lên bảng, nói thông thạo về những trận Khe Sanh, Huế, Quảng Trị, Bình Long, An Lộc, Quốc Lộ Một, Đại Lộ Kinh Hoàng. Tôi đã xúc động và xấu hổ, khi rèn luyện để hơn người về sử của người tôi đã quên mất những gì là của mình. Tommy đã học không để ganh đua, mà đã tìm hiểu cặn kẽ để thỏa mãn thắc mắc của mình.

Học chung đại học được một năm, Tommy bỏ dở, bảo muốn đi xa, nhưng tôi nghĩ anh bị rối tinh thần, đứng ở chặng đường đổ về muôn nẻo, không biết phải theo đâu. Anh vào hải quân và đồn đóng tại Nhật. Gần một năm trời thư từ cho tôi tại Nhật, bức thư cuối cùng vào tháng Mười Một anh hẹn sẽ về. Hẹn gặp lại vào tháng Giêng, anh viết. See you in January. Nhưng chúng tôi không hề gặp lại nhau, vì tôi đã rời thành phố, không để lại địa chỉ mới. Bỏ viết thư như cai nghiện. Một ngày kéo sang vài ngày, rồi đi đến tuần, đến tháng rồi cả bao nhiêu năm. Độ hai năm sau trở về thành phố cũ, tôi lật niên giám điện thoại và thấy tên Tommy đi đôi với tên phụ nữ Nhật. Thomas J. and Yoshiko Mays. Tôi vẫn mang trong lòng một thắc mắc vu vơ, gặp nhau vào tháng Giêng để làm gì nhỉ. Tommy sẽ kể tôi nghe về tình yêu bên Nhật Bản? Yoshiko có giỏi Anh ngữ đủ để hiểu những câu châm biếm rắc rối của Tommy chăng? Yoshiko là phụ nữ ngoan hiền? Tôi có thật hy vọng không, mà để làm gì khi mười mấy năm lớn lên với nhau, khi sau gần cả năm xa nhau mà vẫn giữ liên lạc, Tommy chưa hề nói gì có mang tình ý cả? Nhưng nếu không thân, sao lại thư từ , còn nếu thân sao Tommy không hề nói gì về Yoshiko cả? Tommy đã không thật như tôi đã không thật, vì chính tôi cũng chưa hề nói về việc mình sẽ đi xa.

Mười mấy năm sau, lại về ngang phố xưa, tôi lại quen tay mở niên giám điện thoại, nhưng tên bà Goldie Mays đã không còn, cùng với sự vắng tên của nhiều bậc phụ huynh ngày trước. Tên Thomas and Yoshiko Mays thì vẫn còn, bền bỉ, địa chỉ là vùng phát triển mới. Mười mấy năm rồi, mừng cho anh. Yoshiko bao nhiêu tuổi, Tommy có bao nhiêu con nhỏ và chúng học ở đâu. Những câu hỏi cho một cuộc gặp gỡ trong tưởng tượng, tôi sẽ ngồi xuống và nói chuyện thật dài với anh vì dĩ vãng cũng dài.

Tôi tìm ra địa chỉ liên mạng của Tommy trên trang website của trường. Giờ đây, không cần phải cắm cúi viết thư rồi chờ đợi nhiều ngày như trước, tôi có thể qua một nút bấm mà bắt lại liên lạc cũ. Trong lòng mang nhiều cản trở, tôi tự trách mình quá quan trọng hóa mình.

Trở về câu chuyện lúc ban đầu hộp thư mang toàn những tin buồn, một hôm, cùng với những tin buồn từ những chủ nợ, tôi nhận được thiệp hồng không mang tên người gửi, nhưng nhìn nét chữ tôi biết đây là thiệp cưới của người bạn trai cũ. Mở thiệp, tôi đọc giòng chữ quen thuộc ngắn gọn, cuối cùng thì anh cũng có vợ... như ai. Tôi cười một mình. Tưởng tượng khi nói như ai anh sẽ vếch cằm lên trời. Như ai là như ai. Tôi buồn vì lại sắp sửa tốn tiền mừng. Tôi sẽ... e-mail cho anh vì tình nghĩa cũ, chỉ để dặn vài điều dựa trên kinh nghiệm. Nhớ làm dĩa nhạc CD kỷ niệm, có hình cô dâu chú rể dắt nhau đi trên bờ biển. Trong CD nhớ thu âm bài thơ do mình sáng tác và cũng do mình phổ nhạc. Nhớ cố gắng điều khiển chương trình cưới bằng song ngữ cho người Mỹ họ hiểu, hiểu họ hàng ông bà chú bác hai họ, đây là chị dâu của em rể cô dâu. Muốn hên, nhớ cho khách ngồi đúng hướng, ăn đúng giờ, về đúng khắc. Nhớ đúng giờ lành hẵng động phòng, và lúc làm thì nên coi hướng.

Tối hôm ấy ngủ, tôi có mơ thấy hai đứa đi uống cà phê như ngày nào, và trong không khí yên lành tôi ngồi và đọc lại cho anh thư tình ngày xưa đã viết. Trong không khí yên lành, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Vui vì được thấy anh, một niềm vui thanh thản, đầy đủ, nhẹ nhàng vượt cao hơn hai chữ như ai. Buồn vì rồi sẽ chẳng được thấy anh nữa. Tỉnh giấc, tôi nhận ra ngay thực tế, và mừng vì đấy chẳng qua là mơ thôi.

Phạm Thị Ngọc
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 101843)
S au nhiều năm bị giam cầm và cả 7 năm quản thúc tại gia, lãnh tụ dân chủ đối lập bà Aung San Suu Kyi được thả ra. Ngay sau đó, từ tháng 8 năm 2011, bà đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi phong trào quần chúng hãy bảo vệ con sông Irrawaddy cùng với yêu cầu phải tái lượng giá ảnh hưởng môi sinh...
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 117024)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91677)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89176)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105742)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89225)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101787)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 96627)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89447)
T rần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào ( Những Cây Bút Trẻ , theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội.
11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 119017)
Đ ó là Tetbury, một thành phố thơ mộng nằm về phía nam Luân Đôn khoảng 200 cây số (?).Tôi chỉ nhớ phải mất ba giờ lái xe để đến nơi. Thành phố nhỏ, những con đường dốc, hẹp. Nhà với mái xuôi nhọn hoắt, nằm liền nhau, phần lớn mở shop bày bán đồ cổ, quán ăn uống, tiệm cà phê.