- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

PHÂN TÍCH TRUYỆN NGẮN KHÔNG CÓ VUA CỦA NGUYỄN HUY THIỆP *

06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 108952)

 da_2

LTG: Người ta gọi văn học Việt Nam sau 1975, đặc biệt là sau 1986, là “văn học đổi mới”, “văn học trong thời kì đổi mới, “văn học đương đại”. Văn học trước 1975 nói chuyện chính trị, chuyện đại sự quốc gia. Văn học sau 1975 lại kể những câu chuyện về cái thường ngày, về thân phận cá nhân. Văn học trước 1975 thiên về tụng ca. Văn học sau 1975 thiên về nhìn thẳng, nói thật, phản tỉnh. Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh… đưa tiến trình đổi mới tiến tới chỗ cao trào, tạo nên một bước ngoặt trong sự phát triển của văn học dân tộc, góp phần xoá bỏ khoảng cách tư duy nghệ thuật giữa văn học Việt Nam và những nền văn học tiên tiến của nhân loại trong một “thế giới phẳng”... (HĐK)

 

 

1. Thủ pháp phân mảnh, ghép mảnh

1.1. Tên truyện

"Không có vua", gợi nhớ từ "loạn cờ" được nhân vật Thủy - cô con dâu trong Tướng về hưu sử dụng. Khi nghe ông Thuấn ngỏ ý muốn giúp ông Cơ và cô Lài dọn đỡ việc nhà, cô Thủy liền phản đối: “Cha là tướng, về hưu cha vẫn là tướng. Cha là chỉ huy. Cha mà làm lính thì dễ loạn cờ". “Không có vua” hay “loạn cờ” là trạng thái nhân thế đảo điên, không tôn ti trật tự, không chuẩn mực giá trị, không điểm tựa tinh thần. Nói như Nietzsche: “Thượng đế đã chết”. Con người ta không muốn/thể sắp xếp lại thế giới.

1.2. Nhân vật phân mảnh (những mảnh vụn cha con, anh em, hàng xóm láng giềng)

Trong thế giới "không có vua", cha con, anh em gầm gừ, chửi bới, cạnh khóe, cấu xé nhau, không tiếc lời nanh độc giành cho nhau; em "sòng phẳng" trả "tiền công" cắt tóc cho anh trai; cha chồng nhìn trộm con dâu tắm, em chồng ngang nhiên sàm sỡ, đòi ngủ với chị dâu; con giơ tay biểu quyết để cha chết... Trong cái thế giới "loạn cờ" ấy, sự tận thiện tận mĩ của Sinh trở nên lạc loài, chẳng khác nào “bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. 

Ngày Tết, khi hàng xóm sang chúc Tết, Đoài bảo: "Xin lỗi bác, cháu chẳng biết nhà bác có bao nhiêu người, tên là gì?". Ông hàng xóm cười: "Thì tôi cũng thế".

2. Cái nhìn phân tâm học

2.1. Bản năng tính dục

Sự "loạn cờ" xảy ra với nhà lão Kiền một phần có lẽ là do sự mất cân bằng âm dương. "Nhà lão Kiền sáu người. Toàn đàn ông. Bà Nhớn, vợ lão Kiền, mất đã mười một năm". Vì thế mà nhà này trở thành một cánh đồng khô khát mùa đại hạn. Ẩn ức libiđô dự phần khiến lão Kiền "suốt ngày cau có", "cãi nhau với mọi người như cơm bữa", khiến Khiêm - thằng đàn ông "to lớn, lừng lững" - tính nóng nẩy...

Giữa mùa đại hạn kéo dài ấy, "Sinh lọt vào gia đình nhà này tựa như cơn mưa rơi xuống đất nẻ. Không khí dịu lại. Vài tháng đầu, lão Kiền không gây sự gì với con cái. Cấn là người hạnh phúc nhất. Anh cầm kéo cắt tanh tách, đối xử với khách hết sức nhã nhặn"...

Nhưng Sinh lại không thể là "của chung", chỉ có thể là vợ của một người: anh cả Cấn, cho nên lão Kiền và Đoài lại càng cháy bùng cơn khát. Và thế là sự "loạn cờ" càng được nhân lên. Trong bữa ăn (không có lệ mời nhau), "Đoài nhìn chăm chú vào khoảng lõm ở ngực chị dâu, nơi chiếc khuy bấm vừa tuột ra, bâng quơ: "Tình ơi tình, mình ơi mình, tình hở hang lắm cho mình ngẩn ngơ"". Sau bữa ăn, khi Sinh cất nồi dưới bếp, "Đoài đi theo, lấy cơm vào cặp lồng. Đoài đưa tay chạm vào lưng Sinh, Đoài bảo: "Người chị tôi cứ mềm như bún"". Ngày giỗ, khi soạn mâm, Sinh bảo Khảm: "Thiếu cái gì thì gọi", đợi Khảm đi khuất, Đoài bảo: "Thiếu một tý tình thôi, Sinh cho tôi xin một tý tình". Sau đó, mặc Sinh xua đuổi, Đoài đã cả gan "xán lại, hôn chút lên má Sinh". "Sinh đẩy ra, Đoài hổn hển: "Tôi nói trước, thế nào tôi cũng ngủ được với Sinh một lần"". Đêm giao thừa, Đoài dám buông lời với chị dâu: "Tối nay tôi vào buồng Sinh nhé!"... Và đến lượt lão Kiền. "Lão loay hoay dưới bếp, nghe tiếng dội nước ở trong buồng tắm, thở dài, bỏ lên nhà. Đi vài bước, lão Kiền quay lại, vào trong bếp, bắc chiếc ghế đẩu, trèo lên nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm, Sinh đứng khỏa thân"... Phân tâm học gọi đây là hình thức "thị dục", một trong những cách thức giảm thiểu ẩn ức libiđô. "Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b...” - lão Kiền đưa ra "quan điểm" của mình và Đoài cho rằng "kể cũng phải".

2.2. Bản năng xâm hại

2.2.1. Xâm hại bằng những lời nói sướng miệng, những lời nanh độc

Ví dụ: Lão Kiền bảo Đoài: "Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!". Hay với Khảm, cậu sinh viên năm thứ hai: "Đồ ruồi nhặng! Học với chả hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi...". Với Cấn, lão buông lời khen lại quá lời chửi: "Hay thật, cái nghề cạo râu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền!!".

Đoài bảo Khiêm: "tôi nói chú khéo xử sự với người, mà nhanh xử sự với lợn" làm Khiêm "tức nghẹn họng, sùi bọt mép".

Khi quá giận bố vì mục sở thị cảnh bố nhìn Sinh khỏa thân, giận cá chém thớt, Đoài tát thật lực Tốn một cái. Lão Kiền hỏi "Sao đánh nó?". Đoài bảo: "Nó vô giáo dục thì đánh". Lão Kiền chửi: "Thế mày có giáo dục à?". Đoài nghiến răng nói khẽ: "Tôi cũng vô giáo dục nhưng không nhìn trộm phụ nữ cởi truồng".

2.2.2. Xâm hại bằng bạo lực

Khi Sinh bảo: "Tôi có ba đầu sáu tay đâu?" (vì làm quần quật mà vẫn bị Cấn hạch tội để cho nhà trên hết nước sôi), Cấn đã trừng mắt: "Nói năng thế à? Nhà này không có lệ thế! Mấy cái bát này sao chưa rửa?". Nói rồi, xô chồng bát, đi ra.

Khi biết sự thực là Cấn đã nhốt Tốn trong cái buồng ở cạnh nhà xí vì ''Nhà có việc, để nó ra vào bất tiện", Khiêm đã "cầm cái gạt tàn thuốc lá trên bàn ném vào mặt Cấn. Cấn kêu "ối" một tiếng rồi ngã lăn ra. Khiêm xô vào đạp túi bụi".

Khi nghe Cấn bảo thấy tận mắt thằng bạn của Khảm lấy cắp nhẫn của Sinh, Khảm bảo "Phải đến nhà nó mà đòi. Không trả thì đánh bỏ mẹ nó đi". Cấn xin đi theo Khảm. Lão Kiền bảo: "Mang theo cái búa!".

Khi biết chiếc nhẫn của Sinh chẳng phải bị mất cắp, lại nghe lão Kiền bảo "Vợ mày giấu trong cạp quần chứ đâu", Cấn đã vừa bảo “Đồ khốn nạn" vừa "tát Sinh một cái nảy đom đóm mắt".

Khiêm kể về công việc giết lợn. Hai tay cầm hai cực điện dí vào thái dương từng con, "éc" phát là chết. Bị mất điện, phải dùng xà beng quật vào gáy lợn. Gặp con lợn khỏe, quật chục cái không chết, gáy toét cả ra. Một ca Khiêm giết được hơn nghìn con lợn.

2.3. Bản năng thiện

Tác giả cố tình "mờ hóa", vượn hóa (H.Đ.K nhấn mạnh) nhân vật Tốn, con út lão Kiền. Tốn "bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng". Khi được Khiêm giải phóng khỏi buồng cạnh nhà xí, Tốn "chân tay mặt mũi đen nhẻm nhe răng cười" rồi "lết đôi chân què đi lên nhà"... Nhưng phải chăng ở nhân vật này lại tồn tại nguyên sơ tất cả bản năng thiện của loài người khi loài người chưa được "văn minh hóa". Tốn "không chịu được bẩn", "hay giúp đỡ Sinh, nó cư xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến", "Những ý thích nhỏ nhặt của cô, nó thực hiện với lòng tận tụy cầm thú". Khi bốn ông anh biểu quyết để bố chết thì Tốn bật khóc hu hu...

Đặt Tốn cạnh hai ông anh cử nhân Đoài và Khảm, người đọc được dịp cùng đối thoại: Phải chăng hệ quả của quá trình văn hóa hóa, văn minh hóabản năng thiện (gặp gỡ phương Đông: "nhân chi sơ tính bản thiện") của con người có nguy cơ bị triệt tiêu?

Và nữa, khi lão Kiền tắt thở, trên môi lão "thấp thoáng nụ cười, trông rất hiền lành, trung hậu". Phải chăng, chỉ khi "mãn hạn làm người", con người ta mới được trở về với bản tính thiện sơ nguyên của mình?

3. Nhân vật đa diện (một hình thức nhại nhân vật "luận đề" truyền thống)

Một Lão Kiền suốt ngày cau có, chực cơ hội để xổ toẹt vào con cái những lời độc địa; bỉ ổi nhìn trộm con dâu tắm khỏa thân; nhẫn tâm khi đồng lõa, hợp tác với con cả nhốt con út bệnh hoạn vào buồng cạnh nhà xí để “giữ thể diện” với khách khứa... Nhưng lão cũng đáng thương khi thành thực "Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b...” "Làm người nhục lắm" "Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao, thì lũ chúng mày được thế này à?"... Và lão trở nên đáng yêu khi Rằm tháng Chạp, đi ngân hàng rút lãi tiết kiệm, mua cho Tốn cái áo sơ mi, mua cho Sinh đôi bít tất, còn lại tiền đưa cả cho Cấn; khi sáng mồng một Tết áo quần tề chỉnh cùng vợ chồng con cả đi chúc Tết hàng xóm...

Một Đoài vai tính cách chẳng ăn nhập gì với vai xã hội. Là công chức của Bộ Giáo dục nhưng lại là kẻ vô giáo dục. "Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!" (như lời lão Kiền chửi). Giữa bữa cơm gia đình, có thể nhìn chăm chú vào khoảng lõm ở ngực chị dâu, nơi chiếc khuy bấm vừa tuột ra, bâng quơ trơ trẽn khiến chị dâu ngượng chín cả mặt. Ngang nhiên sàm sỡ, đòi ngủ với chị dâu, đòi đuổi anh trai ra khỏi nhà để chiếm chị dâu. Có thể đang khi chặt thịt gà, tay đầy mỡ, cứ để thế không rửa tay, chạy lại bàn thờ mẹ vái lia lịa. Lạy gì không lạy lại lạy mẹ phù hộ cho "đi học nước ngoài, kiếm cái xe Cub". Biểu quyết để bố chết khi lâm bạo bệnh. Thở phào "Thật may quá" khi nghe bố tắt thở. Gác lại đã việc nhận điện ông cậu chết vì đang dở cuộc vui, với lại "Các bác già chết đi có gì là lạ?"... Nhưng có lúc Đoài cũng tỏ ra tử tế "Con xin lỗi bố" (vì thông cảm cho con người đàn ông của bố, vì biết ơn sự hy sinh của bố sau khi nghe bố "nói chuyện đàn ông"). Đoài tỏ ra nghĩa khí bênh vực kẻ yếu "Anh mà đụng vào cô ấy là tôi chém liền!" khi anh trai sắp giở trò vũ phu với chị dâu. Đoài cũng biết giúp Tốn dọn nhà đón mẹ con Sinh về. Trong bữa tiệc mừng thành viên mới, Đoài rót rượu ra cốc, đứng lên nói: "Cốc rượu này tôi dâng cuộc sống (…) Vì đứa trẻ mới sinh ra kia, vì tương lai của nó"...

Một Khiêm, tay đồ tể "ngoại hạng", mắt "vằn tia máu đỏ", một năm "ăn cắp đến nửa tấn thịt" (theo phép thống kê của Đoài), và "hai trăm sáu mươi bộ lòng" (theo phép thống kê của Khảm), sòng phẳng đến tàn nhẫn với anh trai khi ép anh trai nhận tiền công cắt tóc "Không phải người ngoài, anh không nhận thì thôi, tôi đi hàng khác, tôi bắt thằng khác ngoáy tai cho tôi"... Nhưng Khiêm lại rất mực tử tế với chị dâu (trước mâm cỗ đêm giao thừa, Khiêm bảo: "Chị là bề trên, chị cứ vái ba vái trước còn đâu tôi khấn"; Khiêm bảo: "Năm mới, chúc chị Sinh sức khỏe, may mắn. Mừng tuổi chị một nghìn, chị cầm lấy để cho có lộc" khiến Sinh rớm nước mắt). Khiêm rất mực tử tế với đứa em tật nguyền là Tốn (đã nổi giận lôi đình khi biết anh cả chỉ vì ích kỉ muốn giữ thể diện mà có thể nhẫn tâm nhốt thằng em vào buồng cạnh nhà xí). Khiêm đã "tặng" cho Sinh và Tốn một buổi tối giao thừa vô cùng "cảm động". Khiêm cũng tử tế rất mực với bố. Bên giường bệnh của bố, khi đêm đã khuya, mọi người đã đi ngủ, "Khiêm vẫn ngồi đọc. Đọc đi rồi lại đọc lại. Đại ý bài kinh xin đức Phật giải tội cho người sắp chết, để nghiệp chướng cho người sống chịu, lời lẽ khó hiểu. Suốt đêm Khiêm ngồi đọc, lạc cả giọng"...

4. Tính đối thoại

Đối thoại giữa tác giả - nhân vật, nhân vật - nhân vật, nhân vật - người đọc, tác giả - người đọc. Nhiều "tuyên ngôn" của nhân vật ám dụ mọi người cùng suy ngẫm để rồi tự mỗi người đưa ra lời bình luận riêng của mình. Ví dụ:

Đoài bảo Khảm: "Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không. Nó là triết học đấy". 

Đoài bảo Khảm: "Em giai ơi, thằng ấy (tức Khiêm) là phúc thiện tinh của nhà mình đấy. Nói không phải, cái nghề đồ tể của nó giá trị gấp mười lần cái bằng đại học của tao với mày".

Lão Kiền bảo: "Quân trí thức bây giờ toàn phường phàm phu tục tử". Khảm cười: "Các cụ ngày xưa chẳng dạy: "Có thực mới vực được đạo" là gì?... Lão Kiền hỏi: "Bọn chúng mày bây giờ thì vực đạo gì?". Đoài ăn xong đứng lên vươn vai: "Cái này phải tranh luận đấy. Tôi đang ngờ cái ông ngày xưa nói ra câu ấy chẳng hiểu quái gì về đạo. Đáng ra phải nói "Có thực mới vực được tình". Tức là tình người đấy, đồng bào ạ".

Anh Minh (sếp trực tiếp của Đoài) bảo: "Cậu cứ làm việc cho tốt. Tớ ủng hộ". Đoài bảo: "Công việc nhà nước biết thế nào là tốt xấu?".

Khảm bảo Đoài: "Hai anh em mình mang tiếng có học mà Tết nhất đến, một bộ quần áo hẳn hoi không có".

Đoài bảo Khảm: "Có năng khiếu kinh doanh thích thật, còn các năng khiếu như văn chương, nghệ thuật, v. v... đều vô dụng cả”...

* *

*

Thay lời kết: “Rượu vừa ngọt vừa cay. Ai chấp nhận cuộc sống thì cầm lên cho. Cuộc sống dù khỉ gió nhưng đẹp tuyệt vời” (lời của Đoài). Đời con người ta "Khổ lắm. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm” (lời của Sinh)./.

 

HOÀNG ĐĂNG KHOA

*tựa của Hợp Lưu




 

 

 

 

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4777)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4568)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 5030)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 5517)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 5217)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4589)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4957)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7201)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6529)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4666)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi