- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cộng đồng xuất bản quốc tế vinh danh Nhà xb Giấy Vụn, VN, về hành động mở đường can đảm

29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82711)


-Giải Tự do Xuất bản do Hiệp hội Các Nhà Xuất bản Quốc tế trao cho nhà thơ Bùi Chát tại hội sách quốc tế kỳ thứ 37 tại thủ đô Buenos Aires, Argentina, tháng 4-2011
-Nhà xb Giấy Vụn, do nhóm Mở Miệng thành lập năm 2002, đã xuất bản khoảng 25 đầu sách không qua hệ thống kiểm duyệt của nhà nước Cộng sản Việt Nam



Đánh dấu năm thứ sáu kể từ khi thiết lập giải thưởng Tự do Xuất bản - Freedom to Publish Prize, Hiệp hội Các Nhà Xuất bản Quốc tế - International Publishers Association (IPA), trụ sở đặt tại Geneva, Thụy sĩ, đã chọn nhà thơ Bùi Chát và nhà xuất bản Giấy Vụn do anh và một nhóm trẻ chủ trương tại Việt Nam để vinh danh lòng can đảm và kiên trì đã liên tục, trong gần một thập niên qua, xuất bản các sách bị cấm mặc dù điều kiện sinh hoạt khó khăn và môi trường kiểm duyệt khắt khe của chính phủ Việt Nam Cộng sản, theo thông báo của văn phòng Freedom to Publish thuộc IPA.

Được biết lễ trao giải đã diễn ra ngày 25 tháng 4 vừa qua tại Buenos Aires, Argentina, trong ngày khai mạc Hội sách Quốc tế kỳ thứ 37 do tổ chức United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO) bảo trợ với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế trong đó có IPA. Năm nay, Buenos Aires được chọn để tổ chức hội sách này trong khuôn khổ chương trình World Book Capital thường niên của thành phố, với sự tham dự của nhiều nhân vật trong giới xuất bản cũng như chính quyền từ địa phương tới trung ương.

“Sau gần 10 năm phấn đấu bền bỉ, nhà xuất bàn do Bùi Chát sáng lập đã tạo nên một phong trào xuất bản độc lập tại Việt Nam,” Ông Bjorn Smith-Simonsen, chủ tịch Ủy ban Quyền Tự do Xuất bản của IPA, đã phát biểu trong buổi lễ trao giải.(*) “Trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, nhà xuất bản Giấy Vụn đã khởi xướng một phong trào của những nhà suy nghĩ tự do [free thinkers], nhà cầm bút tự do, nghệ sĩ tự do, từ chối đường lối chỉ đạo sáng tác của nhà nước. Nó đã giúp phá đổ các rào cản của kiểm duyệt. Nhà xuất bản này và người sáng lập đã, với công lao khó nhọc, khơi lại niềm tin vào quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản nơi thế hệ mới của đất nước.”

“Họ đã giúp thăng tiến ý thức về các quyền căn bản của con người nơi các đồng hương của họ: đó là quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, tự do xuất bản và tự do đọc mà không sợ bị đàn áp,” ông Smith-Simonsen tiếp. “Vì tất cả những điều vừa kể, hôm nay, tại Thủ đô World Book 2011 của thành phố Buenos Aires, cộng đồng xuất bản quốc tế xin vinh danh nhà xuất bản can đảm này.”

“Sách có thể biến thế giới thành tự do, chính vì thế chúng tôi tin rằng tự do sẽ đến, trước hết với những người làm sách, những người đọc sách, và những người bàn luận về những điều mà sách mang lại,” Nhận giải thay mặt cho độc giả, đồng nghiệp, thân hữu và những người hỗ trợ Giấy Vụn, Bùi Chát, tác giả tập thơ “Bài thơ một vần – One-rhyme Poems,” đã phát biểu tại buổi lễ tại hội sách Buenos Aires.

“Hy vọng giải thưởng sẽ là cú hích đáng kể cho sự phát triển của phong trào xuất bản độc lập, đặc biệt là sự phát triển của xã hội dân sự, tại Việt Nam,” anh kết thúc bài diễn từ nhận giải ngắn, song súc tích.

Nhà xuất bản Giấy Vụn do một nhóm nhà thơ trẻ phần lớn sinh ra và lớn lên tại Việt Nam sau ngày lịch sử 30 tháng 4, 1975, có tên là “Mở Miệng”, thành lập năm 2002 để xuất bản những tập sách không thông qua hệ thống kiểm duyệt đầy tính chỉ đạo của chính phủ Việt Nam Cộng Sản. Tự nhận là “các nhà thơ vỉa hè”, họ đã dùng một từ ngữ chuyên môn chỉ một công đoạn trong việc chặt hạ một cây gỗ của ngành lâm sản, “mở miệng”, để đặt tên cho nhóm, có nghĩa là dùng cưa, rìu hay búa tạ cắt đẽo một phần của thân cây để mở miệng, nhằm tạo một hướng đổ chính cho cây.

Nhà xuất bản Giấy Vụn do Bùi Chát, 42 tuổi, điều hành, với sự cộng tác về chuyên môn của các thành viên như Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán và một số người khác muốn ẩn danh. Cho tới nay, bằng phương tiện photocopy, Giấy Vụn đã xuất bản khoảng 25 đầu sách.

Một nhà thơ Việt sinh sống tại Hoa Kỳ, khi nghe tin Giấy Vụn được chọn trao giải IPA-Freedom to Publish, đã hỏi: Được cái giải của IPA có nghĩa là có quyền in ấn tự do thật sự ở Việt Nam hay không? Vì cái giải này đâu có do Việt Nam cấp.”

“Giải thưởng này không có tác dụng kích thích sự tự do xuất bản tại VN, có khi còn ngược lại,” nhà thơ Lý Đợi, 33 tuổi, giải thích qua điện thư từ Saìgon. “Nhưng cứ hi vọng là sẽ tốt hơn chút đỉnh.”

Và anh hy vọng cũng nhờ có được giảỉ thưởng này mà Giấy Vụn sẽ có thể xin được mã số ISBN - International Standard Book Number, “vì trước đây, họ cần chứng minh sự hiện diện của mình tại VN.”

Mã số ISBN rất quan trọng đối với các nhà xuất bản, vì đây là một bằng chứng về sự hiện diện của nhà xuất bản. Nhiều tác giả, cũng như các thư viện công và tại các trường đại học trên thế giới, cả những cơ sở phát hành sách trên Internet, đều đòi sách phải có mã số này mới chịu tiếp thu, phổ biến hoặc lưu trữ sách. (Muốn tìm hiểu thêm về IBSN, xin tham khảo http://www.isbn.org/standards/home/isbn/us/isbnqa.asp)

“Xin ISBN làm cho sách có thể đi vào các thư viện đại học và lưu trữ quốc tế, vài nơi xin sách nhưng không có mã này thật khó lưu trữ,” Lý Đợi, tác giả tập thơ “Khi Kẻ Thù Ta Buồn Ngủ - When Our Enemy Falls Asleep,” giải thích tiếp. “Có những bản thảo tốt muốn in, nhưng nghĩ đến việc thiếu mã số cũng thấy tiếc. Phần lớn các nhà xuất bản tại VN đã có mã số này kể từ đầu năm 2011, trong khi GV xin từ năm 2008 mà không được.”

“Giải thưởng [IPA- Freedom to Publish] chứng minh cho cơ quan [Bowker Bar Code Service] đặt tại Anh quốc thấy rằng GV có mặt tại VN, điều ấy là cơ sở để xin cấp mã số,” Lý Đợi co biết: “Đường huớng của GV không phải là kinh doanh, mà là tìm kiếm những tác phẩm (mà chúng tôi thiết nghĩ) sẽ có lợi cho cộng đồng. Chúng tôi hoạt động theo nguyên tắc bất vụ lợi.”

Hỏi về dự tính tương lai, Lý Đợi cho biết: “Giấy Vụn sẽ cứ đi chầm chậm như vậy. Sẽ cố gắng tìm kiếm những bản thảo tốt để in ấn.”

Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Quốc tế là một tố chức đại diện cho tất cả mọi khía cạnh của ngành xuất bản sách và tạp chí. Được thiết lập từ năm 1896, tôn chỉ của hiệp hội là phổ biến, bảo vệ ngành xuất bản và gây ý thức về ngành này như một đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá và chính trị. Hiệp hội cũng chủ trương tranh đấu chống lại kiểm duyệt và bảo vệ tác quyền, việc đọc và viết và quyền tự do xuất bản. Trong quá khứ IPA đã lên tiếng phản đối việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, như Lê Đình Nhân, Lê thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đại, LM Nguyễn Văn Lý, Trần Khải Thanh Thủy và Trần Quốc Hiển; về chế độ kiểm duyệt khe khắt của chính phủ Cộng sản Việt Nam; và về việc nhà nước cộng sản đóng cửa nhà xuất bản Đà Nẵng ba tháng vào năm 2009 vì đã xuất bản cuốn “Rồng Đá” của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai.

 

Các tác giả đã từng được giải Freedom to Publish của IPA gồm có: Shalah Lahiji, nhà xuất bản thuộc Iran, tại hội sách Göteborg Book Fair, Sweden, năm 2006; Trevor N’cube, nhà xuất bản thuộc Zimbabwe, tại Cape Town Book Fair, South Africa, năm 2007; Ragıp Zarakolu, nhà xuất bản gốc Turkey, trong khoá hội thảo quốc tế về kiểm duyệt thời hiện đại tổ chức tại hội sách ở Amsterdam, 2008; giải 2009 về tay ba nhà sáng lập ra tổ chức Observatory for the Freedom of the Press, Publishing and Creation thuộc Tunisia, gồm Sihem Bensedrine, Neziha Rjiba and Mohamed Talbi; và giải năm ngoái, 2010, về tay Israpil Shovkhalov, tổng thư ký, và Viktor Kogan-Yasny, chủ nhiệm tạp chí Dosh Magazine thuộc Chechnya, tại hội sách Istanbul Book Fair. Hai giải đặc biệt cũng đã được trao cho hai cố tác giả Anna Politkovskaya (Russia) và Hrant Dink (Turkey/Armenia). (TD, 04/2011)

Hình ảnh:

bc_trungduong

Bùi Chát, thi sĩ và sáng lập viên nhà xuất bản Giấy Vụn, tại buổi lễ nhận giải Freedom to Publish của International Publishers Association ngày 25 tháng 4, 2011, tổ chức trong khuôn khổ hội sách quốc tế World Book Capital, Buenos Aires, Argentina. (Ảnh Sociedad, Buenos Aires)

Nguyên văn
Bài diễn từ nhận giải

Tôi thật sự vui mừng khi có mặt nơi đây như một nhân chứng về những nỗ lực không mệt mỏi của những nhà hoạt động cho tự do ở Việt Nam.

Kính thưa quí vị!

Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viển vông này chúng tôi đã chọn xuất bản.

Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri. Thông qua việc xuất bản một cách tự do những điều cần thiết, chúng tôi biết rằng nhiều độc giả của chúng tôi sẽ tìm thấy lại lương tri của mình.

Sách có thể biến thế giới thành tự do, chính vì thế chúng tôi tin rằng tự do sẽ đến, trước hết với những người làm sách, những người đọc sách, và những người bàn luận về những điều mà sách mang lại.

Bằng tất cả tình yêu dành cho sách và dành cho con người, tôi xin đón nhận và san sẻ niềm vinh dự này cho tất cả độc giả, đồng nghiệp, bạn bè, và những người ủng hộ.

Hy vọng giải thưởng sẽ là cú hích đáng kể cho sự phát triển của phong trào xuất bản độc lập, đặc biệt là sự phát triển của xã hội dân sự, tại Việt Nam.

Cảm ơn tất cả mọi người.

Bùi Chát



mm_trungduong

Nhóm Mở Miệng chủ trương nhà xuất bản Giấy Vụn, một nhà xuất bản độc lập tại Việt Nam vừa được Internationl Publishers Association trao tặng giải Freedom to Publish 2011 tại Hội sách Quốc tế kỳ thứ 37 tại thành phố Buenos Aires, Argentina. Từ trái: Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, và Nguyễn Quán. (Ảnh Mở Miệng)

Chú thích:

(*) Theo ông Alexis Krikorian, giám đốc điều hành Giải Freedom to Publish, trong một điện thư mới đây trả lời người soạn bài này, thì Giải Freedom to Publish trên thực tế do ông YoungSuk “Y.S”, chủ tịch IPA, và thị trưởng Buenos Aires, ông Mauricio Macri, trao cho Bùi Chát, không phải ông Bjorn Smith-Simonsen như trong bản thông tin trên Web tại http://www.internationalpublishers.org/images/stories/IPAftpPrize/2011/final%2025%2004%2011.pdf.

Cũng trong điện thư ấy, ông Krikorian cho biết Tiến sĩ José Claudio Excribano của tờ La Nacion, diễn giả chính của buổi trao giải, đã đọc diễn văn vinh danh sự can đảm của nhà xuất bản Giấy Vụn. Bài diễn văn bằng tiếng Spanish, có tại http://www.lanacion.com.ar/1368304-elogio-del-coraje. Độc giả có thể nhờ Google Translator dịch ra tiếng Việt để tạm hiểu nội dung, nếu muốn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Mười 201510:41 CH(Xem: 34248)
Tôi thích những định nghĩa về tự do của John Adams và yêu thơ Tagore. Cả hai đều khơi dậy cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Điều lạ lùng là dù ở hai vị trí rất khác nhau, một chính khách và một nhà thơ; song họ lại gặp nhau ở một điểm rất chung. Tôi có thể mượn cái quan niệm của John Adam để nói về Tagore. Cả hai đều cho rằng không có sự ưu việt nào bằng sự ưu việt của linh hồn và không có sự giàu có nào bằng sự giàu có của con tim.
18 Tháng Mười 20154:41 CH(Xem: 31399)
Ngồi giữa buổi chiều mênh mông hắn chờ một cuộc điện thoại, bầu trời mở rộng trước mắt hắn, một dãy nhà cao thấp lô nhô trải dài làm cho đường chân trời trở nên răng cưa, gấp khúc. Xa hơn nữa, ở một góc nhỏ xíu lóe lên những tia sét lẫn trong những đám mây xám, những tiếng sét không âm thanh chớp lên rồi tắt ngúm một cách vô thưởng vô phạt.
18 Tháng Mười 20151:23 CH(Xem: 33613)
Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự...
18 Tháng Mười 20151:00 CH(Xem: 35246)
Ngôi nhà của anh không hoàn toàn im lặng, hoang vắng mà là một nơi chốn dừng chân của khách thập phương. Nó như là một thứ “trại tỵ nạn thứ hai” mà hầu hết những người lui tới gặp anh đều có mục đích khác nhau. Có người đến để nhờ anh “hợp tác” làm một công việc gì đó; có người đến vì cần một nơi chốn ở tạm; có người đến chỉ để bày ra những cuộc rượu say bí tử, ca hát, ngâm thơ, bày tỏ những tàn tích quá khứ, họ là những người lính đã từng tham dự chiến tranh kể về những trận đánh, trong đó có người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến. Họ là những “linh hồn” vất vưởng, thất lạc giữa một khoảng trống mênh mông trong tâm thức bám vào cái hào quang quá khứ hào hùng, đau thương đầy căm phẫn tủi nhục của lịch sử. Có người rũ bỏ quá khứ, lột xác hội nhập vào đời sống mới của xứ sở tự do. Họ bước vào cuộc thử thách trong thương trường, khởi nghiệp bằng đôi bằng tay trắng.
16 Tháng Mười 201510:35 CH(Xem: 37671)
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt". Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]
16 Tháng Mười 201510:03 CH(Xem: 32790)
Em không thể đi hết còn đường còn lại của mưa, anh biết không, có thể chúng dài hơn điều em nghĩ, có thể chúng đang ghen tuông với điều tự do của gió
12 Tháng Mười 201512:25 SA(Xem: 30326)
không phải thơ đâu em chỉ là lời nguyện đêm tha thiết không phải sáng mai nào cũng trong veo như sáng nay gió về vẩn đục lời kinh rớt xuống lũng oan cừu
11 Tháng Mười 201511:40 CH(Xem: 31978)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Thanh Hiện có lối viết rất lạ như thơ xuôi, từ đầu đến cuối chỉ dấu phẩy, không chấm. Chúng tôi hân hạnh mời quí độc giả và văn hữu cùng đi vào không gian truyện của Nguyễn Thanh Hiện.
11 Tháng Mười 20154:46 CH(Xem: 28945)
Đang ngồi trầm tư bên ấm trà nóng, ông Hội bỗng giật nảy mình khi nghe ngoài sân có tiếng rên rỉ. Ai nửa đêm khuya khoắt lại vào nhà ông than khóc? Vội vã ông chay lại mở cửa. Ánh điện trên thềm hắt xuống sân, ông trông thấy một người phụ nữ nằm sõng xoài trong vũng nước. Phương. Đúng là Phương.
11 Tháng Mười 20154:38 CH(Xem: 29107)
Mùa thu sắp cạn. Những hàng cây trên phố phơi dần những cánh tay trơ xương. Cuộc sống trong gia đình ông Hội vẫn diễn ra như một vở kịch mà ở đó những người diễn viên luôn phải oằn mình thể hiện vai diễn trái ngược với nội dung kịch bản. Nhiều lúc Phương tự hỏi, thật ra những con người này họ đã và đang nghĩ suy gì trong tâm não?