- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nỗi niềm thế hệ trong ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam

23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 90132)

sg_1975-content

 (Sài Gòn 1975_Ảnh Reuters)

 

LTS: ...Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và bạn đọc bài viết “Nỗi niềm thế hệ trong ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam” của Nguyễn Hạnh Nguyên, một người viết trẻ, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, nhìn về quá khứ xuyên qua tâm tư của thế hệ sinh trưởng trong thập niên 60 ở miền Nam, từ sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975.

Tạp Chí Hợp Lưu


Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ dấu mốc lịch sử 30-4-1975 nhưng dư âm của nội chiến vẫn còn vang vang tiếng vọng day dứt. Tiếng vọng ấy không chỉ ngự trị trong ký ức của những người Việt lưu vong mà còn hiện diện trên những trang văn của họ. Không ngẫu nhiên mà những năm đầu thế kỷ XXI, ký và tự truyện là hai thể loại được khá nhiều nhà văn di dân lựa chọn để thử bút. Nếu tự truyện được xây dựng trên những chi tiết có thật về cá nhân tác giả, thì ký lấy chất liệu từ chính những thăng trầm trong lưu lạc của người viết. Ký còn có nghĩa là ghi lại từ ký ức. Bởi tính chất chân thực này nên ký và tự truyện được xem như chiếc cầu nối gần nhất giúp truyền tải những tâm tình.

Hầu hết những cây bút của Văn học Di dân Việt Nam đã sáng tác với tâm nguyện như thế ― ghi lại những nỗi niềm mà chính họ đã trải nghiệm bằng ký và tự truyện. Nỗi niềm ấy vượt ra khỏi tâm tình của một cá nhân cụ thể, bởi tìm được sự đồng điệu của nhiều tâm hồn khác nữa. Sự đồng điệu của chung một quá khứ và gần như chung những chuyến tàu vượt biên... Do vậy, là nỗi niềm chung của cả một thế hệ. Thế hệ thuyền nhân và di tản phải lìa xa tổ quốc trong mất mát.

Trước khi tìm hiểu những nội dung cụ thể, bài viết sẽ giới thiệu đôi nét về ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam, chú ý vào hai điểm cơ bản là thế hệ những người cầm bút và những chủ đề sáng tác nổi bật.

 

1. Đôi nét tổng quan.

Nhìn vào mốc thời gian, có thể thấy một số khá đông đều sinh trưởng trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Những năm sinh này nói lên điều gì? Nói lên một chi tiết đặc thù: Đây là thế hệ trẻ cuối cùng của nền Cộng hòa Nam Việt đã sinh ra trong chiến tranh và lớn lên với kết thúc bi thảm của miền Nam. Chính thế hệ sinh trong thập niên 60 này là thế hệ sau cùng đã hấp thu Văn học Miền Nam và có ký ức về xã hội miền Nam, đã chớm ý thức và hiểu biết vào năm 75. Họ đã sống tuổi hoa niên cùng gia đình và những người thân trên mảnh đất phương Nam này. Họ đã chứng kiến ngày Sài Gòn sụp đổ, đã ít nhiều nhận thức sự khác biệt giữa trước và sau 30 tháng 4, rồi họ đột ngột bị bứng ra khỏi nước như những cây non chưa đủ rễ đã bị nhổ bật ra khỏi đất mẹ. Những ai không kịp chứng kiến “đổi đời” hay “giải phóng”, như cách nói của một bên thua trận và một bên thắng trận, mà bị ném tung sang các lục địa khác, sự nhận thức khác biệt giữa quê hương và xứ lạ càng đậm nét : vì họ đã di tản đột ngột trong một buổi chiều, sau một giấc ngủ trưa mà khi thức giấc còn thèm tiếng rao quà, hay trong vài tiếng đồng hồ hấp tấp ra sân bay, hấp tấp theo cha mẹ xuống tàu… Đặc thù in đậm nét ở đây: Là khác với thế hệ đi trước đã trưởng thành rồi tan vỡ trong chiến tranh, thế hệ sau vỡ tan trước khi kịp trưởng thành. Họ hãy còn niên thiếu khi tan trên biển cả, tan trên các lục địa mới, tan theo chính nỗi niềm thất lạc của cha mẹ họ trên xứ người. Thế hệ đi trước ít viết ký tự giãi bày bởi vì dường như họ tránh tự tra vấn khổ đau, thay vào đó là hồi ký lao tù, cải tạo, cũng là khổ đau nhưng là khổ đau ấp vào từ ngoài mà không phát xuất từ trong. Đây là điểm khác biệt giữa thế hệ đi trước với thế hệ sinh thập niên 60. 

Khác thế hệ trước như Nguyễn Bá Trạc trong tập Ngọn cỏ bồng nhanh chóng viết ký du hành lục địa, hay như Mai Ninh trong Mưa mùa xa và Trần Mộng Tú trong Bình Thủy 1969 viết ký trở về hay Trương Vũ viết Về lại Sorrento; những tác giả sinh trong thập niên 60 viết ký khá muộn. Như có một giao ước: Cho đến hôm qua, họ không dám động đến quá khứ vì bản thân họ không biết hết tường tận, nhưng vì đã chứng kiến tận mắt gia đình ly tán, chứng kiến từ bên trong bi kịch của cha mẹ mình nên nỗi đau vẫn còn âm ỉ trong lòng họ. Nỗi đau thầm lặng này, cũng như nỗi đau của cha mẹ, tấy đỏ vào mỗi tháng 4 hằng năm và sưng dần lên trong âm thầm cho đến một lúc, vụt trào ra trên trang giấy trắng.

Tuy mỗi tác giả có một cách tiếp cận riêng song nhìn chung, ký và tự truyện của các tác giả di dân Việt tập trung vào một số nội dung chính sau đây:

 

▪ Ký tháng 4 và Ký vượt biên

Là ký của ngày ra đi như Ngày tôi mất tháng 4 của Đinh Từ Bích Thúy, Tháng tư tội lỗi của Phạm Chi Lan, Tháng tư của Lý Ký Kiệt của Đinh Linh, Mắt Thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy, Tháng Tư Vữa của Nguyễn Thị Thanh Bình, v.v.. Trừ Nguyễn Thị Thanh Bình tương đối lớn vào tháng 4-1975, đây là loạt ký của tuổi thơ chưa kịp định hình bị vất ra ngoài đất nước khi chưa kịp suy nghĩ và ngay cả chưa kịp làm nạn nhân. Hoàn toàn thụ động nhìn người lớn tháo chạy mà chính họ chỉ là hành lý người lớn phải mang theo vì không bỏ lại được. Trong đầu họ đầy dấu hỏi, đầy ngơ ngác. Những dấu hỏi về sau sẽ lớn lên dần theo năm tháng bắt nguồn từ dấu hỏi nhỏ bé của ngày ra đi. Vì sao phải ra đi? Vì sao chạy khi đất nước thống nhất, vì những khoảng tối của thống nhất, hay vì những tàn nhẫn khác? Thậm chí họ chưa biết thế nào là “thống nhất” nhưng cảnh hốt hoảng của cha mẹ hấp tấp rời khỏi căn nhà nơi họ đã sinh ra sẽ vĩnh viễn ám ảnh. Ký tháng 4 và ký vượt biên là những dấu hỏi sẽ lớn lên dần cùng với chính họ.

 

▪ Ký trở về

Ám ảnh khi ra đi, nên bắt buộc phải quay về để chứng kiến lại một lần nữa khung cảnh của ngày ra đi. Ít nhất là hình ảnh của đường phố nơi chiếc bóng của chính mình còn lưu dấu vết. Ký trở về, như thế, là hành trình quay trở về để nhìn lại quá khứ từ điểm nhìn của hiện tại với nhiều suy tư và chiêm nghiệm sâu sắc về chiến tranh, từ tuổi trưởng thành phóng chiếu về tuổi thơ, về những thay đổi của quê hương ngày ra đi ― ngày trở về… Giữa hai dấu mốc có thể là những cuồng loạn hay khoảng trống, nhưng ở ― Ngày ra đi và Ngày trở về ― vẫn là một thiếu niên Việt Nam, như loạt ký Hiệp hội tương tế Bắc Việt nghĩa trang, Sàigòn - ngày lạ mặt, Lưng trần của Trần Vũ; hay ký trường thiên Giữa hai miền mưa nắng của Hoàng Mai Đạt, Đông Dương - đi 2007 của Phan Nhiên Hạo, Puerto Princesa City của Nguyễn Xuân Tường Vy trở về trại tỵ nạn Palawan nơi chính tác giả từng tạm trú. Chỉ là những mảnh vụn, nhưng ráp lại chúng giống nhau: mang chung những ký ức và sâu chuỗi thành ký ức chung của một phía bại trận. 

 

▪ Ký chiến tranh

Những ám ảnh ra đi mang cùng một nguyên nhân: Chiến tranh. Vậy nên chiến tranh thường xuyên hiện diện trên những trang viết của họ. Chiến tranh không hiện diện trực tiếp hay đồng nghĩa với những trận đánh mà thu vào những chi tiết nhỏ bé mà chỉ những đôi mắt trẻ thơ hay thiếu niên mới trông thấy. Chiến tranh trên nét mặt của người lớn rồi với thời gian chuyển hóa thành những băn khoăn thao thức cùng suy ngẫm về nội chiến Nam-Bắc, từ điểm nhìn cá nhân người viết, như trong Di vật 1968 của Trần Vũ, Sống với lòng nhân của Lê Thị Thấm Vân, Năm này tôi bằng tuổi ba tôi của Phan Nhiên Hạo, Bộ quân phục của cha tôi của Andrew Lâm... Có thể kể thêm Tạp chí Văn từ lòng đấtTạp bút của trò tàn của Ban Mai sinh 1963, cùng thế hệ và chung mạch suy nghĩ, tuy Ban Mai đã ở lại trong nước. Qua ký của Ban Mai, người đọc khám phá các tác giả sinh trong thế hệ này rất giống nhau, có thể hoán đổi vị trí của họ mà tâm tình không thay đổi, chỉ có một số bị xô đẩy ra biển rồi thành di dân, còn những người khác đành ở lại cam phận im lặng. Cho đến khi thật lâu sau đó, cả trong và ngoài cùng một lúc cất tiếng nói, cùng viết ra giấy những bí mật của gia đình họ. Bí mật nhỏ bé trong chiến tranh tàn khốc và hòa bình khắc nghiệt sau nội chiến tương tàn. Khi ra khỏi đất nước, thế hệ này phải hội nhập và tìm thăng tiến từ vị trí di dân tay trắng : không vốn liếng, không sinh ngữ bản địa, phải tìm một vị trí trong xã hội của dân bản xứ đến đánh mất mình hay không kịp nhìn lại mình. Nguyên nhân: vì chiến tranh đã lướt qua và nếu chúng đã không gây nên thương tật rõ rệt trên thân thể họ như đã làm què cụt cha anh họ thì chiến tranh đã để lại vết nám thâm sâu trong lòng họ.

 

▪ Tự truyện

Sự khác biệt giữa ký và tự truyện, trước hết, là ở tính chất nhân vật. Vì sao ở một số tác giả như Phan Nhiên Hạo, Trần Vũ, Phạm Chi Lan, Hoàng Mai Đạt, Nguyễn Xuân Tường Vy tập trung vào ký, ở một số tác giả khác như Trầm Hương, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Hương, Nguyễn Thanh Hùng tập trung vào tự truyện? Có thể thấy ở những tác giả viết ký : chính cá nhân họ là trung tâm điểm cất tiếng độc thoại thì thầm. Còn ở những tác giả dùng tự truyện: bối cảnh xã hội tỏa lan sống động với bản thân họ và gia đình họ như những nhân vật quay cuồng trong cơn lốc, tuy biên giới này khá mong manh, nhập nhòe và đôi lúc mập mờ. Trong tự truyện họ không chỉ ghi lại thân phận cá nhân mà còn dựng lại bối cảnh gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng, mỗi người là một nhân vật sống thở, khổ đau theo thời cuộc. Tác giả không duy nhất trung tâm, có thể cha mẹ tác giả mới là trung tâm như trong tự truyện Cyanide chẳng mệnh chung của Nguyễn Hương, hoặc một hồ nước hay một khoảng sân thượng là trung tâm trong tự truyện Mưa qua sân thượng của Trầm Hương. Tính chất cốt truyện, nhân vật, tình tiết và biểu tượng như thế nhiều hơn so với ký.

Đứng về đề tài, tự truyện của thế hệ này cùng mang những chủ đề kể trên. Vẫn xoay quanh tháng Tư, vượt biên, chiến tranh, tra vấn.. Hầu hết đặt trọng tâm vào những nỗi niềm thao thức hậu chiến và đặc biệt đặt dấu nhấn lên sự mất mát của tuổi hoa niên như trong Mưa qua sân thượng của Trầm Hương; hay Mở tương lai của Đặng Thơ Thơ viết về một cảnh đời của dòng họ Nguyễn Tường nổi tiếng sau tháng 4-1975; hay Cyanide chẳng mệnh chung của Nguyễn Hương gợi lên những băn khoăn sắc buốt vì tác giả đã hiểu ra bi kịch của đất nước mình là một bi kịch ý thức hệ, một bi kịch chính trị. Đến tự truyện Ngày tháng không bao giờ lớn của Nguyễn Thanh Hùng, người đọc tìm lại những nét chung của hầu hết những ký ức tuổi thơ thành thị miền Nam: sự hồn nhiên vô tư của những đứa bé sống trong thủ đô tương đối an lành bình yên giữa một miền đất đẫm bom đạn. 

 

▪ Năm sinh của một số nhà văn di dân sinh trong thập niên 60

Sinh 1961: Nguyễn Thanh Hùng, Hoàng Mai Đạt.

Sinh 1962: Phạm Chi Lan, Nguyễn Hương, Trầm Hương, Đặng Thơ Thơ, Trần Vũ, Đinh Từ Bích Thúy, Lê Thị Thấm Vân, Lê Quỳnh Mai, Vũ Quỳnh Nh., Nguyễn Trung Tây, Andrew Lâm, Thận Nhiên.

Sinh 1963: Cổ Ngư, Đinh Linh, Phạm Thị Ngọc, Ban Mai (trong nước).

Sinh 1964:Trang Thanh Trúc.

Sinh 1966: Y Chi (Nhược Thủy)

Sinh 1967: Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Danh Bằng.

Sinh 1969: Nguyễn Xuân Tường Vy.

...

Do những khó khăn về việc sưu tầm tư liệu và tiếp xúc với tác giả, nên bài viết này chỉ đặt trọng tâm khảo sát vào một số ký và tự truyện của số ít cây bút di dân sinh trưởng trong miền Nam vào thập niên 60. Mặt khác, còn xuất phát từ nguyên do chủ quan là tác phẩm của họ tuy chiếm một số lượng nhỏ, nhưng họ đã nói lên được nỗi niềm không chỉ của riêng những người cầm bút mà của nhiều thiếu niên miền Nam đã chịu chung bi kịch mang tên 30 tháng 4.

 

2. Hành trình của những thao thức và tra vấn.

Để diễn dịch tâm tư và tái cấu trúc ký ức, hầu như các tác giả đều lựa chọn cho mình một trong hai hình thức thể hiện sau: Một ― là tái hiện quá khứ từ điểm nhìn của hiện tại. Hai ― là thông qua hành trình trở về, quá khứ và hiện tại cùng song hành hiện diện. Quá khứ và hiện tại nhập trùng trong suy nghĩ của họ. Dù mượn cách thể hiện nào đi nữa, thì sáng tác của họ không nhằm ngoài mục đích là khơi dậy và suy ngẫm về một giai đoạn bi kịch của chính bản thân và gia đình mình, có thể đã là quá khứ của một quốc gia không muốn công nhận “nội chiến” trong ngôn từ chính thức, nhưng mất mát vẫn tiếp tục còn vọng về đến mãi tận hôm nay.

 

Xuyên suốt và bao trùm trong ký và tự truyện của các cây bút Di dân thế hệ 60 là chủ đề phản ánh cơ bản : Nỗi đau tấy đỏ từ quá khứ và những tra vấn và tự vấn về thân phận.

 

2.1. Nỗi đau tấy đỏ từ quá khứ .

Không đơn thuần là một khái niệm thời gian, ý nghĩa của ngày 30-4-1975 có một độ mở lớn hơn rất nhiều. Đối với lịch sử dân tộc, đó là một sự kiện vô cùng trọng đại khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Nhưng vinh quang nào cũng có mặt trái của nó. Khi niềm vui hòa bình tạm lắng thì cũng là lúc những bi kịch phơi bày. Và 30 tháng 4 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt: nó vừa là sự chấm hết nhưng cũng vừa đồng nghĩa với sự khởi đầu. Chấm dứt nội chiến nhưng lại nêu bật những tính chất của nội chiến. Tự trong bản thân của ngày 30 tháng 4 tồn tại một nghịch lý: Hòa bình bằng vũ lực không hề mở ra bằng niềm vui sum họp mà lại bằng chính những giọt nước mắt đau thương. Cùng là đồng bào mà trong một đất nước lại tồn tại hai người Việt: người Việt chiến thắng và người Việt chiến bại. Từ đây đã có biết bao nhiêu người phải rời bỏ đất nước ra đi, mong tìm đất sống khi mà trên chính quê hương của mình ― họ lại bị khước từ một cách phũ phàng. Và khi những tâm tình được chắp bút thì đối với cá nhân họ, viết cũng đồng nghĩa với “một hành động thao thức” ― thao thức về những gì mà họ đã trải nghiệm trước và sau thời khắc 30-4-1975. Chỉ một thời khắc mà tất cả như đảo ngược hoàn toàn: trước, họ có tất cả và sau, họ mất tất cả. Vì vậy, 30 tháng 4 đã trở thành một bước ngoặt đối với cộng đồng người Việt di dân nói chung và các cây bút sinh trưởng trong thập niên 60 nói riêng.

Đọc ký và tự truyện của các cây bút Di dân Việt Nam thế hệ 1960, điều mà độc giả có thể cảm nhận được trước hết là những thao thức về quá khứ. Như một lẽ tự nhiên, con người thường có nhu cầu hồi tưởng lại quá khứ. Nếu nhu cầu ấy càng lớn thì càng chứng tỏ quá khứ ấy có một vị trí hết sức quan trọng và thường là góp phần tạo nên bản sắc của chính mình. Không ngẫu nhiên mà khá nhiều tác phẩm ký và tự truyện của các nhà văn di dân Việt Nam thế hệ 60 thường mở ra bằng những trang hồi tưởng về tuổi thơ. Có phải vì khi hoài niệm, con người ta thường nhớ đến những gì đẹp đẽ và trong trẻo nhất trước tiên. Đó là một lý do, nhưng mặt khác, nhớ về tuổi thơ là nhớ về cội nguồn, nhớ về quê hương, xứ sở… Với các tác giả kể trên, ra đi với họ là chặt đứt cội rễ, một sự bật gốc.

Hầu hết, họ đã có một tuổi thơ bình yên và không biết đến chiến tranh. Vì chiến tranh ở đâu đó mãi ngoài xa kia như lời kể của Đinh Linh trong Tháng tư của Lý Ký Kiệt: “Lớn lên ở Sàigòn, tôi đã không chứng kiến chiến tranh, chỉ thấy những phụ tùng của chiến tranh thôi… Chiến tranh chỉ đến với tôi qua Tivi, radio, báo chí… ” và cảm nhận của Nguyễn Thanh Hùng: “Chiến tranh chỉ có trên báo, trên radio và tin tức chiếu trên ti vi mỗi tối và thỉng thoảng rớt ra ngoài câu chuyện những buổi chiều bố uống bia ăn đậu phọng với mấy người bạn. (Những ngày tháng không bao giờ lớn - Nguyễn Thanh Hùng)

Mỗi người trong số họ mang trong mình rất nhiều ký ức đẹp về tuổi thơ. Từ trò chơi đầy mộng mơ của thế giới cổ tích ― công chúa nhỏ trong Mưa qua sân thượng của Trầm Hương đến những trò nghịch ngợm “phá xóm phá làng” của Đinh Linh hay Nguyễn Thanh Hùng. 

Không gian tuổi thơ cùng những đồ vật gắn bó thân quen và những người bạn thuở niên thiếu … tất cả đều in đậm trong trí nhớ của họ. Suốt một thời hoa niên, họ đã sống trong một thế giới đầy ắp màu sắc, âm thanh của những gì tươi vui, rộn ràng nhất. Sở dĩ tuổi thơ của họ trôi qua êm đềm như vậy vì đã có những người lính Cộng Hòa chiến đấu để bảo vệ họ. Những gì Nguyễn Xuân Tường Vy viết về gia đình mình sau ngày di cư vào Nam trong Mắt thuyền là cả một sự yên ấm: “Gia đình tôi gốc Bắc. Hai bên nội ngoại di cư vào Nam năm 54. Chị em chúng tôi hầu hết sinh ra ở miền Trung, theo bước chân hành quân của ba. […] Gia đình tôi ở Tam Kỳ cho đến ngày phải di tản về Sàigòn. Tam Kỳ mưa phùn lạnh lẽo trong trí nhớ tôi non nớt. Tôi đứng bên song cửa thèm thuồng nhìn những đứa trẻ hàng xóm long nhong tắm mưa. Má cấm chị em tôi dầm mưa. Mùa đông Tam Kỳ chúng tôi mặc áo măng tô bên trong, áo mưa bên ngoài chờ chú Mới đưa đi học bằng xe Jeep. […] Chiến tranh đang xảy ra ở căn cứ Chu Lai hoặc nơi nào đó trên quê hương. Nhưng chiến tranh trong tuổi thơ tôi đầy êm đềm vì đã có những người lính như ba chết để bảo vệ chúng tôi. Cảnh nhà tôi vẫn ấm cúng. Những người lính đem đến ấm cúng, đem đến hòa bình giữa chiến tranh. Chúng tôi yên ấm giữa bom đạn mù lòa.”

Sống “yên ấm giữa bom đạn mù lòa” với họ thật sự là một may mắn. Hầu hết họ không bị ám ảnh bởi chiến tranh mà chỉ tiếp nhận những dư âm của bom đạn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ, bằng sự nhạy cảm của tuổi thơ nhận ra bộ mặt tàn bạo của chiến tranh. Trong ký Di vật 1968, Trần Vũ tin đã bị chiến tranh chụp bắt bằng tiếng súng khi mới chỉ là một đứa trẻ lên sáu: “Không biết từ bao giờ tôi nghiệm ra tuổi thơ của mình vẫn chưa chấm dứt. Tiếng súng AK trong đêm tối Tết Mậu Thân còn hộc lên như nhát búa. Tiếng súng in sâu vào tâm trí mà tôi không hay.” và chiến tranh sẽ mãi là nỗi ám ảnh đi theo anh suốt cuộc đời: “Sau này tôi biết, chiến tranh đã chụp bắt tôi từ trận Mậu Thân. Mặc dù tôi chỉ là một đứa bé, chiến tranh không tha thứ. Tôi biết mãi mãi chiến tranh sẽ chế ngự linh hồn mình, tàn phá hủy diệt tâm tính mình.” 

Không bị ám ảnh bởi chiến tranh, vậy đâu là nỗi ám ảnh thường trực trong tâm trí họ?

Phải chăng là những gì đã xảy ra trong ngày 30-4-1975 và sau nữa? Chỉ có bản thân những người trong cuộc mới thấu hết ý nghĩa bi kịch và định mệnh của thời khắc này. Với tuổi trẻ miền Bắc là vui mừng, với tuổi trẻ miền Nam nếu ra đi sớm trước ngày 30 tháng 4 như Đinh Từ Bích Thúy, Đinh Linh, Nguyễn Hương, Phạm Chi Lan… họ không tường tận chứng kiến ngày Sài Gòn sụp đổ nên ký ức của họ ít ấn tượng. Trí nhớ của họ chỉ ghi nhận cảm giác về thời điểm ra đi. Với Đinh Linh là sự vô tư: “phấn khởi vì lần đầu tiên trong đời tôi được đi xa.”; với Đinh Từ Bích Thúy trong Ngày tôi mất tháng Tư là sự ngột ngạt: “cảm tưởng như mình đang đứng trên bờ vực thẳm, nhưng không thể nào lao xuống sâu vào quên lãng.” Và phải rất lâu sau này, trải qua những năm tháng lạc loài trên đất khách quê người, họ mới hiểu nguyên do tại sao ngày ấy họ và gia đình mình bị đẩy bật ra khỏi đất nước. Với những người ra đi đúng vào ngày 30 tháng 4 như Phạm Chi Lan thì ấn tượng về thời khắc ấy in đậm trong trí nhớ. Trong Tháng tư tội lỗi, Phạm Chi Lan đã tái hiện lại tình cảnh hỗn loạn vào trưa 30 tháng 4: “Giữa trưa, nắng lên nóng gắt. Tiếng radio của ông chủ ghe mở lớn, át tiếng xì xào nói chuyện, bàn tán, cãi nhau. Ông Biên quát mọi người im lặng để ông nghe đài. Dương văn Minh đã đầu hàng. Thôi, thế là hết rồi. Người ta nhao nhao hét nhổ neo mà chạy thôi. Đám đàn bà con nít sợ hãi, ré khóc um sùm. Mặc ai nấy khóc, nói, quát nạt, chạy tới chạy lui, bứt đầu bức tóc. Tàu nào chung quanh cũng có cảnh tương tự. […] Đoàn tàu nhổ neo túa ra biển như những chiếc lá tre, trực chỉ phía hải phận quốc tế. Tai tôi lùng bùng giữa nhiều thứ âm thanh hỗn tạp, tiếng hét, tiếng khóc, tiếng đọc kinh, tiếng súng nổ, tiếng pháo kích, tiếng máy tàu, tiếng trực thăng quạt trên đầu… Có tiếng bàn tán của những người nhanh miệng trước thời cuộc. Việt cộng đã vào Dinh độc lập. Có người ôm mặt khóc…” Chỉ một đoạn văn ngắn, nhưng Phạm Chi Lan đem đến cho người đọc sự hình dung khá cụ thể về Sài Gòn với những thân phận bi đát. Giữa buổi trưa ác nghiệt ấy: Chờ đợi thấp thỏm, hy vọng rồi tuyệt vọng là tâm trạng chung của tất cả những người dân miền Nam. Sài Gòn thất thủ: “thôi, thế là hết rồi. ” ― tiếng ta thán thay lời khóc than ai oán. Chứng kiến và ra đi đúng vào ngày Sài Gòn sụp đổ, tâm trạng của tác giả Tháng tư tội lỗi vừa hoang mang vừa nuối tiếc. Hoang mang vì trong đầu vẫn băn khoăn với câu hỏi: Tại sao phải ra đi? Nuối tiếc vì đã mơ hồ có câu trả lời và ý thức về sự bật gốc: “…Giã từ đất liền, giã từ Việt nam. Chúng tôi đã nhấc chân ra khỏi vùng đất quen thuộc, gắn bó. Tôi chợt nhớ tới một câu trong cuốn sách đã đọc. Chữ quê hương bỗng trở nên lạ lùng, khó hiểu đối với tôi kể từ lúc này.”  

Cùng mang tâm sự như Phạm Chi Lan, mười lăm năm xa quê trở về và đi lại những đường phố quen thuộc của Sài Gòn, Trần Vũ bắt gặp lại hình ảnh của gia đình mình vào thời khắc 30 tháng 4: “Tôi trông thấy lại cảnh gia đình hốt hoảng chạy ra phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi trông thấy lại cảnh chen lấn giữa tiếng súng Quân Cảnh cố vãn hồi trật tự. Thầy căng thẳng cực độ lái xe Toyota chở chúng tôi im thin thít tìm cách rời khỏi Sài Gòn hỗn loạn..”. (Sài Gòn, ngày lạ mặt) Bằng lối viết đồng hiện, quá khứ đã được hiện tại hóa trong khoảnh khắc để tác giả có thể trông thấy lại một lần nữa nỗi tuyệt vọng của gia đình mình. Ký ức lưu trữ nguyên vẹn như tất cả hãy còn đang diễn ra trước mắt: Tôi trông thấy lại… tôi trông thấy lại… câu văn điệp ngữ ― được cấu trúc như những nốt nhấn vào cõi nhớ, như một lời nhắc nhủ không quên hay là sự cố gắng xoa dịu cơn đau thắt trong tâm hồn người viết? Tôi nghĩ rằng cả hai, bởi có đủ lý do để tin rằng những biến cố trong ngày 30 tháng 4 sẽ còn in hằn dấu vết rất lâu trong đời sống của Trần Vũ và những người viết cùng thế hệ và chung một nỗi niềm với anh.

Với những người ra đi muộn hơn, sau 30 tháng 4, thì ký ức của họ đầy những ghi nhận của buổi trưa định mệnh này. Hầu như tâm trạng của họ giống nhau : đều hoảng sợ và kinh hãi trước những diễn biến của thời cuộc. Tự truyện của Đặng Thơ Thơ và Trầm Hương ghi lại khá chi tiết cảnh tượng hỗn loạn giữa lòng Sài Gòn ngay trong buổi trưa tháng Tư đầy nắng :

“Chúng tôi ra bến Bạch Đằng. Hỗn loạn và tàn bạo. Vài vụ cướp giựt vừa xảy ra cách chỗ tôi đứng chừng ba mươi thước. Cảnh tượng này vừa kinh hoàng vừa quen thuộc, dù là lần đầu tôi chứng kiến.[..] Chúng tôi lái xe về hướng xa lộ. Đường xuống Phước Tĩnh bị cắt. Tất cả các đường ra khỏi thành phố đã bị vây chặn. Chúng tôi quay lại Sài Gòn. Tuyệt vọng len lỏi vào trong yên lặng của buổi trưa nóng nực. Bây giờ tôi hiểu tại sao cảnh tượng này quen thuộc. Tôi đã gặp chúng trong Cuốn Theo Chiều Gió, trong Một Thời Để Chết. Điều tôi đang chứng kiến đã có từ lâu, chỉ là nỗi kinh hoàng chung của nhân loại. Nỗi kinh hoàng cứ lặp đi lặp lại, nhiều lần, như một điều đã cũ.” (Mở tương lai – Đặng Thơ Thơ)

 “Một buổi sáng tháng Tư, nắng còn mới trên sân sỏi, những tiếng nổ ầm vang từ xa làm náo động toàn trường…[…] Hỗn loạn lên cao ngày những bánh xe tăng khổng lồ cán trên mặt đường. Mẹ tập họp gia đình và những người giúp việc vào một phòng giữa tầng trệt, tránh pháo kích, bom đạn từ máy bay trên trời và từ ngoài đường bắn vào nhà. […] Chúng tôi ngồi bệt trên nền nhà, trong tầm che chở của những bao cát, chuẩn bị chịu đựng một tai biến khủng khiếp. Mẹ dặn dò xong, căn phòng chỉ còn tiếng máy phát thanh. Những người lớn chăm chú nghe, thỉnh thoảng một người chạy ra cửa trước nhìn qua kẻ hở xem động tịnh ngoài đường. Tôi cố gắng chú tâm đọc thầm những lời cầu nguyện bà đã dạy để xua đuổi những hình ảnh đói khát và đổ máu cứ hiện ra trước mắt. Bỗng có tiếng đập rầm rầm lên cửa khiến chúng tôi giật thót người...” (Mưa qua sân thượng – Trầm Hương)

Với thệ hệ này, 30 tháng 4 đã đặt một dấu chấm hết cho nhiều thứ mà trước hết chấm dứt tuổi thơ êm đềm của họ. Tuổi thơ bị tiêu tán như một phần thân thể họ bị đứt lìa. Đến với tự truyện của Trầm Hương, độc giả sẽ thấu hiểu nỗi đau mất mát này. Nỗi mất mát từ trong linh cảm: “Tôi linh cảm ngày cuối cùng của tháng Tư đã xóa đi thành phố tuổi thơ của mình và cuộc sống trước mặt sẽ đếm từng ngày một.” Với Nguyễn Xuân Tường Vy là những cảm nhận rõ ràng đau đớn: “Mười bốn năm, tôi mất tuổi thơ hai lần. Tôi mất Tam Kỳ tháng Tư năm 75. Năm 83, tôi mất Sàigòn. Chiến tranh phá hủy tuổi thơ. Hòa bình đẩy tôi dạt ra biển cả. Những giọt nước mắt con gái khóc chia tay; không phải tôi khóc mà mắt thuyền đang khóc...” (Mắt thuyền – Nguyễn Xuân Tường Vy)

Bên cạnh nỗi đau tuổi thơ bị ly tán, phải kể đến một nỗi đau lớn hơn, luôn đau đáu trong tâm thức của họ. Nỗi đau ấy gắn liền với những bi kịch mà họ chứng kiến sau ngày 30 tháng 4. Vì vậy, một loạt ký và tự truyện của các nhà văn di dân Việt Nam thế hệ 60 đều hướng vào phản ánh hiện thực đời sống miền Nam sau ngày Giải Phóng. Mỗi văn phẩm là một lát cắt ― một mảnh ghép nhưng tập hợp lại đã tạo thành một bức tranh hoàn thiện : một miền Nam cơ cực lầm than và bao trùm lên tất cả là bầu không khí ngột ngạt tù túng, mất tự do. Khiến người đọc phải tự hỏi: Miền Nam được giải phóng hay bị giải phóng? Câu trả lời vẫn còn là những thù hằn tranh cãi từ phía bại trận và huênh hoang cao ngạo từ phía thắng trận.

Trong tự truyện Mở tương lai của Đặng Thơ Thơ, cận cảnh đời sống sau 30 tháng 4 được lột tả với tất cả sự chân thực của nó. Từ những thay đổi dễ thấy nhất ở những người sống xung quanh: “Đồng loạt tất cả đều ăn mặc lam lũ xấu xí, như thể đang cùng tham gia một vở tuồng. Họ tránh không nhìn chúng tôi. Họ không phải hàng xóm hay người quen biết nữa. đến cảm giác bất an vì bị theo dõi, dò xét: “Chung quanh nhà đã được gắn nhiều con mắt lạ để hoài nghi theo dõi. Những con mắt dò chừng bố mẹ tôi viết kiểm thảo mỗi tối. Những con mắt tra xét xem tôi có trung thành với những điều tôi nói. Những con mắt đang truy nã cậu tôi. Những con mắt đang lùng quét ký ức chúng tôi.” Rồi những tai họa phủ chụp lên đời sống như nhà cửa bị khám xét, của cải bị tịch biên rồi bị đẩy đi vùng kinh tế mới: “Chúng tôi còn hai ngày nữa trong căn nhà này. Nhà sẽ niêm phong, đồ đạc sẽ có công an thành phố tiếp quản. Chúng tôi được quyền mang theo người một ít quần áo. Y hệt như hồi bỏ nhà đi di tản, bỏ lại tất cả, chỉ mang theo một túi cá nhân. Nhưng lần này mọi sự chu đáo hơn, họ sẽ lo phương tiện di chuyển và sẽ đưa chúng tôi đến vùng kinh tế mới.”  Chủ quan hóa lối viết nhưng không đánh mất đi sự chân thực, Đặng Thơ Thơ đã giúp độc giả tiếp cận một phần hiện thực đời sống sau thời điểm 1975. Hơn một lần trong sáng tác của cô, hồi ức về những tháng ngày đó còn in bóng xuống trang văn dù có lúc tác giả nghĩ rằng: “mình đã nói hết, đã rút ruột trút vào” những gì mình đã viết. Nhưng dường như không phải như vậy. Bởi ký ức đau buồn sẽ không bao giờ có thể ngủ yên hay chìm sâu vào quên lãng như cách nói của tác giả: “Tôi sẽ kể không dứt về những bi kịch của mình? Tôi sẽ nạn nhân hóa chính mình trong tư cách một chứng nhân?(30 tháng 4 và một ngày ở phía tương lai – Đặng Thơ Thơ)

Ở một góc độ khác, Nguyễn Xuân Tường Vy cũng không giấu được cảm xúc cay đắng khi hồi tưởng lại tình cảnh gia đình mình sau ngày nội chiến kết thúc: “ Tháng Năm năm 75, ba ra trình diện chính quyền mới. Tôi nhớ ngày đi ba mặc chiếc áo in hình bánh qui. Bánh rơi đầy vai ba như có ai vừa mở tung nắp hộp thiếc. Những chiếc bánh qui hình vuông, viền răng cưa thơm thơm ngọt tan trong miệng. Chúng tôi không cho ba đi. Chúng tôi đeo theo, đứa đu tay, đứa ôm chân. Ba đeo túi lên vai, hẹn mười ngày sẽ về. ... Ba tin vào lời hứa “mười ngày”. Nhưng ba đã thất vọng. Gia đình tôi đã tuyệt vọng. Niềm tin không cứu được ba. Ba đột nhiên biến mất khỏi cuộc đời chúng tôi lúc đó. Tôi không thể hiểu. Đất nước thanh bình mà gia đình tôi tan nát”. (Mắt thuyền – Nguyễn Xuân Tường Vy)

Hòa bình là điều có thật nhưng hòa bình cũng đồng nghĩa với sự khát khao thanh trừng của kẻ chiến thắng”. Không chỉ với riêng tác giả Mắt thuyền mà đã không ít những gia đình miền Nam cũng bị đẩy vào cảnh ly tán tương tự: người thân bị bắt bớ, bị kết án, giam cầm trong những trại cải tạo. Trong ký ức của nhiều người, ba chữ Tù Cải Tạo đủ gợi lên nỗi ấn tượng kinh hoàng. Không tái hiện lại bi kịch của cá nhân, song nội dung mà bài ký Sống với lòng nhân của Lê Thị Thấm Vân truyền tải lại có một sức nặng đáng kể. Bằng cái nhìn thấu suốt tinh tế và đầy nhân văn, tác phẩm đã tái hiện lại bi kịch của những người lính Cộng Hòa trước và sau 30 tháng 4. Trước ― họ được xem như những người anh hùng và sau ― họ là những tù nhân: “30-4-1975 chiến tranh Việt Nam chấm dứt… Cửa nhà thông mở Bắc-Trung-Nam. Người dân mọi miền nắm chặt tay nhau nhưng lại hất tay người lính quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Con đường độc đạo mà họ bị lùa vào là con đường học tập lao tù cải tạo. Những người Cộng Sản chiến thắng miền Bắc đã biết trong đầu những nguời lính thua trận này nghĩ gì, dự định làm gì, đã tìm hiểu họ đâu mà đã lùa họ vào nhà tù tập thể… để rồi đầy đọa, tra tấn họ bằng đủ mọi cách. Vắt cạn tinh thần và thể xác họ như vắt đất khô chắt từng giọt nước”. (Sống với lòng nhân - Lê Thị Thấm Vân)

Đọc đoạn văn này, cá nhân tôi không hề nghi ngờ gì tính chân thực, dù tôi biết Lê Thị Thấm Vân không phải là người trong cuộc. Bởi không phải chỉ một lần tôi bắt gặp trong ký và tự truyện của những cây bút di dân hình ảnh đậm chất bi kịch mà văn phẩm của Lê Thị Thấm Vân đã phản ánh. Trong tự truyện Cyanide chẳng mệnh chung, bằng hình thức đối thoại, Nguyễn Hương đã tường thuật lại quãng đời lao tù của cha mình. Với bài ký Mắt thuyền, ngòi bút Nguyễn Xuân Tường Vy cũng dành một góc nhỏ để ghi lại điều này. Không né tránh dù sự thật có gai góc đến đâu. Có lẽ khi hướng ngòi bút của mình vào việc phản ánh những ảm đạm đen tối nói trên, tác giả Sống với lòng nhân đã viết với tâm nguyện như vậy. Và nên chăng, cần một sự nhìn nhận đúng đắn và khách quan về cuộc nội chiến đã qua: “người công tâm, trí tuệ nhìn thấu rõ sự việc trong cuộc chiến vừa qua… tất cả đều là nạn nhân. Không nên vuốt ve vết đau của riêng mình mà bôi xóa vết đau của người khác.” Vì vậy, Lê Thị Thấm Vân đã khép lại bằng lời tri ân sâu sắc dành cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa: “đã và đang gánh chịu những khổ đau” để đem về sự “huy hoàng mai hậu” cho tổ quốc.

Bổ sung thêm cứ liệu về đời sống hậu 30 tháng 4, trong tự truyện của Trầm Hương và Nguyễn Thanh Hùng, chúng ta có thể bắt gặp ở đó một góc khuất khác sau ngày bàn giao. Đó là sự thay đổi của xã hội và những xáo trộn âu lo diễn ra hàng ngày, hàng giờ, từng ngày, từng giờ: “Ban chiều tôi đã đánh một vòng qua khu trung tâm, khung cảnh lộng lẫy xưa đã thay bằng những sắc màu đỏ vàng nghiêm khắc. Trên đại lộ Nguyễn Huệ vẫn còn hai hàng cây cao ngất nhưng thương xá Tax đã trở thành nơi triển lãm hàng hóa công nghiệp. Chung quanh, một ít nhà hàng sang trọng và tiệm bánh Pháp còn kinh doanh nhưng bên trong nhìn trống rỗng, ít hàng, ít khách. Mấy năm nay, gạo trắng đã trở thành hàng cao cấp, cả đường trắng cũng khó mua được.” (Mưa qua sân thượng – Trầm Hương)

Đời sống như con tàu bị trật bánh, đột ngột rẽ vào một khúc ngoặt mà “sự xáo trộn và bấp bênh không biết đến bao giờ mới hết? ”. Chứng kiến tất cả những biến cố của đời sống bên thềm của lứa tuổi thiếu nữ, tác giả Mưa qua sân thượng vụt hiểu là những giấc mơ lãng mạn của cô sẽ ngày càng xa vời như không khí đầm ấm trong gia đình cũng “đang mất dần với những sổ gạo, đổi tiền, đánh tư sản và những vụ xét nhà bất chợt ”. Những cụm từ như “hộ khẩu”, “sổ gạo”, “đổi tiền”, “đánh tư sản”, “xét nhà”, “tịch biên của cải”, “thủy lợi”, “nghĩa vụ” … đã chạy suốt trong ký ức của rất nhiều thiếu niên miền Nam còn ở lại sau ngày 30 tháng 4 như trường hợp của Trầm Hương. Có ngang trái không khi hòa bình lại đồng nghĩa với những tai ương phủ chụp lên đời sống: mất tự do, bất an, phập phồng lo sợ, né tránh. Tự truyện Những tháng ngày không bao giờ lớn của Nguyễn Thanh Hùng cũng đem đến sự đồng cảm nhận như thế cho độc giả. Chỉ với một vài chi tiết như: “bây giờ súng ống đạn dược vương vãi đầy đường..”, “Bây giờ nguy hiểm lắm…” hay “không khí nhà trên trang nghiêm căng thẳng quá...” cũng ít nhiều đem lại những hình dung về tình cảnh đời sống lúc bấy giờ. Họ đã chứng kiến, cảm nhận những biến cố ấy bằng cái nhìn của tuổi hoa niên và đâu chỉ dừng lại ở sự cảm nhận của cá nhân. Những gì họ đã nhận ra, đã chợt thấu hiểu, là sự soi bóng nỗi niềm của một xã hội, vì “thành phố cũng như tôi ngẩn ngơ đi tìm phương hướng". Tai sao lại là "thành phố tìm phương hướng”? Một cách nói ẩn dụ kín đáo đó thôi. “thành phố ngẩn ngơ..” ở đây là sự thay thế cho tâm thức của những người dân miền Nam đang nỗ lực tìm cho mình một lối thoát sau chiến tranh. Thoát ra khỏi những quy hoạch, quy định khắt khe mà họ đã so sánh với thời kỳ Cộng hòa để hiểu là thiếu tự do.

Sẽ không quá lời khi nói rằng ký và tự truyện của các cây bút di dân Việt Nam thế hệ 60 mang đầy những vết thương tấy đỏ. Vết thương này chưa liền da thì vết thương khác đã lại sưng đau nhức nhối. Ký ức về đời sống hậu 30 tháng 4 là vết đau thứ nhất và ký ức vượt biên đầy bi kịch với thân phận thuyền nhân là vết đau thứ nhì. Hai vết đau lúc chìm vào lặng câm, lúc dậy sóng trên trang văn của họ. Tại sao họ không quên đi những vết thương ấy mà lại “đào bới rồi trục xuất quá khứ lên trang giấy?” Sao họ không quên đi quá khứ đế hướng đến tương lai, như khẩu hiệu thịnh hành một thập niên qua như chính Đặng Thơ Thơ lấy tựa Mở tương lai cho tự truyện của mình, nhưng cô chỉ nhớ về quá khứ.

Tôi cho rằng nguyên do bắt nguồn từ sự tự ý thức của cá nhân người cầm bút ― những người mang gánh nặng quá khứ thuyền nhân trên vai như lời tâm sự của chính họ. Khi trả lời phỏng vấn, Nguyễn Xuân Tường Vy nói : “Tôi muốn ghi lại kinh nghiệm và nỗi niềm của mình, trước và sau lớp người vượt biên duy nhất, sẽ không ai biết đến kinh nghiệm này.” Và Trầm Hương chia sẻ: “Ngoài việc ghi lại nỗi niềm, một lý do khác là tôi nằm trong hiện tượng thuyền nhân và muốn đóng góp cảm tưởng của chính mình về lý do tại sao tôi vượt biên.”

Trên nền thảm kịch chung của ký ức vượt biên, mỗi tác phẩm đi vào một cảnh huống cụ thể. 

Ký và tự truyện của Phạm Chi Lan, Nguyễn Xuân Tường Vy, Nguyễn Hương, Trầm Hương, ghi lại ấn tượng ngày ra đi trùng hợp với một biến cố của cơ thể thiếu nữ. Cơ thể họ dậy thì: “Tôi cũng không còn là đứa trẻ cần nhón chân lên để tránh nước ngập miệng. Mực nước hồ thấp dần xuống ngực, thân thể nhú lên dưới làn vải ướt khiến mấy chị em chúng tôi ngượng ngùng thôi dầm mưa chung.” (Mưa qua sân thượng – Trầm Hương)

Hối hả và lặng lẽ, họ ôm theo bọc hành lý sơ sài di tản cùng gia đình sau một buổi sáng thức giấc hay cuối buổi chiều muộn. Từ phút đặt chân lên thuyền đến khi ra biển, trí nhớ của họ tự động ghi lại tỉ mỉ những gì họ đã thấy, đã nghe, đã cảm nhận hay có khi trí nhớ chỉ làm công việc của nó một cách thụ động bởi những gì đang diễn ra khi đó đã tự động ùa vào tâm trí họ và hằn ghi ở lại mãi mãi. Hãy xem ký ức họ thâu nhận những gì về ngày ra đi?

Là sàn tàu chật ních người chồng chất lên nhau đến ngộp thở hay hầm tàu tối bưng? Là “gió nóng và bỏng rát...” Là cơn say sóng “ói tận mật xanh mật vàng...” khiến người “mệt lả, lịm đi không còn cảm giác” hay cơn khát khô cổ trong sắc xanh ngút ngàn của biển cả... Có lẽ bản thân họ chưa hề có sự chuẩn bị và không thể hình dung ra hết những gì phải trải qua trên chuyến hải trình vượt biển định mệnh đó. Vượt biên ― chỉ giản đơn như suy nghĩ của tác giả Mắt thuyền: “Khi mở mắt tôi không thấy gì ngoài bóng tối. Nhưng nhắm mắt tôi có thể hình dung đến tương lai. Tôi hình dung đến bờ bên kia của biển cả. Vượt biên đối với tôi lúc ấy giống như đi đò từ bên này sông sang bên kia sông. Chỉ một lát thôi, tôi sẽ đến bến.” Lớn lên bên lề chiến tranh, tuổi dậy thì đến với họ vừa như một chu trình tự nhiên vừa trong sự chờ đợi và cảm giác bất an. Do vậy, bên cạnh nỗi thao thức ngày ra đi thì tâm trí họ còn canh cánh nỗi lo lắng mơ hồ về những biến đổi trong cơ thể mình. Và phút họ được cứu sống ― lẽ ra phải là cảm giác mừng vui thì ngược lại, cảm giác tủi hổ, nghẹn ngào xâm chiếm lấy họ.

Trong tự truyện Cyanide chẳng mệnh chung, Nguyễn Hương viết: “Tôi không nhìn thấy mặt họ. Tôi không dám ngước nhìn mắt họ. Bộ đồ vải sợi in bông tôi mặc lóp ngóp dán vào da. Nhìn vào tôi, hàng lính Mỹ sẽ thấy gì? Thân thể xấu hổ của đứa con gái da vàng sắp đến tuổi dậy thì? Nhìn vào chúng tôi, những con người lóp ngóp trước họng súng, người ta sẽ thấy gì?

Nối tiếp nỗi niềm của Nguyễn Hương, ký của Phạm Chi Lan thổn thức: “Cái đau ngất ngư” của chu kì con gái lần đầu tiên xảy đến bất ngờ. “Cơn đau hành kinh của tuổi 13 đã xảy đến đúng cái ngày oan nghiệt. […] Cơn đau ngấm ngầm của một đổi thay, ùa vỡ .” (Tháng Tư tội lỗi – Phạm Chi Lan)

Còn với Nguyễn Xuân Tường Vy, dù không phải là lần đầu tiên trải qua “biến cố con gái” nhưng phút giây ấy với cô vẫn đọng lại ám ảnh: “Tôi không nhớ đến những giọt máu rỉ lúc ghe gặp bão, tôi ngồi trên bong tàu lạnh buốt. Lên đến tàu Nhật Shonan Maru, tôi không còn thấy máu chảy. Quần lót khô cứng với những giọt máu bầm đen. […] Tôi vo chiếc quần lót trong lòng bàn tay và ném qua ô cửa sổ. Phải mất cả phút tôi mới thấy nó đáp xuống mặt biển. Cuốn vải thấm nước bung ra như một đóa hoa…(Puerto Princesa City – Nguyễn Xuân Tường Vy)

Sở dĩ, ký ức vượt biên trở thành ấn tượng ám ảnh là vì được cộng hưởng thêm bằng một sự đổi thay có tính chất bước ngoặt của tuổi dậy thì. Lần đầu tiên các thiếu nữ này thấy máu chảy ra từ trong người mình và liên tưởng đến máu của những người lính Cộng Hòa và biết bao nhiêu người dân miền Nam đã đổ xuống trong và sau ngày 30 tháng 4. Hai biến cố xảy đến cùng một lúc đã nhân lên những suy ngẫm cay đắng về sự mất mát, chia lìa: “Tôi ghét tôi, tôi ghét thân phận mình trong một đất nước Việt Nam đã sinh ra tôi, để phải tủi cực bỏ nó ra đi trong một ngày kinh hoàng nhất ”. (Tháng Tư tội lỗi – Phạm Chi Lan)

Ấn tượng này càng dữ dội, khi trước ngày ra đi các thiếu nữ này ở vào lứa tuổi đẹp nhất : “Mười sáu tuổi, chúng tôi đẹp như những búp hồng nhung muốn bật tung cánh.” (Mưa qua sân thượng – Trầm Hương)

Bên cạnh đó, ký và tự truyện của Đinh Từ Bích Thúy, Đinh Linh, Trầm Hương và Nguyễn Thanh Hùng ôm trọn những thao thức, băn khoăn trước hành trình ra đi. Tuy gần nhau về nội dung phản ánh nhưng xuất phát từ điểm nhìn cận ảnh của người viết mà thông điệp của mỗi tác phẩm khác nhau. Một mặt, ký của Đinh Từ Bích Thúy, Đinh Linh và tự truyện của Nguyễn Thanh Hùng là tâm tình của lứa tuổi không chứng kiến tận mắt biến cố 30 tháng 4, chưa ý thức được hết nguyên do phải lìa bỏ quê hương, xứ sở. Họ hoàn toàn thụ động trước sự sắp đặt của người lớn. Và cuộc di tản có tính chất bước ngoặt đối với cuộc đời họ ― trong suy nghĩ của họ lúc bấy giờ chỉ như một chuyến đi chơi xa hay đi đâu đó chỉ vài ngày rồi lại về: “Mấy đứa tụi tôi mỗi đứa ôm một cái túi vải chỉ toàn quần áo, đồ chơi không được mang theo lệnh trên đã đưa ra …Bố tôi đã nói đi nói lại …Ra ngoài sân hai anh em tôi đứng tần ngần nhìn lũ cá tai tượng, những chậu lan treo lủng lẳng tiếc rẻ, mong ước thầm biết đâu không cần mang theo chắc tý nữa là về ”. (Những tháng ngày không bao giờ lớn – Nguyễn Thanh Hùng)

Trong khi sáng tác của những ai đã ý thức được điều này thì đong đầy nước mắt: “Gió đã hạ và trong hương sứ trắng, cô gái bé nhỏ của cha Long Vương đang tấm tức khóc. Tôi chậm vòng xoay rồi dừng lại nhìn cô. Nước mắt cô là những hạt trân châu từng thấm trên da tôi. Ánh mắt cô là ánh mắt tôi tha thiết niềm thương tiếc. Cô không nỡ xa rời sân thượng đầy kỷ niệm, nên cô ở lại. Người thiếu nữ đã biến mất còn tôi sẽ không thể trở về.” (Mưa qua sân thượng – Trầm Hương)

Như một tự khúc, Mưa qua sân thượng là tâm tình xáo trộn của lứa tuổi đã ý thức được bi kịch ly tán và mang nhiều mộng mơ nuối tiếc trước ngày ra đi. Bằng giọng văn mềm mại thanh nhã và giàu cảm xúc, tác giả dẫn dắt người đọc đi qua miền hồi ức có sắc hoa sứ trắng, có những vì sao lấp lánh xa xôi, với những trận mưa ngây ngất đất trời… Trong thinh không ấy, hình ảnh công chúa nhỏ ở lại sân thượng và cô nữ sinh ngày ra đi - cùng song hành hiện diện để soi chiếu, tỏ bày những nỗi niềm. Công chúa nhỏ của tuổi thơ và cô nữ sinh đang tuổi dậy thì của Trầm Hương là hai phản thể : tình thương đất mẹ với nỗi lòng con gái ở lại - còn thân xác phải ra đi chịu cách ly vĩnh viễn. Và việc ra đi như đặt một dấu chấm hết đột ngột và khiên cưỡng khiến tất cả đều hóa dở dang. Khước từ hay chấp nhận, cô không có quyền lựa chọn ra đi hay ở lại. Một cách từ tốn, Trầm Hương đã giãi bày niềm tiếc nuối cho những gì mình quý mến sẽ không thể đem theo trên hành trình sắp tới - hành trình ra biển đi tìm tương lai khi “biển đã tràn vào thành phố”. Tác giả đã tự hỏi mình nên chuẩn bị gì cho hành trình ấy? Hành trang đâu chỉ có niềm lưu luyến với gia đình, người thân, bè bạn mà là những nỗ lực nhận diện thần chết trong sự hoang mang tột cùng: “Sự chết là gì mà đầy uy quyền, chỉ nghe phong phanh đã khiến con người sợ hãi? Một thiếu nữ cần bao nhiêu can đảm để đi gặp thần chết cũng như đối đầu với những xâm phạm còn tệ hơn cái chết? […] Tôi chưa bao giờ biết thần chết khoác nhiều lớp áo mang nhiều màu sắc đến vậy.” Bằng lối so sánh “lạ hóa” đầy hình ảnh cộng với những động từ, tính từ mạnh được sử dụng liên tiếp; Trầm Hương đã diễn tả khá trọn vẹn những hiểm nguy trực chờ trên hành trình ra biển của những thuyền nhân.

Tái hiện lại thời khắc mà thân phận mình lênh đênh cùng chiếc thuyền vượt đại dương như trong sáng tác của Phạm Chi Lan, Nguyễn Xuân Tường Vy là một ký thác. Tái hiện nỗi trăn trở trước chuyến hành trình ấy như sáng tác của Trầm Hương là một sự tìm tòi thể hiện để không trùng lặp. Những văn phẩm bổ sung cho nhau giúp nói lên một cách trọn vẹn tâm tình của thế hệ thiếu niên miền Nam đã phải rời bỏ quê hương trong một tình cảnh bất thường. Vì vậy, sẽ là rất thiếu sót nếu bỏ qua ký của Trần Vũ ― một minh chứng giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về bi kịch thuyền nhân. Tác giả đã dành một phần dung lượng trong ký Hiệp hội tương tế Bắc Việt nghĩa trang ghi lại hồi ức về những ngày đói lả sau thảm họa bị chìm tàu trên đại dương: “Tôi theo đám ma đói tỵ nạn gõ cửa từng túp lều. […] Tôi lùng sục khắp các hẻm rừng, K kiệt sức nằm thiêm thiếp dưới gốc cây đợi. Tay chân tôi mưng mủ những vết cắt của san hô, da dẻ tôi nhăn nheo… Tôi mang cơn sốt bừng bừng của 13 ngày đứng biển, mặt đất chòng chành như trôi trên sóng. Tôi lấy vạt áo học sinh… mừng quýnh đựng cơm ông lão chài lưới bốc cho. Miệng tôi ngậm miếng cá khô, hai tay tôi bụm áo chạy về gốc cây K đang đợi. Tôi mừng quýnh muốn kêu: Anh ơi, có cơm rồi. Tôi mừng quýnh quên gan bàn chân rách nát vết cắt đá ngầm. Tôi mừng quýnh vấp ngã sấp mặt, miếng khô cá lăn lông lốc…” 

Những hồi ức này của Trần Vũ khiến tôi liên tưởng tới bài ký Puerto Princesa City của Nguyễn Xuân Tường Vy. Bằng giọng văn tự nhiên bình dị, Tường Vy đã đưa người đọc đi tiếp hành trình bi kịch của thân phận thuyền nhân ở một chặng khác: trại tỵ nạn trên đảo Palawan. Đây là điểm đến. Điểm dừng chân của họ sau hải trình nhọc nhằn và đầy hiểm nguy trên những con thuyền mong manh. Đến được trại tỵ nạn là một may mắn vì dẫu sao họ đã bảo toàn được mạng sống ― hơn là bỏ mạng trên đại dương bão tố hay dưới bàn tay tàn bạo của hải tặc. Mang tính chất là một địa điểm chuyển tiếp, trại tỵ nạn không phải đích cuối cùng trên hành trình đi tìm tương lai như cách nói của những người ra đi. Nhưng từ nơi đây, họ đã định nghĩa được nỗi mất mát từ chọn lựa của chính mình. Thay lời chung, tác giả Puerto Princesa City hạ bút : “Người Việt bỏ lại trên mảnh đất quê hương nhiều hơn một mối tình. Chúng tôi đã mất hết.” Ở lứa tuổi đó, lớp người thuyền nhân như trường hợp Nguyễn Xuân Tường Vy “chưa biết quay quắt về thân phận mình ” mà nỗi nhớ chỉ mới đong đầy hình ảnh của bạn bè, của những kỉ niệm tuổi thơ bị bỏ lại sau lưng. Không nhiều cây bút Di dân thế hệ 60 viết hồi ký tỵ nạn như Nguyễn Xuân Tường Vy. Văn phẩm của chị đã khép lại chặng hành trình trên biển và là điểm nối tới đích đến là những miền đất mới ― nơi mà thuyền nhân hoán đổi vị thế thành những người lưu vong. Vì vậy, Puerto Princesa City đã góp thêm một tiếng nói vào việc nhận diện mảng hiện thực quá khứ u trầm của một thế hệ “lớn lên bằng một chấm dứt phũ phàng, khởi đầu bằng một tuyệt vọng.

Ngược dòng thời gian, chuyến tàu ký ức của những cây bút Di dân thế hệ 60 đã tìm thấy bến đỗ trong những ký thác riêng. Mỗi một ký thác không chỉ là sản phẩm của tài năng và tâm huyết mà quan trọng hơn, là “tiếng nói của một lớp người đã trực tiếp cọ xát với biến cố, cùng thảm kịch do biến cố này tác động trực tiếp lên cuộc đời họ”. Vì vậy, sẽ không có gì là khó hiểu khi những dòng văn trữ tình thắm thiết và cũng đau thương nhất trong ký và tự truyện của các cây bút Di dân thế hệ 60 lại dành cho những thao thức về quá khứ. Đồng thời, những thao thức này đã góp phần cắt nghĩa những suy tư về thân phận của chính họ.

 

2.2. Những tra vấn và tự vấn về thân phận.

Vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân của bi kịch nội chiến, các cây bút Di dân Việt Nam sinh trưởng trong thập niên 60 là thế hệ mang đặc điểm riêng. Sau biến cố tháng Tư, chỉ một số ít ở lại trong nước sống cuộc sống cam chịu lặng câm, còn lại phần lớn đều bị ném ra khỏi đất nước. Từ đây, cuộc đời của họ được viết tiếp bằng những ngày long đong trên biển và những vất vả cay đắng để hòa nhập với cuộc sống nơi xứ người : lam lũ, nhọc nhằn, bị kì thị, cảm giác lạc loài, nhớ nhà, nhớ gia đình, cô đơn, đơn độc… Chính những trải nghiệm như thế đã thôi thúc họ cầm bút. Họ đã viết bằng tất cả sự đau đáu khắc khoải về quá khứ và bằng những suy ngẫm mang chiều sâu ý thức về thân phận. Có thể nói ý niệm về thân phận là điều bất cứ cá nhân nào cũng từng nghĩ đến chứ không riêng gì những người viết văn. Với các nhà văn Di dân thế hệ 60 thì ý niệm về thân phận đã trở thành một trọng điểm cơ bản trong sáng tác của họ. Lý giải điều này, theo tôi – nguyên do chủ yếu xuất phát từ chính sự thức nhận về bản thân họ. Có thể khẳng định rằng các cây bút di dân sinh trưởng trong thập niên 60 là một thế hệ mất mát. Sự mất mát này biểu hiện qua năm sinh và hoàn cảnh cụ thể của mỗi cá nhân đã chứa đựng định nghĩa/tiền định sự cắt đoạn trong thân phận và bản sắc. Thay lời chung tác giả Ngày tôi mất tháng Tư đã định danh đặc điểm thế hệ mình bằng lời tự bạch : “Tôi đã thay đổi vì biến cố tháng 4/1975 nhưng cũng có thể tôi đã mất thiên đường từ trước khi ra đời”. Chỉ một câu văn ngắn song ý nghĩa mà nó truyền tải có một độ mở và chiều sâu vượt ra ngoài khuôn khổ của từ ngữ. “Mất thiên đường từ trước khi ra đời” là một cách nói ẩn dụ kín đáo. Nó biểu cảm một điều : trước khi tác giả và những người cùng thế hệ như chị chào đời thì Việt Nam đã bị ly tán thành hai miền Bắc và Nam và sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam trong năm 1975 với sự thất thủ của miền Nam là một định mệnh không thể tránh khỏi. Rồi sau tháng Tư 1975, bản thân họ cũng bị mất đi chính tuổi thơ và tuổi mới lớn khi phải rời bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” và phiêu dạt nơi đất khách quê người. Mất mát nối tiếp nhau, họ cũng không có được một tuổi thơ hay tuổi mới lớn trọn vẹn ở những quốc gia phương Tây mà họ định cư. Họ đã bị mất cả hai : Đông và Tây, nhưng nếu nói một cách khả quan hơn thì có lẽ họ đã có cả hai Đông và Tây ... méo mó. Khi đến với văn chương và ít nhiều khẳng định được tên tuổi của mình thì sự thành công này với họ không phải là ngẫu nhiên. Bởi vì không khí “mới” trong sáng tác của họ là kết quả của những mất mát sâu xa, như chuyện tiền định, như điều không thể tránh khỏi từ biến cố bi thảm 30 tháng 4.

Mang trong mình tự sự bi kịch nói trên – tâm thế ấy đã trở thành hành trang để họ khám phá thế giới xã hội bên ngoài. Bản sắc thế hệ đã kết đọng lại trong sự tự vấn và tra vấn về thân phận của họ ở một số câu hỏi như : Tôi là ai? Vì sao tôi và gia đình tôi ly tán? Quê hương là gì/ở đâu? Nhìn một cách tổng thể thì những câu hỏi này có sự liền lạc nhất định với nhau, cùng song hành trong mỗi ký thác trên trang văn và trong tâm tưởng của họ.

Về câu hỏi thứ nhất : “Tôi là ai?” thực chất là một câu hỏi mang màu sắc triết học và có thể được cắt nghĩa với một nội hàm tương đối rộng. Riêng trong địa hạt của văn chương, con người cũng không ngừng đào sâu, tìm hiểu và khám phá để cắt nghĩa cho câu hỏi đầy ưu tư : “Tôi là ai?”. Nên chăng có thể hiểu câu hỏi này ở một phạm vi hẹp là sự băn khoăn của con người về vị trí của mình trong vũ trụ. Đối với người Việt Nam thì câu hỏi ấy chính là sự băn khoăn giản dị về vị trí, vị thế của mình trong xã hội. Mỗi một thế hệ sẽ tìm thấy câu trả lời cho riêng mình trong cộng đồng xã hội đương đại. Với riêng những người Việt di dân thì nỗi băn khoăn này càng tăng lên. Bởi vì khi ra khỏi đất nước mình – họ không còn thuộc về xã hội cổ truyền phương Đông nữa mà là xã hội phương Tây – khác chủng tộc, văn hóa và nếp nghĩ. Người bản xứ sẽ không bao giờ xem người những người Việt di dân là dân của họ mà coi là dân nhập cư, ngụ cư. Vấn đề căn cước, gốc gác, do vậy đè nặng lên tâm thức của mỗi di dân. Đặc biệt, với thế hệ sinh trưởng trong thập niên 60 thì sự băn khoăn này càng đậm nét vì thế hệ này ít chất Việt khi rời tổ quốc, do họ còn nhỏ. Một cách nhanh chóng, họ đã hội nhập vào xã hội phương Tây da trắng, nói tiếng bản xứ lưu loát nhưng vẫn còn trong hồn họ một phần Việt Nam mà họ không thể quên và chính phần nhỏ nhoi này từng lúc thức giấc trong tiềm thức họ. Thế hệ lớn tuổi thuần Việt Nam thì không đặt câu hỏi này vì biết mình 100 % Việt Nam. Thế hệ 70, 80 cũng không đặt câu hỏi này vì họ bị “Tây hóa” hoàn toàn. Vì vậy thế hệ 60 là một thế hệ mất mát tang thương vì họ tan vỡ trước khi kịp thành hình, nhưng ngay cả khi tan vỡ, vẫn sót lại những mảnh chai quá khứ trong lòng họ. Vì vậy ký và tự truyện của họ là những mảnh thủy tinh – đã cứa đứt tay họ khi họ cúi nhặt; đã cứa ruột họ khi họ mang trong mình và chúng hãy còn lấp lánh những hình ảnh cũ xưa. Một trong số đó, ký của Nguyễn Xuân Tường Vy là minh chứng tiêu biểu cho nỗi băn khoăn thân phận đầy day dứt kết lại ở câu hỏi: “Tôi là ai? ”. Nếu “ngoái đầu lại là cái thường tình của kẻ ra đi” (Võ Phiến) thì Puerto Princesa City của Nguyễn Xuân Tường Vy là một sự “ngoái đầu lại” như thế. Từ thời điểm hiện tại, tác giả trở về trại tỵ nạn Palawan để chiêm nghiệm lại bi kịch của quá khứ. Trong chuyến hành trình ấy, không chỉ những kỉ niệm được đánh thức mà những suy ngẫm về thân phận cũng mở ra : “Một ngày thật dài. Dài hơn cả là sự hụt hẫng trong lòng tôi. Tôi là ai? Câu hỏi tôi loáng thoáng bắt gặp trên đất Mỹ, nhưng không ngờ hôm nay trở nên mãnh liệt." Tôi là ai?” – câu hỏi chỉ vỏn vẹn với ba ký tự mà sao sự cắt nghĩa về nó không hề giản đơn. Và dường như mỗi ngày nó càng nhân lên trong sự trăn trở bất tận của người viết : từ “loáng thoáng bắt gặp” hôm qua đến “trở nên mãnh liệthôm nay. Bằng giọng văn từ tốn ẩn sâu dưới những xúc cảm cay đắng, tác giả đã từng bước đi tìm câu trả lời cho không chỉ riêng mình mà cho cả chung một thế hệ. “Tôi là ai?” – “ là công dân Việt, thứ công dân sổ đen con Ngụy ” buộc phải dứt bỏ quê hương ra đi tìm tự do, tìm tương lai. “Tôi là ai?” – là con người đáng thương chạy loạn vì biến cố, tạm lánh ở xứ người nên gọi là kẻ tỵ nạn mang trong mình nỗi quay quắt thân phận “không có quê hương, không thể có quê hương vì không được quyền sở hữu quê hương”. “Tôi là ai?” – là thân phận di dân ngơ ngác không biết trả lời thế nào với bạn bè quốc tế : “Where are you from?” (Bạn từ đâu đến?) và “What’s your country?” (Quê hương bạn là gì?) khi “không có cờ, không có tên, tôi bước hụt hẫng trong lòng thành phố lạ ”. Đó còn là tâm trạng của một kẻ “biết đâu nguồn cội” khi trong đầu còn vang lên hai tiếng thân thương “Việt Nam” mà môi ngập ngừng không thể cất lời. Hòa chung vào những tự vấn và tra vấn thân phận trong sáng tác của Nguyễn Xuân Tường Vy còn là sự cộng hưởng trong ký và tự truyện của các cây bút di dân khác nữa. Mặc dù có thể họ không trực tiếp đặt ra câu hỏi nhưng nỗi băn khoăn này thường ẩn hiện thấp thoáng đằng sau những câu chữ bởi hiếm có di dân nào không “loay hoay tự hỏi mình là ai, không khát khao tự định nghĩa lại mình”.

Về câu hỏi thứ hai : “Tại sao tôi và gia đình tôi ly tán?” – thực chất là nỗi băn khoăn về hệ quả bi kịch của cuộc nội chiến. Và điều này đã được ngầm định cắt nghĩa trong những thao thức về quá khứ trên trang văn của các cây bút Di dân thế hệ 60. “Tại sao tôi và gia đình tôi ly tán?” không giản đơn chỉ là một câu hỏi mà đã trở thành một vết cắt – vết đau mãi mãi trong tâm hồn họ. Ai/ Điều gì có thể bù đắp, xoa dịu vết thương này cho những di dân như họ? Tiếc rằng không gì cả. Lịch sử không thể đảo ngược lại vòng quay của nó tựa như việc họ đã bị đẩy bật khỏi quê hương và không thể nào quay trở về để được làm một người Việt bình thường như biết bao người Việt khác trên mảnh đất hình chữ S. Vì không thể trở về nên đời sống hiện tại của họ chông chênh ở khoảng giữa không gian của quê nhà và quê người, quá khứ và hiện tại, hoài niệm và hoài bão. Đồng thời chính điều này đã bắc nhịp cho câu hỏi thứ ba hiện dần lên trong tâm trí của họ : “Quê hương là gì, ở đâu?”

“Quê hương là gì, ở đâu?” là biểu hiện cao độ của sự ý thức về thân phận - hướng vào sự cắt nghĩa về nguồn cội mà mỗi cá nhân họ thuộc về. Họ khao khát kiếm tìm sự định nghĩa trọn vẹn nhưng lại không dễ tìm thấy ngay câu trả lời vì quê hương trong lòng họ không còn là mảnh đất Việt Nam. Hoặc nếu còn thì cũng trở nên mơ hồ như sự cảm nhận của tác giả Mở tương lai : “Quê hương bây giờ đã quy về một người nào đó, một tình cảm nào đó, một khoảng thời gian nào đó trong đời chúng ta. Quê hương bây giờ đã thu về một ảo ảnh nào đó, một dạng vô hình nào đó, bao la hơn và mơ hồ hơn”. Có thể nói, ở đây “quê hương” đã không còn gắn liền với không gian địa lý của biên giới và lãnh thổ như sự hình dung thông thường. Nó đã trở thành sản phẩm của ký ức, được đan dệt và tạo hình lại bằng chính ký ức của mỗi người ra đi: “Tất cả bắt nguồn từ ngày 30/4, cái ngày như một thứ lỗ đen, hút quê hương vào lòng chúng ta. Đứng trước đe dọa của chuyển dời và ly tán, trong nỗi lo sợ bị mất mát – như trong một cơn động đất hay một cuộc cháy nhà – chúng ta hốt hoảng gom góp cho vừa tay nải để làm hành trang. Nhưng còn vô số những điều không mang theo được, những thứ quá lớn phải bỏ lại[...]Mỗi con người tha hương trở thành chính quê hương của mình”. (30 tháng 4 và một ngày ở phía tương lai – Đặng Thơ Thơ)

“Mỗi con người tha hương đã trở thành chính quê hương của mình” là câu trả lời mà hầu hết các cây bút di dân thế hệ 60 đã lần lượt tìm thấy và ít nhiều gửi gắm vào trang văn. Vì vậy, thế hệ của họ không chỉ là một thế hệ mất mát mà còn là một thế hệ luôn sống trong niềm hoài vọng thiết tha. Bởi khi nói đến bản sắc của một cá nhân, chính quê hương sẽ là một trong những yếu tố đầu tiên góp phần hình thành nên “cái tôi” ấy. Sự ý thức về bản sắc nào cũng gắn liền với sự ý thức về nơi chốn mà tâm hồn đã được hoài thai và nuôi dưỡng. Vì vậy, “Quê hương là gì, ở đâu?” là một câu hỏi mở, chờ đợi những giãi bày còn ẩn giấu. 

 

3. Thay lời kết

 

Nếu “một nhà văn cần viết cho tuổi trẻ của thế hệ mình, các nhà phê bình cần viết cho (tuổi trẻ của) thế hệ kế tiếp, và nhà giáo dục thì viết cho (tuổi trẻ của) mãi mãi về sau” (F. Scott Fitzgerald) thì các cây bút Di dân Việt Nam thế hệ 60 đã đạt được tâm nguyện ấy. Một tâm nguyện chứa đựng đầy thử thách đối với những ai muốn kiếm tìm những giá trị đích thực. Lựa chọn được thể tài phù hợp để ghi lại tâm tình, ký và tự truyện đã giúp họ biểu đạt trọn vẹn những gì họ muốn nói. Khi nỗi niềm của họ được chắp bút và thăng hoa trong cảm xúc, hơn một lần họ đã mở lòng và chia sẻ. Và sự mở lòng này thật đáng quý vì họ đã dũng cảm đối mặt với sự thật thay vì né tránh nó. Đó còn là cách duy nhất để họ có thể tự chữa lành những vết thương đau đớn trong tâm hồn.

 

Là một độc giả, cá nhân tôi đã tiếp nhận ký và tự truyện của các cây bút di dân thế hệ 60 với tất cả sự trân trọng và cảm thông. Nỗi niềm trên trang văn của họ là những minh chứng sinh động đã giúp tôi hiểu rõ hơn về một thế hệ với nhiều trải nghiệm bất thường. Rồi khi những trang sách đã khép lại, chính những thao thức của họ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với tôi. Tôi đã tự hỏi mình rằng : sao họ không đóng lại vết thương lòng của quá khứ để sống với hiện tại? Tôi biết quá khứ không thể bị đánh tráo hay bôi xóa nhưng nên chăng - hãy nhìn nhận lại nó từ nhiều góc độ để có được câu trả lời thỏa đáng nhất : mãi thao thức với quá khứ hay mở lòng đón tương lai?

 

Nguyễn Hạnh Nguyên

Hạ Long, tháng 2-2011

 (Đã in trên Hợp Lưu 113, số tháng 3&4-2011)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Chín 20242:11 SA(Xem: 1190)
Tôi biết chị Hoàng Thị Bích Hà qua một cuộc gặp gỡ giao lưu giới thiệu sách song ngữ "Nhịp Điệu Việt." Từ lần đầu tiên gặp gỡ đó, giữa chúng tôi đã nảy sinh một sự kết nối đặc biệt. Chị Hà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi không chỉ bởi vẻ hiền dịu, mà còn bởi sự sắc sảo và tinh tế trong từng bài viết của chị. Mỗi tác phẩm của chị đều thể hiện một sự chu đáo, cẩn trọng và đầy tâm huyết. Hoàng Thị Bích Hà là một tác giả đầy nhiệt tâm với một gia tài văn chương đáng nể. Chị đã xuất bản 16 tác phẩm gồm 4 cuốn bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn và tùy bút, cùng 10 tập thơ. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều tuyển văn và thơ, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học trong và ngoài nước. Trong tập truyện "Bông Cúc Xanh," chị Hà một lần nữa cho chúng ta thấy khả năng văn chương của mình qua những câu chuyện ngắn đầy sâu lắng và ý nghĩa. (Võ Thị Như Mai )
01 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 1791)
LỜI TÁC GIẢ- Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024, đài phát thanh Radio del Poeta CALIDOSCOPIO - Musica y Poesia del Mundo (Âm Nhạc Và Thi Ca Thế Giới) - giới thiệu Thơ của Nguyễn Chí Trung trong chương trình phát sóng từ Mexico và Argentina (tại Tây Ban Nha và Ý vào ngày hôm sau, Chủ Nhật 20.08). Nữ thi sĩ Ana Maria Garrido, giám đốc nghệ thuật của chương trình, đọc một tác phẩm Thơ của NCT, tựa đề là Tam Ca "RỪNG - LÁ - CÂY" :
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 1787)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 1859)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên
31 Tháng Tám 202411:01 CH(Xem: 1797)
Những bài thơ dưới đây được dịch ra tiếng Việt từ cuốn ”100 Poems from the Japanese” của thi sĩ/dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều bản chất tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng.
31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 1660)
Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ. / Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).
31 Tháng Tám 20249:48 CH(Xem: 2798)
-Phim “Mai” chiếu từ dịp Tết, tôi được nghe đủ lời khen chê - khen nhiều hơn chê, và được cô con gái sinh viên năm thứ hai sau khi rủ bạn xem về bảo: “Phim xúc động ạ. Nhưng ồn ào quá, khiến con đau đầu”. / "Cu li không bao giờ khóc" của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, biên kịch Nghiêm Quỳnh Trang đã thắng giải "Phim đầu tay xuất sắc" LHP Berlin vào sáng 25/2, và hiện tham dự giải cánh Diều Vàng 2024 của Hội Điện ảnh VN./ “Đóa hoa mong manh” đương tham dự Giải Cánh Diều Vàng của Hội ĐAVN với tâm lý hồi hộp, mong đợi, có phần lo lắng cho bạn đồng nghiệp… / và có hai bộ phim gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi - một khán giả đang làm nghề - hai bộ phim mang “vị muối” đích thực của Đời có khả năng chạm vào đáy sâu cảm xúc của hàng triệu khán giả, đó là HAI MUỐI và SÁNG ĐÈN!
31 Tháng Tám 20249:17 CH(Xem: 2013)
tháng chín trời như trở lạnh / vào hồn em chút hoang liêu / anh đi thương mùa thu chớm / dù tình xưa đã xanh rêu
18 Tháng Tám 20244:40 SA(Xem: 1762)
Bằng những ngón tay thơ / Đêm ru em ngủ / Nhẹ từng bàn chân mỏi / Đêm theo nhau qua những bãi đồi
18 Tháng Tám 20243:37 SA(Xem: 1917)
Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là cô giáo. Nhưng có lẽ là duyên trời nên tôi đã từng đứng trên bục giảng, dưới kia là những đôi mắt thơ ngây của các em thơ ngày ấy- học trò nhỏ của tôi và tôi đã là cô giáo.