Photo by Thaohien
Thế giới này chật hơn trái tim người mẹ
(thơ Xuân Quỳnh)
Từ xưa đến nay, tình mẫu tử luôn là đề tài sáng tác vô tận cho thơ ca nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung. Một cách tự nhiên, Nguyễn Xuân Tường Vy đã chinh phục độc giả bằng chính những dòng viết giản dị, chân thật về tình cảm muôn thuở ấy. Nhỏ xinh như một bài thơ trữ tình – Ngày của mẹ, cám ơn con của chị vừa xôn xao niềm hạnh phúc vừa lắng đọng nỗi thương yêu của tình mẫu tử. Đọc bài ký, những ai đã làm mẹ sẽ bắt gặp chính mình trong đó và những ai chưa làm mẹ sẽ thấu hiểu hơn công lao to lớn vô bờ của đấng sinh thành.
***
“Con gái yêu của mẹ!”
Không ngẫu nhiên mà Ngày của mẹ, cám ơn con mở ra bằng một tiếng gọi âu yếm, mến thương như thế ! Chỉ mấy chữ khiêm nhường nhưng lại chất chứa trong đó cả biển trời tình thương. Có thể nói, văn phẩm của Nguyễn Xuân Tường Vy trước hết là những trang nhật ký mà chị viết dành riêng cho thiên thần bé bỏng của mình và cho chính mình. Từ đây, những cung bậc cảm xúc của tình mẫu tử được chắp cánh, ùa vào trang văn thật nồng nàn tha thiết.
Với tác giả của Ngày của mẹ cám ơn con, mỗi một khoảnh khắc bên con là mỗi phút giây hạnh phúc không gì có thể đo đếm được. Chị yêu biết bao thời khắc con chào đời giữa “một ngày mùa đông lạnh buốt” và “xao xác gió”. Cái lạnh của đất trời, nỗi đau đớn của cơn vượt cạn vừa qua dường như không đáng kể gì so với niềm hạnh phúc ngập tràn khi nhìn thấy con : “ Con lành lặn, mạnh khoẻ, da căng hồng, tóc đen nhánh ”. Ngắm nhìn con trong giấc ngủ yên bình, từ đáy lòng chị muốn thổ lộ cho con hiểu rằng con có một vị trí lớn lao và quan trọng biết nhường nào : “ Con vừa chào đời đã có sức nặng đáng kể trong cuộc đời của mẹ. Con có biết con đã thay đổi thế giới của mẹ? ”.
Con có biết con đã thay đổi thế giới của mẹ? – nói với con hay tự nói với chính mình? Nguyễn Xuân Tường Vy đã không ngại ngần bộc bạch đến tận cùng nỗi yêu thương khi kể về những thay đổi lớn lao và kì diệu ngay từ giây phút đầu tiên thiên thần bé bỏng hiện diện trong cuộc sống của chị : “ Mẹ đã yêu con ngay từ giây phút đầu tiên con quẫy đạp trong bụng mẹ. Chín tháng mười ngày mẹ ấp ủ con ”.
Con là đề tài của những câu chuyện không bao giờ ngừng trên môi mẹ cha. Con có mặt trong từng thao thức dự đoán của mẹ cha mỗi ngày : “ Đặt tên cho con là gì? Con sẽ giống ai? Đôi mắt của bố và làn da của mẹ? ”. Con chưa chào đời, nhưng cha mẹ đã chuẩn bị rất nhiều thứ để chào đón con : “ Chọn loại nôi nào cho con? Gỗ sồi hay gỗ thông? Căn phòng con bố sơn màu hồng phấn. Những nàng tiên chấp chới đôi cánh mỏng đậu ở rèm cửa ”. Có con, mẹ chăm chút “dõi từng cử động, nâng niu từng giây phút mang con trong mình ”. Mẹ ghi nhớ từng đường nét trên cơ thể của con và cất giấu trong ngăn yêu thương nơi trái tim mình : “ Đôi mắt hí hoáy chưa mở, đôi môi đỏ xinh xắn, chiếc cổ tròn trĩnh núng nính ngấn, mười ngón tay bé bỏng, bàn chân tí hon chưa mang vừa chiếc vớ hồng mẹ mua ”. Có con, mẹ đã biết thế nào là sự bận rộn của một ngày “ dài hơn hai mươi bốn tiếng ”. Con khiến mẹ quên cả khái niệm thời gian và không gian …
Kỳ diệu biết bao là sự có mặt của con trong cuộc sống của mẹ !
Con là hoa trái kết tinh từ tình yêu thương của cha và mẹ : “ Con toàn bích như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Con tinh khôi tựa giọt sương long lanh trong vắt”. Con đẹp đẽ, vẹn tròn nhưng cũng rất mỏng manh, non nớt.
Dường như không có từ ngữ nào có thể diễn đạt được hết cảm xúc ngỡ ngàng của chị khi nhận thấy sự hiện diện của con. “ Bởi con, mẹ nhìn thấy sự toàn thiện của con người. Bởi con, mẹ làm chứng sự kỳ diệu của Thượng Đế ”. Từng câu từng chữ như được viết ra từ niềm hạnh phúc bất tận. Nhẹ nhàng và lắng đọng, tác giả đã dẫn dắt bạn đọc đi qua những rung động thấm thía của một điều giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa : “con đã thay đổi thế giới của mẹ ”.
Với người mẹ trẻ ấy, mỗi phút giây ở bên con đều tràn đầy niềm vui : “ Như một nụ hoa, mỗi ngày con hé mở một tí cho mẹ say mê. Những cánh hoa mịn màng trắng ngần làm cân bằng đời sống mẹ. […] Mẹ lặp đi lặp lại chữ “mẹ” nhiều lần cho quen. Mẹ hát đi hát lại chữ “con” nhiều lần cho thuộc. Chữ của yêu thương nở xoè trên môi mẹ tựa những đóa hoa”.
Nếu mỗi ngày mặt trời thiên nhiên đều tỏa ánh sáng để sưởi ấm và duy trì sự sống cho vạn vật trên thế gian thì con chính là mặt trời bé bỏng của riêng mẹ. Để ngày ngày con ban cho mẹ ánh sáng ấm áp của niềm vui khi mẹ chứng kiến “ con biết lẫy rồi biết bò ”, “ hãnh diện khi con tập tễnh những bước đi đầu đời ”sung sướng khi nghe con bi bô gọi bố gọi mẹ ”. Yêu biết bao mỗi ngày trôi qua, con thêm lớn khôn. Từng hành động, cử chỉ, cảm xúc của con khiến mẹ như luôn được sống trong niềm đam mê của những xúc cảm thương yêu bất tận : “Mẹ vui theo con. Mẹ buồn theo con. Nhẹ nhàng nhưng bền bỉ, con đã trói mẹ lại bằng một tình cảm thiêng liêng cao cả ”. hay “
Quên sao được ngày đầu tiên con đến trường - một ngày thu đầy nắng nhuộm vàng những chiếc lá phong trước nhà. “ Mẹ dẫn con đi học. Tay con nắm chặt tay mẹ không muốn rời. Con vào lớp, mẹ đứng lơ ngơ ở bãi đậu xe. Lòng mẹ cũng xôn xao, lo sợ như con. Thầy cô lạ, con của mẹ có bỡ ngỡ không? Mẹ bỗng muốn vào lớp cùng con, ngồi bên con cho đến ngày con khôn lớn. Con học một ngày, mẹ cũng học một ngày. Con làm bài tập mới, mẹ cũng ôn lại kiến thức cũ để giúp con”. Mỗi câu văn đều nặng trĩu tâm tình mà Nguyễn Xuân Tường Vy viết cho con với tất cả những rung động từ sâu thẳm trái tim. Ước mong mai này khi con lớn khôn, con sẽ hiểu nỗi lòng chị - nỗi lòng của người mẹ với những lo âu rất đỗi bình dị nhưng cũng rất chính đáng từ tình yêu con bao la.
Có con, đó là sự khích lệ nhắc chị phải nỗ lực sống hơn nữa. Không sợ gian khổ, không ngại hy sinh – chị sẽ làm tất cả vì con và cho con. Bởi nhờ có con, chị đã tìm ra mục đích của cuộc đời mình và thấu hiểu thế nào là hạnh phúc : “Từ ngày con chào đời, mẹ không còn sống cho riêng mình. Hạnh phúc chính là được sống và hy sinh cho những người mẹ yêu thương ”.
Và cũng từ con, chị thấy mình được sống lại “ những giấc mơ một thời thơ trẻ ”. Giấc mơ mang sắc tím mà chị “ yêu suốt thời niên thiếu ” cùng tiếng đàn dương cầm thánh thót vang vọng trong ký ức một thuở. Chưa hết, nụ hoa e ấp và bé bỏng ấy còn là chiếc cầu nối giúp chị tìm lại tuổi thơ đã mất. Một tuổi thơ êm đềm sớm bị đứt lìa, tan vỡ mà không sao hàn gắn lại được vì bị chia cắt bởi sự xa cách muôn trùng của không gian và thời gian : “ Mảnh rơi trong chiến tranh. Mảnh chìm xuống biển cả. Mảnh rớt ở trại tỵ nạn. Mảnh lạc loài dạt trên đất khách ”. Có con, những ký ức tưởng đã ngủ quên được đánh thức trong tâm trí của chị. Và những dự định chưa thành, chị gửi gắm vào giấc mơ tương lai của con mình.
Như một lẽ tự nhiên, khi những hân hoan hạnh phúc lắng đọng thì cũng là lúc những trăn trở lo âu trỗi dậy. Càng yêu con bao nhiêu, người mẹ trẻ ấy càng lo lắng khi nghĩ đến tương lai của con. Bởi rồi con chị sẽ lớn khôn và một ngày nào đó sẽ xa rời vòng tay của chị. Biết mình “không thể nào bao bọc con qua những thăng trầm trong cuộc sống” và cũng như “không thể bế con qua cạm bẫy của đời ” nhưng chị sẽ chuẩn bị tinh thần cho con. Và chị tin rằng những yêu thương của mình sẽ tiếp sức cho con để con có thể tự tin vững bước trên đường đời không ít chông gai.
***
Như những con sóng đến từ đại dương luôn vỗ bờ không ngừng nghỉ, như nước trong nguồn thanh khiết không bao giờ cạn vơi – tình thương con của tác giả Ngày của mẹ, cám ơn con cũng vậy. Văn phẩm khép lại trong những cảm xúc lắng đọng của lời thầm thì về một điều không bao giờ cũ theo thời gian : “ Mẹ yêu con ”. Ai bảo rằng Tường Vy đang làm văn. Không đúng đâu. Một cách giản dị, chị đang viết nhật ký cho con gái yêu của mình đó thôi. Không phải là thứ nhật ký thông thường mà là nhật ký của tình mẫu tử - của những thương yêu thiêng liêng cao cả vô ngần. Chị viết cho mình nhưng cũng là nói hộ tâm tình của biết bao nhiêu người mẹ như chị.
Quy luật của thời gian dù có khắc nghiệt đến đâu thì đó cũng không phải là trở ngại lớn nhất. Bởi những gì bền vững thì sẽ còn mãi với thời gian. Đọc Ngày của mẹ, cám ơn con của Nguyễn Xuân Tường Vy, cá nhân tôi tin như vậy. Bởi ít nhất bài ký đã cho tôi thấu hiểu một điều : một trong những tình cảm đẹp nhất của loài nguời – tình mẫu tử sẽ luôn vĩnh hằng, vượt ra ngoài mọi biên giới của thời gian.
Nguyễn Hạnh Nguyên
Hạ Long, tháng 1 – 2011
Ngày của mẹ, cám ơn con đăng trên website của tạp chí Hợp Lưu ngày 8 tháng 5 năm 2010