Cầu trong ý nghĩ đầu tiên của mọi người là một dải vắt ngang hai bờ một con sông để bờ bên nọ nối với bờ bên kia. Nếu nghĩ như vậy thì hết phiếm! Cầu nói ở đây chẳng nối niếc gì hết. Không, có nối. Nối từ bên trong với bên ngoài. Đó là một thứ mà ngồi trên đó người ta có thể cho một vật từ trong tăm tối nối với ánh sáng chan hòa một cách văn minh. Nói là “văn minh” vì cái thứ cầu này chỉ mới được sáng chế ra khi con người tiến tới thời kỳ bỏ rơi anh quận công ở ngoài đồng.
Cầu như vậy không có gì là…văn học cả tuy có văn minh. Nếu nó cứ yên phận nép mình trong cái phòng chật chội nhất nhưng cũng cần thiết nhất trong một tòa nhà thì chẳng nói làm chi, nó ngang nhiên xông vào văn học.
Trên trang mạng bán đấu giá eBay vừa xuất hiện cái bồn cầu…văn học. Đó là cái bồn cầu của nhà văn Mỹ Jerome David Salinger. Dân ta biết ông nhà văn này qua cuốn truyện nổi tiếng xuất bản năm 1951 Catcher in the Rye, bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng do nhà Lá Bối xuất bản vào khoảng năm 1964-1965 với cái tên rất thơ “ Bắt Trẻ Đồng Xanh”. Bà Joan Littlefield, người rao bán cái bồn cầu đã từng được hân hạnh đỡ cái bàn tọa của nhà văn nổi tiếng này, cho biết cái bàn cầu quý giá này đã được gỡ khi người ta sửa chữa căn nhà mà nhà văn đã trú ngụ. Để chứng thực đây đúng là những cái bàn cầu…danh giá, bà Littlefield quả quyết là bà biết tất cả những người thợ đã lắp đặt chiếc bồn cầu này từ hàng chục năm trước khi nhà văn Salinger vào ở căn nhà đó. Bà cho giá 1 triệu đô!
Lời rao trên eBay nhấn mạnh: “Nó không được chùi rửa và vẫn ở trạng thái nguyên bản. Ai có thể biết được có bao nhiêu tác phẩm đã được thai nghén khi Salinger ngồi trên chiếc bồn cầu này!”. Nhà văn Salinger vừa mất vào tháng giêng năm 2010, thọ 91 tuổi. Đọc xong cái tin quan trọng này, tôi vội điện thoại cho các ông bà bạn văn để xí phần. Thứ nhất, kể từ nay yêu cầu các ông bà không được chùi rửa bàn cầu. Thứ hai, xin cho tôi đặt tiền mua trước để một mai khi quý vị chán đời không muốn sống nữa, cái bàn cầu của quý vị sẽ được tháo gỡ giao cho tôi. Nếu quý vị ký và đóng triện vào cái bàn cầu như ký vào tác phẩm của mình thì quý hóa lắm! Tôi nghĩ cú áp-phe này sẽ mang lại cho tôi bạc tỷ. Chờ cho quý vị tới cửu tuần, tuổi ra đi của ông nhà văn Salinger, chắc cũng không còn bao lâu nữa!
Cái bàn cầu có vai trò gì trong việc sáng tác, tôi nghĩ đây có thể là một đề tài hấp dẫn cho một cuộc hội thảo văn học. Nhiều bạn văn đã tỏ ý muốn tham gia. Riêng tôi, vốn tính giản dị, nên khi ngồi trên bàn cầu thì chỉ làm có một việc, mà việc này khó lòng nối kết với văn học. Tưởng nói khơi khơi như vậy là đúng hóa ra cũng bù trất. Cái thứ không liên quan gì tới văn học nghệ thuật được thả xuống bồn cầu tưởng là…kít hóa ra không kít. Đó là…vàng. Tôi không nói tới màu sắc mà nói tới giá trị. Trong một bài blog, ông Nguyễn Hưng Quốc đã kể lại chuyện của nghệ sĩ người Ý Piero Manzoni. Ông này sinh năm 1933 và mất năm 1963, sống trên đời vỏn vẹn có ba chục năm nhưng đã để lại một gia tài…vàng. Ông Manzoni là họa sĩ, tài vẽ của ông tôi quả tình không biết nhưng đã bị bố ông có lần phê bình: “Mày vẽ như cứt!” (You are an artist of shit!). Đó là vào năm 1961, lúc Manzoni đã 28 tuổi. Từ tháng 5 năm đó, mỗi lần ngồi vào bàn cầu, Manzoni lại hốt kít của mình cho vào một cái hộp, đem đến hãng đóng đồ hộp của ông bố nhờ công nhân khằn kín chiếc hộp lại. Tổng cộng ông đóng được 90 hộp, mỗi hộp nặng đúng 30 gram, đánh số từ 001 đến 090, bên ngoài dán nhãn in bằng bốn thứ tiếng Ý, Anh, Pháp và Đức ghi rõ: “Cứt của Nghệ Sĩ” (Merda d’Artista / Artist’s Shit) . Tôi lại có hai thắc mắc. Thứ nhất, từ năm 1961 đến khi ông Manzoni qua đời vào năm 1963 là hai năm. Trên dưới 700 ngày mà chỉ có 90 hộp, hơi…bón! Không hiểu trong thời gian này việc sáng tác tranh của ông họa sĩ có thong thả không? Thứ hai, kít chứ có phải màu vẽ đâu mà ông họa sĩ này cân đúng y boong mỗi hộp 30 gram được? Chắc cũng như việc sáng tác, phẩm cần hơn lượng, số lượng này chắc cũng văn nghệ có gia giảm chút đỉnh.
Manzoni cho rằng bất cứ thứ gì, kể cả những thứ thông thường trong đời sống, nếu có bàn tay của người nghệ sĩ chạm vào sẽ thành…thánh tích! Trong thư viết cho nghệ sĩ Ben Vautier vào tháng 12 năm 1961, bảy tháng sau khi chế tạo những hộp kít đóng khằn hẳn hoi, Manzoni xác định: “Nếu những người sưu tập (các tác phẩm nghệ thuật) muốn có cái gì thân thiết nhất, thực sự gắn liền với đời tư của người nghệ sĩ, thì đó chính là phân của người nghệ sĩ ấy”. Và ông rao bán những tác phẩm đượm mùi này với cái giá ngang ngửa với giá vàng. Nghĩa là vào thời điểm một nhà sưu tập nào mua…tác phẩm, giá 30 gram vàng bao nhiêu thì giá 30 gram kít nghệ sĩ cũng bấy nhiêu. Thì cũng phải thôi: vàng nào chả là vàng! Tưởng cái ông nghệ sĩ ngông nghênh này múa may cho đã điên thôi, ai ngờ có người mua thiệt. Các nhà nghiên cứu đã tìm được một tờ biên nhận đề ngày 23/8/1962, Manzoni bán cho Alberto Lucia một hộp với giá tương đương với giá 30 gram vàng 18 carat! Ông Alberto Lucia nào đó đã đầu tư đúng cửa. Theo tài liệu sưu tầm được thì vào tháng 11 năm 2005, hộp số 57 bán được với giá 110 ngàn euro. Gần đây, hộp số 18 bán được với giá 124 ngàn euro. Ngày 20/10/2008 một hộp được bán với giá 80 ngàn bảng Anh, ngày 25/11/2008 một hộp được bán với giá 68 ngàn bảng Anh trong các cuộc bán đấu giá tại nước này. Biết bao nhiêu là vàng! Vậy là vàng…nghệ sĩ có giá gấp trăm lần vàng ròng.
Các bạn văn của tôi nghe được tin này đã rất phấn khởi. Từ nay việc sáng tác dễ dàng hẳn ra. Có những vị thuộc loại thông thương dễ dàng còn lo hết số để đánh dấu hộp! Sáng tác như vậy, làm gì cái bàn cầu không ngẩng cao đầu vì công lao góp phần cho văn học của nó. Cái thứ nó thân thương ôm vào lòng đã hiên ngang đi vào văn học. Năm 2008, nhiếp ảnh gia Andres Serrano cho ra đời một loạt 66 tác phẩm tập trung vào một đề tài duy nhất: Shit! Ông cho trưng bày tại phòng triển lãm Yvon Lambert tại Nữu Ước và đã thu hút được nhiều người coi. Tôi sẽ phải mách ông bạn nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân để ông ấy khỏi phải vất vả thức khuya dậy sớm đi chụp hết cảnh mặt trời lên lại tới cảnh mặt trời xuống.
Cái cảnh nghệ sĩ vất vả tạo tác phẩm như vậy xưa rồi. Nghệ thuật tiên tiến bây giờ tiện lợi hơn nhiều. Như cách nhà họa sĩ Marcel Duchamp tạo ra tác phẩm Fountain. Tôi không biết dịch cái tên tác phẩm rất thông thường và dễ dịch này ra làm sao vì nhìn vào hình trên Wikipedia thì đích thị nó là cái bàn cầu. Lần này cái…cầu tự mình đi vào nghệ thuật chẳng cần phải có ông nhà văn Salinger ngồi ở trên. Ông Marcel Duchamp tới Mỹ hai năm trước khi tạo ra tác phẩm Fountain và có liên hệ với trường phái Dada. Trường phái phát sinh ở Nữu Ước này chủ trương chống lại sự hợp lý và cho nghệ thuật là…phi nghệ thuật. Ông Marcel bữa đó đi cùng nghệ sĩ Joseph Stella và nhà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật Walter Arensberg. Ông mua một cái bàn cầu hiệu Bedfordshire tại tiệm J.L. Mott Iron Works ở số 118 Fifth Avenue, mang về xưởng vẽ của ông ở số 33 West đường 67, đặt nó ở vị trí nghiêng 90 độ so với vị trí thông thường của nó rồi viết lên chữ “R. Mutt 1917”. Vậy là xong một cuộc sáng tạo nghệ thuật. Lúc đó ông Marcel Duchamp là thành viên trong ban quản trị “Hội Các Nghệ Sĩ Độc Lập”. Ông mang tới dự cuộc trưng bày thường niên 1917 của Hội, ký tên R. Mull để không ai biết là tác phẩm này là công trình chớp nhoáng của ông. Thông thường thì tất cả các tác phẩm gửi tới đều được trưng bày. Tuy nhiên, đối với tác phẩm Fountain thì các thành viên trong ban quản trị bàn cãi nhau ỏm tỏi về việc có thể coi đó là một công trình nghệ thuật hay không. Cuối cùng họ không cho trưng bày. Tức khí, hai ông Duchamp và Arensberg đều từ chức sau cuộc triển lãm.
Sau đó, Fountain được mang về trưng bày ở Gallery 291, một phòng trưng bày nhỏ cũng tại Nữu Ước. Chủ nhân của nó, nhiếp ảnh gia Alfred Stieglitz đã chụp hình Fountain tại phòng trưng bày này. Chính tấm hình chụp này là bằng chứng hiện nay cho biết có một tác phẩm như vậy vì sau đó tác phẩm này bị thất lạc. Theo Calvin Tomkins, nhà viết tiểu sử của Marcel Duchamp, thì chính anh chàng nhiếp ảnh gia này đã vứt nó vào thùng rác. Những Fountain được trưng bày tại các bảo tàng viện sau này đều là những bản sao. Bản sao thứ nhất được sự chấp thuận của Marcel Duchamp có vào năm 1950 để trưng bày tại Nữu Ước. Sau đó là các bản sao vào năm 1953 và 1963. Cho tới năm 1964 đã có tất cả tám bản sao!
Con mắt tôi có lẽ không có tí nghệ thuật nào. Nhìn cái bàn cầu nằm ở một vị thế vô dụng trông chẳng ra làm sao cả. Vậy mà thiên hạ tấm tắc khen và bê vào trưng bày tại các bảo tàng viện danh tiếng như Indiana University Art Museum, San Francisco Museum of Modern Art, Philadelphia Museum of Art, Centre Georges Pompidou và Tate Modern. Marcel Duchamp gọi trường phái…bàn cầu của mình là readymades. Tôi tạm dịch theo chữ nghĩa thời thượng là “mì ăn liền”. Cứ vác luôn những cái có sẵn, ký tên vào là thành tác phẩm nghệ thuật dù cái có sẵn là cái bàn cầu. Nhưng các nghệ sĩ có con mắt khác. Họ nhìn thấy nghệ thuật. Họ dạy chúng ta về nghệ thuật như sau: “Ông Mutt có tự làm ra cái bàn cầu hay không chẳng phải là điều quan trọng. Ông đã CHỌN nó. Ông chọn một vật thể bình thường trong cuộc sống, đặt nó theo cách để cái ý nghĩa tiện dụng của nó biến mất dưới một danh hiệu và một cách nhìn mới – tạo ra một ý tưởng mới cho vật thể”. Vậy là cái bàn cầu đã lột xác thành một tác phẩm nghệ thuật! Tôi chưa bao giờ vẽ hay chạm khắc được một tác phẩm nghệ thuật nào nhưng từ nay tôi tin rằng tôi có thể trở nên một nghệ sĩ mì ăn liền một cách dễ dàng!
Ông Nguyễn Hưng Quốc là người rất xục xạo đã lôi ra được những vấn đề văn học độc đáo. Cũng trong một bài viết blog, ông đã phát giác ra là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất thích cái thứ chúng ta thường thả vào bồn cầu! Ông viết : “Trong các truyện ngắn, ông (Nguyễn Huy Thiệp) cho chữ (cứt) ấy xuất hiện khá nhiều, một cách trần trụi, hung hãn, đầy bạo động. Nó tuôn ra từ miệng của vua Quang Trung khi quát tháo Ngô Khải: “Ta cho mày ăn cứt, xem có chê lợm không?”. Ngay cả khi Nguyễn Huy Thiệp viết về tình yêu, một thứ tình yêu rất thơ mộng giữa Trương Chi và Mỵ Nương, ông cũng phun chữ “cứt” ra. Không phải một lần mà là nhiều lần. Câu chuyện bắt đầu bằng cảnh Trương Chi đứng đái: “Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy. Sương xuống lạnh. Một nỗi buồn da diết choáng ngợp lòng chàng”. Đái xong, chàng hát. “Tiếng hát vút cao. Đêm xuống. Bóng tối mù mịt”. Hát xong, chàng duỗi thân, ngả người vào lòng thuyền. Chàng nói: “Cứt” Rồi chàng nhớ tới Mỵ Nương, nàng công chúa đẹp tuyệt trần. Nguyễn Huy Thiệp tả: “Giờ đây, gặp Mỵ Nương rồi, chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc. Cứt!” Cứ thế, từ đâu đến cuối truyện, Trương Chi cứ chửi “Cứt” luôn miệng. Trước khi nhảy xuống sông tự trầm, Trương Chi cũng lại chửi “cứt”: “Hình ảnh Mỵ Nương biến mất đâu rồi, trước mặt chàng là sông nước trắng xóa một màu, trời mây trắng xóa một màu. Trương Chi chèo thuyền ra giữa tim sông. Chàng lại nói: “Cứt!”.
Nhà văn có khác. Cứ như ông trời con! Các ông các bà nhà văn sáng tạo ra nhân vật và có toàn quyền sinh sát với các nhân vật của mình. Tội cho các ngài Quang Trung và Trương Chi trong tay Nguyễn Huy Thiệp. Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Vậy nên Quang Trung và Trương Chi phong trần hết biết, cứ vung ra bừa bãi!
Kít vung tung tóe trên sông thật không phải chỗ. Chỗ của kít là nơi bồn cầu. Mà bồn cầu là bộ mặt văn hóa của một nước. Ông Nguyễn Xuân Quang, một người cả đời chỉ thích đi lòng vòng khắp thế giới đã có một bài viết về cái bộ mặt này qua một bài có cái tựa rất tình: “Những Nhà Vệ Sinh Tôi Đã Đi Qua”: “Đi qua nhiều nhà vệ sinh trên thế giới, tôi nhận ra một điều là nhìn vào phòng vệ sinh công cộng của dân bản xứ của một nước là ta có thể nhìn thấy rất rõ trình độ dân trí của dân tộc đó. Nhìn vào phòng vệ sinh công cộng của dân bản xứ của một nước là ta có thể nhìn thấy rất rõ bộ mặt thật của giới lãnh đạo nước đó. Nhà vệ sinh càng hôi thối bẩn thỉu, đầy ròi bọ thì bộ mặt thật của giới lãnh đạo nước này cũng vậy”. Lại còn thế nữa! Như vậy mỗi lần bụng óc ách là một lần đi thăm…lãnh đạo đất nước. Nếu bộ mặt của lãnh đạo sạch sẽ, mình sẽ kính cẩn vén khéo để không làm tung tóe thiếu lễ độ. Nếu bộ mặt của lãnh đạo nhơ nhuốc bốc mùi, mình sẽ nín thở vung vẩy cho xong để còn mau mau rút lui cho cặp mắt và lỗ mũi được thơ thới hân hoan. Có lẽ vì sợ lộ mặt nên các bậc vua chúa ngày xưa không dùng nhà cầu. Cứ lấy một nước văn minh lâu đời như Pháp thì rõ. Cho tới thế kỷ thứ XVI, trong cung điện Versaille, vua chúa và hoàng thân quốc thích vẫn dùng những cái vại sành nhỏ để giải quyết vấn đề cá nhân nho nhỏ. Bên phía đông, Trung Hoa được coi như văn minh nhất, cũng rứa. Vào thăm Cấm Thành ở Bắc Kinh, nhà cửa san sát, dinh nọ dinh kia nhưng đố bạn tìm được một cái nhà cầu. Tôi không nói tới cái nhà vệ sinh 4 sao nằm ở một góc trong đường vào Cấm Thành. Cái đó người ta mới xây sau này để phục vụ du khách. Không thấy có bảng chỉ lối vào nơi cần thiết này nhưng cần chi bảng. Cứ ngửi mùi là có thể đến một cách dễ dàng mặc dầu nó đã được gắn tới 4 sao như một thứ hạng sang! Vậy thì ngày xưa bộ vua chúa không có những cái lỗ trên người dành cho việc thực hiện một trong những tứ khoái của con người chăng? Tôi không nghĩ ông xanh lại tạo ra một giống khác người để đè đầu nắm cổ những người khác. Làm gì có thứ người không ra người đó! Thực ra thì vua chúa họ cũng giống nhau thôi. Ở bên Pháp họ dùng những vại sành thì ở bên Tàu họ dùng những thùng gỗ có phủ tro trong đó. Mỗi lần len lén làm xong những việc cần thiết, vua chúa và các cung tần mỹ nữ lại phủ thêm một lớp tro lên trên rồi đậy nắp lại. Buổi sáng, khi mở cửa thành, sẽ có những người tới đổ tro vào những thúng rồi gánh ra đổ ở một khoảng đất rộng sau Cấm Thành. Hết triều này qua triều khác, với thời gian, tro càng ngày càng cao lên thành một ngọn đồi nho nhỏ. Người dân gọi ngọn đồi này là Đồi Hương. Cái tên khéo đặt! Dưới thời cộng sản, bà vợ cưng một thời của Mao Trạch Đông, bà Giang Thanh biến ngọn đồi đầy mùi quan liêu này thành một thắng cảnh dùng làm nơi nghỉ ngơi và giải trí mỗi khi bà muốn relax!
Cái thứ mà ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho vung vãi một cách phí của trong truyện của ông lại có thể làm thành được một thắng cảnh. Câu “hợp quần thành sức mạnh” coi bộ lúc nào cũng đúng. Cái thứ tưởng không ra gì đó đang hợp thành một ngọn gió làm nghiêng ngả xã hội Ấn Độ. Tác giả Nguyễn Bình Nam, trong bài “Câu Chuyện Cái Cầu” đã mô tả ngọn gió đó như sau: “Ấn Độ đang trải qua một cuộc “cách mạng cầu tiêu”. Những năm gần đây Ấn Độ phát triển nhanh và người phụ nữ Ấn Độ có một đòi hỏi. Họ đòi hỏi cái cầu tiêu. Thanh niên Ấn muốn lấy vợ cần phải có một cái nhà có phòng vệ sinh tươm tất. Nếu muốn cưới vợ cho con thì bố mẹ phải có nhà có cầu tiêu. Nếu không thì đừng hòng. Người phụ nữ Ấn Độ đã chán cái thời dùng cẩu tiêu công cộng và tắm ngoài sông hay suối. Trước đây 10 năm, khoảng 665 triệu, tức nửa dân số Ấn Độ không có cầu tiêu trong nhà….Tại Ấn Độ có nạn phá thai nữ vì vậy có tình trạng trai thừa gái thiếu khiến cho phong trào đòi hỏi cầu tiêu của phái nữ có thêm sức mạnh. Thanh niên Ấn Độ không còn tự ái hỏi: “Cô ấy muốn lấy mình hay lấy cái cầu tiêu?”. Nếu muốn có vợ tốt hơn là âm thầm sắm cái cầu tiêu.”
Ở nước ta, thời Pháp thuộc, các cô gái đua nhau kén chồng có bằng cấp làm dấy lên phong trào “phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Ở Ấn Độ ngày nay, người phụ nữ không đòi hỏi thứ viển vông như vậy. Họ chỉ đòi cái cầu tiêu như thứ sính lễ duy nhất. Việc này cũng đã thành một phong trào, phong trào No Toilet No Bride (Phi xí sở bất thành phu phụ)! Dĩ nhiên nhắc tới chuyện này tôi không có ý so sánh bằng cấp với cái cầu tiêu.
Khỏi phải nói, cái cầu tiêu vênh mặt phải biết. Vênh mặt lên là phải. Đâu phải lúc nào cũng dễ thoát ra được thân phận nằm dưới!
Song Thao
10/2010
Gửi ý kiến của bạn