- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Catherine Cusset Robbe-Grillet hay sự khủng bố văn chương

19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83158)
cathe_tranvu
Catherine Cusset
Robbe-Grillet hay sự khủng bố văn chương
Trần Vũ chuyển ngữ

Catherine Cusset, tác giả của tiểu thuyết Tương Lai Sáng Lạn thanh toán giáo hoàng của Tân Tiểu Thuyết mà bút pháp ru ngủ chỉ nhằm ca ngợi chính giáo hoàng. [Tuần san Marianne]

Khi tòa báo đề nghị tôi tham gia viết về các nhà văn mà giá trị được cường điệu cao hơn giá trị thật của chính họ, tôi đã nghĩ sẽ từ chối. Tại sao phải tự mình tạo thêm kẻ thù một cách miễn phí? Rồi Robbe-Grillet xuất hiện trong đầu. Trước tiên, ông đã chết, như thế tôi không thể gây tổn thương cho ông. Sau nữa, tôi cần thanh toán mối hận với ông từ thuở học dự bị Văn khoa. Tôi đã đọc tất cả những tác phẩm của Robbe-Grillet. Tôi từng viết một truyện ngắn lấy cảm hứng từ lối viết của ông và đã đưa truyện này cho một người bạn đọc. Kết quả chẩn đoán của cô bạn: chán bắt chết. Tôi đã cảm thấy thật sự bị xúc phạm. Thật may mắn, sự kiêu hãnh đang học lớp Văn chương Cao cấp, cho phép tôi kết luận là cô ta không hiểu gì hết.
Và rồi tôi đang viết về Alain Robbe-Grillet.
Tôi đã đi nghe nhà văn thuyết trình về Roland Barthes cách đây vài năm, dịp hội thảo tại đại học New York về Barthes. Trước một hội trường đầy người, nhà văn bắt đầu: “Lần cuối cùng tôi gặp Barthes, hắn đã nói thế này về tiểu thuyết của tôi…” tiếp theo là hai mươi phút cống hiến đặc biệt cho việc phân tích kỹ thuật viết văn của Alain mà không hề nhắc lại tên Barthes một lần nào nữa.
Tại sao phải ra sức kịch chiến với một nhà văn mà ngày nay gần như không còn ai đọc nữa? Vì ông ta là giáo hoàng vĩnh cửu của thể Tân Tiểu Thuyết. Ở con người Robbe-Grillet, sự thực hành văn chương luôn đi kèm với một lý thuyết, ngay cả khi Robbe-Grillet hạ bút viết vào dòng đầu tiên của tiểu luận Vì một nền Tân Tiểu Thuyết: “Tôi không phải là một lý thuyết gia về tiểu thuyết”. Robbe-Grillet là một gương mặt rất Tây. Trên xứ Pháp, người ta vẫn không ngừng tự hỏi tiểu thuyết đang ở đâu, phải làm gì giúp tiểu thuyết tồn tại, quan tâm về tiểu thuyết nhiều hơn so với ở Hoa Kỳ, nơi mà tính thực dụng lấn át sự trừu tượng và là nơi mà bút pháp được dạy trong chương trình Cao học Nghệ thuật như công việc của một thợ thủ công. Tiểu thuyết gia Hoa Kỳ không tìm tòi để đổi mới thể loại mà chỉ thêu dệt tác phẩm của mình một cách đơn giản bằng từng sợi chỉ, với tất cả khiêm nhường của một thợ khéo tay.
Tôi đọc lại một số tiểu thuyết của Robbe-Grillet. Tôi chấp thuận cách lập câu hoàn chỉnh, phẳng, chính xác: “Hiện giờ bóng của chiếc cột ― cây cột đang nâng đỡ góc tây-nam của mái ― chia vùng góc đối diện với hiên nhà thành hai phần bằng nhau.” Tiểu thuyết Ghen đã nhập đề như vậy. Thật lý thú khi nhận ra bút pháp. Nhưng bút pháp ở đây có cái gì đó chán ngắt. Tôi không thể tự ngăn mình đặt câu hỏi: tại sao những tác phẩm của Alain Robbe-Grillet lại có thể chán đến như thế? Và: sự tẻ nhạt có thủ tiêu việc bán tác phẩm văn chương? Đôi khi phải băng qua không biết bao nhiêu trang nhạt nhẽo trước khi được đưa đến một nơi khác. Ai không tự cảm thấy nhàm chán khi đọc Balzac mô tả lê thê kỹ thuật sản xuất giấy, và ai ngán trường thiên Ảo Vọng Đánh Mất? Nhưng người đọc nghĩ gì khi đọc hết nguyên một quyển tiểu thuyết mà hoàn toàn vô cảm? Không có tình cảm nào cháy bỏng và dễ dàng truyền đạt bằng sự ghen tuông. Trong tiểu thuyết Ghen: chủ đề vắng mặt, giọng văn đông cứng. Làm như Robbe-Grillet tìm cách tránh né những chiếc bẫy nhân sinh thay vì biểu cảm tình cảm của nhân vật kể chuyện. Tương tự trong tiểu thuyết Thần Linh, câu văn êm, đầm, không gồ ghề. Người kể chuyện tự xưng tôi và diễn đạt ước muốn của mình. Nhưng ước muốn đó không ai cảm nhận được. Tiểu thuyết gia của Người Phi Lý, Robbe-Grillet tự xem kế thừa Kafka. Nhưng, khác với Kafka, ông không truyền tải được cho chúng ta nỗi lo sợ trước sự phi lý. Ông không bước vào mà đứng bên ngoài, đùa vui nhẹ nhàng. Chúng ta muốn đúc kết: nhà văn không tin điều này, nếu không lập tức trông thấy ở khóe môi của nhà văn thông minh một nụ cười khẽ cho thứ từ vựng xưa đầy siêu hình mà ông đã vượt qua.
Lý thuyết về Tân Tiểu Thuyết giống như câu chuyện về những bộ y trang của nhà vua. Tương tự những thợ dệt bán cho đức vua bộ y phục lộng lẫy, nhà văn kiêm lý thuyết gia tuyên ngôn: “Những ai không nhìn thấy sự mới mẻ căn bản và cần thiết trong bút pháp của trường phái Tân Tiểu Thuyết là những kẻ thật sự ngu xuẩn.” Không ai còn dám thú nhận mình không thấu hiểu vì không muốn bị xem là những kẻ đần. Cuối câu chuyện, kẻ sắm vai trẻ con kêu lên: “Nhà vua hoàn toàn trần truồng!”, kẻ đó chính là công chúng, không dễ bị lừa vì biết đi tìm sự cảm thú khi đọc tiểu thuyết.
Đọc lại những trang phê bình của Nathalie Sarraute và Alain Robbe-Grillet công bố vào những năm từ 1950 đến 1961, tôi rất kinh ngạc bởi tính hiện đại trong các bài viết của họ, giống như câu hỏi đặt ra đối với tiểu thuyết không hề thay đổi trong vòng 50 năm qua. Họ tấn công vào những khái niệm về nhân vật, về tính chất, về cốt truyện, về tình tiết, và họ bảo vệ sự tiến triển cần thiết của thể loại tiểu thuyết. Bản ghi nhận của Robbe-Grillet năm 1957, mà tất cả các nhà văn hôm nay đều muốn nhận là của mình: “Thay vì mang bản chất chính trị, cách dấn thân, đối với một nhà văn, là ý thức trọn vẹn về những vấn đề của hiện tại qua ngôn ngữ của hắn, cùng niềm tin vào sự cực kỳ quan trọng này với ý chí giải quyết những vấn đề từ bên trong.”
Nhưng với tôi, dường như từ những câu hỏi giống nhau, các nhà văn của trường phái Tân Tiểu Thuyết đã trả lời hoàn toàn khác nhau. Sarraute viết trong Thời Hoài Nghi: “Cuộc đời mà bên trên xây cất nghệ thuật, sau cùng rồi, cũng chính cuộc đời đào thải những hình thái đầy hứa hẹn trước đây, để chuyển dịch đi nơi khác.” Bút pháp tiểu thuyết, trước tiên là công cuộc tìm kiếm sự thật phải giành được bằng thao tác khổ nhọc, một sự thật tìm thấy trong đời sống của con người, từ “những trạng thái tâm lý mới”, “phức tạp và tinh tế”, “tế nhị và bé nhỏ”, mà tiểu thuyết gia như một nhà khảo cổ đào bới tâm hồn, tìm cách khám phá.
Robbe-Grillet, phần ông, phán đoán bổn phận của tiểu thuyết gia là phải loại bỏ vũ trụ của những truyền đạt đã kế thừa (tâm lý, xã hội, chức năng) để thay thế bằng sự thật tinh ròng, vật chất, thế giới hữu hình và khách quan mà đến hôm nay chưa có ai thật sự nhìn thấy: “Chung quanh chúng ta, thách thức bầy tĩnh từ tâm linh hay vật chất, toàn cảnh là như vậy. Bề mặt của chúng rõ ràng và trơn tuột, nguyên vẹn […]. Toàn bộ văn chương của chúng ta chưa tiêu hao được một góc nhỏ nhất, để làm mềm đi bất kỳ đường cong nào.” Cách diễn tả quý báu của Robbe-Grillet giúp ông kháng cự lại cảm xúc: “Tĩnh từ khách quan, tả chân, là thứ tĩnh từ tự thu vào việc đo lường, định vị, giới hạn, định nghĩa, để cho thấy một cách khái quát con đường khó khăn của thể loại Tân Nghệ thuật Tiểu thuyết”.
Tư thế tiểu thuyết này với cách thức không muốn vận dụng xúc cảm, chống lại việc đào sâu bằng cách tôn trọng tính bề mặt của thế giới, không đứng vững. Robbe-Grillet, tự bản thân, vào năm 1961, trong một bài viết lấy tựa “Tân Tiểu thuyết, Tân Nhân sinh”, đã mâu thuẫn với các diễn văn trước đây. Ông viết: “Chủ thể trong trong tiểu thuyết của tôi không thể hiện diện bên ngoài những nhận thức của con người, thật sự hay tưởng tượng. […] Tùy theo tên gọi mà chúng ta đặt cho sự vật, chúng luôn hiện diện trong tác phẩm. Hãy nghĩ đến Balzac”. Balzac, mà Robbe-Grillet từng khước từ cách viết tiểu thuyết vì xem đã lỗi thời, mà bây giờ ông dùng như một tấm khiên. “Tân Tiểu Thuyết đến với những ai vững lòng tin”, Robbe-Grillet xác định, tìm cách thuyết phục độc giả đây là loại tiểu thuyết dễ đọc, chỉ có phê bình ác cảm đã lừa dối độc giả là khó khăn. Chúng ta thấy lập lại hội chứng y phục của hoàng đế. Tất cả những ai dám nói tiểu thuyết của Robbe-Grillet là chán chường, sẽ đơn giản bị quy kết là thiếu đức tin.
Tôi không tìm cách tấn công lý thuyết Tân Tiểu Thuyết đã trưng bày các giới hạn. Tôi không tin vào các lý thuyết mà tin vào những sáng tạo cá nhân. Nếu tôi tố cáo để chấm dứt một sự bịp bợm, chính vì sự bịp bợm của các diễn văn tập thể về văn chương, thuộc bất kỳ phe phái nào, đã đề ra các luật lệ, một chân lý hay những giáo điều nhằm khủng bố văn chương.

Catherine Cusset
Trần Vũ chuyển ngữ.

Nguồn: trang văn học của tuần san Marianne số 639 ra ngày 18 tháng 7, 2009
(*) Catherine Cusset sinh năm 1963, giảng dạy văn chương trong mười năm tại đại học Yale và là tác giả tiểu thuyết Tương Lai Sáng Lạn (Un brillant avenir).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 41368)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 94857)
Q uốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tập thơ cổ nhất hiện nay chúng ta còn giữ được. Trước nay, tập thơ này luôn được các nhà nghiên cứu coi là tư liệu đặc biệt quý hiếm để nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học Việt Nam thời Cổ- Trung đại, cụ thể là ngôn ngữ thơ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Đã có nhiều bản phiên âm chú thích của nhiều thế hệ học giả trong hơn năm mươi năm qua về văn bản này, cũng đã có nhiều bài viết và một số ít chuyên luận nghiên cứu riêng biệt về nguồn ngữ liệu phong phú này. Bài viết sẽ tiến hành khảo sát một số trường hợp trong ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Trãi ...
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 90061)
T rong đời Nguyễn Du có ba sự việc liên can đến Trung Quốc:Năm  1803 , Nguyễn Du được cử lên  ải Nam Quan tiếp sứ  nhà Thanh sang phong sắc cho vua  Gia Long . Năm  1813 ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ tại  nhà Thanh cho đến  1814 . Năm  1820 Gia Long qua đời,  Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang  nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết...
17 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 103845)
C on tàu lùi lũi rời thành phố giữa lúc từng cơn mưa bụi gối lên nhau mê mải, những cung đường lồng lộng mở ra trước mắt. Phía sau lưng, thành phố đông đúc và ẩm ướt khuất dần. Ngày ra mắt họ hàng, anh cũng đưa chị về trên chuyến tàu như thế. Cũng một ngày mưa bụi gối lên nhau.
17 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 93578)
AUSTIN, Texas (VAHF) -- Vietnam Center thuộc Đại học Texas Tech tại Lubbock vừa thông báo một tin vui cho hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF). Đó là, trung tâm này vừa nhận được ngân khoản tài trợ 144,120 Mỹ kim từ Ủy Ban Xuất Bản Sử liệu và Tài liệu Quốc Gia (National Historical Publications and Records Commission – NHPRC) để giúp trung tâm hoàn tất việc vi tính hoá (digitize) trên 200,000 trang tài liệu để đưa lên Thư viện Điện tử Quốc gia bộ sưu tập về Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, mà hội VAHF đã và đang hợp tác với Việt Nam Center từ năm 2005.
01 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 113655)
01 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 103554)
A nh đã lớn lên với những bát phở ở Hanoi, sau khi đất nước chia đôi, anh lại trưởng thành với những bát phở ở Saigon. Anh ăn phở gần như hàng ngày, tại những quán phở có tên tuổi như Tàu Bay, 79, Tương Lai, phở Hòa, Hòa Cựu... hay những xe phở đầu đường không ai cần nhớ tên và cũng chỉ gọi bằng những biệt danh, như các gánh phở ngày xưa.
22 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 94105)
N ếu không trì hoãn được ít nhất một thập niên, Xayaburi như con cờ Domino đầu tiên đổ xuống, sẽ kéo theo những bước khai thác ồ ạt các con đập hạ lưu khác và hậu quả tác hại trước mắt và lâu dài ra sao trên toàn hệ sinh thái Sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long là không sao lường trước được. NGÔ THẾ VINH
17 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 108541)
C âu hỏi được đặt ra là tại sao bài Đáp Lời Sông Núi [2] của Trúc Hồ lại có thể vượt không gian và đặc biệt là đường ranh Quốc - Cộng để không riêng được mọi người ưa thích mà còn được hát lên như vậy? Câu hỏi này đã khiến cho những người từng theo dõi sự xuất hiện và phổ biến của những bài hùng ca [...] nhớ tới những bài hát của thời thập niên bốn mươi của thế kỷ trước.
16 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 95818)
N hìn cái tựa sách, ngắm bức hình người bạn đồng nghiệp (dư) cầm bút, đồng nơi sinh (Sơn Tây) và đồng tuổi (song thua tôi mấy tháng) chít cái khăn đầy vẻ giang hồ trên hình bìa, tôi không khỏi mỉm cười. Lững thững, theo vdict.com, là thong thả, ung dung, như trong “đi lững thững ở bờ sông,” và informatik.uni-leipzig.de cũng dùng cùng một định nghĩa.