- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngô Thế Vinh: người bắt mạch cho những giòng sông

19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86908)
ngothevinh

Câu Chuyện của Dòng Sông

 Mekong – The Occluding River
Ngô Thế Vinh, Nxb iUniverse 2010


Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO. Tuy cùng dính dự vào vụ biến động này, nhưng Ngô Thế Vinh hoàn toàn chủ động trước những dữ kiện lịch sử để sửa soạn cho một cuốn sách. Trong khi đó tôi hoàn toàn thụ động và chỉ cần một chút thiếu may mắn khi bốc thăm, có thể đã khiến tôi trở thành viên sĩ quan trưởng toán thi hành bản án tử hình, phải bắn một phát súng ân huệ đối với các phạm nhân trong vụ nổi loạn này.
Vài năm sau biến động FULRO, năm 1971 lúc bấy giờ đã là bác sĩ của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, một trong vài đơn vị thiện chiến nhất của QLVNCH, nhà văn Ngô Thế Vinh đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc, với tác phẩm “Vòng Đai Xanh”, viết về những gì ông đã chứng kiến, trải nghiệm qua các cuộc nổi loạn của các dân tộc thiểu số, chủ nhân nguyên thủy của vùng Tây Nguyên ngút ngàn nhựa sống. Chiến tranh đã khiến cho Ngô Thế Vinh từ một người lính bình thường trở thành người cầm bút. Chính chiến tranh và đời sống của một y sĩ ngoài chiến trường đã góp phần đào tạo ông thành một nhà văn.
Ngô Thế Vinh đã có một chút may mắn khi khởi nghiệp cầm bút, trong tư cách tổng thư ký, rồi chủ bút tạp chí Tình Thương, ông có thêm điều kiện để sửa soạn cho việc viết lách của ông. Ông có dịp nhìn chiến tranh trong tầm gần hơn nhiều nhà văn, nhà thơ khác trong quân đội. Thế rồi cơn bão chiến tranh càng ngày càng gia tăng tốc độ, đến lúc trời sầu đất thảm, nhà cháy ở khắp nơi, và người ta ngã xuống từ thành thị cho tới thôn quê, từ núi rừng cho tới thôn ổ. Người ở hai bên thì càng ngày càng say máu “quân thù”, càng cố giết nhau để đạt được những ưu thế trong bàn hội nghị. Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu là sinh mạng của người lính hai miền Nam Bắc, và trong đó có không ít những người cầm bút.

Trước Tháng tư năm 1975, trong khi du học về “Y khoa Phục hồi” tại Hoa Kỳ, ông đã biết chiến tranh sẽ kết thúc bất lợi cho phần đất ông sinh sống, đang góp phần bảo vệ. Nhưng ông đã chọn trở về, để rồi trong những ngày chót của cuộc chiến đã khiến cho Ngô Thế Vinh thay vì được chứng kiến mắt bão của lịch sử như một nhà văn, ông đã chứng kiến những đổi thay qua những trại tù cải tạo.
Hơn hai chục năm sau biến động FULRO, tôi quen biết với Ngô Thế Vinh khi ông sửa soạn rời California đi thực tập thường trú tại một bệnh viện ở New York. Bây giờ ông là nhà văn lưu vong ở quê người.
Kể từ đó tới nay dễ chừng cũng thêm hai chục năm qua đi, tôi nhận chân được một điều: ông như là một nhà nho của hai thế kỷ trước còn sót lại, chăm chắm làm những công việc mà ông tin là đúng. Chính vì vậy mà ngay từ khi còn là một sinh viên y khoa, trong tư cách tổng thư ký và chủ bút tạp chí “Tình Thương”, ông đã dấn thân vào nhiều việc chẳng những đã làm cho ông sao lãng việc học hành, mà còn mang đến ông nhiều hệ lụy.
Để cho chính quyền miền Nam có cái nhìn đúng đắn hơn trong việc đối xử với hơn 30 sắc dân thiểu số ở vùng Tây Nguyên, ông hoàn tất tác phẩm “Vòng Đai Xanh”, nhưng liền sau đó những bài viết, những truyện ngắn trên tờ báo Trình Bày đã khiến cho ông phải ra hầu tòa.
Tôi tin rằng những năm tháng chiến tranh, trong tư cách y sĩ của binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, có dịp sống với rất nhiều binh sĩ thuộc các sắc dân Thượng, họ là những chủ nhân nguyên thủy của vùng Tây Nguyên, và ông đã không an tâm khi phát giác quá nhiều lỗ hổng trong đường lối cai trị hành chánh của miền Nam, và lên tiếng báo động trong tư cách nhà văn bằng một tác phẩm văn chương. Trong cách nhìn của một y sĩ, Tây Nguyên chính là “lá phổi” của quốc gia, lá phổi này đang có những vết nám lớn tạo bởi con người. Và dường như cho tới bây giờ vết nám đó càng rõ nét hơn với cách cai trị tàn bạo của chế độ Cộng sản ở trong nước, với sự chiếm đọat đất đai của các di dân từ miền Bắc, cộng với sự khai thác bauxite kéo theo sự xâm nhập của các đội quân lao động Trung Quốc, tất cả đã và đang tiếp tục hủy hoại toàn vùng Tây Nguyên. Cần phải thay đổi cách nhìn cũng như phải nỗ lực trong nhiều thế hệ để cứu nguy vùng địa bàn chiến lược này.

Tôi không biết cơ duyên và động lực nào đã khiến cho nhà văn Ngô Thế Vinh quan tâm tới vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chỉ biết rằng năm 1999, với tác phẩm đồ sộ hơn bẩy trăm trang: “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” ông lên tiếng báo động cho con sông Cửu Long, cái “đại động mạch” của miền Nam nước Việt, đã bị những con đập thượng nguồn của Trung Quốc làm nghẽn lại. Hơn mười năm đã qua đi, lời báo động của ông dường như chưa về tới quê nhà. Tiếp đó, Ngô Thế Vinh đưa ra một lời kêu gọi thống thiết hơn trong tác phẩm “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch”, mà ở đó để thấy tận mắt, nghe tận tai, ông đã có nhiều chuyến đi tìm tới thượng nguồn của dòng sông Cửu Long. Tuy không gian truân đến nỗi táng mạng Đoàn Thám hiểm người Pháp Doudart De Lagrée Francis Garnier vào những năm cuối thế kỷ 19, nhưng sự nguy hiểm mà nhà văn Ngô Thế Vinh phải trải qua chưa hẳn đã kém. Các nhà thám hiểm người Pháp đến để khai phá vùng đất bán khai, với súng ống tối tân, nên vì đó mà cung tên giáo mác của dân bản địa không làm họ chùn bước. Khi Ngô Thế Vinh một mình lang thang ở Trung Lào, ông không còn là một y sĩ ba chục tuổi, đội nón xanh của Lực Lượng Đặc Biệt, mà đã xa tuổi trung niên trong tay không một tấc sắt, không một bạn đồng hành ngoại trừ người tài xế lái chiếc xe thuê từ Vạn Tượng. Thế mà thấp thoáng trong rừng chiều, ông nhìn thấy những toán lính đa sắc phục, súng ống đầy mình nghênh ngang giữa rừng núi chập chùng.
Để có thể quan sát tại chỗ những con đập thượng nguồn, ở Vân Nam ông đã lặn lội tới chân con đập Mạn Loan, mà chính những người dân bản địa cũng không biết và cả bị cấm lai vãng. Những con đập này đã và đang là vấn đề nóng bỏng, nhậy cảm cho chính Trung Quốc, và vì vậy ông có thể bị bắt, bị gán cho tội danh làm gián điệp, như nhà văn Anthony Grey tác giả của cuốn Saigon, đã bị Trung Cộng bắt bỏ tù hai năm trước khi phóng thích, vì đã đến đây tìm tài liệu cho một cuốn sách.
Những con đập này tích lũy nước của dòng sông vào những hồ chứa khổng lồ, nên vì vậy mà ở hạ nguồn, diện tích Biển Hồ của Cam Bốt ngày càng thu hẹp, thay vì 12,000 km2 trong mùa nước lũ, chỉ còn 2,500 km2 mùa khô, và vùng Đồng Bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước biển đã nhiều lần cao hơn nước sông, đã tràn vào khiến cho vùng sinh thái ở đây bị nhiễm mặn.
Tôi đã bất bình khi được xem “Mê Kông Ký sự”, một bộ phim nhiều tập được đoàn làm phim của hệ thống truyền hình Việt Nam, với những phương tiện của quốc gia, tìm đến tận đầu nguồn của con sông, rồi theo dòng chẩy xuôi qua bẩy quốc gia Tây Tạng, Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt trước khi nhập vào lãnh thổ Việt Nam, rồi đổ ra Biển Đông với chín cửa bể để có tên “Cửu Long”. Qua bộ phim hơn 20 tập này, không thấy một ai trong đoàn nhắc tới các con đập bậc thềm Vân Nam chắn ngang dòng chính khúc thượng nguồn sông Mekong. Lẽ ra với chút ý thức về môi sinh, đoàn làm phim không thể không hướng ống kính vào các con đập này, nói với người dân nước Việt về những tai họa nó sẽ gây ra ở phía hạ nguồn. Và có khi nào đoàn làm phim này nghĩ tới những dòng sông nhỏ của Việt Nam hiện đang ngộp thở bởi cách xây dựng những đập thủy điện nhỏ ở khắp mọi nơi. 
Ngô Thế Vinh cũng đã đến với Tràm chim Tam Nông, để ngậm ngùi thấy những cánh hạc Đông phương hay còn gọi là những con sếu đầu đỏ càng ngày càng khan hiếm. Ông cũng đến thăm trường đại học An Giang, trường đại học Cần Thơ, để biết được chương trình giảng dậy các trường đại học này dường như không phù hợp lắm với vùng đồng bằng lúa nước, và là vựa lúa cho toàn bộ miền Nam cũng như nước Việt, trong một thời gian không xa sẽ trở thành một quốc gia có một trăm triệu dân. Từ 7 năm trước đây, ông đã có một tầm nhìn xa khi đề nghị thiết lập một Phân khoa Sông Mekong cho Đại Học Cần Thơ. Và mới đây, cũng vẫn lời kêu gọi ấy “Cần có Phân khoa Mekong cho Đại Học Cần Thơ” một lần nữa được nhắc đến trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ngày 30/08/ 2009. 

Nhà văn Ngô Thế Vinh đối với tôi không phải là một bác sĩ chỉ chuyên chẩn bệnh cho con người. Ông còn là người bắt mạch cho những dòng sông, tìm cách và kêu gọi mọi người bảo vệ sự khai thông của những dòng sông mà điển hình là con sông Mekong đang là “mạch sống” của hơn 60 triệu cư dân sống ven sông mà giờ đây vì hoàn cảnh lịch sử, vì những cái nhìn hạn hẹp cho những lợi ích ngắn hạn, đã và đang làm nhiều khúc sông bị nghẽn mạch.

HOÀNG KHỞI PHONG
Tác giả “Người Trăm Năm Cũ
08/2010
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 95585)
N hà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời vào ngày 8 tháng 3 tức thứ ba vừa qua tại Houston Texas, hưởng thọ 71 tuổi, theo Cáo bạch của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 90848)
G iấc mơ thổ kể chuyện một lũ người hoá điên vì ám ảnh quá khứ. Quá khứ ở trong mọi ý nghĩ, đè nặng lên từng số phận. Quá khứ hằn dấu lên ngôn ngữ, trong những lời nói đã trở thành thói quen, được phát ra như những khẩu hiệu trơ cứng, như trong câu của Quý với Vĩnh lúc đi săn rồng “ Khẩn trương lên giặc lái đến bây giờ ”. Quá khứ ở trong từng thức ăn, đồ uống, trong giải trí, trong thịt rồng, tim phượng, trong “rượu Armagnac Marquis de Caussade, đóng chai năm 71” , và trong “trận World Cup của năm 66” .
10 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 93505)
... T iếng khóc thút thít hiền lành. Tiếng khóc của Toàn thời thơ ấu. Cánh cửa sổ mở rộng, không có chút nắng nào. Tôi nhìn bầu trời, màu trời đục lờ lợ. Đột nhiên tôi nhớ lại tất cả, nhớ từng chi tiết thật kỹ càng. Nhớ từ lúc đặt chân xuống thuyền vượt biên gặp hải tặc cho đến lúc Toàn hãm tôi mới đây. Nhớ cả câu nói của người lính thủy bị bắn. Nhưng mà... Trời ơi! Chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi còn ở Vũng Tàu hôm qua kia mà! Tôi gục xuống, Toàn quay lại mặt đầy thẹo. Vết thẹo. Trời ơi, buổi sáng.
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 97517)
... Ở đây các nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải dành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho con người...
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 118821)
Thiên nhiên vừa khe khẽ đặt xuống con như viên sỏi trắng tinh khôi trên bãi cát bình an ấm áp viên sỏi cười với ánh mặt trời
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 89929)
Hư cấu trên năm, bẩy mảnh đời cóp nhặt tạo ra những nhân vật của truyện ngắn này. Chúng không là những người bằng xương bằng thịt, tức có thật, hoặc tưởng là mình có thật, kể cả (và nhất là) nhân vật mang danh xưng Tôi trong truyện. Tôi, phần não phải, nơi điều hành tâm và tình, trong truyện này mâu thuẫn với phần não trái, nhân vật tên Th, mang chức năng sai khiến lý tính. Khi mâu thuẫn biện chứng - lý và tình - bế tắc, thực tại mang tính định mệnh, một loại tổng hợp mang nét ngẫu nhiên, có người cho đó chính là chữ Duyên trong Phật pháp. Tác giả nói quanh, xin lỗi bạn. Có lẽ bạn muốn xem hắn kể chuyện thế nào cho thành truyện, thời giờ đâu mà viển vông.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96998)
Ở Trung Quốc, màu đỏ có thể được nhìn như màu trắng. Hoặc không màu? Khi mà tất thảy đều mang sắc đỏ, con người ta bị mù màu tạm thời. Nhìn cái gì cũng thấy xanh biếc. Trong veo. Chẳng biết vì sao trâu bò thường rất căm ghét màu đỏ? Trăn cũng vậy? Nó có thấy trong veo và xanh biếc? Không giống với môi trường mà nó đang sống? Phải liều chết tranh đấu với con người để tìm lại chỗ của mình? Đấu bò? Có lẽ vì thế Trung Quốc không thể chơi môn thể thao này? Nhưng mặc áo đỏ ở Trung Quốc? Chẳng làm ai bận tâm. Chỉ như quả ớt chín ném thêm vào hũ tương ớt.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 112498)
Sáng sớm qua sông hái bông điên điển Áo sẽ thơm mùi cỏ dại hoa đồng Khi đêm về lòng nhớ mênh mông Tâm xanh biếc cả khung trời cao rộng.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 113465)
Lần đầu tiên đến Hà Nội, hẳn bất kỳ ai, nhìn thấy điều gì cũng dễ dàng xúc động, cũng làm gợi nhớ đến những hình ảnh bàng bạc trong ký ức đã gặp gỡ ở tiểu thuyết, thơ ca... Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả, đó là những cô thiếu nữ Hà Nội.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 117553)
Đêm qua anh mơ thấy biển Sóng êm đềm liếm gót chân em Gió lao xao rụng nhành dương liễu Em nhặt vội vàng xõa mớ tóc xanh Giá như mặt trời đứng yên trên biển Chắc kịp buổi anh về.