Từ hiện tượng văn học Millennium Trilogy, đến…
Những người đàn bà trong truyện, đời Stieg Larsson
TRÙNG DƯƠNG
Ngày 9 tháng 11 năm 2004, thang máy của toà nhà nơi đặt trụ sở của tạp chí Expo ở Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, bị hư. Chủ bút Stieg Larsson, vừa bước vào tuổi 50, đành cuốc bộ lên bẩy tầng cầu thang tới tòa soạn ở lầu trên. Tới nơi, một cơn đau tim dữ dội vật ông té bất tỉnh. Ông qua đời vài tiếng sau đó tại nhà thương.
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra. Ông hy vọng với tiền bản quyền của cuốn đầu, ông và Eva Garbielsson, người đàn bà chung sống không hôn thú đã trên 30 năm có thể thanh toán các nợ nần, vì lương của ông không bao nhiêu, chỉ khoảng 30 ngàn Mỹ kim một năm. Ông cũng dự tính là hai cuốn kế đó, mà ông gọi là “quỹ về hưu”, sau khi xuất bản có thể giúp cho hai vợ chồng có một đời sống tương đối dễ thở.
Và ông cũng hy vọng, với cái đà đó, sẽ khai thác Millennium thành một loại tiểu thuyết định kỳ (serialized novels), với hai nhân vật chính, đó là chàng phóng viên điều tra (investigative reporter) kiêm chủ nhiệm của tạp chí Millennium, Mikael Blomkvist, và cô bé bụi đời có tatoo con rồng trên lưng, Lisbeth Salander, đồng thời là một computer hacker.
Thành công bất ngờ
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên, The Girl With a Dragon Tatoo, ra đời vào năm 2005, lập tức trở thành một bestseller, được giải thưởng văn chương sáng giá của Thụy Điển, Glass Key, dành cho cuốn tiểu thuyết trinh thám hay nhất trong năm của vùng Nordic. Từ Thụy Điển, The Girl with a Dragon Tatoo đã rời lục địa sang chinh phục độc giả Anh, rồi Âu châu, và liền sau đó vượt đại dương sang Hoa Kỳ. Tiếp theo đó: The Girl Who Played with Fire, cuốn thứ hai, ra đời, được giải Best Swedish Crime Novel Award, 2006. Nối gót là The Girl Who Kicked the Hornet’s Nest cũng đã được đón nhận nồng nhiệt, một việc chưa hề xẩy ra đối với một người mới cầm bút sáng tác, mặc dù Larsson đã có mấy thập niên sinh hoạt trong nghề báo.(*)
Cho tới nay, bộ Millennium Trilogy đã được dịch ra trên 40 thứ tiếng, và tới cuối năm rồi, đã bán 46 triệu ấn bán. Riêng tại Mỹ, theo The New Yorker, tính tới cuối năm rồi đã có tới 14 triệu ấn bản đã được tiêu thụ, không thấy nói rõ có kể cả e-book. Tháng 7 vừa qua, Amazon cho biết đã bán được 1 triệu ấn bản điện tử của bộ Trilogy, lần đầu tiên một tác giả e-book đạt được kỷ lục đó.
Cả ba cuốn đã được hãng phim Thụy Điển Yellow Bird dựng thành phim, do cô đào danh tiếng Thụy Điển Noomi Rapace thủ vai cô gái bụi đời/computer hacker Lisbeth Salander và Michael Nyqvist vai chàng phóng viên trung niên Mikael Blomkvist, đã trở thành hits. Tại Mỹ, hãng Columbia Pictures hồi đầu năm ngoái cũng đã điều đình mua xong bản quyền để làm lại ba phim này dựa theo ba cuốn tiểu thuyết trong bộ Trilogy, một nỗ lực tôi nghĩ có thể không thành công, vì sẽ đánh mất đi tính chất nguyên thủy (original), rất Thụy Điển.
Bộ tiểu thuyết Millennium, cũng như các cuốn phim dựa vào đó, đã khiến Larsson có một số người hâm mộ ngày thêm đông đảo. Một Web site do những người ái mộ ông tự động thực hiện, đã ra đời, tại http://www.stieglarsson.com/, với các diễn đàn khác nhau trong đó người ta bàn luận sôi nổi về tất cả những gì liên hệ tới Larsson và Millennium. Và nữa: “The Latest News on Everything Stieg”, tại http://stiegfan.com/, cung cấp những tin tức cập nhật về Larsson, trong đó có tin mới nhất: đó là người vợ không hôn thú của ông, Eva Gabrielsson, sẽ cho ra đời vào giữa năm nay cuốn hồi ký về cuộc chung sống ba thập niên của bà với Larsson.
Để thoả mãn ham muốn tìm hiểu về Larsson và để bán thêm được sách của tác giả mệnh yểu này, nhà xuất bản Alfred A. Knoft tại New York sau khi đã bán nhiều triệu ấn bản, đã xuất bàn bộ Millennium như một boxed set, gồm ba cuốn tiểu thuyết cộng thêm một tập sách mỏng 85-trang, tựa là “On Stieg Larsson” chứa đựng những chi tiết về tác giả, kể cả các điện thư trao đổi giữa ông và chủ bút nhà xuất bản. Nhiều người hâm mộ muốn Gabrielsson viết tiếp Millennium, nhưng bà bị buộc tay vì bản quyền bộ sách và gia tài kếch xù nó đẻ ra nằm trong tay hai người thừa kế là cha và em trai của Larsson. Thụy Điển không công nhận sống chung không hôn thú là vợ chồng như luật gọi là common law như tại Mỹ.
Một số người quen biết với Larsson đã viết về ông. Một phim tài liệu dài 45 phút cũng đã được thực hiện về ông, Millennium, The Story. Chưa hết, một Web site tại http://www.themillenniumtour.com/estocolmo/millenniumtour/, cống hiến du khách hâm mộ Larsson tớí Stockkholm những chuyến viếng thăm có hướng dẫn đến những nơi Larsson đã dùng làm bối cảnh cho bộ tiểu thuyết, với bản đồ hẳn hoi, như thể đó là chuyện thật, không phải tiểu thuyết.
Và cũng vì Millennium Trilogy và những vấn đề bộ sách nêu ra – khuynh hướng cực hữu, nạn tân Quốc xã (đồng nghĩa với kỳ thị chủng tộc), bao che tham nhũng do vô tình hay cố ý trong một số cơ quan nhà nước, những vụ ám sát chính trị, nạn buôn người, bạo lực, đặc biệt đối với phụ nữ, những cảnh giết người ghê rợn, vv. -- mà bỗng dưng xã hội Thụy Điển, với dân số khoảng 9.3 triệu, được nhiều người quan tâm tìm hiểu, soi bói.
Phát biểu với phóng viên của tờ The Telegraph của Anh nhân buổi trình chiếu đầu tiên cuốn phim The Girl with the Dragon Tatoo vào đầu năm ngoái tại Stockholm, nghệ sĩ hài Magnus Betner nói: “Một phần của vấn đề của Thụy Điển tại hải ngoại là ai cũng nghĩ là chúng tôi đều giống Abba và Ikea. [Rằng] Chúng tôi là một quốc gia với những con người xinh đẹp hát những bài ca hạnh phúc sống trong những căn chung cư bài trí tân kỳ hiện đại. Thế nhưng đấy không phải là cách người Thụy Điển tự nhìn chính mình. Chúng tôi có một bề trái rất ư là đen tối, và tôi nghĩ là bạn mới bây giờ bắt đầu nhìn thấy vậy thôi.”
Và như thêm dầu vào lửa: nhân vật nổi tiếng nhất thế giới cuối năm vừa rồi, Julian Assange, người Úc và sáng lập viên của WikiLeaks, một Web site có gốc tại Thụy Điển và cuối năm rồi bắt đầu tiết lộ trên 250,000 tài liệu đã và còn tiếp tục làm điên đảo Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo thế giới, bị cảnh sát Anh bắt về tội cưỡng bức tình dục đối với hai phụ nữ Thụy Điển. Assange hiện đã được tại ngoại và đang ráo riết tranh đấu để không bị giao trả về Thụy Điển để ra hầu toà tại đây. Người ta tiên đoán Assange khó mà tránh khỏi bị án nặng vì Thụy Điển quyết tâm gỡ bỏ hình ảnh là một quốc gia tân tiến thiếu cứng rắn đối với những tội xâm phạm tình dục đối với phụ nữ. Loạt tin này xảy ra cùng lúc với tin bom nổ, nghi là do quân khủng bổ, nổ ngay tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào tháng 12 vừa rồi, giết chết kẻ tình nghi ôm bom tự sát (gốc Iraq) và khiến hai người đi đường bị thương, gây chấn động nơi nhiều người.
Trở lại với bộ Millennium Trilogy, theo tạp chí The New Yorker, số ra ngày 10 tháng 1, 2011, trong bài “Man of Mystery -- Why do people love Stieg Larsson’s novels?”, tác giả Joan Acocella cho rằng sở dĩ tiểu thuyết của Larsson nổi tiếng một phần tại ông không còn sống để trả lời những bí ẩn và tranh biện xung quanh bộ Trilogy. Cuộc tranh biện hàng đầu là: Ai là người lẽ ra phải được thừa hưởng gia tài đồ sộ do bộ Triology đã và còn tiếp tục mang lại, hiện đã lên tới trên 40 triệu Mỹ kim? Và bí ẩn hàng đầu là: Ai là người thực sự viết Trilogy?
Stieg Larsson là ai?
Larsson sinh năm 1954 tại một làng nhỏ ở phía bắc Thụy Điển, từ bé cho đến năm 9 tuổi được ông bà (không rõ là nội hay ngoại) nuôi nấng. Larsson chịu ảnh hưởng nặng nề của người ông, một người có tinh thần cực tả thuộc loại lý tưởng (khác với loại cộng sản đã thoái hoá), chống chủ nghĩa quân phiệt quốc xã, yêu chuộng dân chủ, tôn trọng quyền bình đẳng và tự do ngôn luận. Liên hệ của hai ông bà – thương yêu, tương kính lẫn nhau -- cũng ảnh hưởng tới Larsson không ít trong cách đối xử với phụ nữ, theo Gabrielsson trong một cuộc phỏng vấn truyền hình năm rồi (hiện còn posted tại http://svtplay.se/v/1923761, cho tới tháng 3). Một biến cố khác xẩy cũng đã khắc đậm trong trí Larsson, đó là vào năm 14, 15 tuổi, ông chứng kiến một cảnh hãm hiếp tập thể một thiếu nữ, tên là Lisbeth (tên ông dùng để đặt cho nhân vật chính, Lisbeth Salander, cũng là một nạn nhân bị hiếp dâm, trong bộ Trilogy) do một nhóm thanh thiếu niên, mà cậu bé Stieg bị bó tay không thể làm gì được để cứu cô bé. Larsson sau có gọi điện thoại cho cô bé để xin lỗi, nhưng cô ta không trả lời.
Vào thập niên 1980, với tình trạng di dân từ các nơi đổ về Thụy Điển, một nước dân chủ với những chương trình xã hội trợ giúp người dân an sinh từ nôi-tới-mộ (cradle-to-grave social assistance system), là sự gia tăng đáng kể của nạn kỳ thị chủng tộc mà phía sau là nhóm tân Quốc xã. Thụy Điển không phải là nước duy nhất ở Âu châu phải đối phó với sự gia tăng di dân và tệ nạn tân Quốc xã và ảnh hưởng ngày một lớn của các thế lực cực hữu. Nhiều người nằm trong khuynh hướng này đã công khai chống đối bằng việc tham gia bầu cử vào các chức vụ trong chính phủ, hy vọng dùng chính trị để bảo vệ và áp đặt điều họ tin tưởng. Có nhiều người lo ngại các chương trinh an sinh xã hội có thể do đấy bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là những tổ chức hoạt động trong bóng tối với các hành vi bạo lực, những cuộc thanh toán đẫm máu đối với những ai đi ngược lại chủ trương kỳ thị và độc tôn chủng tộc của họ.
Lớn lên trong ảnh hưởng gia đình và bầu không khí đó, Larsson tự cho mình có sứ mạng bảo vệ nền dân chủ và đặc biệt quyền tự do ngôn luận. Dập theo khuôn mẫu của tờ Searchlight, một tờ báo chống quân phiệt và kỳ thị chủng tộc tại Anh quốc, Larsson và một nhóm bạn lập ra tờ Expo vào năm 1995, với chủ trương như trên, trong khi lập hồ sơ về các nhóm cực đoan trong xã hội Thụy Điển. Tờ Expo ngoài đời đã được Larsson mượn và đổi thành Millennium trong bộ Trilogy, nơi nhân vật Mikael Blomkvist làm chủ bút kiêm phóng viên và đồng chủ nhiệm. Ngoài ra, ông cũng còn là người ngay từ thập niên 1970 hỗ trợ phong trào đòi nữ quyền, có khi còn tự coi mình là một người của nữ quyền (feminist).
Do những hoạt động chống tân Quốc xã, Larsson và các cộng sự viên với ông không thiếu kẻ thù. Ngay như cửa sổ nhà của các thợ nhà in và nhân viên phát hành Expo cũng bị đập phá. Riêng Larsson và các bạn đồng nghiệp nhận được nhiều đe dọa ám sát. Ông và Gabrielsson luôn ở trong tình trạng đề phòng. Họ không làm giấy hôn thú một phần cũng vì ở Thụy Điển, tên tuổi và địa chỉ của những người kết hôn trở thành thông tin công cộng, ai cũng có thể xem được, và Larsson không muốn Gabrielsson bị dính líu với tên và các hoạt động của ông.
Dù vậy, Larsson là một người lạc quan, theo những người đã từng làm việc hoặc quen biết với ông. Ông làm việc cật lực, ghiền thuốc lá nặng, và mê đọc truyện trinh thám. Ông bắt đầu viết truyện từ hồi nào không ai biết, có lẽ chỉ có mình Gabrielsson, một kiến trúc sư và được biết cũng có viết lách, hay. Cũng như với nhiều thắc mắc không có câu giải đáp thoả đáng, có lẽ người ta phải chờ cuốn sách, tựa tạm thời là The Year After Stieg, của bà, nghe nói sẽ được trình làng vào giữa năm nay.
Larsson thường viết truyện vào buổi tối, coi đó như một trò giải trí. Khi hoàn tất ba cuốn truyện mà sau này nhà xuất bản đặt tên là Millennium Trilogy, theo một số dư luận, Larsson đang viết cuốn thứ tư đã được hai phần ba, cùng là ghi chép và làm dàn bài sẵn cho khoảng sáu, bẩy cuốn nữa. Có dư luận nói tất cả tài liệu nằm trong cái laptop hiện do Gabrielsson giữ, nhưng bà nói đã giao cái laptop của Larsson lại cho Expo.
Nội dung Millennium Trilogy
Tôi chưa đọc hai cuốn đầu của bộ Trilogy, song có xem hai phim đầu do hãng Yellow Bird của Thụy Điển cùng phối hợp sản xuất với hãng Nordisk Film của Đan Mạch, phóng tác từ The Girl with the Dragon Tatoo và The Girl Who Played with Fire.(**) Cũng nhờ xem hai cuốn phim đầu mà tôi đặt mua cuốn tiểu thuyết thứ ba, The Girl Who Kicked the Hornet’s Nest, vừa để biết chuyện gì đã xẩy ra cho nhân vật chính Lisbeth Salander (vì phim thứ ba chưa ra DVD) và vừa, để cho có được sự công bằng đối với tác giả, có dịp tìm hiểu văn chương của Larsson. Trong phần này tôi sẽ lược qua nội dung của hai cuốn phim và sẽ đào sâu hơn phần về cuốn tiểu thuyết thứ ba.
Do nhà làm phim Đan Mạch Niels Arden Oplev đạo diễn, The Girl with the Dragon Tatoo (phim) mở đầu bằng phiên tòa trong đó chàng ký giả trung niên Mikael Blomkvist (do tài tử Michael Nyqvist đóng) bị kết án 3 tháng tù về tội mạ lỵ phỉ báng Hans-Erik Wennerström, một tỉ phú kỹ nghệ, trong một thiên phóng sự điều tra về ông này. Để tránh điều tiếng cho tờ báo, Blomkvist từ chức khỏi ban giám đốc tờ Millennium, và trong khi chờ vào tù, anh ta nhận lời điều tra một vụ mất tích do Henrik Vanger, cựu giám đốc của đại công ty Vanger Enterprises, đặt. Blomkvist không hề biết rằng trước khi thuê anh, Vanger đã cho thuê người điều tra lý lịch của Blomkvist. Và người điều tra lý lịch của Blomkvist không ai khác hơn là Lisbeth Salander (do cô đào danh tiếng Thụy Điển Noomi Rapace thủ vai), người con gái có vết chạm hình con rồng và là một computer hacker. Cô thích, đúng ra là tò mò về Blomkvist từ đó, mặc dù hai người rất chênh lệch nhau về tuổi tác.
Khi cuộc điều tra của Blomkvist về người cháu gái yêu qúy đã bị mất tích đã 40 năm của Henrick Vanger lâm vào ngõ cụt, ngày phải trình diện để ngồi tù đã gần kề, chàng ký giả đang lúng túng thì Salander xuất hiện dưới hình thức một e-mail trên màn ảnh laptop của Blomkvist, gợi ý cho Blomkvist lần tới manh mối. Blomkvist dần hiểu ra là Salander vẫn thường xuyên hack vô computer của mình và theo giõi cuộc điều tra của anh. Vừa bí vừa tò mò về người con gái giỏi kỹ thuật điện toán này, Blomkvist nhận sự tiếp tay của Salander, và họ cùng phăng ra quá khứ Quốc xã kỳ thị tàn độc đến bệnh hoạn của những người trong dòng họ Vanger đã đưa tới việc cô cháu gái biến mất vì lo sợ cho tính mạng của mình. Cuối cùng Blomkvist và Salander tìm ra người cháu gái mất tích của ông Henrik Vanger đã phiêu bạt sang tận Úc sống ẩn giật để tránh bị chính những người trong gia đình giết hại. Và Blomkvist đã sang tận Úc để tìm hiểu thực hự và đón người cháu gái về cho ông Vanger.
Thể theo yêu cầu của Henrick Vanger và cũng để bảo vệ sự riêng tư của người cháu gái mới tìm ra của ông, Blomkvist đồng ý không khai thác kết quả cuộc điều tra, và bù lại chàng được Henrick, qua Salander, trao cho chồng hồ sơ về Wennerström mà Salander đã hack được, để đọc trong tù. Nhờ tập tài liệu đó mà Blomkvist lật ngược được thế cờ, anh ta viết bài trong lúc còn ngồi tù và phơi trần nhà tỉ phú Wennerström trên tờ Millennium, khiến ông này bị bắt bỏ tù, do đấy Blomkvist đã phục hồi danh tiếng cho tờ báo và cho chính mình.
Nếu phim đầu chú mục vào chàng phóng viên Blomkvist, thì phim thứ hai, The Girl Who Played With Fire, do Daniel Alfredson đạo diễn (Alfredson đạo diễn phim này và cả phim thứ ba, với cũng hai tài tử Nyquist và Rapace đóng vai Blomkvist và Salander), đặt trọng tâm vào nhân vật Salander.
Khi còn nhỏ, Salander thường xuyên chứng kiến cảnh cha cô đánh đập mẹ cô, tới độ bà bị hư não. Alexander Zalachenko, cha của Salander, nguyên là một gián điệp của cơ quan KGB của Liên bang Sô Viết đào tẩu sang Thụy Điển và được một chi nhánh bí mật – bí mật tới độ không có hồ sơ chính quyền nào về họ -- của công an Thụy Điển kết nạp, cho một cái tên Thụy Điển và trả lương hàng tháng, hy vọng khai thác được những bí mật của Nga Sô dạo ấy. Khi Salander cuối cùng chịu không nổi cảnh mẹ bị đánh đập nữa, cô chạy theo Zalachenko ra xe, tạt một hộp xăng vào ông ta rồi bật quẹt thẩy vào cha lúc ông đang ngồi trong xe chuẩn bị đi. Zalachenko bị phỏng nặng nhưng thoát chết. Salander bị đưa vào bệnh viện tâm thần cho trẻ em và bị quản thúc hai năm, bị đối xử tàn tệ, bị viên bác sĩ phân tâm có liên hệ với sở công an trị bằng thuốc để cô không còn sức kháng cự. Salander biết, nên tuyệt thực khi khám phá ra đồ ăn có tẩm thuốc an thần hạng nặng. Từ đấy Salander sinh căm thù và không tin nơi bất cứ ai trong chính quyền, đặc biệt cảnh sát.
Sau khi được thả, cô tiếp tục bị canh chừng, bị người giám hộ cưỡng hiếp. Rồi bị tình nghi có dính líu tới ba án mạng. Những người Salander có thể tin được là nhóm bạn trong hội computer hacker của cô. Cô không tin ngay cả Blomkvist là người đang tìm mọi cách liên lạc với cô để giúp cô bạch hoá hồ sơ tình nghi sát nhân của mình. Salander vừa lẩn tránh cảnh sát, vừa đi tìm Zalachenko để thanh toán. Zalachenko là người đã có những hoạt động buôn người, và chính là chủ mưu trong các vụ án mạng mà Salander bị cảnh sát nghi và lùng kiếm.
Cảnh cuối cùng trong phim The Girl Who Played with Fire là màn tranh hùng giữa hai cha con Salander va Zalachenko. Salander tìm tới trang trại của Zalachenko, đối đầu với cha và người anh cùng cha khác mẹ hung hiểm và mắc bệnh vô cảm (không biết đau kể cả khi bị thương). Cô bị bắn và bị chôn sống, nhưng moi đất chui ra được, đi tìm Zalachenko và bổ cây rìu vào giữa mặt ông ta. Vừa lúc Blomkvist cùng cảnh sát tới nơi. Hai cha con được chở đi nhà thương, riêng Salander vì có lệnh truy nã nên được chở bằng trực thăng tới nhà thương ở tỉnh với sự canh chừng ráo riết của cảnh sát địa phương, trong khi Blomkvist giõi mắt nhìn theo. Ở phim trước, Salander là người một lần cứu Blomkvist thoát chết. Ở phim thứ hai, Blomkvist là người tới đúng lúc cứu Salander thoát hiểm.
Và khán giả không khỏi thắc mắc: thế xong rồi thì làm sao? Khi tôi xem xong hai phim đầu của bộ Millennium Trilogy, phim thứ ba chưa ra DVD. Tôi đặt mua cuốn The Girl Who Kicked the Hornet’s Nest về đọc. Phần dưới viết dựa vào cuốn sách.
Những người đàn bà trong tiểu thuyết Larsson…
Một số người có vẻ thất vọng với nội dung của cuốn truyện thứ ba này (có lẽ cả đối với phim mà tôi chưa xem), vì nó không chứa đựng nhiều cảnh gây cấn đầy bạo lực, như hiếp dâm, đấu súng, giết người, với cả một màn làm tình giữa hai cô gái đồng tính luyến ái, vv., như của Dragon Tatoo và Fire. Ngoài ra, nó còn có những đoạn dài tả sinh hoạt của một tòa báo và những màn đấu trí căng thẳng, và đặc biệt một phiên toà chiếm khá nhiều trang của phần cuối trong bốn phần của cuốn sách, bên cạnh những chi tiết về kỹ thuật điện toán có thể làm nản chí những ai không thích trò này.
Đây là cuốn truyện với nội dung có thể nói là về hai nhân vật chính Salander (với gần hết cuốn truyện nằm trong nhà thương điều trị và có cảnh sát canh gác, chỉ giao thiệp với giới ảo qua cái máy computer cầm tay mà Blomkvist lén gửi vào được cho cô ta qua vị bác sĩ có lòng nhân) và Blomkvist (đứng bên lề như một phóng viên chính hiệu quan sát và viết bài nhiều hơn) thì ít, mà về những nhân vật phụ và phụ nữ nhưng nổi bật trong truyện, thì nhiều. Ngay cả Blomkvist và Salander cũng không giáp mặt nhau suốt cuốn truyện dài trên 550 trang (Alfred A. Knopf, New York 2010, bìa cứng), mà chỉ qua lại bằng e-mail, cho tới phần chót, thoáng qua tại phiên toà xử Salander, và cảnh cuối khi Blomkvist tới gõ cửa căn chung cư của Salander với bao cà phê espresso, vài cái bagels và cái máy làm cà phê mắc tiền hiệu Jura Impressa X7, nói nếu cô cần một người bạn. Và sau khi suy nghĩ một lát, Salander đi tới quyết định, “mở rộng cửa và để anh chàng bước vào đời cô trở lại.” Có lẽ vì câu kết đó mà nhiều người hâm mộ Millennium muốn được tiếp tục nghe kể về những phóng sự điều tra kế tiếp sẽ không có nữa.
Những người đàn bà tụ hội trong cuốn tiểu thuyết thứ ba và cuối cùng này, và mỗi người chiếm một số trang đáng kể, gồm có: Erika Berger, chủ bút của tạp chí Millennium và sau này, của tờ nhật báo có tầm vóc nhưng đang phải cố gắng để sinh tồn, Svenske Morgon-Posten, và là bạn cũng như người tình đôi khi của Blomkvist khi anh ta không bồ bịch với ai khác. Monica Figuerola, nhân viên sở Bảo vệ Hiến pháp của chính quyền Thụy Điển có nhiệm vụ điều tra những hoạt động của phe đảng Zalachenko, và sau trở thành tình nhân của Blomkvist. Suzanne Linder, một cựu cảnh sát và nhân viên của hãng Milton Security, người đàn bà duy nhất trong truyện không có liên hệ thân mật với Blomkvist. Và đã hẳn cả Annika Giannini,vốn là em gái của Blomkvist và là luật sư biện hộ cho Salander. Họ là những người đàn bà trí thức, độc lập, lý tưởng, mạnh về tinh thần lẫn thể chất, đặc biệt nhân viên sở Bảo vệ Hiến pháp Figuerola xinh đẹp và cựu cảnh sát viên/nhân viên an ninh Linder nhiều lý tưởng là những người ngoài tài sử dụng súng còn biết cả võ nghệ nữa. Những nhân vật phụ nữ này biết họ muốn gì, phải làm gì, để bảo vệ chính họ và lý tưởng của họ, cùng kiên trì theo đuổi tới khi hoàn tất mục tiêu, hoặc nhiệm vụ được giao phó, của họ. Họ cũng rất thẳng thắn, như muốn ngủ với ai thì họ nói thẳng như thế, không chờ người đàn ông khơi mào. Tôi nghĩ nghịch ngợm trong khi đọc truyện, nếu không nhờ họ chắc anh chàng phóng viên Blomkvist chỉ biết cắm đầu đi điều tra và viết phóng sự, và có lẽ quên… chuyện tình ái, vì họ -- Salander, Berger và Figuerola – luôn là những người khai mào trước. Figuerola có lần còn nửa đùa nửa thật bảo Blomkvist, khi thấy anh ta do dự không muốn theo nàng về căn chung cư của nàng để yêu nhau, vì muốn về nhà viết bài, là nếu anh ta không leo lên xe thì nàng sẽ … còng tay dẫn độ anh đi.
Có thể nói cuốn truyện thứ ba và cuối cùng trong bộ Millennium là một cuốn truyện về phụ nữ, trang bị với đầy đủ nữ quyền. Và nếu bị đàn áp, chà đạp, như Salander, họ sẵn sàng phản công lại, nếu không để trả thù, như Salander, thì cũng làm sáng tỏ vấn đề, như Linder. Qua bộ sách, đặc biệt là cuốn Hornet’s Nest, người ta thấy rõ rệt quan tâm về nữ quyền và đặc tính của một nhà bảo vệ nữ quyền (feminist) nơi tác giả Larsson.
Cuốn truyện gồm bốn phần, 29 chương, cộng với một chương kết (epilogue) và một chương ghi chú các nhân vật hay sự kiện có thật của Thụy Điển mà tác giả mượn đưa vào truyện. Mỗi phần mở đầu bằng một trang viết về những người đàn bà trong lịch sử nhân loại, vừa huyền thoại vừa có thực, mà có lẽ đối với nhiều người, chúng chẳng ăn nhập gì với câu chuyện mà họ đang ngóng đợi. Chẳng hạn như Phần Một, tựa là “Intermezzo in a Corridor, April 8-12” (tôi chưa hình dung ra nghĩa của tựa này trong bối cảnh câu chuyện kể), về khoảng 600 phụ nữ đã giả dạng đàn ông để cầm súng trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (việc này có thật, chỉ không có con số chính xác) và nhiều phụ nữ khác đã từng làm những việc tương tự từ cổ chí kim. Tiếc là Larsson tuy hồi trẻ có tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, nhưng lại có vẻ không nghe biết gì về danh tiếng của Hai Bà Trưng (40-43) và bà Triệu (248).
Phần Hai, “Hacker Republic, May 1-22”, lại cũng có một trang về những nữ chiến sĩ trong lịch sử nhân loại, nhiều chất huyền thoại, khởi từ Hy Lạp. Phần Ba, “Disk Crash, May 27-June 6”, mở đầu bằng một trang về huyền thoại đoàn nữ binh Amazons, một giải đất phía tây Ai Cập, vào thế kỷ thứ hai trước Tây nguyên. Và Phần Bốn, “Rebooting System, July 1-October 7”, có trang sơ lược về đoàn nữ binh Fon thuộc vương quốc Dahomey của Tây Phi, nay là quốc gia Benin, hiện hữu vào khoảng từ thế kỷ thứ 17, chống lại các thế lực thực dân, đến cuối thế kỷ 19 thì bị quân Lê Dương của Pháp đánh bại. Lịch sử về họ nay chỉ còn là một đoạn ghi chú (footnote) trong một tập sách biên khảo, Amazons of Black Sparta của Stanley B. Alpern (C. Hurst & Co., London, 1998)
Đằng sau mỗi trang giới thiệu về các đoàn nữ binh là những chương truyện chứa đựng các gút thắt và mở liên hệ tới những người đàn bà trên song song với giòng chuyện chính – và đây, tôi nghĩ, là sợi giây nồng cốt giữ chân nhiều độc giả -- về Salander và Zalachenko và sự cấu kết để ém nhẹm sự thật của chi nhánh cực bí mật và bảo thủ đến cuồng tín, gọi là The Section, trong sở Công An, mà đến vị thủ tướng Thụy Điển đương nhiệm cũng không hay biết, mà Millennium sẽ phơi trần, không những trên báo mà còn in thành sách. Sự thành công của Millennium và khiến bộ truyện không chỉ là để giải trí mà thôi, tôi nghĩ, một phần cũng vì nó nêu lên những vấn đề sâu sắc của xã hội Thụy Điển, có liên quan tới chính trị, với một số chi tiết dựa vào các biến cố có thật.
Millennium lôi cuốn người đọc thuộc lứa đã trưởng thành đã đành, mà còn lôi cuốn cả giới trẻ, qua nhân vật Salander bụi đời và vô cùng hận đời. Salander tuổi ngoài 20, để tóc và phục sức theo thời trang punk, vẽ mặt và mắt mầu đen thật đậm, tattooed hình con rồng trên lưng, sỏ nhiều lỗ tai lẫn lông mày, mặc đồ da đen, đi mô-tô, sử dụng súng taser, giỏi điện toán, thông thạo thế giới Internet, sống rất độc lập, cô đơn và cô độc, bầu bạn phần lớn với và chỉ tin nơi những người bạn thuộc thế giới ảo (virtual), sẵn sàng phản công (fight back) tới tận và từ trong lòng … máy điện toán và qua Internet, loại kỹ thuật mà sinh hoạt của cả thế giới hiện lệ thuộc vào. Qua Internet, họ hack vào hệ thống computer của những cá nhân hay tổ chức hay tổ hợp thương mại kỹ nghệ và cả chính quyền, quân đội họ nghi ngờ đã hại họ, hay bạn của họ, dễ dàng như vào chính máy của họ, và tải xuống nhiều gigabite hồ sơ, tài liệu, có khi nguyên cả nội dung của một cái đĩa cứng (hard drive) của đương sự, nếu họ phải đánh mau rút lui lẹ trước khi bị bại lộ.
Tóm lại, nhìn toàn bộ, có lẽ cuốn Hornet’s Nest trông giống như những ghi chú/dàn bài rất chi tiết, tỉ mỉ về nội dung cuốn sách, kể cả đối thoại, hơn là một cuốn tiểu thuyết đã được dàn dựng, gọt dũa, hiệu đính hoàn chỉnh. Hay đấy chính là chủ ý của Larsson? Khó mà nói thế nào cho đúng. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ giá Larsson còn sống chắc ông sẽ không tránh được việc viết đi viết lại, gọt dũa thêm, cắt chỗ này, bỏ chỗ khác, như cố tật của đa số nhà văn – Albert Camus có một nhân vật nhà văn trong La Peste viết tới viết lui suốt cuốn tiểu thuyết chỉ một câu văn; hoặc như Ernest Hemingway viết tới 39 lần chỉ một đọan kết của cuốn tiểu thuyết Farewell to Arms, vì ông muốn “chọn cho đúng chữ -- getting the words right”.
Về cuốn phim Hornet’s Nest, nhà phê bình David Edelstein của đài National Public Radio (NPR) đã, có lẽ không quá đáng mặc dù có phần nghịch ngợm, đặt tựa bài điểm phim là “Hornet’s Nest: The Girl With the Dragging Plot”. Tôi có thể hình dung ra sự khó khăn của người viết truyện phim dựa vào cuốn Hornet’s Nest và của nhà đạo diễn. Phim ảnh đòi hỏi một cốt truyện mạch lạc vì tính cô đọng và thời gian hạn chế của phim, nhiều gút thắt quá, người xem bị rối trí. Trong khi đó Larsson hình như ôm đồm hơi nhiều trong Hornet’s Nest. Đây đúng là một cái… tổ ong khi bị động. Nhưng vì Larsson không còn sống để cùng với các chủ bút của nhà xuất bản Norstedts Förlag hoàn chỉnh ngay cả cuốn đầu, nói chi tới cuốn thứ ba, mà người đọc cũng như khán giả xem hai phim đầu thì đã như “cá mắc câu biết đâu mà gỡ”, nên đành gắng đi hết đoạn chót để xem hạ hồi phân giải ra sao, có thắc mắc gì thì… ráng đoán mò thôi. Do đấy, hiện tượng Larsson lại càng trở nên bí ẩn.
Tuy vậy, người đọc hài lòng vì cuối cùng Salander được bạch hoá, kẻ gian hoặc bị giết hoặc bị kết án. Và chàng phóng viên trung niên Blomkvist và cô bé hận đời có vết chạm con rồng và computer hacker Salander cuối cùng nối lại tình bạn ở trang cuối.
Thế nhưng vẫn có nhiều người, tuy hài lòng với kết cuộc của bộ Millennium Trilogy, nhưng không hài lòng với những gì xảy ra đằng sau sự thành công bất ngờ của bộ sách/phim.
… Và người đàn bà trong đời Larsson
Có lẽ ít có tác giả nào chết đi lại để lại cho đời một tiếc nuối sâu đậm có pha lẫn… tức tối, nếu không nói là một cảm giác bất nhẫn, như tác giả Millennium Trilogy. Độc giả tiếc nuối vì không còn nghe ông kể tiếp chuyện về các thiên phóng sự điều tra ly kỳ của chàng phóng viên Blomkvist phối hợp với computer hacker Salander, đã hẳn. Người ta còn tức tối không chỉ cho Eva Gabrielsson, người đã chia sẻ cuộc sống với Larsson trên 30 năm mà khi ông nằm xuống, thừa kế của ông là người cha và em trai trở nên triệu phú, còn bà thì trắng tay; mà còn tức tối trước sự bất công, vô tình của luật lệ Thụy Điển đã không công nhận là vợ chồng những người sống chung không hôn thú. Tức tối chán, họ xoay ra vặn hỏi tại sao Larsson có thể làm một việc như vậy đối với người đàn bà đã cùng đi chung đường, ăn chung bàn, ngủ chung giường và đặc biệt chia chung lý tưởng với ông suốt trên ba thập niên qua, đặc biệt khi ông vẫn tự nhận mình là người bảo vệ nữ quyền. Hỏi, dù biết không có câu trả lời.
Gabrielsson, năm nay 56 tuổi, gặp Larsson khi bà mới 17, trong một buổi biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam tại Stockholm vào đầu thập niên 1970. Họ yêu nhau rồi vài năm sau đó chung sống cho tới khi Larsson mất vào năm 2004. Khi được hỏi tại sao họ không làm hôn thú thì Larsson trả lời là họ hạnh phúc với nhau như vậy đủ rồi. Khi câu hỏi đó được lập lại sau khi Larsson mất và Millennium Trilogy trở thành một hiện tượng văn học và cha và em trai của ông, Erland và Joakim Larsson, thay vì Gabrielsson, trở thành triệu phú, thì bà trả lời là tại Larsson muốn che chở bà vì những hoạt động báo chí chống Quốc xã và quân phiệt của ông đã đưa tới những đe dọa ám sát và đôi lần chết hụt của ông. Tại Thụy Điển, tên tuổi và địa chỉ của những người lấy nhau có hôn thú phải được công bố và là thông tin công cộng. Tôi đọc ở đâu đó thì hình như thành lập nghiệp đoàn có khi lại không cần phải đăng ký với nhà nước.
Cũng như khi được hỏi bà có giúp gì trong việc sáng tác Millennium của Larsson thì Gabrielsson lúc đầu có vẻ do dự, cho biết cũng có góp ý bàn thảo, về sau thì bà hoàn toàn im lặng về chuyện đó. Cũng vậy là việc bà có giữ bản thảo chưa hoàn tất của cuốn thứ tư và tài liệu cũng như dàn bài cho các cuốn kế tiếp, bà nói tất cả nằm trong cái laptop đã được trao lại cho tạp chí Expo vì trong đo có một số bài vở Larsson viết cho Expo, là sở hữu của toà báo. Tuy nhiên, có những lần khác bà cho thấy cái đau của bà, có lẽ vì không được hưởng kết quả của sự thành công của Millennium thì ít, song không được chính tay săn sóc “đứa con tinh thần” của hai người thì nhiều.
Cái đau của Garbielsson đã động lòng nhiều người, đặc biệt tại Thụy Điển. Do đấy mà một nhóm người không hề quen biết với Gabrielsson, song đã được sự đồng ý của bà, đã đứng ra làm một Web site gọi là Hãy Hỗ Trợ Eva, tại http://www.supporteva.com/, bằng sáu thứ tiếng, người viếng có thể click vô hình những lá cờ ở trên cùng để đọc bằng ngôn ngữ quen thuộc với mình.
Ở trang nhà là hình của Garbrielsson và Larsson trong một chuyến đi câu bằng thuyền, và những lý do họ đứng ra làm Web site để hỗ trợ bà, cùng đề nghị mỗi người khi đọc hay xem xong một cuốn sách hay phim của Millennium thì gửi tặng quỹ 3 Mỹ kim, vv. Nhóm chủ trương Web site này cho biết tuy mục đích của họ khi lập ra Web site này là để hỗ trợ Gabrielsson trong giai đọan khó khăn này, song họ “hy vọng là cùng với nhau chúng ta có thể phụ giúp bà trả các phí tổn tòa án và xin được quyền quản lý bộ Millennium trong tương lai.”
Đâu đó cũng đang có nỗ lực để Thụy Điển công nhận sống chung không hôn thú cũng được coi là vợ chồng, như tại một số quốc gia khác, như Hoa Kỳ chẳng hạn.
Chắc bạn đọc cũng thắc mắc về phản ứng của cha và em trai của Larsson. Họ có đề nghị chia cho Gabrielsson 2.7 triệu Mỹ kim, coi như một sự giàn xếp rốt ráo, nhưng bà từ chối. Có lẽ, như nhóm làm Web site Hỗ Trợ Eva hy vọng, bà muốn được dự phần vào việc chăm sóc đứa con tinh thần của bà với Larsson ngày càng lớn và trở nên bị thương mại hóa, có thể đi đến chỗ sa đọa.
Dù vậy, Gabrielsson sắp có đứa con tinh thần riêng của bà, đứa con mang tên tạm thời là The Year After Stieg, sẽ ra chào đời vào giữa năm nay trước sự ngóng đợi của nhiều người hâm mộ và không ngừng thắc mắc về Millennium Trilogy và tác giả Larsson. (TD, 01/2011)
Hình ảnh
Trái, Stieg Larsson (1954-2004), tác giả Millennium Trilogy, coi sáng tác như một trò giải trí cho bớt căng thẳng sau một ngày làm việc tại tạp chí Expo của tổ chức không đảng phái Expo Foundation, Stockholm, Thụy Điển, một tổ chức được thành lập vào năm 1995, nhằm chống lại phong trào tân Quốc xã và nhóm cực hữu. Phải, hình bìa của bộ Millennium Trilogy của Stieg Larsson. Tuy nhằm giải trí, song Trilogy chuyên chở nhiều vấn đề chính trị và xã hội sâu sắc của Thụy Điển, qua một lối viết hiện thực, gọn và khúc triết -- loại văn báo chí. (Ảnh Internet, Collage TD2010)
Trái, Eva Gabrielsson và Stieg Larsson, trước 2004. (Ảnh http://dragontattoofilm.com) Phải, Eva Gabrielsson, người bạn đường 30 năm hơn của Larsson, chụp tại Thụy Điển, tháng 2-2010. (Ảnh Jan Johannessen/Panos Pictures, trích http://www.guardian.co.uk/books/2010/feb/21/stieg-larsson-eva-gabrielsson)
Chàng phóng viên điều tra kiêm đồng chủ nhiệm Mikael Blomkvist (tài tử Thụy Điển Michael Nyqvist, trái) của tạp chí Millennium trong bộ Millennium Trilogy, và computer hacker hận đời Lisbeth Salander (tài tử Noomi Rapace, phải) trong một cảnh hiếm hoi cùng với nhau trong phim The Girl Who Kicked the Hornet’s Nest. Suốt cuốn truyện Hornet’s Nest, hai nhân vật chính hầu như chỉ cùng xuất hiện với nhau trong có hai cảnh, thoáng qua ở phiên toà xừ Salander và cảnh cuối cùng. (Ảnh Music Box Films, trích http://www.npr.org)
Ghi chú:
(*) Cuốn đầu của bộ Millennium Trilogy, The Girl with the Dragon Tatoo, khi xuất bản lần đầu vào năm 2005 bằng tiếng Thụy Điển có tựa khác: Män som hatar kvinnor (Men who hate women), được giải thưởng văn chương có giá trị của Thụy Điển, Glass Key, dành cho cuốn tiểu thuyết trinh thám hay nhất của vùng Nordic, cùng năm. Cuốn thứ hai, Flickan som lekte med elden (bản tiếng Anh cùng tựa, The Girl Who Played with Fire), được giải Best Swedish Crime Novel Award, 2006. Cuốn thứ ba trong bộ Millennium Trilogy, nguyên thủy tựa là Luftslottet som sprängdes (The air castle that was blown up), khi in bằng tiếng Anh được đặt lại là The Girl Who Kicked the Hornets' Nest, xuất bản tại Mỹ tháng 5, 2010. Cả ba đã được hãng phim Thụy Điển Yellow Bird dựng thành phim. Tại Mỹ, Columbia Pictures hồi đầu năm cũng đã điều đình mua xong bản quyền để làm lại ba phim này dựa theo ba cuốn tiểu thuyết trong bộ Trilogy.
(**) Về các phim dựa trên bộ Millennium Trilogy, tìm hiểu thêm tại http://en.wikipedia.org/wiki/Millennium_Trilogy