LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học PusanUniversity of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệuđến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.
TCHL
Tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia) đã thành được 9 năm và trở thành tờ tạp chí chuyên về thơ, thu hút nhiều nhà thơ của Châu Á tham gia. Tôi cùng với các độc giả Hàn Quốc xin chân thành cảm ơn ông đã gửi tác phẩm của mình cho tạp chí vào số mùa thu. Tôi mong rằng hôm nay chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện thật thoải mái và vui vẻ.
Tạp chí Thi Bình: Đà Nẵng là một tỉnh thuộc miền trung của Việt Nam và trong thời kì chiến tranh Việt Nam đây cũng là nơi đóng quân của quân đội Hàn Quốc. Vào khoảng hơn 10 năm trước một nhà văn Hàn Quốc là Hoang Seok Yeong bằng tác phẩm của mình, thông qua tác phẩm là “Chiếc bóng của vũ khí” đã ngỏ lời xin lỗi về quá khứ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Theo tôi được biết nhà thơ Đặng Hiền đã theo học cấp 3 ở Đà Nẵng và quê hương của nhà thơ cũng ở rất gần Đà Nẵng. Vậy thời đó nhà thơ đã có suy nghĩ như thế nào về sự hiện diện của quân đội Hàn Quốc?
Đặng Hiền:-Tôi sinh ở Hoà Vang, Quảng Nam, quận Hoà Vang sát bên thành phố Đà Nẵng. Suốt tuổi thơ, tôi được ba má tôi gởi ở nhà bà ngoại nơi thành phố để đi học bởi làng tôi ở ven sông Hàn, giòng sông chảy ngang thành phố Đà Nẵng. Một điều giản dị là vì lúc nhỏ tôi rất mê biển cả và hay đi theo những người công nhân của gia đình tôi đi đánh cá ngoài biển khơi trong mùa hè, nhưng ba má tôi muốn tôi đi học và hấp thụ đời sống văn minh của dân thành phố vì làng tôi lúc đó vẫn chưa có điện. Khi vào Trung Học tôi lại được về nhà sống với gia đình. Nhưng thời ấu thơ sống ở nhà Ngoại là một dấu ấn khó phai trong tâm hồn tôi. Quê hương tôi là Quảng Nam Đà Nẵng, người dân ở đây hiền hoà, Hà Nội là nơi nào đó cấm kỵ xa xôi, Sài Gòn là chốn phồn hoa mơ ước. Chiến tranh xảy ra trên quê hương tôi cùng khắp, người phía này người bên kia. Sự phân hoá và thù hận vượt ngoài tình cảm của gia đình, bởi một lý tưởng nào đó chừng như cao đẹp nhưng thật ra chỉ là sự lầm lạc của con người trong một nước nhỏ ở Á Châu như nước Việt Nam. Trở lại câu hỏi của anh là nghĩ gì về sự hiện diện của quân đội Hàn Quốc trong thời gian ấy. Thật ra, với tấm lòng ngây thơ của tôi lúc ấy, tôi rất ghét chiến tranh, những người lính nước ngoài ở quê hương tôi, họ là cái gì đó xa lạ, là biểu hiện của sự ác, của chết chóc và huỷ diệt yên bình. Gia đình chú tôi chết hơn một nửa vì trái đạn pháo kích của người Cộng Sản và bà Nội tôi cũng bỏ mình trong trận pháo kích ấy. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết thế nào là chiến tranh. Riêng quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam tôi được nghe đó là sư đoàn Thanh Long Bạch Hổ, rất kỷ luật và thiện chiến. Nhưng thỉnh thoảng gặp những người lính này tôi thấy họ bình thường chỉ khác người Việt là không gầy gò và đặc biệt là đôi mắt một mí ấn tượng, khác với các nam nữ diễn viên tuyệt đẹp ở trong các phim ảnh Hàn Quốc ngày nay.
TCTB: Cũng theo tôi được biết nhà thơ đã học, tốt nghiệp trường đại học Long Beach, Califonia, Mỹ và sống tại Mỹ từ năm 1979 tức là từ lúc nhà thơ 21 tuổi .Vào năm 1975 Việt Nam được giải phóng, sự kết thúc của cuộc chiến tranh Việt Nam cũng là sự thất bại lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở nước ngoài. Vậy nhà thơ có thể cho tôi và độc giả biết lý do tại sao nhà thơ lại sống ở Mỹ?
ĐH:Vào năm 1975, Việt Nam chấm dứt cuộc chiến tranh gần 30 năm. Chiến tranh kết thúc trước khi tôi đến tuổi đi lính, dĩ nhiên tôi sẽ không có sự chọn lựa. Cuối tháng Tư 1975 gia đình tôi đang ở Vũng Tàu, ba tôi quyết định trở lại Đà Nẵng vì đất nước đã hoà bình rồi. Nhưng như bao người khác, ba tôi bị đi tù ba năm chỉ vì có dính líu đến một đảng chính trị ở Miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian nầy tôi thấm thía thế nào là sự cần thiết của người đàn ông trong gia đình. Quê hương tôi có bao gia đình thiếu mất người đàn ông vì chiến tranh. Tôi tiếp tục học năm cuối cấp ba và thi tốt nghiệp, tôi đậu. Nhưng sau đó không đại học nào nhận tôi vào, vì lý lịch quá xấu, gia đình tư sản, cha bị tù cải tạo. Ở một đất nước đã “giải phóng” mà tôi xin làm chân thợ phụ hồ ở công trường xây dựng nhà máy xi măng cũng khó khăn mặc dầu đầy đủ sức khoẻ, xin làm thẻ chứng minh nhân dân cũng không được. Không như các con của tôi bây giờ, chúng có thể tiến xa trên con đường học vấn mà không cần phải tra xét lý lịch. Con gái đầu của tôi vừa tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa năm rồi, đứa con trai kế đang theo học Cao học Điện toán, đứa con gái thứ ba sắp tốt nghiệp Tiến sĩ Luật khoa, và niềm hạnh phúc là tôi có đứa con trai út vừa vào học lớp hai. Có lẽ đây là lý do tôi chọn Mỹ làm quê hương thứ hai của mình.
Vào năm 1978 ba tôi được tha về, vì tương lai của các con nên ông đã liều lĩnh đưa cả nhà vượt biển năm 1979. Trước khi vượt biên tôi đã cưới vợ, đây là điều làm má tôi hài lòng nhất, bà thường nói nếu gia đình tôi vượt thoát vào 1975 thì làm gì bà có được cô con dâu hiền như thế, vợ tôi là người đàn bà tuyệt vời, là mẹ của bốn đứa con tôi sau này. Khi ở trại tị nạn Hongkong, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc phỏng vấn gia đình tôi trước khi chuyển sang cho phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Gia đình tôi đã chọn tiểu bang California. Gia đình tôi là một gia đình may mắn trong hàng triệu người VIỆT NAM liều mình bỏ nước ra đi bằng đường biển, bằng đường bộ. Biết bao cảnh bi thương, nói sao cho hết. Trong lịch sử dân tộc tôi, thời điểm này là lần đầu tiên nhiều người bỏ nước ra đi như vậy. Tất cả chỉ vì tự do, vì quyền sống căn bản của con người. Việt Nam với ba mươi năm chiến tranh, hai miền Nam Bắc có hơn triệu người chết và thương tật, đất nước bị tàn phá tận cùng, và lòng hận thù khó nguôi của các giai tầng xã hội. Chúng ta biết rằng chế độ chính trị nào rồi cũng qua đi, nhưng dân tộc thì trường tồn, và lịch sử được viết bởi dân tộc vẫn còn mãi mãi. Người Mỹ thua trên nguyên tắc cuộc chiến Việt Nam với bức tường đá đen ghi tên hơn 58 ngàn tử sĩ, chính quyền và quân đội Miền Nam đã rã ngũ từ năm 1975, nhưng nhân dân Mỹ là một dân tộc văn minh và nhân ái. Xã hội Mỹ đã mở rộng vòng tay đón nhận và tạo cơ hội phát triển cho mọi người, không riêng gì người Việt Nam, tôi thấy cộng đồng Hàn Quốc của các anh ở xứ nầy cũng rất giầu mạnh. Đất lành chim đậu anh ạ.
TCTB: Tại sao nhà thơ lại chọn văn học để bắt đầu sự nghiệp của mình? Bởi vì ai? Khi nào? Mong nhà thơ hãy nói cho chúng tôi được biết cái lý do lựa chọn của nhà thơ.
ĐH: Tôi còn nhớ vào năm 1972, Việt Nam là thời kỳ Mùa Hè Đỏ Lửa. Chiến tranh trở nên khốc liệt. Năm ấy tôi đang theo học trường trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Những người chạy loạn từ Quảng Trị và Huế tràn vào Đà Nẵng lánh nạn, trường tôi phải dùng làm nơi cư ngụ cho nạn nhân chiến tranh. Trước khi đóng cửa nhà trường tổ chức lễ phát thưởng cho giải văn chương và báo chí năm đó. Tôi hân hạnh được nhận giải truyện ngắn hay nhất trong năm. Truyện kể một tình bạn thuần khiết của hai đứa trẻ nhà nghèo, chia cho nhau từng viên kẹo từng lát cà chua ướp đường. Sau đó một đứa phải theo gia đình dọn đi xa. Buổi chia tay, đứa bé còn ở lại chạy bộ theo chuyến xe một đoạn, khói xe mịt mù, buồn ngẩn ngơ, cứ đứng nhìn theo chuyến xe đưa bạn xa tít biến mất ở cuối đường. Nếu tin con người có số, tôi tin điều đó, tôi xin cảm ơn các vị thầy cô dậy tiểu học và dạy môn Việt văn trung học mà tôi đã may mắn được học qua. Đó chính là những ân nhân đã gieo mầm và dậy dỗ cho tôi yêu tiếng Việt và để tôi là tôi của bây giờ.
TCTB: Mong nhà thơ giới thiệu cho chúng tôi được biết thêm về tạp chí “Hợp Lưu” đang được phát hành hai tháng một lần ở Mỹ. Ai sáng lập và được sáng lập khi nào? Thành viên của nhóm biên tập gồm có những ai? Và tiêu chí là gi? Các độc giả rất mong nhà thơ có thể tặng cho các độc giả một số bức ảnh quê hương của nhà thơ lúc nhỏ, hiện tại và cùng với một số các bức ảnh gia đình.
ĐH:Tạp Chí Hợp Lưu là một tạp san văn học nghệ thuật biên khảo, được sáng lập bởi một nhóm văn nghệ sĩ vào năm 1990, phát hành hai tháng một lần. Người chủ nhiệm sáng lập là nhà văn Nhật Tiến, chủ biên sáng lập là hoạ sĩ Khánh Trường. Vào tháng Tám 2002, tôi được mời vào Hợp Lưu với tư cách Tổng Thư Ký, và sau đó đến đầu năm 2005 trở thành Chủ Biên. Tôi vẫn giữ công việc nầy cho đến hôm nay. Những văn thi hữu chủ lực của Hợp Lưu là Sử gia Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, Nhà phê bình văn học Thụy Khuê, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng, nhà văn Phan Nhật Nam, Trần Vũ, Trần Thiện Đạo, Nguyễn Bình Phương... cùng một số các thi văn hữu trong và ngoài nước. Tạp chí Hợp Lưu là một diễn đàn văn chương, cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, giới tính, không kỳ thị Bắc Nam, Trong Ngoài, ý thức hệ hay quan điểm chính trị. Nó sẽ tiếp tục đường đi đã vạch sẵn bấy lâu: đó là thủ diễn vị thế một diễn đàn phục vụ nghệ thuật, văn chương. Tạp chí Hợp Lưu không có tham vọng chính trị, không tự khoác những nhiệm vụ to lớn và hoang tưởng. Tham vọng duy nhất của chúng tôi là duy trì TCHL như một diễn đàn hoàn toàn độc lập, vượt ngoài sự chi phối hay khuynh đảo của bất cứ thế lực nào.
Tôi xin gởi đến quí vị một số bức ảnh theo như yêu cầu.
TCTB: Trong bài thơ “Xa quá quê ơi” của nhà thơ có xuất hiện hình ảnh những chiếc xe máy. Tôi lần đầu tiên đến Việt Nam, đã rất ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến hình ảnh những chiếc xe máy ở Việt Nam. Và tôi cũng bị đau họng vì khói xe máy. Tuy vậy bây giờ tôi rất muốn được quay lại Hà Nội và cũng rất muốn lại được ngắm hình ảnh những chiếc xe máy đó. Đây là một số những câu thơ trong bài thơ này “Đà Nẵng” . Bằng vần điệu của các câu thơ thì hình ảnh của Việt Nam được nổi lên một cách rất Việt Nam, đó là thông qua hình ảnh chiếc xe máy. Có lẽ điều này là một kỉ niệm về quê hương, đất nước thông qua một cái nhìn trực tiếp mang tính phủ định. Là sự kháng cự, là sự ô nhiễm. là đối tượng sẽ cần phải giải quyết hay là đối tượng sẽ phải thúc đẩy?
ĐH:Đó là lần đầu tôi về lại Việt Nam sau 20 năm, vào cuối năm 2000, với tư cách của một thành viên trong phái đoàn thương mại Việt Mỹ. Hà Nội, Đà Nẵng rồi Sài Gòn, đâu đâu cũng xe máy, khói mù mịt cùng với những bụi mù của các công trình xây cất. Vì đi chung với phái đoàn nên chúng tôi thường đi xe ca chở nhiều người giống như xe bus nhỏ ở Mỹ để di chuyển.Thú thật lúc ấy đầu óc tôi như tê dại, tôi là người Việt lại không phải Việt, tôi là người Mỹ lại không phải Mỹ. Không tin ai hết, tất cả đều đầu môi chót lưỡi, dùng một thứ ngôn ngữ ngoại giao, nói cho vừa lòng nhau. Lúc ấy, Việt Nam về kỹ nghệ tin học còn yếu lắm, trong tấm danh thiếp của trợ lý bộ trưởng kinh tế lại dùng địa chỉ hotmail. Như một chuyện khôi hài khi đại diện của một công ty vi tính tại Hà Nội lên thuyết trình về kế hoạch đưa công ty này vào thị trường chứng khoán Mỹ. Vào đến Sài Gòn người lại đông kinh khủng hơn. Sài Gòn có những cơn mưa buổi chiều buồn và tàn nhẫn. Sau đó về Đà Nẵng không khí dễ chịu một chút, nhưng lạ quá, ở đó đến ba ngày tôi vẫn mất hướng một góc chợ quen. Tối nằm một mình ở nhà ba má tôi mới về mua ở biển Thanh Bình, Đà Nẵng, nghe tiếng lá dừa xào xạc, ánh trăng lấp loáng, không khí ẩm mùi mặn của biển, đêm không gia đình, cha mẹ, anh em, vợ con. Tôi hoang mang như hơn 20 năm trước nằm trốn dưới khoang tàu để đi vượt biên. Thật ra tôi đã sống ở Mỹ nhiều hơn thời gian tôi ở Việt Nam. Tôi đã thay đổi chứ quê tôi không đổi thay. Người ở đây vẫn thế, cam chịu, nhịn nhục thân phận bọt bèo, tình yêu là trò xa xỉ, thân phận chúng tôi mang hình ảnh của những đàn kiến... ngồi trên xe máy, cùng với những bức tường không sơn và những cơn mưa thầm lặng trong xã hội Việt Nam.
Rồi mới đây vào tháng 5-2009 tôi lại về Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, nhưng với tư cách là người về thăm gia đình. Lần nầy dễ chịu hơn vì được gặp một số bạn văn thơ trong nước. Văn chương thường làm cho con người gần và thông cảm nhau hơn. Đó là món quà quí giá tôi có được trong chuyến đi vừa rồi. Nhưng xã hội Việt Nam lại có những vấn đề khác nhức nhối hơn, trong khi những vấn đề cũ vẫn còn đấy. Tôi cảm tưởng Việt Nam phát triển như đứa bé lớn nhanh quá, cột xương sống bị chệch, cần phải chỉnh sửa lại mới sống khoẻ mạnh. Việt Nam có một loại trật tự thật đặc biệt, tự điều chỉnh để sinh tồn. Từ những những kiến trúc tự do đến vô trật tự của phố cổ Hà Nội, nơi gần hồ Gươm, đến những công trình đào núi lấp biển tại Đà Nẵng cùng những dãy khách sạn 5 sao dọc bãi biển Mỹ Khê, những “lô cốt” chận đường để cải tiến hệ thống thoát nước từ nhiều năm tại thành phố Sài Gòn. Rồi đến tự do ngôn luận và báo chí như một giấc mơ không bao giờ có thật, mặc dầu nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ mới và Việt Nam đã hội nhập vào WTO. Tất cả những ghi nhận ấy đều nằm trong những bài thơ tôi gởi cho anh mới đây. Tôi xin đọc bài thơ nầy:
Trật tự mới trong bài luân vũ điên
Mất xa em những hình ảnh cũ mềm ẩn hiện
Căn phòng ẩm mồ hôi miền nhiệt đới
Danh vọng là trò đùa thân xác mệt lả cùng những cơn ho
vật vã
Chiều tan nhanh theo trăng tháng năm đứng đường
Tình cảm ô nhiễm bốc lên từ lon bia ngoại
Kỹ thuật cao ru phận đớn hèn
Ôi chao em, dòng nước xe buổi tan tầm
Tôi trôi lềnh bềnh trong văn hoá nhậu
Đào núi lấp biển có thêm hạnh phúc
Giọng nói thơm mùi mạ năm xưa
Trưa nắng từng góc phố ngủ ngồi
Mùa hè sớm hơn nơi phồn hoa miệt thị
Mang theo quán cơm bụi ngàn năm văn vật
Cướp chó bên chiều nhậu Hồ Tây
Ấn tượng nền văn minh treo cổ Sadam
Em tôi Ô sin khi mới lên mười
Sài gòn mập một cách giả vờ
Tôi chỉ in có 49 cuốn thơ
Làm sao mở miệng trong thế giới điếc
Thành phố tự hào có mùi cống rãnh
Chiều Hồ Gươm, đứng bên Hồ Gươm
Nắng mưa giao mùa nơi trái tim trong trái tim
Trơ trẽn như cơn mưa chưa lên câu khẩu hiệu
Tất cả trật tự, tự điều chỉnh để sinh tồn, lạ ghê.
ĐẶNG HIỀN
Việt Nam - California 5-2009
TCTB: Trong bài thơ “ Có lẽ ” dường như nhà thơ có một nỗi buồn mà ngay cả nhà thơ cũng không thể diễn tả được nó và cũng không thể tránh né nó được. Nhà thơ như đang chạy việt dã một mình trong thế giới tinh thần của mình. Nhà thơ đang muốn thoát ra khỏi thế giới đó. Nơi đó giống như một vùng núi rộng lớn. Trong bài thơ có câu “không ai yêu em”. Ở đây nhà thơ muốn một tình yêu gì? Nếu có thể được mong nhà thơ giải thích cho chúng tôi biết về tâm trạng của nhà thơ khi viết những câu thơ này? Sự phản bội của cuộc sống, sự tuyệt vọng của cuộc sống. Kết cục câu hỏi “ Có lẽ sống ở nước ngoài nhiều năm?” có vẻ là không chân thật . Trong bài thơ này lời mà tác giả muốn nói lên là gì? Bản chất cái bĩ cực của nhà thơ Đặng Hiền là cái gì?
ĐH:Khi nhỏ vì sống xa nhà, tôi sớm biết tự lo cho mình. Ở thành phố tôi hay bị chế diễu là dân biển, về làng thì bị chọc là thằng đi theo dân thành thị, nên lúc nhỏ tôi hay đánh lộn với những đứa bé khác, nhưng thường thường bị thua, về nhà lại không dám khóc, khóc là bị ăn đòn. Khi lớn lên hoàn cảnh đã bứng tôi ra khỏi quê hương tôi. Một chiều gần cuối năm đi qua vùng rừng núi California, cái mênh mông hùng vĩ của những dãy núi, màu ráng đỏ của hoàng hôn làm tôi bần thần, những năm đó tôi chưa có dịp về lại Việt Nam. Không như bây giờ sự cách chia về địa lý đã giảm đi nhiều, có tiền mua vé máy bay mười mấy giờ sau là về ngay Sài Gòn...
Bài “Có lẽ” hơi đặc biệt một tí về ẩn dụ và đối tượng thơ. Tôi dùng hình ảnh một thiếu nữ để bày tỏ tình yêu thương của mình đối với mảnh đất mà tôi đã được sinh ra và lớn lên, được dậy dỗ bằng những bài học thương yêu và lòng nhân bản. Xã hội miền Nam tôi sống lúc đó mặc dầu trong chiến tranh, nhưng trẻ em không bao giờ bị nhồi nhét những bài học cho lòng thù hận. Chúng tôi được học những bài học lịch sử đấu tranh trong mấy ngàn năm của những vị anh hùng đưa dân tộc Việt thoát khỏi ách nô lệ của người khổng lồ phương Bắc. Dù đầu óc non nớt lúc ấy những đứa trẻ như chúng tôi vẫn biết rằng, một lúc nào đó chiến tranh sẽ qua đi và đất nước sẽ thống nhất. Đến khi đất nước thống nhất rồi thì những đau thương khác tiếp nối. Tôi chỉ là một phần tử quá nhỏ nhoi trong gần 3 triệu người Việt lưu lạc ở hải ngoại, định cư ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dĩ nhiên chúng tôi mang ơn tấm lòng nhân ái của các dân tộc khác đã cưu mang chúng tôi, cho chúng tôi một đời sống tự do thật sự. Riêng tôi, nơi sâu thẳm của hồn mình, thật sự tôi không thấy mình thuộc về đâu, Mỹ ư? Tôi chỉ là loại Mỹ giấy. Việt ư? Tôi không thuần Việt, vì tôi ở nước ngoài nhiều năm, tôi sống tự do quen rồi. Vậy anh cho tôi biết đi, tôi thuộc về đâu? “Không ai yêu em” là vậy, là tình yêu quê hương. Trong cái tâm trạng bơ vơ, quê hương thắm thiết như tình vợ chồng, bao dung như tình mẹ con. Còn bỉ cực nào hơn khi cảm thấy thân phận mình gần như vô thừa nhận đó.
TCTB: Trong câu thơ “Chiều cuối năm với người bạn già” . Giống với một câu thơ trong bài thơ “ Ngày xanh” của nhà thơ Seo Cheong Chu của Hàn Quốc. Nhìn những người sống sót trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và anh ấy hát “ Ngày xanh thì hãy nhớ những người bạn” . Trong bài thơ này nỗi buồn trong bản thân mỗi người sống sót là gì? Câu cuối của bài thơ “Xanh một mùa rét căm” có ý nghĩa gì?
ĐH:Bài này tôi làm để tưởng nhớ nhà văn Mai Thảo được đăng trong Hợp Lưu số 100, số tưởng niệm đặc biệt về nhà văn nầy. Ông ấy là thế hệ trước tôi, chịu nhiều đau thương hơn thế hệ của tôi vì những biến động đổi thay của Việt Nam. Quen biết ông qua những bài thơ tôi gởi đến đăng ở tạp chí VĂN, mà ông ấy là chủ bút. Ở Mỹ nhưng ông khước từ hội nhập vào xã hội nơi đây. Và cũng qua ông, tôi cảm được nỗi vô thường và cô đơn của đời người. Khi mà quê hương đã chợt mất, bạn bè đã ly tán, kẻ mất người còn, gia đình không có, sống thui thủi một mình, cô đơn như ngọn hải đăng hiu hắt, sống cùng rượu, chờ chuyến xe cuối cùng để về cõi vĩnh hằng. Thi thoảng được uống rượu cùng ông, tôi thường nghe ông kể về đời sống của ông ở miền Bắc khi xưa, ở Sài Gòn thời cực thịnh về văn chương miền Nam, về chiến tranh và những người bạn, những người bạn đã chết, và những người bạn còn sống đang lưu lạc ở xứ người. Và ông hay ngâm thơ của họ, bạn ông là những nhà thơ lừng danh của Việt Nam, là thi sĩ Vũ Hoàng Chương, là thi sĩ Đinh Hùng, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền... Với ông, hình như thời gian đứng lại, mãi mãi ở Nam Định, ở Hà Nội ở Sài Gòn. Hồn ông ở đấy.Tuyệt nhiên, ông không hề nhắc đến tình yêu, bởi thế “Xanh một mùa rét căm” là vậy, là sự cô độc đến tận cùng trong một chiều cuối năm ở một nơi không là quê hương, một nơi không có dĩ vãng.
TCTB: Trong bài thơ “Mưa Đà nẵng” , như người ta thường nói tất cả thơ của nhân loại là thơ của sự thất lạc. Mưa đang rơi, câu thơ “Ngang nhà em lòng buồn rưng rức” Đã vẽ lên điều gì? Giáo sư Bae Yang Soo đã biên dịch rất hay, đã nắm được cái hồn của nhà thơ trong bài thơ, đôi mắt hiền và mơ màng của nhà thơ Đà Nẵng đang ước hẹn và chờ đợi gì? “Nụ cười em tôi lặng lẽ đi tìm” . Em ở đây là ai?. Là Đà Nẵng hay là Việt Nam hay cũng có thể là một người con gái.
Tôi rất xin lỗi khi đã đặt những câu hỏi khó giải thích với nhà thơ.
ĐH: Anh là nhà thơ, hơn ai hết anh hiểu tôi. Thơ là thơ, thơ yêu nước hay thơ yêu em cũng chỉ là thơ. Khác nhau là HAY hoặc KHÔNG HAY. Thơ là từ trái tim mà ra, thơ nếu đúng nghĩa khó có gì theo kịp. Thơ chỉ NHẠT khi nào tác giả không sống thật với chính mình và viết toàn những câu giả dối sáo ngữ. Tuy nhiên, thơ tình thường là riêng tư, trong thế giới riêng tư đó, tác giả đánh thức người đọc bằng trái tim của chính mình, bằng tài năng và tình cảm trải lên những câu những đoạn của thơ. Vâng, Giáo sư Bae Yang Soo biên dịch thật tài tình, theo tôi đó là sự may mắn cho thi ca của hai nền văn hoá Việt-Hàn. Những cơn mưa Á châu thường dai dẳng và ảm đạm. Những thành phố miền Trung Việt Nam rất tĩnh lặng và buồn. Bài “Mưa ở Đà Nẵng” viết vào năm 1994, in trong tập thơ đầu của tôi. Đà Nẵng trong tôi là những hình ảnh khi chưa ra đi. Ra đi, chia ly, thất lạc và nỗi nhớ đã làm nên thơ; ngày cũ, chốn xưa cùng với những người con gái tôi quen thời tuổi trẻ, trong đó có cả vợ tôi, và những cơn mưa, hoà vào nhau là một, thì ra đó là quê hương anh ạ. Trong lần về lại Việt Nam lần thứ hai vào năm 2009, tôi có viết một bài thơ cũng về Đà nẵng. Hai bài thơ đều viết về Đà Nẵng nhưng thời gian và tâm cảnh đã khác, xin gởi đến anh và quí độc giả bài thơ nầy:
Bài Viết Lại ở Đà Nẵng
Ở đây mùa trốn mất theo những cơn mưa dài trong đêm
Thời gian hụt mất cơn say sâu ngang vết nhăn nụ cười buồn bã
Tuổi trẻ trôi xa theo nhau ngày cũ
Thành phố mưa
Không còn lá tương tư tuổi nhỏ
Không còn những chuyến đò xưa
Đêm bỗng thất thường như mưa
Con nước có về theo chiều của nhau không ?
Trên đường mòn mênh mông trí nhớ
Cơn mưa chạy hoài theo vết xe xa thành phố
Cơn mưa ở mãi cùng anh từ buổi chia tay
Tình không là tình của năm xưa
Khi ta đôi mươi qua thời thay đổi
Biết đến bao giờ trở lại
Đêm mơ như nước sông chảy xuôi về biển yêu thương
Và mùa chừng trốn mất nơi đây
Lạnh theo mưa...
ĐẶNG HIỀN
Đà nẵng-5-2009
TCTB: Câu hỏi cuối cùng.
Nhà thơ sẽ tiếp tục sống tại Mỹ? Và cũng sẽ chết tại đó? nếu không thì xin nhà thơ cho độc giả biết nhà thơ có ý định trở lại Việt Nam hay không? Nhà thơ sẽ tiếp tục sống ở California và sẽ tiếp tục sáng tác thơ? Sự thất lạc và nỗi nhớ có làm nhà thơ quay về Việt Nam không?
ĐH:Thành thật mà nói, ngoài Việt Nam ra, Mỹ là quê hương thứ hai của tôi, tất cả cuộc đời tôi đều ở đây. Rất may mắn cho tôi và cho thế hệ của chúng tôi không phải gánh nặng lòng thù hận của quá khứ. Không bị mù quáng vì tuyên truyền. Bạn bè của tôi ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng cha mẹ, vợ con, anh em, công việc hầu như tất cả đều ở Mỹ. Vậy tôi không ở California thì tôi ở đâu hả anh? Hơn nữa con trai út của tôi mới bảy tuổi, tôi biết cháu nó rất cần tôi. Chuyện sống chết có số mạng làm sao mình quyết định sẽ chết ở đâu? Tôi đang thuyết phục vợ tôi cùng tôi về thăm Việt Nam trong lần tới, cô ấy xa Việt Nam 30 năm rồi chưa trở lại. Theo tôi thì dù sống xa quê hương nhưng lúc nào cũng hướng về vẫn tốt hơn là ở tại Việt Nam mà lòng không ở đó. Riêng tôi, thơ vẫn là niềm đam mê và cần thiết như hơi thở cho sự sống, tôi luôn yêu thơ bằng chính trái tim mình.
TCTB: Đầu mùa thu năm 2010 chúng tôi dự định tổ chức hội ngâm thơ Châu Á và cũng dự định mời những nhà thơ đang sống ở Việt Nam. Hẹn gặp lại nhà thơ vào một ngày gần đây.
Chân thành cảm ơn nhà thơ về buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
Go Hyeong Ryeol/ nhà thơ,
Tổng biên tập tạp chí Thi Bình.
PHỤ BẢN:
Những bài thơ của Đặng Hiền trong Tạp chí Thi Bình Hàn Quốc sốmùa Thu năm 2009, do Giáo sư Tiến sĩ Bae Yang Soo biên dịch.
XA QUÁ QUÊ ƠI
Bắt đầu nhớ những con hẻm
Xe máy cùng bờ tường không sơn
Thành phố cùng tầm nhìn trong veo
Thành phố và những cơn mưa thầm lặng
Xe chạy mù, xe chạy mù
Dòng xe dài đàn kiến
Những con kiến chạy quanh
Hà Nội Sài Gòn Đà Nẵng...
(SaiGon 16-12-2000)
MƯA Ở ĐÀ NẴNG
Cơn mưa buổi chiều mưa hoài không tạnh
Bước xuống đò về qua Hà Thân
Ngang nhà em lòng buồn rưng rức
Đầu dầm mưa, lòng cũng dầm mưa
Những ngày cuối năm mưa phùn gió bấc
Dòng sông Hàn nước đục, lục bình trôi
Bên kia phố có mắt hiền mộng mị
Nụ cười em tôi lặng lẽ đi tìm
Ngày em đi, tôi ngủ vùi không dậy
Nghe mưa bập bùng theo vết xe xa
Như nước đổ thương con đò xuôi ngược
Lòng tan hoang mưa lạnh rét đôi miền.
CHIỀU CUỐI NĂM VỚI NGƯỜI BẠN GÌA
Ngày rộng hàng hiên hẹp
Rót tràn ly rượu chay
Quê nhà xa muôn dặm
Đá cầm run bàn tay
Ở đây hồn mờ mịt
Chiều đập vỡ chai ra
Thoáng nghe đời rớt lại
Nát từng khúc tình ta
Sóng bên bờ năm cũ
Sóng tròng trành vành ly
Có ai về thắp lửa
Quanh nỗi nhớ câm lì
Khoé nhìn ơi thê thiết
Đồng vọng mấy mươi năm
Mắt già thôi tìm lại
Xanh một mùa rét căm.
CÓ LẼ
Tất cả giọng ca đều hàng đầu
Không ai ở cuối
Rượu mạnh và đau lưng
Thôi kiếp hư phù
Cho anh nhìn phóng qua thung lũng
Cho anh mây trời
Cho anh sóng biển
Cho anh bay lên từ em
Từ rừng trăng bát ngát
Xuân thập thò
Mùa thơm nắng ngây thơ
Tất cả thi sĩ đều tuyệt
Làm thơ làm dáng
Không ai yêu em
Không ai...
Có lẽ ở nước ngoài nhiều năm
Có lẽ anh chẳng thuộc về đâu
Những ngày hết năm bỗng nhớ nhà quá đỗi
Có lẽ.
ĐẶNG HIỀN:Sinh năm 1958 tại Hòa Vang, Quảng Nam. Định cư tại Nam California USA từ năm 1979. Thơ đăng trên Văn, Hợp Lưu, Văn Học, Thế Kỷ 21, Nghệ Thuật... Góp mặt trong tuyển tập Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-1995) NXB Đại Nam USA.Tổng Thư Ký Tạp Chí Hợp Lưu (USA) 2002-2005 Chủ Biên Tạp Chí Hợp Lưu (USA) từ 2005…
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình
chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một
lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con
người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn
hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến
động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà.
Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải
thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy
vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê,
vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên
Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi
buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu
đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và
lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ
hộ...
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết
thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi
tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi
ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao
kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề
được mở ra.
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.