Năm Giáp Thân qua đi và Ất Dậu đang đến, đã liên tiếp khơi lại những «chốt» lịch sử. 50 năm chiến trường Điện Biên Phủ và từ chiến thắng giành Độc Lập này phát xuất Di Cư rồi bột phát phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Bước vào 2005, với người Việt, vẫn còn một dấu mốc khó khăn: 30 năm của thống nhất bằng quân sự. 30 năm của thất vọng, ly tán, lưu vong, di dân và tụt hậu. Và 30 năm của bế tắc chính trị Nam - Bắc, trong - ngoài.
Trước hết, đã khởi đi từ Nhân Văn Giai Phẩm. Một vụ án, và một hơn một vụ án, một chứng minh đã có lãnh đạo, kiểm soát và trừng phạt trí thức-văn nghệ sĩ tại miền Bắc sau kháng Pháp. Một dự báo cho cuộc thiêu hủy Văn Học Miền Nam sau 30-04-75. Nếu Phan Khôi, Văn Cao, Trần Dần, Trần Đức Thảo, Phùng Quán, Phùng Cung, Nguyễn Bính, Nguyễn Sáng... đã chết, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang hãy còn sống. Tiếng nói của họ hôm nay là tiếng nói của sống sót, nhưng vượt lên trên sống sót, là tiếng nói của chứng nhân hằn ghi một thời đại toàn trị nhưng vô cùng vinh quang của văn học Việt Nam. Một giai đoạn mà nhà văn đã dám sống thật và chấp nhận trả giá.
Phải quên đi quá khứ để hướng đến tương lai? Câu trả lời của nhà thơ Lê Đạt rất rõ ràng: Phải tìm hiểu quá khứ kỹ càng mới có thêû tạo lập một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam. 100 trang phỏng vấn những tác nhân trụ cột của phong trào này do Thụy Khuê thực hiện trên radio RFI và đánh máy lại dành riêng cho tập san Hợp Lưu là một chứng từ lịch sử.
Từ Nhân Văn Giai Phẩm đến Văn Học Di Dân cách nửa thế kỷ. Nội chiến rồi ly tán như đã chung một truyền thuyết: 50 con lên núi và 50 con xuống biển. Vũ Quỳnh Hương tháng 4-1975 ở trong số những người chọn ra biển và làm nên dòng văn chương xa xứ. Với khả năng quan sát, Vũ Quỳnh Hương nhanh chóng tìm ra định mệnh của người Việt trên lục địa Hoa Kỳ: Những phòng đợi về Miền Vĩnh Phúc, với tất cả những bản năng khi lìa đời và những ti tiện con người khi còn xa cách thiên đàng. Miền Vĩnh Phúc là một truyện vừa chứa mang nhân sinh quan với một giọng văn tự nhiên, không cần thiết cách tân cầu kỳ.
Linda Lê, một phụ nữ Việt Nam khác, đã mang nỗi khổ đau của phân ly sau 1975. Một nỗi đau lý lịch mà Linda Lê không ngừng chảy máu. Vu Khống, qua bản dịch của Nguyễn Khánh Long, ghi lại tâm trạng của một nhà văn truy đuổi lai lịch một người cha đã biến mất.
Nếu chọn ra biển là một chọn lựa giải thoát, thì từ chọn lựa này nhiều nhà văn nữ đã ý thức có thể vượt vòng kềm toả của Khổng giáo. Dương Như Nguyện, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trân Sa, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Hương, Đặng Thơ Thơ, Đỗ Lê Anh Đào, Lê Quỳnh Mai, Lê Thị Thấm Vân, Đỗ Quỳnh Dao, Mai Ninh đã thường xuyên đề cập thẳng thừng vấn đề tình dục. Đỗ Hoàng Diệu, Phước An từ Hà Nội và Nguyễn Thị Minh Ngọc từ Sàigòn cũng đã chọn công bố những truyện ngắn táo bạo nhất ở ngoài nước. Thế Uyên và Nguyễn Văn Lục đúc kết ghi nhận của cả hai trước hiện tượng tính dục trong văn chương nữ ở đầu thế kỷ 21.
Bên cạnh tiếng thơ Thanh Tâm Tuyền, sáng tác của Chân Phương, Thường Quán, Nguyễn Hoà-Trước,Inrasara, Lê Bi, Trần Mộng Tú, Đỗ Lê Anh Đào, Đặng Hiền, Miêng và người viết mới Đặng Ngọc Loan, là những trình bày suy nghiệm trong lĩnh vực triết học qua loạt bài Tư Duy Tự Do của Phan Huy Đường. Dịch giả uy tín Trần Thiện Đạo sẽ phụ trách không định kỳ giới thiệu những thành tựu văn chương thế giới trong mục Chân trời văn học nghệ thuật.
Hợp Lưu 82 chủ đề 30 tháng 4, bao gộp nhiều hồi ký, nhận định về hậu quả của nội chiến Nam-Bắc cùng phỏng vấn nhiều nhà văn tên tuổi sẽ phát hành vào giữa tháng 4-2005.
Trên thềm Tân Niên Ất Dậu, ban chủ biên Hợp Lưu gửi đến bạn đọc và văn hữu lời chúc tốt lành được nhiều may mắn.
HỢP LƯU