- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thư Cho Em

19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 12159)

hopluu99-266w_0_300x183_1

CHUYỆN MỘT KHỐI TÌNH BẤT DIỆT

Chưa từng có một bức thư tình nào mà bán chạy ở Pháp trong mùa thu hoạch văn học rentrée littéraire 2007 này bằng tác phẩm Thư cho em mới vừa được tái bản.

Ngang tầm mắt trên tấm cửa liếp, một tờ giấy ghi hàng chữ đậm : « Xin báo công an phường. Cảm ơn. » Họ nằm bên nhau, vẻ mặt thanh thản. Họ là nhà văn, nhà báo, triết gia André Gorz , 84 tuổi, và vợ, Dorine Kay, 83. Ngày 24 tháng 09/2007, họ đồng tình dắt nhau đi về cõi vĩnh hằng trước khi bịnh tật và tuổi tác ngày càng chất chồng.

Nguyên nhơn những vụ đồng loạt tự hủy, theo các nhà xã hội học và phân tâm học, đến nay thảy đều xuất phát hoặc từ môn đồ dòng phái tận thế, hoặc từ những gia đình bị thảm kịch giấu kín dồn vào thế cùng, hoặc từ các cặp vợ chồng già nua đau ốm, tránh tình trạng thể xác và tinh thần lần hồi lụn bại hay cảnh chia lìa kẻ trước người sau. Chắc hẳn trường hợp cặp André/Dorine thuộc loại thứ ba này : họ đã dự tính như vậy, qua một bức thư tình soạn thảo năm ngoái.

Thư cho emDo chính André Gorz chấp bút dưới nhan đề Lettre à D. – Histoire d’un amour (Thư cho D. - Khối tình bất diệt - Nxb Galilée), phát hành tháng 09/2006, đúng một năm trước. Tác phẩm tối hậu của một văn gia, sau thời gian hoạt động tích cực trong ngành báo chí và triết luận và trước khi từ giã cõi đời, trở về với đề tài muôn thuở : tình yêu. Bức thư khai mào : « Em nay đà tròm trèm tuổi tám mươi hai. Thân mình co thắt, còm cõi mất sáu phân, chỉ còn nặng bốn mươi lăm kí, vậy mà dưới mắt anh em vẫn mĩ miều, duyên dáng và quyến rũ làm sao ! Chúng mình chung sống với nhau đã năm mươi tám năm ròng, vậy mà anh vẫn yêu em tha thiết. Vẫn cảm thấy lồng ngực mình giá lạnh mỗi khi không được thân xác em hâm ấm trên làn da thớ thịt. »

Ít có tác phẩm nào, ngay mấy dòng đầu, mà thu hút tâm trí độc giả chúng ta đến nhường ấy. Chỉ cần vài câu đơn giản, không chút kiểu cách, là đà tạo nên giai điệu, giọng nói, cảm xúc, bởi nó vọt ra tự đáy lòng và máu huyết của một con người đà ở tuổi bát thập. Bức thư 76 trang vỏn vẹn viết cho ngưòi vợ đau yếu, gần đất xa trời, chưa biết rõ giờ khắc cuối cùng. Trước mặt người vợ và trước mặt mọi người, tác giả không ngần ngại, tuy vẫn tế nhị, tự hỏi : khối tình gắn bó đó của mình được xây trên nền móng nào, bằng bí quyết nào. Nhờ đâu mà nó bền vững ngót sáu thập niên một cách kì diệu tới mức ấy ; mà nó tự dưng hóa nên thành phần bất phân trong cuộc đời của mình như vậy. Hẳn là vì : « Thuở ấy (chiến tranh thế giới 1939-1945) hai đứa mình đều cùng sống chung trong tình cảnh bấp bênh, thời buổi xáo trộn (cha tác giả vốn tộc Do thái, Dorine Kay gốc Hồng mao, họ gặp nhau ở thủ đô nước Áo dưới quyền quân phiệt Đức). Chúng mình khôn thôi bảo trợ lẫn nhau, đồng tình đồng cánh với nhau. Anh biết rõ như vậy và tin rằng em cũng biết rõ như vậy. »

Trên thực tế, suốt thời gian chung sống, Dorine Kay không ngừng là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho André Gorz dựng nên sự nghiệp triết học và báo chí của mình. Họ tuy hai mà một, hợp nhứt với nhau. Bức thư kết thúc : « Cả hai đứa mình không đứa nào lại muốn tiếp tục sống sau kẻ mất sớm. Giả thử, như chúng mình thường thổ lộ cùng nhau, sau cái chết có một đời sống khác, thì hai đứa mình đều đồng tâm ước vọng được sống tiếp bên nhau. » Vô hình trung ước vọng này báo trước quyết định sẽ diễn ra ngày 24 tháng Chín vừa rồi.

Sự nghiệp sóng đôi Vào cuối cuộc đời, sau khi đà dựng nên sự nghiệp triết học và báo chí, André Gorz không ngớt nghĩ tới công ơn người vợ đã nâng đỡ mình trong suốt thời gian lao lực. Ghi khắc hình ảnh Dorine Kay sao cho khỏi phai mờ : « Không có em bên cạnh, thì làm sao sự nghiệp ấy được hình thành và phát triển. Là thành tựu của những ngày dài đối thoại khôn dứt giữa đôi ta, giữa hai đứa chúng mình, vậy mà nó chỉ mang có mỗi một tên anh trên trang sách và trong tâm trí mọi người. »

Chào đời năm 1923 ở Áo, André Gorz giả dạng trốn sang Thụy sĩ lúc 15 tuổi khi trùm quốc xã Đức Adolf Hitler (1889-1945) bạo hành, thôn tính nước Áo qua chánh sách Anschluss. Năm 1946, gặp triết gia Jean-Paul Sartre (1905-1980) ở Lausane. Thuyết hiện sinh hành động đặc cách của triết gia này (*) phù hợp với kinh nghiệm bản thân của ông, của con người « đi tìm mình qua thân phận của chính mình ». Triết luận Le Traître (Phản bội - 1955) ra đời với lời giới thiệu nồng nhiệt của Jean-Paul Sartre. Cộng tác với tạp chí Temps modernes (Thời đại), do triết gia này chủ trương, từ năm 1961 tới năm 1973. Tiếp tục triển khai suy luận, nhập thêm mảng kinh tế, xã hội, sinh thái vào triết thuyết hiện sinh. Luận thuyết Adieux au prolétariat (Giã từ giai cấp vô sản – 1980) đánh dấu một bước tiến trong suy luận, tiên quyết rằng lao động trong ngành kĩ nghệ sẽ tự nhiên phân tán trong xã hội tư bản - luận thuyết gối đầu giường cho mọi nhà nghiên cứu cùng chủ đề.

Song song với công trình triết học và xã hội học gồm trên dưới 15 tác phẩm, André Gorz dấn thân vào nghề báo. Dưới biệt danh Michel Bosquet, ông làm phóng viên cho tờ Paris Presse (Paris báo), và sau đó, lần lượt cho tuần báo Express (Tin nhanh) và Le Nouvel Observateur ( Người quan sát đổi mới). Rồi trở thành tổng biên tập tuần báo này, chuyên trách phần xã hội, kinh tế, sinh thái, cho tới năm 1983. Luận thuyết L’Immatériel (Phi vật thể - 2003), khảo sát hiện tượng con người ngày càng không được khoa học và tài lực chú trọng đúng mức, kết thúc sự nghiệp nghiên cứu của ông.

Và kết thúc cuộc đời bằng một lá thư tình, gọn trong 76 trang. Nhưng là những trang cô động, trong như ngọc, nhẵn như hòn đá cuội - nghiễm nhiên chứng tỏ rằng văn chương đích thật chỉ nảy sanh từ những trái tim không màu mè và không sơn phết. Một tác phẩm để đời.

 

TRẦN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 09/10/2007)

---------------------------

(*) Xem : Trần Thiện-Đạo, Chủ nghĩa hiện sinh hành động và thuyết cấu trúc (Nxb Văn hóa – 2001), phần I, tr. 8-269.

Gia tài văn hóa

KIỆT TÁC NGÔN NGỮ

Có ai ngờ rằng một tác phẩm tái bản hằng năm từ hơn một thế kỷ nay mà lại bán chạy như tôm tươi, mỗi lần bán hết 700.000 cuốn như chơi. Sách gì vậy ? Tiểu thuyết phong tình dồn dập mây mưa ? Truyện trinh thám tình tiết hồi hộp ? Hồi ký nẩy lửa của một siêu sao lẫy lừng ? Sấm truyền của một nhà tiên tri khét tiếng ? Không phải đâu, bạn đoán sai ráo. Đó là một cuốn từ điển : cuốn Petit LAROUSSE illustré (Từ điển thông dụng LAROUSSE minh họa – Nxb Larousse), mỗi năm tái bản một lần, có sửa chữa và thêm bớt hợp thời. Ấn bản 2008 mới vừa phát hành.Pierre Larousse

Mọi sự bắt nguồn từ ý chí của một thày giáo tỉnh lẻ : Pierre Larousse (1817-1875). Nhận thấy chương trình giảng dạy trong nhà trường công lập bấy giờ vừa lạc hậu vừa thiếu sách, ông bèn cuốn gói lên thủ đô Paris lập nghiệp trong một trường… tư, tư thục Jauffret. Thời gian giảng dạy trong nhà trường nội trú rất ư đắt khách này, ông khởi sự soạn thảo giáo trình Lexicologie des études primaires Cours complet de langue française (Ngữ vựng tiếng Pháp dành cho cấp một – 1849), dạy học trò ăn nói đúng mẹo và viết đúng chánh tả. Cũng nên nhắc tới ở đây đóng góp của bà Suzanne Caubel, vợ ông, trong việc hiệu đính và trình bày tập sách - khiến chúng ta không khỏi nghĩ tới bà Dorine Kay, hơn một thế kỉ sau, cũng góp phần không ít cho sự nghiệp triết học và báo chí của người chồng André Gorz (1913-2007) cả hai vừa từ trần mới đây. (*)

Trong thời gian này, Pierre Larousse cùng một đồng nghiệp là ông Augustin Boyer sáng lập nhà xuất bản Larousse & Boyer chuyên in sách giao khoa, rồi trở thành Nxb Larousse khi họ chia tay nhau. Cho tới khi qua đời, ông miệt mài soạn đều đặn mỗi năm một biên khảo về ngôn ngữ Pháp và nguồn gốc Latin và Hi lạp của nó - gồm trên dưới 20 đầu sách thảy đều được giới nghiên cứu đón chào nồng nhiệt. Là kết quả một cuộc đời tận tụy, nghiên cứu không ngừng nghỉ chẳng những về ngôn ngữ mà cả về mọi địa hạt khác, như ông đã tuyên bố, để ‘’ thực hiện một cuốn từ điển bách khoa, bao trùm mọi tri thức cần thiết cho đời sống tinh thần ‘’. Thời ấy, đa số ngưòi dân còn thất học hoặc mù chữ, cần phải được‘’ soi sáng bằng mọi cách, giúp họ có một số hiểu biết tối thiểu ‘’. Từ năm 1863 tới năm 1875, trước khi qua đời, ông đã lần hồi hoàn tất tập Grand dictionnaire universel du XIXè siècle (Đại từ điển bách khoa thế kỉ XIX) dầy hơn 20.700 trang.

Trong số 20 tác phẩm nghiên cứu và biên khảo của ông, cần phải kể đặc biệt quyển Nouveau dictionnaire de la langue française (Tân từ điển tiếng Pháp – 1856) vốn là tiền thân cuốn Từ điển thông dụng LAROUSSE minh họa ngày nay, chủ đề của bài này.

Gởi hương cho gió Nguyên tác là Je sème à tout vent, biểu hiệu quyển từ điển tiếng Pháp minh họa nói trên, mà những ai có trong tay kể từ năm 1905 tới nay thảy đều thấy vẽ ngoài bìa. Logo đầu tiên này do kiến trúc sư kiêm trang trí gia Emile Reiber hình tượng, lấy cọng hoa pissenlit, cũng gọi là bồ công anh, phân tán hột giống bay lượn khắp nơi. Điều đáng tiếc là biểu tượng gởi hương cho gió chỉ được thực hiện khi Pierre Larousse đã qua đời vào tuổi 57. Năm 1890, cọng hoa pissenlit được hai họa sĩ Eugène Grasset và Georges Moreau ghép thêm hình la semeuse, người phụ nữ thổi phun hột giống, tượng trưng cho mục đích của tác phẩm là truyền bá tri thức cho mọi người..

Nhưng phải đợi tới đầu thế kỉ XX, cuốn Tân từ điển tiếng Pháp mới đổi tên thành Từ điển thông dụng LAROUSSE minh họa. Ông Yves Garnier, đương kim giám đốc phòng Từ điển và Ngôn ngữ Pháp Nxb Larousse, tường trình : « Chính nhà ngôn ngữ học Claude Augé (1854-1924) là người có sáng kiến kèm thêm minh họa. Ông cho rằng hình ảnh rất quan trọng trong việc lãnh hội ý nghĩa từ ngữ giải thích. Ngay khi mới ra đời năm 1905, cuốn Từ điển minh họa đã thành công rực rỡ. Từ bấy đến nay, nhiều gia đình chỉ có mỗi một quyển sách trong nhà, thì đó là cuốn từ điển này. » Có lẽ sự thành công này đã thúc đẩy, nửa thế kỉ trước đây, Nxb Khai–Trí ở Sài gòn ấn hành cuốn Việt-Nam tân từ điển minh họa (1965), nhái theo công trình Larousse, của Thanh-Nghị - đồng lượt với cuốn Từ điển tiếng Việt không có minh họa do Văn Tân chủ biên và do Nxb Khoa học xã hội ấn hành ở Hà nội.

Sau hơn một thế kỉ, cuốn Từ điển thông dụng LAROUSSE minh họa vẫn giữ nguyên cấu trúc cố hữu, chia thành ba phần. Phần đầu dành cho danh từ chung, phần sau cho danh từ riêng – cũng gọi là phần lịch sử, và phần giữa màu hồng cho tục ngữ và thành ngữ tiếng ngoại thường dùng trong đối thoại và văn học. Riêng các minh họa thì theo thời gian luôn hồi thích nghi với tiến triển kĩ thuật, ảnh màu lần lượt thay cho tranh vẽ.

Một tác phẩm không những thuộc hạng best-seller, sách bán chạy, mà còn là một long-seller, sách liên tục bán chạy.

 

TRẦN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 25/10/2007)

-------------------------

(*) Xem : Thư cho em - Chuyện một khối tình bất diệt (Thể thao & Văn hóa, số 67, ngày 11/10/2007).

 

 

 

 

Paris văn học

CON NHÍM LỊCH LÃM

 

Từ ngày ra mắt bạn đọc ngót một năm nay, thiên truyện thường xuyên đứng đầu sách bán chạy. Đã được hồi bản 41 lần, mỗi lần 10.000 bản, và đến nay bán sạch hết 400.000 cuốn. Trong thời gian này, tác phẩm lần lượt trúng nhiều giải thưởng, từ giải Georges-Brassens tới giải Thư quán qua các giải Độc giả tỉnh lẻ, Văn hóa và Thư viện…mỗi giải một số lượng độc giả riêng biệt. Đã được dịch trên mười thứ tiếng Á Âu, Nhựt bổn, Trung hoa, Thái, Anh-Mĩ, Đức, Bồ đào nha … Sắp dựng thành phim nhựa. Một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, là nó không những được giới phê bình và quan sát văn học chú trọng mà còn được độc giả truyền miệng nhau mua, bàn luận. Truyện gì vậy ?

Hài kịch Một thứ hài kịch đạo lí nhan là L’Élégance du hérisson (Con nhím lịch lãm – Nxb Gallimard) – cái tựa đề hàm ý này không khỏi khiến chúng ta nghĩ tới cuốn truyện hoạt kê Gấu con phiêu lưu kí của nhà văn Phần lan Arto Paasilinna (*). Tiểu thuyết thứ hai của một nhà giáo dạy triết ở tỉnh lẻ : Muriel Barbery. Tuy tác phẩm đầu tay La gourmandise (Khoái khẩu) phát hành hai năm trước cũng đã được đón chào nồng nhiệt và chuyển ngữ qua nhiều thứ tiếng, tác giả vẫn không ngờ rằng cuốn truyện thứ hai của mình lại tự dưng trở thành một hiện tượng văn chương hiếm thấy như vậy.

« Nhờ có ông Mác mà tôi nhìn thấy cuộc đời hoàn toàn khác hẳn. » Đây là lời một cậu choai choai con ông cháu cha ít khi giao tiếp với hạ tầng xã hội bất ngờ rỉ vào tai mụ gác cửa. Mụ giới thiệu mình : « Tui tên là Renée, năm mươi bốn tuổi, gác cửa nhà số 7 đường Grenelle, một căn hộ sang trọng ở Paris. Góa chồng, xấu như ma lem, lùn tè lùn tịt, tròn trịa béo phì, tay chưn chai cứng và, cứ như tui tự mình ngửi thấy mỗi sáng, thì mồm miệng hôi rình. Còn dáng vẻ thì lại y chang hình trạng hạng người gác cửa, thành ra chẳng có ma nào nghĩ rằng tui học thức coi vậy chớ cũng vượt xa lũ giàu có nứt đố đổ vách tự phụ hợm hĩnh kia. » Chẳng ai ngờ rằng mụ đã đọc biết bao * triết gia, Emmanuel Kant, Edmund Husserl mà mụ rất khoái, * phân tâm gia mà mụ cho là vừa tầm phào vừa lố bịch, * tiểu thuyết gia mà mụ ưa chuộng đến mức đặt tên con mèo già của mình là Léon để tưởng nhớ Tolxtoï. Lại nữa, mụ còn thính nghe nhạc giao hưởng loại Wolfgang Mozart, Ludwig van Beethoven, Franz Liszt và đồng lượt ngưỡng mộ các nhà đạo diễn màn ảnh đặc biệt là Ozu Yasujiro, tác giả một loạt phim để đời…

Sóng đôi với mụ trong cuốn truyện còn có một cô bé ngộ nghĩnh khác thường. Cô ta tự giới thiệu : « Tôi tên là Paloma, mười hai tuổi chẵn, ở nhà số 7 đường Grenelle trong căn hộ sang trọng giàu có. Cũng từ lâu rồi, tôi đã nghiệm thấy trước cuộc đời người lớn của mình, với bể nuôi cá, với chuỗi ngày trống rỗng và đần độn. Làm sao biết trước được như vậy hả ? Có gì lạ đâu, tôi vốn rất thông minh. Cực kì thông minh, hiểu biết mau lẹ. Nhờ vậy mà tôi đã lấy quyết định ngay liền bây giờ : sau năm học, vừa đúng tuổi mười ba, là tôi tức khắc lìa cõi đời này. » Tuy chưa trưởng thành, nhưng năng khiếu vượt bực, nên cô nàng đà thấu hiểu mọi sự trên đời. Chính cô đã chọn biệt danh con nhím đặt cho mụ gác cửa. Đúng y như mình nhận xét : « Mụ gác cửa Renée bổn tánh giống hệt loài nhím : bề ngoài thì gai góc nhọn hoắc rậm rạp như tường vách thành trì, còn ở bên trong thì tôi đoan chắc là hết sức tao nhã tế nhị chẳng khác gì nhím ta, là loại động vật cứ như chậm chạp uể oải, đơn độc một mình, vậy mà thật ra là lịch lãm hết cỡ. » Trọn cả chủ đề dựng nên câu chuyện dài 360 trang !

 

Biếm họaVới thứ văn phong tưng tửng, mỉa mai, u mặc, nhà giáo dạy triết Đại học Sư phạm tỉnh lẻ Muriel Barbery không hề tỏ ra thông thái, uốn éo làm dáng. Về cả hai mặt hình thức và nội dung, khác hẳn ít nhiều nhà văn trẻ mới vào nghề ở bên này cũng như ở bên ta (xin khỏi nhắc tên), tưởng rằng văn mình càng hủ nút khó hiểu bao nhiêu thì nó càng siêu đẳng cao đẹp bấy nhiêu - khiến cho độc giả tự nhiên phải kính nhi viễn chi. Đằng này, tác giả cuốn Con nhím lịch lãm cứ viết văn theo nhịp thở của mình phù hợp với hoạt cảnh, khi thì đều đều, khi thì hối hả, nhưng cùng hướng tới cuộc sống hằng ngày qua con mắt của hai nhơn vật chánh.

Mụ gác cửa thạo đời Renée và cô bé ngỗ nghịch Paloma thoạt đầu là hai hoang đảo, cách biệt với nhau. Nhưng rồi với sự việc dồn dập diễn ra trong căn hộ, những chuyện nhỏ, thật nhỏ, nhưng thuộc loại soi sáng cuộc đời, họ lần hồi biến thái, hóa thân. Chui ra khỏi cảnh tình cô độc, không những trong giao tiếp mà cả trong nội tâm. Và đồng thời đóng vai hề trong một vở chèo, dựng nên bức tranh biếm họa giới thượng lưu - cuốn hút mọi tầng lớp độc giả, kể cả những kẻ bị chế giễu.

Thành tựu và thành công của Muriel Barbery chắc là nhờ vậy.

TRẤN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 07/09/2007)

----------------------------

(*) Xem : Ngụ ngôn hiện đại - Gấu con phiêu lưu ký (Thể thao & Văn hóa, số 87, ngày 21-7-2007).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 2639)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
05 Tháng Bảy 20227:53 CH(Xem: 7493)
Truyện Kiều ra đời đã hơn hai thế kỷ của đại thi hào Nguyễn Du đã làm say mê bao trái tim người đọc nhiều thế hệ kể cả trong và ngoài nước. Đã có rất nhiều cây bút phê bình, thưởng lãm hướng đến áng thơ tuyệt tác này. Hãy cùng khám phá tác phẩm vừa mới xuất bản của một nữ lưu xứ Huế – Ninh Giang Thu Cúc – viết về Truyện Kiều có tựa đề Đọc Kiều thương khách viễn phương NXB Văn hóa văn nghệ quý II năm 2019.
15 Tháng Sáu 20222:18 SA(Xem: 6983)
Nếu ai đã đọc "Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa", chắc chắn đều bày tỏ sự thán phục đối với tác giả, tôi cũng vậy. Tác giả NTV đã đem tấm lòng thành cùng với nhiệt tâm thu thập dữ liệu về các nhân vật nói tới trong sách, cùng với các hình ảnh ghi dấu cuộc đời bể dâu của họ. Tuồng như tôi thấy họ sống lại thêm một lần nữa. Thật vậy, khi nhìn thấy hình ảnh một nhà văn quen biết ra đi từ lâu, và qua lời kể chuyện của tác giả, tôi xúc động biết bao, tưởng chừng như người ấy vẫn ở đâu đó, chưa một lần vĩnh biệt.
18 Tháng Ba 202210:50 CH(Xem: 7433)
Cuốn To Our Grand Children with Love độc đáo ở chỗ là người cầm nó trên tay không phải là một độc giả mà chính là đồng tác giả với hai vị chấp bút: Giáo sư tiến sĩ Nguyễn-Lâm KimOanh và luật sư tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt. Vì thế, đây không phải là một “cuốn sách” theo định nghĩa, hình thức và nội dung thông thường. Tiểu đề của tập sách này cho thấy đây là một “công trình”, một sự hợp tác giữa thế hệ ông bà và thế hệ các cháu, bắt đầu từ ông bà, những người từng sống qua nhiều chặng đường lịch sử và địa lý, muốn kết nối với thế hệ Việt Nam trẻ, sinh trưởng và lớn lên ở Hoa Kỳ.
18 Tháng Ba 20229:06 CH(Xem: 7029)
Tuyển tập II ra mắt vào tháng 2 năm nay, gồm chân dung của 15 văn nghệ sĩ và nhà văn hóa: Nguyễn Tường Bách và Hứa Bảo Liên, Hoàng Tiến Bảo, Tạ Tỵ, Trần Ngọc Ninh, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Văn Trung, Dohamide, Lê Ngọc Huệ, Nghiêm Sỹ Tuấn, Đoàn Văn Bá, Mai Chửng, Trần Hoài Thư và Ngọc Yến, Phan Nhật Nam, John Steinbeck cộng thêm phần phụ lục Con đường sách Sài Gòn và Câu chuyện đốt sách.
07 Tháng Ba 202212:49 SA(Xem: 7312)
Tuyển tập II - Chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa" là một công trình mới của Nhà văn Ngô Thế Vinh, giới thiệu 15 văn nghệ sĩ và nhà văn hóa thành danh thời trước 1975 ở miền Nam Việt Nam. Những tác phẩm, chân dung và chứng từ trong tuyển tập này minh chứng cho một nền văn nghệ nhân bản, năng động và đột phá đã bị bức tử sau biến cố 30/4/1975. Do đó, tuyển tập là một nguồn tham khảo quý báu về di sản của nền văn nghệ và giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa.
27 Tháng Mười Hai 20217:22 CH(Xem: 8568)
Tôi vẫn có thói quen chờ đợi vào những ngày giờ trước Giáng Sinh. Hồi còn bé ở Sài Gòn, bao giờ thì “điều gì đó” dẫu lớn hay nhỏ cũng đến, khiến lòng mình rộn ràng. Lần cuối cùng tôi biết háo hức chờ đợi là ngày mở bao thiệp giáng sinh chàng gửi với tấm thiệp in hàng chữ: “It’s time for you to make amends....” và chữ ký dưới “Merry Xmas” như một lần nữa xác nhận anh đang “break up” với tôi. Hôm nay, một ngày trước Giáng Sinh, trời mưa dầm dề cả ngày, mở cửa lấy xấp thơ vào nhà mắt vẫn cay khi giục các bao thiệp giáng sinh vào sọt rác, tôi thấy có bao thơ lạ từ xứ lạ. Mở bao bì, bìa tập thơ màu xám trắng như nỗi buồn trong cơn mưa khiến mắt tôi dừng lại ở dòng tựa: Chiều Tình Yêu.
15 Tháng Tám 202110:45 CH(Xem: 10956)
Cuốn thơ song ngữ có tên là “Các Bài Thơ Việt Nam Khó Quên – Unforgettable Vietnamese Poems” của Hương Cau Cao Tân đến với tôi vào những ngày đầu Xuân giữa mùa đại dịch. Sách khá dầy, khoảng 300 trang, trình bầy trang nhã, mỹ thuật, những trang thơ Việt-Anh in song hành dễ dàng đối chiếu. / Sách gồm 100 bài thơ Việt và 100 bài thơ chuyển dịch sang Anh ngữ. Tác giả đã chọn ra 16 nhà thơ nổi tiếng và lựa ra những bài mà tôi chắc rằng nhiều độc giả đã từng ưa thích. Tôi tạm chia các nhà thơ ra từng thời kỳ để dễ cảm nhận những dòng thơ này: Thời kỳ Văn Nôm: Bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương. / Thời kỳ Tiền Chiến: Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, T.T. Kh., Vũ Đình Liên, Xuân Diệu. / Thời kỳ Kháng chiến: Hữu Loan, Quang Dũng. /Thời kỳ Đất nước chia đôi: Nguyên Sa, Phùng Quán.
04 Tháng Tám 202111:36 CH(Xem: 8973)
Thỉnh thoảng tôi dọn sách vở xem cuốn nào cần giữ, cuốn nào mang cho, và đặc biệt là cuốn nào cần gửi trả khổ chủ kẻo lỡ quên đâm mang tiếng. Thuộc vào số ít sách phải gửi lại khổ chủ, tôi tìm thấy cuốn này: Vietnamese Colonial Republican – The Political Vision of Vu Trong Phung, tạm dịch là Người Việt Cộng hoà thời Thuộc địa - Viễn kiến Chính trị của Vũ Trọng Phụng, của sử gia Peter Zinoman thuộc phân khoa Sử học của Đại học California tại Berkeley. / Tôi vẫn có ý định viết bài giới thiệu tập biên khảo của GS Zinoman từ khi đọc xong, với nhiều thích thú, từ… giữa mùa đại dịch Covid vào hè năm ngoái. Bài bên dưới là lời giới thiệu khái quát tập biên khảo đã giúp tôi biết thêm rất nhiều về nhà văn Vũ Trọng Phụng vốn khá độc đáo của nền văn học tiền chiến, nay càng thêm (có thể nói là) độc nhất như một tay “tiền trạm” của chủ nghĩa cộng hoà tại Việt Nam dưới cái nhìn của sử gia Zinoman.
04 Tháng Tám 20218:53 CH(Xem: 8920)
Từ những ngày còn trẻ chưa biết lo là gì tôi đã tình cờ đọc tập thơ “Ngày Sinh Của Rắn” của nhà thơ Phạm Công Thiện, mà trong đó không biết vì sao tôi cứ nhớ mãi câu thơ này, “Cửu Long ca từ Tây Tạng!” Cũng từ đó Sông Cửu Long không bao giờ ngừng chảy trong ký ức của tôi. Và bây giờ tôi nhận được cuốn “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh như một tình cờ kỳ lạ mà tôi có với dòng sông lịch sử này.