Mai An Nguyễn Anh Tuấn
“EM &TRỊNH” LIỆU CÓ ĐOẠT GIẢI “CÁNH DIỀU”
CỦA HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM?
Trong ngót hai chục phim truyện điện ảnh tham dự tranh Giải Cánh Diều năm nay của Hội Điện ảnh VN, có thể nói “Em & Trịnh” là một tác phẩm hoành tráng bậc nhất. Và cũng cần phải thẳng thắn điều này: những người làm “Em & Trịnh” đã rơi vào cả hai tình huống đặc biệt của Điện ảnh: a. thực hiện một bộ phim chân dung vốn đầy thử thách, b. đặc biệt là phim ca nhạc sẽ cực kỳ khó khăn về các yếu tố kỹ thuật!
Bộ phim được quay hết sức công phu về tạo dựng - tái hiện bối cảnh, về phục trang, diễn xuất, thể hiện bài hát, âm thanh… được thực hiện bởi các nhà tổ chức sản xuất chuyên nghiệp khiến người làm điện ảnh VN nhiều thế hệ phải nghiêng mình kính nể! Cũng chính vì vậy mà nhiều người trong nghề cảm thấy tiếc cho phim, khi bộ phim công phu này đã không đạt được cái điều mà các tác giả mong muốn & khán giả mong đợi…
Ngay từ cái tên phim và cách khai thác xử dụng tư liệu đời tư cả những nhân vật còn sống vào cấu trúc truyện phim, khán giả thấy rõ là người làm phim đã cố gắng xây dựng những “thiên tình sử” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhằm cái đích tối thượng là câu khách, và dùng các nhạc phẩm của ông để minh chứng cho cái chuyện tựa huyền thoại song có thực: “từng người tình bỏ ta đi, như những dòng sông nhỏ”… Nhưng nếu là cái đích Chân dung thực sự thì đã bị phá sản! Người xem phần đông đã bị cái ma mị của nhạc Trịnh vốn đã quen thuộc cuốn đi theo cảnh phim, chỉ sau khi thôi bị âm thanh KTS hiện đại quyến rũ rồi mới ngớ ra: đâu phải thế, Trịnh đâu có những chi tiết tình ái bịa đặt như thế, người sống sờ sờ kia kìa, sao lại làm vậy!? Nhà sản xuất phim “E&T” tuyên bố với báo chí: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định và còn ghi rõ trong phim “Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật”, chỉ lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không copy y nguyên sự thật ngoài đời vào trong phim!” Nhưng họ đã làm ngược với tuyên bố nọ, dẫn đến những kiện cáo đáng buồn tới nay chưa chấm dứt!
Trong khi đó, khán giả quen xem phim và khán giả chưa quen xem phim (cũng chưa thông thạo thủ pháp làm phim) lại hy vọng những tình khúc của Trịnh đã hé lộ một cách chân xác và đầy rung cảm đời sống tâm hồn ông ra sao - cái tâm hồn vật vã trước những lằn ranh nghiệt ngã của đời sống mà lắm khi Ái tình, sự thất tình chỉ là cái cớ cho ông bộc lộ nỗi bi thương, niềm xót đau cho số phận Con người. Điều đó mới tạo ra sự bất hủ cho tác phẩm của ông! Bộ phim dường như chỉ tập trung miêu tả đời sống Tình Ái của ông, nỗi thất tình của ông - dù ông có buồn cho sự đổ vỡ và “từng người tình bỏ ta đi”, nhưng nếu thế đã vô tình hạ Trịnh xuống thành một nhạc sĩ Tình ca bình thường.
Mấy chục năm trước, các rạp - bãi chiếu bóng nước ta có chiếu một bộ phim Áo đen trắng kể về cuộc đời nhạc sĩ thiên tài Áo Franz Schubert, phim "Bản giao hưởng dang dở" (nguyên tác: La symphony inachevée); gần cuối phim, sau khi cô người yêu buộc phải ngậm ngùi chia tay với Schubert vì gia đình phản đối quyết liệt, cô nói trong nước mắt: "Đừng buồn anh ạ, bởi một người như anh có cái mà những người khác không có, đó là sự bất tử..." Lời động viên đó hẳn không thể làm vợi nỗi buồn của chàng nhạc sĩ nghèo, anh ngơ ngác đi lang thang trên con đường đất chìm ngập trong biển lúa mỳ. Ngay sau đó, chồng hình chuyển cảnh sang người nhạc sĩ bước từng bước lên bậc thang Nhà thờ, và "Bản giao hưởng dang dở" nổi tiếng bắt đầu dâng lên, cùng với những dòng chữ phim cuối xuất hiện cho đến khi hết bản nhạc…
Phải chăng nhạc sĩ TCS khi hình thành các nhạc phẩm “Biển nhớ”, “Diễm xưa”, “Hạ trắng”… cũng từng sống trong nỗi buồn tuyệt vọng về Tình yêu dang dở, Khát vọng đang tìm kiếm, Sự nghiệp còn mờ mịt, Cuộc sống như “Hố thẳm” (chữ của Phạm Công Thiện)... Và ông đã nhớ tiếc về những gì tốt đẹp đã có và cần phải có trong cõi đời phù du đương ngập tràn khói đạn, sự giết chóc, nỗi hận thù; ông mượn giọt mưa tủi hờn, biển động, ngọn liễu rủ, tiếng gió lộng… để bộc lộ “nỗi sầu hoang vu” của mình. Bác tôi, cố nhạc sĩ Lê Lôi có lần bảo: “Đã mang danh nhạc sĩ thì phải có sáng tác khí nhạc; nhưng với trường hợp TCS thì khá đặc biệt, TCS sẽ sống lâu dài trong lòng người Việt chỉ với danh nghĩa nhạc sĩ của ca khúc. Ca khúc của ông khác biệt với tất cả các dòng ca khúc, tất cả các nhạc sĩ khác - trong mélodie (giai điệu) lẫn ca từ. Chính bác cũng đang tự hỏi mình xem cái khác biệt đó là gì?…”. Tôi thiển nghĩ, cái khác biệt đó phải chăng nằm ở chỗ: toàn bộ tình ca của Trịnh chứa đựng nỗi cô đơn ngậm ngùi, sự nuối tiếc thầm lặng, niềm xót xa cho vẻ đẹp và mơ ước cứ mỗi lúc một lùi xa - giữa một thời kỳ đầy xáo động khiến nhân tính bị méo mó biến dạng đến thê thảm mà bản thân người nghệ sĩ tôn thờ cái Đẹp chưa thể lý giải nổi…
Còn trong “Em &Trịnh”, nhiều trường đoạn phim, cảnh phim rất công phu đã chỉ cho thấy một chàng trai tài hoa đau khổ, thất tình, lặn ngụp trong cô đơn cô độc khi không giải thoát được cho người mình yêu… Trên cái nền ý tưởng và cấu trúc phim như thế, những trường đoạn phim nói về âm nhạc Trịnh “dấn thân” vào cuộc sống hôm qua & hôm nay sẽ trở thành những đoạn phim lắp ghép, minh họa một cách lộ liễu, chúng không thể “đọ” nổi những cảnh phim ướt át về Tình yêu chớm nở, Tình yêu tuyệt vọng, Tình yêu dang dở mà người làm phim đã kỳ công xây dựng trước đó!
Thêm một điều tiếc nuối nữa: giá mà nhân vật Trịnh lúc lớn tuổi cũng do chính nhân vật đó lúc trẻ thủ vai (với nghệ thuật hóa trang hiện đại, đó là chuyện dễ dàng); còn nghệ sĩ Trần Lực có lẽ ở vai trò người đứng sau ống kính máy quay chỉ đạo diễn xuất sẽ phù hợp hơn trong việc hóa thân vào TCS thời ông đã nổi danh toàn quốc và sang cả đất nước Mặt trời mọc khiến một cô gái Nhật mê ông, chấp nhận lời cầu hôn của ông - như hư cấu của phim. Một sự hư cấu khiến đại diện của bà Michiko Yoshii - người được mượn hình ảnh thể hiện trong “Em & Trịnh” - đã gửi công văn yêu cầu nhà sản xuất xin lỗi công khai, bởi “Đây là hành vi không chỉ xâm phạm đến quyền dân sự của giáo sư Michiko mà còn xâm phạm đến bí mật cá nhân, quyền thân nhân của cố nhạc sĩ”…
Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn
- Từ khóa :
- MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN