NHỮNG Ý NGHĨ RỜI NGÀY 80 TUỔI
Nguyên Vũ
Thật khó ngỡ tôi có thể sống tới tuổi 80—dù chỉ là tuổi khai sinh. Cha mẹ cho tôi “mang tiếng khóc bưng đầu mà ra” ngày mồng 6 tháng 10 năm Nhâm Ngọ —tức 13/11/1942—tại Phụng Viện thượng, tục gọi là Me Vừng, quận Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, sau ngày cha thoát khỏi cuộc buộc đá thả sông, tới những trại tù khổ sai của Việt Cộng từ Lang Hít, Bắc Kạn, tới Liên Khu IV, định cư tại tỉnh lỵ Hải Dương hoang tàn, đổ nát, rổi dàn xếp cho mẹ và hai anh em tôi trốn ra đoàn tụ, khi làm giấy thế vì khai sinh hai anh em tôi đều được khai sinh với năm tây lịch, và ngày tháng âm lịch. Ngày sinh trên giấy tờ trở thành 6/10/1942. Bởi thế, từ buổi di dân qua Mỹ, mỗi năm tôi có tới ba sinh nhật. 6/10, 13/11 và một ngày tây lịch nào đó tương ứng với ngày 6/10 âm lịch [như Chủ Nhật, 30/10/2022, hay 6/10 Nhâm Dần]:
Vợ tôi—người tình đầu đời từ trại Bác Ái xóm Cây Quéo, Gia Định 62 năm trước, cũng nguồn cảm hứng của những vần thơ khởi đầu văn nghiệp, đoàn tụ trên đất Mỹ đã 35 năm—thường tăng khẩu phần lương thực với lời chúc “Happy Birthday.”
Tuy nhiên, đúng ngày 6/10 tây lịch Phan Nhật Nam thường điện thoại hay email hỏi thăm. 67 năm ân tình từ mái trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, tới những tiệc rượu, niềm vui tao ngộ ở Dục Mỹ, Tây Ninh, Sài Gòn, rồi Houston, Minneapolis, San Jose, Santa Ana, thấm nghiệm ngọt bùi của cuộc sống vô thường và đạo đức của nghiệp dĩ trời ban—một nhà văn tài danh; với binh nghiệp giật lùi. Niềm vui là bạn còn khoẻ mạnh ghé thăm mỗi dịp trở lại Houston, nhắc lại những lời tâm đắc xa xưa như “danh chỉ là khách của thực;” hay thông báo sự ra đi của những người hùng một thời—“Robert Húc” TQLC Phán, (con rể tỉ phú Nguyễn Đình Quát, ứng cử viên Tổng thống mà tôi từng sơ thảo ít bài diễn văn dưới sự dẫn giắt của Giáo sư Nguyễn Bỉnh Tuyên, và bị chỉ trích là “văn chương biền ngẫu“), hay Đào Vũ Anh Hùng, nhà văn trực thăng, bị cái gọi là Mặt Trận HCM kết tội cầm đầu cơ quan “K 9”của Tổng Ủy viên quốc nội Phạm Văn Liễu—một huyền thoại “Nasser Việt Nam,” thân thiết với Tướng Nguyễn Chánh Thi—những người hùng cô độc, trong trận chiến tối lạnh “quốc gia v/s cộng sản,” do sự ủy thác của các siêu cường . Riêng tôi, dù đã nhập tịch Mỹ, trau dồi học vấn, đỗ đại khoa như bác Phan Vọng Húc, thân phụ nhà thơ Phan Lạc Giang Đông tiên đoán tử thập niên 1970, sinh sống tại Mỹ lâu hơn quê cũ gần hai thập niên, du khảo vài ba nước ngoài, kể cả sáu tháng đối tác với Đại Học Nhân Văn TP/HCM, hậu thân trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn cũ, nhưng:
Ta vẫn mãi là ta, là Nguyên Vũ
Thuở đất trời khai mở buổi hoang sơ
[Chữ Vũ ở đây là “vũ trụ” [Thiều Chửu 140, bộ miên], không phải họ Vũ [bộ chỉ, TC 324, 4 nét]
Về “binh nghiệp,” tôi là một sĩ quan trừ bị suốt 12 năm ở lính, với viễn ảnh “Đại úy trọn đời.” Xuất thân Khóa 16 Thủ Đức (1963-1964), ngành Pháo Binh, sau hai chính biến 1/11/1963 lật đổ Ngô Đình Diệm, và 30/1/1964, Trung tướng Raymond Nguyễn Khánh “chỉnh lý” Hội Đồng Cách Mạng Quân Sự do Trung Tướng Dương Văn “Big” Minh và André Trần Văn Đôn cầm đầu. Sĩ quan tiền sát [“Đề Lô”] của Tiểu đoàn 21 Pháo Binh tại Bạc Liêu từ tháng 6/1964; nhưng tác chiến khắp miền Tây Nam bộ. Nhận mặt chiến tranh trên mui đoàn tàu thuyền tư nhân trưng dụng xuôi dòng Bảy Hạp, tới Giá Ngự, Cà Mau, lưu dấu giày vải ố vàng bùn lầy, phèn chua xuyên các khu rừng lác bị khai quang vàng cháy, những ruộng năng ngút ngàn tới Chà Là, Năm Căn, Thới Bình, Hỏa Lựu cùng các tiểu đoàn 2/31, 3/32, 1/33. Tăng phái cho Đại úy Lê Văn Hưng trên bờ sông Trẹm; trải qua đêm dài đợi sáng với Đại úy Hậu gần Sóc Trăng, rồi Thiếu tá Thủy. Những cuộc hành quân đột kích mật khu Việt Cộng [MTDT/GPMN] cùng Đại đội 21 Thám Báo của Lưu Trọng Kiệt. Những cuộc Nhảy Diều Hâu với TĐ 42 BĐQ “Ba Đầu Rằn.” Bị thương và đặc cách mặt trận trong trận Dân Chí 121 (1965) ở Chương Thiện, với Huân Chương Tổng thống Mỹ thứ hai, khi tăng phái cho TĐ 44 BĐQ “Cọp Đen” của Thiếu tá Lê Văn Dần. Song song với những bài thơ “gửi H.” như “Phương trời viễn xứ mù mưa, Nhớ đau quán trọ, lửa mờ mắt trông;” là những buồn tiếc cho những người bạn lính chết trẻ như Hồ Văn Quát, Trần Tấn Đức, v..v…khiến “Mẹ già ôm xác con mê tỉnh, Ngỡ tưởng con về sau chiến chinh.” Trong thời gian dưỡng thương, bắt đầu viết ký sự chiến tranh trên nhật báo Thời Luận (của Ông Bà Nghiêm Xuân Thiện mà tôi từng gặp tại nhà Bác Nguyễn Bỉnh Tuyên trên đường Hiền Vương), như ký sự “Lửa Dạy U Minh,” và truyện ngắn trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm, Chọn Lọc; cùng báo quân đội, Tiền Tuyến, Chiến Sĩ Công Hòa, Tiền Phong, phản ánh những vui buồn Nghiệp Đề Lô cùng đời Những Chiến Sĩ Sình Lầy—mà Huy Vân dí dỏm ví với nghề “lục lộ,” đo đất đo đường của ngạch công chánh. Ngọc Hoài Phương, Sao Biển, Huy Phương, Nguyễn Sĩ Nguyên, Hùng Phong, Tô Ngọc, Tô Kiều Ngân, Hiếu Đệ, Phan Lạc Giang Đông, Du Tử Lê là những bạn văn thân quí.
Cuối năm 1965, tôi thuyên chuyển lên TĐ 232 Pháo Binh ở Ban Mê Thuột. Chứng nghiệm những vũ khí tối tân của quân Mỹ ở Quảng Đức, cuộc tranh đấu của Phật Giáo chống già gân Trần Văn Hương, tăng phái cho Đại đội 23 Thám Báo mở đường tiếp vận Quốc lộ 21 xuống Ninh Hỏa, Nha Trang, rồi vào Lạc Thiện, nơi còn di tích biệt điện và bày voi già nua bên bờ hồ của Bảo Đại; những phụ nữ Hở Rê [Ê Đê] đã biết xử dụng nịt vú Mỹ khi tắm suối, và những lính dân vệ Hờ Rê Mỹ bắt đầu bị tiềm cấy tư tưởng tự trị của phong trào FULRO.
Thởi gian này, tôi nhận được văn thư của Bộ Tư Lệnh Quân Đoản IV hỏi ý kiến về việc xuất bản ký sự Những Chiến Sĩ Sình Lầy mới khởi đăng trên nhật báo Tiền Tuyến. Dĩ nhiên, tôi đồng ý. Tôi đánh giá Trung tướng Đặng Văn Quang là tướng cầm quân giỏi, đã đưa một số đơn vị của Sư Đoàn 21 như Thám Báo, 42 và 44 Biệt Động Quân lên hàng các đơn vị ưu tú, được ban thưởng huân chương của Tổng thống Mỹ.
Năm 1966, tôi thuyên chuyển về BCH Pháo Binh Quân Đoàn IV, nhưng biệt phái cho Ban Tâm Lý Chiến của Thiếu tá Tuynh. (Sau này mới biết Tướng Quang là anh em cột chèo với Thiếu Tướng Nguyễn Xuân Trang, Chỉ Huy trưởng BCH Pháo Binh). Được tháp tùng Tướng Quang thị sát mặt trận, gặp gỡ những Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu đoàn Phó 42 BĐQ, Thiếu tá Lê Minh Đảo, Chí huy trưởng Trung Tâm Phối Hợp Hoả lực; thanh tra các đơn vị, căn cứ hỏa lực; tiếp đón các lãnh đạo cao cấp, trong cơn bão ngầm giành đoạt quyền lực giữa Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Đi tàu thuyền cùng phái đoàn Chủ tịch IB Lãnh Đạo Quốc Gia thăm làng Hòa Hảo, Châu Đốc, nghe Lương Trọng Tưởng công bố điều kiện hợp tác. Bay tới Chương Thiện chứng kiến Chủ tịch chính phủ của ngưởi nghèo phân phát heo giống tại một Ấp Tân Sinh, rồi trở lại Chương Thiện dự yến tiệc linh đình, trước khi kéo bầy đoàn nội các chiến tranh tới trưởng đá gà. Thú vui đá gà của Thiếu tướng Chủ tịch đã trở thành vũ khí bài Bắc Kỳ của phe Thiệu. Lưu Trọng Kiệt từng chua chát tâm sự bị từ chối pháo binh yểm trợ, vì Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Sư Đoản 21, “sợ gà ngưng đá, Thủ tướng mất vui.” Tướng Quang cũng tửng tâm sự bị phê phán là chống ngưởi bắc, trong khi Trung úy Huệ, Bí thư, là ngưởi bắc. Và, dĩ nhiên còn tôi, từng “đem rau muống vào nam diệt thù” cùng gần triệu người khác.
Trong khi đó, văn nghiệp của tôi cũng leo thang. Nhà xuất bản Chọn Lọc xuất bản hai tác phẩm đầu tay của “Nguyên Vũ” [Vũ Trụ Khởi Thủy], tức Đời Pháo thủ [Nghiệp Đề Lô] và tập truyện Những Cái Chết Vô Danh. Sách lập tức được xếp hạng best-seller. Các nhà xuất bản lớn nhỏ đua nhau tiếp xúc. Chỉ cần nghĩ đển một tựa sách, đã được ứng trước tiền bản quyền. Như Cánh Lá Khô là tác phẩm cuối cùng giao cho nhóm Trần Vương-Nguyễn Văn Sâm in.
Năm 1966, Trung tướng Quang rời Quân Đoàn IV. Tôi được biệt phái về Ban Tâm Lý Chiến Bộ Chỉ Huy Pháo Binh, phụ trách biên tập đặc san Xuân. Thực hiện chuyến du khảo các đơn vị Pháo binh tại Vùng I Chiến Thuật. Gặp lại một số bạn cũ, kể cả Phạm Văn Đồng ở căn cứ trung đội 155 lỵ Bồng Sơn, Quảng Ngãi. Thời gian này, qua Tô Kiều Ngân và Lê Huy Linh Vũ tôi được tiếp xúc nhiều văn nghệ sĩ như Kim Loan, Thanh Tâm Tuyền, Mai Hương, Phương Hồng Hạnh. Duy Khánh, Dương Nghiễm Mậu, Tô Thùy Yên, v.. v..
Tôi cũng bắt đầu được mời viết truyện dài định kỳ [feuilleton, phơi-ơ-tông], trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm (Mây Trên Đỉnh Núi, v.. v..), Chọn Lọc (Trở Về Từ Cõi Chết), nhật báo Tia Sáng (Vòng Tay Lửa, Thềm Địa Ngục), v.. v.., nhất là những báo do Trương Hồng Sơn phụ trách. Trần Phong Giao, thư ký báo Văn, cũng mời cộng tác, nên có dịp gặp Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, v.. v..
Năm 1967, giữa lúc chính phủ Lyndon B Johnson bắt đầu tìm cách giải quyết cuộc chiến, khai sinh nền Đệ Nhị Cộng Hòa, tôi được sang Nhảy Dù, theo đơn xin. Nhưng vừa mãn khóa dù vào tháng 11/1967, nhận tin mừng được giải ngũ sau bốn năm quân vụ của sĩ quan trừ bị. Nào ngờ tiệc Rửa Mồ Hôi Lính chỉ kéo dài 100 ngày, đủ để ghi danh nhiệm ý Triết Đông tại Đại Học Văn Khoa, làm quen Linh Mục Kim Định, tác gỉả bộ triết sử An Vi. Trận Tổng Công Kích Mậu Thân 1968 khiến tôi bị tái ngũ, trở lại Sư Đoàn Dù, tham dự các chiến dịch giải tỏa Cần Thơ, Sài Gòn rồi Huế như sĩ quan liên lạc Pháo binh cho ba Lữ Đoàn Dù.
Sau chiến dịch phối hợp với Sư Đoàn I Không Kỵ ở Phước Thành, Thiếu Tá Huỳnh Long Phi cho tôi nắm Ban Thông Tin BCH Pháo Binh Dù. Nhân dịp này, tôi quyết định chủ trương nhà xuất bản Đại Ngã, để in sách mình và bằng hữu, như Phan Nhật Nam, Mai Trung Tĩnh, Du Tử Lê, Thảo Trường, Thế Hoài, v.. v... Với sự giúp sức của thi sĩ Điền Bích Đỗ Doãn Bích và họa sĩ Phan Ngọc Diên, v.. v.. Tác phẩm đầu tay của Đại Ngã là trường thiên VòngTay Lửa, 4 tập, rôi Thềm Địa Ngục,Sau 7 Năm Ở Lính, Khung Cửa Chết Của Người Tình Si, Bản Luân Vũ Của Quỉ, đều best seller với trên 5,000 ấn bản.
Đại Ngã còn nuôi tham vọng đi vào thị trường tiếng Anh/Mỹ. Tác phẩm đầu tay là Back From Hell [Trở Về Từ Cõi Chết]. Ngoài ra, Trần Nhã dịch Đêm Hưu Chiến [The Night of the Cease-Fire] đăng hàng ngày trên Saigon Post [Bưu Điện Sài Gòn].
Tuy nhiên, ngày vui qua mau. Tổng thống Richard M Nixon quyết định triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam “trong danh dự.” Những cuộc đi đêm của Henry Kissinger với giới tình báo Pháp, CSBV, Pakistan, Tàu, Nga mở đường cho chính sách Việt Nam Hóa chiến tranh. Sau chiến dịch Lam Sơn 719 tại Hạ Lào đầu năm 1971, được giao nắm Pháo Đội B3 mới rách nát ở căn cứ 31, tôi nhận hiểu ngày tàn của VNCH sắp điểm. Quyết định ra tranh cử Hạ Viện để quạt hồng lứa chiến đấu, bảo vệ thành trì cuối cùng của nền dân chủ hiến định, và tự do cần thiết như khí trời của những “trái tim trong lửa.” Nhưng thất cử, dù được sự ủng hộ của rất nhiều giai tầng xã hội—từ những người lính dũng cảm như Thượng sĩ Ngữ, cán bộ xây dựng nông thôn, giới văn nghệ sĩ báo chí Ngô Tỵ, ban chủ biên Hòa Bình; đạo diễn điện ảnh Bùi Sơn Duân, chủ nhà xuất bàn Khai Trí, Sống Mới, v.. v… nồng nhiệt tiếp giúp. Ân tình khó quên nhất từ nhóm học trò cũ mến yêu như Lệ Hải, Chung, Đông, Hùng, v..v... Nhưng thất cử, dĩ nhiên. Anh Bùi Đức Lạc, Tiểu Đoàn trưởng TĐ 1 PB Dù, đưa tôi lên trình diện Trung tướng Dư Quốc Đống, và được chấp thuận thuyên chuyển về Cục Chính Huấn, vì “Nhảy Dù không lảm chính trị.”
Vừa đáo nhậm nhiệm sở, Lê Duẩn và Bộ Chính Trị Đảng CSVN tung ra chiến dịch Xuân-Hè 1972, để đáp lễ chuyến công du Bắc Kinh của Nixon. Tôi tham gia những cuộc diễn thuyết của Cục Chính Huấn vể chiến thuật phỏng thủ lưu động, đôi khi đỏ mặt thẹn thùng vì kiến thức âm số về quân sự hay vũ khí của Trung tá Cục phó trưởng đoàn. Sau khi Trung tá Cục phó hùng hồn tuyên bố vũ khí phe ta hữu hiệu hơn phe địch—như ta có xe M-113, địch chỉ có PT 75 hay T-54, ta có pháo binh 155 ly, địch chỉ có pháo 122 ly . Trong buổi thuyết trình tại Cục Quân Cụ, có Chuẩn tướng Chức chủ tọa, vài ba sĩ quan cấp tá không dấu sự riễu cợt khi yêu cầu tôi giải thích thêm. Tôi đành khiến cả hội trường vui cười khi nói phe ta, dĩ nhiên phải kể đến B-52, F4 Phantom, hải pháo từ các chiến hạm, 4 inch, hay 175 nòng dài, v.. v..của các đơn vị đồng minh Mỹ, nên CSBV đã bị chặn lại ở sông Thạch Hãn, và Dù cùng TQLC đang chuẩn bị phản công, tái chiếm cổ thành Quảng Trị.
Nhưng một tai nạn bất ngờ xảy ra khiến tôi không được chứng kiến hay thuyết trình về chiến thắng của phe ta. Một dân biểu gốc thợ chụp hình Quảng Đức, vốn quen biết Dê Húc Càn Dương Hùng Cường mật báo tôi nhục mạ Tổng thống Thiệu trong một bàn rượu là hèn nhát, chấp thuận ký Hiệp Định Paris, từ chức trong vòng hai tháng sau ngày ký, để thành lập một chính phủ ba phe, nhưng thực chất vẫn là 50-50 ”quốc cọng.” Khi lấy khẩu cung, tôi khẳng định chỉ hối tiếc đã đưa ra những lời tuyên bố khi đã quá chén. Với tôi, chỉ có một nước và một dân tộc Việt Nam.
Linh mục Thanh Lãng, Chủ tịch Văn Bút Việt Nam, trực tiếp can thiệp cho tôi và Dương Hùng Cường suốt thời gian truy cứu. Thảo Trường và thân hữu cũng thỉnh thoảng thăm viếng, mua tặng một cây thuốc Philip Morris bao vàng, gout của tôi. Nhưng trân quí nhất là các nhân viên ANQĐ. Họ đã dành cho tôi những thương mến đậm đà, từ cách đối xử nhã nhặn, tới những buổi tiếp đãi người thân tại Câu Lạc Bộ. Qua đường giây Vũ Đức Long “ghẻ,” tôi được ăn uống chung với các sĩ quan cấp tá kể cả Đại tá Vũ Bá Thìn tự Long, cựu tỉnh trưởng Kontum. Nhưng một nhân vật đáng nhớ nhất là một nghi can Việt Cộng nằm vùng, được cắt cử phục vụ chúng tôi.
Tháng 10/1972, sau khi Dù và TQLC tái chiếm Quảng Trị, tôi mới ra khỏi Cục AnNinh Quân Đội với lệnh “cấm hành nghề văn sĩ, ký giả, không được giữ chức vụ chỉ huy, sĩ quan an ninh theo dõi báo cáo hàng tháng” với chữ ký ciủa Cao Văn Viên.
Tôi bị thuyên chuyển ra Sư đoàn 3 của Thiếu tướng NguyễnVăn Hinh—gốc Thiết Giáp, thủ khoa khóa I trừ bị Nam Định, về trường Thủ Đức sau Cách Mạng 1/11/1963, rổi giữ chức Tham Mưu trưởng QĐ I trong dịp Mậu Thân—đang được tái chỉnh trang ở căn cứ Hòa Khánh, Phước Tưởng sau ngày triệt thoái Quảng Trị. Quân Đoàn I cũng mới có tư lệnh mới, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, từ Cần Thơ ra Đà Nẵng chỉ huy cuộc phản công.
Được giữ ở Ban Báo Chí, phụ trách chương trình truyền hình trên đài Huế trong giai đoạn lấn đất giành dân sau ngày ký Hiệp Định Paris, 27/1/1973. Tháp tùng Tướng Hinh đi thị sát các mặt trận Tam Kỳ, Nông Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, v.. v.. Nhưng việc thất thủ Thường Đức, tiếp nối bằng sự tăng phái của Sư Đoàn Dù khiến “khoảng trống vừa phải” cho VNCH của Nixon thu ngắn dần, trong bối cảnh năm bầu cử mid-terms ở Mỹ. Vụ tai tiếng Watergate đã nổ lớn. Nixon đang đối mặt viễn ảnh bị truy tố hình sự, nên chọn giải pháp từ chức cho Gerald Ford lên thay. Hà Nội cũng đã quyết định đánh chiếm miền Nam bằng quân sự. Tôi bị thuyên chuyển lên Quân Khu II ở Pleiku, phần vì cho phổ biến bài Ca Ngợi Tự Do trên Sóng Thần, phần vì những bài ký tên Hà Dư trên Độc Lập. Nhờ Phạm Huấn giúp đỡ, tôi được phục vụ tại Bình Định, một tỉnh duyên hải. Dễ tìm được tàu thuyền thoát thân. Nhờ Trung tá Y Sĩ Vũ Đình Lan, cùng các bác sĩ bạn Phạm Gia Cổn như Thắng, và chú em họ y tá Gần, tôi tạm ẩn thân trong quân y viện Duy Tân tới đầu tháng 3/1975 với bệnh “Ói Máu” chưa hề giảng dạy ở trường Y Khoa. Vài ngày sau khi Việt Cộng cắt đứt Quốc lộ 19 từ Qui Nhơn lên Pleiku, nhờ một vé Air Vienam của Phó tỉnh trưởng Độ—anh ruột Kỹ sư Phạm Phúc Hưng—tôi an toàn trở lại Sài Gòn trước ngày Văn Tiến Dũng tiến đánh Ban Mê Thuột. Ngày 16/3/1975, bay ra Đà Nẵng để chứng kiến sự sụp đổ mau chóng của Thừa Thiên-Huế. May mắn thoát lên chiếc C-130 cuối cùng đang taxi rời Đà Nẵng, vài giờ trước khi Tướng Trưởng phải bơi phao ra tuần dương hạm ngoài khơi Tiên Sa. Những ngày vỡ tim nát óc ở Vũng Tàu cùng Phạm Văn Hải, Bùi Ngọc Tô, hay gia đình anh Huy. Những chuyến bay xuôi ngược Cần Thơ, Phan Rang, Long Khánh, như người mất trí, cùng Chử Quân Anh. Rồi chuyện gì đến đã đến. Ngày 21/4/1975, Thiệu từ chức để bay sang Đài Bắc với Trần Thiện Khiêm đánh Cộng Sản. Trần Văn Hương lụ khụ chống gậy lên thay trong một tuần. Ngày 28/4/1975, Big Minh lên thay.
Cuộc chiến Việt Nam của người Mỹ chấm dứt. Nhờ sự giúp đỡ của một số bạn Không Quân—kể cả cố Chuẩn tướng Tư lệnh Sư Đoàn 5 Không Quân Phan Phụng Tiên, người từng đưa nhóm sĩ quan đảo chính hụt ngày 11/11/1960 sang Pnom Penh tị nạn—tôi rời Sài Gòn tối 28/4/1975 ra Côn Sơn, chiều 30/4/1975 xuống tàu qua Guam, rồi tối 9/5/1975 tới Fort Chafee, Arkansas.
Cuộc sống một người tị nạn muốn vươn lên từ đáy thẳm Mỹ không dễ dàng. Sau chín [9] năm trở lại các đại học Mỹ, tháng 12/1984, tốt nghiệp Tiến sĩ sử Thế Giới tỉ đối [world comparative history], với luận án “Political and Social Change in Viet Nam Between 1940 and 1946 [Những Biến Đổi Chính Trị và Xã Hội Việt Nam từ 1940 tới 1946],” tại Đại Học Wisconsin-Madison, dưới sự hướng dẫn của Giảng sư John R W Smail. Khác với tiểu luận Master’s Degree [Cao học] “The Vietnam War : Won or Lost ? [ Chiến Tranh Việt Nam: Thắng Hay Bại ?]” dưới sự hướng dẫn của Giảng sư Richard D Coy tại Đại Học Wisconson-Eau Claire năm 1977, nghiên cứu thứ hai này dựa trên rất nhiều tài liệu văn khố Pháp, Mỹ về các phe phái, tác nhân lịch sử Việt Nam. Trong thời gian nghiên cứu ở Pháp năm 1982-1983, rồi 1985-1987, tôi may mắn tìm thấy hơn 100 tài liệu chưa hề được công bố trên thế giới, giúp tái dựng một giai đoạn lịch sử đáng tin hơn.
A. Nhóm tài liệu thứ nhất liên quan đến “Hồ Chí Minh” và Đảng “Cộng Sản Việt Nam. ”
A1. Hai lá thư xin nhập học trường Thuộc Địa [Ecole coloniale] Pháp, đề ngày 15/9/1911 của “Nguyển Tất Thành, sinh năm 1892 tại Vinh, con Sous docteur ès lettre [Phó bảng] Nguyển Sinh Huy, đã học ba thứ tiếng Pháp, Nho và quốc ngữ.”
Đơn này bị từ chối, vì “Monsieur Thành” không được chính phủ liên bang Đông Dương gửi qua, theo sắc luật năm 1911 Klobukowsky mới ban hành. Tên thực Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Sinh Côn,— tức Hồ Chí Minh đã được thêm chân cho rắn từ năm 1945-1946 trong khối sử văn “chiến tranh lạnh đầy sai lầm.”
Có những người vô trách nhiệm và thiếu sự lương thiện trí thức, cho là Nguyễn Thế Anh tìm ra tài liệu xin nhập trường Thuộc Địa. Điều này hoàn toàn không đúng. Nguyễn Thế Anh ngồi bên tôi, nhưng làm việc trên một tài liệu khác; và chưa hề biết đến kho [fonds] École Coloniale. Từ năm 2008, với tước hiệu sử gia Vũ Ngự Chiêu tôi đã nêu rõ trong cuộc phỏng vấn của nhóm Linh mục Lễ, cũng như với Nguyễn Vĩnh Châu trên tờ Hợp Lưu. Hai sử gia thiên tả Pháp—Daniel Hémery và Pierre Brocheux—từng tuyên bố đã tham khảo các tư liệu trên trước tôi, nhưng chưa có cơ hội công bố. Một số học giả Nhật như Suzuki, Shiraishi, v.. v.. đang nghiên cứu ở Pháp cũng làm quen. Tôi cũng từng gửi một phóng ảnh cho bà bạn Trùng Dương Nguyễn Thị Thái. Trùng Dương vội công bố trên tờ Kháng Chiến của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh-Phạm Văn Liễu, khiến tôi bị cơ quan mật vụ Pháp nghi ngờ; bạn cũ Chử Quân Anh, đã đoàn tụ vợ con ở Pháp, cũng dò dẫm việc mua bán vũ khí. Thực tâm, tôi không nỡ vạch mặt bản chất “kháng chiến với 10,000 tay súng ma” của những người nhận thầu tìm lính Mỹ mất tích, với sự tiếp tay của tình báo Nhật và Thái Lan. Dĩ nhiên, tình báo Cộng Sản Việt Lào cũng xâm nhập Mặt Trận. Cái chết bi thảm của Hoàng Cơ Minh, mà nhóm Hoàng Cơ Bình Hoàng Cơ Long dấu diếm vụng về, chẳng những vô nghĩa, mà còn bộc lộ bản chất bán buôn mọi thứ của nhóm ngụy trí thức cặn bã dòng giõi một gia đình Việt gian cho Tây. (Xin lỗi giáo viên Hoàng Cơ Nghị của Đệ Nhất B5 Chu Văn An, ông thày Vật Lý từng ưu ái bạn hiền Nguyễn Gia Kiểng vì lập luận “ngang như cua;”nhưng khó thể có cách đánh giá sử học khác).
A2. Tài liệu thứ hai là văn thư của Hiệu trưởng trường Tây tự Quốc Học ở Huế, thông báo cho tòa Khâm sứ Huế biết trò Nguyễn Sinh Côn, cựu học sinh trường Pháp-Nam Thừa Thiên, đã được nhận vào trường Quốc Học từ ngày 7/8/1908—bốn tháng sau vụ chống sưu thuế ở Công Lương Huế, do dòng giõi Nguyễn Tri Phương—vị danh tướng lừng lẫy, tuẫn quốc theo thành Hà Nội, danh thơm muôn thuở—chủ xướng.
Tài liệu 1: Thư trường Quốc Học
Hiệu trưởng trường Quốc Học Huế thông báo trò Nguyễn Sinh Côn, cựu học sinh trường Pháp-Nam Thừa Thiên, được nhận vào trường Quốc Học từ ngày 7/8/1908. Nguồn: CAOM (Aix), Annam, R1.
A3. Kèm theo hai tài liệu chính này có hồ sơ Nguyễn Sinh [hay Sanh] Huy bị cất chức tri huyện Bình Khê tháng 1/1910, vì say sưa và tàn ác với dân chúng; nên bị tống giam, rồi ngày 19/5/1910 cách tuột làm dân, trôi nổi vào Nam—khiến anh chị em Côn xảy đàn, tan nghé. [Xem Hemery, Trần Văn Giàu & Trần Bạch Đằng, Vàng Trong Lửa.]
NGUYỄN SINH/Sanh HUY (1863-1929)
x Nguyễn Sinh Sắc
Cha ruột Nguyễn Sinh Côn, tức Nguyễn Tất Thành, tức HCM. Huy là con vợ nhỏ của Nhậm, một thường dân ở làng Kim Liên, tổng Lâm Thịnh (nay là xã Kim Liên), Nam Đàn, Nghệ An. Nhậm và người vợ thứ này chết sớm, khi Sắc mới ba tuổi. Bởi thế Sắc phải sống nhờ anh cùng cha khác mẹ là Thuyết tức Trợ (Niên thiếu 1980:69).
Gần quê Huy Sắc, có ông "Đồ" Hoàng Xuân Đường. Thương tình Sắc côi cút, Đồ Đường mang về nuôi dạy. Rồi thấy Sắc thông minh, có triển vọng Cử Nhân, Tiến Sĩ, Đồ Đường (còn có tên khác là An) gả con gái cho Sắc, dù năm ấy, cô bé Hoàng Thị Loan mới 13 tuổi. Huy Sắc ở rể nhà vợ từ đó. Ít năm sau sinh được một gáí, hai trai. Gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh (1887-1954). Con trai lớn là Nguyễn Sinh Khiêm, tức Tất Đạt (1891-1950); con trai thứ hai là Nguyễn Sinh Côn, tức Tất Thành (1892-1969).
Gia cảnh nghèo túng, việc thi cử lại long đong, Huy phải lang thang kiếm việc khắp nơi. Có lẽ trong khoảng thời gian này, Huy đã đi làm "Nho" hoặc "Thừa Phái" ở Hà Đông (Vũ & Nguyễn 1983:30, chú 5). Theo tài liệu Cộng Sản, sau cái chết của cha vợ là Đồ Đường vào tháng 5/1893, Huy trở lại xã Hoàng Trù tiếp tục nghề "gõ đầu trẻ." Năm sau, 1894, Huy đỗ cử nhân. Tuy nhiên, vì hỏng khóa thi Hội năm 1895, Huy phải vận động xin vào "tọa Giám" (học Quốc Tử Giám) ở Huế để có lương học chuẩn bị kỳ thi Hội 1898. Không rõ Huy rời Nghệ An vào Huế năm nào. Tài liệu Cộng Sản chỉ nói Huy mang theo vợ và hai con trai (Đạt và Côn). Thanh, cô gái lớn, ở lại quê với bà ngoại.
Thời gian này Quốc Tử Giám đặt ở tả ngạn sông Hương, thuộc địa phận xã An Ninh thượng, quận Hương Trà (cách Huế hơn 5 cây số về hướng Tây). Huy thuê một căn buồng ở nội thành. Cuộc sống đắt đỏ, gia đình sống rất chật vật. Khoá thi Hội Mậu Tuất (1898), Huy lại hỏng. Lương học Quốc Tử Giám bị cắt. Huy phải "ngồi" (kèm trẻ) ở nhà Nguyễn Sĩ Độ, tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang. Đạt và Côn cũng theo cha tới đây. Riêng Loan, vợ Huy, ở lại Huế với đứa con mới sinh là Nguyễn Sinh Xin.
Đầu năm 1901, Loan chết vì bạo bệnh. Huy bồng bế ba con về Hoàng Trù, tá túc nhà mẹ vợ. Được ít lâu, con út Huy là Xin cũng chết bệnh. Nhưng khóa thi Hội năm đó Huy đậu Phó Bảng. Sau khi đã "bảng vàng đề tên", Huy rời quê vợ, vinh qui bái tổ, lập nghiệp tại làng Sen (tức Kim Liên). Tuy nhiên, danh vọng, quan chức không đến mau chóng như "Phó Bảng" Huy mong muốn.
Về đường hoạn lộ, chẳng hiểu tại sao Huy không được xếp vào hàng "hậu bổ" và nhập học trường Quốc Học như bạn đồng khoa Phan Chu Trinh. Mãi tới ngày 22/5/1906, Thượng thư Bộ Lại [Trương Như Cương?] mới bổ Huy làm Thừa biện, cùng với Hoàng Đại Bỉnh. (CAOM (Aix), GGI:9620; Service de Protection du Corps Expeditionnaire [SPCE] 364; Brocheux, 2003:24)
Nhờ vậy, Nguyễn Sinh Côn được theo học trường tiểu học Pháp-Nam Thừa Thiên; rồi được nhận vào chương trình huấn luyện và thông ngôn tại trường Tây Tự Quốc Học Huế từ 8/8/1908—hơn ba tháng sau cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Công Lương. (Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Nhục Hận Biển Đông Nam Á : Kiện hay Không Kiện ?, 3 tập (Fountain Valley, CA : Hợp Lưu, 2015-2016), Phụ bản tài liệu số 2, tập I, tr 11 [13]. [Amazon.com tổng phát hành]
Hội đồng Cơ Mật họp. Levecque than phiền Nguyễn Phước Chiêu [Thành Thái] "quên" cho gặp mặt để giới thiệu tân Tư lệnh Pháp ở Trung Kỳ. Đề cử Nguyễn Hữu Bài làm Thương biện Cơ Mật. Levecque nói sẽ định sau (GGI:9620).
Năm 1909, sau cuộc nổi dạy chống sưu thuế của nông dân miền Trung, Huy ngồi Tri Huyện Bình Khê, Bình Định. Nhưng con đường phục vụ Pháp của Huy đầy chông gai.
Ngày 19/5/1910, Huy bị cách tuột quan chức vì "nghiện rượu và tàn ác với dân chúng." Sau đó, lưu lạc vào Nam, làm cạp-rằng đồn điền cao su, rồi hành nghề bốc thuốc tại Sài Gòn. Rồi lại trôi nổi khắp miền Tây, đến tá túc ở nhà Năm Giáo, bên cạnh rạch Cái Tôm, quận lỵ Cao Lãnh. Cuối năm 1924, đầu năm 1925, gặp mặt Phan Chu Trinh ở Sài Gòn. Ngày 20/11/1929, chết bệnh.
Ngày 18/5/1946, HCM đột ngột công bố sinh nhật chính thức 19/5/1890—mục đích chính là bắt dân chúng treo cờ chào mừng, nhân dịp Linh Mục/Cao Ủy Georges Thierry d’Argenlieu đển thăm Bắc Bộ và thảo luận chuyến qua Pháp sắp tới của HCM. Sinh nhật “19/5” này cũng có thể liên hệ đến vụ Nguyễn Sanh Huy bị án đầy, khiến Côn phải bỏ trưởng Tây Tự Quốc Học Huế ra đi, làm bồi tàu Đô Đốc Latouche Tréville. Giấc mộng làm quan cho Tây chỉ bị phũ phàng dập tắt sau khi đơn xin đặc cách nhập học trường thuộc địa Paris không được chấp thuận.
A4. Cũng nên đề cập đến tài liệu về Nguyễn Ái Quấc, “Fan Lan” Nguyễn Thị Vịnh, v.. v.. tại Văn Khố Quốc Tế Cộng Sản [do Giáo sư Anatoli Sokolov tặng] và kho Service de Protection du Corps Expeditionnaire [SPCE, Sở Bảo Vệ Quân Đoàn Viễn Chinh] của văn khố hải ngoại Pháp. Tại Trung Tâm Lưu Trữ II ở Sài Gòn, củng có hồ sơ về chuyến sang Đông Dương của Dân biểu Marxist-Stalinist Pháp Maurice Honel năm 1937. Ít ai ngờ, nhưng “Thiếu tá Lang” [Đinh Nho Hàng] sau này thông dịch cho Honel trong hai lần gặp Fan Lan tại nhà Dương Bạch Mai ở Gò Vấp!
Cuộc nhân duyên cách mạng giữa Nguyễn Sinh Côn và Nguyễn Thị Vịnh từ 1931 tới 1937 được cả tài liệu văn khố Pháp lẫn Liên Xô khẳng định. Tôi cũng làm phóng ảnh báo cáo hàng tháng của Mật thám Nam Kỳ về hoạt động của Fan Lan, cùngvụ nổi loạn 22-30/11-1940 tại miền nam—trực tiếp liên quan đến sứ mệnh giải quyết tranh chấp nội bộ Đảng Cộng Sản Đông Dương, loại trừ Cinitchkin Hà Huy Tập; nhưng lại đưa đến cuộc thảm sát của Toàn Quyền Jean Decoux, bao gồm cả cuộc xử bắn Fan Lan Nguyễn Thị Vịnh, Hà Huy Tâp tại Bà Điểm, Gia Định, ngày 28/8/1941, cùng cái chết của Mikhail Litvinov Lê Huy Doãn [Hồng Phong] trên Côn Đảo năm 1942.
Một nghi vấn lịch sử: Tại sao liên lạc viên người Tàu Lai của Nguyễn Sinh Côn đã hẹn gặp Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn tại nhà in hẻm Nguyễn Tấn Nghiệm, phía sau ga Sài Gòn, đã bị lộ từ lâu? Có dấu hiệu cho thấy Linov đã cố mở liên lạc với Ban chấp ủy Trung ương Đảng CSĐD từ cuối năm 1938, đầu 1939, qua hệ thống liên lạc người Tàu, lúc đó khá phát triển tại miền Nam qua các tổ chức kháng Nhật. Nhưng cuối tháng 7/1939, Côn báo cáo với Comintern là chưa liên lạc được nội địa, dù đã nhờ chuyển khẩu lệnh của Comintern qua những người bạn. Thế chiến thứ hai bùng nổ khiến nỗ lực liên lạc với BCUTW càng khó khăn hơn, vì Toàn quyền Georges Catroux đặt CS ra ngoài vòng pháp luật từ hạ tuần tháng 9/1939.
Trong khi Kan Nguyễn Ngọc Vy [Phùng Chí Kiên] cùng cán bộ CS nằm vùng trong quân đội Tưởng truy tìm tông tích Linov Côn từ Quế Lâm [Guilin] tới Vân Nam [Yunan], một liên lạc viên người Minh Hương gây ra sự thiệt hại lớn cho Đảng CSĐD. Liên lạc viên này tìm đến một cơ sở đã bị lộ từ nhiều tháng ở số 19 hẻm Nguyễn Tấn Nghiệm, khiến Tổng thư ký Đảng CSĐD cùng hai cán bộ TƯ bị gài bắt ở cơ sở trên. Nhiều cán bộ cao cấp khác, kể cả Lê Huy Doãn [Hồng Phong], cũng bị bắt giữ trong hai ngày 17-18/1/1940. Mẻ lưới cá này khiến chuyên viên Mật Thám Pháp hớn hở nghĩ đến một cuộc thanh trừng lớn trong hàng ngũ lãnh đạo CSĐD. (SHAT (Vincennes), 10H xxx; “Notice .. Janvier 1940,” CAOM (Aix), 7F27. Dư hưởng biến cố này có thể khiến Lê Duẩn không cho Bộ Chính Trị vào chào Hồ Chí Minh sáng 2/9/1969, sửa ngày chết của Hồ thành 4, rồi 3/9/1969, không hỏa thiêu Hồ theo di chúc, mà còn xây lăng trình diễn xác ướp của Hồ. (ND, 5/9/1969; President Ho Chi Minh’s Testament (Hanoi: The Gioi, 2001), tr. 10.
NGUYỄN THỊ VỊNH (1910-1941)
Nữ cán bộ CS đầu tiên từng được huấn luyện ở Viện thợ thuyền phương Đông. Tên thực Nguyễn Thị Vịnh, sinh tại Vinh. Bố là Nguyễn Huy Bình, thư ký hỏa xa; mẹ, Đỗ Thị Thơ, quê Hà Tĩnh. Em gái là Nguyễn Thị Quang Thái, vợ thứ nhất của Võ Giáp, cũng hoạt động trong đảng CSĐD.
Học trường tiểu học Pháp-Nam ở Vinh. Năm 1927, gia nhập Tân Việt Cách Mệnh Đảng, vào Ban chấp hành Tỉnh Nghệ An. Năm 1929, thoát ly gia đình, hoạt động ở Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, gia nhập Đảng CSĐD, và năm 1930 qua Hong Kong, làm việc tại chi nhánh Bộ Đông Phương của CSQT (Comintern).
Được Lý Thụy (HCM) đích thân "truyền dạy," lấy các bí danh Cô Duy, Trần Thái Lan, Lý Huệ Sương. Liên hệ giữa hai người có thể sâu xa hơn tình đồng chí—Vịnh có lẽ là người vợ mà HCM tâm sự với Thiếu tá OSS Allison Thomas vào tháng 7/1945 là đã bị Pháp giết. [không phải người vợ Trung Hoa mà HCM giới thiệu với một ký giả Bri-tên đầu thập niên 1930; tức Tăng Tuyết Minh, sinh một gái cho “chuyết huynh” Lý Thụy]
Năm 1931, bị bắt ở Hong Kong; sau bị trục xuất. Cuối năm 1934, cùng Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Nọn (Văn Tân) qua Mat-scơ-va dự Đại hội kỳ VII của QTCS (vào tháng 7/1935). Theo tài liệu Cộng Sản VN, “Vịnh kết hôn với Phong trước khi đi.” Theo Lê Thiết Hùng, hai người được HCM chủ hôn tại Mat-scơ-va. Nhưng theo một tờ khai lý lịch của Vịnh (Fan Lan) năm 1934, chồng Vịnh là "đồng chí Linov," tức Nguyễn Ái Quấc, mới bị cả Thống đốc Hong Kong lẫn Comintern khai tử. Báo cáo của Cinitchkin Hà Huy Tập ghi “Fan Lan” là “vợ Quấc.”
Vào học Viện Thợ Thuyền Đông Phương, tức trường Stalin. Tháng 2/1937, tốt nghiệp, rời Nga cùng Nọn. Tới Hong Kong, được Litvinov Doãn cử về Sài Gòn, truyền khẩu lệnh “united front” [mặt trận thống nhất] với tất cả phe phái ngoại trừ Trốt-kít cho Hà Huy Tập. Tháng 8/1937, hoạt động ở vùng Sài Gòn/Gia Định, với bí danh Minh Khai. Phê bình Hà Huy Tập “biệt phân,” không tuân thù khẩu lệnh thiết lập mặt trận thống nhất của Đại Hội V Comintern với Maurice Honel và Ban Phương Đông, đưa đến việc Nguyễn Văn Cừ thay Cinitchkin Tập.
Cuối tháng 3/1938, Litvinov Doãn triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng [lần thú 5] ở Tân Thới Nhứt, Hóc Môn, Gia Định. Ngày 30/3, Nguyễn Văn Cừ (Phùng Ngọc Tường) thay Cinitchkin Tập làm Tổng thư ký. Tuy nhiên, Cinitchkin Tập vẫn giữ được một ghế trong BCUTW. Xứ ủy Trung Kỳ cũng được tái lập.
Tại Hội nghị này, Litvinov Doãn ra chỉ thị các địa phưong phải tuyệt đối trung thành với nghị quyết lập “Mặt Trận Thống Nhất” mà Stalin đã chỉ thị. Nhưng Nguyễn Văn Cừ chưa kịp hành động gì, đã bị Pháp bắt, rồi trục xuất ra Bắc.
Tại Hà Nội, ngày 2/4/1938, Đặng Xuân Khu—lúc này được giao phụ trách Ban Tuyên truyền và cổ động của Trung ương Đảng, và dưới danh nghĩa Mặt Trận Dân Chủ—xuất bản tờ Tin Tức bằng Việt ngữ (đình bản ngày 15/10/1938). Qua năm 1939, khi Pháp bắt đầu đàn áp trở lại, Xứ ủy Bắc kỳ còn cố gắng ra tờ Notre voix [Tiếng nói của chúng tôi].
Tại Huế, sau khi tờ L'épi du riz [Nhành Lúa] bị đình bản, năm 1938, nhóm hoạt động công khai của Đảng CSĐD xuất bản tờ Le Peuple. Tuy nhiên, tờ này bị đóng cửa ngày 7/10/1938, báo hiệu một đợt “thanh Cộng” mới lại sắp được Pháp phát động.
Tại Sài Gòn, không khí tranh đấu vẫn sôi động hơn cả. Ngày 22/7/1938, Đảng CSĐD công khai xuất bản tại tờ Dân Chúng bằng Việt ngữ mà không đưa kiểm duyệt bài vở. Đây là một thách thức trực diện với chính quyền Pháp, vì lệnh hủy bỏ kiểm duyệt chỉ dành riêng cho những tờ báo Pháp ngữ. Từ cuối năm 1938, để chống lại sự công kích của nhóm La Lutte, nhóm hoạt động bán công khai của Đảng CSĐD còn liên kết với các đảng viên Đảng Xã hội [SFIO] để thành lập “Mặt Trận thống nhất.”
Nhân những cuộc tranh đấu hợp pháp, cán bộ Cộng Sản tổ chức và phát triển các nông hội cùng nhiều hội đoàn khác như phụ nữ, thanh niên, bô lão, đánh giày, bán báo, hay bình dân giáo dục v..v... Qua những tổ chức này, cán bộ Cộng Sản đi sâu vào các giai tầng dân chúng, chậm nhưng chắc.
Vào tháng 12/1938, khi chính quyền thuộc địa Pháp xuống tay đàn áp, khắp ba kỳ có khoảng 1,000 cán bộ Cộng Sản và khoảng 40,000 cảm tình viên. Đảng CSĐD cũng được tái sinh, có cơ sở từ trung ương tới địa phương.
Dẫu vậy, tại Nam Kỳ ảnh hưởng của nhóm La Lutte/ Tranh Đấu rất mạnh. Trong cuộc bầu cử Hội đồng Quản hạt ngày 30/4/1939, cả ba ứng cử viên của “sổ Tranh Đấu” là Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch đều đắc cử, thắng xa “sổ” Cộng Sản Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh và Dương Bạch Mai.[Xem Tranh Đấu (Sài Gòn), 5/5/1939 và La Lutte (Sài Gòn), 5/5/1939; Dân Chúng (Sài Gòn), 21,22,26/4 và 31/5/1939); Chính Đạo, VNNB, IA: 1939-1946.
Cuộc thất bại trong kỳ tranh cử 1939 khiến Nguyễn Văn Tạo và một nhân vật ký tên T. B. nào đó gây nên cuộc bút chiến trên hai tờ Đông Phương và Dân Chúng. (Xem Nguyễn Văn Tạo, “Đảng Lập Hiến có bị đánh đổ không?,” Tạp chí Đông Phương (Sài Gòn), số 6, ngày 19/5/1939; Nguyễn Văn Tiếp, “Chung quanh vấn đề Lập Hiến;” Ibid., số 7, ngày 1/6/1939; T.B., “Bài học trong kỳ tuyển cử hội đồng Quản hạt;” Dân Chúng, số 67, ngày 23/5/1939; “Thảo luận với anh Tạo về bài “Đảng Lập Hiến có bị quần chúng đánh đổ không;” Ibid., số 68, ngày 31/5/1939; và “Có phải chủ trương đánh đổ đảng Lập Hiến mà bọn Tờ-Rốt-Kít thắng không?;” Ibid., số 69, ngày 7/6/1939).
Vì thế, mặc dù đang trốn tránh sự truy lùng của Mật Thám Pháp tại Hà Nội, Nguyễn Văn Cừ vẫn phải viết ra tập Tự Chỉ Trích, với bút hiệu Trí Cường, phê bình việc đặt tự ái cá nhân lên trên đoàn thể, và cực lực đả kích các nhóm Trốt-kít. (Nguyễn Văn Cừ, Tự chỉ trích (Hà Nội: Sự Thật, 1983). Cừ còn viết báo với bút hiệu Trí Thành].
Thời gian này, tình hình thế giới ngày một phức tạp. Hiểm hoạ thế chiến thứ II ngày một hiển lộ. Chính phủ Bình dân Pháp bị đổ, và Edouard Daladier lên nắm chức Thủ tướng vào tháng 4/1938. Georges Mandel lên thay Moutet ở Bộ Thuộc địa. Với mục đích biến các thuộc địa thành những “hậu phương” vững mạnh cho mẫu quốc nếu chiến tranh bộc phát ở Âu Châu, Mandel ban hành một loạt biện pháp về chính trị và kinh tế, hủy bỏ hầu hết những cải cách của chính phủ Bình Dân.
Minh Khai trở thành Bí thư thành ủy Sài Gòn, và ủy viên trung ương sau khi Litvinov Doãn bị bại lộ, bắt giam, rồi trục xuất về quê. Năm 1939 [1940], sinh con gái đầu lòng là Hồng Minh.
Ngày 30/7/1940, Minh Khai bị bắt tại khu xóm trong nghĩa địa giữa Sài Gòn-Chợ Lớn cùng Giáo Hoài “thọt,” một tù vượt ngục Côn Đảo. Mật thám Pháp bắt được nhiều tài liệu tuyên truyền về nổi dạy. Tại Đông Dương, từ đầu năm 1939, Toàn quyền Brévié bắt đầu xuống tay nặng với các đảng phái chính trị trong nước. Tân Thống sứ Nam Kỳ René Véber còn hăng say hơn nữa. Hàng ngàn cán bộ Cộng Sản bị sa lưới. Sau khi Liên Xô ký hiệp ước bất tương xâm với Germany ngày 24/8/1939 và rồi thế chiến thực sự bùng nổ ít ngày sau, ngày 26/9/1939, chính phủ Daladier đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật. Hai ngày sau, 28/9, tân Toàn quyền Georges Catroux (1939-1940) ban hành nghị định thanh Cộng trên trên toàn cõi Đông Dương. Từ tháng 9/1939, hàng trăm lãnh tụ CS bị bắt giữ. Hầu hết các cơ sở bị phá vỡ. Một số người phải rút vào bí mật hay chạy trốn qua Tàu.
Mặc dù không liên quan đến cuộc nổi dạy ngày 22/11/1940 tại Nam Kỳ, Vịnh bị hai án tử hình. Gaston Joseph, Tổng Giám đốc Chính trị vụ Bộ Thuộc địa, yêu cầu Toàn quyền Decoux khoan hồng cho Vịnh, nhưng Decoux bác đơn ân xá ngày 17/5/1941, và xử bắn Vịnh tại Hóc Môn ngày 28/8/1941 cùng 8 ngưởi khác, kể cả Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Giáo Hoài.
Trong Thế Chiến thứ II (1939-1945), Linov Côn giữ liên lạc thường xuyên với Đảng CSTH, nhưng chưa có tài liệu nào xác nhận sự liên lạc giữa Linov Côn và Đảng CSLS hay Comintern sau ngày 31/7/1939. Từ năm 1943, Hồ công khai hợp tác với tình báo Trung Hoa Dân Quốc, Bri-tên và Liên Bang Mỹ. Lập trường chống Nhật của Linov Côn—kể cả việc tham gia vào việc tố cáo sự tàn ác của Nhật sau “vụ Thảm sát Nam Kinh” [The Nanking Massacre] vào tháng 12/1937—giúp Linov Côn có cơ hội củng cố tổ chức ngoại vi Việt Minh. Tháng 8/1945, đội quân Việt-Mỹ của Võ Giáp tiến vào Hà Nội cùng các cố vấn Mỹ. Ngày 2/9/1945, Linov Côn xuất hiện tại Cột Cờ Hà Nội, đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập lịch sử—trong đó Linov Côn trích dẫn Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 của Liên Bang Mỹ để mở đầu Tuyên Ngôn của mình. (Vu Ngu Chieu, “Political and Social Change in Vietnam Between 1940 and 1946;” Part II: “The End of An Era,” chapt. 9; unpublished Ph.D. dissertation, Dec 1984, University of Wisconsin-Madison. Xem thêm CAOM [Aix], HCFI, CP 192; Phùng Thế Tài, Bác Hồ những kỷ niệm không quên (Hà Nội: QĐND, 2002), tr. 32, 33-34, 57-63, 82-87; Lê Tùng Sơn, 1978:110-12 [Mỹ thả 2 đợt, gần 80,000 truyền đơn của Việt Minh xuống Hà Nội, Huế và Việt Bắc]; René Defourneaux, “Secret Encounter with Ho Chi Minh;” Look (NY), 8/9/1966, tr. 32-33; Robert Shaplen, The Lost Revolution (NY: Harper & Row, 1965), tr. 30; Báo cáo ngày 22/8/1945, William J. Donovan gửi Byrnes; Bộ Quốc Phòng, US-Vietnam Relations, 1947-1967 (Washington, DC: GPO, 1971), Bk I, C 58-9, 67; The Pentagon Papers (Gravel), vol. I, pp. 17, 20, 50, 51; Lê Giản, “The Story of An Exile;” Vietnam Courrier, 1980:17-20; US Congress, Senate, Causes, Origins, and Lessons of the Vietnam War. Hearings before the Committee on Foreign Relations, 92nd Congress, 2nd Session, May 1972 (Washington: GPO, 1973), tr. 249; Charles Fenn, Ho Chi Minh: A Biographical Introduction (New York: 1973), 71-5, 76-7, 78, 81; Archimedes L. Patti, Why Viet-Nam? Prelude to America's Albatros (Berkeley, Cal.: Univ of California Press, 1980), tr. 29-30, 31, 46, 50, 51; S. Tonnesson, Vietnamese Revolution, 238, 337 (quoted USNA ngày 19/3/1945); David G. Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power (Berkeley, Cal.: Univ. of California Press, 1995), tr. 227-29, 241, 282-85, 288-91, 304n33, 476-79, 482-90, 498-501, 538-39; Raymond P. Girard, “City Man Helped to Train Guerillas of Ho Chi Minh;” Evening Gazette (Worcester, MA), 14 & 15/5/1968; dẫn trong Marr, 1995:209n189; Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & huyền thoại (Houston: Văn Hóa, 1993,1997), II, 1993:356;
LÊ DUẨN & NGÀY CHẾT CỦA HCM:
Là người miền Trung, từng ở Bắc (nhân viên xe lửa Hà Nội cuối thập niên 1920) vào Nam (cuối thập niên 1930 và từ 1946 tới 1957), Duẩn khéo léo "đi giây" giữa hai khối Bắc-Nam để duy trì quyền lực.
5-10/9/1960: Bí thư thứ nhất Đảng Lao Động Việt Nam. Phụ trách Ban Bí thư. Nguyễn Sinh Côn coi Bộ Chính Trị.
Từ Hội Nghị 9 [tháng 12/1963], thâu tóm quyền lực. Liên kết với Phan Đình Khải. 1964: Ngả về phía Nga Sô.
Thứ Bảy, 23/7/1966: * SÀI-GÒN: Khởi đầu kế hoạch THRUSH. Nguyễn Hữu An, Thư ký thường trực Hồng Thập Tự Việt Nam, móc nối với một nhân viên Mỹ để đưa Nguyễn Hữu Thọ về chiêu hồi với người Mỹ. Theo An, vợ Thọ và 9 con sống dưới sự đùm bọc của An, con thứ mười ở với Thọ trong mật khu. Lodge chấp thuận cho viên chức Mỹ gặp An.
Lodge giao cho Porter lo việc này. Ngày 26/7, An nói kế hoạch của mình là cho vợ qua Nam vang gặp mẹ vợ Thọ. Sau đó họ sẽ đi gặp Thọ hoặc nhắn Thọ tới gặp. Rồi vợ An sẽ trở lại Sài Gòn nói rõ điều kiện của Thọ.
Người trung gian nói nếu Thọ về hàng sẽ có một số nhân vật quan trọng của MTGPMN như Mười Trí ([Huỳnh] Văn Trí), Cố vấn Chính trị và Quân sự Chiến khu D; Bảy [Võ Văn] Môn, lãnh đạo VC khu miền Tây; La Văn Liếm, đặc ủy viên phụ trách đặc công Sài Gòn/Chợ Lớn/Gia Định. Nếu Thọ về hàng, Thọ cũng sẽ dàn xếp trả tự do một số tù binh Mỹ. (FRUS, 1964-1968, IV:Tài liệu 204)
Ngày 7/8/1966, Rusk cho phép Lodge xúc tiến kế hoạch này. Từ ngày 13/8/1966, Washington đặt tên cho kế hoạch trên là THRUSH. (FRUS, 1964-1968, IV:563) [Xem 30/8/1966]
Thứ Năm, 25/8/1966: * TÂY-NINH: Wilfred Burchett phỏng vấn Nguyễn Hữu Thọ về điều kiện hòa đàm. Cuộc phỏng vấn này phát thanh trên đài MTDT/GPMN ngày 13/9 và đài Hà Nội ngày 28/9/1966.
Thứ Ba, 30/8/1966: Nguyễn Hữu An, chú họ của Nguyễn Hữu Thọ, gặp Thọ tại Gò Dầu Hạ, Tây Ninh.
An đang dàn xếp cho Thọ về chiêu hồi. Lodge dự định cho nhân viên CIA đón Thọ ở Cần Thơ, rồi đưa ra Chu Lai, và từ đây sẽ đưa qua Okinawa.
Con Thọ sẽ ở nhà một người Mỹ để chứng tỏ thiện chí. Thọ ngỏ ý muốn trở lại miền Nam, tham gia vào chính trị. (FRUS, 1964-1968, IV:1966, pp 616-17)
Thứ Tư, 7/9/1966: * SÀI-GÒN: Nguyễn Hữu An bị an ninh VNCH bắt. (FRUS, 1964-1968, IV:1966 p 617) Mãi đến ngày 15/10/1966, An mới được phóng thích do sự can thiệp của Lodge. (FRUS, 1964-1968, IV:1966, p 657n4)
Thứ Sáu, 4/11/1966: Kế hoạch THRUSH thất bại. Theo Lodge, Nguyễn Hữu An là một tay viết tiểu thuyết giả tưởng xuất sắc. (IV:1966, Tài liệu 289)
Chủ Nhật, 4/9/1966: Lodge báo cáo về đường dây MARIGOLD. Lewandowski, sau 16 ngày ở Hà Nội, không được gặp Giáp và Đồng. Gặp HCM, nhưng Hồ quyết đánh đến cùng. (FRUS, 1964-1968, IV:1966, Tài liệu 227, 228,& 237) [Xem 1/12/1966]
Từ mùa Hè 1969, Duẩn nghiêng dần về phe miền Nam. Việc ưu ái phe miền Nam bộc lộ rõ trong những năm cuối của triều đại Duẩn, như trao phó trọng trách cho nhiều nhân vật miền Nam, hay phát động phong trào nghiên cứu lịch sử, đưa cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ vào cuối tháng 11/1940 lên hàng "diễn tập" cho cuộc Cách mạng 1945 (thay cuộc "khởi nghĩa" Bắc Sơn trong tài liệu tuyên truyền cũ).
Thứ Ba, 2/9/1969: Hà-Nội, 9G47: HCM chết. Vì là ngày Quốc Khánh, Bộ Chính trị Đảng LĐVN quyết định không công bố ngay. President Ho Chi Minh’s Testament (Hanoi: The Gioi, 2001), tr. 10. Trước lúc Hồ tắt thở, Lê Duẩn không cho các Ủy viên BCT nghe lời trối trăng của Hồ. Sau đó, đưa ra một bản di chúc đánh máy, có chữ ký của cả Hồ và Duẩn. Nhưng khi di chúc Hồ được công bố, không làm lại phóng ảnh di chúc này. Theo Hoan, Duẩn đã ngụy tạo di chúc Hồ. (Tin Việt Nam, 7, (9/1981):1-6)
Thứ Tư, 3/9/1969: Phái đoàn BV tại Paris thông cáo: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị đau nặng từ mấy tuần nay, Đảng và Nhà Nước hết sức săn sóc. Bệnh đang tái phát và việc cứu chữa cho Chủ tịch lành mạnh là nhiệm vụ trọng đại và khẩn cấp bậc nhất của Đảng và chánh phủ. Đảng và Nhà Nước treo giải thưởng danh dự tối cao cho bất cứ ai chữa bịnh được cho Chủ tịch (được gọi là Người).
Thứ Năm, 4/9/1969: Đài phát thanh Hà Nội và phái đoàn BV tại Paris loan tin Hồ Chí Minh chết, sau một cơn đau tim rất nặng.
Lễ quốc tang tổ chức từ 4/9 đến 11/9.
- Đài phát thanh VC loan báo: Ngưng bắn 3 ngày từ 1 giờ khuya 8/9 tới 1 giờ khuya 11/9 để chịu tang Hồ Chí Minh.
* Sài-Gòn: Dân biểu Hồ Hữu Tường phổ biến tuyên ngôn kêu gọi ngưng bắn nhân dịp tang lễ Hồ Chí Minh.
* Paris: Phái đoàn BV yêu cầu hoãn phiên họp thứ 33. Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình về Hà Nội chịu tang Hồ Chí Minh.
Thứ Sáu, 5/9/1969: Nhân Dân loan tin HCM chết ngày 4/9/1969. Ủy ban lễ tang: Duẩn, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn, Nguyễn Thị Thập, Phan Kế Toại (Phó Thủ tướng), Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Thích Trí Độ, Vũ Xuân Kỷ (Ki-tô), Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Hương, và Vũ Quang. (ND, 5/9/1969)
6/9/1969: Thủ tướng Liên Sô, A. N. Kosygin, Ủy viên BCT, qua Hà Nội dự đám tang HCM [cho tới ngày 10/9//1969].
- Chu Ân Lai cầm đầu phái đoàn Trung Cộng dự tang lễ. Trong phái đoàn có Diệp Kiếm Anh, BCT, Phó Bí thư Quân Ủy; Vi Quốc Thanh, BCH/TƯ, Chủ nhiệm Ủy ban Cách Mạng Khu tự trị dân tộc Zhuang ở Quảng Tây; Vương Hữu Bình, Đại sứ TC ở Hà Nội.
Tuy nhiên, Chu Ân Lai bỏ về Bắc Kinh, trước khi phái đoàn Kossygin tới Hà Nội. Các giới ngoại giao bàn tán về ý nghĩa sự lánh mặt này.
- Phái đoàn miền Nam có 3 người, do Nguyễn Hữu Thọ cầm đầu. Tuy nhiên, báo Nhân Dân loan tin Phái đoàn miền Nam có 26 người: Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam [MTGPMN], kiêm Chủ tịch Hội đồng Cố Vấn Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam [CP/LTMN]; Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch CP/LTMN; Nguyễn Văn Linh, Đại diện Đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam; Trần Nam Trung, Bộ trưởng Quốc Phòng CP/LTMN; Tôn Thất Dương Kị, Tổng Thư ký LMCLLDT, DC & HB; Võ Chí Công, Phó Chủ tịch MT/GPMN; Trần Bửu Kiếm, Phó Tổng Bí thư Đảng Dân Chủ Nam Việt Nam; Nguyễn Văn Hiếu, Tổng thư ký Xã Hội Cấp Tiến, Dương Quỳnh Mai, Phạm Xuân Thái, Nguyễn Hữu Thế, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Thị Định, Lưu Hữu Phước, Lê Văn Huấn, Tân Đức, Hồ Hữu Nhựt, Y Bin Aleo (Ê-đê), Huỳnh Cương (Khmer), Thích Thiện Hào, Hồ Huệ Bá (Ki-tô), Nguyễn Văn Ngỡi (Cao Đài), Huỳnh Văn Trí (Hoà Hảo), Ngô Đức (Việt gốc Hoa), Nguyễn Văn Chì và Lê Văn Giáp. (ND, 7/9/1969)
Đại diện đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam có: Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư; Phạm [Nguyễn] Văn Xô, Trương Công Thuận, Nguyễn Thanh (Trị-Thiên), Nguyễn Văn Năm (Sài Gòn-Chợ Lớn), Hoàng Phương (Huế), và Phan Bốn (Quảng Nam-Đà Nẵng). (ND, 8/9/1969)
- Các phái đoàn ngoại quốc bắt đầu diễn hành qua linh cữu Hồ Chí Minh tại trụ sở Quốc Hội BV, khu công viên Ba Đình, Hà Nội.
- Thông tấn xã BV loan báo: các phi công Mỹ bị bắt trên địa hạt BV không được hưởng qui chế tù binh vì họ chỉ là những kẻ phạm tội ác chiến tranh.
Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ, Nhục Hận Biển Đông Nam Á: Kiện Hay Không Kiện?, 3 tập (Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2015-2016), tập 3 (bổ túc), tr 17-38.
A5. Không kém quan trọng là liên hệ “16 chữ vàng” đối tác giữa hai đảng CS Tàu và Việt. Đã công bố trong các biên khảo về chuyển khất thực bí mật năm 1950, hay Điện Biên Phủ và Hội Nghị Genève 20-21/7/1950.
Tài liệu 3: Thư Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14/9/1958
Thư Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14/9/1958, về vấn đề lãnh hải 12 hải lý (22.5 km) Bắc Kinh đã tự áp đặt.ngày 4/9/1958. Tòa án Quốc Tế sẽ quyết định thư này chỉ giới hạn trong lĩnh vực lãnh hải, hay còn có thêm những hứa hẹn khác. [Ngày 23/6/2014, Tổng thư ký tòa Hòa Giải Quốc Tế Hugo H Siblesz đã ghé qua Hà Nội, ký thỏa ước hợp tác cơ bản]
Sau 1975, Hà Nội bắt buộc phải lựa chọn một trong hai đường: hoặc theo Mat-scơ-va, hoặc Bắc Kinh (thế giới thứ ba). Duẩn đã chọn Liên Sô, thay vì cường quốc giáp giới phía Bắc. Sự lựa chọn này đưa đến việc Bắc Kinh đột ngột cắt viện trợ năm 1977. Đồng thời, chế độ Pol Pot ở Cao Miên, ít nhiều với sự khuyến khích của Bắc kinh và vài nước khác, bắt đầu có hành động thù nghịch, đưa đến nhiều cuộc xô xát đẫm máu dài theo biên giới.
Ngày 3/11/1978, Duẩn ký hiệp ước "tương trợ" với Liên Sô. Hơn một tháng sau, Duẩn sai Sáu Nam (Lê Đức Anh) qua đánh Cao Miên. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ Sáu Nam chiếm Nam Vang, lật đổ Pol Pot, đưa Heng Samrin lên nắm quyền.
Tuy nhiên, chiến thắng quân sự này tạo nên nhiều phản ứng bất lợi. Tại Mỹ, chính phủ Jimmy Carter (1977-1981) cắt đứt thương thuyết về bang giao. Tại Bắc-kinh, Đặng Tiểu Bình (1904-1997) gia tăng yểm trợ Pol Pot, giúp Khmer Đỏ phát động cuộc chiến du kích chống lại quân viễn chinh của Hà Nội. Đầu năm 1979, sau khi qua thăm Mỹ và Nhật, Bình còn quyết định "dạy" Hà Nội một bài học. Đại quân TC (khoảng 320,000) tràn qua biên giới hơn 20 cây số, tàn phá các công sở, cầu cống và quặng mỏ, rồi rút về. Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn chịu nhiều thiệt hại nhất. Cả Bắc Kinh và Hà Nội đều tuyên bố chiến thắng, nhưng thù nghịch này thêm gia tăng. Những cuộc chạm súng lẻ tẻ, có khi tới cấp Trung đoàn, vẫn thường xuyên diễn ra ở vùng Cao Bằng và Lạng Sơn cho tới năm 1990.
Tại nội địa, tình hình kinh tế và xã hội ngày một suy sụp. Việt Nam trở thành một trong 4 nước nghèo nhất thế giới. Duẩn cho thực hiện kế hoạch “đánh tư sản, mại bản” và “vượt biên bán chính thức” để vô sản hoá miền Nam, và đồng thời có được một số vốn “làm ăn” (ước tính khoảng 19 tỉ). Tuy nhiên, những biện pháp này không đủ giúp Việt Nam có được số vốn đầu tư cần thiết, mà chỉ tạo nên tệ nạn tham nhũng, hối lộ, và nhất là khiến hàng trăm ngàn người vùi thân dưới biển sâu, hay trở thành nạn nhân của các nhóm hải tặc Thái Lan, Mã Lai hay Cao Miên.
10/7/1986: Duẩn chết. Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), được cử làm Quyền Tổng Bí thư.
Ngày 18/12/1986, Phạm Văn Đồng tự nguyện không ra tranh cử trong Đại Hội VI của Đảng CSVN, và được bầu làm Cố vấn. Năm 1987, Đồng bàn giao chức Thủ tướng cho Phạm Văn Thiện (Phạm Hùng). Mù hai mắt, Cố Vấn Đồng vẫn dự hội nghị Thành Đô, cắt đất, cắt biển đảo cho thựcdân xâm lược Tàu đỏ mà Lê Khả Phiêu sẽ ký năm 2000 và 2001.
B. Nhóm tài liệu thứ hai liên quan đến giới “không Cộng Sản” Việt Nam, dù khó xếp vào nhóm “chống Cộng.”
Một số tài liệu đáng ghi nhớ liên quan đến gia đình Ngô Đình Khả, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục, và vợ chồng Ngô Đình Nhu. Đã được công bố khá đầy đủ trong Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, và cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963.
Nguyễn Đức Quỳnh, tay chân Bình Xuyên, là một thí dụ khác. Tháng 9/1954, Trần Văn Ân đề nghị với Pháp và Bảo Đại đưa ra một Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có Ân, Quỳnh, v.. v.. để thay Diệm. Con trai Quỳnh, Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi, sau bị kết án hiếp dâm, nhưng trở thành “thanh niên trừ gian” của Nguyễn Cao Kỳ. Rồi “nhà báo” phối hợp với Thương Sinh Vũ Mộng Long, tức Duyên Anh, chuyên tống tiền thiên hạ. Người chịu tai tiếng là anh Chu Tử, chủ nhiệm báo Sống.
C. Loại tài liệu thứ ba liên quan đến các giai tầng lãnh đạo thời Pháp thuộc, và Việt Nam Cộng Hòa.
D. Loại tài liệt thứ tư liên quan đến nếp sống tôn giáo tại Việt Nam.
Xem, chẳng hạn, thư viết tay của “nô bộc hèn mọn” Petrus Key gửi “Grand Chef et Vous Tous” [Trung tá Bernard Jauréguiberry], qua trung gian Giám Mục Dominique Lefèbre vào tháng 3/1859. trong Vũ Ngự Chiêu, Petrus Key Trương Vĩnh Ký & Cuộc Xâm Lăng của Pháp (Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2019), tập I, tr 41-52,
Thư Giám Mục Vĩnh Long Ngô Đình Thục gửi Toàn Quyền Decoux ngày 21/8/1944, xin nghĩ đến công lao hãn mã của Ngô Đình Khả mà nhẹ tay trong việc trừng trị Đại Việt Phục Hưng của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Khôi khi trở cờ ủng hộ Cưởng Để thân Nhật, trong Chính Đạo, 55 Ngày 55 Đêm: Cuộc Sụp Đổ Của VNCH, in lần thứ 5 (Houston: Văn Hoá, 1999).
Tháng 5/1999, tôi hoàn tất chương trình Tiến sĩ Luật [J.D.] tại Đại học Houston, Law Center. Seminar Paper về công pháp Quốc tế mang tựa "From Embargo to Normalization: The Human Rights Aspects of the U.S.-Vietnamese Relations, 1975-1995," dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Jordan J Paust.
Niên khóa 2004-2005, tôi được học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao về Việt Nam nghiên cứu khía cạnh pháp lý của chính sách đổi mới. Cơ quan đối tác là Đại Học Nhân Văn Sài Gỏn. Có cơ hội phỏng vấn nhiều nhân chứng, kể cả Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Vũ Đình Hoè. V..v… Ăn Tết âm lịch ở biên giới Nam Quan, Lạng Sơn. Thăm Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Châu, Sóc Trăng, Thất Sơn, Châu Đốc, Cần Thơ, Mỹ Tho. Nhưng không khỏi ngậm ngùi cảm khái: dân nghèo, tham nhũng lan tràn, pháp luật làm vì, trên cơ sở theo voi ăn bã mía. Hiểm họa xâm lược bành trướng của Bắc Kinh ngày thêm hiển lộ.
Trở lại Mỹ, tôi chán nản đến độ cắt liên lạc với các viên chức Fulbright đang tiến hành việc xây dựng Đại học Fulbright tại Việt Nam. Nhà xuất bản sa sút vì khó thoát định mệnh của các cộng đồng di dân khác—đời sống chảy xuôi không ngừng nghỉ như dòng nước dưới chân cầu. Người tị nạn bắt đầu áo gấm về lảng. Cuộc cách mạng truyền thông điện tử khiến sách báo in lỗi thời dần. Trong khi đó, những nanh nọc rắn độc của các bộ máy tuyên truyền ra sức tác hại.
Đầu năm 2008, tôi phải nhập viện vì đột quị kích tim. Nửa phần thân trái bị suy yếu. Không đủ sức đi xa, nên ứa nước mắt đón tin mẹ phải vào nhà thương dưỡng lão nơi cô út Nga làm việc, chỉ có thể nhờ vợ tôi đi thăm. Kinh tế gia đình cũng dồn lên bờ vai vợ tôi.
Phần tôi cũng có những biến đổi. Cai rượu, chỉ còn thuốc lá. Liên tục hiệu đính các biên khảo, qua những nghiên cửu hàng ngày, giữa các giấc ngủ đầy mộng mị. Gỉảm thiểu tối đa điện thoại. Nhờ sự trợ giúp kỹ thuật của Đặng Hiền và Phạm Lộc, hoàn thành các bộ Viết Từ Chân Đền Hùng, Nhục Hận Biển Đông Nam Á: Kiện Hay Không Kiện?, và Petrus Key Trương Vĩnh Ký & Cuộc Xâm Lăng Của Pháp.
Năm 2016, mẹ tôi mất, đại thọ 99 tuổi. Đoàn tụ với di cốt cha tại chùa Việt Nam mà vợ chồng tôi thỉnh rước từ Sài Gỏn sang Mỹ năm 2005. Bệnh tật rồi đại dịch Dơi Vũ Hán, tức Covid 19 khiến mỗi năm tôi chỉ bước qua cửa nhà bốn lần khám bác sĩ định kỳ, hay lên xe cứu thương nhập viện.
Sinh nhật thứ 80 trên khai sinh, sẽ có các cháu Hiền, Trình, Lộc từ California qua dự bữa cơm họp mặt gia đình tại Tây Đô.
Điện thoại cho Vũ Thái Khiêm và Vũ Thụy Tường Vi, nhưng hai cháu đang ở tuần lễ thứ bảy lục cá nguyệt mới, không thể về dự. Gần bốn tháng trước, Chủ Nhật, 19/6/2022 [Father Day/Ngày Của Cha], Khiêm và Vi từ Tyler xuống thăm. Vi mới tốt nghiệp highschool, top 10, được học bổng theo học Đại học. Cháu muốn chọn sinh vật học [biology] làm ngành chính [major field]. Khiêm đã học xong năm thứ hai kỹ sư.
Hai cháu muốn dành cho ông nội món qùa ngạc nhiên. Tới Houston từ chiều trước, nhưng hai cháu ở nhà bà cô Lan Phương, không liên lạc, muốn ông nội bất ngở. Dịp Thanksgiving năm ngoái cũng thế. Khiêm lái xe xuống thăm ông nội trong trung tâm dưỡng bệnh Hermann Memorial ở Spring không thông báo trước.
Các cháu lên lầu thắp hương cho hai cố. Gọi điện thoại cho cô Nga và anh Triệu để các cháu chào hỏi. Anh Triệu bị ung thư mắt, phải xạ trị, rồi hóa trị, không thể tiếp hai cháu.
\
Chiều, cả nhà đi Sing Sing ăn lẩu. Chống gậy ra đường sau nhiều tháng tự cô lập trong nhà vì đại dịch Dơi Vũ Hán [Covid 19].
Thứ Hai, 20/6/2022, hai cháu tới nhà hàn huyên với ông nội. Chụp hình, hỏi han về người thân trong đại gia đình. Cho các cháu biết Tổ chi húy Vũ Pháp Chiểu, tự Minh Đức, hiệu Lựu Hiêniên. Không rõ có liên hệ gì với Kinh lược Vũ Hồn đời Đường hay chăng. Chỉ biết là con thứ ba Tổ Vũ Đình Thoan. Kết hôn với Tổ bà Vũ Thị Sánh; hạ sinh được sáu trai, hai gái. Cố các cháu, Vũ Ngự Thủy (1918-1979), đứng thứ 5. Kết hôn với Cố bà Phạm Thị Dự (1918-2016), thứ nữ cụ Phạm Chi Lang, dòng giõi nguyên tổng thống quân vụ tây bắc Bắc Kỳ Phạm Chi Hương trong thập niên 1860-1870. Hạ sinh ba trai, Vũ Ngự Triệu, Vũ Ngự Chiêu, Vũ Ngự Hùng (chết sớm) và ba gái, Vũ Thị Lan Phương, Vũ Thị Loan Phượng, Vũ Thị Hằng Nga.
Hiện đền thờ tổ ở thôn Me Vừng, xã Phụng Viện thượng, quận Bình Giang, Hải Dương—mới được trùng tu sau ngày đổi mới, mở cửa. Những chữ khắc tại đền tổ chi cần suy ngẫm lả Phúc Lai Thành, và Truy Niệm Tiền Ân.
Tặng Khiêm mấy chai rượu các cháu tặng nhiều năm qua. Nhưng nhắc đi nhắc lại lời răn đe: Uống rượu, không lái xe. Lái xe không uống rượu. Đừng quên điều khoản “Three Strikes” của Immigration Law: Có thể mất quyền công dân, trục xuất về nguyên quán nếu ba lần vi phạm hình sự, kể cả lái xe khi say rượu.
Cho Khiêm tập 3, bộ Hận Nhục Biển Đông Nam Á: Kiện hay Không Kiện, do Hợp Lưu ấn hành năm 2016. Nhà thơ Đặng Hiền là bác rể hai cháu, các con trai gái đều học giỏi, thành đạt—bác sĩ, luật sư, giáo sư đại học, và sinh viên kỹ sư năm thứ hai như Khiêm. Trong sách nảy có sơ lược tiểu sử cùng các tác phẩm cập nhật năm 2016.
Ngày vui qua mau. Thứ Ba, 21/6/2022, ăn cơm trưa ở Vinh Hoa, tiễn hai cháu trở lại Tyler. Có cô Phượng. Phượng hơi gầy hơn trước. Cháu Darwin đã vào chương trình tiến sĩ toán ở Irvine, California. Những lượn sóng sau xô dồn lượn sóng trước—ngàn năm nước chảy, có ngừng đâu.Tuổi già ngày một thu nhỏ lại dưới mái nhà, quanh giường bệnh, gậy chống, xe lăn, xe đẩy, cho đến lúc phai tàn đi, tiễn tích khỏi cõi trần. Chẳng cần gõ bồn mà ca vịnh nhi qui như Trang Chu. Nói chi chút tư tâm phải có danh gì với núi sông, chúa biết mặt, dân nhớ tên, công dân hạng nhất, hạng nhì.
Thứ Năm, 6/10/2022 [11/9 Nhâm Dần]: Day 225, Week 33
Buổi họp mặt gia đình thật vui. Chỉ thiếu cô út Nga. Phan Nhật Nam text mừng sinh nhật, nên điện thoại đáp lễ. 10 giờ tối mới trở về nhà cắt bánh sinh nhật. Chụp hình.
Cuộc chiến Ukraina bước sang tuần thứ 33. 225 ngày, và 225 đêm. Dù trên thực tế, đã 9 năm 8 tháng. Gần 40 triệu dân Ukraina đã và đang anh dũng kháng chiến chống lại cuộc xâm lăng tàn bạo của tập đoàn ác quỉ chiến tranh Putin, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Putin và bầy tội phạm chiến tranh Kremli—với tư duy xâm lược trung cổ và kho vũ khí nguyên tử đủ sức phá hủy cả địa cầu—đang ngày ngày đóng những chiếc đinh cuối cùng trên quan tài “Liên Bang Nga.”
PUBLICATIONS:
I. HISTORICAL WORKS:
A. Published:
English:
1. Vu Ngu Chieu. "The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (April-August 1945)." Journal of Asian Studies, XLV:2 (February 1986), pp. 293-328.
2. Phan Chu Trinh. A Complete Account of the Peasants' Uprising in the Central Region (1908). Translated from Vietnamese by Peter Baugher and Vu Ngu Chieu. Madison, WI: University of Wisconsin, Center for Southeast Asian Studies, Monograph No.1, 1983 (in print 2009).
3. Vu Ngu Chieu and Nguyen The Anh. Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành / Another School for Young Nguyễn Tất Thành / Une autre école pour le jeune Nguyển Tất Thành. Paris: Van Hoa, 1983.
Other Languages:
1. Vũ Ngự Chiêu. Petrus Key Trương Vĩnh Ký & Cuộc Xâm Lăng Của Pháp [Petrus Key Truong Vinh Ky & The French Invasion]. Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2019.
2. Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ. Viết Từ Chân Đền Hùng [Writings From the Hill-Foot of the Hung Temple]. Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2016.
3. Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ. Nhục Hận Biển Đông Nam Á: Kiện Hay Không Kiện? [Humiliation and Resentment in the Southeast Asia Sea: To Sue or Not To Sue?], 3 vols. Fountain Valley, CA: Hợp Lưu, 2015-2016.
4. Vũ Ngự Chiêu. Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945 [The Last Nguyen Emperors, 1883-1945]. 3 vols. Houston, TX: Van Hoa, 1999-2000 [revised edition forthcoming].
5. Chính Đạo. Mậu Thân 68: Thắng Hay Bại? [The Mau Than Tet Offensive (1968): Won or Lost?]. 3rd rev. ed. Houston: Van Hoa, 1998.
6. Chinh Dao. 55 Ngày & 55 Đêm: Cuộc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa [55 Days & Nights: The Collapse of the Republic of Vietnam]. 5th rev. ed. Houston, TX: Van Hoa, 1999.
7. Chinh Dao. Từ Pearl Harbor tới New York [From Pearl Harbor to New York]. Houston, TX: Van Hoa, 2002.
8. Chinh Dao. Cuộc thánh chiến chống Cộng [The Anti-Communist Crusade]. Houston, TX: Van Hoa, 2004.
9. Chinh Dao. Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975 [Vietnam Chronicle, 1939-1975].
Vols. I-A: 1939-1946, I-B: 1947-1954, I-C: 1955-1963; I-D: 1964-1968 (forthcoming); I-E: 1969-1975 (forthcoming). Houston: Van Hoa: 1993-2001.
Vol. III: Nhân vật chí [Biographical Sketches]. 2nd rev. ed. Houston, TX: Van Hoa, 1997.
10. Chinh Dao. Tôn Giáo và chính trị: Phật Giáo, 1963-1967 [Religions and Politics: Buddhism, 1963-1967]. Houston: Van Hoa, 1994.
11. Chinh Dao. Hồ Chí Minh, 1892-1969: Con người và huyền thoại [Ho Chi Minh, 1892-1969: The Man and His Myths]. 3 vols. Houston: Van Hoa, 1993-1994, 1997.
B. Unpublished Manuscripts:
1. Vu Ngu Chieu, "Mandate of Heavens: Vietnam, 1940-1950." (Based on my doctoral dissertation, UW-Madison, Dec 1984)
2. Vu Ngu Chieu. "The Vietnam War: Won or Lost?" (Based on my M.A. thesis, UW-Eau Claire, December 1977).
3. Vu Ngu Chieu. "International Crimes Against the Ethnic Vietnamese in Cambodia, 1970-1998.” Paper read at the Vietnam Center, University of Texas Tech, Lubbock, TX, in 1998.
4. Vu Ngu Chieu. "From Embargo to Normalization: The Human Rights Aspects of the U.S.-Vietnamese Relations, 1975-1995," JD Seminar Paper, 1999, under the supervision of Jordan J Paust, at Univ of Houston, Law Center.
C. LITERARY WORKS:
NGUYÊN VŨ [literally, The Original Universe], the author of thirty (30) essays, short stories and novels in the Vietnamese language, which are in the collections of various American and French libraries, including the U.S. Library of Congress, Cornell Univ. Library, the French National Library, and the Library of Univ. Paris VII.
1. Nguyen Vu. Ngàn Năm Soi Mặt [A Mirror for Thousands of Years]. Houston: Van Hoa, 2002.
2. Nguyen Vu. Paris Xuân 1996 [Paris: Spring of 1996] Houston: Van Hoa, 1997.
3. Nguyen Vu. Một Ngày Có . . . 26 Giờ [A Twenty-Six Hour Day] Houston: Van Hoa, 1996.
4. Nguyen Vu. Xuân Buồn Thảm [The Tragic Spring] Houston: Van Hoa, 1992.
5. Nguyen Vu. Hoạt cảnh chiến tranh [Glimpses of War] Houston: Van Hoa, 1991.
6. Nguyen Vu. Giặc Cờ Đỏ [The Red-Flagged Rebellions], 2 vols. Houston: Van Hoa, 1987-1988.
D. Bản thảo chưa hoàn tất:
Vũ Ngự Chiêu. Ngô Đình Nhu: Chết Khó Nhắm Mắt
Vũ Ngự Chiêu & Hoàng Đỗ Vũ. Việt Sử Chép Theo Lịch Tây
- Từ khóa :
- NGUYÊN VŨ