- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Như Sương Như Khói Bay

05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 32967)

blankMươi năm trước khi chưa có công trình thuỷ điện Hoà Bình, ở Mường Lưm có một trạm thủy văn nhỏ nằm bên sông Đà, cách bến phà phía tả ngạn sang huyện lỵ Phổ Yên độ vài trăm mét. Trạm thủy văn này chuyên ghi mực nước lên xuống của con sông Đà. Giữ trạm thủy văn này là ông Trụ vốn là một nhân viên kế toán của Ty thuỷ lợi đang chờ thủ tục nghỉ hưu.

Ông Trụ tính nết hiền lành, trước có học hàm thụ cao đẳng nhưng thi trượt không đỗ. Vợ con ông ở dưới Hưng Yên, ông một mình lên Tây Bắc làm việc thế mà đã ba mươi năm. Chỉ mỗi một mình ở trạm thuỷ văn, ông Trụ lúc đầu cũng chán nhưng rồi quen đi, ở được một năm thì ông không còn chán nữa. Đến tuổi sáu mươi, người ta dễ lặp lại những thói quen vô thức kỳ quặc. Chó già, ngựa già cũng thế: chó già chỉ nằm một chỗ, ngựa già quen đi một đường.

Hàng ngày ông Trụ phải ghi mực nước sông lên xuống đều đặn bốn tiếng một lần. Cứ nửa tháng, ông lại ra bưu điện Phổ Yên để gửi kết quả về tỉnh, nhân tiện đi lấy thư báo và mua thực phẩm về dùng. Thực ra, gần như ông Trụ chẳng phải mua gì ngoài dăm ba cân gạo vì thường ông ăn rất ít, ông lại nuôi gà và tự trồng lấy rau ăn.

Ông Trụ chẳng có một thú vui gì ngoài việc thỉnh thoảng làm dăm ba câu thơ để rung đùi ngâm ngợi một mình. Trước kia ông Trụ có một tủ sách nhỏ nhưng rồi mắt kém nên ông cũng chẳng đọc nữa, hễ ai mượn sách là ông cũng biếu họ luôn bởi ông nghĩ sách thì nên truyền bá cho nhiều người đọc.

Ông Trụ gần như không có bạn bè. Ở trong xóm núi ra chơi với ông thường chỉ có con bé San bấy giờ mới độ mười tuổi. Con bé San có mẹ là người Xá, bố là người Kinh quê dưới Thái Bình lên đây khai hoang. Con bé San sớm mồ côi bố. Bố nó chết vì đi vớt củi ở trên sông Đà vào mùa mưa lũ bị nước cuốn trôi.

Vào mùa mưa lũ, con sông Đà hung dữ khác thường nhưng những ngày thường trong năm nó nhu mì, hiền lành, lại như tẻ nhạt. Sáng sáng, chiều chiều con sông lờ lững trôi đi bình thản êm đềm. Sang mùa lạnh, con sông cũng có đổi thay mỗi khi có đợt gió mùa đông bắc thổi về, đấy là lúc bầu trời xám xịt, hơi nước ở trên mặt sóng phả lên ngùn ngụt quện với những đám mây trắng ở trên đỉnh núi là là vờn bay xuống thấp. Khói mây lẫn lộn vào nhau. Hè về, trời xanh ngăn ngắt trên cao, bóng núi đổ xuống mặt sông như có một bàn tay nào sắp đặt những mảng bóng râm ngay ngắn cho từng chỗ một. Có luồng hơi lạnh ở đâu đột nhiên lướt qua sống lưng của ta như một cú liếm ướt át chết chóc đột ngột của con rắn lục nấp trong hang đá. Sợ hãi khiến ta run bắn cả người. Làn sương khói lảng vảng lướt trên mặt sông chờn vờn như ma quỷ nhập làm hoa cả mắt. Đây là thứ sương khói mà trong thơ Đường Bạch Cư Dị gọi là "yên ba sầu sát nhân". Tĩnh lặng. Hoang vắng. Tự nhiên ào lên là một con chim đen ngòm bẩn thỉu ướt rượt từ dưới lòng sông lao vút vào trong bụi rậm. Con chim vừa bay vừa kêu hốt hoảng.

Ông Trụ loay hoay ở trong căn phòng hẹp có một chiếc giường gỗ tạp với cái tủ con. Đôi khi ông nấu ăn ngay trong phòng cho tiện. Bếp nấu là mấy viên gạch xếp chồng lên nhau. Thường ông chỉ nấu ăn một bữa trong ngày. Hôm nào có con bé San thì hai ông cháu cũng lục đục bày vẽ làm món nọ món kia. Con bé San biết cách nấu nướng. Mẹ nó đã dạy cho nó. Những khi nó loay hoay nấu ăn thì ông Trụ nằm dài trên giường, ông bảo ban, quát lác hoặc trêu chọc nó. Thỉnh thoảng ông đọc ê a một vài câu thơ kiểu như:

"Làm sao cũng chẳng làm sao,

Nếu có thế nào cũng chẳng làm chi.

Làm chi cũng chẳng làm chi,

Nếu có cái gì cũng chẳng làm sao..."

Mỗi khi con bé San đến chơi, nó hay đứng tha thẩn ở bên ngoài chỗ gốc cây hoa ban một lát để chờ ông Trụ gọi nó mới vào.

Ông Trụ gọi:

- San ơi, mày đang làm gì ở đấy?

Con bé đáp:

- Thày gọi con à?

Ông Trụ bảo:

- Ừ thày gọi con. Thế mày làm gì ở đấy?

- Con chẳng làm gì!

Ông Trụ ở trong phòng không nhìn thấy con bé San nhưng đoán nó đang thỏn thẻn cười một mình. Hồi ở Ty thuỷ lợi trên tỉnh, ông Trụ vẫn hay đứng hồi lâu bên ngoài hiên nhà để lén trộm nghe những tiếng cười của đám con gái trong lớp học bổ túc văn hoá ban đêm. Chẳng cơn cớ gì mà chúng cũng cười. Cười như nắc nẻ. Cười sặc cười sụa. Cười ngằn ngặt. Cười nức nở. Ôi những tiếng cười đến là vô tư! Ông Trụ đã nghe nói rằng thường thì trẻ con sinh ra nó cười đến sáu trăm lần một ngày. Càng lớn nó càng cười ít đi. Ở người đàn bà thì họ cười nhiều nhất là khi họ chưa lấy chồng.

Ông Trụ bảo:

- San ơi, mày lấy cho thày con dao để gọt bút chì.

Con bé hỏi:

- Thày gọt bút chì làm gì?

Ông Trụ bảo:

- Để thày ghi những con số vào sổ của thày.

Con bé nhìn ông Trụ nắn nót ghi những con số khó hiểu vào một cuốn sổ dày cộp có đóng bìa cứng.

Một hôm ông Trụ bảo nó:

- San ơi, mày lấy cho thày con dao để gọt bút chì.

Con bé hỏi:

- Thày gọt bút chì làm gì?

Ông Trụ bảo:

- Thày phải dạy con học chữ mới được.

Ông Trụ dạy con bé San học thuộc lòng hai mươi bốn chữ cái. Con bé sáng dạ, nó học rất nhanh. Thời gian sau, con bé San đã biết ghép các chữ cái lại với nhau rồi nó biết viết chính tả những bài ca dao kiểu như:

"Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...

Dạy con, con chẳng nghe lời,

Con nghe ông Kễnh đi đời nhà con!"

Ông Trụ và con bé San cũng hay nói chuyện linh tinh. Thường ông hay hỏi con bé San về mẹ nó. Mẹ nó làm gì? Mẹ nó có hay khóc không? Mẹ nó có biết bài hát "chiều tối cô em xuống núi" với bài "đời ta khổ lắm noọng ơi" không? Ông Trụ cũng hay nói chuyện với con bé San về những người ở trong nhà ông: về bà vợ già đảm đang và lắm mưu mẹo, về hai đứa con ngông cuồng bất trị của ông. Dần dà lâu ngày thành quen, câu chuyện cứ được kể đi kể lại nhiều đến nỗi con bé San tưởng như nó đang sống với những người ở trong nhà ông Trụ.

Đêm khuya, khi trăng sắp lặn thì con bé hỏi:

- Bây giờ chắc hai anh nhà mình vẫn còn đang lang thang ở ngoài đường cái thày nhỉ?

Ông Trụ thở dài:

- Ừ... hai thằng ấy thì phải còn lâu mới về! Cứ phải đến ba giờ sáng chúng nó mới về!

Con bé San bảo:

- Thế bà lại mất ngủ hết cả đêm hôm nay!

Bà đây là vợ ông Trụ. Ông Trụ ở xa lâu ngày nên cũng chẳng còn nhớ tới mặt vợ mình. Trong giấc mơ, ông Trụ thường mơ thấy bà hệt như mẹ ông. Bà có mớ tóc bạc ngay đỉnh đầu. Bà lụi hụi một mình ở tận góc vườn trồng rau, trồng đỗ. Nhiều khi tỉnh giấc, ông cứ bần thần cả người, ông không làm sao có thể ngủ lại được nữa.

Ba năm trôi qua, dường như ở Ty thuỷ lợi người ta đã quên việc quyết định để cho ông Trụ đi về nghỉ hưu. Ông Trụ cũng chẳng buồn hỏi. Cây hoa ban đầu nhà hồi nào ông Trụ mới trồng nay đã trổ hoa. Con bé San lớn dần lên, nó không còn trông như trước, bây giờ nó đã có vẻ gian manh lấm lét của một cô gái mới lớn đến tuổi dậy thì. Mùa mưa năm ấy, nước con sông Đà đổ về ngập đến lưng nhà. Ông Trụ phải kê dọn đồ đạc dầm mưa rất khổ sở. Mấy hôm sau nước rút, con bé San mới dám lội nước để ra thăm ông.

Con bé San gọi:

- Thày ơi thày!

Trong nhà không thấy có tiếng ông Trụ trả lời. Con bé San đẩy cửa bước vào. Trong nhà tối om, nó hốt hoảng thấy ông Trụ nằm ốm đang run lập cập trên giường.

Ông Trụ thều thào. Miệng ông đắng khô cả lại. Con bé San đặt bàn tay bé nhỏ mát rượi của nó lên trán ông già và ngay lập tức, kẻ tha hương khốn khổ ấy như được nhấc ra khỏi chốn địa ngục nước sôi lửa bỏng, như được vớt lên từ nỗi tuyệt vọng mênh mông sầu muộn quạnh quẽ. Nước mắt ông Trụ trào ra. Ông không còn thấy tủi thân và bất hạnh nữa. Ông thấy cuộc sống có ý nghĩa. Ông thấy như mình khoẻ lại.

Con bé San thấy hai hốc mắt ông Trụ lõm sâu, còn người gầy tọp hẳn đi thì rất sợ. Nó không còn là một con bé con bé bỏng nữa. Nó lập tức bước lên cương vị một bà mẹ, một Bồ Tát. Nó chạy vào xóm gọi người, nó chạy đến trạm y tế để gọi thày thuốc. Người ta khênh ông Trụ vào trạm y tế sưởi ấm, cho ông uống thuốc ký ninh. Con bé San bón cháo cho ông. Nó săn sóc ông cả ngày lẫn đêm suốt mấy hôm liền. Nó làm công việc của một hộ lý, nó bắt ông thay quần áo rồi mang ra sông giặt, nó nấu cơm nấu cháo cho ông, nó giục ông uống thuốc đúng giờ. Cứ thỉnh thoảng nó lại chạy vào hỏi ông:

- Thày ơi thày, thày đỡ chưa thày?

Mấy người trong trạm y tế phì cười, ai cũng khen ông Trụ có đứa cháu gái ngoan ngoãn.

Ông Trụ hấp háy đôi mắt cười cười:

- Nó là cháu gái rượu nếp mường của tôi đấy các ạ!

Ông Trụ nằm ở trạm y tế sang ngày thứ sáu thì lại trở về ngôi nhà cũ. Sau cơn mưa lũ, căn nhà trông rất tang thương, đồ đạc cái còn cái mất. Sổ sách ghi chép về các số liệu thuỷ văn đã bị nước cuốn trôi đi cả. Ông Trụ không biết tính sao. Ông rất buồn. Ông cảm thấy có lỗi vì đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Con bé San giúp ông Trụ dọn lại căn nhà vì nó thấy ông rất yếu. Nó mặc chiếc váy xắn đến lưng chừng đùi. Nó thấy viên ngói vỡ nên nó bắc chiếc ghế rồi trèo lên lợp lại. Cái áo ngắn cũn của nó co lên để lộ một khoảng khoang bụng. Ông Trụ trong nhà nhìn ra. Ánh nắng buổi sáng trong suốt làm lộ rõ những đường cong trên thân hình mảnh dẻ của con bé con đang độ lớn. Ông Trụ nhận thấy hai bắp đùi của con bé con rất khoẻ. Ông Trụ đờ cả người ra.

- Đi xuống! - ông gắt to - Ngã chết bây giờ!

Con bé San giật mình làm viên ngói vỡ. Ông Trụ lại quát:

- Để đấy... Xuống đi!

Con bé San tụt vội xuống ghế, nó sợ hãi đi ra sau nhà. Nó không hiểu vì sao ông Trụ mắng nó.

Con bé San ngồi nhổ cỏ trong vườn. Nó nấp sau gốc cây ban. Ông Trụ lảo đảo đi vào giường nằm. Ông nhắm mắt lại. Hình ảnh hai bắp đùi rất khoẻ của con bé con lại hiện lên trong tâm trí.

- Thật tệ hại! - ông Trụ xấu hổ - nhất định không ở đây nữa! Nhất định không còn ở đây thêm ngày nào nữa... - ông Trụ rền rĩ một mình như thế.

Sáng hôm sau, ông Trụ ngồi dậy viết đơn để xin thôi việc gửi về Ty thuỷ lợi trên tỉnh. Không biết ông viết những gì mà cứ xé đi xé lại nhiều lần. Cuối cùng, ông chỉ viết vẻn vẹn có vài dòng chữ rồi dán thư lại mang ra Bưu điện bỏ vào hòm thư.

Thời gian trôi đi, con bé San vẫn đến chơi nấu cơm cho ông Trụ. Ông Trụ vẫn dạy cho con bé San học chữ hàng ngày. Ông còn cho nó thêm những bài tập về nhà. Con bé rất sợ ông buồn nên ra sức học. Nó lo nhất nếu ông bất chợt kiểm tra mà nó lại đọc ngắc ngứ hoặc làm không đúng những con toán cộng toán trừ.

Ông Trụ ngày một ngày hai cũng dần khoẻ lại. Con bé San không còn phải chăm sóc cho ông Trụ nữa nên ngoài giờ học thì nó chỉ loay hoay ở bên ngoài để nhổ cỏ rau chứ không vào nhà. Thỉnh thoảng, ngó qua cửa sổ, con bé San thấy ông Trụ ngồi hoặc nằm ở trên giường, đôi mắt cứ lơ đãng thất thần nhìn vào khoảng không như chờ đợi một cái gì đó rất đáng sợ và trọng đại. Nó không biết đấy là cái gì nên không dám hỏi. Nó chỉ cảm thấy điều ấy chắc có liên quan đến nó...

Ít lâu sau, ông Trụ nhận được một bức thư trên Ty thuỷ lợi gửi về. Đọc xong bức thư, ông Trụ quay ra gọi con bé San:

- San ơi! Mày đang làm gì ngoài ấy hả con?

Con bé San đang ở ngoài vườn trồng rau. Nghe ông Trụ gọi, lòng nó ngập tràn vui sướng. Đã lâu lắm rồi ông không còn gọi nó như thế. Nó hớn hở chạy vào trong nhà. Nó hỏi ông Trụ:

- Thày gọi con à?

Ông Trụ cầm bức thư trên tay tần ngần. Ông bảo nó:

- San ạ, ngày mai thày đi rồi đấy!

- Thày đi đâu?

- Thày về nhà thày.

- Thày đi có quay lại không?

Ông Trụ lặng im, ông quay mặt đi chỗ khác rồi nói:

- Không, thày không trở lại nữa đâu!

Con bé San không hỏi gì thêm. Nó chưa biết đến sự xa cách. Ngọn đèn dầu le lói góc nhà. Chỗ viên ngói dột, nước cứ tí tách đều đặn rơi xuống cái chậu tôn để dưới sàn nhà.

Chiều tối, con bé San đi nhóm lửa nấu cơm, tuy vậy nó không còn làm nhanh nhẹn như trước. Nhiều điều mới mẻ để suy nghĩ đã len vào khối óc bé nhỏ của nó. Ăn cơm xong, nó hỏi ông Trụ:

- Thày ơi thày, thày đi thày có mang con theo không?

Ông Trụ giật mình, ông không hiểu sao con bé có thể nghĩ thế, ông lắc đầu:

- Không, không mang theo được con ạ!

Ông Trụ không biết giải thích ra sao cho con bé hiểu. Ông đành im lặng không nói gì. Còn con bé con thì suốt cả đêm hôm đó, cả lúc thức lẫn lúc ngủ, nó cứ nghĩ mãi vì sao ông Trụ không mang nó đi. Hình như ông sợ điều gì đấy. Điều ấy là điều gì?

Sáng sớm hôm sau, ông Trụ sắp xếp quần áo vào chiếc ba lô cũ kỹ rồi cứ đi đi lại lại một mình suy nghĩ rất lung. Con bé San quanh quẩn bên ông lo lắng. Nó hỏi:

- Có sao không thày?

Ông Trụ nói với con bé:

- Con đừng lo lắng cho thày! Còn con, cuộc sống của con nếu không có thày cũng không ảnh hưởng gì đâu. Đừng sợ!

Con bé San không để ý đến lời ông Trụ. Tâm tư phụ nữ của nó ông Trụ không sao hiểu được. Trước kia, ông Trụ có mắng mỏ nó, trêu chọc nó, làm nó bực mình nhưng nó chịu đựng được hết, nó không buồn giận oán thán gì ông, nhưng đến bây giờ, nghe những lời đầy thiện ý của ông, nó không thể nào chịu được. Nó oà lên khóc nức nở. Nó nói:

- Không, không... Thày mặc kệ con! Thày đừng để tâm đến con làm gì... Con không thiết sống nữa đâu...

Ông Trụ sững người lại sợ hãi. Từ trước đến nay ông chưa bao giờ thấy con bé San như thế. Ông luống cuống và cảm thấy khó xử vô cùng.

Đến trưa thì chiếc thuyền độc mộc từ ở dưới làng ghé vào bến để đón ông Trụ. Ông Trụ gọi con bé San đến gần, ông lấy trong túi áo ra tất cả số tiền dành dụm trong nhiều tháng trời, chỉ để lại một ít đi đường rồi đưa hết cả cho nó. Ông bảo:

- Thày có chút ít tiền này cho con. Con hãy cầm lấy mà mua sách bút...

Con bé San đẩy ông Trụ ra, nó ôm mặt khóc nức nở. Nó nói:

- Không! Không... Thày đi đi, thày mặc kệ con, thày đừng bận tâm gì đến con nữa...

Con bé nói rồi chạy biến ra phía sau nhà, nó vạch cỏ chạy tuốt vào rừng, chân nó xéo bừa lên những cây gai và đá nhọn hoắt. Ông Trụ thở dài nhìn theo rồi bước lên con thuyền độc mộc. Chiếc thuyền lặng lẽ rời bến. Cũng chẳng có ai ở trong xóm ra tiễn ông Trụ.

Người lái thuyền chèo con thuyền độc mộc ra giữa ngực dòng sông. Nước sông Đà sau trận mưa rào từ đêm hôm trước dâng cao như một dòng nước mắt trào lên giữa hai dãy núi đá cao vòi vọi. Nước rẽ ra hai bên ở đầu mũi thuyền xoáy lộn như nức nở than khóc. Ông Trụ buồn tê tái tận đáy lòng. Khuôn mặt cô bé San ở trong xóm núi hoang vắng hiện ra trong ông thật đớn đau khổ sở. Nó như thể sự tuyệt vọng của con người ta mà ông Trụ không biết gọi tên nó là gì, bởi sao lại thế? Ông thấy ông ích kỉ và hèn hạ. Sương khói ngùn ngụt từ trên mặt sóng bay lên. Nỗi buồn như sương như khói bay... Chiếc thuyền thuận theo dòng nước cứ trôi vùn vụt. Thoắt cái, cái trạm thuỷ văn bé nhỏ bên bờ sông Đà đã khuất sau rặng cây rậm rạp hoà vào màn sương mù mịt dày đặc. Bây giờ, nếu như ông Trụ phỏng như có ý định muốn quay lại đón con bé San bơ vơ tội nghiệp cũng không thể nào được nữa. Thế là như một lữ khách, như một tha nhân, như thể một kẻ bạc tình, ông Trụ ở trên con thuyền độc mộc giữa dòng sông cuồn cuộn kia dù có ba đầu sáu tay đến mấy cũng đành phải ngậm ngùi thở dài, chẳng thể làm gì. Vị du khách đơn độc của chúng ta giống như mọi người đành phải tự an ủi chính mình bằng mấy câu triết lý suông về sự hợp tan, tan hợp nhiều không kể xiết ở trên cõi đời này. Hắn triết lý về cái chết, về sự chia ly, về những kết cục đau buồn của cuộc đời con người ta. Hắn cho rằng cuộc vui nào cũng có lúc tàn, rằng không ai lại uống nước hai lần trên một dòng sông, rằng đời là những chuyến đi dài... đại để như thế, toàn là những lời lẽ trống rỗng và khuôn sáo...

Nhưng San, cô bé con trong xóm núi của chúng ta không biết triết lý. Con bé con nước mắt lưng tròng cứ tha thẩn, quẩn quanh bên ngôi nhà hoang vắng ở cạnh bờ sông đến hàng tuần lễ. Trong góc trái tim bé bỏng của nó, nó cứ giữ mãi hình ảnh người thày đầu tiên ở trong cuộc đời của nó. Nó cứ hi vọng hão huyền rằng một ngày kia có thể ông ta sẽ quay trở lại để đón nó đi... Hỡi ơi, hỡi ơi, thật là ngu dại thứ tình cảm yếu mềm của con người ta! Thực khốn khổ, khốn nạn cho cái bản chất tình cảm con người! Nó cứ một mực trước sau tự mê hoặc nó, nó cứ mê thích những lầm lạc hiểm nguy. Nó háo hức đắm chìm trong những bản năng dại dột điên rồ. Lý trí sáng suốt hoài công một mực khuyên răn ngăn cản nhưng nào có được? Lý trí đưa ra những bằng chứng quả quyết và xác thực nhất nhưng tình cảm dứt khoát phớt lờ mặc kệ cứ quay mặt đi! Ôi con người, con người! Kiểu gì thì kiểu, con người bao giờ cũng cứ bám riết lấy bản năng tình cảm sôi sục và điên rồ của nó, nó ôm ấp những hi vọng hão huyền ở phía trước không bao giờ có thực, nó không run sợ gì hết trước những lỗi lầm. Chỉ cho đến khi nào vỡ mộng, nó nhục nhã thảm hại, cho đến lúc nó tự vắt đến cạn kiệt trái tim bất hạnh của nó thì may ra mới hòng có thể buộc nó quay đầu dừng lại. Nhưng rồi, sau nỗi ê chề của sự thức tỉnh lý trí ngắn ngủi kia (như một que diêm le lói trong đêm tối), một lần nữa, hơn một lần nữa, bản năng tình cảm lại thức dậy với những khát khao mới, nó lại tiếp tục đắm chìm vào những cơn khát dục vọng, nó lại cuốn mình vào trong cõi vô minh hỗn độn, vào những ma trận của sự lầm lạc, dại dột... Cứ như thế, cứ như thế, nó dấn bước dần dần đến cái chết đang chờ đợi nó ở trước mặt. 

Nguyễn Huy Thiệp
Hà nội, 11 tháng 11 năm 2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Một 20248:37 CH(Xem: 783)
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp. Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành.
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 2588)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 3600)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 3801)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 3655)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 3980)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 4819)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 4505)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 5406)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 5609)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…