- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGỒI NHỚ CHUYỆN VỚI NGƯỜI THƯƠNG PHẾ BINH VIỆT NAM CỘNG HÒA.

07 Tháng Năm 20184:58 CH(Xem: 29164)






DuongVe-photoVUKHUE
Đường Về -ảnh Vũ Khuê




                                           ( Những con người bị lịch sử lãng quên và hiện tại không chấp nhận)

 





                                                                                                                        

       Cách đây không lâu, tôi có dịp xem một đoạn phim ngắn trên Youtube, về một nhóm thanh niên đang có hành động gây rối một buổi thiện nguyện của một tổ chức tôn giáo, nhằm vinh danh và tri ân những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại thành phố Hồ Chí Minh. Thực chất đây là một buổi lễ  nhỏ nhằm mang đến cho những số phận đã chịu quá nhiều thiệt thòi, mỗi người một phần quà , từ những cá nhân,  hội đoàn hảo tâm trong và ngoài nước trong sự hoài niệm, tự cảm thấy có trách nhiệm với những con người cùng sinh ra trong một thế hệ, cùng trãi qua những biến động lịch sử ở một đất nước và rồi…. người còn lành lặn, thành đạt…..kẻ tàn phế, lăn lóc…đầu đường, góc chợ….Một sự tri ân được nhìn dưới góc độ sống còn , mối tương hữu được nhắc lại trong thời khắc ác liệt nhưng cũng thật vô tình của khói lửa chiến tranh.

    Có thể đối với một số người trên quan điểm cực đoan cảm thấy thương tổn và phản ứng. Nhưng với những ai chịu khó suy nghĩ sâu hoặc có thời gian trãi nghiệm song hành với những mảnh đời này, thì đó là việc nên làm và lẽ ra nó phải được tiến hành sớm hơn. Kể cả trên cái nhìn hoàn toàn phi chính trị, như tôi chẳng hạn_ Một thế hệ đi sau, chẳng mang tí dấu ấn nào từ chế độ trước, vào năm 1975  tôi chỉ là thằng bé mười tuổi.…

Kẻ cưu mang những ngày khốn khó

     Điều phải nói, phần lớn những thanh niên tham gia trong việc gây rối này còn khá trẻ, thuộc thế hệ 9X, tức một thế hệ lành lặn, sinh ra sau này trong hòa bình.  Dù có thể quy động cơ của sự việc này là do lòng nhiệt huyết, bồng bột của tuổi trẻ, cộng với sự hấp thụ của một nền giáo dục khá phiến diện đã tạo nên một sự kiện bức xúc, đầy sự bất bình trước những cặp mắt khách quan. Nhưng điều gây ra sự ngạc nhiên lớn nhất là bản chất của sự việc. Chừng như những thanh niên kia hoặc không phải sinh ra và lớn lên trên đất nước này hoặc không có tí khái niệm nào trong sự liên kết với lịch sử, thông qua những hình ảnh đời thường, mặc dù họ dẫn chứng khá nhiều về những câu nói của những nhân vật chế độ trước, những sự kiện đã diễn ra trong cuộc chiến một cách khá rành mạch và bài bản với ngôn ngữ chuẩn mực, đầy tính chỉ trích.

    Trong con mắt những người dân miền Nam trong và sau cuộc chiến, hình ảnh những con người tàn phế mất chân, mất tay, biến dạng một phần nào đó trên cơ thể do trực tiếp cầm súng chiến đấu, dù ở phía bại trận,  không xa lạ gì lắm, hoặc có thể nói là gần gũi. Họ có mặt hầu như trong mọi bức tranh sinh hoạt. Bị mất sức lao động một phần hay hoàn toàn, sự bảo hộ từ một chính thể đã sụp đổ, giờ không còn, chính quyền mới gần như không biết đến sự sinh tồn của những sinh linh này. Họ sống với cuộc sống gần như cộng sinh, nhờ vào lòng nhân ái của con người,  trãi qua bao thời kỳ cải cách , trong biết bao dao dộng và sự tự vấn nội tâm, họ đã tồn tại….. Riêng chỉ điều này, cho ta một suy nghĩ về sự vinh thăng đối với họ rồi.

    Những cộng đồng dân lao động miền Nam chấp nhận họ, , cắt đứt cho họ một phần cơm áo ít ỏi trong thời buổi bao cấp khốn khó, chia sẻ một nơi nương náu  trong những căn nhà trôi dạt, nhỏ nhoi; xem họ như một phần máu thịt của mình ….. cũng như họ đã chấp nhận những dòng di lưu từ miền Bắc đổ vào, trước đây vào năm 1954, thời kỳ đói kém hậu chiến tranh 78-79 và cả dòng chảy sau này cuồn cuộn và dằng dặc….Nói tới đây, ta cũng nên đặt một vài lời trân trọng cho sự độ lượng và lòng bác ái với riêng nhân dân miền Nam.

      Với bối cảnh kinh tế không có gì sáng sủa vào thời hậu chiến, ở thành thị; cán bộ , công nhân viên_ Một thành phần có thể được gọi là ưu tú nhất trong xã hội, đều sống nhờ vào nguồn cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm nhỏ giọt là tem phiếu. Những cơ sở của nhà nước gọi là mậu dịch quốc doanh kiểm soát thị trường này. Thực chất nó chỉ sở hữu vào khoảng 1/10 dân số tham gia, có lẽ thấp hơn nữa, vì có mấy công ty, xí nghiệp quốc doanh hoạt động, phần lớn là các cơ sở chính quyền,  các ban ngành thuộc nhà nước quản lý như: điện, nước, bưu cục, viễn thông, giao thông vận tải, giáo dục…..Phần dôi ra còn lại, phải kể đến các hợp tác xã buôn bán của địa phương, với cung cách trao đổi hàng hóa giữa các địa phương với nhau ,mua đi bán lại cho nhân dân sở tại. Những cơ sở phục vụ địa phương này còn tệ hơn bên quốc doanh, luôn thiếu thốn về mặt hàng cũng như số lượng và mang tính chất theo mùa, được cái nó phổ thông . Con số tham gia thị trường này cũng khá khó xác định….. Nhưng cuối cũng , có lẽ đông nhất, nhộn nhịp nhất, đa dạng nhất, khó kiểm soát nhất là thị trường tự do_ Những  thị phần buôn bán nhỏ, cá thể cộng với đám dân đủ các thành phần của cái “ Chợ trời”. Điểm khác nhau giữa họ là có môn bài và không có môn bài. Điểm giống nhau của họ là gần như dùng chung một không gian…. Nơi mà ta có thể tìm thấy bất cứ cái gì. Từ những thứ xa xỉ, lạ mắt không biết dùng để làm gì của bọn tư bản ngoài tầm với đến những vật dụng xù xì, gai góc, đầy bất tiện của đám anh em xã hội chủ nghĩa. Nơi những di sản đầy máu và nước mắt của Mẹ Việt để lại từ bốn ngàn năm được trao đổi ngang  với giá trị của một bánh xà bông Cô Ba và mấy cái khăn lông……Không có tính hệ thống, hoàn toàn mang tính chất tự phát, thậm chí chẳng cần vốn liếng và số tiền trao đổi chỉ có giá trị “dằn bụng” một hay vài nhân mạng trong ngày, sự đổi chác đơn thuần trên phương diện “ Tiền trao, cháo múc” ….nhưng đó là mảnh đất nuôi sống  biết bao con người tàn tạ, bầm dập sau cuộc chiến, nay lại phải đối đầu với cuộc mưu sinh đầy sự bóp nghẹt và thách thức của một nền hòa bình vừa dụi mắt, tỉnh giấc.  Và cũng trên mảnh đất cuối cùng còn sót lại của tự do , nơi chen lấn giữa lòng tự trọng và sự lừa lọc, giữa danh dự và sự ngã giá, quá khứ hào quang và hiên tại tăm tối, miếng ăn và sự tự hủy hoại…Nơi tưởng chừng của khốn cùng và thoái hóa, vẫn mọc lên những mầm cây của từ tâm và chia sẻ, của độ lượng và nhân bản, của con người và con người….và những hình nhân bị cuộc chiến  cướp đi một phần khuôn dạng, đã sống nhờ vào mảnh đất cuối cùng ấy trong sự đùm bọc vô lượng của nó, để đi qua một thời khốn khó!

     Ngày đó, chính cái thị trường bị ruồng rẫy, sự cưu mang của nó đã nuôi sống biết bao nhân mạng. Nó nuôi sống chính nó. Nó nuôi sống hầu như cả phần lưu cửu còn lại của dân tộc Việt sau cuộc chiến và những số phận trôi dạt vào những năm mà nền kinh tế Việt khốn quẫn. Phần trầm tích mà chế độ trước còn để lại; ăn xin, vô gia cư, trẻ mồ côi, tâm thần, hút xách, đĩ điếm, con lai, nạn nhân chiến tranh…..Phần những người thương phế binh Việt nam cộng hòa, nay không còn nguồn trợ cấp, tật nguyền , mất sức lao động….Phần những dòng chảy nông dân miền Bắc từ các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An….trôi dạt vào Nam vào những năm mất mùa, đói kém….Phần những người đi kinh tế mới, không chịu nổi cuộc sống khó khăn, đào thoát trở về phố thị, trở thành thứ  vô gia cư, vì nhà cửa đã không còn của mình….Hỏi thử với tất cả  những thành phần này, bao nhiêu con người????

     Ngày nay, với những doanh nhân đeo kính trắng, đầu óc đầy những kiến thức từ Âu Mỹ trở về, đi những chiếc xe hơi bóng lộn, nhức mắt….số vốn hàng triệu đô, có khá nhiều thị phần trong các thị trường khác nhau, liệu có làm được những điều mà “thành phần buôn bán nhỏ lẻ và cái đám chợ trời” ngày ấy, đã và từng làm được cho đất nước này hay không????... Và không chỉ riêng tôi đang mong câu trả lời từ phía quý vị.


Chân dung:

Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn cau trước hè cười đón người về.
Mẹ lần mò, ra trước sân nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ
Ngày trở về, trong bếp vui
Anh nói chuyện nghe, chuyện đời chiến sĩ
Sống say mê, đường xa lắm khi ngưng hồn về quê…..
(Ngày trở về- Phạm Duy)

  Dù đã hơn bốn mươi năm đi qua, tôi còn nhớ khá rõ hình ảnh của hai người đàn ông tật nguyền, hàng ngày vẫn dắt díu nhau đi qua cái chợ và giọng hát u buồn cho một giấc mơ chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Người đi trước cụt cả hai tay đến khuỷu, một con mắt bị mù, một chân được thay thế bằng một khúc gỗ. Đeo bên hông cái loa sắt, trước ngực là cái cà mèn inox của quân đội, nơi chứa đựng tất cả những gì gọi là tình người, của những con người đã bị thời thế vắt quặn đến khánh kiệt, chỉ còn mỗi tấm lòng. Đôi lúc đó là những đồng kẽm, vài tờ giấy bạc, có khi lại là nắm xôi đậu, một trái vú sửa, vài quả chuối cau…..người đi sau, mang theo cây guitar và cũng là ca sĩ chính. Cuộc chiến từ đâu đó xa lắm, không thể hình dung đối với một thằng nhóc như tôi, cũng được mường tượng lại khi nhìn thấy gương mặt bị phỏng cháy, hai hốc mắt đỏ lòm không còn con ngươi đó. Cả hai mặc bộ đồ trận bạc màu; vá chằng, vá đụp và trên đầu là những chiếc bê rê rằn ri tơ tướp. Một sợi dây dừa nối hai sinh linh tật nguyền để tạo thành một sinh thể thống nhất, mang tính bù đắp, tối ưu của thích nghi nhưng không thoát khỏi vẻ dị hình, sự mất định hướng đến vụng về của một phần cơ thể mù lòa được kéo lê phía sau. Nhìn họ di chuyển như hình ảnh một con sâu đo, bị chiếp dép quằn nát khúc giữa, ngúc ngắt vô vọng nhưng trong đó là cả hai thân phận con người và tự thân, chừng như họ cũng đang quằn quại với nỗi đau mưu sinh.

        _ Lại cho chú thương phế binh kia năm chục đi con!

       Là một người suốt đời sống với cái chợ, má tôi thường nói với tôi khi nhìn thấy hai con người thống khổ ấy. Tôi cầm tờ giấy bạc, chạy tới, bỏ vào cái cà mèn và đáp lại, luôn là một tiếng “Cám ơn” nhẹ nhàng, của những con người có tâm hồn thật tử tế.

…….

       Vào những năm 1983, khi trên mặt những tờ báo Quân đội nhân dân mà ba tôi đem về, vơi dòng những dòng tin chiến sự ngắn ngủi về cuộc chiến Biên giới Tây Nam. Những tưởng cuộc chiến đã vào hồi kết. Trong xóm những nhà có con em đi lính, ai cũng nao nao. Nhưng sao lớp đàn anh này chưa về, lớp đàn anh khác vẫn có giấy gọi nhập ngũ. Một bầu không khí nặng trình trịch, từ đầu trên, xuống ngõ dưới….vì ai nấy cũng đều mang nặng một sự mong đợi quá lớn lao. Bình thường thì khác, nhưng khi những mầm mống của hy vọng được gieo vào lòng người lại khác. Những bậu cửa mòn vẹt đi vì số lần những bàn tay bám víu vào nó khá nhiều. Ánh nắng ban chiều không còn mang vẻ gắt gỏng như xưa, nó đùng đục, lòe nhòe, kéo màng.  Những khuôn mặt con người trông già đi, cằn cỗi hơn vì suy nghĩ về người khác nhiều hơn. Nhìn đâu cũng chỉ còn thấy những con mắt. Những con mắt nói lên tất cả…. Cái xóm nhỏ như bị vắt kiệt, khô tóp lại vì hy vọng. Lần đầu tiên tôi mới cám nhận được nỗi buồn chiến tranh nhìn từ góc độ hậu phương. Dù cái loa phường vẫn ra rả những khẩu hiệu khích động tinh thần quen thuộc, nhưng bây giờ, nó chẳng tác động vào con người mấy tí.

    Rồi cũng có người về…Lác đác. Khuôn mặt hốc hác, nước da đen sạm. Cái mũ nồi Polpot, bộ đồ vải Tô Châu, màu áo rằn ri lính Xê rây ka…lạ lẫm. Những thanh niên trở về mang theo một mầm bệnh lạ từ chiến tranh. Một cái gì đó đã làm thay đổi một phần hay hoàn toàn con người họ theo một chiều hướng, mà những kẻ ở hậu phương không thể biết đến. Tùy thời điểm, mầm bệnh có thể phát tác ngay hoặc tiềm ẩn, chờ đợi một cơ hội. Một thứ ung nhọt về tinh thần đã kết tụ, lớn lên trong những năm tháng chiến tranh, ức chế ….mà tự thân con người  không thể nào giải tỏa. Cạnh tranh  với một hoàn cảnh sống khác , nó quẫy lộn, dằn vặt họ từ nội tâm. Trạng thái tâm lý của họ rất khác nhau, đôi lúc họ trầm tư, tự kỷ, sắt đá ….đôi lúc họ nói nhiều, rất nhiều …nhưng không ai hiểu được họ nói gì. Nó làm họ trở nên khó gần, tính khí kỳ quặc và bất bình thường. Không chỉ những kẻ bên ngoài , mà cả những người trong gia đình cũng hoàn toàn xa lánh. Thời gian dần trôi, có những người thích nghi được với cuộc sống hiện tại và hoàn toàn khỏi bệnh, nhưng ngược lại, có kẻ nặng nề, trầm kha hơn…. “_ Đ. Má! Cây 12 ly bảy, nó đặt ác quá. Không cách nào vô được. Thằng trinh sát vô gục. Thằng B.40 vô cũng gục luôn. Hai ngày sau, cối 60 mới tới. Tụi nó chạy hết. Kéo xác hai thằng ra; giòi con nào, con nấy bằng ngón tay….” Anh Hiện_ Lính vận tải 78,  mỗi sáng, tay cầm chai rượu đi thất thểu, miệng lảm nhảm một mình ngoài đường.

      Người ta thường viện muôn vàn lý do có thể hình dung được để nói về những người này; “ Thằng đó bị miểng cối trúng dây thần kinh”, “ Thằng lúc nhảy xuống, đầu bị táng vô bửng xe M.113”…..Ít ai chịu suy nghĩ sâu hơn và có chuyên môn hơn….

    Nhưng có một số người hiểu họ, gần gũi họ, định hướng họ trở lại cuộc sống thường ngày. Trong xóm, ông Sáu là một trong số ít ỏi nhũng con người đó. Thương phế binh Việt nam cộng hòa, ông thượng sĩ già một chân này ngày ngày vẫn chạy chiếc xích lô để đưa mấy mợ bán cá từ bãi lên chợ, bằng cái chân gỗ ép , để kiếm sống, nuôi đàn con tám đứa lóc nhóc. Bà vợ, người đàn bà người Huế béo ục ịch, sáng nào cũng làm một nồi bún bò to tướng trước cổng ủy ban phường. Đứa con trai lớn của ông đi lính đang chiến đấu bên K.

      Đầu xóm có anh thương binh cũng từ K về, cụt hai chân tới háng. Anh này vừa có vợ và chị vợ đang mang bầu, làm đâu trên hợp tác xã mua bán. Trước nhà anh mở cái quán nhỏ sửa chửa, vá lốp mấy chiếc xích lô, xe đạp của người qua đường. Anh khoảng hai mấy, tướng tá trông rất thư sinh, khuôn mặt điển trai, đặc biệt là làm thơ và đánh cờ tướng rất giỏi…..nhưng tiếc….chiến tranh tàn độc quá. Nó không những ngắt đi một phần thân thể đầy sinh lực của một thế hệ mà còn hủy hoại cả sự tinh anh của những tinh hoa. Anh cũng thuộc thành phần não trạng có vấn đề!

     Cứ năm ngày lại có một bữa, chị vợ người  bầm tím, đầu tóc rối nùi, nước mắt ròng ròng trên má….chạy khắp đầu trên, ngõ dưới; miệng tức tưởi la:

    _ Bớ bà con….bà con ơi! Ảnh đánh tui…ảnh đánh tui!

   Hàng xóm láng giềng nghe chuyện, rần rần chạy tới, xúm nhau can ngăn, câu chuyện mới dịu dần xuống. Chỉ tội chị vợ buổi tối phải xách mùng mềm, chiếu gối đi tìm một nhà hàng xóm nào đó, để ngủ nhờ. Má tôi chứng kiến, tắc lưỡi:

  _ Thằng khùng, ai biểu lấy nó làm chi!....

 Trong một lần đem chiếc xe đạp đi vá, tôi tình cờ  ngồi nghe câu chuyện của hai người đàn ông tàn phế, đang trãi lòng với nhau.

   _ Con bị ở đâu? Ông Sáu hỏi.

  _ Dạ Pretvihia….Người thương binh đang thoa keo lên cái ruột xe xích lô của ông Sáu, trả lời.

 _  Còn chú?

  _ Qua bị ở Quảng Đức…. Pháo kích.

  _ Con bị mìn.

  _ Bên đó đánh đấm sao?

  _ Tụi nó trốn trong dân. Cũng đặt mìn, gài lựu đạn…mình dính hoài!

  _ Cũng giống mấy ông cộng sản lúc trước phải không. Cối , B. 40 treo trên cây đi qua gạt rớt đúng không?

  _ Dạ , cũng y chang!

  _ Thằng con lớn của qua đang ở bên đó.

  _ Dậy hả Chú. Nó  ở chỗ nào?

  _  Đâu ở   Stungtreng. Lâu rồi nó không viết thư. Ông trầm ngâm_ Đánh nhau, lính tráng….Thanh niên sống ở chế độ nào cũng phải theo chế độ nấy thôi!... Trốn chui, trốn lủi hoài đâu được. Rồi vô cuộc…giáp trận, mình không bắn nó, nó bắn mình.

  _ Dạ….

  _ Mất chân, mất cẳng nhưng sống sót về là may mắn rồi….nhiều người nằm lại , tới hình hài  hổng còn chút gì. Tan nát trong bụi đất hết.

   _ Dạ….

   _ Giờ về….chí thú làm ăn. Quên hết đi con…..Nợ nần non sông coi như trả xong .

  _ Dạ…

Không gian có chiều yên lặng. Rồi ông bỗng bật cười lớn:

_ Vậy mà hồi bữa, mấy thằng du kích loi choi, nó nói qua còn nợ máu nhân dân….

    Anh thương binh cụt hai chân cũng  cười:

 _ Máu me gì nữa, chú ơi!. Tụi con cũng con cháu cái đám ngụy quân, ngụy quyền chớ đâu. Nợ nần cha ông, thế hệ tụi con cũng trả sạch sẽ rồi!

_  Thằng này nói chuyện qua nghe được à!.....Thôi cứ vậy mà sống! ….À mà đừng có đánh con vợ mày nữa nghe! Nói xong ông lê cái chân gỗ lộp cộp; bước thấp, bước cao về chiếc xích lô vừa mới sửa xong.

    ……

     Dạo sau này, vào khoảng năm 93, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Thủy sản, không có việc làm, tôi quay ra chạy xích lô ban đêm kiếm sống. Cái ngã sáu trước chợ Đầm Nha Trang là cái địa điểm lý tưởng để đón những người khách bộ hành từ khu vực phía trong như khu chung cư, bến xe ngựa, Xương huân….để đi ra bến xe hoặc ga tàu. Ngoài ra còn có những người đàn bà đi chợ sớm cho việc cúng lễ, giỗ quãy. Những khách mối cho việc lấy hàng , rồi phân phối cho những chợ nhỏ, phụ lưu. Tại đây tôi có gia nhập vào tổ xích lô 3 người. Tuy tuổi tác khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng chúng tôi cùng chia sẻ miếng cơm, manh áo từ những cuốc xe, khá là dễ chịu. Thông thường tôi là thằng thanh niên khỏe nhất và nhỏ tuổi nhất trong đám, nên luôn nhường nhịn cho mấy người kia chạy trước. Đôi lúc tôi cũng vấp phải những lời cự nự:

    _ Mày cứ nhường cho tụi tao hoài, lấy tiền đâu mà nuôi gia đình mậy?

     Tôi thường giã lã cho qua chuyện:

   _ Em mới ăn xong, đạp xóc hông…Mấy anh chạy trước đi!

    Thực ra tôi cũng thật ái ngại khi nhìn thấy những thân người tàn phế đã cung hiến một phần thân thể mình cho đất Mẹ, dù cho lý tưởng của họ là gì, nhưng cũng thật đáng tôn vinh, nay phải còm cõi với ghánh nặng gia đình, lọc cọc trên những phương tiện thô sơ vào bậc nhất thế giới, lặn lội mưu sinh. Nhìn cái dáng người lệch hẳn một bên, với chiếc chân gỗ, xiêu vẹo như chực đổ, rồi lại rướn lên, làm một vòng tròn mới ….Con đường thăm thẳm , trống vắng dưới ánh đèn vàng, đầy hạt mưa bụi, những chiếc lá vàng mùa thu lả tả và chiếc bóng khập khểnh, cô độc , vắt ngang  ……những dãy phố đứng im lìm….. Ai thấy mà không se lòng!

     Người thứ nhất là trung sĩ nhất, trung đoàn 47, sư đoàn 22 bộ binh, mất một chân tại Tuy Hòa, Phú Yên năm 1974

    Người thứ hai binh nhì, sư 2 cũng mất một chân trong một cuộc hành quân tiểu phỉ ở Tây Nguyên năm 1985.

   …..

        Độ khoảng năm 2000 trở về sau, ta có thể ít bắt gặp hình ảnh của người thương phế binh Việt Nam cộng hòa trong cuộc sống đời thường. Có thể họ đã khá luống tuổi, rút lui khỏi bề nổi của những sinh hoạt xã hội. Có thể trong sự đổi mới, kinh tế khá dần lên và thế hệ con cái đã lớn, họ không muốn cha anh mình tiếp tục với nghiệp kiếm sống cơ cực. Một vài chính sách cứng rắn của chính quyền, đã quét họ khỏi mảnh đất sống truyền thống, khiến họ phải chuyển sang những nghề khác để tiếp tục tồn tại… Tuy vậy vẫn còn rãi rác đâu đó, ở những tỉnh lị ven đô  miền Nam là những mái đầu nhuốm bạc, những thân hình tàn phế bị bào mòn bởi chiến tranh và cả thời gian, trên chiếc xe lăn, dưới cái nắng gắt gỏng…trên tay là tập vé số, giọng nói khản đặc vì lời mời chào….Trong những trường hợp đó, tôi thường dừng xe, mua vài tờ vé số ủng hộ…và luôn là tiếng cám ơn, như một âm giọng vọng lại từ một thời đã qua, của những tâm hồn thật tử tế!

   
Tương lai thật xa vợi và có thể bị quên lãng:
    Nếu giờ đây ai có đặt câu hỏi” _ Liệu tương lai của những người thương phế binh Việt Nam cộng Hòa sẽ ra sao?” Chắc tôi cũng sẽ ngồi cười trừ và gãi đầu, vì bạn đã đẩy tôi vào một tình thế thật lúng túng. Tôi không phải là một nhà nghiên cứu đúng nghĩa có chuyên môn về các thành phần xã hội và đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết một vấn đề. Tôi chỉ là một người ghi chép lại những hình ảnh về những con người bất hạnh thuộc một thành phần, mà trãi qua những biến cố lớn của lịch sử, họ trở thành những nạn nhân bắc đắc dĩ. Tồn tại trong sự bỏ rơi và quên lãng, gắng gượng đi nốt những cung đoạn cuối của cuộc đời.

     Tôi cũng tự hỏi  chính mình “_ Liệu với lứa tuổi 60 trở lên ( 1975, 18 tuổi; hiện nay 2017) người ta sẽ làm được gì?

       Ở xã hội Việt nam hiện tại, vẫn chưa có một chính sách nào trên danh định về việc giúp đỡ hay tạo điều kiện làm ăn cho những người thương phế binh thuộc chế độ trước. Dù vậy vẫn có một số chính sách song hành như xóa đói giảm nghèo (Dù đã được tuyên truyền khá nhiều, nhưng qua một số cuộc tiếp xúc, một số người dân vẫn ngại tiếp xúc với nguồn vốn này) , những người trên tám mươi tuổi được hưởng bảo hiểm y tế và một số chính sách hỗ trợ không phổ quát khác. Tôi gọi đó sự không phổ quát vì điều đó bao gồm hàm ý, không biết thành phần mà tôi đang nói đến có được hưởng lợi từ nó hay không? Có thể những vấn đề trên cũng tạo được một cái nhìn tốt cho sự quan tâm của chính quyền, ngoại trừ những hoàn cảnh đặc biệt như bán thân bất toại cần người chăm sóc, hoặc neo đơn chẳng hạn….Nhưng trên hết họ vẫn được xem là nhân dân và có đủ các quyền lợi của một công dân. 

   Những hợp tác xã, những hiệp hội, đoàn thể của những người tàn tật cũng tạo được một số công ăn, việc làm nuôi sống những con người này. Ngoài ra, đó cũng là mục tiêu nhắm đến của các tổ chức từ thiện do những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước. Có thể số tiền hoặc quà trị giá không lớn, nhưng nó cũng giúp những con người tàn phế ấy vượt qua những giai đoạn khó khăn và thể hiện một tấm lòng. Tự tôi nghĩ, thực ra cũng không thiếu những con người muốn giúp đỡ một cách chính danh, nhưng họ cũng ngại động chạm đến những vấn đề nhạy cảm. Điều này, cũng rất mong mỏi một sự cởi mở của chính quyền. Đã hơn nửa thế kỷ, tiếng súng lắng im trên đất nước này, nhưng vẫn còn những phận người rất cần sự giúp đỡ.

      Vào khoảng năm 1998,  ba tôi , một cựu quân nhân quân lực Việt nam công hòa, bị chứng đột quỵ, khá đột ngột. Kinh tế gia đình tụt dốc đáng sợ, phần lo thuốc thang, phần phải có người nghỉ việc để chăm sóc riêng. Chỉ vài tháng sau khi ngã bệnh, sự túng bấn đã ập đến, vơ vét dần những thứ có thể bán được như chiếc hon da, cái máy may….Cho đến nửa năm sau, ông ngồi dậy được, dù vẫn liệt một nửa thân người thì cái nhà đã trở nên trống trơn, không còn gì để bán, lúc đó tôi đang làm cho một công ty đóng tàu Hàn quốc. Số tiền lương của tôi hàng tháng được dùng để chi trả cho thuốc men cho ông và sinh hoạt của gia đình. Nhìn ông đi lại khó khăn, tôi vẫn ước mơ một chiếc xe lăn làm phương tiện cho di chuyển. Một người lớn tuổi có cho tôi địa chỉ một hội bảo trợ Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa có trụ sở ở California (Hoa Kỳ) , bảo tôi nên viết thư cho họ. Tôi đã viết hai lá thư và chờ đợi…nhưng không thấy hồi âm.  Bị đột quỵ lần hai, ba tôi lâm vào cuộc sống thực vật. Nửa năm với cuộc sống không lí trí, ông ra đi. Riêng tôi, đôi lúc tôi vẫn còn mơ thấy ông với chiếc xe lăn và vẫn chờ đợi….

       Gần đây, tôi có xem trên Youtube và được biết số điện thoại cũng như địa chỉ của hội cứu trợ Thương phế binh và quả phụ Việt Nam Cộng Hòa tại hải ngoại. Tôi xin ghi ra đây, để ai thấy cần thiết, xin liên hệ trực tiếp. Hy vọng ngày nay với những phương tiện truyền thông hiên đại như Internet, điiện thoại di động. Những điều mong mỏi của quý vị sẽ được đáp ứng đầy đủ và nhanh chóng hơn.

Hội HO cứu trợ Thương phế binh và quả phụ Việt Nam Cộng Hòa (Disable Veterans and Widows relief Association)
Địa chỉ/ Address: P.O Box 25554 , Santa Ana, CA, 72799, USA.
Điện thoại: (714) 837-5998, (714) 842-7656, (714) 788-4753, (714) 371-7967, (714) 702-4725
Email: HHOTPBQPVNCH@gmail.com
Website: http://www.camonanhtb.com

       Một sự kiện khá mới mẻ, cũng đáng được ghi nhận là bản dự thảo SJR5 của Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn, yêu cầu chính quyền liên bang lại lập chương trình tái định cư vì lí do nhân đạo và chương trình ra đi có trật tự, cho phép hơn 500 hồ sơ sĩ quan thương phế binh  Việt Nam cộng hòa cùng gia đình  định cư tại Hoa Kỳ , đang được xem xét  tại quốc hội liên bang….Trong khuôn khổ còn đang nghiên cứu, nhưng nó được đánh giá là một nỗ lực lớn của cộng đồng Việt tại hải ngoại trong việc cứu vãn phần nào còn lại cuộc đời những con người cùng thời nhưng đã chịu quá nhiều bất hạnh.

     Vài lời cho thế hệ trẻ:

       Phải nói rằng thời đại mà chúng ta đang đứng là một sự chênh vênh đáng sợ của tình người và sự cảm thông. Ngày công sở tám tiếng, tối về giải tỏa những ức chế bằng những sự kiện xã hội  mang tính thu nạp kiến thức nhiều hơn mổ xẻ vấn đề , (đó là chưa nói đến viếc phẩu thuật bằng phương tiện gì, ai trang bị nó cho chúng ta) và tương tác với những tác nhân văn hóa thuần túy giải trí. Và  điều đó làm cho chúng ta nghèo dần về mặt tình cảm. Điều này chúng ta có thể quy chụp cho một xã hội công nghiệp và một số lý do mà chúng ta không tiện nói ở đây.

     Giả sử, sống trong cuộc sống của các bạn, ở thế kỷ 21, tôi cũng thực hiện những bước mà các bạn đã làm. Đầu tiên, phải kiếm một công việc. Cái mà chúng ta phải biết, là cám ơn thời đại Internet và người phát minh ra nó. Bạn không  cần phải chạy đôn, chạy đáo;  lòng vòng cách xa khu vực bạn ở 5,7 cây số hoặc ½ vòng trái đất, tại những khu công nghiệp hoặc các nhà máy để tìm một bảng cáo thị cần người. Một cái smart phone, một cái máy tính bảng hoặc một cái máy tính để bàn là đủ để thực hiện công việc này rồi. Việc cần làm tiếp theo là lướt web. Tìm kiếm những trang tìm việc của các công ty môi giới công việc trong và ngoài nước. Vietnam work, Career link, Tìm việc nhanh, Lina Job…vv. Thực tế, trong đó cũng khá nhiều công việc phù hợp với trình độ kiến thức, lứa tuổi, sức khỏe…

     _ Tốt nghiệp thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, phổ thông trung học ( Cùng lắm lớp 9)

    _ Có tay nghề, kinh nghiệm bao năm????

   _ Sức khỏe tốt, phù hợp với công việc…( Không dị hình, dị dạng đối với một số ngành nghề)

     Bạn lựa chọn được một số công ty, có cùng tiêu chí tuyển dụng. Với mẫu đơn có sẵn , bản cần ghi đầy đủ vào đó theo hướng dẫn….và cuối cùng, gấp máy lạ. Ngồi đợi phỏng vấn.

     Được gọi phỏng vấn là đã vượt đến 3/4 đoạn đường nhưng chưa hẳn. May mắn chưa mỉm cười với bạn.

   Ít nhất cũng phải đến lần thứ tư, thứ năm gấp máy, khi bạn cảm nhận rằng cái việc đi xin việc với một người đầy đủ tiêu chuẩn sức khỏe và có học vấn như bạn là khó khăn như thế nào, họa may một cánh cửa hé mở ra cho bạn!....Đó là nói đến việc những người có tay chân đầy đủ, sinh lực tàn trề của một thanh niên với khát vọng cống hiến như bạn.

  Bạn thật may mắn!

     Tôi đã mở máy và gấp lại cả trăm lần, để đi tìm một vận may cho những kẻ không may. Cũng trên những trang web đó,  một công việc, vài tiêu chí thích hợp cho những con người mà tôi đã nói đến ở đầu bài. Tỉ lệ bao nhiêu, bạn biết không?..... Vô vọng!  Với những con người hiện nay đã vào tuổi sáu mươi hoặc hơn, chiến tranh lấy đi một phần cơ thể, hầu như mất sức lao động hoàn toàn, với trình độ học vấn lớp 3 , lớp 4 đến tú tài, sống hoàn toàn không có một nguồn trợ cấp…..

   Với sự may mắn hôm nay của thế hệ các bạn, bạn đã bỏ lại phía sau những gì , bạn biết không?

……

     Đoạn kết:

      Thỉnh thoảng rỗi việc, tôi vẫn hay phóng xe loang quanh, đi tìm một tiếng cám ơn như lời tri ân từ một câu chuyện xưa cũ, nhưng càng lúc càng hiếm gặp những con người đó. Gần đây,  trên chuyến xe buýt  từ Thủ Đức lên Ngã tư An Sương, tôi có gặp một người đàn ông tàn phế bán vé số dạo. Nhưng sau khi hỏi han, tôi biết anh không phải là một thương phế binh, anh là một nạn nhân chiến tranh, quê ở Long An. Tai nạn xảy ra khi anh mới 15 tuổi, trong một buổi phát bụi trồng mì, anh va phải một đầu đạn M.79 chưa nổ. Anh bị mất hai cánh tay, mù một con mắt, khuôn mặt như biến dạng hoàn toàn….

     Theo số liệu thống kê không chính thức của hội HO cứu trợ Thương phế binh và quả phụ Việt nam Cộng Hòa, hiện có khoảng hơn 500 sĩ quan và 15,000 hạ sĩ quan cũng như binh sĩ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa hiện đang còn sinh sống tại miền nam Việt Nam.

 ……

Người quê còn nhớ người chăng
Vì ai vào chốn tử sinh
Chiến trường quên, quên mình
Người về có nhớ thương mình!
( Nhớ người thương binh _ Phạm Duy /1947 )   

 

                                                                            

Nha Trang, 31 tháng 10 năm 2017          
Vũ Khuê

                                                                                                                        

 

  

     

   

       

       

       

 

 

                                               

   

   

      

   

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 6387)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 11636)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 1045)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 487)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi
02 Tháng Chín 20242:11 SA(Xem: 977)
Tôi biết chị Hoàng Thị Bích Hà qua một cuộc gặp gỡ giao lưu giới thiệu sách song ngữ "Nhịp Điệu Việt." Từ lần đầu tiên gặp gỡ đó, giữa chúng tôi đã nảy sinh một sự kết nối đặc biệt. Chị Hà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi không chỉ bởi vẻ hiền dịu, mà còn bởi sự sắc sảo và tinh tế trong từng bài viết của chị. Mỗi tác phẩm của chị đều thể hiện một sự chu đáo, cẩn trọng và đầy tâm huyết. Hoàng Thị Bích Hà là một tác giả đầy nhiệt tâm với một gia tài văn chương đáng nể. Chị đã xuất bản 16 tác phẩm gồm 4 cuốn bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn và tùy bút, cùng 10 tập thơ. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều tuyển văn và thơ, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học trong và ngoài nước. Trong tập truyện "Bông Cúc Xanh," chị Hà một lần nữa cho chúng ta thấy khả năng văn chương của mình qua những câu chuyện ngắn đầy sâu lắng và ý nghĩa. (Võ Thị Như Mai )
01 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 1344)
LỜI TÁC GIẢ- Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024, đài phát thanh Radio del Poeta CALIDOSCOPIO - Musica y Poesia del Mundo (Âm Nhạc Và Thi Ca Thế Giới) - giới thiệu Thơ của Nguyễn Chí Trung trong chương trình phát sóng từ Mexico và Argentina (tại Tây Ban Nha và Ý vào ngày hôm sau, Chủ Nhật 20.08). Nữ thi sĩ Ana Maria Garrido, giám đốc nghệ thuật của chương trình, đọc một tác phẩm Thơ của NCT, tựa đề là Tam Ca "RỪNG - LÁ - CÂY" :
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 1267)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 1253)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên
31 Tháng Tám 202411:01 CH(Xem: 1169)
Những bài thơ dưới đây được dịch ra tiếng Việt từ cuốn ”100 Poems from the Japanese” của thi sĩ/dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều bản chất tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng.
31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 1152)
Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ. / Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).