- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TÁC GIẢ, VỚI CHÚNG TA : Họa sĩ / nhà văn KHÁNH TRƯỜNG

11 Tháng Chín 201711:18 CH(Xem: 31293)

21558597_1318041498318186_4820371625156763122_n
Họa sĩ / nhà văn KHÁNH TRƯỜNG



“Giá trị một con người không ở cái chân lý mà người ấy có hay tưởng có, mà ở cái công sức người ấy đã bỏ ra để tìm kiếm nó.
(Nguyễn Hữu Đang trong cuốn Trần Dần-ghi 1954-1960, xb Td mémoire, Paris 2001 trg 461.)

Trở về thành phố tuyết sau chuyến đi xa. Tháng chín, trời sửa soạn vào thu. Được tin họa sĩ / nhà văn Khánh Trường ngã bệnh, rất muốn bỏ thành phố nơi mình ở để đến thăm ông dù chưa bao giờ biết mặt, nhưng công việc làm không cho phép tôi tiếp tục thêm cuộc hành trình nào nữa trong những ngày kế tiếp. Và tôi chỉ còn cách nhìn Khánh Trường qua Kim Thi, với hi vọng tìm được sự thật về một nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam như Trần Đạo đã viết: “Tạo ra một diễn đàn trong đó mọi nhà văn Giao Chỉ, bất kể hình hài ít nhiều dị hợm của nó trong thế kỷ 20, đều có tiếng nói, đâu phải chuyện chơi. Ông là người làm được điều đó. Nội chuyện đó thôi, ông sẽ lưu danh trong lịch sử văn học Việt Nam trong thế kỷ.”

Bạn có thể đồng ý, có thể không đồng ý, khi đọc những dòng chữ trên. Không quan trọng. Với tôi, điều quan trọng là họa sĩ Khánh Trường có chấp nhận mở cánh cửa thêm một lần nữa - trong những ngày ông dưỡng bệnh - để chúng ta có thể hiểu thêm về nhân vật đặc biệt này hay không.

Nếu thành công, không phải do bản thân tôi làm được. Mà chính là họa sĩ nhà văn Khánh Trường và các bạn đã giúp tôi cố gắng hoàn thành công việc phỏng vấn bằng hình thức chấp nhận nó. Yêu thích nó. Như yêu thích một bài tình ca nào đó trong ngày Lễ Thánh Tình Yêu.

mười bốn tháng hai năm hai ngàn không trăm lẻ ba (14-2-2003)
LÊ QUỲNH MAI thực hiện*


LÊ QUỲNH MAI: - Có hai ý kiến đánh giá thành quả của Hợp Lưu qua mười hai năm hiện diện trên văn đàn:
a/ Thành công giao lưu và thất bại của sáng tác
b/ Thất bại trong cả hai lãnh vực
Với tư cách là chủ biên Hợp Lưu, xin ông cho biết quan điểm của mình?
KHÁNH TRƯỜNG: - Tôi, trước tiên là một nghệ sĩ. Vẽ tranh, làm thơ, viết văn, làm báo... Mọi công việc tôi đã làm, đang làm, và sẽ còn làm, đều xuất phát từ một động cơ duy nhất: tôi thích. Hình như trong một bài phỏng vấn tôi có nói đại ý, còn thích, còn làm; hết thích, tôi sẽ cút đi chỗ khác chơi. Hợp Lưu được khai sinh trong tâm cảnh ấy. Ngày nay, sau hơn 13 năm, tôi vẫn nghĩ thế và chắc chắn sẽ còn nghĩ thế cho đến ngày tôi hoặc Hợp Lưu không còn tồn tại trên cõi nhân sinh này. Buổi ấy (chữ của thi sĩ Thường Quán), vừa đặt chân lên đất Mỹ sau 10 năm sống dưới chế độ mới và sau những ngày vượt biển gian nan, tôi rơi ngay vào một cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại với tất cả những thái quá trong mọi sinh hoạt. Chống Cộng là một trong nhiều sinh hoạt thái quá ấy, thái quá đến độ - dưới mắt một tên cựu quân nhân nhảy dù - trở thành rẻ tiền, ngu xuẩn, phản tác dụng. Theo quan niệm chống Cộng của thành phần này thì bất cứ cái gì xuất phát từ Việt Nam nội địa, chúng ta đều phải “nhất trí” loại trừ. Chả hạn, làm gì có văn học nghệ thuật thực sự trong chế độ Cộng sản. Tất cả chỉ là pano, khẩu hiệu tuyên truyền, nhằm mị dân và tô hồng chế độ. Tôi sống 10 năm trong môi trường Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tai đã nghe, mắt đã nhìn và đọc khá nhiều, quả thực, dưới chế độ ấy tự do ngôn luận, tự do sáng tạo bị giới hạn. Nhưng không phải vì thế không có những thành tựu đáng ca ngợi. Tôi đủ tỉnh táo nhận ra, giữa mênh mông cát sạn, vẫn lấp lánh những hạt vàng. Văn học nghệ thuật đích thực, bằng nhiều cách, vẫn có thể nẩy lộc đâm chồi. Đất đai càng khắc nghiệt càng sản sinh những kỳ hoa dị thảo hiếm quí. Trường hợp này gần như qui luật ở mọi nơi, mọi thời. Chức năng lớn nhất của một nghệ sĩ đích thực là biết phân biệt được chân giả. Biết, để loại trừ cái cần loại trừ, nuôi dưỡng cái cần nuôi dưỡng. Dù tài năng hữu hạn, nhưng, cả đời, tôi mong được làm một nghệ sĩ đích thực, sống, suy nghĩ và hành động như một nghệ sĩ đích thực. Hợp Lưu khai sinh nhằm mục đích tạo ra một diễn đàn hầu thực hiện ước mơ kia, ước mơ phát hiện, bảo tồn, triển khai cái đẹp, không riêng gì của Việt Nam chúng ta, mà rộng hơn, của cả nhân loại. Con đường này có thể xem như một thứ “đường đi không đến”, đã có đó, đang có đó và sẽ còn có đó ngày nào còn con người trên mặt đất này, cho nên dùng thước đo của giai đoạn để đánh giá “thành công” hay “thất bại” công việc Hợp Lưu đang theo đuổi, tôi e rằng có vẻ khiên cưỡng quá chăng? Từ lúc loài người thoát khỏi đời sống hang động, tiến hóa dần đến xã hội văn minh ngày nay, nỗ lực tuyên dương và triển khai cái đẹp vẫn luôn luôn là nỗ lực lớn nhất loài người muốn vươn đến. Chúng ta đã đến chưa? Đâu là đích đến chung cuộc?

Tóm lại, tôi không quan tâm đến thành công hay thất bại của Hợp Lưu trong giao lưu cũng như trong sáng tác. Công việc này là nỗ lực tự thân của mỗi nghệ sĩ. Nghĩa nào đó, công việc này không bao giờ có điểm đến. Chính vì thế, nó luôn luôn là một quyến rũ, một thôi thúc lên đường. Hợp Lưu đã lên đường, đang trên đường. 13 năm của Hợp Lưu nếu so với dòng chảy bất tận của văn học Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, thật, chả khác gì một hạt cát nhỏ nhoi giữa mênh mông sa mạc.

- Hợp Lưu đồng nghĩa với Khánh Trường. Khi quyết định giao lại cho người khác, ông có nghĩ rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến một số độc giả và tác giả không? Vì như Philippe Moreau Defarges đã viết “Một cánh bướm vỗ lôi kéo theo nhiều hiện tượng, hậu quả có thể gây nên một cơn bão cách đó hàng ngàn cây số.

- Xin lỗi, cái cánh bướm của nhà ông Philippe Moreau Defarges vỗ có thể tạo nên những cơn bão hay không là chuyện... biến hóa khôn lường của chữ nghĩa và triết lý, xét cho cùng, đem áp dụng vào sự hưng vong của một tạp chí, tôi có cảm tưởng nó khập khễnh thế nào ấy. Hợp Lưu đã tồn tại 12 năm, hướng đi của Hợp Lưu đã rõ nét và định hình, dù có tôi hay không thì sinh mệnh của nó cũng không thay đổi bao nhiêu. Ngày nay, văn hữu cộng tác với Hợp Lưu là vì tờ báo, chả phải vì tôi. Tôi, hay ai khác, ảnh hưởng rất giới hạn đến Hợp Lưu. Giống như một người đã bước vào tuổi trưởng thành, hắn tự lập thân, không còn bị chi phối nhiều bởi những người đã khai sinh ra hắn.

- Nếu được yêu cầu, ông có bằng lòng ký vào “Hiến Chương Nhân bản 2000 -Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân bản Toàn cầu Mới” không?

- Như đã nói, tôi là một nghệ sĩ, kẻ luôn ước mơ được đứng về phía cái đẹp, cái thiện. Hiến chương nhân bản 2000 nhân danh điều thiện, tất nhiên sẽ là một vinh hạnh cho tôi nếu được yêu cầu tham gia.

- Là một nhà văn hóa, ông nghĩ gì về nhận định của Philippe Papin khi cho rằng cuộc cách mạng loại bỏ chữ Hán trong văn tự “đã gây tổn hại lớn cho di sản văn hóa Việt Nam và là một sự mất mát khó lường”.

- Một nhà văn hóa! Cô dùng chữ nghe khiếp quá!

Tôi, xin được nhắc lại, trước sau chỉ là một nghệ sĩ, mọi việc tôi làm được dẫn dắt bởi cảm tính nhiều hơn bởi so đo hơn thiệt của lý trí. Câu hỏi của cô liên quan đến văn hóa, một phạm trù vượt ngoài khả năng hiểu biết của tôi. Để giải mã phạm trù này, tất yếu phải dùng đến lý trí và sự thấu đáo về nhân chủng học, một lĩnh vực tôi hoàn toàn mù tịt. Tại sao ngôn ngữ Việt có nhiều Hán tự? Đâu là cội nguồn dân tộc? Phải chăng Việt Nam là một nhánh nhỏ bứt ra từ mẫu quốc Tàu trôi dạt xuống phương Nam? Tôi từng đọc luận cứ này, cũng như từng đọc nhiều luận cứ khác chứng minh một cách đầy tính thuyết phục về nguồn cội giống nòi. Nhưng xin thú thực với cô, càng đọc tôi càng rối mù, chả hiểu đâu là chân, giả. Thôi thì, để trả lời câu hỏi của cô, tôi lại đành vịn vào cảm tính vậy.

Chúng ta đều hiểu ngôn ngữ Việt, nhất là ngôn ngữ viết, hình thành phần lớn dựa trên chữ Hán. Nếu loại bỏ chữ Hán ra khỏi văn tự Việt, tất nhiên chúng ta thật khó - nếu không muốn nói vô phương - có được cái gọi là “di sản văn hóa”. Thứ chữ của ngày trước, sau chữ Hán, là chữ Nôm, loại chữ Nguyễn Du đã dùng để viết Truyện Kiều, được ông cha ta cho là của người Việt, thực chất, chỉ là một thứ văn tự lai tạp, dùng các bộ tự của chữ Hán xào nấu lại.

Nếu lội ngược dòng lịch sử, chúng ta không thể phủ nhận một sự thực đau lòng là trong quá trình hình thành dân tộc, ta đã chịu sự đô hộ của Tàu ngót 1000 năm. 1000 năm! Thời gian đủ dài để một nhúm dân, vốn chỉ nhỏ bằng một thôn, làng của “đại quốc”, phôi phai dần bản sắc thuần túy của mình, để tan nhòa vào bản sắc của kẻ thống trị. Ngôn ngữ, thứ ký hiệu dùng để giao tiếp, qua đối thoại hàng ngày với nhau, và qua văn tự, giấy tờ, thi phú, kinh điển kẻ bị trị là ta phải tiếp cận triền miên ngót 1000 năm, trải dài hàng mấy mươi thế hệ người, nếu không bị đồng hóa, mới là chuyện lạ. Hãy nhìn hai quốc gia Chân Lạp, Chiêm Thành, chỉ sau vài trăm năm, ngày nay chỉ còn lèo tèo vài chục nghìn người lai tạp, sống lẫn lộn với người Việt, sử dụng ngôn ngữ Việt ở các tỉnh miền Trung, miền Nam, kể từ cuộc Nam tiến của các vua chúa Việt dấy khởi, để thấy rõ sức đồng hóa khủng khiếp của kẻ xâm lăng. Vậy, điều Philippe Papin nhận định, theo tôi, không phải vô căn cứ.

Tuy nhiên, nếu hiểu văn tự là một loại ký hiệu dùng để ghi chép, lưu giữ phần hồn, phần tinh hoa của một giống nòi thì cái mà Philippe Papin gọi là “di sản văn hóa Việt” vẫn còn đó, không mảy may thương tổn. Chưa kể, chữ Hán sẽ không còn là chữ Hán nữa khi chúng đã được (hoặc bị) Việt hóa, nhất là từ lúc chữ quốc ngữ ra đời, ký âm bằng dạng tự La Tinh. Chối bỏ chữ Hán trong văn tự Việt, theo tôi, là một cách tự bần cùng hóa bản thân, bắt nguồn từ mặc cảm tự ti biến thành tự tôn vô lối. Lịch sử nhân loại từng chứng minh, các nền văn minh vẫn hỗ tương, ảnh hưởng lẫn nhau, có khi kẻ thống trị đồng hóa kẻ bị trị, có lúc chính kẻ bị trị làm phôi phai bản sắc của kẻ thống trị.

Trở lại vấn đề, cái gọi là loại bỏ chữ Hán trong văn tự Việt, hẳn cô cũng đồng ý với tôi, là chuyện bất khả thi. Thời gian đầu khi miền Nam Việt Nam đổi chủ, người ta đã hô hào, phát động một chiến dịch qui mô, nhằm loại bỏ chữ Hán ra khỏi ngôn ngữ Việt. Kết quả, lắm chuyện cười ra nước mắt. Một lần đi ngang ngã tư Hai Bà Trưng, Hồng Thập Tự (tên đường của Sàigòn trước và sau 75 một thời gian ngắn), tôi đã sững người trước tấm biển nhỏ, gắn ngoài cửa một phòng vệ sinh công cộng: Phòng đái, ỉa. Cũng vào thời kỳ đó, vô số những “Hán tự” được thuần Việt một cách long thòng, ngây ngô, luộm thuộm: Nhà Phòng cháy chữa cháy thay vì sở cứu hỏa; Máy bay lên thẳng thay vì Trực thăng, Lính thủy đánh bộ thay vì Thủy quân lục chiến, Giặc lái thay vì phi công địch... Cũng may, cuộc cách mạng “thuần Việt” kiểu trên bộc phát một thời gian ngắn, để rồi tàn lụn và triệt tiêu hẳn. Bởi vì nó... chướng quá, và... thiếu văn hóa quá!

- Thụy Khuê viết “suy tưởng về nghệ thuật, về sự sáng tạo đề tài, về khái niệm thẩm mỹ học là những yếu tố cần thiết để đánh bại cái nghèo nàn trong văn học nghệ thuật của ta”. Là người chủ trương và theo dõi các hoạt động văn học nghệ thuật, ông thấy các đề nghị trên có thực hiện được hay không?

- Có nghệ sĩ đích thực nào không suy tưởng về nghệ thuật, về sự sáng tạo đề tài, về khái niệm thẩm mỹ học khi ngồi trước màn hình computer, hay trang giấy trắng, mặt bố rộng, với cây bút, cây cọ? Tôi đồ rằng Thụy Khuê muốn nhắn nhủ những tay “thợ” trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của ta. Thợ viết, viết một cách lười nhác, dễ dãi theo kiểu kể lại một câu chuyện, có lớp lang, có mở, có kết, càng nhiều tình tiết éo le gay cấn càng ăn khách. Thợ vẽ, vẽ bằng cách dùng tay nghề của mình bôi xanh, tô đỏ, tạo ra “tranh” theo yêu cầu thẩm mỹ chung chung của quần chúng.

Những thứ “mì ăn liền” đó có thể gọi là văn học nghệ thuật được không?

Vậy thì bất cứ một nghệ sĩ đích thực nào, khi đã xem văn học nghệ thuật là một cái gì thiêng liêng cao quí, tôi tin họ đều ngày đêm trăn trở khôn nguôi những điều Thụy Khuê nói đến. Riêng chuyện có thực hiện được hay không những điều ấy thì vẫn lại là nỗ lực tự thân của từng cá nhân. Là người đã, đang và sẽ còn gắn bó với văn học nghệ thuật ngày nào còn hơi thở, tôi mong sẽ có lúc ước mơ trên thành hiện thực.

- Phạm Thị Hoài bảo “Làm sao một xã hội chậm tiến về mọi phương diện lại có nổi một nền văn học giàu có và tiến bộ được”.
Hoàng Ngọc Tuấn bảo “Chúng ta vốn có truyền thống nhìn vào kính chiếu hậu để tìm những tầm cao thay vì nhìn về
phía trước.”
Theo ông, những nhận định trên về văn học Việt Nam có bi quan lắm hay không?

- Tôi đồng ý hai đánh giá trên của Phạm Thị Hoài và Hoàng Ngọc Tuấn.

Hãy nhìn lại nền văn học của chúng ta, hẳn rõ. Việt Nam, từ buổi đầu lập quốc đến nay, không mấy khi được an lạc, thái bình, đất nước luôn đắm chìm trong chiến tranh, lạc hậu, nghèo đói. Với hoàn cảnh sống đó, lo chiến đấu để tồn tại đã ngất ngư, còn sức lực tâm ý đâu nghĩ đến văn chương, nghệ thuật.

Thế mà, khổ nỗi, khi làm được một chút gì hay, đẹp, là chúng ta... lập tức hồ hởi phấn khởi ngủ quên trên chiến thắng, khư khư giữ rịt, tự hài mãn với thành quả ấy, xem như đó là chuẩn mực bất di cần bảo tồn, khai thác cho... muôn đời sau. Hãy lấy ví dụ điển hình: Truyện Kiều, một tuyệt tác thơ ca Việt, đồng ý, nhưng từ bao lâu nay, chúng ta cứ trầm trồ mãi về cái đỉnh cao này, với xác quyết “truyện Kiều còn, tiếng Việt còn, tiếng Việt còn, nước ta còn...”, thì tôi e rằng chúng ta đang tự bịt mắt, ngồi yên một chỗ, bàn chuyện văn chương chữ nghĩa bằng cái kiến thức có được từ hơn... 300 năm trước! Người Nhật dạy con em của họ: Tổ quốc Phù Tang cỗi cằn, xơ xác, thiếu hụt mọi tài nguyên. Để làm cho dân giàu nước mạnh, chả còn con đường nào khác ngoài nỗ lực học hỏi, cần cù làm việc. Người Việt thổi vào tâm hồn trong trắng của cháu con mình: Quê hương ta rừng vàng biển bạc, đất đai màu mỡ, trên rừng nhiều gỗ quí, dưới biển lắm cá tôm, dân tộc ta lại kiên cường dũng mạnh, 1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm nô lệ giặc Tây, 20 năm lệ thuộc đế quốc Mỹ, cuối cùng, nhờ ý chí quật cường, Tàu thua, Tây chạy, Mỹ cút. Ôi! Được làm người Việt Nam, đáng tự hào biết bao nhiêu! Rốt cục, ta ngây ngất ngủ quên trên niềm tự hào ấy, để rồi, bừng con mắt dậy, nhận ra, trên dưới 80 triệu con rồng cháu tiên ta đang ì ạch một cách vất vả, những mong theo kịp bước chân của các láng giềng gần. Đau thay, những láng giềng này, xét quá trình, chả tài cán giỏi giang gì hơn ta.

Đó là hậu quả tất yếu của tâm thức tự yêu mình thái quá, tự vỗ về mình bằng niềm tự hào đến vô lối và vô lý. Tâm thức này, trong văn học là “truyền thống nhìn vào kính chiếu hậu để tìm những tầm cao” như Hoàng Ngọc Tuân ví von.

- Ông có tin lời phát biểu của Nguyễn Quý Đức “Sẽ có người Việt Nam cầm bút có được chỗ đứng trong văn học thế giới. Nhưng họ là những nhà văn gốc Việt viết tiếng Anh/ Pháp /Đức...vì họ là những cây bút hay, giỏi, đề tài và nguồn gốc sắc tộc của họ là điều phụ.”

- Tin, tất yếu phải vậy.
Do hoàn cảnh lịch sử, trên 2 triệu người Việt Nam đã được phân bố rải rác khắp nơi trên thế giới từ thời điểm 30 tháng 4/75. Sau đau thương, mất mát, chia lìa, may mắn đã đến với chúng ta (Tái ông mất mã?). Dần dà, theo ngày tháng, chúng ta có được một cộng đồng Việt Nam lớn mạnh về nhiều lĩnh vực bên ngoài quê hương. Văn học nghệ thuật là một trong những lĩnh vực này. Thế hệ thứ nhất, còn hệ lụy nhiều với quá khứ, tư duy đến ngôn ngữ, “lằng nhằng” mãi với những chuyện đậm đặc chất thời sự bạn thù ta địch, mày sai tao đúng rồi sẽ qua đi. Thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư sẽ không còn bị “ám” bởi những bóng ma ấy, và sẽ nhạt dần bản sắc dân tộc gốc, để trở thành người Mỹ, người Pháp, người Đức... Lúc bấy giờ, ngoài dòng máu chảy trong huyết quản họ (chưa chắc đã thuần chất), bắt nguồn từ những ông cố ông tổ nào đó, “nghe đồn rằng” là người Việt Nam, một dân tộc ở tít mù đâu đó bên kia đại dương, cách xa nửa vòng trái đất. Thế hệ này chắc chắn sẽ không nhìn và đánh giá cuộc đời bằng lăng kính của ta. Vì vậy, nếu họ chọn văn chương nghệ thuật là cứu cánh cuộc đời, thì thành quả họ sản sinh ra làm sao có thể mang hơi hướm, phong vị của thế hệ Việt Nam thứ nhất được? Đến lúc ấy, nếu họ có một chỗ đứng nào đó trên văn đàn thế giới, thì “tiếng thơm” này chúng ta được hưởng rất ít. Nhiều phần hơn, nếu không muốn nói toàn phần, “tiếng thơm” ấy thuộc về nơi chốn họ đã sinh ra, đã lớn lên, đã thừa hưởng một nền văn hóa và giáo dục bản địa từ ấu thơ đến trưởng thành.

- Theo Nguyên Sa “Với những thành tựu tác phẩm đã đạt được, văn học Việt Nam có thể ngửng đầu, chúng ta không có gì hổ thẹn cả”. Một ý kiến khác cho rằng “Một số truyện được tuyển trong tập những truyện ngắn Hoa Kỳ hay nhất năm 1997 không hay bằng nhiều truyện ngắn Việt Nam hải ngoại hiện nay”. Vậy ông có quá khắt khe “... Cứ viết lằng nhằng mãi” khi nói về tình hình sáng tác ở nước ngoài hay không?

- Tôi xin được phép không đồng ý với cố thi sĩ Nguyên Sa cũng như nhiều người khác khi làm công việc so sánh văn học ta với văn học thế giới, để rồi lắc đầu ngao ngán, “viết lách thế này chả mong gì bằng được thiên hạ”, hay tấm tắc tự khen, “với thành tựu đó, ta có quyền ngẩng cao đầu hãnh diện”, hoặc nữa, “Nhất định sẽ có ngày thế giới biết đến ta”. Cả ba thái độ, tự ti, tự tôn và hoài vọng đều ít nhiều ẩn chứa mặc cảm thua kém. Mỗi dân tộc đều có cho riêng mình một tiêu chuẩn thưởng ngoạn, dựa trên vài yếu tố cơ bản như chủng tộc, văn hóa, nền nếp giáo dục... Tách những yếu tố này ra khỏi tiêu chuẩn thưởng ngoạn là điều bất khả. Tựa khẩu vị trong ẩm thực, món mắm nêm, đối với người Việt Nam, dậy mùi thơm “bát ngát”, nhưng đối với các dân tộc phương Tây, mùi vị ấy thối không thể nào chịu nổi. Lấy một ví dụ đơn giản: Thử mời một người Việt Nam ăn những cao lương mỹ vị của Tây, Mỹ. Ông (bà) ta hẳn sẽ thích lắm, không ngớt mồm xuýt xoa. Nhưng hãy cho ông (bà) ta thưởng thức các món ăn ấy liên tiếp một tuần, chúng ta hẳn thừa luận cứ tiên đoán, sẽ có lúc ông (bà) ta nhỏ nhẹ yêu cầu xin một quả cà pháo, một con cá nục kho tiêu.

Văn học nghệ thuật có chiều kích rộng hơn, bao quát hơn, nhưng tình cảm của kẻ thưởng ngoạn vẫn không thể nào tuyệt đối khách quan. “Trống trường thành lung lay bóng nguyệt” có thể dịch ra mọi ngôn ngữ, người đọc sẽ hiểu nghĩa câu thơ trên muốn nói điều gì, nhưng để thấm, để cảm, để rung động được cái hay của câu thơ, nếu không phải là người Việt Nam, không lớn lên trong cái nôi văn hóa Việt, chắc chắn sẽ không thể nào thẩm thấu.

Trở lại vấn đề, khi đã đồng ý văn học nghệ thuật luôn song hành với những yếu tố cơ bản của mỗi dân tộc, thì mặc nhiên chúng ta buộc phải công nhận tiêu chuẩn cao, thấp, lớn bé chỉ còn là những giá trị tương đối.

Về vấn đề cô cho rằng tôi quá khắt khe khi nhận xét nhà văn ta cứ “viết lằng nhằng mãi”, khi mà thi sĩ Nguyên Sa và nhiều người khác nữa lạc quan nhận xét “văn học ta hay lắm, chúng ta có thể ngẩng đầu không hổ thẹn” thì thưa cô, từ tiền đề, điều tôi nói và điều thi sĩ Nguyên Sa cùng nhiều người khác nói đã không xuất phát từ một điểm, tất nhiên, kết luận cũng sẽ không giống nhau. Khi tôi nói, là tôi muốn so sánh văn học ta với chính ta. Theo tôi, hầu hết nhà văn Việt Nam đều mắc phải một chứng bệnh khó trị: sự dễ dãi và lười nhác trong tư duy sáng tạo. Điều này cũng dễ hiểu thôi, đa số nhà văn ta đều xem công việc viết lách là nghề tay trái. Viết, cho vui, viết, như một thú tiêu khiển. Ai hơi đâu đi đầu tư tâm huyết vào một công việc tay trái? Thỉnh thoảng cũng có được vài ba người sống thuần túy bằng ngòi bút, nhưng, như chúng ta đều biết, đây là một nghề kiếm ra tiền ít nhất, chẳng thế, thời tiền chiến đã từng có một ông thi sĩ (Nguyễn Vỹ) gào lên, uất ức: “nhà văn An Nam khổ như chó”. Viết lách trong hoàn cảnh ấy thì đầu tư, học hỏi, tìm kiếm sáng tạo “làm cái đếch” gì? Rốt cục, để ý mà xem, 40 năm trước, nhà văn A đã viết như thế, bây giờ vẫn viết như thế, có khi còn tệ hơn thế. Một nền văn chương mãi dậm chân tại chỗ, thưa cô, không lằng nhằng thì là gì?

- Là một họa sĩ, ông nghĩ gì về lời phát biểu của họa sĩ Lê Phổ “Tài năng đôi khi không quan trọng bằng may mắn. Để thành một họa sĩ lớn như Picasso, phải có may mắn và có may mắn là có lửa thiêng để thành công”

- Tôi chỉ đồng ý với họa sĩ Lê Phổ một phần thôi. Đành rằng sự may mắn đối với một nghệ sĩ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên nếu không thực sự có tài thì sự may mắn sẽ không ở lâu với ta. Khi làm công việc sáng tạo sự may mắn giúp ta đến gần ngưỡng cửa thành công, nhưng thành công chỉ có thể xảy ra và tồn tại vẻ vang nếu sáng tạo ấy bắt nguồn từ những khai phá thiên tài. Giá trị nghệ thuật là cái muôn đời, bất diệt, năm năm, mười năm, thậm chí một thế hệ có thể lầm, nhưng sớm muộn gì người ta cũng thấy được cái hay cái dở thực sự.

- Nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị là một người đặc biệt. Bỏ nghề nha sĩ, bà theo đuổi nghệ thuật tạo hình và tên tuổi được ghi trong cuốn Tự Điển Larousse ; Nghệ thuật thế kỷ XX: Hội Họa Và Điêu Khắc 1992. Ngoài bà, xin ông cho biết thêm về các nữ điêu khắc gia Việt Nam khác.

- Ngành điêu khắc của Việt Nam, theo tôi biết không nhiều lắm những nữ nghệ sĩ, lại càng hiếm những tài năng. Có lẽ ngành này tương đối khá nặng nhọc so với sức vóc, thể lực của đàn bà Việt Nam. Tôi có quen biết vài nữ điêu khắc gia Việt Nam nhưng theo nhận xét của tôi - với tư cách một người thưởng ngoạn - thì tác phẩm của họ không có gì đặc biệt.

- Họa sĩ Khánh Trường viết: “Hình như chỉ có thể đắm say và thủy chung được với một tình nhân duy nhất: mặt bố rộng và những mảng màu”. Vậy sau những tác phẩm mang chủ đề Đồng Tính, ông có những dự án nào?

- Dự án về chủ đề Đồng Tính mới dở dang thì bạo bệnh đã bất ngờ đến. Tôi bị tai biến mạch máu não, tay chân ảnh hưởng nặng. Hiện, tôi phải ngồi xe lăn khi di chuyển cũng như khá vất vả khi cầm nắm vật dụng và phát âm khó khăn khi đối thoại. Đối với một họa sĩ, hai bàn tay là quan trọng nhất. Nói như thế để cô hiểu sự lao đao của tôi khi phải đối phó với nghịch cảnh. Tuy nhiên, tôi không quá tuyệt vọng. Còn nước còn tát, tôi tin dù không toàn phần nhưng sẽ có lúc tôi cầm được cọ vẽ. Bây giờ, chả hơn gì một đứa trẻ, hàng ngày tôi phải tập lại nhiều thứ, tập viết, tập đi, tập nói... Nhà văn Thế Uyên khi nghe tin tôi bị bệnh, đã thư cho tôi, lấy tư cách một bệnh nhân đồng cảnh ngộ: “Hãy xem việc tập luyện là mục đích duy nhất từ nay đến cuối đời, và hãy nghĩ đó là một niềm vui.” Nhà văn Thế Uyên, cô hẳn biết, cũng bị tai biến mạch máu não cách đây trên dưới 3 năm, bán thân bất toại, thư ông viết cho tôi bằng tay trái, cánh tay còn sử dụng được một phần, và là kết quả của 3 năm tập luyện kiên trì. Noi gương ông, tôi cũng đang chuyên cần tập luyện, và cố xem công việc ấy như một môn giải trí. Bài phỏng vấn này tôi đã mổ cò một cách cực kỳ khó nhọc, chữ được chữ mất, trong nhiều ngày. Nói thế, để gián tiếp nhờ cô sửa lỗi typo hộ, nếu cô muốn sử dụng. Nhà văn bác sĩ Ngô Thế Vinh thường ghé thăm tôi, bảo, đánh máy cũng là một cách tập, để lấy lại sự chuẩn xác của các ngón tay.

Trở lại câu hỏi của cô, tôi đã thầm hứa, và rất mong lời hứa sẽ thành hiện thực, chủ đề Đồng tính từng dự định sớm muộn tôi cũng phải thực hiện cho xong. Tôi rất ghét bỏ cuộc trong bất cứ vấn đề gì. Từ hôm rời bệnh viện về nhà cách đây non 4 tháng, tôi đã thử cầm cọ vẽ. Khó khăn lắm, cọ thường vuột khỏi tay, sơn vung vải. Một nét chấm phá ngày xưa tôi “múa” dễ dàng, bây giờ phải cầm cọ bằng cả hai tay, chú tâm cao độ mới làm nổi cái điều tưởng chừng dễ như trở bàn tay! Tốc độ làm việc cũng vì thế chậm hơn rất nhiều, và tôi không thể ngồi lâu vì mệt, chóng mặt, và nhất là không thực hiện được tranh có kích thước lớn, một đam mê của tôi. Trên diện tích rộng của mặt bố, ta tha hồ dàn trải bố cục, tha hồ vung cọ chụp bắt ý tưởng. Và cũng có thể xem là style riêng: tôi có thói quen tạo nhiều khoảng trống trong tranh. Có nhiều bức tranh của tôi, chi tiết chỉ đóng vai trò phụ, những khoảng trống mới là yếu tố tôi quan tâm, khai thác. Điều này, trong một bài trả lời phỏng vấn Huỳnh Hữu Ủy, tôi có giải thích, tôi chịu nhiều ảnh hưởng triết học Đông phương, nhất là Thiền học. Chưa kể ngày xưa đi lính, tôi bị sáu mảnh đạn ghim trong đầu, chấn thương sọ não, mắt vì thế bị lưỡng thị (nhìn một thành hai). Mấy mươi năm sau giải ngũ, thị giác dần hồi phục, nhưng vì tai biến, cơ thể suy nhược, bệnh cũ tái phát. Nay, tôi vẽ, phối màu, phần lớn dựa vào kinh nghiệm, để gia giảm sắc độ hơn là bằng mắt nhìn.

Tuy nhiên, dù vô vàn gian nan, tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ có một ngày tôi vẽ lại được.

- Derek Walcott (Nobel văn chương 1992) tuyên bố rằng “Tôi muốn thà chỉ có một người đọc và cảm nhận thơ tôi thâm sâu còn hơn là hàng trăm ngàn người đọc mà chẳng để tâm gì”1 Có phải vì cũng nghĩ như thế nên thơ ông ít xuất hiện trên Hợp Lưu ký tên Khánh Trường?

- Thơ ca là món khó nhá nhất. Nhưng có một nghịch lý, dù khó nhá, thơ ca lại được nhiều người làm nhất.

Ở hải ngoại, từ lúc tạp chí Thơ của Khế Iêm cổ vũ một cuộc cách mạng trong thi ca, kêu gọi mọi người hãy đoạn tuyệt với loại thơ vần vè trầm bổng du dương, làm một cuộc lên đường, mạnh dạn đi vào nền thơ ca mới như hậu hiện đại, tân hình thức, thơ phần mảnh... thì tôi có cảm tưởng ai cũng làm thơ được. Thơ không còn là độc quyền của các thi sĩ. Hay nói khác hơn, ai cũng có khả năng trở thành thi sĩ. Không tin, cô thử lật các tạp chí văn chương ở hải ngoại ra xem, gần như nhà văn nào cũng làm... “thơ”.

Điều này có nhiều mặt mạnh, song cũng lắm điểm yếu. Mạnh, chả hạn chúng ta dễ dàng bày tỏ cảm xúc của mình qua năm mười câu “thơ”, không cần dàn lời trải ý nhiêu khê như trong văn xuôi, hay vần vè cực nhọc như thơ truyền thống.

Yếu, chả hạn đa số đều lẫn lộn giữa “thơ” và “cái gọi là thơ”. Vì vậy mới có hiện tượng bộc phát đến bão hòa trong môi trường thơ ca hải ngoại nói riêng, cả nước nói chung.

Tôi từng nhận vô số những đoạn văn xuôi lủng củng, được ngắt hàng, gọi là “thơ” gửi đến tòa soạn hàng ngày. Thú thực, nhiều lúc phát khùng.

Có lẽ chính vì vậy, những thi sĩ đích thực, như Derek Walcott, mới phải mong ước, thà ít người cảm nhận thơ ông, còn hơn nhiều người tưởng rằng mình hiểu thơ, yêu thơ nhưng thực chất, chỉ là cái sự “tưởng” rất xúc phạm đến người làm thơ.

Cá nhân tôi, thời còn trẻ có dan díu với thơ ca, như hầu hết những người yêu văn chương. Nhưng càng tiếp cận lâu với thơ, càng thấy nó không giản dị. Làm thơ theo kiểu làng nhàng để đăng báo, không khó. Nhưng để tạo ra một tác phẩm thực sự, chẳng phải chuyện đùa.Tôi đủ liêm sỉ và lương thiện nhận thấy mình không có khả năng “làm ra gió, tạo nên bão” trong thơ ca, vậy, tốt nhất tôi nên “cút đi chỗ khác” cho sạch sẽ mát mẻ môi trường. Trong văn xuôi cũng vậy, 8 năm nay tôi không sáng tác, bởi thấy cái viết của mình chả có chi xuất sắc, nếu có viết thêm thì cũng chỉ “nối dài” những cái đã viết, không ích gì cho văn học Việt Nam đã đành, có khi lại toa rập làm cho nền văn học ấy thêm trì trệ, lằng nhằng.

- Thi sĩ Hoa Kỳ Joseph Brodsky (Nobel văn chương 1987) xuất bản 500 cuốn thơ bán mãi không hết. Trong khi đó thi sĩ Việt Nam có người một năm xuất bản 4 tập thơ, có người tái bản thơ của mình. Theo ông đây có phải là dấu hiệu đáng khích lệ của nền thi ca có dấu ấn 4000 năm văn hiến hay không?

- Quả thực, như cô nhận xét, có nhiều “thi sĩ” Việt Nam cho ra đời mỗi năm hàng nửa tá thi phẩm. Người ngoại quốc nếu nhìn thấy thành quả này, có lẽ sẽ bật ngửa chết giấc, họ không tài nào hiểu nổi tại sao cái giống dân chỉ cần 3 người thôi, họp lại, là thành một góc chợ ngay (thử bước vào một nhà hàng Tây phương, nếu nghe chỗ nào lao xao nhất, cầm chắc, không con dân đại quốc Trung Hoa thì cũng dòng dõi con rồng cháu tiên Giao Chỉ!) mà tâm hồn lại lênh láng chất thơ đến vậy?! Ôi, nếu họ biết được rằng người Giao Chỉ chúng ta rất mê danh phận, nhất là những danh phận này dây mơ rễ má với văn chương nghệ thuật. Làm kỹ sư bác sĩ, Ph D này nọ, xoàng quá, ai học lại chẳng được. Nhưng làm thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ... cái này không đùa nhé, nếu chả phải “thiên tài”, học già đầu cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ! Trong các món ăn chơi, xem ra “thơ” có vẻ dễ chơi nhất. Ngôn ngữ Việt Nam giàu âm điệu, chỉ cần sắp xếp câu chữ khéo tay một chút, là thành “thơ” ngay. Nay một bài, mai một bài, vài ba tháng nhịn hủ tiếu, phở tái bún bò buổi sáng là thừa tiền để in ngay thôi. Trong chiều hướng ấy, những tập thơ, như bươm bướm, thi nhau ra đời. Làm chủ biên Hợp Lưu 12 năm, tổng kết, cái tôi nhận được nhiều nhất là “thơ”, nhiều đến... ớn lạnh, đến đêm ngủ nằm mơ thấy mình bị đè ngạt thở dưới núi “thơ” cao ngất!

- Đây là trường phái Bùi Giáng, khi nhận định về một nhà thơ: “Nguồn thơ ông rất đặc biệt. Đọc mấy thi phẩm ông, tôi còn giữ lại một cảm tưởng hiu hắt. Rủi sao, tập thơ ông tôi bỏ lạc đâu mất, nên không thể dám mạo muội viết nhận định ra đây”. Trên Hợp Lưu: “Một tập thơ có lẽ khá tốn kém vì được in trên giấy tốt, với rất nhiều phụ bản màu, là những hình chụp phong cảnh của tác giả.” Thưa ông, có phải trên văn đàn đã xuất hiện thêm một trường phái nhận định mới có tên là trường phái Nguyễn Thị Giáng Châu? (Bút hiệu khác của KT)

- A, lối giới thiệu sách mới này xuất hiện trên các tạp chí văn chương với nhiều... sáng tạo, tựu chung, có tính cách “huề vốn”. Hồi anh Mai Thảo còn sống, tôi vẫn thường trêu lối giới thiệu vô thưởng vô phạt này. Nếu tác phẩm của nữ giới, anh vuốt: “lại thêm một lẵng hoa trong rừng hoa...”. Nếu của nam tử, anh tán: “giữa tất bật cơm áo quê người, vẫn sừng sững dựng lên một bàn viết lữ thứ...”. Chữ nghĩa lóng lánh thơ mộng thế, chả gây thương tổn gì đến ai, vui vẻ cả làng. Riêng tôi, lắm khi bực bỏ quá, cũng chỉ dám kín đáo xa gần, cố đừng xúc phạm đến tác giả. Bởi lẽ giản dị, mục giới thiệu sách mới nhằm giới thiệu đến độc giả những tác phẩm vừa phát hành, do tác giả gửi tặng. Nhận quà tặng mà đốp chát vào mặt người tặng thì vô giáo dục quá, nhưng muối mặt khen vung thiên địa thì lòng nhột nhạt không yên, chứng tỏ sự thiếu ngay thẳng với chính mình và với độc giả. Vì lẽ đó, “trường phái huề vốn” ra đời. Bật mí nghề nghiệp với cô cho vui: mỗi lần nhận được một cuốn sách mới, tôi lật ngay các trang đầu hoặc cuối hoặc bìa sau, tìm lời “tựa” hay “bạt”. Nếu có, chỉ cần trích một đoạn ngắn những lời này, xong, khỏi mất lòng tác giả mà tôi cũng không có trách nhiệm nếu độc giả nghe theo lời “đường mật” của ai đó, ra tiệm thỉnh nhầm một xấp giấy lộn!

Nghiêm chỉnh mà nói, lối giới thiệu này rất tai hại. Đa số độc giả không có thì giờ lục tìm sách hay ở các hiệu sách, vì vậy các tạp chí văn chương, như gạch nối giữa độc giả và tác giả, đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo, để người đọc khỏi mất thì giờ và yên tâm hơn khi chọn mua một tác phẩm. Mất tiền, không quan trọng lắm, điều đáng nói là họ sẽ có cảm giác bị lừa khi mua phải một tác phẩm tệ, khiến lòng tin của họ với các nhà văn nói chung, các tạp chí văn chương nói riêng, suy giảm, đưa đến hệ quả thị trường chữ nghĩa Việt Nam hải ngoại vốn èo uột càng èo uột, do khách hàng ít dần đi. Họ tìm đến các thú vui khác, an toàn và đỡ bực mình hơn.

Cho nên tôi vẫn mong Hợp Lưu có đủ tiền để có thể hàng tháng đến các nhà sách, các cơ sở xuất bản chọn mua các tác phẩm, hay, khen hay, dở, chê dở, không việc gì phải cả nể, độc giả hoang mang đã đành, bản thân người giới thiệu cũng chả vui gì.

- Những truyện ngắn của ông mang đầy dấu ấn bạo lực và dục tình. Như thế, ông có ý kiến gì khi Nguyễn Hưng Quốc cho rằng trong lịch sử văn học “tình yêu là đề tài nhất thời, không chừng tình dục mới là đề tài vĩnh cửu ”

- Trong lời thưa cuốn “Có Yêu Em Không?”, tái bản, tôi có viết, “... do xuất xứ, do thói quen, do nhiều yếu tố khác, mỗi nhà văn tự chọn cho mình một cách thế biểu hiện. Có nguời chỉ khai thác những phần tốt tươi của cuộc đời, có kẻ chỉ viết được, viết hay khi đề cập đến tình yêu, tình gia đình, tình bằng hữu... Kẻ khác, không sản sinh nổi một dòng nếu hắn không ngập sâu xuống đáy cùng vũng lầy đọa lạc...”

Đúng, tôi có khuynh hướng viết về bạo lực và dục tình. Tại sao?

Năm 13 tuổi tôi bỏ nhà đi hoang. Vì miếng ăn, tôi sa chân vào một xóm điếm ở Đà Lạt. Hàng ngày, cùng vài đứa trẻ trang lứa, tôi ra đứng đầu các con hẻm chào hàng, dắt mối. Khách hàng thời điểm ấy hầu hết là lính tráng, lúc nào cũng say sưa nghiêng ngả và dữ dằn bạt mạng. Xóm gồm nhiều ổ điếm, mỗi ổ là một căn hộ có gác lửng. Phòng khách tầng dưới, cũng là nơi ăn ở của chủ, tức “Má hai, Má ba”, theo tên gọi của giới giang hồ. Trên gác chia làm nhiều “buồng”, mỗi “buồng” cách nhau bằng một tấm “ri-đô” vải nhựa. Tối, tôi ngủ ở một trong các “buồng” này, nếu vắng khách, còn trống, sau một ngày đứng mỏi rã hai chân ngoài đầu các con hẻm, miệng không ngớt léo nhéo những lời lẽ mời chào thô tục: “Anh ơi, đi không anh, có ghệ (gái, tiếng lóng) mới cắt chỉ từ dưới tỉnh lên, hàng họ hết sẩy... Anh ơi, chọi (làm tình. Tiếng lóng) một phát lấy hên đi anh, có ghệ tơ đông ngò (gái trẻ nhiều lông. Tiếng lóng) lắm...”. Một tối, đang thiu thiu nửa tỉnh nửa mê, tôi nghe có tiếng đôi co bên kia “vách”, “Ra đi cha nội... Uống chi lắm rứa? dai như đỉa, bộ tui sức trâu à?”. Tiếng cười hền hệt: “Càng lâu càng sướng em ơi... Lẽ ra em phải thối tiền lại cho anh... Không cảm ơn còn bày đặt than thở...”. “Tui chịu hết nổi rồi.” Tiếp theo, tiếng động mạnh, có lẽ một thân thể bị đẩy rơi xuống mặt sàn gác. Tôi giật mình tỉnh ngủ. “Tui không đi nữa, để tui xuống nói Má hai tìm cho anh con khác. Tiếng đàn ông lớn giọng: “Đụ mẹ mày ngon. Tao đập chết mẹ mày bây giờ.” “Thách đó, đập đi.” và tiếng xô xát. Tôi tốc tấm “vách” chạy sang. Tên lính đang nắm tóc chị T kéo rịt xuống. Chị T không vừa, một tay bóp chặt hạ bộ tên lính, một tay quơ cào rối rít, cố gỡ nắm tóc dài đang bị tên lính làm chủ. Cả hai đều trần truồng. Chị T mới đến làm ở “động” non hai tháng, người nhỏ nhắn, không đẹp nhưng tính tình vui vẻ hào phóng. Chị rất thương tôi. Những hôm ế khách chị và đồng nghiệp đợi gánh hột vịt lộn ngang qua, gọi vào, chén. Tôi được hưởng ké, chị T luôn luôn bao giàn. Khi thấy chị T bị tên lính hành hung, tôi lập tức nhảy vào bênh. Tôi phóng người bám trên lưng tên lính, hai tay đấm thùm thụp vào đầu hắn. “A, thằng oắt con, muốn chết hử?” Tên lính thả chị T ra, vòng tay thộp cổ tôi, đẩy mạnh vào vách ván. Tôi nhỏ con, ốm yếu, chả hơn gì con nhái bén trong bàn tay hộ pháp của tên lính. Chị T được tự do, vội nhào xuống sàn, lật gối lấy con dao dấu bên dưới, chĩa về phía tên lính, hét: “Thả thằng nhỏ xuống.” Tên lính cười hăng hắc, không quay lui, thay vì buông tôi ra, hắn lại đẩy lên cao. Tôi nghẹt thở, tay chân giẫy giụa điên cuồng. Chị T nhào tới. Và thật bất ngờ, ngoài dự đoán của tôi, của cả tên lính, chị T vung tay, đâm ngọt lưỡi dao vào sườn tên lính. Hắn giật bắn người, buông tay, tôi rơi xuống sàn, hắn cũng loạng choạng quị ngã, hai tay ôm bụng. Khi Má hai hay tin, sai người gọi cảnh sát đến thì tên lính cũng vừa thở hắt, giã biệt trần gian. Chị T bị bắt, bị tù. Ngày tôi được vào thăm, chị vuốt tóc tôi, cười buồn: “Thế này biết đâu lại hay, ra tù, chị sẽ về quê...” Chị khuyên tôi, “Đời em còn dài, không nên chôn vùi ở đó...” và chị nhắn Má hai trao tôi một phần số tiền chị đã dành dụm được trước đây, hiện Má hai đang giữ hộ. Nhờ số tiền, tôi mua vé xe đò xuống Qui Nhơn, ở đó, tôi sống chung với một thằng bạn cùng tuổi trong một toa tàu bỏ hoang cuối sân ga. Qui Nhơn thủa đó là một căn cứ quân sự của Mỹ, thành phố đầy lính tráng và gái điếm. Bar rượu mọc san sát dọc bờ biển, đúng như thơ Nguyễn Bắc Sơn: “Mai này đụng trận ta còn sống / về ghé sông Mao phá phách chơi / Chia bớt nỗi sầu cùng gái điếm / Đốt tiền mua vội một ngày vui.” Ban ngày, tôi cùng thằng bạn lê la hết quán này đến quán khác. Thằng bạn đánh giày, tôi “danh giá” hơn, với cây chì than và tập croquis, tôi gạ, ký họa nhăng cuội các khuôn mặt đỏ gay men rượu của các chàng GI và phấn son lòe loẹt của các chị đượi. Hẳn nhiên vào thưở đó những tấm ký họa của tôi chả đẹp đẽ hay ho gì, nhưng trong cơn say, giữa tiếng nhạc bập bùng và da thịt đàn bà, một hai đô la đỏ (loại tiền dành riêng cho lính viễn chinh Mỹ) bố thí cho một thằng oắt con bản xứ, thật chẳng đáng chi. Trời vừa sụp tối, tôi cùng thằng bạn cắp sách vở đến các lớp học bổ túc. Trầy trật mấy năm, thằng bạn đỗ được cái tú tài bán. Hắn đăng lính, lon chuẩn úy, đóng đồn trên Pleiku. Ở đơn vị mới chưa được bao lâu, một đêm đồn bị tấn công, hắn chết. Tôi mất một thằng bạn quí. Người đã từng chia ngọt xẻ bùi với tôi suốt thời niên thiếu, người đã từng đưa lưng hứng chịu một con dao chặt nước đá lởm chởm răng cưa để cản đường cho tôi thoát thân, khi cả hai bị một băng nhóm khác thanh toán vì đã xâm phạm địa bàn hoạt động. Tình nghĩa giang hồ, như tôi thường nói nhiều lần, đẹp lắm, Lương Sơn Bạc lắm. Đó là loại tình cảm còn giữ nguyên dạng thô nhám, chưa bị so đo tính toán thiệt hơn bởi cái gọi là “trí thức” sau này tôi chung đụng. Mất mát lớn, và không còn ai thân thích ở thành phố đó, tôi vào Sài Gòn, rồi lính tráng, vợ con, trận mạc, thương tích, vượt biên, tình lớn, tình bé... Bao nhiêu cảnh huống tôi đã trải hơn nửa thế kỷ làm người, đã cho tôi thấy rất rõ thương yêu và thù hận, bạo lực và nhân ái là những khối thể bất khả phân ly, như phải có âm để có dương, phải có tối để có sáng, phải có đen để có trắng. Tình dục, một mặt của quan hệ phái tính, giúp con người đến gần nhau nhưng cũng có thể đưa đến bạo lực giết chóc. Tuy thế, dưới đáy sâu hủy hoại, bạo tàn, vẫn nẩy mầm những hạt giống tốt, nhờ những hạt giống này, sự sống được duy trì và tiến hóa. Cứ thế, vòng tròn quay đều, bất tận, từ ngàn xưa đến ngàn sau, làm thành lịch sử loài người.

Dù yêu văn chương, mê sách vở, tôi không có ý định viết văn, càng không nghĩ sẽ có một ngày mình trở thành nhà văn. Nhưng nhiều sự việc xảy ra cho mỗi con người khiến hướng đời lệch hẳn về một phía không ngờ. Ngày mới đặt chân đến đất Mỹ, thời gian đầu, chưa tất bật vì cơm áo, dư thời giờ, tôi tìm đọc sách vở báo chí hải ngoại. Càng đọc, cảm giác khó chịu càng tăng. Văn chương đích thực không có bao nhiêu, đa phần chỉ thoát thai từ thời sự, từ khuynh hướng chính trị, và tệ hại nhất là do não trạng căm thù, đã biến văn chương thành những thứ khẩu hiệu sắt máu, hàm hồ, khoác lác, không khác bao nhiêu với loại văn chương dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa tôi đã sống 10 năm. Nếu thế này mãi còn mong gì một tương lai khởi sắc cho văn học Việt Nam! Từ suy nghĩ này, manh nha trong tôi khuynh hướng “hợp lưu”. Chỉ có hợp lưu, chỉ xóa bỏ hận thù, chỉ “bước qua lời nguyền”, chỉ đồng qui mọi nỗ lực của tập thể lớn cho một mục đích thì sự viên mãn mới có hy vọng thành tựu. Nghĩ vậy thôi, chứ với tư cách một thuyền nhân vừa rời trại tị nạn, việc thực hiện ý nghĩ ấy còn quá xa vời. Cho đến ngày nhà văn Nguyễn Mộng Giác giao lại tạp chí Văn Học cho ba chúng tôi, Trịnh Y Thư (sau, được thay thế bởi Hoàng Khởi Phong), Cao Xuân Huy và tôi. Tôi phụ trách phần mỹ thuật của tờ báo, thỉnh thoảng thiếu bài, tôi kiêm luôn nhiệm vụ... “trám chỗ” (Các tạp chí văn chương buổi đó thường thiếu bài.Một số báo thường khoảng 250 trang, nhưng không đủ bài làm đầy số trang đã định, những nhà văn phụ trách phải làm nhiệm vụ “trám chỗ”. Các vị kia vì lười hay vì phải đi cày lo cơm áo, bèn “phó thác” cho tôi làm nhiệm vụ “trám chỗ”, viết theo yêu cầu số trang cần trám. Vì thế tôi thường phải kéo dài một vài truyện ngắn cho phù hợp số trang còn dư. Sau này gom lại in thành sách, vì lười, tôi không xem lại, cắt xén, nên nhiều truyện lòng thòng rất dở). Những truyện ngắn đầu tiên của tôi khai sinh từ đó. Sau này, với chủ trương “hợp lưu” như đã suy nghĩ buổi mới đặt chân đến đất Mỹ không được hai vị kia, chủ bút và tổng thư ký, tán thành, tôi tách riêng làm tờ Hợp Lưu, những truyện ngắn tiếp theo cũng nhằm mục đích “trám chỗ”. Lạ một điều, mỗi khi ngồi trước màn hình computer gõ những con chữ đầu tiên, rồi chữ gọi chữ, hết trang này sang trang khác, nhiều lúc truyện được dẫn đến những tình tiết, bến bờ ngoài dự định của tôi. Khi hoàn tất, đọc lại, tôi giật mình phát hiện ra dục tình và bạo lực đã biến thành trọng tâm của truyện, của mọi câu chuyện. Nhiều lần tôi cố viết khác, cố nghĩ đến những điều thanh cao, thơ mộng, nhưng chỉ được một hai trang đầu, đâu lại vào đó, dục tình và bạo lực lại chen vào! Dần dần tôi hiểu rằng dấu ấn những năm tháng ngập sâu trong bùn sình vẫn còn hằn đậm trong tâm não. Tôi không thể trốn chạy chừng nào chưa nói hết, nói đủ. Nói, như nhìn lại chính mình, những hệ lụy quanh mình. Nói, một cách “ơn đền oán trả” theo đúng luật giang hồ.

Trong lời thưa của cuốn “Có Yêu Em Không?”, tái bản, tôi cũng có viết, dù thể hiện “cách nào, tôi tin, mỗi nhà văn đều có chung một ước mơ. Bằng đóng góp nhỏ nhoi của mình, biết đâu cuộc đời nhờ đó sẽ đẹp hơn, thanh cao hơn, đáng sống hơn. Nhà văn, tuy không làm nổi công việc cải tạo xã hội. Nhưng sẽ mãi mãi là những sứ giả tận tụy, không ngừng sống chết với những ước mơ. Tôi là nhà văn, tôi cũng đang cống hiến cho đời những ước mơ.”

- Dương Thu Hương viết “ Nghề văn, nói chung là một nghề nguy hiểm. Nghề văn, đối với những người đàn bà một trăm lần nguy hiểm hơn”. Khánh Trường cũng nhận định rằng “văn chương hải ngoại sở dĩ có được thành tựu tốt đẹp hiện nay, phần lớn do công sức, tài năng của các cây viết nữ”. Vậy theo ông, những cây viết nữ có phải là những người rất can đảm không?

- Không dính dự gì đến “can đảm” hay “hèn nhát” cả!

Dương Thu Hương phát biểu lời trên trong hoàn cảnh viết của bà ta, hoàn cảnh của những nhà văn cầm bút dưới một chế độ chuyên chính. Lạng quạng, sai đường lối là tàn đời! Cái gương nhãn tiền của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm là một ám ảnh có thực, đã biến cái viết của những ngòi bút trung thực “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt cho đường, cũng không nói yêu thành ghét, dù ai cầm dao đòi giết, cũng không nói ghét thành yêu” (Phùng Quán) đồng nghĩa với lòng can đảm.

Ở hải ngoại, sự thành tựu của các nhà văn nữ, phần lớn nhờ họ được giải phóng khỏi vị trí “đồ vật” mà các nước phương Đông thường mặc nhiên áp đặt lên thân phận nữ giới. Với xã hội phương Tây, người đàn bà có điều kiện để bình quyền hơn với nam giới. Vị trí xã hội thay đổi, lại nhờ nhạy cảm nữ tính, vốn rất gần gũi với văn chương nghệ thuật, họ viết hay là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Mặt khác nữa, văn chương Việt Nam hải ngoại phần lớn được “sản xuất” bởi thế hệ thứ nhất, thế hệ còn hệ lụy nhiều với quá khứ. Đàn ông, những người trực tiếp cọ xát với thực tế trong thời chiến cũng như thời hậu chiến, vì thế cái viết của họ, dù nỗ lực bao nhiêu chăng nữa, cũng khó lòng thoát khỏi ám ảnh quá khứ. Văn chương thế giới ngày nay đã vượt xa nghìn dặm, trong lúc nhà văn Việt Nam còn mãi loay hoay với những chuyện thời sự của thập niên 70! Nhà văn nữ, may mắn hơn, họ hứng chịu gián tiếp thảm kịch, và bẩm sinh trời phú, phái nữ chóng quên thảm kịch, thích nghi nhanh với môi trường mới. Đó là những yếu tố khách quan vô cùng cần thiết để viết hay, viết cập nhật thời đại.

- Đa số các buổi ra mắt sách đều “nhục và thảm như mấy anh mãi võ bán thuốc dán ở các bến tàu, bến xe, phụ diễn bằng sự tiếp tay của vài con khỉ già bôi vôi vẽ mặt làm trò... khỉ”. Phải chăng đúng như lời ông nói “văn nghệ sĩ ngoài sự bất hạnh ra, còn là chủng loại mang bệnh tâm thần rất nặng.”

- Nhiều lúc nhìn quanh, thấy bạn bè, anh chị em bị con vi trùng văn chương nghệ thuật nó hành, tôi có phẫn chí thở ra hơi hướm tiêu cực, chứ thực thà mà nói, chữ nghĩa tranh ảnh cũng chả khác gì ma túy, gây nghiện. Đã lỡ vướng vào rồi, là cuộc đời... từ bị thương tới chết! Nhiều bạn bè tôi hì hục sớm khuya làm thơ viết văn. Viết xong, vay mượn xanh xít đít đui để in. In xong, gọi điện thoại xin bạn bè ở địa phương này, vùng cư ngụ kia góp tiền tậu một tấm vé máy bay, rồi vác năm bảy chục cuốn sách đến ra mắt bà con làng nước. Vài ba chục “người yêu sách”, năm bảy ca sĩ, ngâm sĩ, văn nghệ sĩ vườn lên bục gỗ hát hỏng, ngâm ngợi, tán tụng... Màn cuối cùng, nhờ một vài em gái khệ nệ ôm từng chồng sách đến từng bàn, cười duyên, cười lẳng, cười cầu tài, “Ông bà cô chú anh chị mua hộ một cuốn...”

Hoạt cảnh ấy không khác bao nhiêu với hoạt cảnh bán thuốc sán lải của các “gánh” Sơn Đông mãi võ xưa kia. Vâng, thưa cô, nhục và thảm lắm!

- Du Tử Lê gọi Khánh Trường là “một gã giang hồ, phiêu bạt thứ thiệt”. Trần Vũ nhìn Khánh Trường qua hình ảnh một “Django”. Trần Đạo nói Khánh Trường là “ba cà chớn, du côn hơn đờỉ”. Khánh Trường thú nhận hồi nhỏ rất mê đọc sách. Vậy có phải tác phẩm Thủy Hử (Thị Nại Am) trong Lục Tài tử Trung Quốc đã ảnh hưởng nhiều đến tánh tình của ông hay không?

- Sách vở có ảnh hưởng chăng đến cá tính một con người? Tôi không biết.

Hồi nhỏ, đọc truyện Tàu, trong đó có Thủy Hử có “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”, nào là tên du côn ngang tàng Lỗ Trí Thâm ăn thịt chó, nốc rượu như hũ chìm, nào là anh chàng hảo hớn (Tàu) Võ Tòng sát tẩu. Nói thực với cô, đọc thì đọc vậy, vì nghe thiên hạ tán vung thiên địa. Một thời, có lẽ đến bây giờ, các nhân vật ấy, những điển cố ấy là mẫu mực đạo lý và xuất xử của đàn ông con trai Á châu, vốn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nằm trong quỹ đạo Trung Hoa. Riêng tôi không “mặn” chút nào. Ảnh hưởng duy nhất còn tồn tại được của nền văn hóa này đến ngày nay trong tôi là triết lý Nam Hoa Kinh của Trang Tử. “Nhìn kìa, cá lội tung tăng vui nhỉ? - Anh không phải là cá, làm sao anh biết cá vui? Anh không phải là tôi, làm sao anh biết tôi biết cá vui hay buồn?” Lối lý luận cù nhầy này, ngẫm sâu, hay quá.

Cho nên bản chất tôi gồ ghề gai góc như cây san hô hay tròn ủng như hòn bi ve chắc chắn không do Thủy Hử hay cái gì sốt.

Tôi như thế vì tôi như thế. Tôi vẫn cho rằng hoàn cảnh xã hội có thể ảnh hưởng đến hướng nhìn cuộc đời của một con người, riêng bản chất thì khó sửa đổi, “giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời”, nếu không muốn nói, vô phương. Tôi can đảm hay hèn nhát, rộng lượng hào sảng hay hẹp hòi ti tiện... thì tôi sẽ như thế đã như thế, mãi mãi như thế cho dù hoàn cảnh sống của tôi thế nào chăng nữa. Có thể suy nghĩ của tôi sai, nhưng đó là suy nghĩ của tôi.

- Khánh Trường tuyên bố “mê sách đâu phải là một cái tội một căn bệnh.” Vài thập niên nữa, những kệ sách sẽ biến mất. Nếu chỉ được giữ lại 7 cuốn sách (một tuần chỉ có bảy ngày!), thì ông sẽ giữ lại những cuốn nào?

- Vài tuần nay ban biên tập mới của Hợp Lưu tranh luận sôi nổi để có được quyết định chung cuộc: nên hay không đăng lại những tác phẩm đã lên website? Thời gian sau này, các tạp chí “dưới đất” đã vấp phải một trường hợp đau đầu: Báo in xong tòa soạn mới phát hiện, hoặc độc giả than phiền truyện ngắn này, bài thơ nọ, tiểu luận kia đã lên website A, B, C.... (làm sao trách các tác giả được, họ gửi “chùa” chứ có bán bản quyền cho mình đâu?) Thực trạng đó nói lên một điều: Báo “trên trời” càng ngày càng chiếm ưu thế, thay đổi dần cách thưởng ngoạn của độc giả, vì tiện lợi, nhanh chóng, ít tốn kém, lại có thể trao đổi trực tiếp với tác giả, nếu muốn. Cái thú cầm trên tay một cuốn sách còn thơm mùi giấy mực, nhìn cách trình bày bìa, những trang trong, kiểu chữ, size chữ.... đã bị thay thế bởi màn hình computer, với cái kính lúp, muốn chữ nghĩa hình ảnh to nhỏ thế nào tùy ý. Vì thế, đã có nhiều chuyên gia tiên đoán, có thể vài thập niên nữa thư viện sẽ biến thành nhà bảo tàng, nơi lưu giữ vốn văn hóa của nhân loại vào một thời điểm... xa xưa, để cháu con ta tham quan!

Nếu sự kiện trên thành hiện thực, thì việc giữ 7 hay 7 triệu cuốn sách cũng giống nhau, chả việc gì phải chọn với lựa.

- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã và đang bị đánh phá, nhất là từ khi kịch bản Suối Nhỏ Êm Dịu xuất hiện, mà nhà phê bình Thụy Khuê bảo là “dẫn đến sự tha hóa, tiêu hủy con người tự bản thân”. Khi chủ trương tờ Hợp Lưu, họa sĩ Khánh Trường cũng bị đánh phá thê thảm như vậy. Bây giờ xin ông cho biết hậu quả của những hành động kém văn hóa ấy?

- Hậu quả là nhờ những đánh phá này, Hợp Lưu được tò mò tìm đọc, do đó, đã sống dai như giẻ rách đến ngày hôm nay. Lại tái ông mất mã! :)

- Qua mục “ Kim Thi, Ngày... Tháng...” trên Hợp Lưu, độc giả rất thích thú khi nghe kể lại những sinh hoạt trong cộng đồng người Việt hải ngoại tại một vùng mà ông gọi là “nước Bolsa”. Sau gần 20 năm sống tại đó, xin ông cho biết tình trạng hiện nay ra sao?

- Như bất cứ một cộng đồng nào, bên cạnh những mặt tích cực, cũng lắm cái tiêu cực.

Về mặt tiêu cực, tôi chưa thấy một dân tộc nào... trung thành với... vốn cũ như dân tộc ta. Chuyện chống Cộng chả hạn. 20 năm trước, lãnh tụ nhớn bé của phong trào đã chống như thế, 20 năm sau, lớp cũ, và cả lớp kế thừa, vẫn bổn cũ soạn lại, bài bản y chang. Nói theo ngôn ngữ chúng tôi thường kháo với nhau: “Đó là thành phần bị đứt dây cót, đồng hồ cóc chạy nữa”. Lạ thực, và tài thực. Tôi, trí thông minh hình như không tệ lắm, vậy mà nghĩ mãi không ra!

- Ông có khá nhiều kỷ niệm về Mai Thảo. Sau mười ba năm lăn lóc với Hợp Lưu ông cảm nhận gì về câu thường nói của người đàn anh này: “Hừm ! Ra cái đếch gì!”

- Nó gói ghém cả một nhân sinh quan đấy cô ạ. Tưởng chả có gì ghê gớm, nhưng nếu sống gần Mai Thảo, biết được hành trạng thời tuổi trẻ của người đàn ông này, mới hiểu, để thấy mọi thứ đều “ra cái đếch gì”. Mai Thảo đã phải kinh qua một quá trình dài làm người, với tất cả vinh quang và tủi nhục của kiếp người, từ lúc thanh xuân phơi phới (“Nếu cuộc đời là trái núi, hãy đứng dậy mà xem, cuộc đời sẽ nằm dưới chân ta” - Mai Thảo - Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời) đến lúc tay run, mắt mờ, răng rụng (“Thế giới có triệu điều không hiểu /càng hiểu không ra lúc cuối đời” - Thơ Mai Thảo).

Thời vàng son của Mai Thảo, đầu tàu Sáng Tạo, chủ bút nguyệt san Nghệ Thuật, tạp chí Văn, tiểu thuyết gia hàng đầu của miền Nam, mỗi ngày không dưới 6 truyện dài viết từng kỳ cho các nhật báo, “mầm non văn nghệ” gặp Mai Thảo là “run như run thần tử thấy long nhan” (thơ Hàn Mặc Tử.) Mai Thảo hét ra lửa mửa ra khói, Mai Thảo kênh kiệu, trịch thượng, Mai Thảo mặt lạnh như tiền ở các chiếu bạc, Mai Thảo vua sàn nhảy trong những vũ trường xập xình tiếng nhạc quá đêm... để rồi, cuối thập niên chín mươi, người đàn ông ấy, nhà văn hàng đầu ấy, đã trở thành một ông già hom hem nát rượu, đơn chiếc, suốt ngày nằm dài trên chiếc giường sắt cá nhân với chiếc ly thủy tinh cáu bẩn và chai cognac (loại 2 chữ, rẻ tiền) dưới chân giường, trong căn phòng nhỏ 9 thước vuông. Thỉnh thoảng vài văn hữu, đàn em ghé thăm, mang đến cho ông một chai rượu, chiếc phong bì trong xếp thẳng thớm một hai trăm đô la. Cái “uy” của Mai Thảo không còn nữa, tất cả đều nhìn Mai Thảo bằng con mắt trắc ẩn của những con người còn khỏe mạnh nhìn một đồng loại sắp vĩnh biệt trần gian.

Thế đó, chỉ chưa đầy 5 năm ngày vĩnh biệt cõi đời, người đàn ông một thời “làm ra gió, tạo nên bão” đã gần như ra khỏi trí nhớ nhân gian. Tất cả đều là huyễn mộng. Tất cả đều “ra cái đếch gì.”

Đây là bài học lớn nhất Mai Thảo để lại cho tôi. Tôi, một người em văn nghệ, một người bạn vong niên cuối đời của người đàn ông ấy. Hợp Lưu gắn bó với tôi 13 năm, khi từ giã cuộc chơi, triết lý “ra cái đếch gì” đã giúp tôi nhẹ nhàng thoải mái hơn trong quyết định.

- Cuộc đời đầy đau khổ và gian truân của Khánh Trường đã được mô tả trong những trang viết chân thành và cảm động. Dù vậy, nếu có phương tiện, ông có muốn tạo ra một KHÁNH TRƯỜNG JUNIOR bằng phương pháp tạo-sinh- vô-tính -clone- hay không?

- Để làm gì, thưa cô?

Sống như thế, suốt bao nhiêu năm, chưa đủ sao?

Không kể, nếu đi sâu vào lĩnh vực này - clone - tôi nghĩ nhân loại sẽ phải đối diện với những câu hỏi, cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng: Tên KT “phó bản” này được nuôi nấng, dạy dỗ, đào tạo trong hoàn cảnh sống khác với hoàn cảnh sống hắn đã kinh qua. Vậy, hắn có còn là KT nữa chăng, hay nói theo khuynh hướng Phật giáo, thân xác vốn giả ảo, chỉ là cái vỏ linh hồn đã mượn, để đi qua cõi trần gian này trong một kiếp trên vòng quay vô thủy vô chung của luân hồi nghiệp báo. Nếu chấp nhận khuynh hướng này thì một thai nhi, được tạo ra từ một tế bào gốc, cũng chả khác bao nhiêu với một thai nhi kết tinh trong bụng người mẹ. Thai nhi ấy, con người sẽ trưởng thành ấy, thuần túy chỉ là một cái “vỏ”.

- Nếu đúng như nhà văn Trần Vũ dự đoán, “đi tu” không thành chánh quả, ông có trở lại lèo lái Hợp Lưu và vui với “nổi buồng chín tã” không?!

- Tâm cảnh tôi đã khác, trở lại lèo lái Hợp Lưu hay buông bỏ vĩnh viễn không còn là mối bận tâm của tôi. Vả, như đã nói từ đầu, Hợp Lưu đã định hình, đã có một sinh mệnh riêng. Văn hữu viết vì tờ báo, vì đường hướng Hợp Lưu đã vạch và theo đuổi 13 năm qua, chứ không phải vì tôi.

- Xin ông cho một lời khuyên với giới trẻ nào thích viết về đề tài tình dục mà chưa dám xuống đường “phát vãng trinh tiết” như nhà văn Trần Vũ nhận định.

- Chả riêng gì tình dục. Hãy xem công việc viết lách như một nhu cầu, chừng nào nhu cầu đòi hỏi, thỏa mãn nó. Nói cách khác, hãy viết cái gì muốn viết, và tuyệt đối trung thực với lòng mình. Văn chương giống tình yêu, chỉ tác động đối tượng khi xuất phát từ sự thành thực. Mang của giả cho đi, sẽ nhận trả những hồi đáp giả.

- Cả đời, tôi chỉ sợ không đủ trung thực để nói thật, chứ “sợ ai, còn khuya!”. Đây là lời tuyên bố của họa sĩ Khánh Trường. Thế mà theo tiết lộ của ông về cách cư xử đối với các cây viêt nữ thì độc giả có cảm tưởng ông hơi “nể” họ! Vậy... hơi khuya rồi, xin ông hãy nói thật: Django Khánh Trường nể vợ hay sợ vợ ?
- Tôi có tuyên bố như thế ư?

Nếu có thế thì âu lúc ấy tôi bị “điếc” nên “không sợ súng” rồi. Thế mới biết, bút sa gà chết. Nguy hiểm thật! Xin cho tôi được nói lại: Thưa cô, tôi nể lắm, sợ lắm, không chỉ nể vợ, sợ vợ, mà còn nể, sợ tất cả mọi sinh vật có tên là đàn bà. Bằng chứng nhãn tiền, tôi nể cô rất mực, nếu không, tôi đã chẳng cực nhọc ngồi gõ từng chữ trật vuột thế này đâu.

- Mark Twain nói “Không người đàn ông hay đàn bà nào thật sự biết được tình yêu hoàn hảo là gì cho đến khi họ đã kết hôn với nhau một phần tư thế kỷ” . (Ở tuổi ông) ông có tin là có tình yêu hoàn hảo hay không?

- Ôi các ông bà nhà văn! Bao giờ các ông ấy cũng lấy mình làm mẫu số chung, rồi kết luận như đinh đóng cột xuyên qua kinh nghiệm của chính bản thân mình. Mark Twain hẳn nhiên khi phát biểu câu ấy, cũng không ra ngoài “truyền thống” trên. Riêng tôi, đã thấy nhiều cặp vợ chồng rất tâm đầu ý hợp từ lúc yêu nhau, đến lúc lấy nhau, sống bên nhau gần trọn kiếp người. Dĩ nhiên trong khoảng thời gian dài dằng dặc ấy, thi thoảng cũng có lúc cơm không lành canh không ngọt, nhưng đó chỉ là những bóng mây xám, những cơn mưa rào, nó không làm hại đến hạnh phúc, ngược lại, nhờ đó, hạnh phúc trở nên ngọt ngào hơn. Nhìn những cặp vợ chồng này, tôi nghĩ, nếu có kiếp sau, chắc chắn họ sẽ gặp lại nhau, và sẽ tiếp tục yêu nhau, như đã.

Từ đó suy ra, có vẻ như cái mà cô gọi là “tình yêu hoàn hảo”, hay ít lắm cũng gần với hoàn hảo không phải không có. Rất tiếc, cái gì quí thường hiếm. Con người luôn luôn va chạm với những tình huống bất ưng, đến nỗi sự bất ưng trong tình yêu trở thành đương nhiên, trở thành định luật.

- Ông còn điều gì muốn nói nữa không?

- Xin tất cả mọi người, đã yêu tôi, đã ghét tôi: Hãy tha thứ cho tôi, nếu trong dĩ vãng tôi có những lầm lỗi.

- Xin cảm ơn nhà văn / họa sĩ Khánh Trường.

LÊ QUỲNH MAI thực hiện*

*Lê Quỳnh Mai,

- Phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật đài Tiếng Nói Việt Nam (băng tầng 103 3FM ) Montréal, Canada.
- Tuyển Lựa Văn Học Nghệ Thuật tạp chí Hợp Lưu.
- Đã xuất bản: Tác Giả , Với Chúng Ta, gồm các bài phỏng vấn các tác giả: Võ Phiến; Nguyễn Xuân Hoàng; Mai Ninh; Doãn Quốc Sỹ, Trần Mộng Tú; Ngô Thế Vinh; Lê Minh Hà; Nguyễn Mộng Giác; Miêng; Tô Thùy Yên; Võ Đình; Du Tử Lê; Phan Nhật Nam; Trần Vũ, Khánh Trường.
- Sẽ xuất bản: tập truyện ngắn Ngẩu Cảm - Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Goya (tác phẩm chuyển ngữ).  

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1460)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2281)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2256)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 4691)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5536)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1208)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2493)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 1795)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1232)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1404)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.