Đặng Thơ Thơ, sinh năm 1962. Sang Hoa Kỳ năm 1992 – Cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Chủ Đề. .Hoạt động trong ban biên tập Hợp Lưu 2003-2005. .Đồng sáng lập tạp chí Da Màu từ tháng 8/2006 với ĐỗLê Anhđào và Phùng Nguyễn. Chủ biên đầu tiên của Da Màu từ 2006-2008. Hiện là biên tập viên phụ trách sáng tác trên Da Màu. Tác phẩm đã xuất bản: Phòng Triển Lãm Mùa Đông, tuyển tập truyện ngắn (Văn Mới 2002), Khả Thể, tập truyện (2014, NgườiViệtBook). Hiện sinh sống và làm việc tại Orange County – California.
Chỉ với 2 tập truyện ngắn, Đặng Thơ Thơ đã chứng tỏ tài năng của mình. Thực và ảo, huyển hoặc và trần trụi luôn có mặt trong không khí của truyện. Mỗi vấn đề, mỗi vụ việc trong truyện là sự lục lọi, tra vấn đến tận cùng sâu thẳm và không chịu bằng lòng với bất kỳ kết luận nào. Tất cả sự việc từ hiện tượng vật chất đến tinh thần đều “Khả Thể”. Từ ngữ của ĐTT không hề là xác chữ. Nó xứng đáng gọi là con chữ. Tìm kiếm cái bất bình thường trong cái bình thường bằng chính những ẩn ức của đời sống, ĐTT đã đưa người đọc gần gũi được cái hư hư thực thực bên cạnh đời sống có quá nhiều tê điếng, bế tắc. Bế tắc rồi đến hanh thông, âu cũng là cái lẽ thường hằng vậy. Vận dụng kỹ thuật chặc chẽ, tưởng tưởng hết sức phong phú, truyện của ĐTT đã lôi cuốn được người đọc.
Sự xuất hiện của Đặng Thơ Thơ như một hiện tượng trong nền văn chương Việt Nam Hải Ngoại và sẽ tỏa sáng trong tương lai!
Đặng Phú Phong (ĐPP): Chào nhà văn Đặng Thơ Thơ. Trước khi vào cuộc mạn đàm hôm nay, tôi xin được gọi Đặng Thơ Thơ là Nhà văn. Tôi muốn mượn từ ngữ “Khả Thể” là tên của tập truyện mà nhà văn sắp ra mắt bạn đọc - “ Khả thể của mơ”,” Khả thể của viết”- để có một khả thể của tác giả: yếu tố giới tính sẽ loại trừ trong câu chuyện của chúng ta.
Đặng Thơ Thơ (ĐTT): Chào nhà văn Đặng Phú Phong. Vì chúng ta trao đổi bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ “phân biệt giới tính” kỹ lưỡng vào bậc nhất thế giới, nên loại bỏ giới tính là điều không thể. Và cũng chính anh đã đặt vấn đề giới tính qua cách phủ định giới tính của người viết đó thôi. Ngoài ra, yếu tố giới tính sẽ khó thể loại trừ khi bàn về Khả Thể. Điều cần quan tâm là ngôn ngữ chính xác khi bàn về giới tính, vốn là một thành tố nhưng không phải ống kính để nhìn con người và thế giới. Trong đời sống tôi là một phụ nữ độc lập và kiên quyết trong việc thể hiện lý tưởng nữ quyền bằng chính lựa chọn sống của mình. Tôi chọn tựa đề “khả thể” cho tập truyện với niềm tin rằng khả thể nằm trong mọi chuyển động tiến bộ của đời sống. Khả thể đến từ việc dám nghĩ khác đi để bức phá những giới hạn của hiện hữu. Trong lãnh vực sáng tạo thì tôi- trong vị trí người viết - không ràng buộc mình vào một giới tính nhất định nào. Khi tôi viết, điều khởi đi là những tiếng nói vang dội trong đầu, ra mệnh lệnh cho tôi. Thường thì những tiếng nói ấy không có hình dạng của giới tính, không mặc quần áo nam hay nữ, không có khuôn mặt đàn ông hay đàn bà. Những tiếng nói ấy xuất phát từ một nơi nào đó trong tôi, từ ước muốn kể một câu chuyện, dựng một thế giới, và kiến tạo một không gian nghệ thuật với chất liệu ngôn ngữ. Cái tôi sáng tạo mang trong nó những yếu tố giới tính, giai cấp, chủng tộc, lịch sử, và văn hóa của những xã hội nó tiếp xúc, qua tiến trình tích lũy kiến thức và suy nghiệm, và trong tiến trình đó cái tôi sáng tạo sẽ luôn thay đổi. Tùy theo chủ đề và mục tiêu tiếp cận, có những truyện trong Khả Thể mang ý thức giới tính rất rõ (“Người Vợ Khổng Tử và cô Giáo Nữ Quyền”, “Mở Tương Lai”, “Bản Nháp cho Một Tình Yêu”, hay “Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối”). Trong những truyện khác, cái tôi sáng tạo có thể phi giới tính, chẳng hạn như “Lịch Sử Nhìn Từ Âm Bản” hay “Cấy Óc”. Điều này thể hiện qua giọng kể của ngôi thứ nhất, cái “tôi” trong truyện là một nhân chứng lịch sử, hắn tìm cách thay đổi hay dựng lại những mặt khuất của lịch sử, là một cái tôi cũng phi giới tính nốt. Có thể cho rằng “Ký Ức của Người Loạn Tính” được viết từ một cái đầu với nhiều giọng nói hỗn loạn của nhiều giới tính khác nhau, cái đầu ấy đổi vai liên tục để thử nghiệm cảm giác tự do khi khi ý thức giải phóng thể xác, cho phép thể xác làm điều nó phải làm. Cái tôi sáng tạo cũng có thể lưỡng tính như trong “Lý Lịch Hoang Tưởng của Tôi”, từ đầu đến cuối không thể biết chính xác đó là lý lịch của nam hay nữ, và chính sự mơ hồ này làm tăng thêm tính khả nghi của mọi loại lý lịch. Tương tự như Virginia Woolf viết trong cuốn A Room of One’s Own về khả năng sáng tạo của não bộ lưỡng tính, về ưu thế sáng tạo khi con người vượt lên trên những chia cắt của hệ giới tính nam nữ, tôi nghĩ rằng sự trải nghiệm hay cảm nhận đa dạng dọc theo trục giới tính- từ hệ giới tính nam-nữ, qua lưỡng tính, phi giới tính, đến đa giới tính- là một cách để tiếp cận người đọc hiệu quả nhất, trong thời đại chúng ta đang sống, với cái nhìn toàn cầu về những vấn đề chung của con người.
ĐPP: Xuyên suốt qua 9 truyện trong Khả Thể, Nhà văn đã cho người đọc một cảm nghiệm là việc gì cũng có thể xảy ra, tùy theo sự dẫn dắt của lý trí, của quan niệm đạo đức (không thiếu phần tình cảm). Như vậy giữa Khả thể và Chủ nghĩa hoài nghi (Skepticism) có liên quan gì không? và tại sao?
ĐTT: Tôi nghĩ Khả Thể là kết hợp của hoài nghi và lạc quan cùng lúc. Hoài nghi những định chế có sẵn và hoài nghi cả khả năng tồn tại của những định chế ấy trong việc kềm hãm tư duy của con người, và trong cách đó thì hoài nghi trở thành lạc quan, và tích cực. Tôi tin vào khả năng của con người như những nhân tố tích cực để thay đổi và làm cho xã hội tiến bộ, công bằng, và nhân bản hơn. Khả Thể chất vấn nhiều thành trì tư tưởng và những giới hạn trong con người. Viết những điều này ra là một cách đối thoại với cuộc sống, và tìm ra lý do đằng sau những mâu thuẫn của đời sống, những vấn đề về bản chất con người, bản ngã, kiến thức, niềm tin, mục đích sống, những lý do quan trọng với riêng tôi. Với “cảm nghiệm là việc gì cũng có thể xảy ra, tùy theo sự dẫn dắt của lý trí”, ngôn ngữ sáng tạo đóng một vai trò chủ đạo trong Khả Thể, đó là khả thể của ngôn ngữ và của văn chương. Khả thể của ngôn ngữ cho phép chúng ta dựng một văn bản và nghi ngờ những gì nằm trong văn bản với tính xác quyết của nó. Khả thể của văn chương là tạo ra những không gian cho tưởng tượng với sự hoài nghi là nguồn gốc của mọi sáng tạo và khai phá.
ĐPP: Trong truyện “Con yêu tinh thứ 108” có câu này: “Thuốc men không cách nào ụa cảm giác này khỏi cơ thể, tôi không cách nào ụa cái xác ra khỏi ý thức, bởi nó đã mãn tính bám vào tôi mấy chục năm nay”. Tôi cho rằng chữ “ụa” này là một chữ rất mới và thật đắc. Nó bắc cầu giữa hiện thực và khái niệm, giữa hiện hữu và huyễn tưởng. Nó cũng báo hiệu cho dòng tư tưởng của tác giả muốn vận dụng tình cảm qua ngả lý trí để đưa biên độ giữa thực và không thực đi đến mức triệt tiêu trong suốt tập truyện “Khả Thể”. Để giới thiệu về mảng văn chương hàm chứa rất nhiều tư tưởng, luận đề của mình, cũng như một nhà văn gọi là Tân-Tự-lực-văn-đoàn “NeoTLVĐ” Nhà văn sẽ minh thị như thế nào?
ĐTT: Nhiều người cho rằng “Con yêu tinh thứ 108” là truyện mang tính giễu nhại/châm biếm chính trị, một political satire. Tôi thích thú với truyện này ở chỗ nó như một hòn đá nhắm được hai mục tiêu chính trị, đó là diễn ngôn trên bề nổi của truyện. Nhưng với thời gian, khi những đối tượng chính trị không còn là mục tiêu nữa (hy vọng vậy), thì điều còn lại mà cũng chính là cốt lõi của truyện là “công án thiền” do tôi đặt ra về con yêu tinh thứ 108 mà cũng là câu hỏi cho Việt Nam. Chúng ta có đủ can đảm nhìn vào chính tấm gương và tự hủy đi phần ma quỷ trong chính mình hay không? Để thực hiện đúng lời hứa với chính mình là giết được con yêu tinh, cái giá mỗi người phải trả là bằng chính đời sống mình.
Về ý kiến cho rằng Khả Thể có tính luận đề, có lẽ vì nhiều truyện vận dụng những ý niệm làm nền tảng và những ý niệm luôn đi theo những nhân vật và đóng một vai trò không nhỏ trong việc xây dựng nhân vật. Tôi thích cách nhận định của nhà phê bình Trần Doãn Nho khi ông gọi Khả Thể là sự “trình diễn ý niệm trên hiện thực”:
“Đọc “Khả Thể”, tôi tìm thấy trò chơi đó được thể hiện bằng một sự đan xen giữa ý niệm và hiện thực. Tập truyện bám sát những vấn đề của đời sống, từ chuyện chết, chuyện về ngày 30 tháng Tư, chuyện tôn giáo cho đến chuyện đồng tính luyến ái và chuyện tình yêu. Dưới cái nhìn soi mói và đầy ý thức, hiện thực hiện ra không “hiền lành”, không tĩnh tại mà là một đối tượng…“khảo sát”. Tác giả khảo sát về sự hiện diện của một xác ướp, hơn thế nữa, xác ướp của một lãnh tụ và qua đó, khảo sát về cái chết trong “Con yêu tinh thứ 18”; khảo sát về ngày 30 tháng 4, khảo sát về sự chuyển giới tính, khảo sát về chân dung một người phụ nữ Á đông, khảo sát về tình yêu, khảo sát về Thánh Kinh. Từ đó xuất hiện ý niệm. Nói khảo sát hay nói ý niệm nghe có vẻ nặng nề, có vẻ lý thuyết. Thực ra, đây không phải là những ý niệm áp đặt như người ta áp đặt một quan niệm phê bình hay một lý thuyết văn học. Hay một lời dạy bảo luân lý, kiểu tiểu thuyết luận đề. Đúng ra, Khả Thể là những suy nghiệm. Suy nghiệm toát ra, rò rỉ ra từ sự tiếp cận với hiện thực và kinh nghiệm sâu lắng về hiện thực. Mỗi một mảng hiện thực toát ra những suy nghiệm. Có khi chúng trùng lặp nhau; có khi chúng mâu thuẫn nhau. Hiện thực trong Khả Thể là hiện thực được chắt lọc để suy nghiệm, một thứ hiện thực thấm đẫm ý niệm. Có thể nói, đó là sự trình diễn của ý niệm trên cái nền của hiện thực. Hay là sự bóp méo vo tròn hiện thực trên cái nền của ý niệm.”
Trong câu hỏi, nhà văn Đặng Phú Phong đã đưa ra nhận định rằng Khả Thể “đưa biên độ giữa thực và không thực đến mức triệt tiêu”. Chúng ta thử nghĩ xem điều này có nằm trong quan tâm của truyện ngắn huyễn tưởng hiện đại không, khi theo Borges thì gồm bốn yếu tố: truyện trong truyện, hiện thực bị giấc mơ can thiệp, thời gian phi tuyến tính, và sự hóa thân hay phân thân. Những điều này vừa là chủ đề vừa là kỹ thuật để Borges xây dựng truyện và chúng gắn chặt hữu cơ với nhau. Trong tập truyện của tôi, những Khả Thể của Mơ cũng đã xâm lấn và làm vẩn đục hiện thực và đẩy hiện thực ra khỏi vị trí trung tâm, tạo ra những khả thể mới của thời gian và lịch sử. Ngoài ra, những Khả Thể của Viết vừa là những truyện nằm trong truyện, vừa là sự nhân đôi bản thể, vừa xóa biên độ giữa hình thức với nội dung. Nơi nào ranh giới giữa hiện thực và thế giới của tiểu thuyết (không thực) triệt tiêu, nơi đó bắt đầu những cấu trúc mới và những tự sự mới của tiểu thuyết huyễn tưởng đương đại.
ĐPP: “Mở Tương Lai” là một tự truyện mở. Mở, để cho “ Hương” có thể đến với“tôi” bất kỳ lúc nào, dẫn “tôi” đến bất cứ nơi đâu. Nụ hôn giữa “Hương” và “tôi” là nụ hôn của tình dục tự nhiên hay của đồng tính? Yếu tố không gian và thời gian thực trong câu chuyện này ảnh hưởng như thế nào đối với sự quan hệ giữa “tôi” và “Hương”? Nhân vật “tôi” dùng giấc mơ để tạo ra số phận “tôi” và cũng dùng “tôi” để tạo ra giấc mơ. Lẫn lộn giữa ma thuật và đời thường. Chất đồng bóng nằm trong chuyện này có dẫn dắt “tôi” đi về một tương lai khác?
ĐTT: Yếu tố “mở” là chìa khóa để đi lại trong không gian truyện. Yếu tố “mở” cũng là giấy thông hành đi lại giữa hai thời điểm 1975 và 2005 (là lúc tôi viết “Mở Tương Lai”). Tuy nhiên “Mở Tương Lai” không hoàn toàn là tự truyện. Phần mang nhiều tính tự truyện là những ký ức của tôi giai đoạn 30 tháng 4. Những phần viết về nhân vật Hương và tình cảm với Hương hoàn toàn là hư cấu. Tương quan giữa “tôi” và Hương là biện pháp kỹ thuật để xây dựng không gian của tự sự. Điều này cho phép những suy nghĩ về thân phận, định mệnh, hiện tại, tương lai, và các chọn lựa sống dễ dàng tương tác qua lại giữa hai cực của đời sống là tuyệt vọng và ước vọng. Khác với nhân vật cô Hồng Trang và bà ngoại (xây dựng từ người thật), nhân vật Hương không hẳn có thực vì (1) Hương không có mặt ở thời điểm 30/4 của tôi ngoài đời và (2) Hương không chết trong truyện. Trong quy ước của truyện, cái chết là cách xác minh điều có thật và những giá trị thật. Nếu chưa chết thì khả năng thay đổi vẫn tiếp tục xảy ra. Việc mang Hương vào truyện là một thủ pháp nhằm xây dựng một hiện thực nội tâm của nhân vật “tôi” và để củng cố tính đối chiếu giữa các cặp nhị nguyên về hiện hữu như mơ-thực, chết-sống, người-ma (Hương-cô Hồng trang), vv… Quan hệ giữa tôi và Hương đưa ra liên tưởng về thời gian đồng hiện khi tôi thuộc về qúa khứ cùng hiện hữu với Hương của tương lai, như đã xác định ngay đầu truyện về tính đa chiều của thời gian và tính đa thời gian của những giấc mơ. Tựa truyện là “Mở Tương Lai” nhưng thực chất đó là sự cải táng quá khứ: nhìn lại quá khứ với tất cả sự can đảm như khi nhìn vào một thây người thối rữa nằm dưới huyệt, hít thở mùi vị của cái chết, để mùi vị đó xuyên thấu linh hồn mình. Đó là cách tạo một không gian ý nghĩa cho một quá khứ phi lý mà khi thoát khỏi nó, tôi có cảm tưởng mình là một hồn ma nhìn lại cái chết của bản thân và của thời đại mình đã sống. Đó cũng là một ước vọng rằng những hồn ma của quá khứ sẽ còn một chỗ đứng ở tương lai. Miền Nam đã chết từ 30 tháng 4 nhưng hồn ma của nó vẫn tồn tại đến hôm nay, đó là một hiện hữu thật dù dưới dạng bóng ma ám ảnh.
Về câu hỏi đặt ra “Nhân vật “tôi” dùng giấc mơ để tạo ra số phận “tôi” và cũng dùng “tôi” để tạo ra giấc mơ”, trò chơi của giấc mơ là một thủ pháp để dàn xếp không gian và thời gian, vốn là yếu tố chính để dựng truyện này. Nhà văn John William Dunne (người Anh) đã nhận định rằng quá khứ, hiện tại, và tương lai cùng hiện diện đồng loạt, điều này có thể chứng minh qua các giấc mơ. Như vậy đời sống là đi theo trình tự thời gian còn giấc mơ phá vỡ trình tự đó. Chỉ qua cách giản lược, rút ngắn, hay hoán đổi thời gian trong mơ thì chúng ta mới mang những không gian rời chập lại với nhau. Con người vừa là chủ thể của giấc mơ vừa là những nhân vật trong giấc mơ của chính họ. Về tình cảm giữa nhân vật “tôi” và Hương, một khả thể khác của mơ, điều này nảy sinh trong quá trình viết, tôi hoàn toàn không định trước. Tình cảm này đến do yêu cầu khai triển truyện, như tôi đã nói ở trên. Nụ hôn trong truyện là chỗ nối giữa hiện tại và tương lai, một biểu hiện tình cảm đồng tính, và tình cảm này cũng tự nhiên như mọi loại tình yêu khác giới tính hay lưỡng tính. Nếu đã ở trong thế giới đồng tính thì sẽ hiểu ngay điều này. Đến đây tôi muốn mở ngoặc để nói về khái niệm “heteronormativity” vì cách phân biệt trong câu hỏi phản ảnh cách suy nghĩ một chiều của số đông dị tính khi nhìn về thiểu số đồng tính, số đông này căn cứ vào chính họ để đặt ra những tiêu chuẩn cho tất cả, và cho rằng những gì khác họ là không tự nhiên hay bất thường. Heteronormativity, tạm dịch Chuẩn Mực Dị Tính, sẽ dẫn đến việc kỳ thị khuynh hướng đồng tính và các giới tính không thuộc hệ nhị nguyên nam-nữ. Số người đồng tính chiếm mười phần trăm dân số loài người, cứ 10 người thì có một người đồng tính, xác xuất là gia đình nào cũng có người đồng tính, tỷ lệ người đồng tính còn nhiều hơn tỷ lệ người thuận tay trái. Việc trừng phạt một đứa trẻ thuận tay trái bằng cách bắt nó dùng tay phải là một thí dụ dễ hiểu nhất của “heteronormativity: những người thuận tay phải cho rằng dùng tay trái là bất thường vì như thế là khác với họ/đa số. Điều này cũng áp dụng cho mọi liên hệ giữa các nhóm đa số và thiểu số, nhóm trung tâm và nhóm ngoại vi, … Những nhóm có ưu thế về quyền lực sẽ không thể hiểu rõ những nhóm yếu thế vì họ ở vị trí trung tâm và họ quen dùng chính họ làm tiêu chuẩn cho những nhóm ngoại vi, như trường hợp người da trắng và dân da màu, cách nam giới nhìn về nữ giới và đánh giá những đặc điểm nữ tính. Nhưng ngược lại, những nhóm ngoại vi/thiểu số/kém ưu thế hiểu rất rõ chính họ và hiểu cách họ bị nhìn/phán đoán ra sao bởi những nhóm quyền lực trung tâm. Điều này cũng tương tự như lịch sử người miền Nam gần như vô hình với nhà cầm quyền trong nước và trong cách nhìn vấn đề của người Mỹ về cuộc chiến vậy thôi.
ĐPP: Truyện “Lịch Sử Nhìn Từ Âm Bản” là một cách muốn lịch sử xảy ra ngược lại, lấy lại “danh dự của miền Nam bại trận”. Điều đó giúp ích gì cho một Việt Nam tương lai?
“Lịch Sử Nhìn Từ Âm Bản” trước tiên là một lời tri ân của tôi dành cho những người miền Nam đã tuẫn tiết ngay sau biến cố 30/4 hay sau đó tự sát và chết trong lao tù, và những người lính của cả hai bên đã hy sinh trong cuộc chiến. Tôi muốn nói đến liên hệ giữa cái chết và thời gian, cái chết có thể chặt lìa thời gian chăng, hay nó là một trong nhiều cái chấm nối kết thời gian chặt chẽ hơn. Thời gian kể từ biến cố 30/4 trở đi được làm bằng những cái chết và được lưu giữ bằng ký ức về những cái chết này. Tôi viết LSNTAB với niềm tin vào tính nhân bản của con người và của miền Nam, những con người bình thường và những người đã hy sinh xương máu. Sự trả giá bằng xương máu có khi cần thiết, có khi uổng phí, và trong trường hợp Việt Nam là phi lý nếu nhìn vào những thương tổn kiệt quệ của dân tộc để đánh đổi lấy tình trạng đất nước ngày hôm nay. Trong LSNTAB, tôi muốn nhắc lại điều đã viết trong “Mở Tương Lai”: “Tương lai không có quyền thay đổi một cái chết trong quá khứ. Mọi giá trị sẽ thay đổi. Nhưng giá của cái chết thì không.” Đó là cái giá sống còn của cả một dân tộc, được cộng lại bằng những cái chết hào hùng và những đóng góp can trường, để tồn tại và để tự hào. Những giá trị của một dân tộc là bảo chứng cho tương lai dân tộc đó. Một dân tộc không biết trân trọng xương máu đổ ra và thiếu trung thực với lịch sử sẽ luôn luôn mắc nợ quá khứ và món nợ này sẽ đổ lên đầu những thế hệ tương lai. Với sự giả dối, bưng bít, và bôi xóa quá khứ đang hiện hành thì tương lai của dân tộc Việt Nam là sự què quặt tinh thần như một thứ bệnh rỗng óc. Nhưng vẫn còn hy vọng khi con người biết tận dụng tiếng nói như vũ khí, xuyên không gian, xuyên thời gian, xuyên cả định mệnh, cái chết. Đó là di sản lương tri của nhân loại sẽ phải tồn tại và lưu truyền. Khi tôi viết những dòng này thì đài truyền hình đang loan tin lễ tưởng niệm 20 năm biến cố thảm sát người Hồi Giáo Bosnia, một cuộc diệt chủng ghê rợn khi quân Serb tràn vào Srebrenica năm 1995. Thủ Tướng Serbia là ông Aleksandar Vucic có mặt trong buổi lễ. Tuy sự có mặt của ông gây bạo động từ đám đông phẫn uất, những người quả phụ và những người mẹ mất con trong biến cố cho biết họ ghi nhận thiện chí của ông Vucic. Bà Kada Hotic, vừa mất cả chồng lẫn con trai trong vụ thảm sát, đã nói với Thủ Tướng Vucic: “Chúng ta chỉ có thể xây dựng tương lai trên sự thật. Không thể phủ nhận sự thật” ("Only on truth we can build a future. You cannot deny the truth"). Thế hệ Việt nam tương lai cần biết những sự thật bị che đậy và xuyên tạc do chế độ toàn trị độc tài trong nước và sự giả trá nhập nhằng trong những khái niệm về anh hùng và kẻ thù của tổ quốc. Đâu là những anh hùng hư cấu của một thứ lịch sử tuyên truyền, và đâu là những người đã chiến đấu cho lý tưởng tự do. Việt Nam tương lai cần sự thật làm nền tảng cho mọi hướng đi, quyết định, và mục tiêu- vừa cá nhân vừa tập thể, và trên bình diện quốc gia dân tộc.
“Lịch Sử Nhìn Từ Âm Bản” là một lịch sử khác, lịch sử tâm thức của một nửa bị từ khước khỏi quyền lực chính thống trong nước. Cũng như “Mở Tương Lai”, lịch sử nhìn từ âm bản là một thách thức với lịch sử trên bề nổi hay lịch sử dương tính, đó là một lịch sử nằm ngoài thời gian vật lý của định mệnh. Lịch sử đó vất vưởng như oan hồn của một cái chết đột tử tiếp tục ở lại ám ảnh ngôi nhà cũ với người chủ mới, một hiện diện phi vật lý theo mắt thường nhưng thường trực cảm nhận bằng giao cảm. Tuy cả hai truyện “Lịch Sử Nhìn Từ Âm Bản” và “Mở Tương Lai” nằm trong phần Khả Thể của Mơ, qua hành động viết mà lịch sử miền Nam tiếp tục tồn tại như một khả thể, một điều dường như không tưởng nhưng đã xảy ra, bên ngoài biên giới quốc gia thực thể nhưng đã và đang bành trướng dưới hình thức đối trọng với những áp chế lịch sử dương bản hiện hành. Hơn nữa, âm bản của một tấm phim là một hiện thực dưới dạng chưa khai triển, nó chưa hình thành nhưng sẽ, nó còn là một tiến trình phía trước, của tương lai, của những thế hệ di dân ngoài nước. Nó còn giữ trong chính nó nhiều bí ẩn của phòng tối. Nó chống lại việc đóng hồ sơ, việc khóa sổ một lịch sử riêng chung của một cộng đồng và nhiều thế hệ tiếp theo.
ĐPP: Nhà Văn dùng cách nào để nhập vai khi thì BrandonTeena, khi thì Lawrence “Larry” King trong truyện “Ký Ức của Người Loạn Tính” và “Tôi” trong “Mở Tương Lai”? Nhà Văn có dự kiến nào cho tương lai “khả thể” của tính đồng tính, lưỡng tính, loạn tính?
ĐTT: “Ký Ức của Người Lọan Tính” là một sân khấu với nhiều giới tính cùng đồng diễn. Như đã nói ở trên, vượt biên giới của giới tính là hành động của ý thức tự do và lời tuyên bố quyền tự do trên thân thể mình. Viết “Ký Ức của Người Loạn Tính” là một cách để tôi “sống” những thân thể chuyển giới tính, để hình dung, trải nghiệm, và chia xẻ những nỗi đau của người đổi giới tính. Và cũng để học hỏi sự can đảm của họ, can đảm để là chính mình dù phải trả giá rất đắt bằng mạng sống. Và cũng để chất vấn khái niệm giới tính đóng khung trong hình dáng của bộ phận sinh dục: giới tính nam có phải chỉ đơn giản là việc có dương vật và giới tính nữ chỉ căn cứ vào âm hộ với tử cung, buồng trứng? Có khi giới tính là căn cước cá nhân, có khi nó chỉ là cái áo khoác ngoài. Có khi nó là sự trình diễn bản thể, có khi nó là cả một quá trình điều kiện hóa con người, một hệ thống ý nghĩa, ký hiệu, ngôn ngữ để định nghĩa cá nhân. Thay đổi đã xảy ra trên Liên Bang Mỹ trên mặt bằng pháp lý và đi xuống các cấp tiểu bang và chính quyền địa phương. Sau phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, những tổ chức/thể chế trước nay vẫn kỳ thị người đồng tính sẽ phải điều chỉnh và thay đổi (quân đội, hướng đạo, tôn giáo…). Giới tính cần đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Tôn giáo cần thay đổi cách nhìn/giáo điều về giới tính và tính dục. Những người đồng tính trong cộng đồng Việt Nam nên sống công khai để cộng đồng quen dần với hiện diện của họ. Tương lai biết đâu tổng thống Mỹ sẽ là một người đồng tính, chuyển giới tính, hay lưỡng tính? Tương lai hy vọng chúng ta sẽ không phải đặt những câu hỏi về giới tính nữa vì mọi người đã hiểu biết, đã thông cảm, và đã là một chuyện tự nhiên.
ĐPP: Trong “Bản Nháp cho Một Tình Yêu” là hai bản (version) nằm trong trong một bản. Tôi đã ghép tất cả những lời đối thoại của nhân vật “cô gái” và nhân vật “anh” riêng với lời trần tình của nhân vật “tôi”. Nghệ thuật phân thân giữa “tôi” và “cô gái” rất tuyệt diệu. Nhưng quan hệ giữa “cô gái” và “tôi” là thứ quan hệ triệt tiêu nên cuối cùng câu chuyện phải để ngỏ. Liệu cấu trúc của một câu truyện tình yêu mà Nhà Văn đã tô đậm để khai triển, sẽ có ảnh hưởng cho lối viết của những thế hệ cầm bút tiếp nối?
ĐTT: Những tiểu đề in đậm là những yếu tố cần quan tâm khi viết một truyện ngắn: xây dựng nhân vật, bối cảnh, cao trào, thắt nút, mở nút, các mô thức tạo mâu thuẫn trong truyện mà thông thường là mâu thuẫn giữa các nhân vật với nhau, giữa nhân vật với thế giới, và giữa nhân vật với chính bản thân họ. Việc đặt những tiêu đề là để tạo hình thể riêng cho truyện. Như một cách trưng bày những kỹ thuật xây dựng truyện, vừa để cho thấy đây là một truyện viết theo bố cục cổ điển, vừa cùng lúc phá hình thức đó bằng thủ pháp siêu hư cấu (metafiction). Thông thường những truyện kiểu siêu hư cấu rất khô, vì thuần kỹ thuật. Tôi muốn thử dạng siêu hư cấu để dựng một truyện tình xem tác động như thế nào. Chúng có mục đích kỹ thuật khi đặt để trong truyện, để luôn nhắc nhở người đọc về bản chất của thứ họ đang đọc: chắc chắn không phải đọc một chuyện tình. Tôi dùng chúng để cấu trúc truyện thành một tự sự kép, một cách kể chuyện nước đôi, và cho thấy việc tuân thủ những quy ước tiêu chuẩn có thể phản tác dụng. Vì người kể xưng “tôi” là một nhà văn, “tôi” tìm cách điều khiển những nhân vật theo ý mình, nhưng “tôi” cũng bị nhân vật “cô gái” điều khiển lại, vậy thì cái gọi là truyện nằm ở đâu trong truyện này? Những tiêu đề tô đậm có thuộc về truyện chăng? Cần lưu ý tựa đề truyện là “bản nháp”. Hình thức trình bày là một dàn bài. Đi ngược với cách viết thông thường là viết từ bản nháp thành truyện, còn đây là sắp xếp truyện thành ra bản nháp. Mỗi thế hệ sẽ cần một lối viết riêng để thực hiện những vấn đề của thời đại họ sống và cách thế hệ họ nhìn nhận sự nhập nhằng giữa đời sống và chuyện viết, và những sự thật lẫn hư cấu của cả hai.
ĐPP: Cũng qua truyện này, Nhà Văn đã hình thành một khả năng tình yêu được xây dựng từ sự (tôi gọi là) lãng mạn lý trí. Chất thơ mộng của tình yêu bị những xung đột nội tâm làm tan biến. Điều này có nằm trong tiên liệu của nhà văn hay không? Nếu có thì đây chỉ là một thử nghiệm hay thật sự là rao giảng?
ĐTT: Truyện đi lại thường trực giữa hai thái cực lãng mạn và lý trí, giữa phương pháp viết và cảm xúc yêu. Cấu trúc siêu hư cấu trong việc dàn dựng truyện cho phép người viết tự do di chuyển, lại gần, nhập vai, hay giữ một khoảng cách với nhân vật. Càng để ống kính tiến lại gần thì càng tăng cường độ cảm xúc (lãng mạn), và ngược lại kéo camera càng xa thì càng tạo khoảng cách để quan sát và điều khiển tình huống (lý trí). Nhận xét ở câu số 7 về “thứ quan hệ triệt tiêu” giữa “tôi” và cô gái rất hay: tình cảm và lý trí phải bù trừ nhau trong trò chơi này, và để tránh lối biểu diễn tình cảm thái quá khi nói về sự điên dại của tình yêu, chúng ta cần sự tỉnh táo của phương pháp và kỹ thuật tay nghề. Tôi không định rao giảng gì cả. Đây là một thử nghiệm, một trò chơi tinh thần, một trò đùa ngôn ngữ của tôi, về những “khả thể” của viết: Chúng ta có thể dọc “Bản Nháp cho Một Tình Yêu” như một truyện ngắn hoặc đọc nó như một bản nháp? Chúng ta cũng có thể “đọc” cách dàn dựng như chủ đề của truyện, nếu chấp nhận hình thức những tiêu đề của dàn bài? Có phải đây là truyện về tình yêu? Cảm giác khi đi theo mạch truyện có giống cảm giác sống trong tình yêu? Như vậy tình yêu thường có cấu trúc của một truyện ngắn? Tình yêu và truyện ngắn giống nhau ở tính cách “nháp” hay tình yêu và truyện ngắn đều chỉ là bản nháp (của nhau)? Đối tượng yêu trong truyện là gì nếu đây không phải truyện về tình yêu? Sự ích kỷ/ tham lam tuyệt đối của nhà văn? Để đạt mục tiêu sáng tạo, người viết cần phải làm cách nào để vượt khỏi chính mình?
ĐPP: Vấn đề bình quyền trong giới tính không hề xa lạ trong đời sống, trong văn chương. Trong truyện “Người Vợ Khổng Tử và Cô Giáo Nữ Quyền”, Nhà Văn đã muốn đưa lên đến rốt ráo vấn đề là: “Khái niệm trẻ đẹp cần phải xóa bỏ để có bình đẳng thật sự về giới tính”. Nếu như vậy xã hội, nghệ thuật sẽ ra sao?
ĐTT: Nhận định đó là của nhân vật cô giáo nữ quyền. Từ đó, tôi muốn nhắc lại một nhận định từ nhà phê bình Trần Doãn Nho về truyện này: “Phải chăng Khổng phu nhân đã là một bi kịch mà người muốn phục hồi Khổng phu nhân cũng lâm vào một bi kịch khác: bi kịch “phụ nữ”? Vì rốt cuộc, cô ta vẫn tồn tại như một phụ nữ. Đó là mặc cảm phụ nữ. Chính mặc cảm mình là phụ nữ nên cô ta vẫn bị dính bám vào một quan niệm phổ biến mà trước đây cô từng lên án: trẻ và đẹp. “Khái niệm trẻ đẹp cần phải xóa bỏ để có bình đẳng thật sự về giới tính,” và “kỹ nghệ sửa sắc đẹp khiến phụ nữ luôn bị mặc cảm và ghét bỏ chính thân thể họ.”Vậy nữ quyền tuyệt đối phải chăng là một nỗ lực vượt thoát trở ngại cuối cùng, đó là mặc cảm phụ nữ!”
Nhà phê bình Trần Doãn Nho đã nêu đích danh kẻ thù của nữ quyền là “mặc cảm phụ nữ”, quá đúng. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng cái gọi là “mặc cảm phụ nữ” là kết quả của chế độ phụ hệ mà khái niệm trẻ đẹp là cái bẫy. Đặt lại câu hỏi là các tiêu chuẩn trẻ đẹp là do đâu mà ra: dựa vào ý thích của nam giới, việc phụ nữ bị nhồi sọ từ nhỏ rằng họ bị đánh giá qua ngoại hình, nguồn lợi nhuận khổng lồ từ kỹ nghệ sắc đẹp, thời trang, văn hóa đại chúng, mục tiêu thương mại? Có đầy rẫy những bất công trong cách xã hội quy định tiêu chuẩn nhan sắc và sự trẻ trung cho hai giới tính. Tôi đã có lần trình bày những điều này trong chuyên đề Phụ Nữ & Giới Tính năm 2011 trên Da Màu với tiểu luận “Hệ Lụy của ‘Phái Đẹp’ hay ‘Đừng Nhìn Em Nữa Anh Ơi’” (http://damau.org/archives/22385). Trong đó tôi đã phân tích những tác động của xã hội lên thân thể nữ, những cách thức xã hội dùng để quy định/trói buộc phụ nữ (phải) là phái đẹp, và vấn đề tính dục hóa hình ảnh phụ nữ như một hình thức phân biệt/kỳ thị giới tính. Mặc cảm phụ nữ nằm trong những quy ước xã hội/gia đình/tôn giáo về nam tính và nữ tính: nam mạnh, nữ yếu, nam là tinh thần, nữ là thể xác, nam chủ động, nữ thụ động, vv… Trong cách nghĩ “nhị nguyên” đó người phụ nữ luôn ở thể phủ định của những ưu điểm mà xã hội quy định cho nam giới. Nếu nam giới nắm giữ những ưu điểm tích cực thì những nét tiêu cực và nhược điểm sẽ phải quy cho phụ nữ. Đó vẫn là cách nghĩ phổ biến trong xã hội ngày nay khi nữ tính (femininity) vẫn bị coi là kém thế so với nam tính (masculinity). Điển hình là người phụ nữ nhiều nam tính được xã hội chấp nhận hơn một người đàn ông nhiều nữ tính. Phụ nữ mặc trang phục nam được coi như biểu hiện của cá tính mạnh mẽ độc lập, còn nam giới nếu mặc váy đầm sẽ bị coi là bệnh họan, có vấn đề, hay là mục tiêu chế nhạo. Tuy chúng ta hay đề cao nữ tính với những đức tính như hy sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng, nhạy cảm, tinh tế, nhưng hễ nói đến nữ tính thì tự động người ta sẽ nghĩ đến những nét tiêu cực của nữ tính (trong tương quan với nam tính). Khi chê bai những người đàn ông thì câu cửa miệng là “nhiều chuyện như phụ nữ”, hoặc “nhỏ mọn như đàn bà”, tuy về mặt bảo vệ quyền lợi thì chắc chẳng phái nào nhường phái nào. Cách dùng giới tính để phán đoán do đó rất sai và rất oan uổng cho nữ giới vì tất cả cá tính là những yếu tính thuộc bản chất người (tự nhiên) và không thuộc bản chất giới tính (do xã hội tạo ra).
Tiêu chuẩn đẹp của nghệ thuật và thẩm mỹ trong đời sống có bị ảnh hưởng không nếu người phụ nữ được giải thoát khỏi “mặc cảm trẻ-đẹp”? Chắc chắn không. Tranh chân dung của Alice Neil là những tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân bản tuy những thân thể người mẫu của bà không hề “đẹp mắt” theo kiểu photoshop. Những tác phẩm này nói lên sự thật về con người, về thân thể nữ, về tuổi tác, về sự già nua, về xương thịt và những nỗi đau của nó - khác với lối vẽ phụ nữ lõa thể của nam họa sĩ nói chung: tạo ra những hình thể mượt mà quyến rũ như cách phóng tưởng về một đối tượng tình dục. Tranh Picasso vẫn đẹp tuy những người phụ nữ trong tranh vẫn khóc và vẫn đau khổ, thiên nhiên vẫn đẹp, một món hàng có “đẳng cấp” vẫn thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người. Chỉ có một thay đổi: phụ nữ không còn bị “vật thể hóa” thành những siêu mẫu, biểu tượng tình dục, những bộ phận thân thể (đùi, ngực, mông…) để quảng cáo thời trang, đồ lót, áo tắm, và để bán những món hàng. Phụ nữ không phải căm ghét hay mặc cảm với chính thân thể mình. Phụ nữ không cần so sánh mình với những hình ảnh “hoàn hảo” do photoshop của những người mẫu trên tạp chí. Phụ nữ được tự tại với chính hình thể họ. Phụ nữ là những chủ thể tự tin trong mọi hoàn cảnh. Tài năng và cá tính của phụ nữ là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của họ. Nhan sắc và tuổi trẻ không còn là những tiêu chuẩn phân biệt khi bàn về giới tính. Nếu phụ nữ không bị ám ảnh bởi chuyện trẻ và đẹp thì họ sẽ sung sướng hơn nhiều. Và họ sẽ còn cống hiến nhiều hơn cho xã hội về tài năng, trí tuệ, sức lực, thời gian. Trẻ và đẹp không nên là tiêu chuẩn để định mức giá trị của người phụ nữ. Đó cũng là môt “khả thể” mà tôi mong muốn.
ĐPP: Những điều Nhà văn ĐTT vừa trình bày có phải như là bổ sung cho câu nói của Bà Simone De Beauvoir “Tinh thần không có giới tính” (L’esprit n’a pas de sexe)? Và cũng từ đây tôi muốn hỏi thêm: Nhà văn nghĩ sao về sự làm đẹp của phái nam (rất nhiều) trong khoảng thập niên vừa qua?
ĐTT: Simone de Beauvoir cũng nói “Người ta không sinh ra, nhưng trở thành phụ nữ” (One is not born, but becomes a woman) Như vậy cũng có thể nói người ta sinh ra không phải đã là đàn ông mà trở thành đàn ông. Những quy chuẩn về giới tính là do xã hội tạo ra và sẽ thay đổi với những trào lưu xã hội trong các môi trường văn hóa, kinh tế, và bây giờ là khuynh hướng toàn cầu. Tôi không chống đối chuyện làm đẹp của bất cứ phái nào. Đó là quyền tự do cá nhân. Yêu thích cái đẹp là bản tính tự nhiên của con người. Chỉ khi nào con người bị áp lực phải làm đẹp và/hay bị phân biệt đối xử bởi tiêu chuẩn “trẻ đẹp” thì đó mới là điều không tự nhiên. Việc con người bị áp lực bởi tiêu chuẩn ngoại hình cũng giống như bị kỳ thị do màu da hay giới tính hay khuynh hướng tình dục, là những yếu tố bẩm sinh và ngoài tầm kiểm soát của con người. Hiện tượng sửa sắc đẹp ở nam giới là dấu hiệu nam giới cũng bị áp lực của đời sống xã hội và văn hóa, và nhất là nghề nghiệp. Sự kiện phái nam căng da mặt, hút mỡ bụng, cấy tóc… ngoài lý do thẩm mỹ, còn là lý do kinh tế để giữ giá trong thị trường lao động. Các hãng tư nhân có khuynh hướng sa thải những người trung niên để mướn giới trẻ, vừa trả lương thấp hơn vừa được đào tạo với nhiều kiến thức cập nhật hơn, vừa trẻ trung năng động hơn. Những người anh họ của tôi gần đây “phải” đi gym để giữ thân thể gọn gàng, thường xuyên nhuộm tóc, dùng kem dưỡng da, và anh còn “bật mí” là phải cười luôn miệng tại sở làm để tạo ấn tượng tươi trẻ nơi các “xếp”. Chăm sóc cơ thể là điều tốt, vì con người cần yêu chính mình để sống tự tại với cơ thể mình. Nhưng đi quá giới hạn thì sẽ nằm dưới lưỡi dao giải phẫu. Tôi chủ trương rằng tinh thần tự do là trên hết, con người không thể làm nô lệ cho bất cứ điều gì, kể cả vẻ đẹp.
ĐPP: Cách đặt vấn đề về nhà văn Hoàng Đạo trong “Cấy Óc” ảnh hưởng nhiều đến sự liên quan huyết thống giữa nhà văn Đặng Thơ Thơ và ông ấy. Nếu xóa đi sự liên quan này, nhà văn ĐTT sẽ đặt vấn đề (Hoàng Đạo) từ đâu và như thế nào?
ĐTT: Câu hỏi này rất hay. “Cấy Óc” là cách nhìn và đọc của tôi về Hoàng Đạo, từ vị trí của một người nghiên cứu và thực hiện chuyên đề cho Thế Kỷ 21. Trước khi làm chuyên đề (năm 2005), cách nhìn của tôi về Hoàng Đạo rất khác, vì tôi không biết nhiều về ông. Những gì tôi được đọc chỉ gồm Trước Vành Móng Ngựa, Bùn Lầy Nước Đọng, Tiếng Đàn, Mười Điều Tâm Niệm, và Con Đường Sáng, như tất cả những độc giả khác của miền Nam. Trong quá trình thu thập tài liệu, đọc và viết, tôi mới nhìn ra tầm vóc của Hoàng Đạo với một chân dung toàn diện hơn: nhà tư tưởng, nhà cách mạng, mẫu người trí thức dấn thân của thời đại ông sống, và “linh hồn của Tự Lực Văn Đoàn” (Võ Hồng). Một con người với tinh thần khai phá và vô úy. Tôi đọc những bài chính luận của ông trên Phong Hóa và Ngày Nay với sự ngưỡng phục, và đọc những truyện ngắn trong Tiếng Đàn với sự nuối tiếc, tiếc vì ông không có thời gian nhiều hơn cho văn chương, và danh tiếng Hoàng Đạo-nhà báo quá lớn đã làm lu mờ Hoàng Đạo-nhà văn. Nhà phê bình Thụy Khuê đã nhận định rất chính xác rằng Hoàng Đạo đã chọn hy sinh văn chương để lên tiếng tranh đấu cho những bất công xã hội, những vấn đề bức thiết trước mắt, tức là bỏ cái lâu dài để đối phó với cái tức thời, và đó là thiệt thòi ông phải gánh chịu. Tuy viết không nhiều, những truyện ngắn của ông rất hay, về cả kỹ thuật lẫn cảm xúc, những truyện như “Dưới Làn Sóng”, “Tiếng Đàn”, “Tiếng Pháo Xuân”, và nhất là “Một Gia Đình”, theo tôi là truyện ngắn vượt giới hạn thời gian, một kinh nghiệm mênh mang về cảm quan và đời sống. Tác động của truyện này đối với tôi mạnh mẽ ngang với những truyện ngắn cùng thời trong tập Sợi Tóc của Thạch Lam. Nhà phê bình Vu Gia trong cuốn Hoàng Đạo- Nhà Báo- Nhà Văn cũng đã nhận định: “Hoàng Đạo thành công nhất trong thể loại truyện ngắn, và phóng sự, nhất là thể truyện ngắn, dù hơn sáu chục năm qua chưa ai nhắc tới” (Vu Gia 236). Điều đáng tiếc hơn nữa là những bản thảo tiểu thuyết ông đang viết dở dang đã thất lạc do chiến tranh, còn tôi thì muốn đọc nhiều hơn nữa những sáng tác của ông. Viết “Cấy Óc” là một cách để tôi “khai quật” lại tinh thần Hoàng Đạo và sự nghiệp ông để lại. Cái chết đột tử của ông, với tôi, là điều không được xảy ra, không thể xảy ra, vậy mà nó đã xảy ra, một sai lầm của lịch sử và định mệnh. Việc đưa Hoàng Đạo ra Trước Vành Móng Ngựa trong “Cấy Óc” là một hành động công khai hóa và chất vấn lại những lời kết án dành cho Hoàng Đạo trong bao năm qua về vị trí và thế đứng của ông trong công cuộc tranh đấu chống Pháp, cải cách xã hội, giáo dục dân trí, và những cách nhìn tiêu cực áp đặt lên ông vì lý do chính kiến, đố kỵ, bất đồng quan điểm, hoặc đáng buồn nhất là không tìm hiểu mà dựa vào những nhận định có sẵn. Nhà phê bình Thụy Khuê và nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng nói đến tình trạng người phê bình căn cứ vào một nhận định sai lệch của một nhà phê bình khác (chẳng hạn Vũ Ngọc Phan) về Hoàng Đạo thay vì tìm đọc và tự rút ra nhận xét (đọc chuyên đề Hoàng Đạo trên DaMàu) Với tôi, quan hệ huyết thống không giúp tôi viết được “Cấy Óc”. Mà chính những gì Hoàng Đạo viết và đời sống của ông, cùng quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, đọc tất cả những gì ông viết và tất cả những gì người khác viết về ông (vào thời điểm 2005 khi thực hiện chuyên đề) mới là động lực và cảm hứng để hình thành truyện ngắn này. “Cấy Óc” là kết quả của việc giao tiếp tinh thần vượt thời gian và vượt biên giới sống chết, một điều chỉ thực hiện được bằng văn học và tư tưởng.
ĐPP: Tôi thích câu kết cho truyện “Lý Lịch Hoang Tưởng Của Tôi” là: “(còn tiếp, chưa thể nào chấm dứt nơi đây)”. Con người càng hiện hữu trên trái đất càng lâu thì lý lịch (con người) càng dày và càng đi xa hơn nguồn cội bởi quá nhiều lý do: Màu da, Tôn giáo, Chính trị, Quốc gia, Văn minh…. “Hoang tưởng” trong lý lịch chính là sự suy niệm từ những sự thật sinh tử đau điếng. Nhà văn nghĩ rằng cần bao nhiêu lâu nữa để tiếp theo “Lý lịch hoang tưởng” ấy?
ĐTT: Cám ơn nhận định của nhà văn ĐPP rằng “Hoang tưởng” trong lý lịch chính là sự suy niệm từ những sự thật sinh tử đau điếng.” Câu kết của truyện “(còn tiếp, chưa thể nào chấm dứt nơi đây)” mở rộng cho mọi diễn giải về con người, vấn đề bản sắc, căn cước, và những hiện hữu cùng tồn tại trong một con người. Tương tự như nhận định của anh, học giả Sidonie Smith đã phát biểu “Identity is the bane of subjectivity’s existence” (căn cước là thứ phá hoại chủ thể). Chúng ta bị cột vào những nhóm căn cước khác nhau: phái tính, giới tính, dục tính, màu da, giai cấp, chủng tộc, vv… và mỗi nhóm có những tiêu chuẩn riêng, dẫn chúng ta đi theo những lộ trình tập thể với những giả định, thành kiến, ngộ nhận, và giới hạn. Khi những căn cước này tương tác nhau, chúng nhận chìm con người xuống và rất khó để nhìn ra điều gì nằm bên dưới. Cá nhân chỉ là phần tử của những lý lịch chung. Chúng ta trở thành người phụ nữ Việt làm móng tay, người phụ nữ Mễ lau chùi nhà, người đàn ông Mễ di dân lậu, người thanh niên da đen tội phạm, người con gái da trắng vùng biển, giới lãnh trợ cấp, nhóm thiểu số gương mẫu, cộng đồng LGBTQ (đồng tính, lưỡng tính, hoán tính)… Chúng ta đã “tập” nhìn người khác qua những lý lịch tập thể tuy chính bản thân chúng ta hiểu rất rõ giới hạn của những căn cước đó, khi bị nhìn lại cùng một cách như thế. Bên trong căn cước của nhân vật da đen là một nửa dòng máu da vàng nhưng nhân vật ấy vẫn bị người da vàng chối bỏ. Chúng ta đã học cách kỳ thị đó từ chính thế giới quyền lực vẫn kỳ thị chúng ta. “Lý Lịch Hoang Tưởng của Tôi” chỉ mới xoay quanh những hội chứng căn cước chủng tộc và màu da, một hội chứng cho đến nay nước Mỹ vẫn chưa giải quyết nổi. Còn những tương tác giữa giai cấp khác nhau, tương tác giữa phái tính khác nhau, giữa phái tính và giai cấp, giữa chủng tộc với phái tính, vv… mà chúng ta phải bóc vỏ từ từ để tìm đến cốt lõi của một con người. “Lý Lịch Hoang Tưởng của Tôi” là một lời mời nhìn xuyên thấu các căn cước để đến gần hơn với tinh thần của bản thể hiện hữu, và cũng là cách chống lại những hình thức áp bức từ cách “đọc” con người dựa vào những dấu chỉ trên thân thể như giới tính, màu da, ngôn ngữ…
ĐPP: Xin nhà văn cho biết viễn kiến của mình về tương lai trong 40 năm sắp tới của nền văn học hải ngoại và trong nước?
Tôi rất dở trong việc dự đoán vì tôi là người viết hơn nhà lý luận văn học hay nhà xã hội học. Và người viết thường rất quyết đoán trong việc xây dựng thế giới xoay quanh những ước muốn của riêng họ. Trong quyết đoán đó, tôi tin rằng tương lai sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều những khả thể bất ngờ.
Đặng Phú Phong thực hiên.
(Trích Bên kia con chữ và Nghệ Thuật. Phát hành 12/2015)
- Từ khóa :
- ĐẶNG THƠ THƠ