- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mưa Sàigòn, Mưa Phnom Penh

02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 43362)

muasaigon-nxtv-content

Cuối cùng, tôi cũng đến Phnom Penh. Phnom Penh của Hậu, Phnom Penh của tôi trong trí tưởng tượng. Tôi đẩy xe hành lý qua hải quan. Tôi chờ đợi những âm thanh náo động bên ngoài như năm nào tôi về phi trường Tân Sơn Nhất. Hai cánh cửa mở ra. Hơi nóng ngột ngạt bốc lên mặt. Tiếng lá cây rì rào xen trong tiếng người nói nhè nhẹ khiến tôi bỡ ngỡ. Phi trường Phnom Penh vắng vẻ như thành phố tỉnh nhỏ. Buổi trưa nắng chói. Những cánh phượng rực rỡ nở trên bầu trời xanh. Chúng tôi ra lề đường chờ xe nhà đến đón.

Frère Anh đến đón chúng tôi bằng bốn chiếc xe tuk tuk. Chúng tôi chất hành lý lên xe. Tôi nhảy lên một chiếc với mấy valise áo quần. Xe nổ máy xình xịch rời phi trường, chạy vào trung tâm thành phố. Người có đông hơn, xe có nhiều hơn chút ít, nhưng vẫn một khung cảnh vắng vẻ của ngoại ô cũ kỹ. Một vài con đường mới được tân trang với nhà lầu và siêu thị lớn. Đế quốc Khmer đã có thời thịnh vượng nhất Đông Nam Á. Trải qua thời kỳ Pháp thuộc, cuộc chiến với Việt Nam, và bị cai trị bởi bọn diệt chủng Pol Pot, vương quốc Khmer dường như vẫn còn mang đầy trong mình những vết thương chưa lành. Tôi ngồi trên xe, ngắm đường phố Phnom Penh lần đầu trong đời, tưởng chừng như đi về một nơi chốn xa xưa trong ký ức.

Xe xuống dốc chạy vòng theo bờ sông thoai thoải. Bến phà hiện ra đột ngột ở cuối con đuờng. Bốn chiếc tuk tuk chạy lên phà, đậu theo thứ tự trước sau. Chúng tôi leo lên tầng hai để tránh khói và tiếng ồn. Gió mát rượi ở tầng hai. Tôi đứng ở đầu phà, nhìn suốt dòng sông soi nắng óng ánh. Từ đây xuôi dòng về nam, nước sẽ chảy về sông Hậu sông Tiền, về Bến Tre Vĩnh Long. Miền Nam của quê hương tôi ở đó. Mảnh đất màu mỡ phù sa tôi chưa từng đặt chân đến. Rừng tràm của Đồng Tháp Mười bạt ngàn như tôi đọc trong sách giáo khoa. Tôi đã đọc Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc và say mê khung cảnh u tịch của rừng U Minh từ đó. Không biết bây giờ có còn rùa nhiều như kiến nữa không? Thằng Cộc đã cưới được con Thôi chưa? Và đất ở gò Ô Heo đã thuần để cho người nghèo trồng xoài mít dừa cau?

Phà nổ máy lạch bạch rời bến. Tôi nhìn mặt nước đục ngầu phù sa, nhớ Hậu. Hậu của Mưa Ở Phnom Penh tôi viết năm nào. Tôi thầm hỏi có phải Hậu của tôi đã từng dầm mình trong dòng sông này? Có phải bờ bên kia, đằng sau dãy nhà lụp xụp, nơi có dề lục bình tần ngần đậu lại là chỗ Hậu đã nhào xuống sau lần đầu tiên bị cưỡng bức? Mặt trời chói lòa làm mắt tôi đổ quáng, cả khoảng không gian rung rinh như nước xao, và tôi tưởng chừng như mình thấy Hậu, bằng xương bằng thịt.

Bến phà bên này sông là dãy bè nuôi cá của người Việt. Bè này tiếp theo bè kia, dập dềnh trên sóng. Đời sống của người dân Việt ở đây cũng lênh đênh như bè. Nước lên nước xuống đưa đẩy buồn phiền. Cả khúc sông lặng tăm, chỉ có tiếng máy phà lạch xạch. Một câu vọng cổ ngân nga tỏa lan trên mặt nước. Chắc chẳng khác gì một khúc sông của quê nhà. Phà cập bến, những đứa bé Việt da đen không thua màu da thổ dân đứng trên bè chỉ chỏ. Tôi đưa tay vẫy vẫy trước khi lên xe, tiếp tục lộ trình vào làng.

Làng nghèo lắm, chỉ cách đô thị một dòng sông mà như hai thế giới cách biệt. Đường làng đất đỏ, bụi tung mù theo từng vòng xe qua. Bốn chiếc tuk tuk chạy rậm rị trên con đường lồi lõm ổ gà ổ trâu. Hầu hết nhà dân ở đây xây theo kiểu nhà sàn để tránh lụt. Sàn dưới để sạp ngồi và nhà bếp; sàn trên để ngủ. Sân nhà nào cũng trang bị vài cái lu để chứa nước mưa. Trẻ con lang thang trên đường, chung với xe đạp, xe thồ, với chó, với voi. Có đứa mặc quần, có đứa chạy tồng ngồng, da mốc meo vì bụi đất. Cách vài quãng đường, tôi lại thấy một quán nước nhỏ, lẹo tẹo vài hộp bánh, cái kẹo. Xe chạy ngang qua ngôi chùa vừa xong giờ kinh. Màu áo sư tăng vàng cam phất phới như những cánh bướm rực rỡ chào đón chúng tôi.

*

Buổi tối đầu tiên ở trường La Salle Po Thum, tôi không thể nào ngủ. Mặt trời xuống rất nhanh ở miền quê. Từ trường, tôi không nhìn thấy sông, nhưng tôi biết, sông ở về phía tay phải của trường, cách vườn chuối độ vài trăm mét. Bên kia sông, lập lòe vài ngọn đèn. Gió mát đã bắt đầu thổi từ lúc mặt trời lặn. Cánh đồng quanh trường xào xạc tựa Đồng cỏ Miên của Trần Vũ. Tôi nghĩ đến những nhân vật của anh, “tôi”, Trình, Côn, Tùng, những người thanh niên Việt Nam thi hành nghĩa vụ quân sự ở Campuchia. Anh Năng, anh họ tôi, cũng trở về từ đồng cỏ Miên hoang dại, da thâm sì vì vi trùng sốt rét. Buổi chiều vào làng tôi đã gặp người bản xứ. Tôi nhìn vào khuôn mặt những thanh niên Khmer, tìm tia lửa ác độc của tên cầm súng đã bắn vào những nhân vật của Trần Vũ, nhưng tôi chỉ thấy người Khmer da đen kịt, hiền lành đến khờ khạo. Tôi chỉ thấy người dân Khmer nhẫn nhục, chịu mất từng tấc đất cho lòng tham bành trướng của lân bang. Những tên cầm súng đó chắc đã chết, đã xuống mồ với bọn Khmer Đỏ.

Mặt trời vừa sụp là tiếng dế và cóc nhái trỗi lên. Không phải bản hòa tấu côn trùng êm đềm ru ngủ mà ầm ĩ đến nhức óc. Tôi thiếp đi được một lát rồi thức giấc lúc gần sáng. Căn phòng mờ. Một chút ánh sáng vàng của đèn neon chiếu vào từ hành lang, hắt lên tường những hình ảnh ma mị. Những cái đầu lâu trắng hếu chồng trên kệ tựa hộp đồ chơi xếp đều. Tôi nhắm chặt mắt. Có tiếng trẻ con ré lên ở góc phòng. Tim tôi đánh thót. Thêm một tiếng khóc thét, một tiếng nữa, một tiếng nữa. Cả căn phòng ngập tiếng kêu gào. Tôi bịt tai. Tôi nhắm mắt. Tay tôi toát mồ hôi. Một rừng âm thanh chợt tắt, chỉ còn những thân xác trẻ thơ phơi bày, đầu dập vào thân cây nát bét. Tôi sợ hãi nhìn những đôi mắt trẻ con chết vẫn còn mở trừng. Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng và Cánh Đồng Chết The Killing Fields sẽ còn ám ảnh tôi mãi. Tôi ngồi dậy mở đèn, nhìn đồng hồ tay. Bốn giờ sáng. Bên kia sông, loa phóng thanh của chùa bắt đầu tụng kinh buổi sáng. Bên ngoài có ai đó đã lục đục thức dậy.

Chúng tôi bắt đầu khai giảng các lớp Anh văn mùa hè cho các em nhỏ trong làng lúc một giờ trưa. Mười hai giờ đã thấy chúng lục tục kéo đến. Chung diệp xua. Chúng lễ phép chắp tay cúi đầu chào thầy cô. Tôi cũng chắp tay cúi đầu. Chung diệp xua. Học trò lớn còn mắc cở, nhưng những đứa bé lớp một cứ đu theo tôi. Chúng ân cần nắm tay tôi vào lớp. Học trò và cô giáo để dép ngoài cửa, như thói quen của người Khmer. Tôi nói tiếng Anh, các em nói tiếng Khmer. Mới đầu nói, sau ra hiệu tay chân, cuối cùng là đầu hàng. Thảo, thông dịch giúp cô. Tôi gọi Thảo cầu cứu. Thảo mười hai tuổi, thông thạo cả tiếng Khmer và tiếng Việt. Nhờ Thảo, bọn nhỏ mới hiểu tôi muốn nói gì. Trẻ con học gì cũng nhanh, chỉ vài ngày sau là chúng đã đoán được khoảng bảy mươi phần trăm những câu tiếng Anh thông thường tôi dùng trong lớp học. Chúng cũng biết đi tìm Thảo hoặc thằng Do để nhờ thông dịch khi tôi không hiểu. Sợ học trò Khmer ganh tị, tôi giữ đám trẻ Việt ở lại sau giờ học để nói chuyện riêng với chúng. Thảo, Thi An, Do, Tài, Lai, Phú. Những đứa trẻ Việt sống trong một làng Khmer nghèo khổ, không được công nhận là công dân Khmer. Phần đông người Việt ở đây đều phải làm khai sinh giả, lấy tên Khmer để được đi học, đi làm. Trong lớp học, Thảo là Kunthia, tên Khmer do các Soeur đặt cho để đến trường.

Buổi sáng không dạy học, bọn trẻ dẫn tôi vào làng thăm xóm Việt Nam. Người Việt chiếm khoảng mười phần trăm dân số trong làng. Họ nghèo, như phần đông người Khmer ở đây. Ba của Thảo mời chúng tôi vào nhà. Cái cổng gỗ nhỏ ngăn nhà Thảo và lối đi chung trong xóm. Gia đình Thảo có chín anh chị em. Cả nhà sinh hoạt trong chu vi năm mét vuông. Anh lớn đi làm thợ mộc ngoài Phnom Penh. Hai chị kế làm phục vụ ở quán cơm.

“Rồi cô chú làm gì để sống?”

Tôi hỏi, ái ngại nhìn cảnh nhà xơ xác.

“Đêm thì tui đi lưới cá ngoài sông. Má tụi nhỏ đem bán ngoài chợ làng. Cũng đủ ngày hai bữa.” Ba Thảo trả lời.

Tôi nhìn người đàn ông miền Nam có gương mặt rắn rỏi, muốn hỏi vì sao ông mang gia đình lưu lạc đến làng Po Thum. Vì sao miền Nam màu mỡ, ruộng vườn cò bay thẳng cánh mà ông phải tha phương cầu thực nơi xứ người, dầm mưa dãi nắng cho một ngày vừa đủ hai bữa ăn và chu vi năm mét vuông? Người Việt tị nạn ở Mỹ, ở Canada, ở Pháp làm lương không thua gì công dân của nước họ, còn dành dụm gửi về hàng triệu đô la cho người thân ở Việt Nam. Ba Thảo im lặng nhiều hơn nói. Mắt ông lạc trong vòm khói thuốc. Rõ ràng ông đang nhớ quê. Như tôi. Nhưng hai hôm nữa, tôi sẽ về Sàigòn.

*

Tôi lên chuyến xe buýt Mekong Express xuất bến từ Phnom Penh. Mưa đổ xuống sầm sập khi xe bắt đầu lăn bánh. Tôi ngồi một mình ở hàng ghế đầu, không muốn bắt chuyện với ai. Hành khách trong xe phần nhiều là người Khmer và khách nước ngoài. Tôi đọc vài trang sách rồi lơ mơ ngủ. Xe lao băng băng. Tài xế suýt gây tai nạn mấy lần. Tôi hết tinh thần ngủ, ngồi nhìn những cánh đồng lướt trôi bên ngoài. Sáu giờ rưỡi chiều, xe đến cửa khẩu. Hành khách xuống xe, qua trạm hải quan của Campuchia. Tôi cầm hộ chiếu đến đóng dấu. Mưa hãy còn nặng hạt.

Chúng tôi lại phải xuống xe lần nữa, xách tất cả hành lý khi đi qua cửa khẩu Mộc Bài. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác gai người khi vào phòng chờ. Bên trong ồn ào như chợ làng. Phòng chờ Mộc Bài không có đến một chiếc ghế để ngồi. Người mới đến dồn nhau vào xếp hàng. Người bên trong lố nhố đứng đợi, một số ngồi bệt trên sàn nhà. Lơ xe đã thu hết hộ chiếu của hành khách đem nộp cho nhân viên hải quan, nên tôi lớ ngớ không biết xếp vào hàng nào. Người đằng sau đẩy tới, người bên hông đẩy qua, tôi cứ bước bừa đến trước quầy kiểm soát. Phòng chờ chật kín người nhưng chỉ có một quầy làm việc. Một tí lại thấy có người bỏ hộ chiếu kẹp tiền lên bàn. Anh nhân viên cứ cắm cúi ghi ghi, chẳng có vẻ gì ngạc nhiên khi thấy hộ chiếu có tiền. Cứ đóng cộp xong vài dấu, anh lại quăng hộ chiếu lên quầy. Hộ chiếu của ai thì người nấy chụp rồi đi qua trạm.

“Quái thai thế không biết, hàng chục xe đến mà chỉ có một người làm! Em bỏ tiền vào, không thì chờ đến tối!”

Một chị khều lưng tôi nói làu bàu. Chẳng hiểu lơ xe của tôi có biết kẹp tiền trong hộ chiếu hay không mà đến cả tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới được lên xe vào Việt Nam. 

*

Tôi ngủ một giấc dài sau những ngày lang thang giang hồ. Về nhà các chị, tôi được chăm sóc như ngày còn bé. Gần hai mươi năm tôi mới lại về. Các chị mở trường mẫu giáo từ nhiều năm nay. Ngôi nhà hai tầng lần trước tôi về giờ đã sửa sang để mở thêm lớp. Lớp lá, lớp mầm, lớp chồi. Từ bảy giờ sáng đã nghe tiếng trẻ con nô đùa dưới sân. Tôi nằm nán thêm một lát trong căn phòng có máy điều hòa mát lạnh. Đồng hồ trên bàn ghi nhiệt độ bên ngoài là 85 độ F. Tôi nhìn ra bên ngoài balcon. Dây phơi đã phất phới áo quần. Chị tôi thức sớm. Chị dậy trước khi chuông nhà thờ đổ hồi nhất. Gió sớm đưa nhẹ chùm hoa trắng nhỏ li ti. Balcon nhà chị đầy các loại hoa tôi không biết tên, giống y như những con đường đã đổi tên lạ lẫm tôi đi ngang hôm qua. Đường Nguyễn Thị Thập. Đường Lâm Văn Bền. Qua ô cửa sổ, tôi thấy hai tháp chuông nhà thờ đang xây dở dang, gai kẽm đâm tua tủa lên trời. Chiều qua lúc xuống xe, tôi đã thấy. Ngày nhỏ tôi thường dùng tháp nhà thờ có tượng ông thánh Antôn bồng Chúa Giêsu làm cột mốc. Thấy ông thánh là biết đã về tới nhà. Ngay cả Ngọc Dung đi về mỗi năm từ Malaysia, cũng không tìm ra nhà thờ cũ. Hai đứa căng mắt nhìn mãi. Tài xế taxi quần đi quần lại mấy lần mới đậu xe đúng chỗ. Sự thay đổi quá lớn làm tôi không nhận ra nơi chốn cũ. Nhà thờ xứ đã biến mất. Ngôi nhà thờ gắn liền với chị em tôi cả một thời niên thiếu. Ngôi nhà thờ ông cậu của má tôi đã cùng giáo dân của ông quyên góp xây dựng từ ngày di cư vào Nam. Ba má tôi đã làm lễ kết hôn ở đó. Chị em chúng tôi đã chịu phép bí tích lần đầu, xưng tội, rước lễ, dâng hoa, rước kiệu ở đó. Tôi còn có lần được đóng vai Đức Mẹ trong lễ Giáng Sinh. Tôi quỳ suốt buổi lễ bên chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ. Đã không còn gì cả. Tôi ngơ ngẩn đứng nhìn lịch sử của gia đình trên mảnh đất đầy gạch vụn. Tất cả đã biến mất! Tất cả đã tan tành vì lời nói của một đại gia. Việt Nam giờ lắm đại gia. Đại gia nói ai cũng nghe. Đến linh mục nghe cũng thuận tai. Di tích lịch sử, đền đài, lăng tẩm (huống chi chân dài!) cũng thua túi tiền của đại gia. Đại gia tặng giáo xứ 34 tỷ (tiền cụ Hồ, dĩ nhiên) để xây một thánh đường mới. Khung nhà thờ mới đã được dựng lên. Ông thánh Antôn bồng Chúa Giêsu mấy chục năm ngự trên tháp cao bị hạ bệ xuống đất. May mà còn được con voi sứ trung thành nằm phủ phục dưới chân. Ông thánh và con voi là hai thứ tôi còn nhận ra của năm tháng xưa.

Tôi lấy áo quần đi vào phòng tắm. Từ phòng máy lạnh sang đây chỉ cách một cánh cửa mà không khí đã khác nhiều. Cái nóng nhiệt đới thấm liền vào da thịt. Phòng tắm rộng, có cả bồn tắm viền gạch ngũ sắc. Trần cao có lắp gạch thông gió. Tôi nhìn được một khoảng trời xanh và vạt nắng sớm trong vắt. Sửa sang đợt hai, nhà tắm của các chị đã có hơi hướm ngoại. Bồn tắm xây riêng nên không còn cảnh nền nhà lênh láng nước sau khi tắm. Năm 96 tôi về, từ nhà dân đến phòng tắm khách sạn đều theo một khuôn mẫu. Phòng tắm có hoa sen nhưng không có màn hay kính che. Một người tắm xong là hơi nước mù mịt phủ ướt từ trên tường xuống sàn.

Tôi lau tóc rồi mở cửa ra ngoài. Tiếng búa nện, tiếng cưa rít cùng lúc trỗi dậy. Nhà thầu đang cấp tốc xây nhà thờ theo lệnh cha xứ. Nhân công làm việc từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn mới nghỉ. Ban đêm lại có toán nhân công dọn dẹp làm việc. Nhà các chị sát vách nhà thờ nên hứng trọn bụi đất và tiếng ồn. 

“Dậy sớm thế? Chị đi chợ đây, thích ăn gì thì chị mua.”

Chị tôi vẫn thế. Lúc nào cũng chiều chuộng các em. Tôi chẳng thấy thèm món gì ngoài những thứ trái cây nhiệt đới tôi không được ăn ở bên kia. Chị bảo mùa này có thanh long, măng cụt, chôm chôm, mít, na, ổi. Tôi sáng mắt khi nghe đến măng cụt. Ở bên kia cũng có măng cụt. Măng cụt đông lạnh. Trái nào cũng đen cứng như đá, bên trong mềm nhũn, chẳng bao giờ ăn được. Măng cụt, chôm chôm, thanh long nữa, chị. Tôi níu tay chị, tham lam.

Trời nóng quá, từ trên lầu xuống đến nhà bếp lưng tôi đã lấm tấm mồ hôi. Tôi trở lên lầu thay chiếc áo thun mỏng, rộng thùng thình với quần lửng kiểu Cam bốt. Tôi biết mình ăn mặc chẳng giống con giáp nào. Khí hậu nhiệt đới làm chân tay tôi sưng múp. Tôi để mặt trần không son phấn, tóc buộc cao đỉnh đầu.

Tiếng trẻ con ríu rít kéo tôi ra hành lang. Hình như lớp học mới bắt đầu. Hai cô giáo lớp mầm đang cho các em khởi động thể dục buổi sáng. Một, hai, ba, một, hai, ba. Tôi trố mắt nhìn đám trẻ con… Việt cộng. Tôi không thể tin ở mắt mình. Chúng tròn trịa, mũm mĩm, và trắng muốt. Trẻ con Việt Nam giờ không còn đứa nào suy dinh dưỡng à? Đám con tôi ở Mỹ ốm nhách. Đứa thì bị dị ứng thức ăn, đứa thì sợ mập. Mùa hè chúng đi bơi mỗi ngày nên đen như mọi. Bọn ốm đen đó mà về đây so sánh với đám trẻ con múp míp này thì… thua. Việt kiều thua Việt cộng là cái chắc!

Tôi đứng ngẩn nhìn lũ trẻ một lúc rồi chạy vào bếp. Chị tôi đang xếp những hũ yaourt vào tủ lạnh. Trẻ em Việt Nam giờ béo tròn giống con nít Mễ vậy chị? Đứa nào cũng được ăn uống đầy đủ mà. Chị tôi cười, giảng giải. Bây giờ ở thành phố mà tìm được một đứa gầy gầy cũng khó. Cha mẹ thời nay bị hạn chế sinh đẻ. Mỗi gia đình phải dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt!  Cha mẹ nào cũng sợ con mình thấp bé, thua thiệt, nên bao nhiêu tiền đều đổ vào… miệng con. Trẻ con uống sữa thay nước. Bởi thế, chị nói, kinh tế toàn cầu suy sụp, nghành kinh doanh nào cũng xuống, chỉ có ngành sữa là phát triển mạnh. Ở nhà uống sữa, đến trường mẫu giáo cũng uống sữa. Chị bảo mỗi ngày trường phải cho trẻ uống sữa hai lần, ăn yaourt, ăn một bữa trưa có rau có thịt đầy đủ dinh dưỡng và ca-lô. Đứa nào biếng ăn thì cô giáo phải đút cho ăn. Ăn cho hết phần. Chúng nó mà ốm, không đủ cân lượng là cha mẹ kiện ngay.

Chị tôi đi chợ về, rau quả chưa cất đi đã tất tả lo dọn bữa sáng. Tôi cản, chị để em tự lo.

“Bao nhiêu năm mới về, cứ ngồi đó, chị dọn cho ăn.” 

Chị bày bánh cuốn nhân thịt còn nóng lên bàn, và cả dĩa trái cây đầy ắp. Tôi lùa vài gắp bánh cuốn, rồi nhắm dĩa trái cây. Măng cụt chín mềm, vỏ màu tím thẫm. Tôi dùng dao cắt một đường vòng quanh rồi tách vỏ ra làm hai. Những múi măng cụt trắng nõn, sắp đều đặn. Tôi ngoạm đầy một miệng. Măng cụt ngọt lịm, thơm mát. Chị tôi cắt thanh long thành từng miếng bày ra dĩa. Bên trong lớp vỏ đỏ, thanh long màu trắng ngọc điểm hạt đen lấm tấm. Ôi, cây trái nhiệt đới làm tôi mê mẩn!

Một tuần ở Sàigòn tôi đi lơ ngơ như kẻ lạ giữa thành phố, không cảm nhận được gì ngoài tiếng còi xe và tiếng người náo nhiệt. Tôi không còn nhìn ra những gì quen thuộc trong ký ức. Tôi lang thang, dầm mình trong không gian Sàigòn đã mê hoặc tôi ở những giấc mơ đêm. Tôi đi từ vùng ngoại ô Quận 7, nơi tôi ở trước đây, đến trung tâm Sàigòn, chợ Bến Thành, café La Mien có nhạc sống ban đêm ngồi với Ngọc Dung. Nơi đâu cũng người là người, mà toàn là người từ miền Bắc vào. Hôm ghé thăm cô bạn học, hai đứa kéo nhau lên sân thượng. Bạn tôi chỉ cho xem những căn nhà hai ba tầng mới xây. Hết đất rồi, khu nhà mặt tiền bây giờ là của dân miền Bắc vào mua cả. Họ khôn lanh lắm, bao nhiêu đất của Sàigòn họ mua hết. Người Sàigòn nghèo, nên bán đất mặt tiền, chui vào trong ngõ hẻm. Tôi nghĩ mình về Sàigòn để gặp người Sàigòn, giống như về miền Tây để nghe giọng nói ngọt ngào quyến rũ của các thiếu nữ miền Tây, nhưng rặt bên tai một giọng Hà Nội chuẩn mực. Đặc sản của Sàigòn đã biến mất.

“Mình cũng là dân gốc Bắc đây thôi. Tại sao mình… kỳ thị vậy?”

Tôi hỏi Đa khi ngồi ở café Ân Nam. Đa suy nghĩ lâu lắm. Những người Bắc di cư vào Nam năm 54 là những người không thể sống chung với Cộng Sản. Họ mang trong mình dòng máu hào sảng của dân miền Nam. Họ hội nhập nhanh chóng và sống hòa nhã với người miền Nam. Còn người Bắc bây giờ, đã hơn ba mươi năm trôi qua, họ vẫn là người lạ, họ vẫn là kẻ xâm lăng miền Nam. Họ đến để cai trị người miền Nam.

 

Tôi dậy sớm chuẩn bị valise. Cơn mưa từ tối qua vẫn còn lắc rắc. Giàn bông giấy trước nhà rũ rượi. Lá bàng rụng đầy sân. Tôi đứng ở sân thượng nhìn thành phố lần cuối. Sáu giờ tôi gọi taxi Vinasun đến đón ra phi trường. Tôi lên xe, lòng còn lưu luyến chưa muốn rời. Tôi vẫn còn nợ Đa một chầu bánh ngọt ở Givral. Và còn những người bạn cũ tôi chưa kịp gặp. Tôi đóng cửa xe. Chắc hẳn tài xế taxi biết tôi yêu nhạc cũ, nên mở một khúc hát quen thuộc. Trả lại em yêu khung trời đại học/ Con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngắt/ Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhòa. Xe chạy qua cầu Quay, đến Khánh Hội, rồi vòng theo bờ sông Sàigòn. Mưa đã ngừng rơi. Nắng sớm vỡ vàng trên mặt nước. Sàigòn ban mai đẹp lạ lùng. Trong lành. Tinh khiết. Tôi nhìn Sàigòn, thảng thốt. Hai giờ nữa, máy bay sẽ cất cánh. Tôi sẽ lại ra đi, xa tất cả. Con đường và những người bạn. Thành phố ban mai và nắng vỡ vàng. Ôi, Sàigòn! Tôi sẽ bỏ Sàigòn ra đi như ba mươi năm về trước. Sàigòn đã bị cưỡng chiếm một cách đau thương. Nước mắt tôi tràn ra. Tôi thương Sàigòn quá! Ơi, Sàigòn của tôi.

 

Nguyễn Xuân Tường Vy

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 8013)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 13106)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 712)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 1734)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 923)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 1133)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 685)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 988)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 1138)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 1346)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.