Ăn cơm trưa ở Pollock Pines xong tôi lên xe trở lại xa lộ 50. Vừa lái tôi vừa dõi mắt tìm con đường Nhà Đá bên trái xa lộ. Xe chạy nhanh vừa ngó chừng xe khác vừa tìm đường bên trái không phải dễ nhất là phải giữ tuyến trái và thỉnh thoảng bị mấy thằng đi truck cồng kềnh bám sát sau lưng nháy đèn đuổi vào trong. Thật may tôi thấy bảng đường từ xa, vội bẻ tay lái đâm ngang xa lộ quặt vào đường Nhà Đá. Con đường đất bề ngang chỉ vừa đủ hai xe đi lên dốc thật là dốc, đường lại ngoằn nghèo nữa nên phải lái chậm. Lên cao phong cảnh tuyệt đẹp, những ngọn núi rừng thông chỏm còn phủ tuyết đầu tháng năm. Có những ngọn còn bị tuyết che gần hết. Thấy tuyết thì đẹp nhưng trong bụng tôi đâm lo, không biết cái túi ngủ có đủ ấm không vì sẽ ở lại trên núi hai đêm. Đi hơn nửa tiếng thì thấy một trạm xăng và tiệm tạp hóa con nằm trong miếng đất sau rặng cây thông, có lẽ tiệm duy nhất chốn này. Tôi ghé vào.
Sân trước tiệm có hai máy bơm xăng, sân vắng không một chiếc xe ngoại trừ một cái truck đậu phía sau. Một căn nhà gỗ cũ kỹ, cửa mở kẽo kẹt. Gã trắng ngồi sau quầy đặt tờ báo xuống nhìn lên. Gật đầu chào hắn, tôi đưa mắt nhìn quanh xem có gì mua được.
- Ông bán khá chứ? Tôi vừa hỏi vừa đặt lên quầy vài lon thịt và vài thỏi kẹo chocolate.
Không trả lời, gã bấm máy tính tiền xong lừng khừng đáp.
- Hôm qua có một cô Á châu ghé đây, ngoài ra chả có ai. Tháng năm thường ít người lên trên này.
Tôi móc ví lấy tiền trả, nói cám ơn rồi đi ra.
“Hôm qua có một cô Á châu ghé đây ...”, tôi quên hỏi hắn cô Á châu đó ghé tiệm trên đường cô ta đi lên núi hay xuống núi, nếu lên thì thú lắm. Thôi, hỏi làm gì. Nếu có duyên thì gặp nhưng nếu có lẽ không gặp thì hay hơn vì tôi biết mình có nhược điểm dễ động lòng trước sắc đẹp đàn bà con gái và vợ ở nhà thì hay ghen.
Gần nửa tiếng sau tôi mới lên đến nơi vì đi lạc. Căn nhà gỗ chalet trông giống như mấy tấm hình tôi thấy trên Google, cao ráo đẹp đẽ với một bãi đậu xe khá rộng. Tôi đã nghiên cứu kỹ trước khi mướn nó hai đêm. Vào trong mới biết nhà có ba tầng thật khang trang, đầy đủ tiện nghi, bếp núc, phòng khách, lò sưởi đốt củi ... Lầu thứ nhì là văn phòng làm việc của ban kiểm lâm, cửa khoá vì không có ai. Tôi xách túi quần áo lên lầu ba là phòng ngủ. Căn phòng thật rộng rãi, không có giường, chỉ có một chục tấm nện. Tôi xuống bếp pha tách cà phê bột cao nguyên đem ra cái deck trước nhà ngồi ngắm phong cảnh.
Trời tháng năm trên núi còn cái lạnh hanh hanh, tôi kéo zipper lên kín cổ. Những đỉnh núi cao hơn ở xa xa còn tuyết phủ. Tôi còn nhớ vài năm trước bị một trận lạnh kinh hồn vì những ngọn gió thổi xuống từ Alaska, mùa đông năm đó kéo dài lê thê, giữa xuân mà người ta còn nói chuyện đi trượt tuyết trên Lake Tahoe. Từ deck tôi thấy mặt hồ Loon loáng thoáng sau những rặng cây cao. Uống cà phê xong tôi sẽ thả bộ ra bờ hồ thưởng lãm. Ở nơi ồn ào, tôi yêu cái yên tịnh trên đây, chỉ có tiếng gió vi vu giữa rừng thông, tiếng chim và ... tiếng một chiếc xe nào gần đây. Nghe kỹ tôi thấy tiếng xe đến tự sau nhà, tôi đứng lên đi vòng ra sau.
Có lẽ cái cô Á châu đó!, tôi nghĩ mà trong lòng lóe lên tia hy vọng.
Tiếng xe lớn dần rồi một chiếc van trườn lên từ dưới chân đồi phía sau, một chiếc van chở một cặp già. Họ ngừng xe cạnh bãi đậu nhìn căn chalet. Tôi định chạy lại hỏi họ có thấy ai khác nhưng họ lái đi vào con đường đất xuống núi.
Cất tách cà phê vào bếp, tôi đi ra, khóa cửa rồi đi bộ ra hồ. Trời mới xế chiều còn nhiều nắng nhưng cái lạnh đọng trên mặt hồ lăm le theo gió vào, tôi thích loại khí hậu như vầy, thật dễ chịu. Tôi cứ đi dọc theo bờ hồ về hướng bắc, bước trên những viên đá tròn những phiến đá phẳng. Bờ hồ thật sạch, chỉ một vài miếng giấy, vài lon nhôm ai bỏ lại. Quang cảnh thật thanh bình, thật tĩnh mịch. Tôi lại ngồi trên một thân cây đổ ngắm hồ, đầu cố nghiệm những gì lát nữa viết cho câu truyện ngắn tình cảm, lý do lên trên này. Mải suy nghĩ tôi không để ý đêm đang xuống cho đến lúc nhìn lên thấy mặt trời đã khuất gần hết sau lưng núi. Tôi móc túi lấy cell phone ra xem giờ. Sáu rưỡi hơn. Tôi đứng lên đi vội về chalet. Những tia sáng cuối cùng của một ngày cố len lỏi qua những cụm mây xám và đầu những ngọn cây thông để hắt xuống mặt hồ những vùng màu vàng quạnh thật đẹp. Tôi ngừng chân, lấy máy hình trong túi ra, đi lại sát bờ hồ để chụp vài tấm. Vừa đưa máy lên tôi thấy có gì lấp lánh trên một tảng đá trong ánh nắng chiều. Tôi bước đến, chân chợt dẫm lên một cái gì mềm làm chao người suýt ngã. Nhìn lại là một chiếc giầy phụ nữ. Nhìn xung quanh tôi thấy chiếc thứ nhì nằm kế phiến đá chỗ có vật lóng lánh. Lại gần hơn tôi thấy đó là một cặp bông tai. Tôi cầm lên xem, một cặp bông tai đầy kim cương, giả hay thật tôi không tài nào biết. Nghĩ khổ chủ sẽ trở lại tìm, tôi đặt cặp bông tai xuống lại tảng đá, bấm vài tấm hình rồi quay lưng đi nhưng chỉ được vài bước thì ngừng chân. Trời đang tối nhanh, chẳng mấy chốc sẽ tối đen, chủ nhân cặp bông tai không thể đến tìm vật thất lạc được. Nếu cứ để đây biết đâu sáng mai có người khác đến lấy mất, chi bằng mình cất hộ rồi trả lại khi chủ nhân đến gõ cửa hỏi. Với ý nghĩ đó tôi cầm đôi bông tai lên bỏ vào túi đi về.
*
Ném bút xuống bàn, tôi vo tờ giấy quăng vào sọt rác trong góc phòng. Cục giấy vo tròn đụng mép sọt văng xuống đất nhập bọn với lũ nắm giấy khác nằm lăn lóc. Gõ bài trên laptop được hai tiếng thì cục pin hết điện, khi đó tôi mới khám phá ra mình quên đem theo cái xạc điện đành quay sang dùng phương pháp cổ điển, bút bi và giấy, may mà tìm được xấp giấy ai để lại trong chalet. Phải viết truyện bằng bút mới thấy các bậc tiền bối có tài. Tôi vật lộn một chốc đâm chán đứng lên mở cửa đi ra cái deck trước nhà châm điếu thuốc. Trời tối đen như mực, ngọn đèn trên ngưỡng cửa chỉ vừa đủ soi sáng cái deck và một ít bãi đậu xe. Tôi thấy rờn rợn, nổi da gà. Ngoài kia chỉ toàn là rừng và núi, không một căn nhà nào khác không một bóng người, không biết có gì ngoài đó. Trong đầu tôi tưởng tượng một vài con sư tử núi đang đi săn lảng vảng đâu đó, biết đâu sắp lại gần. Tôi lùi lại gần cửa để chạy vào cho nhanh nếu lỡ mà ... nhưng nếu là ma thì chắc vô phương. Tôi bật cười vì cái tính nhát trẻ con của mình. Chợt nhớ đến đôi bông tai kim cương cất kỹ trong bị, tôi ngô nghê mong thấy khổ chủ đôi bông tai bỗng đến xin lại. Chắc khổ chủ là một cô gái tuyệt đẹp, nàng sẽ nài nỉ xin lại rồi xin cho tá túc một đêm. Dĩ nhiên tôi sẽ vui mừng chấp nhận, không những thế tôi lại còn pha trà hay cà phê thật ngon mời nàng. Rồi hai người sẽ thức thật khuya trò truyện rất là tâm đầu ý hợp. Lần này tôi bật cười thật to vì ý nghĩ quá đỗi ngô nghê đó. Tiếng cười vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch. Búng mẩu thuốc đi, tôi vào nhà.
Ngồi lại vào bàn, tôi đóng tập giấy lại đem quyển sách truyện đem theo ra ghế dài gần lò sưởi đốt củi nằm xoải đọc tiếp. Được một chập hai mắt tôi ríu lại, quyển sách rớt xuống đất. Không buồn đứng lên đi tắt đèn, tôi kéo chăn lên đến cằm, nhắm mắt lại.
Ý tưởng, không, ý nguyện, được gặp cô gái khổ chủ đôi bông tai trở nên mãnh liệt trong óc đến nỗi tôi lơ mơ thấy hình như nàng đứng cạnh với một khuôn mặt thật buồn, hai môi mấp máy nói không ra tiếng. Bàn tay nàng đưa ra như xin xỏ. Tôi cũng không nói được gì, chỉ nhìn chăm chăm khuôn mặt xinh đẹp đó với cái nhìn thật buồn trong mắt. Vài giọt nước mắt lăn dài trên má nàng làm tăng thêm vẻ đẹp u sầu, tôi như bị cái đẹp đó thôi miên làm người cứ nằm đờ ra đó không cử động được. Những giọt nước mắt rời má nàng rớt xuống tay tôi cho tôi một cảm giác ấm thật dễ chịu. Tôi nhìn những giọt nước mắt đó lăn dài từ mu bàn tay mình xuống đến cánh tay, chúng đi đến đâu thì làm da thịt ấm lên đến đó. Nhìn đôi môi đang mấp máy đó tôi tưởng tượng chúng cho nụ hôn cũng ấm như những giọt nước mắt. Rồi tự dưng tôi cảm thấy cái ấm đó nóng dần lên, dần lên đến độ như phỏng. Không chịu nổi, tôi choàng dậy ngơ ngác nhìn xung quanh. Căn phòng khách đèn bật sáng chưng, mấy thanh củi cháy tí tách trong lò lửa cháy phừng dữ dội hắt hơi nóng ra ngập phòng. Tôi nhớ lại lúc nãy trước khi ngủ gục mình đã nhét thêm vài thanh vào trong lò cho ấm thêm. Chịu không nổi, tôi chạy ra mở cửa phòng đi ra ngoài cái deck để hơi lạnh ập vào. Đứng trước nhà tôi tự động đưa mắt tìm hình bóng một người con gái nào đó nhưng chỉ thấy những hình thù đen đủi ma quái của những thân cây thông đứng bất động trong ánh trăng. Chợt có tiếng động nhỏ như tiếng lá xào xạc đến từ vùng đen tối ngoài kia. Sư tử núi? Không cần suy nghĩ thêm, tôi chạy tọt vào trong nhà, xập cửa khoá lại.
Sau mười giờ sáng hôm sau tôi mới dậy. Ăn tạm bao mì gói, uống tách cà phê xong tôi lên xe định lái cả vòng hồ xem cảnh vì chiều hôm qua đi bộ nên chỉ xem được một ít. Tôi lái chầm chậm trên con đường đất lồi lõm. Hồ Loon nằm bên phải, mặt hồ lấp loáng ẩn hiện sau rặng cây. Đi được hơn mười phút thì đến cuối đường, hoá ra con đường không đi trọn hồ như hồ Tahoe. Nơi đây trần trụi không cây cỏ, cảnh không đẹp. Tôi vòng đầu xe đi ngược lại. Đi hơn nửa đường tôi chợt thấy có một chiếc xe hơi cỡ nhỏ đậu trên bãi đất bên trái đường trong một khu rừng. Lái chậm đến gần tôi thấy cửa xe mở, có lẽ tài xế xuống xe làm gì đó như tự giải tỏa, nhưng chỗ này cây cối thưa thớt dễ thấy mà tôi không thấy một bóng người thì không hiểu người đó đi đâu mà để cửa xe mở toang như thế.
“Chắc cặp nào dẫn nhau vào chỗ kín tình tự,” tôi nghĩ vậy rồi lái thẳng về.
Ngồi lại vào bàn, tôi cố viết tiếp câu truyện tình nhưng rặn mãi không ra thêm được chữ nào. Chán nản tôi ngồi thừ ra đó. Chợt nhớ lại đôi bông tai kim cương, tôi mở túi sắc đem ra ngắm nghía. Kim cương thật giả tôi không biết nhưng thấy chúng khá đẹp, đẹp hơn cặp tôi mua cho vợ. Từ đôi bông tai thoang thoảng mùi thơm nước hoa Trésor khi đưa lên gần mũi.
“Biết đâu chủ nhân đôi bông tai là người lái chiếc xe mình thấy lúc nãy, đậu xe đó xong hối hả đi tìm của nên quên cả đóng cửa xe.”
Bỏ đôi bông tai vào túi, tôi cầm chùm chìa khóa, đi ra xe lái trở lại khu rừng thưa. Chiếc Corolla đen vẫn còn nằm đó với cánh cửa phía tài xế mở rộng. Tôi xuống xe lên tiếng gọi, “Xin lỗi, có ai không?”, tôi gọi thêm vài lần, cất cao giọng nhưng chỉ nghe tiếng mình vọng lại. Ngại không dám chui vào xe người lạ, tôi đi bộ một vòng thật rộng tìm người mà tôi đoan chắc là chủ nhân đôi bông tai. Vẫn không thấy ai. Tôi lên tiếng vài lần nữa rồi trở lại chiếc Corolla nhìn vào bên trong, vài tờ giấy, một đôi găng tay len đen cho phái nữ, một bản đồ nhầu nát. Vậy thôi! Tôi trở lại xe mình ngồi chờ. Tôi chờ nửa tiếng không thấy một bóng người. Đúng như tên chủ tiệm dưới kia than, tháng này không thấy ai trên đây. Từ hôm qua đến giờ chỉ có tôi, một cặp già và hai người nữa- tài xế chiếc Corolla và chủ đôi bông tai, hay có lẽ là một?
Về lại chalet, không viết được, tôi thay quần áo lái xuống chân núi. Trên đưòng đi tôi ghé vào lại tiệm tạp hóa. Vẫn tên trắng ngồi sau quầy coi tiệm vắng tanh.
- Ông có nhớ cái cô Á châu mà ông nói ghé tiệm hai ngày trước đi loại xe gì không và màu gì? Tôi hỏi mà không hy vọng hắn nhớ.
Hắn nhún vai, “Không biết, hình như là xe du lịch nhỏ, màu đậm, đen hay xanh đậm, tôi không để ý.”
Cám ơn hắn xong tôi đi ra, lên xe lái thẳng xuống núi lên Lake Tahoe đánh bài.
Ngồi chơi blackjack nhưng đầu óc chỉ toàn hình ảnh chiếc Corolla bỏ hoang trong cánh rừng và đôi bông tai thay vì cơ rô chuồn bích nên chỉ ba mươi phút sau tôi thua cả trăm đô. Tôi đổi lấy mớ bạc cắc rồi đi ra khu slot machine loại nickel để chơi cho lâu. Chỗ này chỉ có tôi và hai bà già Phi, tôi lựa một máy trong góc vắng vẻ. Ngồi chơi, tay tôi cứ tự động lấy một bạc cắc cho vào máy rồi kéo cần, hết cắc này đến cắc kia, không biết là giữa người và cái slot machine thứ nào máy móc hơn. Một lúc sau cái ly giấy đựng bạc cắc trống trơn. Hết tiền, tôi quăng ly vào sọt rác đứng lên. Hai bà Phi già vẫn còn ngồi đó, mỗi người chơi một lúc ba máy. Cạnh họ có thêm vài người khác đến tự lúc nào tôi không hay, mấy ông bà già và một cô gái tóc dài đen bóng, cô ta ném cho tôi một cái nhìn rồi chúi đầu lại vào máy chơi tiếp nhưng tôi có cảm tưởng mắt cô đang liếc nhìn mình.
Tôi đi ra cửa. Nãy giờ ở trong sòng bài kín mít đèn bật sáng không biết bên ngoài trời kéo mây u ám. Giữa xuân mà còn mưa? Thật lạ! Tôi phải trở về chalet ngay vì đường đi khá xa và nhiều chỗ rất khúc khuỷu. Tôi ghé vội vào một tiệm deli cạnh đó mua một khúc bánh mì thịt và hộp nước cam. Vào xe nổ máy gài số, tôi nhìn vào kính chiếu hậu sắp tách lề thì thấy cô gái khi nãy chơi slot machine trong casino đang đứng sau xe tôi cách độ chục thước. Chỉnh lại cái kính chiếu hậu nhìn cho rõ, tôi thấy cô ta nhìn tôi chăm chăm. Lúc nãy từ tiệm đi ra tôi không thấy ai trên lề đường ngoài vài đứa nhỏ đi skateboard, giờ tự nhiên cô này ở đâu hiện ra. Tôi tắt máy bước xuống xe. Nếu cô ta thật sự muốn hỏi tôi điều gì thì cứ lại nhưng nàng im đó một lúc rồi bước vài bước lại gần. Tôi tự nhiên muốn chui vào lại trong xe lái đi nhưng cứ đờ người ra. Người con gái quay lưng bỏ đi thật bất chợt cũng như lúc xuất hiện. Mái tóc đen bóng dài thẳng xuống đến giữa lưng như dính vào người, không bay tung lên trong ngọn gió mạnh trước cơn mưa. Tôi nhìn theo cho đến khi bóng dáng nàng trộn lẫn vào đám người đứng nơi ngã tư chờ băng qua đường.
*
“11, 12 ...,” tôi đếm mấy cục giấy vo tròn dưới đất. Ăn hộp thịt nấu đậu xong tôi đốt thanh củi trong lò sưởi rồi ra nằm khểnh trên ghế dài. Vậy là chuyến đi hai đêm trên núi này chả được ích gì cho việc viết câu truyện dài mà tôi ấp ủ trong óc trong tim từ lâu. Quay người sang một bên, tôi thấy gì cồm cộm trong túi, đút tay vào lôi ra đôi bông tai. Đưa lên ánh đèn, tôi thấy những hạt kim cương lóng lánh tuyệt đẹp.
“Không được truyện thì được nữ trang,” tôi mường tượng ra nét mặt tươi rói lên của Hằng khi đưa cho nàng đôi bông tai trưa mai. Nhìn hai bông tai đong đưa trong ánh đèn, hình ảnh người con gái ban chiều chợt trở lại. Tôi còn nhớ cái nhìn của nàng, thật xoáy, thật sâu và đôi mắt ấy thăm thẳm như đáy hồ. Tôi ngồi bật dậy, đi lại bàn tìm được một tờ giấy khổ to, cầm bút lên và bắt đầu vẽ lại khuôn mặt cô gái. Tôi phải vẽ cho được trước khi cái nét đẹp buồn ấy phai đi khỏi trí nhớ. Đã từng học vẽ khi còn học đại học nhưng lâu rồi chưa cầm cọ cầm bút chì, tôi vụng về kéo những đường thẳng đường cong trên mặt giấy. Một lúc sau tôi cầm bức họa chân dung lên ngắm nghía, lắc đầu đặt tờ giấy xuống bàn.
...
Chín giờ sáng, tôi dọn dẹp căn chalet, cất laptop vào cặp, cầm chổi quét phòng sạch sẽ trả cho người ta rồi sửa soạn đi. Tôi cầm tờ giấy đêm hôm qua vẽ chân dung người con gái trên vỉa hè lên nhìn vài giây, cất vào cặp laptop mà không biết mình giữ nó làm gì.
Tôi lái xe ra con đường đất, nghĩ sao rẽ trái đi trở lại khu rừng thưa. Đến gần, tôi tự nhiên thấy hồi hộp trong lòng, đi chậm lại. Thấp thoáng bên trong cánh rừng, chiếc Corolla vẫn còn nằm đó, cửa bên trái vẫn mở toang. Tôi xuống xe đi lại chiếc xe bỏ hoang. Cơn mưa tối hôm qua làm chỗ ngồi bên tài xế ướt nhẹp. Dí mũi lên cửa kính xe, tôi nhìn kỹ mấy tờ giấy. Vì nằm dưới sàn xe bên phải cửa đóng nên chúng không bị ướt, trông như thơ ai gởi. Tôi tò mò muốn cầm lên xem nhưng nghĩ xe bỏ hoang như vầy ít ra là đã ba ngày với cửa mở chắc hẳn đã có chuyện gì xảy ra và nếu vậy mình không nên động chạm vào các dấu vết phạm trường. Để yên để cảnh sát thu thập được dữ kiện chính xác cho cuộc điều tra.
Trên đường về nhà tôi mới sực nhớ đến đôi bông tai kim cương. Không biết chúng có liên quan gì đến chiếc Corolla trong rừng không? Nếu có thì tôi đã lấy mất đi tang chứng mà cảnh sát cần. Đã đi được khá xa không thể quay lại, tôi lái về luôn.
...
- Lên trên đó anh viết được chữ nào không?
Hằng dọn cơm ra bàn. Tôi không đáp, ngồi xuống cầm đũa gắp thức ăn mà nghĩ đến những cục giấy vo tròn nằm xung quanh sọt rác trong căn phòng khách chalet.
- Chắc không được chữ gì vì gặp ... ai trên đó, Hằng vừa nói vừa liếc nhìn tôi, cái nhìn nửa đùa nửa dọ xét.
Tôi nghĩ vợ đoán đúng một nửa, có gặp ai thật nhưng không như Hằng nghi. Không muốn bị hiểu lầm khó bào chữa, tôi đáp- Không gặp ai nhưng không viết được nhiều.
Suốt bữa ăn tôi phân vân trong bụng không biết có nên nói cho vợ biết về đôi bông tai không, tôi còn giữ chúng trong cặp laptop. Hằng là người đúng quy củ, nếu tôi cho nàng biết sẽ bị bắt đem đi nạp cảnh sát. Tôi thì muốn giữ đôi bông tai, không phải vì tham nhưng vì sợi dây vô hình nào buộc đôi bông tai với những gì lạ tôi gặp trên đó.
Đêm, Hằng đi ngủ rồi, tôi còn ngồi ở bàn viết. Bức phác chân dung người con gái hơi nhầu, tôi vuốt lại cho phẳng phiu. Những đường vẽ khuôn mặt trông thật vụng nhưng nhìn kỹ thì thấy có hồn. Tôi nhớ rõ khi mới vẽ xong ngắm kỹ thấy bức họa chì chả ra gì mà giờ như mới được ai tô lại thêm sắc sảo, trông có hồn, trông như thật. Tôi đem cất bức chân dung và cặp bông tai vào một briefcase có khóa, khóa lại, cất vào closet.
*
Tôi đang vật lộn với cái program phức tạp thì điện thoại cell rung. Tôi trả lời, bên kia đầu giây là giọng một người tự xưng là cảnh sát muốn hỏi tôi về những gì tôi thấy trên đỉnh núi hồ Loon. Tôi run lên trong bụng nhưng cố dằn xuống rồi kể về chiếc Corolla bỏ hoang. Ông ta hỏi ngoài chiếc xe còn gì khác lạ. Tôi đáp không, tôi không nói gì về đôi bông tai tìm được bên bờ hồ.
- Ông có vào trong chiếc xe đó không? Viên cảnh sát hỏi gặng.
Câu này thì tôi trả lời mạnh dạn vì là sự thật, là tôi chỉ đứng ngoài nhìn vào rồi bỏ đi sau khi lên tiếng gọi nhưng không ai trả lời.
- Ông cho tôi hỏi chuyện gì xảy ra cho người lái chiếc Corolla đó?
Viên cảnh sát ngần ngừ vài giây rồi đáp:
- Một phụ nữ hình như bị mất tích vì gia đình thông báo cho chúng tôi. Hiện cuộc điều tra đang tiến hành nhưng chưa có thêm tin tức gì. Cám ơn ông, nếu cần biết gì thêm chúng tôi sẽ liên lạc với ông nữa.
Ông ta cúp máy. Không cần hỏi, tôi biết cảnh sát tìm được tôi vì Ban Kiểm Lâm phụ trách việc cho thuê mấy căn nhà nghỉ mát có các dữ kiện về những người mướn. Tôi bèn sực nhớ mình cũng đã không kể cho viên cảnh sát về cô gái ngoài tiệm sandwich.
“Nhưng có liên quan gì đến nhau, chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên”.
Rồi tôi ngồi thừ ra suy nghĩ về sự trùng hợp ngẫu nhiên đó. Không còn đầu óc debug cái program, tôi xách áo ra xe đi tìm ly cà phê. Trong vòng một tuần lễ mấy chuyện xảy ra thật là phân tâm khó làm việc. Mới nghỉ mấy ngày chả lẽ xin nghỉ thêm nhưng tôi cảm thấy có gì bên trong thôi thúc trở lại hồ Loon. Nhìn cà phê đen trong tách trắng tôi liên tưởng đến mặt hồ Loon nước xanh đậm bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi phủ tuyết. Nốc cạn cà phê, tôi nhìn đáy tách, sạch trơn, không cặn, không một hạt đường, không biết đáy hồ cũng giống thế hay có dấu vết ai để lại.
...
Đêm đến tôi chờ Hằng lên lầu đi ngủ rồi mở briefcase lấy đôi bông tai ra đưa gần ngọn đèn trên bàn ngắm kỹ. Càng ngày tôi thấy sao chúng càng trông đẹp thêm. Những viên kim cương lóng lánh trong ánh đèn hắt ra những tia xanh trắng đỏ tuyệt đẹp. Cũng như bức họa chân dung cô gái trên vỉa hè, những nét phác như được ai đồ lại làm chân dung trông linh hoạt có hồn. Tôi đặt cặp bông tai lên hai tai của bức chân dung. Tôi sững sờ. Khuôn mặt nàng trên mặt giấy như di động, hai môi mấp máy, cặp mi chớp chớp. Tôi bị thôi miên bởi cái nhìn xoáy từ cặp mắt sâu thẳm đó. Tôi nghĩ nàng đang cố điều gì đó với tôi nhưng không thốt ra lời được, phần tôi trố mắt ra nhìn không tài nào hiểu được. Sau một lúc cái nhìn đó trông buồn thêm, có nét thất vọng, rồi chân dung bất động. Những nét vẽ vụng về trở lại trên giấy. Tôi cất tất cả vào lại briefcase.
Đêm hôm sau tôi đem bức chân dung ra và đặt đôi bông tai lên như hôm trước. Vẫn cái nhìn buồn vời vợi đó từ đôi mắt sâu thăm thẳm. Nhìn gần hơn tôi thấy lại mặt nước hồ Loon trên núi, một màu xanh đậm rờn rợn nhưng lại có gì huyền bí thu hút. Nhìn lâu tôi có cảm tưởng cái nhìn khẩn khoản bảo tôi nhảy vào hồ xuống tận đáy, bảo tôi phải trở lại lên trên ngọn núi đó. Rồi cảm tưởng đó càng ngày mạnh hơn. Sau cùng tôi không dám nhìn gần bức chân dung, sợ không cưỡng lại được cái nhìn khẩn khoản đó.
Không còn đem hình cô gái ra nhìn nhưng bức chân dung nàng vẫn cứ ám ảnh tôi rồi phần sợ có ngày vợ tình cờ thấy nên tôi đem briefcase cất trong nhà kho nhỏ thuê ngoài phố. Nỗi ám ảnh cũng dần dà bớt đi và tâm trạng tôi thanh thản lại. Nếu cứ như thế có lẽ tôi sẽ quên đi bức chân dung và đôi bông tai cất trong briefcase cho đến một hôm Hằng đi làm về kể tôi một chuyện lạ.
Ngày nào đi làm bằng xe điện cũng giờ đó suốt cả chục năm qua, vợ tôi biết hết mặt những ai đi cùng xe cùng giờ. Sáng hôm đó lên xe như thường lệ Hằng lấy báo ra đọc. Mải lo đọc không để ý đến xung quanh đến khi nhìn lên thì Hằng thấy một cô gái ngồi ghế đối diện. Một khuôn mặt lạ, không phải lạ vì chưa gặp trên cùng chuyến xe điện bao giờ mà lạ là vì nó ... khác lạ. Cô ta nhìn Hằng không dứt mắt. Tự nhiên Hằng cảm thấy bất ổn nhưng cố tảng lờ, giả vờ đọc báo tiếp. Tuy dán mắt vào báo nhưng Hằng vẫn có cảm giác cái nhìn đó dính trên mặt mình và Hằng phải chịu sự nhột nhạt đó cho đến khi xe đến trạm nàng xuống.
“- Bà đẹp lắm, cô gái bất chợt lên tiếng, nhưng nếu bà đeo một đôi bông tai kim cương sẽ còn đẹp thêm.”
- Lạ điều nữa là cô ấy có biết em là người Việt đâu mà thốt câu tiếng Việt, Hằng nhíu mày nói, em không biết trả lời ra sao, đứng lên đi ra xe luôn.
Nghe vợ kể mà tôi thấy rờn rợn trong lòng.
- Để xem ngày mai cô ấy có hiện lên nữa không, tôi góp ý.
Hằng vẫn còn nhíu mày, lầm bầm.
- Gì mà hiện lên, bộ người ta là ma sao?
Tôi không nói gì, lỉnh lên lầu.
Sáng hôm sau trong sở tôi bồn chồn không chịu được, điện thoại cho Hằng hỏi ban sáng đi làm có gặp lại người con gái lạ trên xe điện không. Hằng nói không. Tôi thấy nhẹ nhõm, chắc buổi gặp mặt hôm trước chỉ là một sự tình cờ. Tối về lòng nhẹ nhõm trong tôi biến ngay thành lo lắng khi Hằng nói trên chuyến xe về gặp lại cô gái đó.
- Lạ một điều là cô đó xuống cùng trạm với em và đi sau lưng em ra đến bên ngoài rồi cũng nói cái câu hôm trước, nếu em đeo một đôi bông tai kim cương thì sẽ còn đẹp thêm.
- Thế em có hỏi cô ta là ai không và tại sao cứ đi theo em rồi nói vậy?
- Em định hỏi nhưng thấy cô này ... trông lạ lắm, có cái nhìn như ngây dại, làm như là cô ta chỉ muốn nói cái câu đó mà không nghe mình nói nên em thôi.
Những ngày sau Hằng đi làm giờ khác nhau và đi xe khác rồi chịu khó đổi xe để xem còn gặp người con gái lạ không. Lạ thay, lần nào cũng gặp lại cô ta. Mỗi lần như vậy, Hằng đứng lên đi qua toa khác ngồi. Rồi một hôm Hằng đề nghị tôi ra đón nàng ở trạm xe điện để chính tôi thấy cô gái đó.
Tháng sáu vào hạ bảy giờ chiều trời còn sáng. Tôi ngồi trong xe chờ Hằng bên ngoài trạm xe điện lòng đầy hồi hộp. Cứ gần hai mươi phút thì có một chuyến đến. Từ chỗ này tôi thấy người ta túa ra từ trong trạm, những người đi làm về điệu bộ mệt mỏi đi vội ra xe. Hằng là một trong những người ra cuối cùng. Tôi nhìn kỹ những người đi sau nàng thấy một cô gái da vàng tóc dài đen. Cô ta đi sau Hằng chỉ vài bước giáng điệu thật nhẹ nhàng. Nhận ra tôi từ xa, Hằng đi nhanh lên, cô gái cũng bước vội giữ khoảng cách. Họ càng đến gần, tim tôi càng đập mạnh lên. Cũng khuôn mặt người con gái với mái tóc dài đen nhánh ươn ướt và đôi mắt sâu thăm thẳm tôi gặp trên lề đường tháng trước nay tái hiện tại một chỗ cách nơi gặp lần đầu cả mấy trăm dặm. Đến gần chỗ tôi đứng chờ, cô gái đi vượt qua Hằng rồi đi thẳng, không nhìn tôi, như là tôi không có đó.
- Cô đó đó, Hằng vừa nói vừa chỉ người con gái.
Tôi nhìn theo, mái tóc dài xuống đến giữa lưng trông ươn ướt như mới gội. Tôi muốn đi theo hỏi cô ta là ai, tại sao cứ đi theo Hằng nhưng có gì trong tôi cản lại. Hằng đánh nhẹ lên lưng tôi.
- Anh, anh hỏi cô ấy đi tại sao lại ...
Tôi đành chạy theo người con gái cất tiếng gọi. Cô ta ngừng chân. Tôi cũng ngừng lại ngay. Những giọt nước nơi đuôi tóc loang ra trên lưng áo. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc trên sống lưng tôi như cái lạnh trên núi hồ Loon, cái lạnh của trận mưa trong cánh rừng thưa nơi chiếc Corolla bỏ hoang. Người con gái từ từ quay lại. Hai mắt đen tuyền không con ngươi, một màu đen thẫm sâu thẳm. Nhìn vào trong đôi mắt đó tôi thấy mình trở lại bờ hồ đứng bên phiến đá cầm đôi bông tai đưa lên ánh mặt trời hoàng hôn.
Cả phút sau tôi mới lắp bắp thốt được vài tiếng:
- Cô là ai, đừng theo quấy vợ tôi.
Từ đôi môi khẽ hé, một giọng nói hoang vu, “Trả lại hồ đôi bông tai”.
Rồi cô gái quay lưng bỏ đi những bước thoăn thoắt, biến dạng trong hàng cây bên kia đường. Có tiếng giầy Hằng nện trên lề xi măng rồi tiếng nàng sau lưng.
- Nó nói gì vậy?
- Nói theo lầm người, vậy thôi, chắc cô ta sẽ hết theo quấy em.
Những ngày sau đó tôi sống trong lo lắng sợ người con gái đó tái hiện cạnh Hằng. Tôi sẽ không biết làm sao nói dối tiếp để che đậy cho một sự việc đáng lẽ ra không có gì nếu tôi nói thật ra mấy tháng trước. Cứ mỗi ngày Hằng đi làm về nói hôm nay không thấy “cái con bé kỳ quặc như ma đó” thì nỗi lo lắng trong lòng tôi bớt đi một ít.
*
Ăn cơm trưa ở Pollock Pines xong tôi lên xe trở lại xa lộ 50. Lần này tôi biết trước lối vào con đường đất Nhà Đá ở đâu nên bớt bỡ ngỡ. Xe bắt đầu lên dốc, tôi liếc nhìn cái briefcase đặt trên ghế bên cạnh. Sáng nay tôi gọi vào sở cáo bệnh nghỉ một ngày rồi ghé nhà kho lấy briefcase lên xe trực chỉ Placer County. Hơn một tháng sau trở lại chốn cũ, cảnh vẫn như xưa chỉ ít tuyết đi nhiều. Trời trong xanh với những cụm mây trắng lơ lửng, ngoại trừ một ít những đỉnh núi còn lại chỉ còn lốm đốm những mảng tuyết nhỏ.
Không thể chần chờ thêm được nữa, tôi phải làm theo ý muốn của cô gái bí ẩn. Mấy ngày nay Hằng đi làm về nói “con bé trông như ma lại xuất hiện ám em mà càng ngày nó trông càng kinh”. Tôi vào website của các tờ báo địa phương trên này lục tìm các bài viết về vụ một thiếu nữ Á châu mất tích. Bài báo đăng hình tên chủ tiệm cây xăng và lời khai của hắn về một cô gái Á đông ghé vào tiệm trước khi lái lên hồ nước. Hắn còn nói thêm là ngày hôm sau có một người đàn ông cũng Á đông ghé tiệm mua thức ăn trên đường đi lên hồ. Một bài báo khác cho biết cảnh sát không tin giả thuyết cô gái tự trầm vì đã lâu mà không thấy xác nổi lên, nếu thế chỉ có nghi vấn là cô ta bỏ xe ở đó rồi đi lang thang vào trong rừng hay lên một ngọn núi nào khác và đi lạc rồi kiệt sức mà gục chết rồi bị thú hoang tha xác đi. Hoặc giả cô ta bị bắt cóc và đưa đi nơi nào khác. Giả thuyết này không đứng vững vì trong trường hợp bắt cóc thì với lời khai của tên chủ tiệm xăng tôi sẽ là tình nghi số một và cảnh sát sẽ lôi đầu tôi vào bót để thẩm vấn nhưng đằng này họ chỉ gọi tôi một lần rồi thôi. Hoặc giả cô ta tự trốn đi với ai?
Suốt từ nhà lên đến đây tôi phân tích tới lui những giả thuyết này nhưng không đi đến được một kết luận nào vì tất cả vừa có lý lẫn vô lý. Tôi không còn muốn bận tâm về chuyện này, chỉ cần đặt đôi bông tai vào chỗ cũ rồi đi, tất cả sau đó sẽ êm xuôi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Thật giản dị!
Nóc căn chalet dần hiện lên. Tôi lái lại, thật chậm. Bánh xe nghiến lên những viên đá nhỏ trên con đường đất khô, những tiếng lạo xạo vang lên trong cái tĩnh mịch vùng hoang dã. Bãi đậu xe trước chalet không một chiếc. Hồ Loon cách đó chừng trăm thước, mặt hồ bình lặng. Tôi không xuống xe đi lại phiến đá nơi tìm được đôi bông tai mà lái thẳng xuống cuối đường tìm chiếc Corolla bỏ hoang dù biết nó chẳng còn đó. Khu rừng thưa không một bóng người cũng như hôm đó, chỉ một vòng sợi dây plastic vàng “Police Line-Do not cross” buộc vào mấy thân cây xung quanh chỗ chiếc xe bỏ lại hôm nọ. Sợi dây plastic một đầu bị giựt đứt nằm dưới đất. Tôi xuống xe đi vào vùng đất đó. Tôi đưa mắt tìm một mảnh giấy, một thỏi son, một găng tay ... nhưng ngoài đất, cát, cỏ, đá, những chiếc lá rụng, vài cành cây gẫy nằm vương vãi xung quanh và bốn vết bánh xe hằn xuống đất giờ khô cứng, tuyệt nhiên không có một vết tích nào. Một luồng gió mạnh từ đâu chợt thổi đến làm tung đống lá rụng đầy dưới đất lên để lộ ra những dấu chân nhỏ nhắn đi từ chỗ chiếc Corolla đậu ra hướng ngoài đường. Tôi đi theo những dấu chân ra đến con đường thì mất dấu. Tôi còn đứng đó phân vân không biết những dấu chân đó đi về hướng nào thì luồng gió thổi đến từ cánh rừng tốc cát bụi và lá lên. Những dấu chân lờ mờ hiện lên trên mặt đường đất đi về hướng căn chalet. Tôi đi theo những dấu chân lờ mờ đó trên con đường chạy dọc theo bờ hồ một đỗi thì thấy mình đã đến gần phiến đá nơi lượm được đôi bông tai. Tôi chợt khựng chân lại. Hình dáng một người con gái nhỏ nhắn loáng thoáng hiện ra sau những hàng cây thông. Nàng đang ngồi trên phiến đá sát bờ hồ quay lưng lại tôi. Vẫn bộ quần áo đó, vẫn mái tóc dài đen ươn ướt xuống giữa lưng. Tôi đứng bất động, hai chân chôn xuống đất, thân thể như đã hóa đá nặng nề. Ngọn gió đổi hướng, thổi ngược lại từ hồ vào chỗ tôi đứng. Trong gió thoang thoảng có tiếng khóc thút thít tiếng nói van lơn quyện lẫn mùi nước hoa quen thuộc. Thu hết can đảm tôi rời con đường đất bước lại người con gái ngồi trên phiến đá. Tôi đến gần. Nàng vẫn ngồi quay lưng lại tôi, hai chân đưa xuống dưới nước hồ lạnh lên đến gần đầu gối. Tôi bước thêm vài bước, vô tình dẫm lên một cành cây khô. Tiếng gẫy ròn vang lên cả một khu hồ làm tôi giật thót người. Như kẻ trộm vào nhà lỡ làm rớt vật gây tiếng động, tôi cứng đờ người lại. Những cảnh vật xung quanh cũng chợt bất động như khán giả đang xem một phim kinh dị đến cảnh hồi hộp không dám thở. Cả một khu bờ hồ chỉ mỗi trái tim tôi là cử động. Đứng im sau lưng người con gái chỉ vài bước, tôi ngắm chiếc eo nhỏ, hai bờ vai thon, những giọt nước ở đuôi tóc rịn trên lưng áo.
- Tại sao cô đi tìm cái chết? Tôi hỏi nhỏ như nói thầm.
Cô gái vẫn ngồi bất động quay lưng về tôi, mặt hướng ra giữa hồ.
- Cái chết giết niềm đau.
Cô gái thu chân về, đứng lên rồi từ từ quay người. Bàn tay tôi đang vịn một cành cây nắm chặt lại, mắt dán lên đôi chân nhỏ không giầy da trắng bạch bước từng bước chậm để lại sau những dấu chân ướt nhỏ như chân chim trên các phiến đá. Hai bàn chân đất ngừng lại chỉ cách hai chân tôi vài bước, những giọt nước nhỏ xuống từ gấu quần loang trên mặt đá. Tôi nín thở, ngửng mặt lên. Mặt người con gái cách mặt tôi chỉ gang tấc, một đôi mắt tuyệt đẹp nhưng thật buồn.
- Niềm đau chết đi nhưng không giải thoát. Ông có tin là có thế giới bên kia sau cái chết? Tôi không biết. Ông ngạc nhiên? Một người đã chết phải biết điều đó chứ. Tôi chết nhưng không biết vì chưa thấy ngưỡng cửa của thế giới đó. Tôi chỉ lang thang đó đây và đã gặp những người như tôi, những người chưa tìm được một lối thoát vì còn ràng buộc với cõi đời. Tôi phải cắt đứt sự ràng buộc cuối cùng đó thì mới tìm được cửa thế giới kia để sau cùng được giải thoái vĩnh viễn. Và ông là người giữ mối ràng buộc cuối cùng đó, xin ông hãy giải thoát tôi.
Nỗi hoang mang cùng cực dậy lên trong tôi giữ tứ chi tôi không cho cử động. Tôi ngây người nhìn đôi mắt buồn bã với cái nhìn khẩn khoản. Tôi thấy đầu óc mình ù đi không biết phải làm gì nói gì. Rồi bàn tay cô gái đưa ra, những ngón tay thon đẹp. Tôi đặt đôi bông tai vào lòng bàn tay trắng buốt. Cái lạnh truyền vào mấy đầu ngón tay tôi đi lên ngực. Tôi tái lặng người đi, đứng im nhìn nàng quay lưng chậm rãi đi đến bờ hồ bước xuống nước. Tôi nhìn mặt nước xanh thẫm loang loáng ánh mặt trời dâng dần lên đầu gối rồi lưng, hai bờ vai thon, cổ, mái tóc dài rồi sau cùng mặt nước nuốt chửng cả bóng dáng người con gái bạc phận.
Mặt hồ Loon bình lặng như lòng tôi.
Bùi Ngọc Khôi
Loon Lake, tháng Sáu 2010
Gửi ý kiến của bạn