- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mặt biển

17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 98978)

tdtinh_hl109

 Có người đã từng chửi tôi là đồ chó, chẳng biết tại sao mà họ lại chửi tôi thâm tệ thế?
 Tôi rất sợ những người mặc áo trắng, nhất là những y tá, mỗi lần nhìn thấy các cô đến bên cạnh là người tôi lại run lên lật bật, ở bệnh viện tôi luôn trốn dưới gậm giường, tôi không dám bước ra sân bởi vì ngoài đó có rất nhiều người mặc áo blu trắng. Thỉnh thoảng tôi lại bị lôi ra như con cún lúc mới mang về nhà, họ cho tôi đi đái. Tôi cũng rất sợ đái, vì lần nào đái chim tôi cũng bị ăn vài roi đau điếng, thành ra tôi thích đái luôn ngay chỗ mình nằm, nhưng đái như thế lúc khác họ vẫn cứ không tha. Tôi không biết lý do làm sao mà họ cứ bắt tôi ra để vụt, làm người khổ lắm tôi muốn được làm chó, nếu được làm chó chắc chắn tôi sẽ không bị vụt đâu, thậm chí tôi còn được tắm xà bông rồi bế lên nằm ghế sô pha suốt cả ngày. Tôi sủa “ Gâu! Gâu!” để người ta biết tôi là chó, họ sẽ không mang vụt ra vụt nữa.
 Người ta bảo tôi là gã tâm thần, suốt ngày cứ sủa “Gâu! Gâu!” rồi lại chui tít trong gậm giường, nhất là thấy cô y tá bước vào phòng là tôi nhe hàm răng trắng muốt ra dọa cắn:
- Yên nào! Tôi sẽ không đánh anh đâu mà sợ.
- Ằng! Ằng!
 Tôi định lao ra đớp vào đùi cô ta.
- Nào! Cún con của chị! Ra đây chị yêu nào? Chị sẽ không đánh đâu, chị bế cún con đi tắm nhé.
Tôi lắc lắc cái mông rồi ngoan ngoãn bò ra khỏi gậm giường.
- Ngoan nhá! Chị tắm rồi lên giường ngủ cho thơm nhá, cún đái hết ra gậm giường khai lắm.

 Tôi nghĩ mình đã thành công rồi, vì chỉ có làm chó mới được cưng chiều như vậy. Cô y tá dắt tay tôi đi dọc theo dãy hành lang, vừa đi tôi vừa sợ nem nép sát bức tường, ngoài hành lang lúc ấy cũng không có bóng áo trắng nào, chỉ thấy nhiều người mặt mũi nhăn nhó ngồi trên những chiếc ghế nhựa, họ nhìn tôi bằng ánh mắt liếc xéo, tôi tin rằng họ đang sợ tôi cắn, nhưng tôi sẽ không cắn để họ được yên thân. Vào đến phòng tắm cô y tá chốt cửa lại, qua ánh đèn thủy ngân tôi phát hiện hình dáng mình xơ xác trong gương, cô y tá dụ cởi hết quần áo tôi ra rồi nhấn xuống chiếc chậu nhựa, cơ thể tôi trần truồng cảm thấy rất thoải mái, cô bảo tôi ngồi xuống để cô phun nước ấm từ vòi hoa sen vào đầu, rồi tiếp đó cô phun khắp cơ thể tôi, nước chảy đến đâu người tôi dễ chịu đên đó. Đúng là làm chó có khác, tôi sắp sửa sạch sẽ như những con chó cảnh, tôi lại được vuốt ve chạy nhảy khắp nhà, rồi tôi sẽ sủa toáng lên cho mà xem. Có một điều tôi mới nghĩ ra, làm chó phải biết mừng, biết ôm lấy người để liếm láp. Tôi ôm lấy chân cô y tá rồi liếm vào đùi. Cô vỗ vỗ vào đầu tôi:
- Yên nào! Để chị tắm cho sạch sẽ đã.
 Thích thật! Tôi kêu lên “Ư! Ử!”, rồi với hai chân trước lên ôm ngang người cô y tá, liếm vào ngực:
- Cún! Hư!
 Cô y tá nựng tôi! Tôi chồm lên ngang vai rồi liếm vào mồm, cô ngã ngửa ra, tôi tiếp tục vồ lấy. Tôi hôn cô. Tôi hít cô. Tôi xé quần áo cô. Tôi kiên quyết không rời cô.
 Tôi không có ý thức, mà cũng chẳng biết đạo đức là gì? Tôi đã tấn công cô y tá, đấy là họ bảo tôi thế, có người bàn thiến hai hạt dái của tôi, nhưng tôi là chó không quan trọng có hay không có dái, tôi chỉ thích được người âu yếm, không ai đánh tôi. Điều này thì tôi đã nhầm, vị bác sĩ trẻ thay việc của cô y tá, anh ta lôi cổ tôi từ trong gậm giường ra, tôi cắn vào tay, mõm tôi bị tát liên hồi. Bác sĩ quyết định không thiến dái của tôi nữa, họ gọi gia đình lên chăm sóc tôi. Là chó tất nhiên tôi không biết gia đình là gì, tôi không có tư duy như con người, chó cũng chẳng cần văn hóa nốt, bản năng của loài chó tự hình thành trong quá trình sống. Từ khi sống ở bệnh viện tôi không thấy có con chó nào là mẹ tôi. Một hôm người ta dẫn đến trước mặt tôi một bà già, họ nói đấy là mẹ tôi thì vô lí quá, tôi là chó mà mẹ là người, bà nhìn tôi và khóc. Tôi thương bà quá, tại làm sao mà bà lại khóc, tôi bò tới bên bà hít mũi rồi dũi dầu vào lòng, bà lại càng khóc nhiều hơn. Có thể là tại tôi động viên bà chưa tốt, càng an ủi nhiều bà càng khóc. Thôi! Tôi chui vào gầm giường và ngủ say như chết. Tại sao cái bà già này cứ quanh quẩn bên tôi chứ? Lúc tôi ngủ bà còn lấy khăn nóng lau khắp cơ thể tôi nữa. Tất nhiên là tôi không cắn bà bởi bà không làm tổn hại đến tinh thần của tôi, ngược lại bà là đầy tớ của tôi, khi tôi ỉa bà mang xẻng ra hót phân, khi tôi đái bà không cầm que gõ vào chim. Tôi bắt đầu có cảm tình với bà thực sự, ở bên cạnh bà tôi không bị ai đánh bao giờ, cảm giác run rẩy cũng dần dần hết đi.

 Đừng ai nói loài chó không biết suy nghĩ, những ngày sống cùng bà già ấy tôi luôn nghĩ đến cô y tá, tôi nhớ bóng dáng duy nhất của cô không lẫn cùng ai được. Loài chó có trí nhớ khủng khiếp lắm đấy, tôi nhớ nhất cảm giác lúc liếm láp cơ thể cô y tá, mùi mồ hôi cô đã ngấm sâu vào các tế bào thần kinh, tôi chỉ muốn rời xa bà già túc trực bên tôi ngày đêm, tuy đôi mắt tôi lim rim nhưng cái mũi cứ vểnh lên hít hít mùi trong gió, đầu óc tưởng tượng đến cảnh mừng quýnh cùng cô y tá ấy. Cuối cùng bà già cũng mệt, hình như tôi nghe bà nói với ông bác sĩ là vừa bỏ nhà đến đây để trông nom con trai, bà lo đàn lợn vừa đẻ không có ai chăm sóc, chồng bà điếc đặc nói phải như quát vào tai, bà không khóc nữa mà nằm co quắp trên chiếc giường inox ngủ thiếp. Nhớ cô y tá quá nên tôi không còn biết sợ là gì nữa, tôi lấm lép ra khỏi phòng đánh hơi đến nơi cô y tá ở. Mấy ngày liền tôi không được hít hà thân thể cô đâm trong người bất ổn, vừa thấy cô đang ngồi ghi chép sổ trong phòng tôi liền lao vào ngửi. Đầu tiên tôi dí mũi vào đùi khi cô đang ngồi trên chiếc ghế sô pha, cô không đánh mà hai bàn tay vò mạnh vào tận chân tóc tôi:
- Cún của chị mấy ngày đi đâu đấy? Đừng xồn xồn lên với chị nhé, người ta cười cho đấy. Chị yêu em mà! Khi nào khỏi bệnh chị sẽ đem cún về nhà nuôi nhá. Nghe không?
 Tôi là một con chó bị bệnh á? Người tôi vẫn khỏe hừng hực mà lại bảo tôi có bệnh. Điêu! Tôi chẳng bao giờ tin hết, là chó như tôi biết đọc chữ của người viết, tôi biết đếm tiền và còn biết loài người hay nói dối nữa, loài chó như tôi chỉ sống theo trực giác thôi. Vị giáo sư già đã nói với cô y tá như thế này: “Nó nghĩ nó là chó thì cô cứ gọi nó là chó, gọi nó bằng cái tên như mọi người hay gọi con cún cưng của mình ấy, loài nào đi chăng nữa cũng cần có tình yêu thương đối với nó. Cô chịu hi sinh cho viện này là phương thuốc chữa tốt nhất cho bệnh nhân. Nó muốn hít thì cô cứ để cho nó hít, cô muốn nó không lấn áp mình thì hãy làm cho nó thoát hết mọi ẩn ức ra ngoài. Quá trình điều trị tinh thần của bệnh nhân cần giải phóng, đừng gây ức chế thần kinh thì bệnh nhân sẽ không phá phách, có khả năng nó sẵn sàng phá tung cả cái viện này lên đấy. Tôi tin cô sẽ giúp tôi trong công trình nghiên cứu này”.

 Tôi là một con chó có giá trị thật sự, nhờ có vị giáo sư già kia can thiệp mà ít khi tôi bị người ta đánh, tôi không còn cảm giác sợ sệt mỗi khi đi đái, tôi không đái ở gậm giường mà vào nhà vệ sinh vếch chân lên tường phóng, đường nước đái được tự do thoát tôi cũng cảm thấy khoan khoái, tôi hiền như cục đất chẳng cắn ai nữa. Khi tôi đói bà già xuống nhà bếp mang cơm về cho tôi ăn. Khi tôi chuẩn bị phá phách thì cô y tá gọi vào phòng, chẳng mấy chốc cô đã điều trị cho tôi thoát khỏi cơn cường thịnh. Loài chó cũng có quyền được giao cấu chứ, tôi biết muốn giao cấu được cùng đối tượng thì phải có hứng thú, bà già kia ngủ chung cùng giường với tôi nhưng chẳng bao giờ tôi cưỡng hiếp bà cả. Vị giáo sư nữa, tôi chẳng thể làm phiền được ông ta, ý đồ của ông đang muốn cho tôi làm đúng một con chó thuần chủng, ông có khả năng biến từ chó thành người. Cái giá trị của tôi là đối với vị giáo sư thôi.

 Tôi cám ơn vị giáo sư già vô cùng, ông không cho người ta thiến dái tôi, mà ý định của ông cũng không nuôi tôi để giết thịt, nghe nói ông nuôi tôi để làm công trình nghiên cứu, hay sau này sẽ sử dụng vào một việc gì đó, làm chó cũng phải là chó chính nghĩa, bọn chó lai người ta chỉ nuôi để chơi bời không thể sử dụng vào công việc. Tôi làm chó được vị giáo sư đó khen ngợi rất nhiều, tôi tự nhủ sẽ tuyệt đối trung thành với ông, sẽ không bao giờ để bất cứ kẻ nào tấn công ông, ông nói tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một hôm ông hỏi tôi: “ Này cún có muốn được làm người không?” Tôi chưa bao giờ làm người nên không chắc dám khẳng định. Vị giáo sư ấy lại nói: “ Nhiều người tài giỏi lẫy lừng, mà không làm nổi một con chó tốt. Cớ sao một con chó như cậu mà không làm được một con người. Cậu hãy làm một con người bình thường thôi, tôi không yêu cầu làm người cao cả”. Câu gọi là “cậu” ấy là ý cưng chiều của vị giáo sư đối với tôi, người ta vẫn gọi loài chó là “cậu vàng, cậu cún” đầy rẫy ra đấy thôi. Tôi biết làm việc gì cũng cần phải có một niềm tin, mình phải đặt niềm tin lên hàng đầu để quyết định hành động cho chính xác. Tôi hứa với vị giáo sư rằng mình làm được một con người. Tôi chia tay bệnh viện, chia tay bà già để trở về với mặt biển. Vị giáo sư nói với mọi người: “ Trước lúc mất trí nhớ nó là cái gì thì nay trả nó về nguyên cái đó”.

 Nghe theo lời của vị giáo sư tôi lên xe để họ cho tôi đến nơi được làm người, họ sẽ dùng phương pháp hóa kiếp cho tôi chăng? Ôi! Biết thế này thì tôi chỉ làm chó cho xong. Chắc rằng họ sẽ đưa tôi đến quán cầy tơ bảy món rồi trói quặt hai chân trước về sau, hai chân sau buộc túm vào rồi treo lên một cây cột nào đấy, mõm tôi cũng sẽ bị buộc chặt vào để không còn cắn được ai, nhưng không biết họ sẽ lấy tia hồng hay tia tím của tôi. Trước lúc chết họ còn bóp dái tôi một lần nữa chứ, có khả năng còn ăn thêm cả nhát búa vào gáy. Làm con chó tôi nghĩ như vậy đấy, nhưng không phải ý nghĩ nào cũng đúng. Họ đưa tôi đến một nơi rất lạ, hai bên đường đi toàn vách núi đá dựng đứng, không có quán thịt cầy nào ở đấy, đến một bãi rộng họ dừng xe lại và thả tôi xuống, tôi nhìn thấy những chiếc tàu và bao nhiêu là người, họ reo hò chạy đến đuổi bắt tôi. Tôi rất sợ vì nghe theo lời vị giáo sư già ở bệnh viện kia mà chưa hình dung ra làm thế nào để trở thành người được. Nhưng chết ai mà chẳng sợ, chết là mốc tột đỉnh đưa con chó như tôi được trở thành con người. Chết! Chết là điểm nút cuối cùng của sự sống. Tôi thấy có rất nhiều cách chết, đừng để những người kia xé xác tôi thành trăm mảnh, tôi lại phải chịu đau đớn về thể xác, thà cho tôi ăn một hột mã tiền song béng số phận chó. Tôi cúp đuôi lại chạy, họ không ngừng dồn tôi đến sát mép nước, tôi không có lối nào để thoát khỏi họ, phía trước tôi là mặt biển, tôi nghĩ ngay đến một cách chết, tôi sẽ nhảy xuống đó để tự kết liễu cuộc đời chó của mình.

Sau cú nhảy quyết định ấy, tôi đi xuống dưới mặt nước thật, đúng như vị giáo sư nói, tôi đã trở thành người, không có bóng dáng đồng loại nào bên cạnh tôi cả, xung quanh tôi toàn nước là nước, có cả rêu nữa, rất nhiều cá vây quanh. Tôi là một con người, nhưng chưa biết bổn phận của mình như thế nào, ngay cả ngôn ngữ tôi không biết mình nói thứ tiếng nào, chỉ có một mình tôi, làm gì có ai để mà giao tiếp. Tôi tiếp tục đi dưới đáy biển, chân tôi không đeo dép, đủ thứ phế tạp chồng chất trên nền cát, có lẽ chúng trôi từ các dòng sông trong đất liền đổ ra, hoặc họ ném chúng từ trên các con tàu xuống, thỉnh thoảng tôi phải vuốt mặt vì cái túi bóng chụp vào đầu, dưới biển khó phân biệt chất trong suốt hơn ở trên không khí. Tôi cứ đi, trong tay tôi không có la bàn và cũng chẳng có hải đồ, vị trí đứng tôi cũng không biết được tọa độ. Phải đến gần một ngày tôi đi bộ, từ khi mặt trời chiếu thẳng vào mắt, đến khi ánh sáng xa dần phía sau lưng, theo suy đoán của tư duy là tôi đang tiến về hướng đông. Buổi tối dưới biển thật kỳ lạ, ánh sáng phát ra từ nhiều phía, và cuộc chiến hỗn loạn cũng bắt đầu xẩy ra, những con cá vược hau háu lao vào đớp lũ cá con, những con cá rát ánh bạc lao cheo chéo như vệt đạn ngang dọc ngang bao quanh thân thể tôi, tất nhiên không có viên đạn nào găm thẳng vào mình. Tôi không có vũ khí cũng chẳng có thứ gì để tự vệ, khả năng cơ động của tôi kém cỏi hơn loài cá, nhỡ may kẻ thù tấn công tôi thì đành chấp nhận. Tôi vừa là một con chó biến thành người nhờ cái chết khi tự nhảy xuống biển, bây giờ tôi đã là người rồi chẳng may bị loài cá ăn thịt thì sẽ biến thành gì nhỉ? Giả dụ có biến thành loài cá cũng được, nhưng cá đã đớp vào bụng rồi mà biến thành cá là điều khó xẩy ra, may chăng tôi sẽ thành loài giun, sán sông ký sinh cơ thể khác. Như lời vị giáo sư đã nói chỉ cần tôi là một con người bình thường là quá đủ, nhưng một con người như thế nào đi chăng nữa cũng cần phải biết mình là ai?

 Tôi cứ mò mẫm đi mãi trong bóng đêm, nói là bóng đêm bởi theo cách phán đoán logic của tôi là vậy, chỉ có ban đêm những con tàu mới phải bật đèn sáng, những thứ ánh sáng chói lòa ấy, tôi không thể vươn tới được bởi trọng lực của cơ thể luôn đè nén tôi dưới sát lớp cát này. Cuối cùng mọi hi vọng của tôi cũng đã tìm thấy, một con tàu đang sừng sững ngay phía trước, ky tàu áp chặt xuống lớp cát dày nên rất khó lay chuyển, hình như con tàu này vẫn có người ở bên trong. Tôi đi một vòng xung quanh thấy một góc boong tàu bị vỡ toang hoác, chắc là những viên đạn trong trận chiến vừa rồi đã găm thủng. Tôi vén một miếng tôn thì bên trong rơi loảng xoảng, một người cầm súng M16A1, một người mang súng AKMS. Hai người chĩa súng thẳng vào ngực tôi, phía trong im lìm chẳng có ai cả.
- Chúng tao đợi mày ở đây đã lâu. Một người chĩa súng nói.

 Tôi vừa vượt qua một làn đạn dày đặc mà không có viên nào làm tổn thương, hai khẩu liên thanh của bộ binh này dù có phát huy tối đa hỏa lực cũng chỉ được dưới trăm viên.
- Các anh cứ bắn tôi đi. Tôi nói.
- Tất nhiên là bọn tao sẽ không bắn mày. Chúng tao chỉ muốn biết mày là ai thôi? Hắn huơ huơ đầu súng như muốn thanh minh hành động chĩa súng vừa rồi.
 Tôi nói với hắn là thực lòng cũng chưa biết mình là ai, các anh phải tự xưng danh.
- Chúng tao là lính, không cần xưng tên tuổi, cả con tàu này cũng không có số hiệu.

 Hai người lính dẫn tôi vào khoang, họ chỉ cho tôi xem mọi thứ trong con tàu, những kiện hàng vẫn còn nguyên xi, tôi không biết trong đó chứa gì, khoang nào cũng đầy ắp, tôi đi khắp một vòng, đến cuối cùng là một khoang nhỏ kê hai chiếc phản và những bộ quân phục đã cũ, một người hỏi tôi có đói bụng không? Đã hơn một ngày tôi nhịn ăn, phải đi suốt không được nghỉ ngơi, bụng tôi đói cồn cào, nhưng mắt tôi lại buồn ngủ. Tôi muốn trèo lên phản ngủ nhưng họ không đồng ý, cả hai người cùng bắt tôi lý giải, tại sao chú mày có mặt dưới đáy biển? Anh lính mang AKMS nói: “Đấy, cho chú xem, đây là hàng tiếp tế, bọn anh vẫn giữ cẩn thận”. Anh lính mang M16A1 cũng xen vào nói: “Chú thấy cả con tàu này vẫn còn nguyên xi, chỉ có một lỗ thủng, bây giờ chúng ta phải cùng nhau nâng cấp nó thành con tàu lớn, chúng ta cần vươn ra biển khơi, chú thấy thế nào?” Đúng rồi! Tôi reo lên, tại sao các anh tâm lý thế? Tôi đang mơ con tàu của mình đi được ra biển lớn, ngoài đó có sóng to và nhiều kẻ cướp hiểm nguy, tôi muốn lắm nhưng chưa đủ sức! Có các anh giúp nhất định con tàu của tôi sẽ tiếp tục ra khơi, chúng tôi chụm tay rồi họ mới cho đi ngủ. Tôi lên phản, hai người cùng nhau đi nấu cơm. Ăn xong tất cả bắt tay vào việc.

 *
 Bỗng dưng con tàu nghiêng ngả, tiếng bước chân chạy bồm bộp trên boong, có tiếng người hô hét, tàu bị kẻ lạ mặt tấn công! Tôi vùng dậy tìm khẩu AKMS nhưng không thấy đâu, cả khẩu M16A1 cũng biến mất. Ngoài cửa người chạy nháo nhác, toàn bóng người cởi trần, không có người lính nào ở đây, mà cũng chẳng ai để ý đến tôi, họ khẩn trương nhổ neo cho tàu ra khơi cứu người gặp nạn.

 Tôi đã ngủ thiếp đi hơn một ngày, dĩ nhiên là ngủ trong con tàu chìm dưới đáy biển, ky tàu đã vùi sâu vào lớp cát như móng nhà cắm vào lòng đất... Đến bây giờ tôi thức giấc nhưng không thấy cơm đâu cả? Những người trên con tàu này hoàn toàn xa lạ, cuộc đánh lộn cũng đã trôi qua trước lúc tôi ngủ rồi, không thể lại có một cuộc đụng độ mới trong giấc ngủ của tôi. Với lại ky tàu đã ăn sâu vào nền cát rồi nhưng con tàu vẫn lắc lư, dù thế giới này có thay đổi đi chăng nữa, nó vẫn phải tuân thủ theo quy luật của hiện thực khách quan, chỉ qua một giấc ngủ ngắn mà cả con tàu đã biến mất hoàn toàn thật là vô lý. Sau một giấc ngủ ý thức có thể thay đổi nhưng vật chất không thể mất đi. Từ một con chó tôi đã biến được thành người, rồi tôi lặn sâu vào lớp vỏ của bề mặt. Lúc bơ vơ dưới đáy biển, tôi đã dẫm đạp lên vô số tầng lớp văn hóa, tôi chưa nhận thức được chính bản thân mình. Lúc gặp được những người trong con tàu cảm giác về một con người của tôi bắt đầu được hình thành, họ đã dẫn tôi cách nhìn ra mặt biển. Trải qua một giấc ngủ tôi đã nổi lềnh bềnh trên mặt biển, đó là thực tại hiện hữu đích thực mà tôi phải chấp nhận. Tôi đẩy cửa bước ra boong, con tàu đã nhổ neo tiến ra khơi, những người trên boong toàn là bạn cùng thuyền. Tôi đã là một con người bình thường rồi đấy, từ trong tiền kiếp tôi chỉ là một con chó, tôi đã hoàn thành sứ mệnh của loài chó đúng theo lời nhận xét của vị giáo sư già.
Bây giờ là người rồi tôi hoàn toàn có đầy đủ tố chất, chức năng tư duy của bộ não cũng như những con người khác đang cùng hành trình trên con tàu này, tôi phải hòa nhập vào guồng quay của thực tại để tồn tại. Con tàu của tôi vẫn còn nhỏ bé quá, nhìn những con tàu lớn đang ung dung ngự trên sóng mà lòng tôi mơ ước, chẳng lẽ mình chấp nhận thân phận từ tiền kiếp?
 Đoàn tàu đang đi thì trời bất ngờ nổi dông, những chiếc vòi rồng phun nước đen ngòm cả mặt biển, sóng dâng cao cuồn cuộn, con tàu chồm lên dựng đứng rồi bổ nhào, đồ đạc kêu loảng xoảng trên boong, phía cuối đuôi tàu có một chiếc thùng phuy bị tuột xích, nó lăn nghiêng ngả chuẩn bị rơi xuống biển. Từ trong sâu thẳm của bản năng con người, tôi lao tới thì có tiếng gọi giật dọng từ đằng sau:
- Anh Nhã! Không được làm vậy. Chính chiếc thùng đó đã văng vào đầu và hất anh xuống biển.
 Tôi nhận ra mình rồi. Tôi là Phan Đức Nhã, chủ thuyền đánh cá xa bờ. Trong một lần ra khơi, tôi đã bị chiếc thùng phuy văng vào đầu và hất nhào xuống biển. Tôi đã bị mất trí nhớ không biết bản thân mình là ai. Vị giáo sư già đã áp dụng một phương pháp điều trị đặc biệt cho tôi, đây có thể sẽ là công trình nghiên cứu cuối cùng của ông, cả sự nghiệp ông đã điều trị thành công nhiều bệnh nhân bằng các biện pháp can thiệp sinh, hóa học. Lần này ông đánh thức tôi từ bản năng gốc của con người. Căn cứ vào kết quả giám định thì cơ quan thần kinh trung ương của tôi bị chấn động mạnh bởi sức va đập cơ học, bộ não của tôi bị chấn thương vùng thần kinh điều hành, tất cả các bộ phận khác trên cơ thể tôi đều hoạt động tốt chức năng.

Sau hành trình dài lênh đênh một tháng trên biển, con tàu của tôi đang trở về đất liền, tôi phát tín hiệu thông báo về trung tâm, mọi người vui mừng vì tôi đã hoàn toàn hồi phục, họ đang đợi tôi ở đấy. Một điều thật bất ngờ, trong đám người đón tôi có cả một vị giáo sư và một cô y tá.
 *

Lẽ ra câu chuyện tôi đã dừng lại ở đây, nhưng vì yêu mến quá nên tôi đành viết tiếp, tôi sẽ viết từ sâu thẳm trong lòng mình, từ những rung động tận tầng đáy biển, xin dâng lên bề mặt những vầng hoa sóng dạt rào giữa trùng khơi. Mặc dù tôi ý thức được rất chuẩn mực, nhưng máu thịt của tôi cứ trào lên một mùi hương rất lạ, chỉ đến bến bờ tôi mới lý giải được điều khó nói, nhưng tôi tin vị giáo sư sẽ phân tích được, và cô y tá đang cầm hoa sẵn sàng tặng tôi ở đó…
 
Trần Đức Tĩnh
Hà Nội  
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 6746)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 11857)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
13 Tháng Chín 20243:25 SA(Xem: 388)
bay nửa vòng đời ngơ ngác tìm nhau / chưa kịp chạm tay / mùa thu đã cháy / trong lá khô đôi môi nào run rẩy / mãi hoài không gọi nổi / một cái tên
12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 703)
Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 749)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 742)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 457)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
12 Tháng Chín 20242:02 CH(Xem: 945)
đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi! đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi!
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 1457)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 629)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi