- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thư Tòa Soạn Hl 100

15 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 8440)

Hợp Lưu số 100 là số đặc biệt tưởng niệm nhà văn Mai Thảo, "một trong những nhà văn tài hoa nhất và sáng tác sung mãn nhất của thế hệ ông," như nhà phê bình Thụy Khuê nhận định, trong nỗ lực vẽ lại chân dung nhà văn qua tiểu luận "Mai Thảo (1927-1998)" và rõ nét hơn trong "Nói chuyện với nhà văn Mai Thảo và Trần Vũ." Văn chương chính là sự sống của Mai Thảo, nhưng thơ đối với ông lại "thiêng liêng như một tôn giáo"; Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã viết như thế trong tiểu luận "Mai Thảo, tiếng mưa thầm rơi trên Nam Hoa Kinh." Phỏng vấn của Jane Katz, qua bản dịch Việt ngữ của Tâm Bình, là một "tự sự" của Mai Thảo về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông. Đặc biệt bài ký của Luật sư, nhà thơ Trần Thanh Hiệp cung cấp nhiều dữ liệu hiếm qúi về tạp chí Sáng Tạo.

Chúng tôi cũng hân hạnh được đăng tải những ký, nhận định của quí văn thi hữu đương thời với Mai Thảo, hoặc sau ông vài thế hệ phản ảnh những tình cảm và quí trọng dành cho ông. Trần Doãn Nho với "Tản mạn về văn chương Mai Thảo" gởi đến chúng ta một cách nhìn khác. Nguyên Vũ, Du Tử Lê, Trần Mộng Tú, Đặng Hiền, Nguyễn Đăng Khánh, Hồ Đình Nghiêm, Phan Ni Tấn, Cao Xuân Huy, Phạm Quốc Bảo, Nguyên Sa, Orchid Lâm Quỳnh đem chúng ta đến gần hơn với một Mai Thảo đời thường, như một người đồng nghiệp, một người bạn, một người anh, một người bác.

Văn chương Mai Thảo, như những hạt ngọc lấp lánh, chiếu sáng trong dòng văn học Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng quí nhất của Mai Thảo là tư cách sống của ông trong việc sử dụng ngòi bút, như Nguyên Vũ viết về Mai Thảo: "Thuở sinh tiền, anh luôn trang trọng với văn chương, nghiệp dĩ. Ngòi bút Mai Thảo chưa từng dùng để vẩy mực vào cá nhân nào, cho dù là những con sâu bọ xúm xít quanh bông hoa văn chương Mai Thảo. Hay những người thù đầy hằn học đố kỵ trong cuộc sống...."

Tuy số lượng bài vở tập trung vào chủ đề Mai Thảo, Hợp Lưu số này cũng gởi đến quí bạn đọc những bài biên khảo, sáng tác giá trị. Lần đầu tiên đến với Hợp Lưu; Giáo sư Phạm Cao Dương nhận định về chính phủ Trần Trọng Kim (4-8/1945), chính phủ "độc lập" đầu tiên của Việt Nam, trước đây chỉ được đơn giản gán cho nhãn hiệu "tay sai Nhật." Nguyễn Tường Thiết với "Căn nhà An Đông của mẹ tôi" nhìn về quá khứ đầy ắp kỷ niệm trong ngôi nhà thời thơ ấu ông đã sống với thân mẫu, bà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Ban Mai gửi đến bạn đọc nhận định chi tiết về tiểu thuyết "Chốn Xưa" của Lý Nhuệ, một nhà văn đương đại tiêu biểu nhất của Trung Hoa. Đặc biệt, ký "Di Vật", một tiếp nối của "Hiệp hội tương tế Bắc Việt Nghĩa Trang" năm năm về trước, đánh dấu sự trở lại của nhà văn Trần Vũ với bạn đọc Hợp Lưu. Đoàn Minh Châu vẫn huyền ảo trong "Căn phòng mọc hoang trên cỏ ".

Các mục thường xuyên với Trần Thiện Đạo, Trang Luân, Vũ Thúy Vi và Hoàng Chính.

 

Chúng tôi xin thành thật cảm ơn qúi văn hữu, thân hữu đã tiếp tay, giúp đỡ và bảo trợ chúng tôi thực hiện số báo nầy, đặc biệt là ông Nguyễn Đăng Khánh bào đệ của nhà văn Mai Thảo đã cung cấp và cho phép Hợp Lưu xử dụng những hình ảnh và tư liệu qúi hiếm về Mai Thảo.

Kính chúc qúi độc giả và văn hữu một mùa hè rực rỡ và hạnh phúc cùng nhiều niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn trong đời sống nầy.

TẠP CHÍ HỢP LƯU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12308)
(Xem: 13844)
(Xem: 15118)
(Xem: 14690)
(Xem: 14684)
(Xem: 15288)
(Xem: 14130)
(Xem: 13880)
(Xem: 13914)
(Xem: 14808)