- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

PHÊ BÌNH VĂN HỌC ĐỌC VÀ VIẾT VỚI HOÀNG THỊ BÍCH HÀ

02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 3480)




htbha

Trần Kiêm Đoàn

PHÊ BÌNH VĂN HỌC ĐỌC VÀ VIẾT
VỚI HOÀNG THỊ BÍCH HÀ

 

 

 Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng… ở trời Đông đã lạnh lùng lên tiếng, đại khái rằng: Các đầu óc thông minh và đôi mắt sắc bén của các nhà thông thái, phê bình… hãy tránh xa tác phẩm của tôi. Xin đừng toan tính chuyện phê bình hay nhận xét phân tích gì những điều tôi thích là tôi viết cả. Cái thú muôn đời của văn chương nghệ thuật là ở chỗ đó. Các nghệ sĩ sáng tạo thường là những “con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi” (Xuân Diệu). Hát “vô ích” cho đến khi vỡ cổ, sa rụng giữa bình minh. Thế nhưng các nhà phê bình thường sử dụng cái đầu óc lạnh lùng cân đo đong đếm của mình mà soi rọi tác phẩm “máu lệ” của tác giả thì có ai mà thản nhiên, hài lòng cho được.

 

Nhưng nói đi thì cũng có khi phải nói lại rằng, một nhà phê bình tài ba về một tác phẩm nghệ thuật có khi là “tái tạo” tác phẩm bởi nhìn ra được những nét diệu kỳ nằm trong góc khuất mà chính tác giả tuy đong đầy cảm xúc nhưng vẫn có khi chưa thấy được chính mình. Nhận được tác phẩm Phê Bình Văn Học tập 4 của Hoàng Thị Bích Hà; trong đó có phần nhận định và phân tích tập sách Về Huế của tôi được nhà phê bình đặt dưới tiêu đề: “Hồn Cốt Huế Trong ‘Chuyện Khảo Về Huế’ của Một Nhà Văn Rặt Huế” Tập sách được viết và xuất bản đã ngót 30 năm và cũng đã trải qua nhiều bài viết phê bình nhận định của nhiều tác giả nhưng năm nay lại xuất hiện một cách “dễ thương đầy tâm cảm” hơn qua cách nhìn của một người bạn văn, một độc giả đồng hương và một khuynh hướng phê bình văn học khá độc đáo của Hoàng Thị Bích Hà.

 

 Đọc tiếp các bài phê bình khác trong tác phẩm, thật khó để mời Bích Hà vào chiếc chiếu hoa cạp điều nào vừa vặn đã được soạn sẵn cho các nhà phê bình văn học tiền bối trên văn đàn tiếng Việt bởi sự đa dạng trong tầm nhìn, văn phong và khuynh hướng phân tích tâm lý của chị. Tôi lại tẩn mẩn muốn so sánh, nhận diện Bích Hà trên văn đàn phê bình văn học, trong làng văn bút đàn anh, đàn chị nhưng thật khó bởi “văn chương tự cổ vô bằng cớ” nên làm văn chương cũng như làm người, mỗi cá thể là một cánh rừng cô độc. Nếu có chăng sự trùng lặp giống nhau thì sáng tạo văn chương chỉ còn là phiên bản sản xuất hàng loạt như kỹ nghệ dây chuyền. Dạo qua thế giới phê bình văn học, dù chỉ là tài tử như cỡi ngựa xem hoa cũng có thể thấy rằng những khuynh hướng phê bình văn học xưa nay khó nắm bắt một nguyên tắc nhất quán khi nhà phê bình văn học khoác áo đội mũ đi vào chủ nghĩa trường văn trận bút là vô hình chung “bế môn luyện công” theo môn phái của mình.

 

Trong Phê Bình Văn Học, Hoàng Bích Hà đã thể hiện rõ nét phong thái rất “hồn nhiên” của ba trong muôn một pháo đài phê bình vừa gay gắt vừa nhẹ nhàng thỏa hiệp với tác giả và tác phẩm của nhiều khuynh hướng phê bình trong thế giới văn chương nghệ thuật ngày nay; đó là: Chủ nghĩa hình thức (Formalism: tập trung vào cấu trúc và hình thức của chính tác phẩm). Bích Hà theo sát tác phẩm và tác giả. Phê bình theo cách phản hồi của người đọc (Reader-response criticism: nhấn mạnh trải nghiệm theo cảm thức chủ quan của người đọc). Bích Hà như muốn nói thẳng với tác giả được chọn phê bình rằng, tôi hiểu và đọc văn của quý tác giả như thế đó! Phân tâm học (Psychoanalytic criticism: diễn giải và phân tích tác phẩm qua lăng kính tâm lý học). Bích Hà khi viết phê bình dường như muốn đánh mạnh vào cảm xúc tâm lý tác giả rằng, tôi đã nhìn ra những giải bày và góc khuất tâm lý trong tác phẩm theo hướng nhìn riêng tiềm ẩn trong tôi. Và, phê bình theo nhãn quan nữ quyền (Feminist criticism: nghiên cứu động lực giới tính trong văn học theo nhãn quan của một nhà văn có cách nhìn, cách chọn lọc sự kiện và hình ảnh đậm tính nữ lưu). Bích Hà đi vào tác phẩm không làm dáng kiêu sa chữ nghĩa mà hồn nhiên và dè dặt dịu dàng… rất Huế!

 

Phương pháp luận được sử dụng trong tác phẩm Phê Bình Văn Học, rõ ràng là tác giả Hoàng Thị Bích Hà đã chủ động chọn lựa một cách đọc và viết riêng, không theo một mô thức kinh điển hay cách tân nào đơn thuần và giáo khoa trong quá trình phê bình và nhận định của dòng văn bút đàn anh, đàn chị đi trước. Chị đọc, cảm nhận và suy luận về giá trị nội dung, hình thức cũng như tư tưởng xuất hiện trong tác phẩm vừa cảm tính, vừa lý tính nên chính tác giả của dòng văn được đưa ra làm đối tượng phê bình lắm lúc cảm thấy như dòng liên tưởng của mình trong tác phẩm một thời nào đó được tái hiện và thêm hoa lá cành cho tươi mát lại. Những cảm xúc chân quê của tôi trong Về Huế đã “bị” ngòi bút một thời áo tím của sông Hương núi Ngự làm sống lại những màu tím quan san, những cơn mưa Huế và những tâm hồn của vùng đất nhỏ như cái bể cạn mà vẫn thường mơ biển cả sông hồ!

 

Tôi có niềm thâm tín là những tác giả có tác phẩm được Hoàng Thị Bích Hà chọn làm đối tượng phê bình khi đọc những dòng tâm bút nói về tác phẩm của mình đều cảm thấy như có những âm thanh, màu sắc và tiếng vọng rất mới từng đã ngủ quên trong tác phẩm của mình vừa thức giấc với một nụ cười rất chan hòa vô ngại.

Cám ơn nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học… Hoàng Thị Bích Hà đã xuất hiện như một Triệu Tử Long phê bình văn học trong thế giới văn bút mới khi mỗi nhà văn là một tiểu thượng đế vì muốn cho nhân vật trong tác phẩm mình chết hay sống lúc nào cũng được. Và, mỗi nhà phê bình văn học là một Kinh Kha: Cứ qua bờ sông Dịch, cứ nghe tiếng trúc Cao Tiệm Ly… nhưng, có chết hay không thì cũng phải lý giải mà thực ra không cần phải lý giải gì cả bởi duyên nghiệp trùng trùng!

 

Sacramento, CA 29/9/2024

Trần Kiêm Đoàn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 84228)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
29 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 12885)
Trên tạp chí mạng Da Màu ngày 02.04.2010, có đăng bài ca từ Tình sầu của nhạc sĩ kiêm thi sĩ Trịnh Công Sơn và bản dịch tiếng Anh Meditations in love của Đinh Từ Bích Thúy. Tiếp theo là phản hồi của nhiều độc giả, kể theo thứ tự thời gian: Nguyễn Đức Tùng, quynh du, T.T., ActionMinded, phaitran, Trinh - Trung Lap, Điền L., Thái Kim Lan.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 13475)
Trong lịch sử Việt Nam có hai cuộc di cư vĩ đại, cả hai cùng để lánh nạn cộng sản, vào năm 1954 và 1975. Cuộc di cư 1975, kéo dài từ những ngày tháng 4, 1975 cho tới năm 1988, là năm đóng cửa các trại tị nạn ở Đông Nam Á với sự ra đời của Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program) sau bao thảm kịch vượt biên vượt biển với khoảng 500 ngàn người bỏ mạng trên đường đi tìm tự do, theo một thống kê của Liên Hiệp Quốc...
17 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 102826)
Coupe du Monde de football (Cúp bóng tròn Thế giới, hay World Football Cup ) do Fédération Internationale de Football Association (Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Bóng tròn, viết tắt là FIFA) tổ chức lần đầu tiên năm đó ờ Hoa kì, từ ngày 17 tháng Sáu tới 17 tháng Bảy 1994.
05 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 12325)
Đúng như giới phê bình và độc giả mê văn học dự đoán, trưa ngày 2 tháng 11/2009 này viện Hàn lâm Goncourt đã chánh thức công bố giải thưởng hằng năm của mình cho nhà văn nữ Marie NDiaye, tác giả cuốn Trois Femmes Puissantes (Ba thục nữ giàu nghị lực - Nxb Gallimard).
04 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 103165)
Claude Lévi-Strauss, từ trần hôm nay thứ ba 03/11/2009, hưởng thọ 101 tuổi, là cây đại thụ đã thủ một vai trò quan trọng và rộng lớn trong nền văn học Pháp và thế giới hơn nửa thế kỉ vừa qua, từ giữa thế kỉ XX cho đến đầu kỉ XXI này.
28 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 12167)
Trần Thiện Đạo : MẠN ĐÀM VĂN HỌC
28 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 12711)
Orhan Pamuk sinh ngày 7 tháng Sáu năm 1952 ở Istanbul. Ông dạy văn và phê bình văn học, môn Comparative Literature, xin tạm gọi là Văn học So sánh, ở Đại học Columbia (Hoa Kỳ). Ông là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được trao giải Nobel văn chương năm 2006.
26 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 12648)
Trần Mộng Tú là nhà thơ. Ta quen gọi như thế và dường như chị cũng thích gọi như thế. Thực ra, Trần Mộng Tú còn viết văn, không chỉ thỉnh thoảng viết cho vui, mà viết nhiều. Đặc điểm của Trần Mộng Tú: viết văn mà vẫn "hoài thơ". Thành thử văn của chị khi nào cũng lấm tấm thơ. Thay vì gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ/nhà văn, hãy gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ viết văn.
19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 13066)
Chưa từng có một bức thư tình nào mà bán chạy ở Pháp trong mùa thu hoạch văn học rentrée littéraire 2007 này bằng tác phẩm Thư cho em mới vừa được tái bản.