- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MÂY TRONG NHỮNG GIẤC MƠ

22 Tháng Tám 20155:48 CH(Xem: 33656)



LU QUYNH-MTNGMo



Sau hai tập thơ đã ấn hành (Sinh Nhật Của Một Người Không Còn Trẻ, NXB Văn Mới, Califorina, 2009 - Những Giấc Mơ Tôi, NXB Văn Mới, California, 2013), cuối tháng 7.2015 vừa qua, nhà thơ Lữ Quỳnh đã ấn hành tiếp tập thơ thứ 3, "Mây Trong Những Giấc Mơ", với một tâm thức nhẹ nhàng, thanh thoát như Mây và một cảm xúc sâu lắng, nhưng rất an nhiên tự tại:

 

giao thừa thức giấc
nhìn vầng trăng khuya
lời ba la mật
thoảng giữa trời hương
âm âm tiếng hạc
bài kệ đầu năm
mở lòng. bát ngát
một trời sao đêm
mười trang đại nguyện
vọng từ đáy tim
con. nam mô Phật

 

(Bài Đầu Năm 2015)

 

Phải chăng, Phật pháp đã giúp cho nhà thơ nhận chân được cái đang-là của Thực Tại Hiện Tiền đang trôi chảy bất tuyệt, của cái Không-Thời-Gian đẹp ngất vĩnh hằng? Phải chăng,  đây cũng chính là bản giao hưởng tuyệt hảo của "lời ba la mật"? Phải chăng, đó cũng là nơi chốn tối hậu, tột cùng của Thơ, của niêm hoa vi tiếu tịch mịch sấm động chân như diệu nghĩa huyền chi hựu huyền? Câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi.

 

Nhà thơ vẫn tiếp tục tự hỏi rồi tự trả lời một cách thơ mộng:

 

có khi lòng bỗng hoang mang
nhìn mây. mây xám. mưa giăng mịt mù
tưởng lòng trải với thiên thu
ngờ đâu lòng cũng thiên thu quan hoài
mưa rơi hiên vắng giọt dài
lắng nghe tiếng một. tiếng vài. chân như
bên kia bờ giác. thực hư
trăm năm đợi bóng trăng từ ngàn năm
và tôi nay cũng trăng rằm.

 

(Bờ Kia)

 

"tưởng lòng trải với thiên thu / ngờ đâu lòng cũng thiên thu quan hoài". Hai câu thơ thật cảm động sau những trải nghiệm dài lâu trong cuộc đời, nhìn nhận và thấu hiểu về Chân Không Diệu Hữu của vạn pháp. Hạt bụi mong manh của kiếp người đã, đang và vẫn "thiên thu quan hoài", để rồi nhà thơ tự cảm thán với tất cả niềm bi mẫn, "và tôi nay cũng trăng rằm".

 

Quy luật của đời người, sinh-lão-bệnh-tử, bất cứ ai cũng phải thọ nhận, bất khả khước từ. Vấn đề là, cung cách thọ nhận thế nào, ra sao? Xin hãy đọc chẫm rãi cách thọ nhận của nhà thơ:

 

cám ơn mùa đã đến rồi

niềm vui chợt dậy trong tôi xám ngần

mưa phùn gió bấc tình thâm

thắp lên ngọn nến bâng khuâng cuối ngày

thân tâm lạnh suốt mùa này

áo phong sương rũ bóng gầy lẻ loi

đông qua óng ánh vàng rơi

vàng rơi. chánh niệm vàng rơi. rơi vàng

 

(Làm Bạn Mùa Đông)

 

Ngôn ngữ thơ rất dung dị, chân thành. Nhưng ở phía trong, phía dưới mạch ngầm của chữ thơ, câu thơ lại có tiếng vang trầm sâu, vọng lại niềm tri ân, tri ngộ, "đông qua óng ánh vàng rơi / vàng rơi. chánh niệm vàng rơi. rơi vàng". Trước đây, Bích Khê có "Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông" (Tỳ Bà) - Giờ đây, Lữ Quỳnh có "đông qua óng ánh vàng rơi". Hai màu vàng đều có một khoảng không gian rộng, "mênh mông", "óng ánh", nhưng "vàng rơi" của Lữ Quỳnh khi "Làm Bạn Mùa Đông" lại quay về "chánh niệm vàng rơi"! Phải chăng, đây là màu vàng của diệu âm, diệu pháp, khiến cho nhà thơ tận hưởng được hết niềm an lạc trong cô độc với "mưa phùn gió bấc tình thâm", "thân tâm lạnh suốt mùa này"?"vàng rơi. chánh niệm vàng rơi. rơi vàng". Câu thơ cuối của bài thơ mở ra những phương trời "óng ánh" linh lung giữa thực và mộng, gây không ít cảm xúc cho người đọc.

 

Cũng chính từ "vàng rơi. chánh niệm vàng rơi. rơi vàng" ấy, "áng mây vàng" linh diệu đã hiện ra, khi nhà thơ trong buổi xế chiều của cuộc đời, tưởng niệm về người Mẹ dấu yêu của mình:

 

giọt nước đựng trời mây

tàn hương bay lấp lánh

lắt lay bóng mẹ về

tóc con chừ điểm bạc

 

tám năm ngày mẹ đi

vẫn nụ cười trên mộ

trần gian đường gập ghềnh

hoàng hôn đời lệ nhỏ

 

một năm rồi mười năm

chỉ dài như hơi thở

thanh tịnh quang chân tâm

áng mây vàng tưởng niệm

 

(Áng Mây Vàng)

 

Hình ảnh của Mẹ, chính là "Áng Mây Vàng" mà nhà thơ hằng kính ngưỡng trong tâm thức, Nhất là trong buổi xế chiều của cuộc đời, sự kính ngưỡng ấy càng lắng sâu hơn, "một năm rồi mười năm / chỉ dài như hơi thở / thanh tịnh quang chân tâm / áng mây vàng tưởng niệm". Để rồi:

 

chừ nhìn mây bay

nhớ làm sao mẹ

đời mãi loay hoay

thương hoài bóng xế

ngày qua mỗi ngày

quán chiếu bát nhã

lệ ứa đêm dài

nghe kinh báo hiếu

 

(Tóc Mây Bay)

 

Cõi Thơ của Lữ Quỳnh trải dài hơn nửa thế kỷ qua, thấm đẫm một tâm hồn nhân hậu, dịu dàng. Đặc biệt, giọng thơ dung dị, chân thành, không hề làm dáng, kiểu cách, càng tôn thêm vẻ đẹp trong sáng trong thơ ông. Đối với bằng hữu thân thương, ông luôn có những hồi tưởng, cảm hoài "mênh mông nỗi buồn tử biệt", dẫu vẫn biết "cuộc đời là những giấc mơ bay":

 

sao Sơn về hoài trong giấc mơ tôi (*)

đêm thì ngắn mà giấc mơ trùng điệp

những niềm  vui bạn bè đem đi hết

để mình tôi ngồi  giữa quạnh hiu

sinh nhật cuối anh nâng ly cười nói

bên phạm duy.bảo phúc. từ huy

mười lăm năm rồi không nói năng chi

nhà cũng rượu cũng hoa. mà hương khói

anh có vui bên kia bờ. bến đợi

bạn bờ này. còn đếm nửa bàn tay

biết cuộc đời là những giấc mơ bay

và tự tánh quang minh bất sinh bất diệt

lòng vẫn mênh mông nỗi buồn tử biệt.

 

(Sinh Nhật)

(*) Sơn: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ghi chú của người viết.

 

Tình cảm của nhà thơ dành cho bằng hữu thật sâu nặng, như khi viết về "Người Ngồi Khâu Di Sản", khi nhớ về người bạn thân thiết của mình, nhà văn Trần Hoài Thư, thật chí tình, chí nghĩa:

 

thương bạn ngồi khâu di sản

văn học miền nam hai mươi năm

tóc bạn trắng. trắng như mây

tóc bạn trắng như tuyết New Jersey

thương bạn. thương bạn  lắm

văn học miền nam thì mênh mông

làm sao bạn khâu hết

cặp kính lão dày trể xuống

kim đâm vào tay không biết đau

lưng  bạn còng bảy mươi ba tuổi

bảy mươi ba năm ít ngày vui

năm tháng dài trả nợ sông núi

nhỏ máu từng trang viết ngậm ngùi

hai mươi năm di sản mây trôi

chỉ mình bạn ngồi khâu. khâu mãi…

 

(Người Ngồi Khâu Di Sản)

 

Nhà thơ cũng đã trải qua những giây phút hồi tưởng khi chìm vào trong giấc mơ bất chợt, một mình lặng lẽ nhìn "Biển Cát Tím Ở Big Sur" để thấy lại chính mình:

 

... thường trong giấc mơ

nhập nhòa hoàng hôn tím

có đứa bé vừa đi vừa nhìn lại dấu chân mình

vừa đi vừa nhìn sóng…

 

... đứa bé vừa đi vừa nhìn lại trong giấc mơ

là tôi. không đứng vững

mắt hoa vàng nhảy múa. không biết vì nắng

hay trái tim đang loạn nhịp thời gian.

 

(Biển Cát Tím Ở Big Sur)

 

Đó là giấc mơ rất đẹp, rất lung linh giữa Thực và Mộng. Thời gian không loạn nhịp, mà đang chảy trôi trong từng sát na tinh khiết của Thực Tại Hiện Tiền. Giấc mơ? Thì đã sao! Thực Tại Hiện Tiền? Thì đã sao!

 

Nhiên vậy!!!

 

Hãy nghe nhà thơ tâm sự tiếp:

 

trong những giấc mơ

ký ức trắng

như tấm gương soi

không giữ lại bóng.

 

trái tim tôi

sáng nay cho đi nhiều giọt máu

có hồng lên bầu trời

ngày cuối năm tuyết giá

 

lời vô ngôn

những giấc mơ nồng nàn

lạ lẫm…

sáng ra không nhớ gì.

 

chỉ là cõi hoang

chập chờn mây và mây…

 

(Mây)

 

Nhà thơ đã nhập thân vào Mây. Mây tinh khiết như giấc mơ. "lời vô ngôn / những giấc mơ nồng nàn / lạ lẫm" để rồi, "sáng ra không nhớ gì / chỉ là cõi hoang / chập chờn mây và mây". Thực và Mộng nhất quán trong cõi Thanh Tịnh miên viễn. Thơ đã dậy lên màu hương chín để cất lên tiếng hát diệu kỳ giữa thinh không diệu vợi!

 

"Mây Trong Những Giấc Mơ" đã có những chiêm nghiệm thật sâu lắng về Không-Thời-Gian, vẫn thấm đẫm Tình Đời, Tình Người. Nhà thơ, như một hành giả đang lặng lẽ Nhìn, lặng lẽ Thấy và lặng lẽ Nghe. "Mây Trong Những Giấc Mơ" cũng chính là những tâm tình chân thành nhất mà nhà thơ muốn trao gửi đến bạn đọc và bằng hữu xa gần.

 

Nguyễn Lương Vỵ

Calif., 05.08.2015

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 12360)
NĂM MƯƠI NĂM LIÊN TỤC TRÊN SÂN KHẤU  Ngày thứ bảy 16 tháng 02 / 1957, lần đầu tiên chúng tôi chui vô rạp La Huchette, trong khu Latinh Paris quận Năm, coi vở kịch hài La Cantatrice chauve (Cô ca sĩ hói đầu - 1950) của Eugène Ionesco (1909-1994).
18 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9839)
HENRI TROYAT (1911-2007) MỘT NGÀY KHÔNG PHÓNG BÚT LÀ MỘT NGÀY MẮC TỘI Ông là một trong những nhà văn Pháp được ưa chuộng nhứt thế kỉ XX. Ông vừa qua đời giữa đêm 2 tháng 03/2007, nhưng chỉ được thông báo hai ngày sau - để lại cho đời một sự nghiệp đồ sộ khác thường.
12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9439)
Nôm na mà nói thì là ăn cắp văn . Như nhà văn Võ Thị Hảo có lần đã lên tiếng : « Truyện của tôi bị ăn cắp trắng trợn (…). Tôi sẽ kiện đến tận cùng (…) » , khi tác phẩm Máu của lá của bà bị / được chép nguyên xi (chỉ thay đổi tên các nhơn vật) in lại trên tờ Văn nghệ...
03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 12162)
ALEXANDRE SOLJENITSYNE (1918-2008)Sanh ngày 18/12/1918 ở miền núi Cápca ranh giới châu Âu châu Á, Alexandre ( Issaïevitch) Soljenitsyne lớn lên ở thành phố Rostov bên bờ sông Đông. Học văn, sử, triết và toán.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 11911)
Thư của Người Lái (Thiêu), Bình (Dương).  Kính gởi Tạp Chí Hợp Lưu , Tôi là độc giả Hợp Lưu từ ngày còn ở VN, đến nay đã qua Mỹ vẫn không có gì thay đổi về lòng tin cậy đối với quý báo. Nay rảnh rỗi của dịp cuối tuần tháng 9, đọc lại những số cũ của năm qua thấy có những bài rất hay, cụ thể Hợp Lưu số 88 (Tháng 4&5 2006) như bài viết của Phan Nhật Nam về " Những Người Viết Nên Thơ" .
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 12458)
Paris văn học T R U Y Ệ N SEX (E) D À N H C H O P H Á I Đ Ẹ P Ai đâu lại ngờ rằng, ở Pháp, có một loại truyện sex(e) (*) đặc biệt dành cho phái nữ, những tưởng thể văn này từ xưa tới nay chỉ nhắm tới cánh đàn ông. Mà đây lại là loại truyện nhằm kích thích và thỏa mãn cái gọi là fantasmes féminins , những ước muốn nhục dục thầm kín của phái đẹp.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 14821)
Tác giả "Xóm Đạo": Tiểu sử : Nguyễn Ngọc Ngạn sinh ngày 4 tháng 5, 1946 tại Sơn Tây, Bắc Việt, cùng gia đình di cư vào miền Nam 1954. Theo học Nguyễn bá Tòng rồi Chu văn An. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài gòn, ông thường dạy học, năm 1975 bị bắt đi cải tạo tập trung. Năm 1978 được tha về, vượt biên tới Mã lai và viết tác phẩm đầu tiên "Những người đàn bà còn ở lại" trong trại tạm cư. Mới đầu định cư tại Vancouver, Canada, đến 1985 chuyển sang Toronto cho tới hiện nay.
22 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 11372)
Nếu như, hơn hai thế kỉ trước, thủ đô Hoa kì được đặt tên là Washington (ta gọi theo Tàu là Hoa thịnh đốn) vì thị trấn này do chính Tổng thống George Washington (1732-1799) chọn làm nơi hành nghiệp, và kể từ năm 1800 đã trở thành cư điếm của tòa White House (Bạch ốc, hay Nhà Trắng), nhiệm sở của tổng thống Mĩ cho đến ngày nay.