- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Và người ta bắn chim sẻ

05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 34591)

caovietdung-vtxha-content

 (Ảnh trình diễn truyện ngắn Đàn sẻ ri bay ngang rừng
 của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, tại L'espace, ngày 29/4/2009)


Nhân dịp này (dịp này là dịp nào? :P), tôi đã đọc lại và đọc thêm rất nhiều truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà, cũng như một phần các tiểu thuyết. Về sau này, giọng văn của Võ Thị Xuân Hà vẫn giữ nguyên tính chất điềm đạm có phần trầm lắng như tôi đã đề cập lúc trước, và cách thể hiện, lối viết vẫn nhất quán ở các điểm: luôn tìm câu chuyện để kể, kể bằng các hình thức suy lý, đi kèm nhiều nhận xét, và tìm cách sắp đặt các chi tiết. Việc sắp đặt này những khi thành công sẽ tạo được các hiệu ứng thẩm mỹ tốt ở người đọc. Hiện tượng này nổi bật ở một số truyện sau này như “Chuyện của con gái người hát rong” hay “Không khóc ở Seoul”, và đặc biệt thành công ở “Đàn sẻ ri bay ngang rừng”. Theo tôi, cho tới lúc này, Đàn sẻ ri bay ngang rừng” vẫn là tác phẩm hoàn chỉnh nhất, xuất sắc nhất của Võ Thị Xuân Hà, cả ở cảm hứng, cách viết, lẫn mức độ xâm lấn tình cảm ở người đọc.

Trước tiên là màu sắc 

Điểm đầu tiên khiến tôi quan tâm khi đọc Đàn sẻ ri bay ngang rừng là màu sắc. Có ba màu xuất hiện với tần số cao trong truyện, trong đó nổi bật, như một gam màu chủ, là đỏ (bên cạnh hai màu khác là xanh và trắng). Tổng cộng có tám lần màu đỏ xuất hiện, hai lần đầu tiên trong chuyến bắn chim sẻ của hai vợ chồng nhân vật Thản, lần thứ ba cũng trong trường đoạn này, nhưng là màu của mặt trời. Lần thứ tư là khi người vợ sinh con và người anh chồng hiện ra để theo dõi cảnh tượng, lần thứ năm tại Quảng Trị khi đoàn làm phim dựng cảnh chiến trận (ở đây là bụi đỏ), lần thứ sáu là khi người vợ hồi tưởng về trang phục của Nẫm, người anh chồng, hiện hồn, lần thứ bảy dùng để miêu tả phù sa sông Thạch Hãn, và lần cuối cùng dùng để tả màu những vì sao trên trời.

Màu đỏ trong “Đàn sẻ ri bay ngang rừng”, như vậy, luôn xuất hiện ở các chi tiết then chốt, bước ngoặt của câu chuyện, giống như một điềm báo, giống như một thứ biển báo màu đỏ tiết lộ tính chất quan trọng của các tình tiết sắp tới (các chi tiết quan trọng này là việc bắn chim sẻ, việc người anh chồng hiện hồn, việc tái hiện chiến trường xưa, và việc nó có vị trí quan trọng trong tâm trạng của nhân vật chính). Màu đỏ này cũng thường xuyên được đặt trong sự đối nghịch với các màu khác: ở đoạn bắn chim sẻ là màu đỏ trong thế đối sánh với màu trắng của hoa (“Đàn sẻ táo tác dợm bay đặc trời. Một con rơi dúi xuống bụi cây xa xa, máu loang đỏ lòm lòm trên những bông hoa gai màu trắng sữa”), rồi màu xanh của cỏ, rồi lại màu xanh (ở chi tiết những vì sao không có màu xanh mà lại có màu đỏ gần cuối truyện). Điều đó càng cho thấy rõ hơn địa vị ưu thế của màu đỏ trong gam màu chung. Màu đỏ của truyện cũng thường xuyên đi cùng một tính từ nữa, tạo ra các từ ghép như “đỏ nhờ” hoặc “đỏ bầm”.

Và chúng ta dễ dàng nhận ra màu đỏ của “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” thường xuyên nhất được dùng để tả máu. Máu khi người vợ sinh con, và máu khi những con chim sẻ bị bắn chết: sự đối lập của màu đỏ của bắt đầu sự sống và màu đỏ của bắt đầu sự chết. Màu đỏ này khác với những sắc thái ẩn dụ hay được sử dụng, như màu của nhiệt huyết, màu của niềm tin, màu của hy vọng. Ở đây, khi được đặt vào những tình huống “lệch chuẩn”, chúng liền mang hàm ý về sự mỉa mai và cay đắng.

Toàn bộ những biến thể của một màu đỏ đi ngược lại sắc thái chính thống này được đặt trong một khung truyện vừa khéo léo vừa rất cổ điển: truyện “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” có cấu trúc thường xuyên được các nhà văn viết truyện ngắn sử dụng: cấu trúc flash-back, sử dụng lại nhiều lần một khung cảnh (ở đây là cảnh bắn chim sẻ trong rừng, và cảnh trước bàn thờ người anh chồng liệt sĩ), với hiệu quả nhấn mạnh thêm vào tính chất bi thảm được kìm nén. Càng về cuối tốc độ và sự căng thẳng càng được đẩy cao lên, nhưng đến kết cục lại buông xuống, chùng xuống với cảnh bắn chim sẻ được lặp lại, như một gợi ý cho sự yên bình sau toàn bộ các biến cố (dù cho sự yên bình này rất có thể là giả tạo).

Những chuẩn bị kỹ lưỡng về nhịp điệu (tempo) và cách sắp đặt các phân cảnh là cần thiết cho nội dung truyện, các lệch chuẩn của dáng vẻ tiết lộ trước sự lệch chuẩn của nội dung bên trong: “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” sẽ động tới một số đề tài mang tính cấm kỵ: người liệt sĩ (chẳng hạn như câu văn hết sức nhạy cảm: “Em vừa nhìn thấy anh Nẫm về. Anh ấy hôn con mình và xem em cởi truồng”, trong đoạn người vợ sinh con, nằm trên giường trong sự đau đớn của việc sinh nở), và sự “chống đối” của người phụ nữ trong gia đình (chống lại quyền lực của cha mẹ, của lễ giáo, của truyền thống), và nhất là một cái nhìn đầy cay đắng về chiến tranh và thân phận con người ở trong cuộc chiến đó. Rất có thể đây chính là nguyên nhân khiến “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” từng bị loại ra khỏi một cuộc thi truyện ngắn khi nó vừa được viết xong (năm 1993).

Sự cay đắng này ta có thể bắt gặp ở các tác phẩm của Bảo Ninh, như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, và nhất là truyện ngắn “Gió dại”. Như chúng ta còn nhớ, truyện ngắn “Gió dại” kể về một mùa khô ác liệt trên chiến trường, một mối tình “giữa hai bờ chiến tuyến” với một câu kết nổi tiếng. Hiếm ở đâu trong văn học Việt Nam về chiến tranh và hậu chiến như ở “Gió dại” và “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” nỗi cay đắng về chiến tranh lại lớn đến vậy (ta có thể đọc được trong “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” những câu như: “Tôi căm tức nghĩ, may mà hồi đó có đánh nhau, chứ cứ im ắng như bây giờ, những đứa con chán cha mẹ chỉ có nước đi lang thang”, hoặc “Nhưng anh Nẫm chân đạp đất mà đầu phải đội đạn”, hay “Tình yêu của chúng tôi mới đầu đã dợm mùi thuốc súng”), và được thể hiện cũng theo một mô hình khá giống nhau: sử dụng các ẩn dụ hàm nghĩa rõ rệt về sự vô nghĩa, nhỏ nhoi: ở “Gió dại” là những cơn gió thổi hoang vu, còn ở “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” là sự bạt ngàn của những con chim sẻ: bởi vì lũ chim sẻ đông đến như vậy, nên cái chết của các cá thể chim sẻ hoàn toàn giống như một điều vô nghĩa.

* Lục mãi trên Internet mới thấy “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” (không chắc chắn là đúng y như bản chính thức đâu nhé). Cũng trên trang này có thể đọc một số truyện khác. Recommend các bác “Chuyện của con gái người hát rong”, tình tiết bị sắp xếp hơi quá mức nhưng không tệ. Bản tiếng Pháp “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” nằm trong tập Au rez-de-chaussée du paradis (tên này là nhan đề truyện của Bùi Hoằng Vị cũng trong tập, bìa là tranh Trần Trọng Vũ, người dịch là Đoàn Cầm Thi).

* Xét về độ tuổi, Võ Thị Xuân Hà thuộc vào một thế hệ nhà văn như Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, rồi sau này một chút là Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh, thế hệ của các nhà văn sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1950 cho tới cuối những năm 1960. Đó là thế hệ cuối cùng có mối liên hệ trực tiếp với chiến tranh (mà tôi gọi là “ký ức lớn của Việt Nam”). Điều này tạo ra những đặc điểm dễ thấy: các nhà văn thế hệ này càng ngày càng ít là nhà văn quân đội như thế hệ ngay trước đó, tuy nhiên mối liên hệ với chiến tranh vẫn thể hiện trong đề tài tác phẩm, nhiều tác phẩm viết về chiến tranh. Cái khác là ở chỗ cách nhìn về chiến tranh (như ta đã thấy trong “Đàn sẻ ri bay ngang rừng”), cảm giác về chiến tranh, cũng như cách khai thác thời kỳ hậu chiến.

Tôi lại thuộc thế hệ ngay sau đó, thế hệ của những người sinh cuối thập niên 70 đầu những năm 80, có thể gọi là thế hệ đầu tiên hoàn toàn không còn liên hệ trực tiếp với cuộc chiến tranh, và cảm giác về thời hậu chiến, nền kinh tế bao cấp cũng khá nhạt nhòa. Lẽ dĩ nhiên, thế hệ ngay tiếp theo sẽ có một sự hứng thú lớn lao dành cho thế hệ ngay trước mình. Khi bắt đầu đọc văn học, cách đây trên dưới mười lăm năm, tôi đã từng đọc không ít tác phẩm (chủ yếu là truyện ngắn) của lớp nhà văn này. Đó cũng chính là thời điểm của những năm 1993-1994, khi Đại hội nhà văn trẻ toàn quốc được tổ chức, và thời gian ấy, cho đến đầu những năm 2000, chính là thời điểm nở rộ của truyện ngắn Việt Nam sau Đổi mới. “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” (viết năm 1993) thuộc vào dòng chảy này. Nhận xét của cá nhân tôi là thế hệ các nhà văn đang nói đến ở đây nhận được sự kỳ vọng rất lớn của xã hội cũng như các nhà văn lớp trước, với mong muốn tạo ra các thay đổi căn bản trong nền văn học Việt Nam, và quả thực họ đã tạo ra được một số thay đổi so với trước (xét về cách viết), chẳng hạn có thể kể đến truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh hay Phan Triều Hải. Nhưng có một thực tế là từ nhiều năm nay thế hệ các nhà văn này không còn thường xuyên xuất hiện trên văn đàn nữa, ngày càng ít có tác phẩm. Ngoài Hồ Anh Thái vẫn đều đặn in sách mới thì chỉ còn rất ít sự hiện diện có thể kể tên, và trong những hiện diện đó có Võ Thị Xuân Hà.

Võ Thị Xuân Hà là nhà văn thành công về truyện ngắn hơn hẳn so với tiểu thuyết, tuy đã in ít nhất là hai quyển tiểu thuyết: Tường thành  Trong nước giá lạnh. Điều này khiến Võ Thị Xuân Hà gần với các nhà văn của thế hệ mình: tập trung vào truyện ngắn nhiều hơn là tiểu thuyết. Các truyện ngắn nổi tiếng của Võ Thị Xuân Hà: ngoài “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” còn có thể nói tới “Lúa hát”, “Nhà có ba chị em” hay “Cây bồ kết nở hoa”. Đặc trưng cho cách viết của Võ Thị Xuân Hà là một giọng văn điềm đạm, nhiều nhận xét, ít tình cảm, đậm nét cay đắng.

Năm 1992, Võ Thị Xuân Hà xuất bản tập truyện ngắn Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào (tác phẩm tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du?), tác phẩm đầu tay, và kể từ đó đến nay đã có thêm nhiều tập truyện ngắn, như Màu vàng thần tiên, Kẻ đối đầu, Chuyện của con gái người hát rong, hay gần đây hơn cả là Thế giới tối đen.

 

- Cao Việt Dũng –

 

Nguồn: http://nhilinhblog.blogspot.com/2009/05/va-nguoi-ta-ban-chim-se.html

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 72652)
N gười mù, người câm, người điếc, ai cũng thấy hiện trạng xã hội Việt Nam đương đại đang xoay thế nào. Một xã hội bất bình đẳng kinh khủng với ngàn tệ nạn lớn-nhỏ, trẻ-già, sang-hèn. [...] Nhưng chúng ta đã nhìn thấy gì, đã viết được dòng nào từ nguyên liệu khổng lồ ấy? Hay rời rạc dăm câu thơ không rõ nghĩa, vài ba truyện ngăn ngắn kháy khía tủn mủn [...] ngồi nhìn bầu trời xám xịt ô nhiễm, gác chân cho những đứa trẻ tội nghiệp lau giầy, rên ư ử trong nhà hàng bia ôm máy lạnh mà làm thơ móc máy lẫn nhau.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 81360)
Từ xưa đến nay, tình mẫu tử luôn là đề tài sáng tác vô tận cho thơ ca nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung. Một cách tự nhiên, Nguyễn Xuân Tường Vy đã chinh phục độc giả bằng chính những dòng viết giản dị, chân thật về tình cảm muôn thuở ấy.
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 69441)
Nói như Viện Hàn lâm Thụy điển vào đúng 13 giờ thứ năm 07/10/2010, theo lời thư kí Peter Englund khi ông công bố giải văn chương Nobel 2010 trao tặng cho (Jorje) Mario (Petro) Vargas Llosa, là như sau. Nhà văn xứ Pêru này trúng giải nhờ đã: « Thể hiện và phác họa toàn diện cơ cấu quyền lực và hình ảnh sắc cạnh chạm khắc nỗ lực kháng cự, tinh thần phẫn nộ và thành bại của cá nhơn con người. » Về mặt nghệ thuật: « Ông là nhà văn đã triển khai thuật kể chuyện theo phong cách quả tình kì ảo. » Về mặt con người của mình: « Qua tác phẩm, ta biết ngay ông là một con người say sưa trong hành xử. Hễ thấy mình phản ứng rập theo bổn sắc ấy, ông tỏ ra hết sức rung động và lấy làm vui vô cùng. »
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85316)
LTS: Lê Vương Ngọc tên thật là Lê Đình Quỳnh, xuất thân là giáo sư tư thục Trung học các trường Hưng Yên, Hải Phòng thập niên 1950 và Sài gòn 1960. Ông nhìn vấn đề văn hoá như một “hobby” – Làm thơ, dịch sách, nghiên cứu, biên khảo nhiều về Phân tâm và Di truyền học – Theo quan niệm phê bình sáng tạo của Oscar Wilde…
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 73817)
Một cái chết tức tưởi, phi lí như thân phận con người trên cõi đời, như Albert Camus đã nhận xét trước kia. Ở tuổi 46, hai năm sau ngày lãnh giải Nobel. Trong túi xách của ông có đựng bản thảo cuốn tự sự hư cấu còn dang dở Le Premier Homme (Người đầu tiên), kí ức tặng mẹ, “người sẽ không đọc được nó’’. Cây ngô đồng (không hiểu sao) nay không còn nữa, chỉ có đài tưởng niệm dựng ở ven làng. (1)
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86902)
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92453)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 78215)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
29 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 12381)
Trên tạp chí mạng Da Màu ngày 02.04.2010, có đăng bài ca từ Tình sầu của nhạc sĩ kiêm thi sĩ Trịnh Công Sơn và bản dịch tiếng Anh Meditations in love của Đinh Từ Bích Thúy. Tiếp theo là phản hồi của nhiều độc giả, kể theo thứ tự thời gian: Nguyễn Đức Tùng, quynh du, T.T., ActionMinded, phaitran, Trinh - Trung Lap, Điền L., Thái Kim Lan.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 12846)
Trong lịch sử Việt Nam có hai cuộc di cư vĩ đại, cả hai cùng để lánh nạn cộng sản, vào năm 1954 và 1975. Cuộc di cư 1975, kéo dài từ những ngày tháng 4, 1975 cho tới năm 1988, là năm đóng cửa các trại tị nạn ở Đông Nam Á với sự ra đời của Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program) sau bao thảm kịch vượt biên vượt biển với khoảng 500 ngàn người bỏ mạng trên đường đi tìm tự do, theo một thống kê của Liên Hiệp Quốc...