- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

55 Năm Sau Cuộc Di Cư Lịch Sử 1954 Đọc ‘ Chiến Dịch Đường Tới Tự Do’, 1954-1955

26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 12804)

Trong lịch sử Việt Nam có hai cuộc di cư vĩ đại, cả hai cùng để lánh nạn cộng sản, vào năm 1954 và 1975. Cuộc di cư 1975, kéo dài từ những ngày tháng 4, 1975 cho tới năm 1988, là năm đóng cửa các trại tị nạn ở Đông Nam Á với sự ra đời của Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program) sau bao thảm kịch vượt biên vượt biển với khoảng 500 ngàn người bỏ mạng trên đường đi tìm tự do, theo một thống kê của Liên Hiệp Quốc. Cuộc di cư này đã có nhiều sách vở tài liệu cùng với hình ảnh dẫy đầy trong các thư viện cũng như trên Internet. Riêng cuộc di cư năm 1954-55 có thể nói là chưa có một tài liệu nào đúc kết lại tương đối đầy đủ, cho tới gần đây.

Cuốn "Operation Passage to Freedom – The United States Navy in Vietnam, 1954-1955" (Texas Tech University Press, Lubbock, Texas, 2007), tạm dịch là "Chiến Dịch Đường Tới Tự Do - Hải Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam, 1954-1955", do Ronald B. Frankum, Jr. biên soạn, có thể nói là cuốn sách đầu tiên đã cho ta một cái nhìn khá đầy đủ và chi tiết về cuộc di tản kéo dài 300 ngày, từ ngày 15 tháng 8, 1954, gần ba tháng sau khi ngày ký kết sau khi Hiệp Định Geneva chia cắt Việt Nam thành hai miền Bắc, Nam, tới ngày 15 tháng 5, 1955, ngày chiếc tầu chở dân di cư cuối cùng rời khỏi mỏm Đồ Sơn.

Cuộc di tản này có sự tham dự của 115 chiến hạm và các loại tầu lớn, nhỏ khác của Mỹ, và đã chuyên chở trên 310,000 người trong số 800,786 tổng số người di cư, kể cả dân lẫn quân sự, từ Bắc vào Nam. Số còn lại do các cơ quan của chính phủ Việt, Pháp và Anh đảm trách, bằng phương tiện vừa tầu thủy vừa máy bay, và khoảng trên 40,000 người tự túc bằng các phương tiện riêng. (Table 10.1. Evacuation Totals, May 1955, tr. 205, và Phụ Lục C, tr. 216)

Cuốn sách dầy 250 trang, bìa cứng, gồm 9 chương và một chương kết, và ba phụ lục, đã hẳn được biên soạn như một phần của lịch sử Hải Quân Hoa Kỳ, đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh đóng góp vào các công tác nhân đạo của binh chủng này. Song đây cũng là một tài liệu quý và có lẽ là độc nhất về cuộc di tản vĩ đại, tuy không bi thảm bằng cuộc di tản năm 1975 và những chuyến vượt biên sau đó, cho những nhà viết sử và những người quan tâm tới lịch sử Việt Nam. Bởi vì tập sách không những chỉ đề cập tới việc di tản người di cư, mà còn kể tới cả những nỗ lực định cư khối gần 1 triệu người tại miền Nam nữa, ít ra là trong thời gian 300 ngày di tản, cho tới khi chuyến tầu chót rời vùng Hải Phòng vào ngày 15 tháng 5, 1955 khi bức màn tre buông xuống ở miền Bắc.

Sử gia Frankum cho biết sở dĩ ông quan tâm tới cuộc di tản 1954-55 này vì trong khi nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam và các diễn biến khởi thủy dẫn tới việc Mỹ tham dự vào Việt Nam, ông nhận thấy biến cố di tản này thường chỉ được đề cập tới qua loa. Vào đầu năm 1998, ông kể trong bài tựa, trong lúc đang ngồi duyệt lại một số hình ảnh trong bộ sưu tập của Douglas Pike, một nhân viên Bộ Ngoại Giao đã trải qua nhiều năm làm việc ở và sưu tập các dữ kiện về Đông Nam Á, có một tấm hình đã lôi kéo sự chú ý của ông. Đó là bức hình một bà cụ Việt Nam vẻ khốn khó tiều tùy vây quanh bởi một số thủy thủ Mỹ. Chú thích đằng sau tấm hình ghi là hình chụp trong chiến dịch được mệnh danh là Passage to Freedom (Đường TớiTự Do). Bức hình, với nét mặt nói lên một đời khổ cực, niềm bàng hoàng từ kinh nghiệm vừa trải qua, và một thoáng hy vọng của người đàn bà đã lưu lại trong ký ức Frankum dai dẳng cả một, hai năm sau đó. Ông bắt đầu một cuộc tìm hiểu về chiến dịch này. "Điều mà tôi đã học hỏi được sau đó khá sốc, vì rằng một số tài liệu quan trọng về cuộc chiến Việt Nam đã chỉ đề cập qua loa tới chiến dịch Đường Tới Tự Do này."

Vào đầu năm 2000, ông quyết định dùng chiến dịch này làm nền tảng cho dự án nghiên cứu kế đó của ông. Vào một ngày thứ Sáu, ông lục tìm trên Internet và thấy một số Web sites của các hội cựu chiến binh thuộc một số chiến hạm Mỹ và địa chỉ liên lạc, ông gửi e-mail đi để tìm và xin liên lạc với những người đã từng tham dự vào chiến dịch Đường Tới Tự Do. "Những hồi âm tôi nhận được vào sáng thứ Hai khi tôi trở lại làm việc đã châm ngòi cho tiến trình hình thành cuốn sách này," ông Frankum, tác giả của nhiều tập sách biên khảo về chiến tranh Việt Nam, cho biết.

"Chiến Dịch Đường Tới Tự Do là một biến cố [đáng được đề cập tới nhiều] hơn là chỉ bằng một đoạn ngắn trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam," tác giả viết trong phần dẫn nhập. "Đối với phần lớn người Mỹ, Chiến Dịch Đường TớiTự Do, nếu có nghĩ tới chăng, là một ghi chú trong giai đoạn tham dự khởi thủy của một cuộc chiến sẽ nuốt chửng cả nước Mỹ một thập niên sau đó. Tuy nhiên, đối với các chàng trai trẻ hồi ấy, giờ đã ở tuổi 70 và 80, những người đã di tản một quốc gia vào năm 1954 và 1955, Chiến Dịch Đường Tới Tự Do là điểm mấu chốt của đời họ. Ngay cả 50 năm sau, đối với những thủy thủ đã phục vụ trên những con tầu của Task Force 90, biến cố này đã là một trong những điểm quyết định của đời họ."

Cuộc di tản không những đã gây ấn tượng sâu đậm nơi các thủy thủ đã tham dự vào chiến dịch di tản vĩ đại này, nó còn thay đổi cuộc đời của gần 1 triệu người Bắc di cư, bên cạnh cuộc đời của 11 triệu người sinh quán ở miền Nam, sự ra đời của một quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hoà hừng hực một sức sống và tiềm năng phát triển. Với sự bảo lãnh của Hoa Kỳ, VNCH đã lôi kéo được nhiều hứa hẹn tiếp tay kiến thiết và xây dựng từ các nước tự do trên thế giới. Nếu không vì tham vọng thanh toán miền Nam của Hànội và sự hỗ trợ ồ ạt của khối cộng sản thế giới sau đó và một guồng máy tuyên truyền tinh vi, có thể VNCH đã trở thành một thứ Nam Hàn.

Và, nhìn từ khía cạnh văn hóa, ta đã thấy sự hình thành và phát triển rầm rộ, chưa từng có trong lịch sử về mọi khía cạnh, giáo dục, xã hội, và đặc biệt văn học nghệ thuật, mặc dù chỉ trong một giai đọan ngắn có 20 năm, 1954-1975, thời gian chưa đủ cho một cá nhân trưởng thành. Nền văn học ấy đã nẩy nở, phô sắc muôn mầu muôn vẻ là nhờ được sinh ra trong bầu không khí tự do, lại được tiếp sức, nuôi dưỡng bởi nền văn học tiền chiến trước đó cũng từ Bắc di cư vào Nam (vốn đã bị bức tử ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của nó), phối hợp với nền tảng văn học sẵn có bấy giờ của miền Nam vốn vẫn được hưởng một không khí tự do cởi mở hơn ở Bắc trước đó, và bởi việc mở tung cửa ngõ đón nhận các trào lưu tư tưởng và triết lý của phương Tây vô cùng phong phú của thập niên 1950 và 1960.

Trở lại cuốn "Operation Passage to Freedom", Frankum cho rằng Hoa Kỳ đã hành xử trong tinh thần trách nhiệm: sau khi đã giúp di tản khối người khao khát tự do đông đảo này vào miền Nam (mà nếu để một mình hai chính phủ Pháp và Việt Nam chắc chắn đã không mang được cái biển người muốn rời khỏi miền Bắc vào Nam ấy, trong khi Anh quốc cũng chỉ tiếp tay cầm chừng vì coi đó là vấn đề của Pháp). Để giúp họ ổn định chỗ ở, Hoa Kỳ đã không thể quay lưng coi như đã hoàn tất phần sự và đã tiếp tục hỗ trợ giúp miền Nam xây dựng nên một quốc gia mới trên căn bản dân chủ tự do, điều mà ai cũng phải công nhận. Sự tham dự tích cực này của Hoa Kỳ lại chính là điều mà Hànội đã khôn khéo khai thác tuyên truyền cho chiêu bài chiến tranh giải phóng của họ vài năm sau đó, đồng thời khiến cho nhiều người miền Nam cũng chấp nhận chiêu bài ấy một cách cố tình hay vô thức. Tôi vẫn nghĩ, cũng như với chiến dịch Đường Tới Tự Do ít được đề cập tới một cách chi tiết, công lao định cư cả một biển người của chính phủ Ngô Đình Diệm hình như vẫn chưa được nghiên cứu tìm hiểu tường tồn. Và tôi cũng rất tò mò muốn biết báo chí Miền Nam lúc ấy đã tường thuật ra sao về cuộc di cư khổng lồ này, cũng như công cuộc định cư vô cùng phức tạp sau đó.

Đọc "Operation Passage to Freedom" tôi có cái thích thú, ngoài một thỏa mãn về phương diện kiến thức, của người được nghe kể những chuyện chưa hề được nghe hay chỉ nghe biết lõm bõm đây đó mỗi nơi một chút, về một biến cố đã thay đổi cả cuộc đời của bao nhiêu triệu con người. Những chuyện từ nhỏ tới lớn, quan trọng tới tiểu tiết, mà Frankum đã tìm thấy qua những văn thư chính thức, bản tường trình, thư từ trao đổi giữa các nhân vật trong thời gian liên hệ được lưu trữ trong văn khố của Hải Quân và Thư Viện Quốc Hội, và qua những cuộc phỏng vấn với các cựu thủy thủ hiện còn sống và đã có mặt trên hơn 100 chiến hạm tầu bè đủ loại chở dân di cư suốt 300 ngày ngược xuôi hai miền Bắc Nam. Có những tài liệu ghi lại lời kể của các nhân chứng về những ngăn chặn, tuyên truyền (như việc sẽ bị thủy thủ Mỹ ném xuống biển một khi tầu nhỏ neo ra khơi nếu ghi danh di cư, chẳng hạn), phá hoại, kể cả việc đòi nạp tiền mua giấy tờ di chuyển, của Việt Minh, khiến nhiều vạn người đã bị kẹt lại.

Một trong những chi tiết tôi không khỏi bật cười, bên cạnh những cái nhíu mày không tránh khỏi trước những biến cố lịch sử tưởng đã vùi sâu chôn chặt sau cả hơn nửa thế kỷ: Đó là chuyện (mặc dù Pháp đã hứa sẽ cung cấp thông dịch viên, nhưng đã không đáp ứng) thiếu người trên tàu Mỹ biết tiếng Việt cũng như tiếng Pháp, hoặc biết tiếng Pháp mà là thứ tiếng Pháp học ở trung học chẳng ai hiểu; và không có người biết tiếng Anh bên phía dân di cư. Vậy làm sao để nói chuyện, truyền đi thông tin cần thiết nơi tầu bốc người, trong lúc trên tầu cho chuyến hải hành ba ngày vào Nam, và tại nơi đổ người xuống bến? Bên phía Mỹ chợt có người khám phá ra mấy ông linh mục Việt là những người biết tiếng La tinh, một ngôn ngữ đã chết không còn mấy ai dùng; và trên tầu Mỹ tình cờ có mấy ông tuyên úy đạo Thiên Chúa cũng phải biết tiếng La tinh. Một thủy thủ nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với Frankum là tiếng La tinh do đấy đã có lúc được xử dụng trong chiến dịch di tản và anh ta nghĩ là thật nực cười khi một tử ngữ đã được dựng dậy để làm phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, không phải tầu nào cũng có cái may mắn xa xỉ có được một ông tuyên úy nói được tử ngữ này. Do đấy nói chuyện bằng tay trở thành ngôn ngữ chung.

Cuốn sách, với lời giới thiệu của Tiến sĩ James R. Reckner, chủ bút nhà xuất bản Texas Tech University Press, được trình bầy theo thứ tự thời gian của các diễn biến của các biến cố và sự việc, nên khá dễ đọc, vớí Chương 1 mang tựa là Đường tới Geneva (Road to Geneva); Chương 2 Khủng Hoảng Gia Tăng (The Growing Crisis); Chương 3 Tổ Chức Di Tản (Organizing the Passage); Chương 4 Một Biển Người, Tháng 8, 1954 (A Mass of Humanity, August 1954); Chương 5 Thách Thức Trên Bộ, Tháng 8, 1954 (Challenges by Land); Chương 6 Từ Hà Nội tới Hải Phòng: Vòng Tròn Khép Lại (Hanoi to Haiphong: The Circle Closes); Chương 7 Cuộc Định Cư Một Quốc Gia (Resettling a Nation); Chương 8 Từ Hà Nội Tới Hải Phòng: Một Đất Nước Trong Chuyển Tiếp (Hanoi to Haiphong: A Country in Transition); Chương 9 Chuyển Tiếp và Đổi Thay (Transitions and Change); và phần Kết Luận Bức Màn Tre Buông Xuống (The Bamboo Curtain Falls).

Trong chương kết, Frankum có viết một đoạn khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi: "Chuyến tầu Mỹ cuối cùng, chiếc General Brewster, rời cảng Hải Phòng đúng hạn vào ngày 13 tháng 5 [1955], hướng về Đồ Sơn để bốc lực lượng an ninh và đồ phụ tùng cuối cùng của Pháp, cùng với nhóm khoảng 10 người tị nạn đã bỏ trốn khỏi vùng Việt Minh. Trong đám 10 người này có một người cha và cô con gái đã phải lưu lại Hà Nội vì người mẹ không chịu bỏ miền Bắc di cư. Hai cha con này, những người di cư chính thức cuối cùng theo Hiệp Định Geneva, đành bỏ lại người mẹ ở Hà Nội hơn là phải sống dưới sự đô hộ của Việt Minh. Sự chia cắt gia đình này tượng trưng cho giai đọan 1954 và 1955 khi Đông Dương bị chia thành Bắc và Nam. Phần lớn những người bỏ miền Bắc ra đi vào Nam đã bỏ lại đằng sau vài người thân trong gia đình hoặc mồ mả tổ tiên họ. Đối với những người này đất nước thực sự bị chia cắt và chỉ có thể trở lại nguyên vẹn khi nào Việt Minh bị đánh bại và họ được trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Đối với những người này, giấc mơ hồi hương ấy đã không bao giờ trở thành hiện thực, và đối với những người sống sót cuộc chiến tới ngày 30 tháng 4, 1975, kinh nghiệm di cư Đường Tới Tự Do – ở một mức độ tàn khốc và vô tổ chức hơn nhiều -- lại đã tái diễn. Những người Việt Nam bỏ miền Bắc ra đi chỉ bị mất nhà. Năm 1975, họ mất cả quê hương." (tr. 205)

"Operation Passage to Freedom" hiện có tại Amazon.com và một số Web sites khác. (TD, 05/2010)

 

HÌNH ẢNH:

blank

 

Hình trên và trái, hình bìa cuốn "Operation Passage to Freedom – The United States navy in Vietnam, 1954-55" (Texas Tech University Press, Lubbock, Texas, 2007) (Ảnh Trùng Dương). Phải, tác giả Ronald B. Frankum, Jr, hiện dậy môn sử tại Millerville University of Pennsylvania, còn là tác giả và đồng tác giả một số sách nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. (Ảnh trích trong sách "Operation Passage to Freedom") 

 blank

Hành trình của những chuyến tầu chở di cư từ Bắc vào Nam, 1954-1955. (Bản đồ trích từ National Geographic số ra tháng 6-1955)

Ý kiến bạn đọc
21 Tháng Bảy 20178:55 CH
Khách
Làm ơn chỉ cho tôi:
Mua cuón sách Chiến Dịch Đường Đi Tới Tự Do - Hải Quân Hoa Ky Tại Việt Nam 1954-1955 của tác giả Ronal B. Frankum, Jr. - Sách chuyển ngữ tiếng Việt do Trùng Dương dịch. Có thể mua ở đâu? Giá tiền bao nhiêu?
Cám ơn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 80747)
Từ xưa đến nay, tình mẫu tử luôn là đề tài sáng tác vô tận cho thơ ca nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung. Một cách tự nhiên, Nguyễn Xuân Tường Vy đã chinh phục độc giả bằng chính những dòng viết giản dị, chân thật về tình cảm muôn thuở ấy.
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 69066)
Nói như Viện Hàn lâm Thụy điển vào đúng 13 giờ thứ năm 07/10/2010, theo lời thư kí Peter Englund khi ông công bố giải văn chương Nobel 2010 trao tặng cho (Jorje) Mario (Petro) Vargas Llosa, là như sau. Nhà văn xứ Pêru này trúng giải nhờ đã: « Thể hiện và phác họa toàn diện cơ cấu quyền lực và hình ảnh sắc cạnh chạm khắc nỗ lực kháng cự, tinh thần phẫn nộ và thành bại của cá nhơn con người. » Về mặt nghệ thuật: « Ông là nhà văn đã triển khai thuật kể chuyện theo phong cách quả tình kì ảo. » Về mặt con người của mình: « Qua tác phẩm, ta biết ngay ông là một con người say sưa trong hành xử. Hễ thấy mình phản ứng rập theo bổn sắc ấy, ông tỏ ra hết sức rung động và lấy làm vui vô cùng. »
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84686)
LTS: Lê Vương Ngọc tên thật là Lê Đình Quỳnh, xuất thân là giáo sư tư thục Trung học các trường Hưng Yên, Hải Phòng thập niên 1950 và Sài gòn 1960. Ông nhìn vấn đề văn hoá như một “hobby” – Làm thơ, dịch sách, nghiên cứu, biên khảo nhiều về Phân tâm và Di truyền học – Theo quan niệm phê bình sáng tạo của Oscar Wilde…
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 73240)
Một cái chết tức tưởi, phi lí như thân phận con người trên cõi đời, như Albert Camus đã nhận xét trước kia. Ở tuổi 46, hai năm sau ngày lãnh giải Nobel. Trong túi xách của ông có đựng bản thảo cuốn tự sự hư cấu còn dang dở Le Premier Homme (Người đầu tiên), kí ức tặng mẹ, “người sẽ không đọc được nó’’. Cây ngô đồng (không hiểu sao) nay không còn nữa, chỉ có đài tưởng niệm dựng ở ven làng. (1)
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86247)
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 91999)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 77642)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
29 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 12339)
Trên tạp chí mạng Da Màu ngày 02.04.2010, có đăng bài ca từ Tình sầu của nhạc sĩ kiêm thi sĩ Trịnh Công Sơn và bản dịch tiếng Anh Meditations in love của Đinh Từ Bích Thúy. Tiếp theo là phản hồi của nhiều độc giả, kể theo thứ tự thời gian: Nguyễn Đức Tùng, quynh du, T.T., ActionMinded, phaitran, Trinh - Trung Lap, Điền L., Thái Kim Lan.
17 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 96929)
Coupe du Monde de football (Cúp bóng tròn Thế giới, hay World Football Cup ) do Fédération Internationale de Football Association (Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Bóng tròn, viết tắt là FIFA) tổ chức lần đầu tiên năm đó ờ Hoa kì, từ ngày 17 tháng Sáu tới 17 tháng Bảy 1994.
05 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 11802)
Đúng như giới phê bình và độc giả mê văn học dự đoán, trưa ngày 2 tháng 11/2009 này viện Hàn lâm Goncourt đã chánh thức công bố giải thưởng hằng năm của mình cho nhà văn nữ Marie NDiaye, tác giả cuốn Trois Femmes Puissantes (Ba thục nữ giàu nghị lực - Nxb Gallimard).