- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cơn điên của Vệ Tuệ và miếng mồi thơm nguy hiểm

08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 72374)

 

 

cuccung_vetue-content

Ảnh bìa sách Cục Cưng Thượng Hải của Vệ Tuệ

 

Cách đây nửa năm, tôi đọc được một bài viết của Phan Nhiên Hạo từ bên ngoài, với nhan đề “Nhà văn thế hệ sau chiến tranh và ông vua cởi truồng”. Phan Nhiên Hạo viết:

Người ta đang đề cập đến một thế hệ văn nghệ trẻ, những người sinh ra hoặc trưởng thành sau 1975: kỳ vọng vào họ nhiều mà thất vọng cũng lắm, xoa đầu vỗ vai thường xuyên mà chê bai cũng không hiếm. Bản thân cái gọi là “nhà văn thế hệ sau chiến tranh” vì sao chưa làm nên chuyện, dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, lý do quan trọng nhất là vì phần lớn họ đang sáng tác với một quan điểm “phi chính trị” rất thỏa hiệp. Sự thỏa hiệp này triệt tiêu khả năng đẩy các thử nghiệm nghệ thuật đến cùng, và đặc biệt khiến việc lý giải các vấn đề xã hội trong văn chương thường rơi vào chỗ giả tạo.

(…) Điều đáng chán của các nhà văn trẻ trong nước hiện nay không nằm ở thái độ thiếu dấn thân của họ, mà ở cái cung cách tự phủ dụ, tự hài lòng trước cái giới hạn sáng tạo ngầm được đề ra bởi chính quyền: viết gì thì viết, nhưng không được đụng đến chính trị. Một số nhà văn trẻ trong nước phát biểu trên báo chí như thể họ có thể viết về mọi đề tài, tự do thể hiện mọi tư tưởng, vấn đề chỉ ở chỗ tài năng, kiến thức. Họ bàn về thơ “siêu hình” như thể điều này sẽ mang lại tự do đích thực, giải thoát họ khỏi hiện thực nhếch nhác. Họ nói về “concept art” như thể đang sống ở Paris hay New York, trong khi về thực chất, các cách tân của họ chỉ là những bắt chước lụn vụn về mặt nghệ thuật do thiếu điều kiện tìm hiểu cặn kẽ, kết quả của việc hạn chế thông tin, và đầy thỏa hiệp về nội dung do cố lèn lách qua cánh cửa he hé của bộ máy kiểm duyệt. Họ không nhận ra rằng, chẳng có sự cách tân nghệ thuật nào có thể đi đến cùng mà lại vắng mặt quyền tự do ngôn luận. Họ nói về chuyện dịch sách như thể chỉ cần có kiến thức văn chương, người ta sẽ trở thành những người có văn hóa. Họ không thấy một người rất có kiến thức như Chế Lan Viên, khi không có tự do sáng tạo, cũng có thể biến thành một nhà văn minh họa cuồng nhiệt nhất, và vì thế, phản văn hóa nhất. Họ có vẻ hài lòng với sự nới lỏng của nhà cầm quyền hiện nay, quêøn rằng đó là vì trước đây họ đãù sống trong một xã hội hoàn toàn không có tự do dân chủ. Sự nới lỏng của xãù hội Việt Nam hiện nay thực chất chỉ là những củ khoai mỡ dọn ra cho các nghệ sĩ, những người từ trước đến nay chỉ được phép sống thoi thóp bằng nước lãù. Một vài người có đầu óc làm ăn, bằng sự khéo léo ứng xử trong ngoài, đang tìm cách chế biến những củ khoai mỡ này thành đặc sản, đổi chác được cả vé đi nước ngoài miễn phí lẫn danh tiếng của một ca sĩ hạng B. Cần nhận rõ việc được phép xuất bản những bài thơ đượm mùi tình dục hay những truyện ngắn phê phán xã hội lặt vặt mà không được phép chỉ ra nguyên nhân chính trị sâu xa của chúng, đều chỉ là những trò văn chương nửa vời. Vấn đề khó khăn của giới trẻ hiện nay, nhất là những người sinh ra sau 1975 hoặc những người lớn lên ở miền Bắc, là họ hầu như chưa từng biết đến một thể chế chính trị nào khác ngoài chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Và vì chưa từng nếm trải một kinh nghiệm tự do dân chủ thực sự, họ không có nhu cầu mãnh liệt về điều này, giống như người chỉ nhìn thấy ảnh chụp một loại trái cây ngon, có thể cũng muốn thử, nhưng sẽ không thấy thèm bằng một người đã từng ăn qua, biết rõ mùi vị ngon ngọt của trái cây này. Nhà văn trẻ trong nước hiện nay có vẻ hài lòng với việc trang trí ngôi nhà văn chương của mình bằng những bức ảnh chụp các loại cây trái như vậy, thường là những bức ảnh ngoại nhập sặc sỡ, trong khi vẫn tiếp tục hài lòng với một thứ tự do khoai mỡ.

(…) Về phần các nhà văn trẻ, nếu không thể lên tiếng cho quyền tự do sáng tạo, chí ít cũng nên chấm dứt những trò ca ngợi dối trá kiểu “có thể viết về mọi đề tài”. Cần nhận rõ rằng “thế hệ sau chiến tranh” vẫn chưa thoát khỏi sự khống chế của bộ máy chính trị đang vận hành bởi “thế hệ chiến tranh”, rằng mặc dù bề ngoài có vẻ cởi mở hơn, chính trị Việt Nam vẫn luôn canh chừng văn chương bằng cây gậy sắt. Chiếc gậy lơ lửng trên đầu này, trong môi trường kinh tế thị trường nhiều cám dỗ, chỉ càng khiến các nhà văn có lý do đua nhau chạy nhanh hơn về phía củ cà-rốt, để rồi khi đó ngậm củ cà-rốt, họ chẳng còn có thể phát ra ngôn ngữ đẹp đẽ của con người, chỉ toàn tiếng ú ớ. Nhà văn, nhất là những nhà văn tài năng, nên cố gắng chỉ ra cho người đọc cái thực trạng tinh thần xã hội mà thế hệ mình đang sống, hơn là tìm cách làm vừa lòng tất cả mọi người bằng thứ văn chương thái giám vô vị. Tôi tin rằng chỉ cần từ chối thỏa hiệp, chứ chưa cần phải dấn thân chính trị gì cả, các nhà văn đó cóù thể viết những tác phẩm rất thuyết phục trêøn cái nền hiện thực có một không hai của Việt Nam (…)

Tôi chưa có diễm phúc được nghe những nhà văn trẻ phát biểu trên báo chí việc họ “có thể viết về mọi đề tài, tự do thể hiện mọi tư tưởng”. Nhưng cũng thật may là những lời dối trá, đẩy đưa kia không đến tai, nếu có, chắc tôi phải quỳ xuống khấu đầu làm lễ xin chữ ký diễn viên “dân chủ kịch” đại tài ấy! Hoặc rất có thể sẽ phải vò đầu bứt tai, dằn vặt tự vào nhà thương điên. Vì theo họ, hoá ra hơn 81 triệu dân Việt được tự do khóc, tự do cười, tự do hắt hơi, tự do nói những gì mình thích! Còn tôi, công dân 28 tuổi đời ương ương ngạnh ngạnh, chưa nếm mùi chiến tranh, cũng chưa từng thưởng thức an bình theo đúng nghĩa, lại đang làm con lươn bùng nhùng dấm dứt trong chiếc ống tối tăm. Hoá ra tôi bị trống câm.

Người mù, người câm, người điếc, ai cũng thấy hiện trạng xã hội Việt Nam đương đại đang xoay thế nào. Một xã hội bất bình đẳng kinh khủng với ngàn tệ nạn lớn-nhỏ, trẻ-già, sang-hèn. Đúng như Phan Nhiên Hạo viết, bản thân xã hội Việt Nam đã là một tác phẩm tuyệt diệu. Một nguyên liệu khổng lồ, mặc sức các nhà văn khai thác, tung bút. Nhưng chúng ta đã nhìn thấy gì, đã viết được dòng nào từ nguyên liệu khổng lồ ấy? Hay rời rạc dăm câu thơ không rõ nghĩa, vài ba truyện ngăn ngắn kháy khía tủn mủn chưa làm gãy nổi cái càng kiến. Và chúng ta ngồi nhìn bầu trời xám xịt ô nhiễm, gác chân cho những đứa trẻ tội nghiệp lau giầy, rên ư ử trong nhà hàng bia ôm máy lạnh mà làm thơ móc máy lẫn nhau. Thảng hoặc ai đó chấm được một nét vào bức tranh, chúng ta lại khịt mũi, phẩy tay: “Thằng đấy, con đấy thì làm nên cơm cháo gì!” Rồi chúng ta ra sức khích bác ngáng đường thằng ấy, con ấy. Cái này thì dân Việt lại cực giỏi! Và tất nhiên, cái nền hiện thực ngay cả người mù cũng trông thấy được qua mùi bẩn thỉu hôi hám bốc lên chẳng liên quan gì đến chén rượu đượm đặc, đến cô gái điếm mũm mĩm của chúng ta, sẽ vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện trong tác phẩm. Mở miệng không được thì ngậm miệng nuốt rượu, ta là ta, người khác mặc người khác, chỉ mình ta là nhà văn đích thực. Dùng ngòi bút kiếm cơm, kiếm chức, kiếm quyền, kiếm luôn sự phỉ nhục mà lịch sử sắp để lại.

Phan Nhiên Hạo chưa muốn hiểu, các nhà văn trong nước sống được rồi mới viết được, còn cái đầu trên cổ thì nó mới điều khiển được trí não để phun chữ ra ngón tay. Nhiều người muốn vẽ bức tranh của xã hội thối nát bây giờ, muốn được nói sự thật về cuộc chiến đã qua, muốn được rốt ráo chỉ ra nguyên nhân tình trạng mục ruỗng, muốn được reo hát bản năng trung thực của con người. Nhưng chỉ cần đặt bàn chân, hé môi ra chuẩn bị nói: “vua không mặc quần áo”, bàn chân đã bị chặt, cái lưỡi đã bị cắt. Một vài người lọt được bàn chân, nhếch được môi, thì phải trả giá quá đắt. Mà cái giá này cũng không dấy lên một phong trào cách mạng nào để thay đổi tình hình. Vậy thì ngồi im, thoả hiệp, chờ sung rụng. Mà hoa gạo thì làm sao đậu thành trái sung!

Cái vòng luẩn quẩn gỡ làm sao đây?

Chúng tôi như lũ lươn bị nhốt trong ống, con quằn quại tìm lối thoát, con nằm im chịu giày xéo. Người bên ngoài nhìn vào thấy thương thay, nhưng ai dám đập bể cái ống để chúng tôi được chui ra ngoài? Phan Nhiên Hạo không đập bể ống và chúng tôi không tìm ra lối thoát. Vẫn lại cái vòng Kim Cô luẩn quẩn.

Trở lại vấn đề ai đó phát biểu chúng ta có thể “viết về mọi đề tài, tự do thể hiện mọi tư tưởng”, một trò lộng ngôn mà tôi nghĩ chỉ có trong giấc mơ của chúng tôi. Giấc mơ trong một giấc mơ. Quá xa vời. Quá ảo tưởng trong tình trạng đâu đâu cũng là lửa, là dao, là búa hiện thời. Lửa bao các nhà văn trong những bức tường ám khói, bầu trời chỉ là những ánh lửa “vừa hồng vừa chuyên màu cờ tổ quốc”. Chúng tôi chỉ được phép nhìn thấy, lên tiếng trong giới hạn của đường phấn đã có kẻ vạch sẵn. Khác gì chúng tôi phải tự chọc mù mắt mình, tự ngoáy vòng cho tai điếc để không nghe thấy, không trông thấy thế giới bên ngoài lửa khét.

Đôi khi tôi lại nghĩ nhà văn thường là người lãng mạn, mây gió tuyết trăng, viết truyện tình, truyện buồn, truyện hoang đường, đâu cần rốt ráo đi tìm câu trả lời trong mớ chính trị lạnh lùng ác độc. Vả lại, rốt ráo đi tìm nguyên nhân cho những tiêu cực xấu xa mà mình nêu ra, thì chưa hẳn là văn học đâu, một thứ phóng sự điều tra, thể loại của báo chí mà ai chẳng biết. Độc giả sẽ không đến nỗi ngu ngơ để không hiểu nhà văn ẩn dụ điều gì, khi nhà văn viết về những thối nát đang mục ruỗng đất nước này. Chỉ cần nhà văn đừng chết dí trong bức tường ám khói, nhà văn cố giữ lấy sự trong sạch cho đôi mắt, đôi tai, trí não, hai bàn tay đừng bị cám dỗ bởi củ cà rốt lửng lơ trên cao để rồi ú ớ phát ngôn “có thể viết mọi đề tài”, nhà văn đã có thể vẽ nên bức tranh “tuyệt vời khủng khiếp” dân tộc đang sống. Phải chăng đây chính là sự dấn thân mà Phan Nhiên Hạo đòi hỏi? Nói gì thì nói, sợ lắm! Chớ có liều mình lao qua rào kẽm gai, phóng qua bức tường lửa, thân thể sẽ rách bươm và chết cháy mà chẳng ai bên ngoài cứu giúp, kể cả Phan Nhiên Hạo.

Nhưng mà suy cho cùng, thế hệ sinh sau 1975, “thế hệ sau chiến tranh” chúng tôi dù có nhức nhối đến mấy cũng chỉ là vết trợt qua da, không phải ung nhọt tiêu xương tiêu tủy khoét sâu thể xác, tâm hồn như lớp đàn anh đi trước phải hứng chịu. Tôi lại là thiếu nữ có phần may mắn hơn nữa. Tôi không có bố hay anh cầm súng bên kia vĩ tuyến 17, tôi cũng không có người mẹ là Nghệ sĩ nhân dân chuyên hát nhạc đỏ hừng hực khí thế tiến quân, mang về cho tôi con búp bê bằng nhựa sau bao năm hành quân qua dẫy Trường Sơn tiến về Sàigòn. Tôi cho đây là sự may mắn của số phận mình chứ tôi không tự hào. Bố tôi luôn dạy: “Trong xã hội này con nên im lặng con mới sống được”. Đôi lúc tôi không nghe lời bố, tôi đã muốn thoát ra khỏi bức tường, và đâu đó tai hoạ, dao búa vẫn đang rình rập quanh tôi. Dù bây giờ, đôi khi tôi không dám viết những gì mình muốn, dù đôi khi tôi tự hỏi tôi đang sống hay đang nuôi cơ thể sống, tôi vẫn nghĩ mình là người may mắn. Vì tôi quá sợ chiến tranh và thù hận. Tôi biết, những gì đang diễn ra ngoài kia có nguồn gốc sâu xa từ quá khứ, từ những cuộc chiến tranh, nhưng chúng tôi chẳng đủ sức để làm thay đổi điều gì. Chúng tôi sống được thì mới viết được. Mà chúng tôi chỉ tồn tại sinh vật, chúng tôi chưa được phép sống.

Dẹp qua một bên những di sản tối tăm của cả một dân tộc, tôi muốn nói về cơn mê được làm Người của mình. Cơn mê được sống bằng bản năng thật, bản năng nguyên thủy, bản năng con người. Không màu cờ nào, không ban tư tưởng nào có thể khoá được bản năng thật của con người. Có thể đất nước tôi đang sống chưa có nền Cộng Hoà, chưa có tổng thống cử tri bầu phiếu, nhưng dân chúng vẫn là con người. Tôi biết yêu, biết ghét, và có tính dục như bất kỳ một công dân Âu hay Mỹ nào khoẻ mạnh, không mắc chứng liệt dương, liệt âm. Chính trị có thể bóp chết tư tưởng nhưng làm sao chặt đứt xúc cảm luyến ái, chặt đứt bản năng dữ dội con người? Không một thế lực, không một chính quyền, không một đảng phái nào có thể dập tắt, cấm vận bản năng sinh tồn nguyên thủy bên trong con người. Càng cấm, nó càng tích tụ thành những con sông ngầm chảy sâu và đúng lúc sẽ oà vỡ, cuộn trào cuốn phăng tất cả. Khi ấy, mỗi một con người trên đất nước này sẽ mang trong mình một trận hồng thủy.

Có thể Phan Nhiên Hạo và nhiều người khác sẽ nói tôi muốn bàn đến chuyện tủn mủn, vụn vặt, không giúp ích gì cho văn đàn ảm đạm ám khói hiện thời, và đấu tranh cho tự do tình dục, các nhà văn nữ Phương Tây đã làm cách đây hàng thế kỷ. Nhưng tôi đang đòi quyền được sống, được tự do bộc lộ mình từ việc nhỏ nhặt này. Người ta đã làm cách đây cả thế kỷ là chuyện của người ta, còn tôi chưa được thì tôi vẫn phải làm. Thời buổi nào con người không yêu đương, không luyến ái? nhưng ngay cả tự do được nói về chuyện hiển nhiên, cũng không được viết, liệu chúng tôi còn được nói gì, viết gì lúc này? Giải quyết được cái nhỏ đi rồi hãy nghĩ đến những chuyện lớn. Không phải nhà văn, nhà thơ nào cũng liệt dương, liệt âm trên giường rồi mới bạo dâm trong truyện ngắn, thơ ca. Không phải là mốt, không phải là thời trang. Hãy cho chúng tôi được sống thật với chính mình, với thân xác mình, bộc bạch những điều mình nghĩ, được kể lại cuộc sống của chúng tôi và bạn bè chúng tôi, được mơ những giấc mơ của chúng tôi qua văn học, những giấc mơ mang thân thể chúng tôi mà không sợ bị đánh, bị cấm xuất bản, bị quy chụp là vô đạo đức. Hãy cho tuổi trẻ Việt Nam được quyền gọi tên đúng sự vật, hiện tượng. Bây giờ chúng tôi đang phải uốn bút mà viết “việc ấy, cái ấy”, ấy là cái gì? Nhà thơ Đỗ Kh. thể nào cũng lại cười tôi! Anh đã viết phăng ra “cái ấy” là “cái ấy”, còn chúng tôi ở đây chẳng dám viết thế, chẳng ai in, và mọi người nhìn chúng tôi như nhìn quái vật. Nhiều truyện ngắn của tôi gửi đến toà soạn các báo “văn nghệ”, đến các nhà xuất bản “văn học”, đều được buông một câu: “Viết gì mà ghê gớm thế, xã hội Việt Nam không chấp nhận cách nghĩ, cách viết như vậy!”. Ô hay, xã hội Việt Nam là ai? Là hơn 80 triệu dân hay là ông? Người đại diện cho thế lực “sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại”? Mà Bác Hồ sống thế nào? Các ông nói Bác Hồ trong sạch, Bác không lấy vợ, không bồ bịch, cũng chẳng hề sinh con đẻ cái. Hoá ra các ông bắt chúng tôi tự “triệt sản”, tự “thiến” mình? Các ông cứ sống như vậy đi, rồi trưa trưa, đêm đêm cùng bồ nhí oằn ẹo khách sạn này, nhà hàng nọ với một đống comdom Pháp, Mỹ. Còn chúng tôi, hãy để cho chúng tôi được chính là mình, được viết cái mình có, mình khát khao giải bầy, dù dưới hình thức nào, cái chính là thật lòng, không “dối trá”.

Tôi cứ mãi băn khoăn một chuyện, không tìm được câu trả lời đích đáng.

Trung Quốc, một đất nước rộng lớn có thể chế chính trị na ná Việt Nam. Họ có một nền văn minh lâu đời, một nền văn hoá lớn mang bản sắc riêng biệt trên thế giới. Nếu đem so nền văn hoá nhỏ bé và phần nào lai Tàu, lai Tây của chúng ta với họ, e rằng hơi ngượng. Lễ giáo Trung Hoa cũng có tiếng hà khắc, nghiêm ngặt. Nền văn học của họ khá đặc sắc và đồ sộ không lẫn với bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng mấy năm gần đây, họ đã hoà nhập vào dòng chảy văn học thế giới một cách ngoạn mục với nhiều tên tuổi không kém lẫy lừng: Cao Hành Kiện, Giả Bình Ao, Mạc Ngôn… Các nhà văn phương Bắc không đánh mất mình, không đánh mất bản sắc Trung Hoa, nhưng họ đã được tự do hoà nhập vào thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh đến những nhà văn trẻ của đất nước rộng lớn này. Những Từ Khôn, Cửu Đan, Vệ Tuệ, Miên Miên, Chun Su, Han Han… với lối viết bộc bạch, táo bạo, mạnh mẽ kể những câu chuyện của chính họ, thế hệ trẻ Trung Hoa trong xã hội đương thời với nhiều uẩn ức sâu kín mà từ xưa, người Tàu theo truyền thống ít bộc lộ.

Một Cửu Đan ma quái, đối mặt xã hội trên cái nền hiện thực hôi hám trong Quạ Đen thẳng thừng tuyên bố: “Nếu xem viết văn là cởi bỏ áo quần thì sau khi đã cởi bỏ hết áo quần, tôi sẽ không ngợi ca bầu vú của tôi đẹp như thế nào, mà muốn chỉ cho mọi người thấy vết thương của tôi, đồng thời sẽ nói rằng, vết thương này trước tiên là bởi tội ác của tôi, sau đó mới là tội ác của người khác (…) Thế nào gọi là viết văn bằng thân xác? Phải chăng là sau khi ngủ với đàn ông rồi viết ra những chuyện ngủ với đàn ông, rồi thông qua phương thức ngủ với những người đàn ông khác được gọi là ‘biên tập viên’ để được xuất bản? Có phải như thế gọi là viết văn bằng thân xác? Nếu đó là điều mà mọi người gọi là viết văn bằng thân xác, vậy thì, tôi xin nói, không, tôi tuyệt đối không. Nếu nói viết văn bằng thân xác là dùng thân xác của mình, sinh mệnh của mình để trải nghiệm, để thể nghiệm, rồi lấy cái bản chất nhất, thực chất nhất, dùng thủ pháp chữ nghĩa để biểu hiện, thì tôi đã làm như thế “.

Một Vệ Tuệ bạo liệt, nhạy cảm quá đỗi trong Điên Cuồng Như Vệ Tuệ mà Vương Trí Nhàn thay mặt nhà xuất bản Hội Nhà Văn phải rào đón: “Dù có nhiều trang tả cảnh làm tình, song không thể nói những trang truyện ở đây mang tính cách khiêu dâm. Trong con mắt của lớp trẻ, cái sự gọi là ngoan ngoãn hay hư hỏng (theo tiêu chuẩn cũ) thực ra không có gì quan trọng. Điều khiến họ bận tâm là được sống theo ý mình…“; một Vệ Tuệ tự thú: “Khát vọng của tôi gần như lý do tồn tại của tôi là làm cho thành phố nổ tung như một trận pháo hoa“; một Vệ Tuệ thác loạn trong Cục Cưng Thượng Hải đã tát tai chủ tịch Mao và Khổng Phu Tử khi bình tĩnh miêu tả cảnh giao hoan trong cầu xí với một ngoại kiều da trắng…; không hẳn chỉ thuần là tiếng nói riêng biệt, thể hiện cái Tôi của một nhà văn nữ, nhưng chính là đời sống thật của lớp thanh niên Trung Quốc hiện thời. Đọc Vệ Tuệ không ai không nghĩ đến thanh niên Việt Nam. Gần như chung một tâm trạng, chỉ khác biệt một bên sống và một bên thèm sống. Không ai nói ra, không ai dám viết thì những cánh hồng Trung Quốc viết. Và họ, những nữ văn sĩ còn bị xem là vị thành niên, được nồng nhiệt đón nhận ở khắp thế giới, ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông… Tác phẩm của họ bán được hàng triệu bản, một con số mà các nhà văn Việt Nam nằm mơ suốt cuộc đời. Trong “đời sống điên cuồng” của Vệ Tuệ, có sex – ma tuý – Rock n’ Roll và có cả văn hoá tổ tiên Trung Hoa lẫn Âu Mỹ. Họ đã được phép nói: “vua không mặc quần áo, vua cởi truồng”.

Khi Phan Nhiên Hạo nói về củ cà rốt, những cám dỗ của nền kinh tế thị trường trước các nhà văn trẻ Việt Nam, tôi đã nghĩ đến miếng mồi Vệ Tuệ đang lơ lửng trên đầu họ và những hiểm nguy của nó. Lạ một điều, người ta không cho in, người ta cấm xuất bản nhiều tác phẩm với lý do “không phù hợp với văn hoá Á Đông, không phù hợp với suy nghĩ người Việt, quá mạnh bạo và nhiều sex..”, nhưng người ta lại cho dịch và in ấn, phát hành tràn lan tiểu thuyết đầy nhục cảm, rượu và ma túy của Vệ Tuệ cũng như phơi bầy trong hiệu sách máy lạnh hay trên lề đường phố Nguyễn Xí những Vú To Mông Nở của Mạc Ngôn. Dù có kín đáo dịch sang Báu Vật Của Đời thì vú vẫn to và mông vẫn nở và nhân vật Kim Đồng vẫn cuồng nhiệt si mê những cặp vú, chẳng vì cái kín đáo “hớ hênh” ấy mà ngực lép mông dẹt cho đúng với thuần phong mỹ tục nước ta. Nó đâu “phù hợp với suy nghĩ của người Việt” mà đem bày bán nhiều thế? Để rồi độc giả đọc xong, quay sang chửi đổng: “Trung Quốc họ viết hay như vậy, nhà văn Việt Nam không biết học tập à?” Vô hình dung, nhiều nhà văn trẻ Việt Nam nhìn thấy miếng mồi thơm nguy hiểm Vệ Tuệ bày ra trước mặt mà thèm thuồng. Tôi nói nguy hiểm bởi vì thấy nó quá đẹp nên thèm thuồng. Ai đó ở Việt Nam nếu bạo dạn sáng tạo ra những cái đẹp tương tự như thế, nếu không bị gậy sắt phang vào đầu thì cũng chết yểu bởi thị phi, dè bỉu. Cho dù xã hội thực trạng đương thời Việt Nam đang phơi bầy trước mắt trăm ngàn vạn triệu mảng màu đen xám lầy lội chẳng kém cạnh gì xứ Trung Hoa, các nhà văn đang không sống mà tồn tại sinh vật vẫn không thể làm nên tác phẩm. Có người bảo:”Cứ viết đi, không in được thì cất, chờ thời, thể nào chẳng đến lúc”. Hỡi ôi, biết đến ngày nào con lươn chui ra được khỏi ống mà chờ đợi! Quẫy đạp mãi rồi tàn hơi mà chết sớm. Nằm yên thì lại bảo là lười biếng, chờ sung rụng. Ông đi qua, bà đi lại coi như trò mua vui. Gậy sắt thì lơ lửng. Mồi thơm thì ngầy ngậy. Củ cà rốt hồng tươi. Cuống họng lúc này chỉ biết ú ớ lên rằng: “trong giấc mơ, tôi là một nhà văn thèm được điên cuồng như Vệ Tuệ mà không bị móc mắt, chặt tay.”

Bi kịch khôi hài “Nhà văn và ông vua cởi truồng” diễn ở đâu? Thưa, đang trình diễn trong những rạp hát của “Người di tản buồn”. Bi kịch khôi hài “Nhà văn và ông vua cởi truồng” với cá nhân tôi, sắm vai phụ, đang phải diễn trong chính bút hiệu ám dấu này.

CÁT VY

Hà Nội, 8-2004

 (In trong Hợp Lưu 79, số tháng 10-2004)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Tư 20246:57 SA(Xem: 376)
Sáng sớm Chủ Nhật, điện thoại gõ nhẹ, nhìn vào messenger thấy dòng chữ nhắn tin từ chú Khánh Trường: “Tập thơ in xong rồi. Ghé lấy nhé.” 30 phút sau tôi ghé nhà, chú chỉ lên kệ sách: “Chỉ mới in 3 cuốn. Cháu cầm 1 cuốn về đọc trước.” Mở trang đầu dưới dòng chữ THƠ KHÁNH TRƯỜNG là hàng chữ “Tặng cháu, Nina Hòa Bình Lê”. Cảm động. Bài viết này xin có lúc được gọi Chú, xưng cháu.
15 Tháng Tư 202410:16 SA(Xem: 532)
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả, Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò.
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 2678)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
05 Tháng Bảy 20227:53 CH(Xem: 7508)
Truyện Kiều ra đời đã hơn hai thế kỷ của đại thi hào Nguyễn Du đã làm say mê bao trái tim người đọc nhiều thế hệ kể cả trong và ngoài nước. Đã có rất nhiều cây bút phê bình, thưởng lãm hướng đến áng thơ tuyệt tác này. Hãy cùng khám phá tác phẩm vừa mới xuất bản của một nữ lưu xứ Huế – Ninh Giang Thu Cúc – viết về Truyện Kiều có tựa đề Đọc Kiều thương khách viễn phương NXB Văn hóa văn nghệ quý II năm 2019.
15 Tháng Sáu 20222:18 SA(Xem: 6995)
Nếu ai đã đọc "Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa", chắc chắn đều bày tỏ sự thán phục đối với tác giả, tôi cũng vậy. Tác giả NTV đã đem tấm lòng thành cùng với nhiệt tâm thu thập dữ liệu về các nhân vật nói tới trong sách, cùng với các hình ảnh ghi dấu cuộc đời bể dâu của họ. Tuồng như tôi thấy họ sống lại thêm một lần nữa. Thật vậy, khi nhìn thấy hình ảnh một nhà văn quen biết ra đi từ lâu, và qua lời kể chuyện của tác giả, tôi xúc động biết bao, tưởng chừng như người ấy vẫn ở đâu đó, chưa một lần vĩnh biệt.
18 Tháng Ba 202210:50 CH(Xem: 7567)
Cuốn To Our Grand Children with Love độc đáo ở chỗ là người cầm nó trên tay không phải là một độc giả mà chính là đồng tác giả với hai vị chấp bút: Giáo sư tiến sĩ Nguyễn-Lâm KimOanh và luật sư tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt. Vì thế, đây không phải là một “cuốn sách” theo định nghĩa, hình thức và nội dung thông thường. Tiểu đề của tập sách này cho thấy đây là một “công trình”, một sự hợp tác giữa thế hệ ông bà và thế hệ các cháu, bắt đầu từ ông bà, những người từng sống qua nhiều chặng đường lịch sử và địa lý, muốn kết nối với thế hệ Việt Nam trẻ, sinh trưởng và lớn lên ở Hoa Kỳ.
18 Tháng Ba 20229:06 CH(Xem: 7156)
Tuyển tập II ra mắt vào tháng 2 năm nay, gồm chân dung của 15 văn nghệ sĩ và nhà văn hóa: Nguyễn Tường Bách và Hứa Bảo Liên, Hoàng Tiến Bảo, Tạ Tỵ, Trần Ngọc Ninh, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Văn Trung, Dohamide, Lê Ngọc Huệ, Nghiêm Sỹ Tuấn, Đoàn Văn Bá, Mai Chửng, Trần Hoài Thư và Ngọc Yến, Phan Nhật Nam, John Steinbeck cộng thêm phần phụ lục Con đường sách Sài Gòn và Câu chuyện đốt sách.
07 Tháng Ba 202212:49 SA(Xem: 7443)
Tuyển tập II - Chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa" là một công trình mới của Nhà văn Ngô Thế Vinh, giới thiệu 15 văn nghệ sĩ và nhà văn hóa thành danh thời trước 1975 ở miền Nam Việt Nam. Những tác phẩm, chân dung và chứng từ trong tuyển tập này minh chứng cho một nền văn nghệ nhân bản, năng động và đột phá đã bị bức tử sau biến cố 30/4/1975. Do đó, tuyển tập là một nguồn tham khảo quý báu về di sản của nền văn nghệ và giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa.
27 Tháng Mười Hai 20217:22 CH(Xem: 8588)
Tôi vẫn có thói quen chờ đợi vào những ngày giờ trước Giáng Sinh. Hồi còn bé ở Sài Gòn, bao giờ thì “điều gì đó” dẫu lớn hay nhỏ cũng đến, khiến lòng mình rộn ràng. Lần cuối cùng tôi biết háo hức chờ đợi là ngày mở bao thiệp giáng sinh chàng gửi với tấm thiệp in hàng chữ: “It’s time for you to make amends....” và chữ ký dưới “Merry Xmas” như một lần nữa xác nhận anh đang “break up” với tôi. Hôm nay, một ngày trước Giáng Sinh, trời mưa dầm dề cả ngày, mở cửa lấy xấp thơ vào nhà mắt vẫn cay khi giục các bao thiệp giáng sinh vào sọt rác, tôi thấy có bao thơ lạ từ xứ lạ. Mở bao bì, bìa tập thơ màu xám trắng như nỗi buồn trong cơn mưa khiến mắt tôi dừng lại ở dòng tựa: Chiều Tình Yêu.
15 Tháng Tám 202110:45 CH(Xem: 11151)
Cuốn thơ song ngữ có tên là “Các Bài Thơ Việt Nam Khó Quên – Unforgettable Vietnamese Poems” của Hương Cau Cao Tân đến với tôi vào những ngày đầu Xuân giữa mùa đại dịch. Sách khá dầy, khoảng 300 trang, trình bầy trang nhã, mỹ thuật, những trang thơ Việt-Anh in song hành dễ dàng đối chiếu. / Sách gồm 100 bài thơ Việt và 100 bài thơ chuyển dịch sang Anh ngữ. Tác giả đã chọn ra 16 nhà thơ nổi tiếng và lựa ra những bài mà tôi chắc rằng nhiều độc giả đã từng ưa thích. Tôi tạm chia các nhà thơ ra từng thời kỳ để dễ cảm nhận những dòng thơ này: Thời kỳ Văn Nôm: Bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương. / Thời kỳ Tiền Chiến: Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, T.T. Kh., Vũ Đình Liên, Xuân Diệu. / Thời kỳ Kháng chiến: Hữu Loan, Quang Dũng. /Thời kỳ Đất nước chia đôi: Nguyên Sa, Phùng Quán.