Tôi vốn có xu hướng quý, trọng những tác giả mà, ngay tự tác phẩm đầu tay, đã cho thấy tài năng sáng chói của họ. Như Huy Cận với “Lửa Thiêng”; Xuân Diệu với “Phấn Thông Vàng”; Vũ Hoàng Chương với “Thơ Say”; Đinh Hùng với “Mê Hồn Ca” hay Nguyên Sa, với “Thơ Nguyên Sa; v.v... Nhưng tôi cũng không giấu diếm rằng, tôi sẽ rất thất vọng, nếu sau đó, họ không có thêm tác phẩm ngang bằng hoặc, hay hơn tác phẩm đầu tay, dù với lý do gì.
Vì thế, căn bản, tôi vẫn nghiêng phần quý, trọng về những tác giả mà, sự nghiệp thi ca của họ, khởi đi, không cho thấy hoặc, không tạo được sự chú ý đáng kể. Nhưng, với thời gian, cuộc trường-chinh-chữ-nghĩa của họ, ngày một thành tựu, rực rỡ hơn. Tôi muốn gọi đó là khả năng “đường-trường”, hay sức “chạy-việt-dã” của những tài năng thi ca ấy.
Với tôi, ở trường hợp sau, gần đây nhất, có nhà thơ Đặng Phú Phong, với thi phẩm “tĩnh vật tôi. chờ một bàn tay.”
Chỉ một dấu chấm câu ngay nơi tựa thi phẩm, họ Đặng đã cho thấy chủ tâm mang lại cho tựa sách của ông hai mệnh đề. Điều chưa từng xẩy ra nơi những thi phẩm trước của ông. Sự hiển-thị trong câu thơ, có nhiều hơn một mệnh đề của Đặng Phú Phong, đã như những cửa khác, mở ra cho người đọc cơ hội không bị xuôi chảy, một dòng mà, tùy cảm quan, trình độ,… người đọc sẽ có được cho mình, nhiều cánh cửa hơn một câu thơ bình thường.
Cách tân này của họ Đặng, không chỉ duy nhất, nơi tựa sách. Nó thị-hiện rất nhiều ở dọc đoạn đường lao tác thi ca, qua thi phẩm mới này, của ông.
Nhưng, nỗ lực cách tân của Đặng Phú Phong cũng không chỉ phóng chiếu nơi hình thức ngữ pháp mà, nó còn mở tung, bay lên, cao hơn, xa hơn ở lãnh vực nội dung nữa:
.
“tôi bỗng thân quen góc đợi chờ
góc đợi chờ hóa góc chia xa
vạt nắng buồn thiu. lỗi. thật thà”
(Trích “bởi sông không chảy về biển cả”)
.
Hoặc:
.
“một sát na trôi. chưa phải ngắn
can gì em. cố. vội đi mau?”
.
tôi về. tôi có là tôi nữa?
.
thở dài. tim. khuất. rơi trong cỏ
để ướt sương mai trĩu nụ hoa”
(Trích “bởi sông không chảy về biển cả”)
.
Với tôi, thơ Đặng Phú Phong, hôm nay, không còn là thấp thoáng bình minh, hiểu theo nghĩa dò dẵm chân trời.
Với tôi, thơ Đặng Phú Phong, hôm nay, cũng không còn là buổi trưa, hiểu theo nghĩa đã đứng bóng, nên sẽ sớm xế chiều…
Mà, vẫn theo tôi, thơ Đặng Phú Phong, hôm nay, là một hành trình ngôn ngữ sắc xuống. Những luống-thi-ca được đào xới sâu hơn. Cô đọng hơn. Từ đó mạch nguồn so sánh, liên tưởng, ẩn dụ hiện ra như những thành tựu nóng hổi:
.
“tôi cởi tôi
chợt ngẩn ngơ xa lạ
tôi cởi tôi
tĩnh lặng ngó vô thường”
(Trích “cởi áo”, trọn bài).
.
Hoặc:
.
“tôi ly. em biệt đời sao vội
có hỏi trời xanh cũng chịu thôi
mấy cội thông già trơ mắt ngó
ly. biệt như đinh đóng suốt đời?”
(Trích “ly. biệt chỉ mới là lạc nhau”)
.
Từ đó, “tĩnh vật tôi. chờ một bàn tay”, hôm nay, mang đến cho người đọc, một thổ-ngơi, một đất, trời, một nắng, gió riêng. Chúng là những chứng-nhân của một ngôn-ngữ-lên-đường mới: .
“sóng rùng mình khi hoa trăng mọc
cát hoang mang né tránh dấu chân còng”
(…)
“đứng trước biển càng nồng mùi dâu bể
đất cằn khô, xin nhận máu tim này!”
(Trích “xin nhận máu tim này”)
.
Tự thân những bài thơ trong trong “Tĩnh vật tôi. Chờ một bàn tay,” đã khước từ dòng quen, biệt ly suối cạn - - Để lao vào rộng lớn biển khơi. Thách thức sóng dữ:
.
“vị nồng hương gỗ mới
vỡ toang lồng ngực tươi
kevin ơi kevin”
(Trích “kevin ơi kevin”)
.
Tôi e rằng, có thể chính họ Đặng cũng không đoán trước được những gập ghềnh, bất trắc của hóa thân quyết liệt này. Nhưng, như con ngài tới ngày ra khỏi chiếc kén, để cánh bướm bay lên. Bay lên. Bay lên cùng sắc mầu lấp lánh ẩn dụ, hoán dụ (metonymy) hoặc nghịch dụ (irony)... Bay lên, khóc, cười với nhân gian. Bay lên, với vàng son kỷ niệm và, năm, tháng gương tan:
.
“mà em uyên ảo chao cây lá
tay đẹp cho buồn thánh giá nghiêng”
(Trích “đi giữa thanh tân em ảo uyên”)
.
Hoặc:
.
“môi tìm môi nhóm lửa
nuột nà đóa linh lan”
(Trích “bóng ai buồn như núi”)
.
Tôi không nghĩ một người đọc khó tính, có thể sẽ đòi hỏi nhiều thêm nữa, những câu thơ lạ, từ thi phẩm mới này, của họ Đặng. Như:
.
“đời. buổi sáng. hoang đường loài cánh cứng
buồn thiu tôi. chập choạng vỗ tay người”
(Trích “nếu giữ trăm năm. tình. cứ mới”)
.
Hoặc:
“em vẫn cười như hoa buổi sớm
lọn tóc cong cong đêm Paris”
(Trích “đợi em”)
.
Hoặc:
.
“vô thường từ bước chân dò dẫm
hòn đá đang lăn trả nợ người”
(…)
đã xa. xa mãi. xa không gặp!
im nghe tiếng sóng vỗ thinh không”
(Trích “nước mang tất cả vào dĩ vãng”)
.
Hoặc:
“ngôn ngữ hai bờ rơm. nấm mọc”
(Trích “có một dòng sông trôi như tóc”)
Hoặc:
“tóc em thoang thoảng hương dâu chín
bóng dài con dốc gọi hoàng hôn
.
đưa tiễn ánh trời. vạt. vạt phai.
.
viên sỏi sủi tăm lời gửi gắm
nhẹ gió. buồn ai. sầu ngũ cung”
(Trích “nhẹ gió. buồn ai. sầu ngũ cung”)
.
Hoặc:
.
“tĩnh vật tôi. chờ một bàn tay
bàn tay thon trắng nhặt âm rơi
nắng biếc phủ non. hoa nhớ nụ
nữa mãn khai rồi. ai nhớ tôi?
(…)
tĩnh vật tôi. chờ một bàn tay
bàn tay vuốt mắt lúc ra đi
hương người sẽ thấm vô hồn phách
ấm mãi về bên kia cuộc đời”
(Trích “tĩnh vật tôi. chờ một bàn tay”)
.
Thơ Đặng Phú Phong, hôm nay, đã cho thấy rọi, sáng một mặt trời cảm thức mới. Lấp lánh đâu đó, một đêm mưa. Vọng âm đâu đó, một tiếng gõ trầm cảm. Hay rã rời một bước chân khuya, bất ngờ, khua vỡ trăng tâm-cảnh:
.
“trang điểm cho buồn một cánh tay”
(Trích “gặp bạn”)
.
Hoặc:
.
“đói bạn. ba năm hoa vẫn đợi
tách trà hâm nóng nghĩa hoa ngâu
vắng bạn café sao nhàn nhạt
vô thường. nghĩ cũng một niềm đau”
(Trích “đói bạn”)
Vân vân…
.
Nếu thước đo tài năng một nhà thơ là cách-nói-khác thì, chỉ với những câu thơ tôi trích dẫn ở trên, cũng đủ cho thấy, cuộc trường-chinh-thi-ca của họ Đặng, đã vượt qua được chính mình. Tôi muốn nói, họ Đặng đã như “cá vượt vũ môn”…
.
Trước khi những-cánh-bướm-chữ-nghĩa Đặng-Phú-Phong, trả lại “vỡ toang lồng ngực tươi” cho… “kevin ơi kevin”,
(Calif. Tháng 9-2019)
- Từ khóa :
- DU TỬ LÊ