- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bruno Corty Carlos Fuentès, Truyện Kể ‘‘ Nhiễm Phúc Gia Đình’’

17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 11296)

blank

Trần Vũ dịch thuật


Trong tác phẩm sau cùng, Carlos Fuentès truy giảo riềng mối bất an của xứ Mễ xuyên qua mười sáu câu chuyện gia đình sắp sữa tan vỡ.

Fuentès không bao giờ che giấu sự đam mê của mình dành cho Balzac. Đến mức sắp xếp tác phẩm như một Hài kịch nhân loại a[1] mang tính trần thế Mễ-tây-cơ, với đông đúc nhân vật làm người đọc dễ dàng thất lạc, dù tự nguyện, giống như du khách có thể đi lạc giữa Mexico, thủ đô khổng lồ, tỏa rộng tứ phía, ngây ngất dị kỳ. Kể từ tiểu thuyết Miền trong sáng nhất (La plus limpide région) xuất bản năm 1957, tác giả tiếp tục đào bới thành phố, lục tìm những tình cảm nồng cháy, rượt đuổi các tật xấu, cả những trái ngược của Mexico. Tự nhận đắm mình trong văn hóa của thế kỷ 16, của dòng văn chương biến hóa, chuyển động, mở ra vô tận, gây mê từ chính sự bất ổn của vạn vật, kể cả cái chết, Fuentès vận dụng hào phóng những động từ như một con người biết hào phóng tình cảm. Với ông, từ ngữ phát ra, xô đẩy, tràn bờ như những dòng sông cuồn cuộn trước lúc tự điều hòa, tựa có ma thuật, trước khi nằm lại trên trang sách cho người đọc chiêm ngưỡng.

 

Trong Nhiễm phúc gia đình (Le bonheur des familles) b[2] vừa mới ra mắt ở Pháp, Fuentès viết về một người không biết kết thúc lời nói của mình: ‘‘Tướng Alvirez phát ra những dấu chấm lửng như người ta bắn những viên đạn súng trường.’’ Ở trang khác nữa, để mô tả tình cảm vừa dịu dàng, vừa đắng chát đang xâm chiếm lấy một người đàn ông già nua bất ngờ tìm lại tình yêu thời tuổi trẻ, Fuentès thả bút: ‘‘Nhưng quá khứ là một đám mây dày đặc tiến đến bao phủ trên đầu con người, mà con người không hay biết. Cho đến khi đám mây đổ mưa.’’ Và sau cùng, khi tác giả trao lại lời kể cho thiếu niên bị người cha bắt buộc phải vào chủng viện: ‘‘Và như thế tôi đã rời bỏ ngôi làng nơi sinh quán, bị truy đuổi bằng các tiếng xì xầm của phiến đá vỡ và những món đồ chơi bỏ quên.’’

 

Cách thêu dệt bằng lời này giúp dễ chấp nhận hơn tính bạo lực của tác phẩm vang ra từ mười sáu câu chuyện kể với rất nhiều những mảnh vỡ từ một thực tế đáng ngại của Mễ-tây-cơ. Càng kinh khủng hơn nữa khi tác giả thể hiện thiên tài của mình qua cách kết thúc từng chuyện kể bằng một bản đồng ca mà theo chính từ ngữ của Fuentès là để đại diện cho ‘‘tiếng nói của những kẻ không có tiếng nói, của sự khốn cùng, của bạo lực hoành hành, của sự bất ưng từ tập thể số đông những người Mễ.’’ Mỗi gia đình mang một khí quyển riêng, với một tấu khúc riêng, mà nhịp độ riêng của từng cá nhân trong từng gia đình làm nên nhịp độ gia đình. Tác phẩm này do một người đã tám mươi tuổi viết, nhưng lại đồng điệu với thời đại bây giờ hơn những tác phẩm của các tác giả trẻ.

 

Fuentès có lối viết giàu nhạc tính. Nhà văn có lỗ tai khuếch âm. Từ ngữ của ông phát ra âm điệu nhạc rock, jazz, blues, rap. Fuentès không chút thương hại cho những gì chúng ta phải nghe thấy. Những lời lăng nhục, xúc phạm, vay mượn từ tiếng Anh, lối sử dụng từ ngữ phản quy tắc, man rợ, câu cú nhát gừng, bị bằm nát, què cụt: không có gì là vô ý vì mỗi đoạn viết đều bắn trúng hồng tâm. Còn ai dám khoa ngôn là nhà văn Mễ-tây-cơ này biết vận dụng tất cả mọi thứ trong cuộc đời ngoại trừ thơ?

 

Trong tất cả các nhân vật mà người đọc phải giao tiếp qua tác phẩm này, không chút nghi ngờ, phụ nữ gây xúc động nhiều nhất. Từ những người đàn bà đa tình, bị lường gạt, bị phản bội, bị đánh đập, bị hãm hiếp, bị giết chết, đến những người đàn bà bị đổ vỡ từ cái chết của con trai hoặc con gái mình, họ làm chúng ta choáng váng, xây xẩm. Carlos Fuentès đã bị đời sống cướp mất hai đứa con tuổi còn rất trẻ, có thể chính vì vậy, nhà văn nhạy cảm với nỗi đau của kẻ khác. Và dùng trọn tài năng rộng lớn của một người kể chuyện nhằm phục vụ một đất nước mà Fuentès đã lựa chọn yêu thương từ xa, như để tự bảo vệ mình thoát khỏi những phù phép, những cám dỗ của chính vùng đất này.

 

Carlos Fuentès:

‘‘Sự sáng tạo không thể hiện hữu khi thiếu tính kế thừa.’’

 

‘‘Nhà văn chỉ có thể cống hiến từ tác phẩm, cũng ích lợi như công việc của một kiến trúc sư hay một bác sĩ.’’

 

Gặp gỡ gương mặt lớn của văn chương châu Mỹ La-tinh tại thủ đô Mễ-tây-cơ. Carlos Fuentes Macías, với tư cách một ngôi sao, sẽ được mời tham dự Hội chợ Sách Quốc tế Ba Lê khai mạc vào ngày thứ sáu 13 tháng 3-2009.

 

Thật không dễ dàng tìm ra nơi cư ngụ ở Mễ-tây-cơ của Carlos Fuentès trong khu vực phía nam thành phố, gần khu học xá. Tại địa chỉ không tìm thấy tên họ. Một khung lưới, một máy thông âm, những bức tường cao bảo vệ nhà văn. Một người Mễ còn nét thổ dân và một chú chó đen xoay mình dẫn khách, sau khi bước qua vài bậc thềm, đến với người chủ của ngôi nhà. Lịch lãm, thân thiện và tươi cười, nhà văn bước vào tuổi tám mươi từ ngày 11 tháng 11 vừa qua, đã có sau lưng năm mươi năm tuổi nghề của một tiểu thuyết gia. Trong phòng khách, những bức tranh và một tủ sách khiêm nhường, những ấn phẩm nghệ thuật bày kín trên những mặt bàn, một ấn bản của quyển tiểu thuyết dầy sau cùng của nhà văn chưa dịch sang Pháp văn, La Voluntad y la Fortuna, và những bức ảnh của ba người con, mà hai người là Carlos và Natasha đã chết trẻ.

 

Bruno Corty: Ngày 11 tháng 3, ông sẽ có một buổi hội thảo về văn chương châu Mỹ La-tinh tại Thư viện Quốc gia Ba Lê. Theo ông, văn chương Nam Mỹ có thay đổi gì từ nửa thế kỷ nay?

 

Carlos Fuentes: Thay đổi kinh khủng. Khi tôi mới bắt đầu nghiệp văn, gần như không có tiểu thuyết gia. Khi đó đã có một nhà phê bình gạo cội tuyên cáo: ‘‘Châu Mỹ La-tinh là một cuốn tiểu thuyết không có người viết.’’ Sau đó bắt đầu có tiếng nói của Pablo Neruda; tiểu thuyết gia đầu tiên là Alejo Carpentier, Borges và Asturias nối tiếp. Rồi thì « bùng nổ » phong trào văn chương của mười hai tác giả gồm García Márquez, Cortazar, Vargas Llosa... Giờ đây, có trên trăm tay viết hay, trong toàn cõi châu Mỹ La-tinh.

 

Bruno Corty: Về sự « bùng nổ » của chuyển động văn học này, mà ông là một trong những gương mặt chính, đã tái định nghĩa thực tế Nam Mỹ, ông từng tuyên bố: ‘‘Chúng tôi đã viết lịch sử với một chữ « L » lớn, các kẻ kế nhiệm viết với một chữ « l » tầm thường...

 

Carlos Fuentes: Vào thời kỳ của chúng tôi, cùng với García Márquez và Vargas Llosa, chúng tôi bắt buộc phải nói tất cả những gì trước đây chưa được nói đến trên lục địa im lặng này. Trong tiểu thuyết, chúng tôi có khuynh hướng phác họa toàn cảnh, một phối cảnh chung, trong lúc ngày nay lịch sử đã trở nên riêng tư hơn, cá nhân hơn, người ta khai thác tình dục và tình yêu. Lớp tác giả mới « chạy máy » theo phong cách của các nhà văn đương đại Anh, Mỹ. Lớp tác giả này không tự đặt cho mình những câu hỏi mà Dos Passos hoặc Melville đã đặt ra thời trước. Ngày nay, người ta cho rằng không còn cần thiết phải đề cập đến những chủ đề lớn liên đới đến chính trị hay lịch sử nữa.

 

Bruno Corty: Dường như ông có vẻ đố kỵ, ganh ghét với sự tự do của lớp văn sĩ hiện nay…

 

Carlos Fuentes: Tôi không hề ít tự do hơn họ. Nhưng ông phải hiểu rằng, lúc mới khởi nghiệp, khi đó tôi đọc Pedro Paramo của Juan Rulfo, kiệt tác của thể loại tiểu thuyết thôn dã, khi đó tôi đã biết chắc rằng tôi không thể viết hay hơn cuốn tiểu thuyết này, về phong trào giải phóng nông dân. Vậy là tiêu. Pedro Paramo, đích thực là một quả táo vàng sinh ra từ một gốc cây khô. Vì thế tôi đã tự hỏi mình tại sao không có một tác phẩm lớn viết về thủ đô Mexico. Một thủ phủ với năm triệu dân mà không có lấy một dòng nào về họ, về trái tim của đất nước. Lúc đó tôi chỉ mới hai mươi lăm tuổi và tôi quyết định lao vào công trình này.

 

Bruno Corty: Quyết định này đã cho ra đời Miền trong sáng nhất, tiểu thuyết đầu tay của ông. Bức tranh cực kỳ hiện đại về thủ đô Mexico được chào đón ra sao?

 

Carlos Fuentes: Có một tay phê bình đã viết: ‘‘Trong vòng hai tuần lễ, công chúng sẽ quên Fuentès!’’ Mọi người trách tôi là đã phản bội lối văn cổ điển, và nhất là vận dụng những từ ngữ khiếm nhã. Tiếp theo sau đó, thủ đô Mexico trở thành chốn tôn nghiêm, không ai được phép nhắc đến những đại gia đình tiếng tăm. Do tôi đã nhạo báng thứ văn chương lễ nghĩa, chắc chắn tôi phải là một tên làm cách mạng! Kết cuộc, tác phẩm đã thỏa mãn một số người, đa số là những kẻ trước đây đã tấn công cuốn sách, nhưng tác phẩm của tôi vẫn trụ được. Hôm nay, bên Tây-Ban-Nha vừa phát hành một ấn bản tuyệt đẹp nhân kỷ niệm 50 năm từ lần xuất bản đầu tiên của Miền trong sáng nhất.

 

Bruno Corty: Những cuốn sách và các từ ngữ có thể giải thoát con người?

 

Carlos Fuentes: Không, tôi không tin. Mỗi con người phải tự giải thoát bằng chính cuộc sống riêng của mình, bằng công việc, bạn bè, và bằng cách tìm kiếm tự do. Nhà văn chỉ có thể cống hiến từ tác phẩm, cũng ích lợi như công việc của một kiến trúc sư hay một bác sĩ. Không hơn nữa. Chức năng của nhà văn là không được để ngôn ngữ ngủ yên. Chính trị, tự nó, thường có khuynh hướng lạm dụng khẩu hiệu để trừng phạt ngôn ngữ, làm cho ngôn ngữ trở nên tầm thường. Luôn luôn là như vậy.

 

Bruno Corty: Ông đã luôn chơi chữ?

 

Carlos Fuentes: Có lẽ ẩn náu trong con người tôi một thi sĩ thất bại! Tôi viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, kịch bản, nhưng không hề làm thơ… Tôi vừa đọc lại Baudelaire và hiểu rằng chúng ta không thể ngang bằng với ông ta. Đối với thiên tài này, khiêm tốn là điều bắt buộc. Tương tự như Cervantès trong lĩnh vực tiểu thuyết. Tôi đọc lại Don Quichotte mỗi năm vào dịp lễ Phục Sinh, và mỗi năm tôi lại kinh ngạc khám phá những điều mới lạ.

 

Bruno Corty: Fuentès xem Don Quichotte là một thánh thư?

 

Carlos Fuentes: Trong mắt tôi đó là quyển tiểu thuyết nền tảng của văn chương Âu châu. Tôi nói điều này ngay cả khi biết rằng có rất nhiều người không đồng ý. Malraux cho rằng tiểu thuyết nền tảng phải là cuốn Công chúa thành Clèves c[3] của Pháp. Dân Anh khẳng định rằng chính một văn hào Anh đã sáng tạo ra tác phẩm này. Don Quichotte là tác phẩm lớn nhất vì đã tập hợp trong đó tất cả mọi thể loại. Danh mục thể loại của Cervantès vô tận. Trong nhãn quan của tôi, Kafka là sự đảo lộn lớn kế tiếp. Kafka đã đụng đến cốt lỏi đáng nguyền rủa của thế kỷ 20. Trước thiên hạ, Kafka đã tiên đoán những nhức nhối tệ hại của chủ nghĩa độc tài cực quyền, của sự nô lệ, của tính hận thù điên loạn.

 

Bruno Corty: Ngày nay, dân Mễ-tây-cơ không màng đến các tác giả Pháp. Thế còn ông?

 

Carlos Fuentes: Tôi đã khám phá và đọc Le Clézio và Modiano, nhưng người mà tôi mê nhất và cũng là tác giả ít được biết đến ở đây, là Mauriac. Ở François Mauriac, tôi tìm thấy tất cả sự thông minh của Thiên Chúa giáo. Điều tôi yêu mến nhất từ Mauriac là chính vì ông ta luôn tự kềm giữ và cùng lúc đề cập đến những vấn đề đạo đức. Như quyển Đuôi rắn (Le Nœud de vipères) đã có ảnh hưởng rất lớn đến tác phẩm Cái chết của Artémio (La Mort d’Artémio) của tôi. Ông biết, tôi rất nhạy cảm với ý tưởng hiện hữu một sự nối kết trong cả một chuỗi các nhà văn. Con người phụ thuộc vào sự kế thừa. Con người phát triển sự kế thừa đó với sức sáng tạo riêng của mình. Nhưng sự sáng tạo không thể hiện hữu khi thiếu tính kế thừa.

 

Bruno Corty: Ông luôn sáng tác trong lúc đi bộ?

 

Carlos Fuentes: Đúng vậy, ở Luân Đôn, nơi tôi sống phần lớn thời gian trong năm, tôi đi bộ mỗi ngày. Ở đây thì có khó khăn. Lúc còn trẻ, tôi đi bộ rất nhiều ở khu trung tâm thành phố. Bây giờ thì tôi không còn dám nữa vì bên ngoài có nhiều nguy hiểm. Thật đáng tiếc, vì trong trung tâm thành phố người ta cảm được những điều bất thường, mê hoặc.

 

Bruno Corty: Như ông từng kể, ông từng linh cảm ở Mexico một quá khứ thổ dân Aztèque.

 

Carlos Fuentes: Đúng thế, tôi đã nói đến những luồng không khí kỳ lạ, đến cảm giác về sự hiện diện của thần chết. Mexico là một thành phố với nhiều tầng nấc. Hernan Cortès xây dựng trung tâm lịch sử Zocalo để thay thế Tenochtitlan, đã bị chôn vùi và phá hủy, nơi từng diễn ra các nghi lễ tế thần. Theo thời gian, thành phố này bị vùi lấp, còn những bộ xương người thì lại ngoi lên. Thành phố xoáy ốc kỳ quái của Cortès, thành phố của thế kỷ 19, thành phố mang mác Mỹ giả hiệu: tất cả những sự hòa lẫn này lại càng quyến rũ tôi thêm. Với số dân cư 20 triệu, gần giống một quốc gia hơn là một thành phố. Khi tôi sinh ra, chỉ có 5 triệu dân. Mexico là một hồn ma đô thị. Thành phố luôn chật cứng xe cộ. Mặc cho cơn ác mộng này tạo cảm giác là mọi thứ đều không hề dịch chuyển, nơi đây vẫn là thành phố của tôi. Mỗi nhà văn có một thành phố của riêng mình. Balzac có Ba Lê, Dickens, Luân Đôn, Dos Passos có Manhattan. Còn tôi, là Mexico. Một nơi mang đến làn gió cho sự tưởng tượng.

 

Bruno Corty: Chống đối quyết liệt chính sách của Bush, chắc hẳn ông phải hài lòng với chiến thắng của Obama?

 

Carlos Fuentes: Tất nhiên rồi. Nhưng tôi tự hỏi tuần trăng mật sẽ kéo dài bao lâu. Tuy vậy, thế giới đã khác, một nhân sinh quan khác đang nảy sinh. Với một người thông minh, biết ăn nói, biết tập hợp chung quanh mình những con người khác nhau. Hãy thử suy nghĩ chỉ với hai tuần lễ sau chiến thắng, Obama đã có những quyết định quan trọng. Ông ta đã gợi mở một cách rõ ràng và mạnh mẽ những vấn đề về Irak, Palestine và Do thái.

 

Bruno Corty: Cách nhìn của Fuentès về sự dấn thân của một nhà văn vẫn luôn trái ngược với Sartre?

 

Carlos Fuentes: Luôn luôn như vậy! Sự dấn thân sinh tử, phải là sự đối mặt với trí tưởng tượng và ngôn ngữ. Điều này phải đến trước bất kỳ một dấn thân chính trị nào khác. Dấn thân chính trị không phải là điều bắt buộc, đó là một lựa chọn. Khi tôi viết trong mục diễn đàn trên khắp báo chí quốc tế, đó là sự lựa chọn của một công dân. Tôi viết ở cương vị một công dân nhưng bằng ngôn ngữ của một nhà văn. Và tôi không để tín ngưỡng chính trị của mình xâm nhập vào tác phẩm. Hãy nhớ Balzac, tuy là một tín đồ Thiên Chúa giáo, bảo thủ và phản động, nhưng Balzac đã viết những tác phẩm mang tính cách mạng nhất trong thời đại của ông ta!

Bruno Corty: Vào tuổi tám mươi, ông vẫn tiếp tục nung nấu nhiều tác phẩm?

 

Carlos Fuentes: Dĩ nhiên. Tôi vừa cho xuất bản La Voluntad y la Fortuna, chuyện về Abel và Cain, hai anh em thù nghịch. Bạo lực là trung tâm điểm của cuốn tiểu thuyết được kể lại từ một cái đầu bị chặt của một trong hai nhân vật chính. Tôi viết cho những đứa con đã chết của mình, chúng là hiện thân của tôi bây giờ. Và cũng vì buông bút, không làm gì hết, sự chán chường mang gương mặt của thần chết.

 

Bruno Corty

Trần Vũ dịch thuật

Lễ phục sinh tháng 4-2009 

 

 

(*) nguyên tác Carlos Fuentès: ‘‘La création n’existerait pas sans la tradition’’ và Le vieux romancier qui déchire les phrases, do Bruno Corty giới thiệu và thực hiện phỏng vấn cho trang văn học của nhật trình Le Figaro số ra ngày 5 tháng 3-2009.

 

Ghi chú:

a Cước chú của người dịch:

[1] Hài kịch nhân loại (La Comédie humaine), Honoré de Balzac.

b [2] Nhiễm phúc gia đình (Le Bonheur des familles), Carlos Fuentès, bản dịch Pháp văn từ tiếng Tây Ban Nha của Aline Schulman và Celine Zins, tập truyện, Nxb Gallimard, 468 trang, giá bán 22,50 €. Tuy có thể dịch sát là Hạnh phúc gia đình, tác phẩm của Fuentès viết về những thảm kịch trong 16 gia đình mà mỗi thành viên mang một bi kịch riêng gộp thành bi kịch chung, gần như di truyền khi hạnh phúc đồng nghĩa tan vỡ và lây lan khổ đau truyền nhiễm. Do vậy, mạn phép dịch thành Nhiễm phúc gia đình.

c [3] Công chúa thành Clèves (La princesse de Clèves), xuất bản nặc danh vào năm 1678, vì trong thế kỷ 17 phụ nữ Pháp không được quyền viết và xuất bản tiểu thuyết. Văn giới Anh lưu truyền là do một văn hào Anh trước tác, về sau Marie-Madeleine Pioche de La Vergne được xác định là tác giả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 78947)
Ở mức độ cao hơn một tiểu thuyết khiêu dâm, Florence Dugas dẫn người đọc tiến dần đến chỗ thưà nhận nỗi đau và sự chối từ hiện hưũ, mà nguyên nhân bắt nguồn từ một tuổi thơ bất hạnh. Viết thẳng tay bằng một văn phong sống sượng - nhưng không trơ trẽn - Florence Dugas, với tự truyện Thống Muội , đã bóc trần mọi tình huống, gây xót xa, băn khoăn, trăn trở nơi người đọc. Là giáo sư kịch nghệ của hàn lâm viện kịch nghệ tại Pháp, cô cho xuất bản Thống Muội năm 1996, lúc 28 tuổi.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 80958)
Hoàng Chính chuyển ngữ từ Peeling trong tập truyện "The Fat Man in History" của Peter Carey. Peter Carey, tiểu thuyết gia người Úc, sinh ngày 7 tháng 5, 1943, hai lần đoạt giải Man Booker với các cuốn "Oscar and Lucinda" (1988) và "True History of the Kelly Gang" (2001). Hiện Peter Carey dạy đại học tại New York.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 77334)
Vichto Olegovich Pelevin sinh ngày 22.11.1967 tại Moskva, trong một gia đình quân nhân. Năm 1989 Pelevin thi vào trường đại học năng lượng, từ 1989-1990 học hàm thụ trường đại học viết văn Maxime Gorki. Pelevin bắt đầu sáng tác vào giữa những năm 80, mười năm sau, chưa đầy ba mươi tuổi, có trong tay hơn chục tiểu thuyết, truyện vừa và năm-sáu tập truyện ngắn, anh đã trở thành "hiện tượng bí hiểm nhất và nổi tiếng nhất trong thế hệ các nhà văn hậu Xô Viết".
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 78079)
Hắn tỉnh lại đột ngột. Bốn năm người thanh niên đang kéo hắn ra từ dưới lườn xe. Hắn nếm được vị mặn và máu, một đầu gối bị đau, và khi bị nhấc bổng, hắn phát rên, không chịu nổi sự đụng chạm trên cánh tay mặt. Những tiếng nói như không thuộc về những khuôn mặt treo ở trên hắn đang bông đùa vỗ về và bảo hắn yên tâm.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86538)
Khi tòa báo đề nghị tôi tham gia viết về các nhà văn mà giá trị được cường điệu cao hơn giá trị thật của chính họ, tôi đã nghĩ sẽ từ chối. Tại sao phải tự mình tạo thêm kẻ thù một cách miễn phí? Rồi Robbe-Grillet xuất hiện trong đầu.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 10751)
Lisa St. Aubin de Terán - sinh ngày 2 tháng 10 năm 1953 – là tác giả người Anh với trên hai mươi tác phẩm đã xuất bản gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và hồi ký. Bà đã nhận ba giải thưởng văn chương: giải Somerset Maugham cho tiểu thuyết Keepers of the House, giải John Llewellyn Rhys cho tác phẩm The Slow Train to Milan, và giải Eric Gregory cho thơ.
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 12507)
...Tôi sẽ không bao giờ lấy chồng. Không lấy ông nào hết. Tôi rành đàn ông quá. Tôi đã chứng kiến sự phản trắc của họ, tôi cũng đã từng tiếp tay cho họ nữa. Tháo dây kéo, cởi móc và đồng thuận với những động tác mờ ám. Tôi đã từng là tòng phạm, tham gia những tội ác có mưu tính. Tôi đắc tội cố tình làm những người đàn bà khác đau khổ. Tôi thù oán và tàn bạo, tôi có thể làm bất cứ chuyện gì.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 10956)
Simon Van Booy: những con chim nhỏ Lưu Diệu Vân & Hoàng Chính : chuyển ngữ Tôi vừa tròn mười lăm tuổi khi thức giấc sáng nay. Mỗi năm qua như một lần khoác thêm lớp áo mới lên trên những lớp cũ. Để đôi khi tôi thọc tay vào những chiếc túi ấu thơ và moi ra những món đồ.
17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 12690)
Nhà văn Pháp-Á Căn Đình Julio Cortázar (1914-1984) đã khai sáng chủ nghĩa hiện thực phi thường mà những văn bản ngắn, đang tái xuất hiện, cô đọng sức mạnh. Dấn thân chính trị nhưng nhà văn không xúc phạm độc giả theo cách đánh tráo văn chương với tải đạo hay tích lũy những nhượng bộ khiến bút pháp bị nhấn chìm vào thể loại tầm thường của văn tranh đấu. Julio Cortázar là một bậc thầy châu Mỹ La-tinh của dòng văn chương huyễn ảo.
15 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 88050)
Hai người lớn lên cạnh nhà nhau, tại rìa thành phố, nơi tiếp giáp cánh đồng, khu rừng và vườn cây trái, trong tầm nhìn cái tháp chuông xinh xắn của ngôi trường cho người mù.