- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Kôen

25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 11004)

Lời người dịch: Truyện ngắn thứ hai trong tuyển tập “Topaz - Hoàng Ngọc” xuất bản năm 1988, được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật “Kôen” trong bản bỏ túi do nhà Kadogawa Bunkô tái bản lần thứ 38, tháng 10 năm 2000.

Phạm Vũ Thịnh 

 

Khách sạn là một trong những bin-đinh siêu cao tầng khu Nishi - Shinjuku, hồ bơi nằm trên tầng cao nhất.

koenTôi là họa sĩ. Đã có cơ duyên vẽ hình minh họa cho tờ rời quảng cáo của khách sạn, và bán tranh khắc a-xít cho họ trưng bày trong 22 căn phòng dành cho khách quen, tôi đến đây bơi lội mỗi tuần hai, ba lần.

Hồ bơi nhỏ, chiều dài chỉ 15 thước, được cái không đông ồn, có lẽ vì giá đắt, 8 ngàn Yen[1] cho khách ngoài đến viếng; và vừa bơi vừa ngắm được cảnh đô thị từ độ cao 33 tầng trên mặt đất cũng thú vị.

Tôi đến bơi lúc nào cũng khoảng sau trưa ngày thường, hầu như chẳng có khách nào khác. Thỉnh thoảng thấy có đám đàn ông da trắng. Nhân viên phi hành của hãng hàng không Ý Alitalia đấy. Phi hành đoàn nên là điều tất nhiên rồi, nhưng quả thật người Ý mà nói được tiếng Anh trôi chảy như họ cũng hiếm. Tôi có lần đã ngủ với một người trong đám ấy. Là đàn ông hệ La-tinh mà lại ngần ngại lạ thường, anh ta đã dạy tôi bơi bướm, và ở quán ăn trong khách sạn, đã cùng ăn món Bongole, thứ spaghetti dở ẹc đến mức nầy thì ở Ý, có cho chó nó cũng chẳng thèm, anh ta vừa nói vừa cười lớn, trông giống như tài tử Jean Maria Volonte. Tôi đâm ra yêu nét cười ấy mà theo về phòng anh ta.

Ngày tuyết rơi. Trong phòng-tắm-hơi nhiệt-độ-thấp bên cạnh hồ bơi, có gã đàn ông nhỏ người gợi chuyện với tôi. Nhật Bản bây giờ giàu có quá nhỉ?, gã đàn ông đang ngồi ôm gối trong góc phòng tắm hơi nói thế. Tôi chỉ ừ hử đáp lại.

“Cô thường đến đây không?”

Phòng tắm hơi đầy không khí thân cận. Tuy có mặc áo tắm, nhưng những phần da thịt lồ lộ ứa tràn những mồ hôi nên trong phòng tắm hơi, lòng cảnh giới hẳn là mờ nhạt đi. Cỡ hai, ba lần mỗi tuần, tôi đáp, vừa đưa tay rẽ tóc vuốt lên.

“Tôi cứ tưởng là đông người lắm chứ, nhưng thật trống quá nhỉ”.

“Tôi đến đây khoảng một năm nay, mùa nầy thì khách không bao nhiêu”. Tôi nói. “Hồ bơi trong nhà, theo lẽ thì lúc nào không bơi ngoài trời được hẳn phải đông người, thế mà không phải, tuy mùa hè thì tất nhiên là đông khách lắm”.

Gã đàn ông trông da dẻ trơn láng. Không có vẻ là người làm lụng gì. Khoảng nửa đầu của tuổi ba mươi, chắc là nhỏ hơn tôi hai, ba tuổi gì đấy.

“Trống thế nầy thì thích quá, có lẽ tôi sẽ đến đây hoài”.

“Thế anh vẫn bơi ở nơi nào khác đấy à?”

Nghe tôi hỏi thế, anh ta gật đầu.

“Tưởng tượng là có nhiều cô gái trẻ ở đây chứ”.

“Thế à? Tại sao?”

“Nghe nói thế”.

“Từ ai?”

“Từ một cô gái trẻ đấy”.

Trên vai gã đàn ông đọng một hạt mồ hôi tròn. Mắt tôi hết ngắm hạt mồ hôi ấy lại ngắm những hạt nước trượt rơi xuống từ thân hình anh ta.

Ra khỏi phòng tắm hơi, gã đàn ông bơi sải một hơi 500 thước. Dáng bơi không đẹp nhưng mạnh mẽ. Hẳn là đã tập ở biển.

“Anh bơi giỏi quá”.

Hai người ngồi cạnh nhau ở quầy nước bên hồ bơi, uống sữa pha dừa.

“Tôi bơi thô bạo quá, phải không?”

Anh ta bảo cô hầu-bàn-mang-cà-vạt-bướm cho rượu rum vào cốc sữa pha dừa, nhưng cô ấy từ chối. Quầy nước nầy không bán rượu.

“Nầy, anh sinh trưởng ở vùng biển, phải không nào?”

Tôi phủ khăn tắm lên bụng. Bụng dưới của tôi so với đàn bà cùng lứa tuổi thì không đến nỗi sệ xuống, nhưng dù thế, cũng không còn là thân thể con gái mười tám nữa rồi. “Từ một cô gái trẻ”, lời anh ta nói vẫn còn đọng lại trong tai tôi.

“Đảo Shikoku đấy”.

Gã đàn ông thân thể to chắc, nhưng bụng dưới có hơi nhiều mỡ. Tôi nghĩ không phải vì thể xác suy yếu mà vì đời sống phóng đãng.

“Tôi là họa sĩ, chuyên về tranh khắc”.

“Tôi có tranh khắc trên đá của Rouaux”.

“Anh thích tranh à?”

“Cũng thích, nhưng chẳng phải không có không được. Tranh Rouaux là do vợ tôi mua đấy”.

“Thế chị ấy thích tranh chứ?”

“Có vẻ Rouaux thì thích”.

Có thêm hai gia đình vào hồ bơi. Hai bà mẹ và hai đứa con, tiếng cười hét của tụi nhỏ chẳng thích hợp với sữa pha dừa, hay tuyết đang rơi bên ngoài khung kính dày cửa sổ. Thật phiền tai quá.

“Tôi tưởng anh độc thân chứ”.

“Đang ly thân đấy”.

“Chắc là tôi đã hỏi chuyện không nên hỏi rồi?”

“Có sao đâu”.

Đứa bé trai cỡ 5 tuổi chới với rồi chìm lỉm trong lúc hai bà mẹ quên trông chừng. Người canh gác mặc nguyên quần áo thể thao nhảy ùm xuống, làm chúng tôi giật mình nhìn theo. Lần đầu tiên tôi thấy cảnh trẻ con suýt chết đuối. Có lẽ cậu bé đang vùng vẫy quờ quạng hết sức mình đấy, nhưng dưới mặt nước nên hầu như chẳng thấy gì. Mà cũng chẳng nghe tiếng gì cả. Chỉ có bọt nước nổi lên, nhưng đấy là chuyện thường tình trong hồ bơi, chẳng có gì đặc biệt. Cậu bé được vớt lên, vừa khóc toáng lên vừa ọc phun nước ra.

Gã đàn ông hờ hững ngắm quang cảnh ấy, rồi mời tôi đi ăn.

“Đơn giản là răng sâu đấy thôi à”.

Gã đàn ông bắt đầu câu chuyện. Lúc sắp cạn chai vang thứ nhất.

“Lúc nào nhỉ? Có lẽ khoảng hai năm trước đây, đang nhai kẹo cao su thì miếng đệm như cục tẩy mà nha sĩ đã nhét vào lỗ răng sâu ấy bị rớt ra. Tôi đoán là nha sĩ đã làm cẩu thả quá đấy. Tuy chẳng đau đớn gì, nhưng lúc ăn, thức ăn lại vướng mắc vào. Rất là khó chịu”.

Chúng tôi ngồi trong quán ăn dưới hầm của khách sạn, ăn các món thịt chim rừng thích hợp với đêm tuyết rơi. Tôi gọi món gà rừng, anh ta gọi món chim két.

“Lại phải lấy lưỡi rà, tìm cách nạy miếng đồ ăn mắc vào răng ấy ra, mà lưỡi là thứ kỳ diệu lắm nhé, rà vào lỗ răng sâu, lại tạo nên hình ảnh trong não mình; cô là nghệ sĩ, hẳn là rành chuyện hình tượng ấy, cô giải thích như thế nào về chuyện nầy?”

“Lưỡi à? Lưỡi tạo nên hình ảnh trong não người ta à? Chuyện nầy thì tôi không hiểu mấy”.

Một phần vì đã ngấm men rượu vang, lúc ấy thì tôi không lý giải được quan hệ kỳ bí giữa lưỡi và lỗ hổng trong răng sâu của anh ta.

“Thế thì, xin nói từ một góc độ khác vậy. Từ sự kiện cái lưỡi nầy, tôi đã thử tìm hiểu thêm. Ký ức là hình ảnh, có phải thế không nào?”

“Thế à?”

“Chẳng hạn, mười năm trước đây, có những bản nhạc Pop thịnh hành mà bây giờ mình vẫn còn nhớ. Bản gì nhỉà à, lấy ví dụ là bản Hotel California của ban Eagles cũng được, cứ nghe những tiếng ghi-ta dạo đầu của bản ấy thì mình thấy cuồn cuộn lên những nhớ nhung hoài niệmà”

“Thời mà bản Hotel California thịnh hành thì tôi đã chia tay với bạn trai”.

“Thì đấy. Nếu chỉ là âm thanh đơn thuần, thì chỉ có cảm giác nhớ tiếc mà thôi, thế nhưng âm thanh thế nào cũng gợi lên hình ảnh nữa. Nghe lại bản nhạc đã nghe quen mười năm trước, mình tưởng tượng lại những hình ảnh đã trải qua vào thời ấy. Thế mùi thì sao nào? Tôi thì hễ ngửi thấy mùi nước hoa Joy, lập tức tưởng tượng ra hình ảnh của một cô gái ngày trước. Cô có như thế không?”

“Tôi cũng thế”.

Quả đúng thế thật. Tôi thì ghét mùi nước hoa Aramis. Bởi lòng tự trọng đã bị chà đạp bởi một tên đàn ông xức nước hoa Aramis. Mà đáng tức là hắn lại là kẻ đầu tiên đã làm cho thân thể tôi phản ứng. Tôi không bao giờ gặp lại hắn nữa. Mùi nước hoa Aramis khiến tôi nhớ lại tên đàn ông ấy mà cảnh giác đối với tất cả đàn ông trước mắt mình.

“Ở Mỹ, người ta đã xong phần thí nghiệm, chuyển sang giai đoạn khai phát một loại máy giúp con người thể nghiệm được mọi thứ. Nói cực kỳ đơn giản thì ký ức, bao trùm cả hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, nhiệt độà là một thứ vật chất ngủ yên ở một khu vực trong bộ não. Thí nghiệm đã bắt đầu từ việc đào xới vật chất ấy lên. Kích thích bằng luồng điện lôi được ký ức lên, và tái hiện trước mắt như đang xem chiếu phim vậy. Chỉ cần tìm cho đúng vị trí ký ức đang yên ngủ là được. Từ đấy, chuyện hấp dẫn thêm lên vì tất cả mọi người tham gia thí nghiệm ấy, không chừa một người nào, đều dần dần thấy được cả những hình ảnh mà họ tuyệt đối chưa hề thấy lần nào trong đời”.

“Nhưng mà, thời bây giờ, phim ảnh, TV tràn lan ra đấy, lại còn sách báo nữa,à”.

“Chính thế nên ban thực hiện mới chọn người thí nghiệm từ những dân da đỏ sống trong vùng bảo hộ ở phía tây bắc nước Mỹ, dân Eskimo ở Alaska, hoặc dân Indio trên cao nguyên Mexico đấy chứ. Họ từ lúc sinh ra đã sống trong những vùng bảo hộ biệt lập thế rồi, chưa hề bước ra ngoài một bước; phim ảnh, TV chưa hề xem đã đành, mà cả chữ viết cũng không đọc được nữa. Vậy mà những người như thế đã bắt đầu kể chuyện rành rẽ về xứ Ai Cập, vùng Amazon, hay những sự kiện chỉ có thể nghĩ được là đã xảy ra đâu trước thời đại băng hà, hay chuyện khủng long trong thời đại Jurassic, hay chuyện Nhật Bản thời Trung Cổ; những chuyện tuyệt đối không thể có trong trí nhớ của họ được”.

“Chuyện nghe ghê quá”.

“Kỳ dị thật, phải không?”

“Sao thế nhỉ?”

“Nguyên nhân thì chưa ai biết là gì cả”.

“Phải chăng là ký ức của kiếp trước gì đấy?”

“Câu chuyện vẫn còn dài, nhưng chuyện như thế nầy, cô có chán không?”

“Không, hấp dẫn lắm chứ!”

Có lẽ vì nghe chuyện anh ta kể, tôi ăn món xúp ba-ba mùi thật mạnh ấy xong bất chợt những hình ảnh khiêu dục hiện lên trong trí, không làm sao xóa đi được.

“Kích thích vào vị trí nào trong não thì phát sinh được loại hình ảnh nào; những dữ kiện ấy được máy tính thu tập và phân tích; nghe đâu người ta đã đạt đến mức có thể giúp cho người thí nghiệm có thể thể nghiệm được mọi chuyện như ý muốn đấy”.

“Nghĩa là thế nào?”

“Ví dụ như người tàn tật bẩm sinh, sinh ra đã hỏng tủy sống, chỉ nằm một chỗ chẳng đi đâu được cả. Vậy mà, chỉ cần kích thích bộ não bằng điện thì người ấy thể nghiệm được mọi thứ trên đời nầy. Ngay cả những người-thực-vật không còn cử động được nữa, cũng có thể có khả năng tương tự như thế. Bởi trong những sóng não thu được từ những người-thực-vật ấy, đã thấy có loại sóng não cho biết họ đang nằm mộng. Do đó, có khả năng kích thích cho những người-thực-vật ấy thể nghiệm được mọi thứ trên đời. Không chỉ hình ảnh, mà cả âm thanh và mùi vị, cũng thể nghiệm được nữa”.

“Thế lưỡi thì sao? Lưỡi của anh ấy”.

“Lưỡi tôi cũng tác động tương tự như loại máy kích thích não tạo ra giấc mộng có đủ cả âm thanh, mùi vị và nhiệt độ ấy. Bởi thế mà cho đến khi biết được là ở Mỹ có loại thí nghiệm như thế, tôi đã hoang mang đến tưởng phát điên lên được đấy”.

“Thế lưỡi anh đã làm gì nào?”

“Lưỡi tôi rà tìm ở lỗ răng sâu, thì hình ảnh dần dần hiện lên trong não. Tùy theo thứ gì vướng mắc vào trong lỗ răng sâu mà thấy đủ thứ hình tượng khác nhau”.

“Thấy cả các cô gái nữa à?”

“Khi miếng trứng gà vướng mắc vào đấy thì thấy hình ảnh các cô gái. Thế nhưng trứng cá hay caviar vướng mắc vào thì lại khác. Chuyện có vẻ kỳ dị, nhưng có lúc tôi đã động tình đến xuất tinh khi thấy những hình ảnh ấy”.

Thịt gà rừng nướng và nước xốt màu nâu đậm thoang thoảng mùi máu và gan chim rừng.

“Chờ tí, tôi vẫn chưa hiểu lưỡi anh ra làm sao cả”

“Vậy thì, xin kể kinh nghiệm gần đây của tôi, nhưng màà có nên kể không nhỉ?”

“Sao thế?”

“Bởi chuyện có phần thô tục đấy”.

"Có sao đâu" tôi đáp.

Chai vang thứ hai cũng đã gần cạn. Món khai vị atisô và cua tạo cảm giác nằng nặng kỳ dị trên mắt và trong bụng tôi. Ruột cua mềm nhũn, hạch sinh thực cua màu vàng nhơn nhớt kích thích đầu lưỡi tôi bằng vị đăng đắng, hòa chung với rượu vang trong miệng, không tan chảy đi, mà lại cồn cào tái sinh thành một thứ sinh vật nào khác. Sinh vật ấy hút lấy chất sợi nồng đặc như sữa của atisô, pha thêm lớp da bề trong vỏ ba-ba mà hình thành. Rồi nhả ra thứ nước nhờn dính, vươn những chân phủ lông măng li ti, cứ thế hàng vạn chân có đốt ấy bò rạo rực trong bụng tôi. Tôi bị chi phối hoàn toàn bởi thứ sinh vật ấy.

“Đang lúc tôi ăn trứng nhím biển đấy. Hôm ấy, cùng bạn đồng sở đến quán sushi gần sở làm, tôi nhón lấy miếng sushi trứng nhím biển. Nghe đâu đã bắt lên từ bờ biển phía tây của đảo Hokkaido, thứ nhím biển chính hiệu, thịt săn chắc lắm”.

“Thế rồi trứng ấy vướng mắc vào răng sâu đấy chứ gì?”

“Đúng thế. Cảm thấy khó chịu nên tôi rà lưỡi vào lỗ răng sâu ấy định đẩy ra. Thình lình, trước hết là nghe có tiếng gì kỳ lạ lắm. Nghe như gió thổi nhẹ thoảng qua cây to làm tất cả đám lá lao xao lên cùng một lúc. Hoặc là hàng triệu côn trùng li ti cử động cùng lúc mà phát ra tiếng rào rạo, hoặc hàng triệu người đang cố nén giọng mà cười thật nhỏ cùng lúc thành tiếng lao xao như thế. Âm thanh ấy làm lệch khung nhìn trước mắt. Tôi hốt hoảng dụi mắt. Thấy mắt trái và mắt phải như đang nhìn hai vật khác hẳn nhau. Độ lệch càng lúc càng tăng, khoảng trống giữa hai vật ấy càng lúc càng nở rộng ra, và cuốn hút tôi vào trong. Cảm giác giống như mình đang bơi ở biển, thình lình bị ngọn triều cuốn hút vào vậy. Tôi hoảng hốt hét lên thành tiếng. Về sau, bạn bè cho biết là đã sửng sốt vì tiếng hét quá lớn của tôi. Lúc ấy, khung nhìn trước mắt đã lệch hẳn đi đến nỗi hiện lên cảnh đường phố tôi chưa từng thấy bao giờ. Rồi mùi mồ hôi, mùi phân súc vật phơi khô dưới nắng chang chang, con hẻm hẹp đông nghẹt người qua lại nhộn nhịp; tôi hiểu ngay là xóm bần cùng nào đấy ở vùng Đông Nam Á. Tôi bước đi trong phố ấy. Có lẽ là vùng Nam Ấn Độ. Tất nhiên là tôi chưa bao giờ đặt chân đến đấy cả. Trẻ con trần truồng người dính đầy bùn đất ào lại chìa tay ra, thợ mài dao cầm dao cong bán nguyệt chặt chân heo cho xem, bà phù thủy nuôi rắn cho con rắn màu xanh trườn vào lỗ mũi rồi ló ra ở miệng, hàng ngàn gái mại dâm ló tay qua cửa mắt cáo mời mọc. Khí nóng và hơi người bốc mờ mắt tôi. Như bị lôi cuốn bởi lối đi trải đá mát lạnh thật dễ chịu, tôi bước vào căn nhà có hình con công dưới bóng cây. Tiền sảnh có tượng Phật vàng to tướng, một cô gái da trắng đứng như ngập chìm trong dãy hoa lan. Tôi hỏi xin cốc nước uống. Cô gái ấy đưa tôi vào trong nhà hình con công, chỉ cho chỗ có vòi nước”.

“Thế rồi anh ngủ với cô ta, phải không?”

“Vâng, từ cửa sau đấy”.

“Thế anh đã thể nghiệm nhiều chuyện khác nữa chứ?”

“Không chỉ chuyện tính dục. Mà đủ thứ, trượt tuyết, chạy xe gắn máy, hay chỉ tản bộ đơn giản thôi, cũng đã có”.

“Ngay bây giờ thì sao?”

“Răng sâu nằm bên trái, nên hôm nay tôi ăn bằng răng bên phải”.

“Vì sao?”

“Ngay bây giờ thì hiện thực vẫn đẹp hơn là mộng”.

Gã đàn ông nói thế, rồi cắn nát đầu chim két.

Chúng tôi ngủ với nhau trong phòng có tranh khắc của tôi. Gã đàn ông đã lên đường vào mộng nhờ lưỡi và lỗ răng sâu. Đúng lúc gã đang ăn phía dưới. Sợi lông của tôi vướng mắc vào lỗ răng sâu. Gã thình lình khựng lại, nằm yên không động đậy, như bị đông cứng lại. Chỉ có vẻ mặt biến đổi. Lúc thì mặt đờ đẫn, lúc thì cười lệch môi, hay cười toe toét hở răng. Từ giữa hai chân gã, tôi vươn tay nắm lấy vật đang cương cứng, thử bóp mạnh. Thân gã run lên như ớn lạnh, mặt co rút lại như khiếp hãi.

“Anh đã đi đâu thế?”

“Thành phố tôi chưa đến lần nào”.

“Ngoại quốc à?”

“Vâng, có lẽ là vùng trung-tây nuớc Mỹ. Có vẻ là khu vực gọi là Vòng Bắp Corn Belt đấy. Thật đông người làm nông”.

“Tôi đã bóp mạnh anh một lần đấy. Thế rồi mặt anh co rút lại như khiếp hãi gì đấy; anh nhìn thấy gì thế?”

“Tôi chẳng nhớ nổi”.

“Có vẻ khiếp sợ ghê lắm”

“Ừm, nói chung là cơn mộng không đẹp”.

“Cho hỏi một điều nầy nhé. Anh chỉ mộng thấy khi có gì vướng mắc vào đấy thôi sao?’

“Không đâu”

“Thế chỉ cần rà lưỡi vào lỗ răng sâu ấy là mộng thấy được à?”

“Thấy được”.

Công viên đấy, gã đàn ông nói. Công viên vắng lặng, ở một thành phố tôi chưa đến bao giờ, nhưng sao vẫn có cảm giác gần như là ở quê hương của mình. Anh ta nói thế.

Hoàng hôn, tôi ngồi trên mặt đất. Bóng mình ngã dài sau lưng. Chỉ là một công viên nhỏ. Không biết tôi đang đợi chờ người nào, hay sắp trở về một nơi nào đấy. Tôi ngồi một mình, hoàn toàn bất động. Khung cát chôn bóng người gãy gập xuống. Mặt đất văng vẳng tiếng xào xạc lạnh lẽo. Chẳng biết là tiếng xích đu đong đưa, hay tiếng ai hát từ nơi xa, hay là tiếng chim kêu. Hoàng hôn, mà mãi không tối. Trong giấc mộng như thế, lần nào tôi cũng bật khócà

Phạm Vũ Thịnh dịch (Sydney 12-2004)

[1] 8 ngàn Yen: khoảng 80 Mỹ kim.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20216:27 CH(Xem: 12481)
Cây chi cây lạ lùng / Không cành cũng không lá / Toàn những thân với thân! / Mà thân thì dựng ngược / A plant that is so strangely amazing / Which has neither branches nor leaves growing / It has only body upon body growing about / And each body is growing upside down
24 Tháng Tám 20217:32 CH(Xem: 13123)
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông / Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng / Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng. / Walking under the severe Saigon sunshine, I suddenly feel the coolness / Because there you are, wearing the Ha Dong silk long dress / You know, I have been in love with that colour in a dress / Like my poems which still maintain the colour of silk in its whiteness.
16 Tháng Tám 20214:24 CH(Xem: 12852)
Hôm qua em đi tỉnh về / Đợi em ở mãi con đê đầu làng / Khăn nhung quần lĩnh rộn-ràng / Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi! / You were due to come back from town yesterday / I was waiting at the end of the village gate’s causeway / There you were, wearing a velvet scarf and shiny silk pants / Little did you know how your snap-button shirt tortured me then!
07 Tháng Năm 20215:08 CH(Xem: 11967)
Tuần trăng mật của hai người là một chuỗi ngày rờn rợn và dài lê thê. Nàng có mái tóc vàng, xinh đẹp và e lệ. Chàng thì tính khí lạnh lùng, khiến những giấc mơ diễm tình thời con gái của nàng trở nên băng giá. Nàng yêu Jordán rất đỗi, tuy lắm khi lại thấy lo sợ bâng quơ, nhất là mỗi đêm cùng chàng đếm bước trên đường về nhà, nàng lén nhìn dáng vẻ cao to của chàng, lầm lầm lì lì không nói không rằng. Còn chàng cũng yêu nàng thắm thiết, nhưng không thích biểu lộ ra ngoài.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 12380)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 12141)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 18872)
Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).
23 Tháng Mười Một 20193:27 CH(Xem: 16973)
Trong suốt đời của Kagébayashi Miyuki, không có ngày nào ghi sâu đậm vào trí nhớ bằng cái đêm mùa thu 1950, đúng vào ngày lễ trăng tròn. Sau đại hội cho các cổ đông viên trong phòng họp danh dự của hãng, hãng luôn tổ chức một buổi tiếp tân nhỏ tại một trong những nhà hàng có tiếng ở vùng Nam Osaka. Giới giám đốc và quản trị được mời tham dự. Mùa thu năm ấy đã không là ngoại lệ.
25 Tháng Năm 20197:59 CH(Xem: 16385)
[Dưới đây là bài đăng trên báo Le Pays ra ngày thứ ba 18/8/1863] Như báo chúng tôi đã đưa tin về chuyến viếng thăm của phái đoàn ngoại giao của xứ Nam Kỳ, khởi hành từ Huế và sẽ đến Paris vào đầu tháng 9 năm 1863. Dưới đây là danh sách của phái đoàn do vua Tự Đức chỉ định theo sắc chỉ của nhà vua ngày 27 tháng 6 năm 1863:
18 Tháng Năm 20189:51 CH(Xem: 22066)
Alejandra Pizarnik ra đời năm 1936 tại Avellaneda, Argentina, là con gái của đôi vợ chồng di dân người Nga gốc Do Thái, tị nạn cộng sản và phát-xít. Vào năm 1955 tại Buenos Aires, nhà xuất bản Botella al Mar phát hành tập thơ đầu tiên của nàng “The Most Foreign Country”, Pizarnik nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu tay này, khi mới 19 tuổi. Những nhà phê bình thời đó cho rằng Pizarnik cũng như các nhà thơ lãng mạn khác như Antonin Artaud lúc bấy giờ đã bước vào một cuộc phiêu lưu kỳ dị sang “phía bên kia”. Một số nhà phê bình gọi nàng là “kẻ mộng du trên bờ vực ”, đến một nơi mà “đêm là sự sống và mặt trời là sự chết”, hay tìm sang “phía bên kia của đêm, nơi tình yêu là khả thể.”