- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Núi Cẩm Thạch

26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 10453)

ludieuvan-hchinh_hl110_0_242x300_1Núi cẩm thạch / Nguyên tác: The Marble Mountain

Trong tập: The Marble Mountain and Other Stories

Nhà xuất bản Jonathan Cape Ltd. London 1989.

Chuyển ngữ: Lưu Diệu Vân & Hoàng Chính

Lisa St. Aubin de Terán - sinh ngày 2 tháng 10 năm 1953 – là tác giả người Anh với trên hai mươi tác phẩm đã xuất bản gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và hồi ký. Bà đã nhận ba giải thưởng văn chương: giải Somerset Maugham cho tiểu thuyết Keepers of the House, giải John Llewellyn Rhys cho tác phẩm The Slow Train to Milan, và giải Eric Gregory cho thơ.

Có ai mà không bị mê hoặc bởi núi cẩm thạch? Michael Harris nhìn chăm chăm lên đỉnh nhọn khổng lồ mầu trắng với những vết sẹo lớn như một tử cung mở ngỏ, một vết mổ vĩnh viễn để lấy thai nhi ra cho nữ thần nghệ thuật điêu khắc. Dù chưa bao giờ đặt chân tới Carrara, hoặc trông thấy những mỏ đá đã hiện diện từ ngàn năm trước, nơi đây vẫn là thế giới của chàng. Chàng biết tên các loại cẩm thạch, loại S.1, thứ cẩm thạch tinh tuyền nhất trên thế giới, trắng và không có vân, chỉ có ở nơi này, thứ cẩm thạch Michelangelo và hàng ngàn nhà điêu khắc khác đã dùng cho những công trình nghệ thuật tuyệt mỹ của họ. Chàng đến, như một nhà điêu khắc, để bày tỏ lòng tôn kính với nguồn đá trắng tinh khiết ấy.

 

Lúc đi trên đoạn dốc quyện quanh đường viền ngọn núi, chàng bị cuốn hút theo con dốc như thể chàng đã thực sự thuộc về nơi ấy. Với ba lô trên lưng, nhét đầy bánh mì thịt, chai rượu, cuốn sách phác họa và bản đồ, chàng không hòa nhập hẳn được với đám dân địa phương đang tỉa cành nho. Nhưng, qua cái áo khoác của người họa kiểu và chiếc quần jeans, mái tóc nâu và cái nồng nhiệt tươi tắn trên mặt, người ta có thể nghĩ chàng là người Ý. Chàng có thể là nhiều thứ lắm. Không ai có thể nói đích xác chàng từ đâu tới. Mẹ là người Mỹ, cha người Pháp; chàng lớn lên ở Anh quốc nơi chàng có thể hòa lẫn vào đám trai trẻ. Nhưng khi nhìn chàng kỹ hơn người ta luôn phát hiện điều gì đó khác lạ – mí mắt hơi xếch của người gốc Nam Tư, một sự tăm tối khó hiểu, một điều gì đó dâng lên và rút đi như ngọn thủy triều chật hẹp. Thành ra, nhìn thoáng qua, chàng bao giờ cũng chỉ là một bàng quan, không có gì gợi chú ý, và không đủ lạ lẫm tới mức phải xăm xoi kỹ hơn để có thể tìm ra sự khác biệt vướng vít nơi chàng. Có cái gì đó chuyển tiếp trong nhân dáng của Michael Harris. Có lẽ đó là điều đã thúc đẩy chàng miệt mài với đá, một nhu cầu tạc sự vĩnh cửu của khuôn mặt, của tứ chi, một ước muốn chỉnh đốn cấu trúc của mọi người. Dù điều đó có là gì đi nữa thì hôm ấy, chàng cũng chỉ là một khách lạ trên con đường đồi ra khỏi Carrara vào một buổi sáng mùa xuân rực rỡ.

Dù mới chỉ mười giờ sáng, chàng đã thấy đói và muốn ăn miếng bánh mì kẹp của mình. Lần nào đi picnic cũng vậy: chàng trở thành kẻ tiêu hoang số tiền trong ví. Chàng tự nhủ chàng có thể ngồi xuống đám cỏ dầy bên vệ đường làm như đang ăn bữa điểm tâm muộn, nhưng hình ảnh những nông dân lam lũ làm chàng ngại ngần. Chàng có thể chờ tới khi đến gần khu mỏ đá. Chàng đã trông chờ phút giây nghỉ chân đâu đó trên cao, nơi những âm thanh của đá bị phá nổ đủ gần để chàng có thể thấy những mảnh cẩm thạch vụn bay tung xuống vực thẳm của núi đá sừng sẹo.

Sau hai mươi phút lầm lũi, chàng thấy mình tiến lên một con dốc và trên ấy có một nhóm thiếu nữ đang nhìn xuống phía chàng. Mặt đỏ lên trong lúc chân chàng vẫn bước, chàng ước chi mình đừng đỏ mặt như thế, nhưng chả cách nào tránh được. Khi đã đi qua, họ còn chăm chú ngoái lại nhìn đến mức chàng cũng phải quay lại nhìn họ.

"Muộn rồi," một người nói với chàng bằng tiếng Ý.

"Cái gì muộn?" chàng hỏi lại, hài lòng vì sự chuẩn xác của văn phạm. Chàng đã học tiếng Ý được vài năm, và chàng nói rất khá, hơn cả tiếng Pháp, vốn là ngôn ngữ của cha ruột mình.

"Nếu nó không đến trễ thì coi như anh đã hụt chuyến rồi," người đàn bà nói với anh.

"Tới hai giờ mười mới lại có chuyến kế tiếp," một người khác chêm vào.

"Đúng vậy, hai giờ mười," cả nhóm đồng thanh nói.

Khi chàng vừa sắp nói với họ rằng chàng không chờ xe buýt, rằng chàng tính đi bộ ngắm cảnh, thì xe buýt ló ra ở khúc quanh và thắng lại bất ngờ bên cạnh họ. Nhất định để chàng lên xe trước, đám thiếu nữ nồng nhiệt xô đẩy chàng lên những bậc thang. Chàng toan phản đối nhưng họ không thèm để ý, chàng trở thành con mồi cho mối quan tâm của họ.

 

Xe buýt gần đầy; hành khách đi chợ về, chất đầy trái cây, cá và rau cùng chổi lau nhà, đồ hốt rác bằng nhựa và bánh mì, lỉnh kỉnh tới mức gần như không còn chỗ để ngồi. Chàng luồn giữa lối đi tới khi một đứa bé ở cuối xe được mẹ nó ép qua một bên lấy chỗ cho chàng. Ở trạm ngừng kế tiếp, ba ông già bước lên và chặn cứng lối vào bằng những rổ đựng đồ nghề. Michael rầu rĩ ngồi ép trong chỗ của mình. Chàng đã dự tính chuyến đi này bao nhiêu tháng trời, và bây giờ, chưa bắt đầu chàng đã thấy mình lạc hướng. Có thể chàng sẽ phải tới bất kỳ chỗ nào; mà xe buýt thì chạy quanh co uốn khúc tới mức chàng đành phải chờ xe ngừng ở một ngôi làng nào đó mới xuống nếu không muốn đi lạc. Chàng đưa tay sờ tấm bản đồ trong ba lô. Nó vẫn còn đó, nó không thể ở chỗ nào khác, nhưng chàng cũng mừng vì nó vẫn còn ở đó.

Con đường dẫn họ vòng những khúc quanh chật chội đến một ngôi làng. Hầu hết hành khách xuống xe. Tính xuống theo họ, Michael đứng sau đuôi một chuỗi gồng gánh chen chúc. Người đàn bà đã nói chuyện với chàng lúc trước chạm vào tay áo chàng.

"Anh đi Bergiola phải không?"

"Vâng," chàng nói, nhích người ra phía trước.

"Vậy là trạm sau mới xuống," cô nói và đẩy chàng mạnh đến nỗi chàng ngã ngồi xuống chiếc ghế trống. Chàng chẳng biết Bergiola ở đâu, chàng chưa bao giờ nghe nhắc đến cái tên ấy, và bây giờ còn lại chàng trên chiếc xe đò với những thiếu nữ từ trạm ngừng ban nãy và một thiếu phụ với đứa con nhỏ ở hàng ghế cuối xe.

Từ khúc đó con đường hẹp lại, vạch một đường song song với núi cẩm thạch đang càng lúc càng rõ nét trong tầm nhìn. Hai bên chàng đầy những cây hạt dẻ, lá non xanh lợt trải rộng che chở cây dương xỉ diều hâu và đám hoa dại mọc bên dưới. Đường bắt đầu lên dốc cao, rất dốc, và mỗi lần xe đò đến gần khúc quanh con đường đá giăm trộn nhựa đường mầu đen nó lại bóp còi. Mầu trắng lòa mắt mang hình ảnh mỏ đá ở xa lại thật gần, trong khi bên trái chàng là một nghĩa trang nhỏ có tường đá bao bọc ở cuối con đường, phía bên phải cách chàng khoảng hai trăm thước là một ngôi làng nhỏ với những túp nhà bằng đá quây quần bên nhau.

"Bergiola," người tài xế hét lớn, và người đàn bà mỉm cười, như thể xác định lời nói của bác tài. Mọi người xuống xe, cả tài xế cũng xuống, đi rảo qua khu quảng trường lát gạch nhỏ bé và biến mất sau con hẻm nhỏ.

 

Dường như không có cửa tiệm, quán rượu hay quán cà phê nào trong làng, thành ra, vì chẳng biết đi đâu, Michael đành trở lại nghĩa trang để ăn trưa. Đó là một camposànto tiêu biểu của nước Ý: một vuông đất thánh xây bên ngoài ngôi làng theo pháp lệnh của Napoleon thời trước. Đó là cả một mạng lưới chia đều thành những ngăn trên vách tường, như một chiếc tủ với những hộc đượm vẻ chết chóc, với bình hoa nhựa nhỏ cùng những tấm hình đen trắng của những người đã khuất. Ở góc xa, có một tảng cẩm thạch lớn, chàng ngồi lên đó, vừa dùng nó làm bàn vừa làm ghế, đặt thịt nguội, bánh mì khô Tuscani và chai rượu Chianti lên trên mặt đá lạnh.

Ăn xong, chàng sẽ trải tấm bản đồ lên mặt đá cẩm thạch để tìm xem mình đang ở đâu. Giữa trưa, chàng bỗng bị đẩy ra khỏi cơn mộng mị phù du vì tiếng nổ như sấm dậy phía sau lưng, theo sau bởi một chuỗi tiếng động rầm rộ của đá đổ nơi nào đó rất gần.

Bergiola không có trên bản đồ. Chàng gấp tấm giấy nhăn nhúm lại, và lần đầu tiên nhận ra rằng có cái gì đó khắc trên mặt phiến đá chàng đang quỳ lên. Những cái tên và ngày tháng. Chàng đọc lớn tiếng, và giọng chàng chìm dần xuống thành tiếng thì thầm, bị bóp nghẹt bởi cái danh sách lạ lùng như trang kinh nhật tụng. Có một sự giống nhau kỳ dị khiến mãi chàng mới hiểu ra được.

Danzoni Alberto sinh 1916 mất 10-09-1941

Danzoni Anna sinh 1922 mất 10-09-1941

Danzoni Altonio sinh 1914 mất 10-09-1941

Danzoni Beatrice sinh 1935 mất 10-09-1941

Danzoni Carlo sinh 1894 mất 10-09-1941

Danh sách ấy kéo dài, liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái cả một triều đại Danzoni, đàn ông, đàn bà, trẻ con mọi lứa tuổi, tất cả cùng mất ngày 10 tháng chín, 1941.

Tất cả có sáu mươi bốn cái tên, mỗi tên được khắc hệt như nhau vào phiến cẩm thạch, cuối danh sách là những chữ đơn giản, "Một phụ nữ vô danh và một cháu bé vãng lai", và thêm, "Một khách lạ khác."

 

Chàng bàng hoàng ngồi rất lâu, không biết phải làm gì, như thể mỗi hành động của chàng đều có thể đem người nào đó trong danh sách trở lại cõi sống này, từ Danzoni Enrico, bẩy mươi sáu tuổi, đến Danzoni Maria Angela, mới lên một. Chàng rời ngôi mộ, áy náy phủi những vụn bánh mì xuống đất.

Năm 1941 chuyện gì đã xảy ra cho một ngôi làng tầm vóc của Bergiola đến mức xóa đi biết bao nhiêu cư dân ở đó? Chàng biết lúc đó đang có chiến tranh khắp Âu Châu, nhưng phần nào của cuộc chiến ấy đã tìm được con dốc xuyên sơn cước quanh co đến tận nơi này?

Cuối cùng khi rời khỏi bóng râm của cây bách trong nghĩa trang, chàng đã ngạc nhiên khi thấy trời rực nắng bên ngoài. Chàng đi bộ trở lại ngôi làng, dừng lại để ngắm Bà Tiên Áo Trắng, mỏ đá cẩm thạch của trái đất vĩ đại nhất, bị cướp phá nhiều nhất, và không bao giờ cạn nguồn. Chàng đã mơ tưởng bao lâu nay, bây giờ, giấc mơ ấy đang thành hiện thực, niềm khoái cảm của chàng bị nhiễm độc bởi một chuỗi tên gọi nghe như những lời kinh nguyện. Chàng nghe thấy tiếng huýt sáo lạc điệu trên con dốc đi lên phía chàng và xoay đầu tìm xem nó đến từ đâu. Một ông già với khuôn mặt quê mùa nhàu nhò như một khối đá, mặc bộ quần áo vải thô không ăn khớp với nhau, đang đi lên con dốc. Ông già, cũng như chàng, sựng lại bởi quang cảnh hùng vĩ núi cẩm thạch, đã bộc lộ một sự tùng phục kín đáo, trước khi lớn tiếng, "Buongiorno", với Michael.

"Buongiorno," chàng đáp lời, nhưng chàng chưa kịp thốt ra câu nào trong những câu hỏi có sẵn trong đầu, thì ông già đã đi mất, bỏ lại tiếng thở khò khè và điệu huýt sáo lạc giọng trong một khúc nhạc không thể quen.

Ngôi làng tự nó có vẻ vừa thịnh vượng vừa tiêu điều, với những ngôi nhà hoặc bị bỏ hoang hoặc được chăm sóc vô cùng kỹ lưỡng. Bên ngoài ngôi làng, có một khoảnh đất có vẻ như trước đây là một khu vườn. Những con đường có hàng giậu cắt tỉa gọn gàng đã mọc thành những bụi hoang, và chỗ có đủ ánh sáng thì mọc đầy cây nhỏ. Những bức tượng và giếng nước bị bóp nghẹt bởi dây thường xuân với rêu và cỏ dại. Những cây cảnh mọc đan vào nhau, cố gắng dành một chỗ cho mình, trong khi, đó đây phía dưới chúng, những cụm hoa loa kèn, hoa diên vĩ và hoa hồng mọc rối vào nhau xum xuê, bất chấp một cách đầy thách thức những năm tháng bị bỏ quên. Vài cây loa kèn còn nở hoa, và từ vách tường bên ngoài của khu vườn, Michael có thể ngửi được mùi hương ngọt ngào của chúng lấn át mùi ẩm ướt lá mục. Gần quá tầm mắt, ở cuối vườn, lọt vào rừng dây leo chằng chịt, có một càsa mobile – căn nhà miền quê - loại nhà mang trên cửa ra vào cũng như những cửa sổ phù hiệu của dòng tộc: một dinh thự tường lót vữa đắp hình nổi, loại kiến trúc Palladio. Căn nhà ấy cũng mang đủ dấu vết của sự hoang phế.

Sự tĩnh mịch của căn nhà cùng với khung cảnh chung quanh nó phù hợp với tâm trạng của Michael, và chàng ngồi xuống nền tường đá ẩm một lúc lâu cố tưởng tượng ra những người đã sống ở đó và vì sao một căn nhà đẹp như vậy lại rơi vào tình trạng đáng tiếc như thế. Lúc đầu chàng nghĩ danh sách ấy là tên của những người đã sống ở đó; nhưng danh sách quá dài. Căn nhà rộng thật nhưng làm sao đủ chỗ cho chừng ấy người. Rất nhiều người mang họ Danzoni và dường như như họ thuộc về cùng dòng tộc, nhưng cũng có những tên khác nữa, có lẽ vẻ lạc lõng của căn nhà này một cách nào đó là chìa khóa giải đáp cho bí mật về ngôi mộ tập thể nọ.

Chìm đắm trong suy nghĩ tới mức chàng không nghe tiếng chân ông cụ đang tiến về phía mình, và câu chào vang động "Buona sera" làm chàng giật mình.

"Buona sera," chàng đáp lời, và sợ ông cụ sẽ bỏ đi như lúc nãy, chàng nói vội, "Lạ quá, tất cả mọi thứ, tất cả bị bỏ hoang."

"Còn nhiều điều lạ hơn những thứ ở đây," ông già hét lớn, rồi đưa tay ra, "Tôi là Gabriele," ông nói, cũng vẫn lớn tiếng, tới mức chàng hiểu ngay ra rằng ông cụ bị điếc.

Michael cao giọng thêm vài cung bậc để tự giới thiệu, và ông cụ gật đầu tỏ vẻ hài lòng.

"Được lắm," ông nói "được lắm, anh nói lớn là phải. Ở Bergiola này ai cũng điếc, tất cả đàn ông, cũng tại làm việc trong hầm đá, sau một thời gian tiếng mìn nổ át hết mọi tiếng động khác." Ông nhún vai, như thể với ông chuyện nghe rõ hay không chưa bao giờ giữ một vai trò quan trọng nào.

"Vậy cụ là thợ mỏ," Michael nói.

"Ha," Gabriele cười. "Thợ mỏ đá! Sao thế nhỉ, tôi biết từng phân vuông những mỏ đá quanh đây, và phía bên kia. Đúng ra," ông công bố một cách hãnh diện, "Hầu như chẳng có mỏ đá cẩm thạch nào mà tôi không biết. Tôi đã sống ở Pháp, ở Đức và trên toàn nước Ý – Nơi nào còn đá để khai thác, nơi đó có mặt tôi."

Một thoáng im lặng đọng lại giữa hai người, và bị phá vỡ bởi, "Tại sao cụ phải ra nước ngoài trong khi những mỏ đá cẩm thạch tốt nhất ở đây, ngay trên ngưỡng cửa nhà cụ?"

"Không sao," Gabriele nói, "Tôi sẽ kể cho cậu nghe, tôi đi tìm miếng ăn, và nuôi gia đình tôi. Ở Bergiola chúng tôi không còn công việc nào khác, chúng tôi sinh ra trong núi đá, sống dựa vào nó, và khi hết việc làm, chúng tôi phải dời đi, như loài chim, đuổi theo công việc, tìm miếng ăn."

Ngồi trên vách tường lạnh lẽo, cái ẩm ướt từ khu vườn thấm vào không khí làm Michael khẽ rùng mình và chuyển thế ngồi của mình trên phiến đá ẩm.

"Cậu uống một ly cà phê nhé," Gabriele nói, thọc tay vào túi như thể ông ta có thể lấy ra một ly cà phê ngay lúc này.

"Vâng ạ."

"Vậy thì đi, về nhà tôi. Ban nãy tôi thấy cậu nhìn ngọn núi trắng, cảnh thật đẹp phải không."

 

Michael đứng dậy, theo ông cụ ngược con đường hẹp, gồ ghề trở về khu quảng trường của ngôi làng, rồi từ đó qua một cái bơm nước tạc thành hình con mèo đuổi con chuột. Chỗ mà ban đầu chàng tưởng là con đường viền phía trên của quảng trường thực ra là một nông trại thênh thang mà họ vừa đi tới. Chàng theo ông cụ đi xuống một hành lang, lan man qua hết phòng nọ đến phòng kia, tỏa ra như những nhánh xương từ sống lưng con cá. Mỗi phòng hầu như rất ít được sử dụng. Thành ra một phòng quăng rải rác những túi giấy, một phòng đầy những khay đựng khoai tây; phòng khác có những chiếc giỏ không còn dùng đến trong khi một phòng khác nữa có một cặp áo sơ mi nhăn nhúm cần phải ủi cùng một chiếc chăn cũ trải trên một cái bàn bằng gỗ thông dùng tạm làm bàn để ủi. Cuối hành lang là nhà bếp, với một bếp lò nhỏ bằng gang bên trên là một nồi cháo đang sôi. Trong góc có một nồi nấu áp suất tân kỳ với vỉ nướng ngang tầm mắt và vô số đồ phụ thuộc kiểu cọ khác còn gắn kín từ hãng sản xuất, và gói trong bọc nhựa tổng hợp khổng lồ. Căn phòng, giống như ngôi làng, lộ ra một sự pha trộn lớn lao giữa những phần phụ thêm vào mới mẻ, đắt tiền và những thứ đã cũ mòn, hư mục.

Gabriele tới bên bếp lửa và đá cái khung bếp nóng bỏng, làm những tia lửa nhỏ văng ra như mưa rào.

"Ngọn núi," ông nói, một nửa với bếp lò, một nửa với người khách lạ, "cũng như một người đàn bà đẹp, như một madonna, và chúng tôi, chúng tôi như lũ côn trùng cào xước khuôn mặt nàng. Nàng luôn luôn ở đó, luôn luôn dư đầy. Dĩ nhiên, nếu mình bất cẩn, nàng sẽ bẻ gẫy mình, có người đàn bà đẹp nào mà không trả thù sự phản bội."

Ông ra dấu cho Michael ngồi xuống chiếc ghế nhựa. Rồi bước về phía cái chậu cẩm thạch cũ và bắt đầu loay hoay với chiếc máy pha cà phê nhỏ xíu. Ông bắt gặp Michael nhìn cái nồi mới tinh còn gói trong bọc.

"Con gái tôi muốn tôi mua cái đó," ông cắt nghĩa, "thành ra tôi mua, nhưng một lão già như tôi thì làm gì với món đồ ấy? Chỉ vì hàng xóm sẽ trầm trồ, ‘Gabriele có cái nồi thật tốt’, là con gái tôi sẽ cảm thấy hãnh diện vì ba nó. Đó là thời gian tươi đẹp của chúng tôi. Đây là món đồ xa xỉ nhưng dành thời gian để chiêm ngắm nó còn là chuyện xa xỉ hơn nhiều."

Dành một khoảng thời gian coi như tạm đủ để táy máy với bình lọc cà phê, ông cụ lấy ra một lít rượu đỏ cất phía sau tấm màn nhỏ đem mời anh thay cho cà phê, ông đổ đầy hai ly cối bằng một sự lanh lẹ mà dường như cho tới lúc đó vẫn vắng mặt trong căn bếp của ông.

"Tôi bắt đầu đi làm năm mười hai tuổi, bám lấy cái nghề đập đá, toàn làm ở đây. Sáng sớm bắt đầu, một lũ chúng tôi từ trong làng, chúng tôi làm vất vả hơn cả điều mà một thanh niên như cậu có thể tưởng tượng ra. Cha tôi, ông tôi, rồi ông của ông tôi, tất cả đều làm trong lòng của Nàng Tiên Áo Trắng. Chúng tôi không bao giờ nghĩ nó có thể cạn. Thế rồi Mussolini đến và ba cường quốc bóp nghẹt lời thở than của Nàng. Như thế nào là một Cường quốc nhỉ? Tôi hiểu nổi điều gì đã biến đổi họ như thế - Anh, Pháp và Mỹ - không, tôi không bao giờ tin, vậy mà họ có quyền năng phân tán ngôi làng này. Họ không chấp nhận Mussolini thành ra họ tẩy chay một số hàng hóa, cẩm thạch vùng Carrara nằm trong danh sách ấy. Họ là khách hàng, ba cường quốc ấy ngưng nhập cảng nên chúng tôi phải ngưng xuất cảng, dần dần những đống đá khai quật càng lúc càng đầy ắp và chúng tôi phải ngưng đập đá. Tôi qua Pháp, rồi qua Đức; những người khác trong làng cũng bỏ đi. Vài người qua Mỹ và không bao giờ trở về nữa, nhưng hầu hết chúng tôi phải làm việc nuôi gia đình mình, nên chúng tôi trở về.

Có lẽ tốt nhất là chúng tôi nên cùng nhau rời bỏ làng xóm mang theo gia đình và không bao giờ trở về nữa. Nhưng đây là làng của chúng tôi, thế giới của chúng tôi, lúc ấy chúng tôi lại không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có ai ngờ cái chuyện không đáng tội nghiệp ấy? Họa chăng có mà điên."

Michael nhắp một ngụm rượu, nó có vị chua, như được cất tại nhà. Gabriele nuốt ực ly của mình rồi chuốc thêm rượu một cách thích thú. "Ngon chứ hả?" Ông nói, ám chỉ ly rượu.

Đến lúc này, Michael nhận ra bàn tay của ông nổi rõ nét những đường tĩnh mạch, những đường gân xanh và lốm đốm như loại đá cẩm thạch xinh đẹp cấp ba hay cấp bốn, không phải loại dùng để tạc tượng, mà là loại dùng cho những bậc thang hay khắc bề mặt. Mỗi đường vân là một vết sẹo mỏng và những vệt sẹo mỏng ấy kết hợp với nhau thành một mạng lưới những thương tích lâu đời dọc theo nắm tay và những ngón tay của ông già.

"Khi chiến tranh bùng nổ tôi đang ở Frankfurt, tôi tìm việc ở đó, nhận bất cứ việc gì mình có thể làm, nhưng cũng chẳng có gì để làm. Tôi tưởng thất nghiệp chỉ là chuyện của người Ý, thứ sự việc chỉ xảy ra cho chúng tôi. Chuyện không có việc làm cũng giống như tuyết, mình thấy tuyết rơi ở làng mình nên mình nghĩ ở chỗ khác chắc là quang đãng, thế là mình khăn gói qua làng khác, nhưng rồi, làng khác cũng có tuyết. Việc làm cũng thế, ở đây không có gì làm, đàng kia cũng chẳng có.

Tôi nhận được một chân đầu bếp. Dĩ nhiên nếu không phải tay chuyên môn, chẳng ai có thể nấu bếp ở Ý được, nhưng ở bên kia người ta ăn thứ gì? Khoai tây và cải bắp, rồi thịt heo và khoai tây, ngay cả Gabriele này cũng làm được. Tôi nấu ăn trong một trại lính. Hàng đống bắp cải, hàng vại xúc xích. Tôi dọn thức ăn ra bàn. Một ngày kia tôi đang khiêng một khay xúc xích thì nghe người ta la hét ầm ĩ, tôi cố lắng nghe qua cánh cửa xoay. Krieg, người ta gọi nó bằng cái tên ấy. Ngay lập tức tôi quay lại, đi thẳng vào nhà bếp. "Đi đâu thế?" Người đầu bếp hét. "Chờ một tí," tôi nói, "Moment," rồi bước ra khỏi cửa, và cứ thế mà đi. Đến cổng, tôi bỏ đống xúc xích lại bên trong, và tiếp tục đi cho tới khi về tới Bergiola. Chiến tranh thì làm sao tôi có thể gửi tiền lương về nhà được, phải vậy không?"

Ông già ngưng nói để lục lọi trong các túi của chiếc áo khoác vải bố và moi ra thứ ông ta muốn tìm: một bao gói những điếu thuốc lá đen bẹp dúm, ông đặt lên tấm khăn trải bàn vải dầu, mời chàng.

"Tôi về cũng không lâu, chỉ vừa đủ làm thêm một đứa con, thêm một miệng ăn, rồi tôi lên rừng tham gia quân kháng chiến. Từ trong rừng, tôi vẫn nuôi gia đình tôi, chúng tôi thay phiên nhau lẻn về làng, đem thực phẩm cho thân nhân.

Quân kháng chiến vùng này rất mạnh, họ đã mạnh từ hồi Mussolini còn đơn thương độc mã, khi quân Đức tiếp tay Mussolini họ vẫn mạnh như thường. Ai cũng tham gia nhưng vì có nhiều phe nhóm quá nên không biết phải theo nhóm nào. Đôi khi chỉ có ba bốn thẳng nhóc lẻ loi trong rừng, như những tên cướp cạn. Chúng nó gây họa nhiều hơn là có lợi.

Bọn Đức không ghét mà khinh bỉ người Ý chúng tôi, và điều đó thì tệ hại hơn nhiều. Bọn họ thường tới Bergiola để trầm trồ ngắm nghía Nàng Tiên Áo Trắng, bởi vì họ yêu nghệ thuật. Mọi pho tượng từ đây tới Calabria đều được gói trong đệm rơm và đóng thùng gửi đường xe lửa về Đức, họ thích đến bằng loại xe thông minh của họ, thứ xe không thể leo dốc đồi, rồi đứng nhìn trân trân ngọn núi cẩm thạch.

Carrara có một thỏa ước với bọn Đức, tôi không biết bằng cách nào hoặc tại sao, nhưng không bao giờ Carrara chịu một hành động trả đũa nào. Ngay cả dù chuyện có xảy ra ở đó thì sự trả đũa cũng xảy ra ở các vùng lân cận, thành ra những thôn làng nhỏ bé chung quanh thay nhau gánh chịu sự trả thù, hết nơi này đến nơi kia. Cứ mỗi người lính Đức bị giết ở đây thì có ba người Ý phải đền mạng. Chúng chọn đại từ trong dân làng, cứ việc ‘người này, người này, và người này’ rồi đem ra bắn ở quảng trường. Với sĩ quan thì đổi sáu mạng. Chúng nghĩ chúng đáng giá trị bằng ba bằng sáu lần bọn tôi, hèn chi bọn chúng đối xử với chúng tôi như rác rưởi.

Dường như Bergiola may mắn được sự che chở bởi ngọn núi, bởi vì bọn họ hiếm khi đến nơi này. Họ ít chịu đến đây. Đường xá dạo ấy còn tồi tệ, rất hiểm hóc và xe cộ của họ không thiết kế để có thể leo những con dốc đứng như thế. "

Ông già Gabriele dùng cả hai tay - đầy những vết sẹo chồng lấp lên nhau - để mồi một điếu thuốc. Michael ngồi im, không muốn làm gián đoạn dòng suy tưởng của ông già. Chàng cảm thấy nôn nao vì rượu chua khuấy động bao tử lẫn với nỗi tò mò muốn biết ngay chuyện gì tồi tệ đã xảy ra ngày hôm ấy.

"Ở một khúc nào đó chỗ con đường thấp cắt từ Carrara tới đoạn đường uốn quanh chân núi, một người lính Đức bị bắn chết. Người lính chạy xe mô tô. Anh ta đi qua khỏi chỗ vòng cua lớn, và ngày hôm sau người ta tìm thấy xác anh ta dưới sông. Không ai biết kẻ nào giết anh ta. Không phải bọn tôi, cũng chẳng phải những nhóm khác. Hôm ấy tôi ở trong rừng với nhóm của tôi, phía sau mỏ đá nơi có nhiều hang để nấp và rất nhiều cây hạt dẻ để hóa trang.

Lúc bốn giờ bọn lính Đức đến quảng trường, không phải chỉ đầy một xe mà đầy những năm xe. Bốn giờ là giờ đám phụ nữ đến cái bơm hứng nước, giờ đám trẻ con chơi đùa và những ông già ngồi vừa ho hen vừa hóng chuyện. Họ là những người được đếm đầu tiên, đám người có mặt trong quảng trường và trên đường phố. Họ bị giải đến ngôi trường học cũ. Một giáo viên và đám học trò đang có mặt ở đó, cũng được tính vào luôn. Sau đó bọn lính đến từng nhà, bắt người ra mở cửa cùng với những người đang lấp ló phía sau. Chẳng bao lâu đã có tới ba chục người nhốt tạm trong một phòng học. Lúc đầu chẳng ai biết người ta bắt mình để làm gì.

Cậu còn nhớ căn nhà lớn nơi mình gặp nhau; và cái vườn không?"

Micheal gật đầu.

"Có một ông Đại úy trong quân đội Ý đã bị thương và được giải ngũ. Trước kia ông ta là luật sư, sau đó cũng hành nghề luật. Ông ta thường đi xuống Carrara mỗi ngày và về nhà vào buổi tối với vợ con. Họ mới chỉ có một đứa con trai nhỏ. Họ giống hệt đám trẻ, đầy ắp tình yêu. Trong làng, chúng tôi chẳng thèm lưu tâm đến họ, tôi nghĩ tại vì họ chẳng đếm xỉa gì đến chúng tôi, thành ra chúng tôi cũng không để tâm gì đến họ. Họ đắm chìm trong thế giới của họ, họ đâu còn ngó ngàng gì đến thế giới chung quanh. Hơn nữa họ không phải là dân địa phương. Ông Đại úy mua cho cô vợ căn nhà, sau khi nó bị sung công.

Khi chồng đi làm, cô vợ thường dẫn thằng con đi dạo trong vườn, và đôi khi, nhưng không thường lắm, cô ta dẫn thằng bé ra khỏi làng, hái hoa lượm trái. Vài lần đi ngang qua ngôi làng, cô ta bước đi như thể ngôi làng không có ở đó. Chúng tôi hoàn toàn vô hình đối với cô ta, thằng bé thì nhìn thấy chúng tôi, nhưng nó cũng rập khuôn theo mẹ nó.

Ngay cả tình yêu cũng không mù quáng đối với năm xe lính Đức đang chất đầy quảng trường chật hẹp, thành ra khi cô ta đi qua với bó hoa cúc hái được ngày hôm đó, cô ta chào, ‘Buona sera,’ thì cả hai mẹ con cùng bị tính luôn vào. Tới lúc này thì mọi người bắt đầu hoảng sợ. Nếu vợ ông Đại úy mà còn bị kéo tới trường học thì có trời mà biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Thế nên khi căn nhà kế tiếp bị gõ cửa, người trong nhà lặng thinh. Bọn lính tông cửa vào. Chúng bắt gặp ba người đàn bà trong nhà bểp và bắn chết cả ba tại chỗ. Những người chứng kiến nói rằng đó là lúc mà tiếng la hét bắt đầu vang dội, bởi vì lúc đó mọi người đã biết bọn lính Đức đếm số người để làm gì, và bọn chúng cần sáu mươi ba người. Hầu hết đàn ông đã đi khỏi, nếu không đi lính cho Mussolini hoặc tham gia quân kháng chiến thì cũng đang ở nước ngoài. Chỉ còn lại những người ốm đau, tật nguyền, những người còn thật trẻ hoặc đã quá già, số còn lại là phụ nữ.

Rồi bọn lính chia nhau một nửa vào căn phòng học cũ, nửa kia đi rảo khắp làng, đập cửa, bắn qua cửa sổ và cầm tóc kéo người ta ra ngoài đường. Bà ngoại, cháu bé sơ sinh, thiếu phụ đang cho con bú tất cả đã thành những con số ngày hôm đó và cũng không đủ chỉ tiêu chúng đặt ra.

Từ chỗ tôi trốn trên núi, tôi không nghe được tiếng súng, tai tôi đã điếc vì tiếng mìn nổ, và tôi không nghe được tiếng gào thét, dù vài thanh niên trong nhóm nói họ có nghe được. Cái tôi nghe được là tiếng rít cao giọng, hẳn phải là tiếng của đàn bà và trẻ con. Tôi nghe được tiếng gào thét đồng loạt đó khi căn nhà bùng cháy. Tôi không nghe được tiếng súng nổ khi bọn chúng bắn những người thoát ra ngoài, chạy vào khoảng sân chơi cũng đang cháy. Tôi không nghe thấy họ bị bắn gục cho đến khi không còn một thứ gì sống sót bên trong. Tất cả những gì tôi nghe được là tiếng rít inh tai và nỗi kinh hoàng dâng ngập tới nơi chúng tôi ẩn náu cho dù chúng tôi ở cách nơi ấy vài cây số. Chúng tôi có thể thấy khói, một đám mây đen khổng lồ của khói đặc quánh, và khi chúng tôi chạy xuống, ngã vào căn nhà của mình, mùi tanh và khét làm chúng tôi nôn mửa.

Khi đạt tới con số chúng muốn, sáu mươi ba, chúng quay lưng bỏ đi, và nhúm người sống sót túa ra đếm số người chết. Người nào cũng có một hai thân nhân bị chết, vài người trong chúng tôi mất hết thân nhân. Khi bọn đàn ông chúng tôi về đến, máu chảy lênh láng trên đường phố, máu dòng họ Danzoni.

Cậu có thể nghĩ gì về một việc như thế, cậu sẽ nói gì? Nó làm đầu óc cậu tan vỡ. Nó khiến cậu bám cứng lấy những gì xưa cũ mà cậu đã biết, như bạn bè, như những người bạn đã chết. Bây giờ trong làng chúng tôi có thật nhiều tiền; có tất cả những căn phòng và của cải của những người đã khuất.

Cậu biết không, ngày hôm ấy ông Đại úy đi làm về sớm trước khi bọn Đức rút đi. Ông đi tìm vợ, và người giúp việc cho ông biết chuyện gì đã xảy ra. Ông ta không dám tin. Ông ta như ngây dại, đi vòng quanh trong nhà, la hét, rồi đi ra quảng trường. Người giúp việc kéo ông lại, nhưng ông đẩy bà ta ra. Ông ta đi thẳng tới chỗ tên sĩ quan chỉ huy và hỏi thẳng là vợ con ông ta đâu, dù ông ta thấy dấu vết cuộc tàn sát ngay dưới chân mình, quảng trường ngập xác chết. Vẫn chưa dám tin nên ông ta đi thẳng xuống trường học đã bị thiêu rụi. Ông ta bới đống vụn than còn sót lại của những xác người trên sân chơi, cho tới khi tìm được vợ mình , nhờ những chiếc nhẫn trên những ngón tay bà ta, rồi ông ta trở lại chỗ tên sĩ quan chỉ huy, hét vào mặt hắn, ‘Hãy bắn ta luôn đi!’

Bọn Đức từ chối. Chúng muốn sáu mươi ba người và chúng đã có sáu mươi ba. Nhiệm vụ đã hoàn tất. Ông Đại úy bảo, ‘Các anh đã tiêu diệt những gì quan trọng nhất trong đời tôi, làm ơn giết tôi luôn đi.’ Và tên lính Đức rút súng lục ra bắn ngay đầu ông ta. Sáu mươi tư.

Chúng tôi chôn ông Đại úy chung với vợ ông ta. Những người khác chúng tôi chôn chung một chỗ, bởi vì họ chết cùng một lúc. Dưới kia người ta không quan tâm bao nhiêu đến chuyện ở trên này. Không ai đến từ Carrare. Chúng tôi tự đào lấy huyệt chôn người nhà của mình, rồi chôn gia đình ông Đại úy, rồi người đàn bà nghèo - nửa điên nửa tỉnh theo như người ta kể - không ai hiểu sao lại lạc lõng tới ngôi làng ngày hôm ấy với đứa con trên cánh tay, và một người đàn ông lạ đi lạc đường."

Giọng ông già Gabriele hơn run khi ông nói những lời cuối của bài độc thoại lớn tiếng. Ông ta nhìn chằm chặp vào đống tro trong đáy lò, rồi rùng mình.

"Chuyến xe buýt cuối cùng sắp trở lại... Cậu nên ra đón là vừa."

Michael đứng dậy, ngoan ngoãn và nặng nề bước ra cửa. Ông già gọi chàng lại lúc chàng gần ra tới cửa.

"Tôi đã nghĩ đến chuyện ấy suốt bốn chục năm qua, và chẳng tìm ra được ý nghĩa nào. Tuy vậy, thời gian gần đây, tôi cố sống qua ngày. Chẳng bao lâu, tất cả những gì tôi nghe được sẽ là tiếng sấm động của Nàng Tiên Áo Trắng, và một ngày nào đó, tôi sẽ về nơi chốn mình phải về, cùng với gia đình tôi. Đó là nơi người ta phải trở về, cậu biết mà, với những người thân yêu."

Chàng nghe tiếng máy xe buýt bên ngoài cửa sổ, phía dưới quảng trường.

"Tôi sẽ tiễn chân cậu," ông già nói, lách người qua Michael và lẫn vào khung hành lang đậm bóng tối phía trước ngôi nhà.

"Arrivederci..." Ông ta ngừng lại, cố tìm một cái tên, nhưng không tìm ra nên ông ta đành nói tên mình, và chìa bàn tay đầy những vân sẹo ra bắt tay chàng, "Tôi là Gabriele, Danzoni Gabriele."

Lisa St. Aubin de Terán

Chuyển ngữ: Lưu Diệu Vân & Hoàng Chính

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20216:27 CH(Xem: 12499)
Cây chi cây lạ lùng / Không cành cũng không lá / Toàn những thân với thân! / Mà thân thì dựng ngược / A plant that is so strangely amazing / Which has neither branches nor leaves growing / It has only body upon body growing about / And each body is growing upside down
24 Tháng Tám 20217:32 CH(Xem: 13145)
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông / Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng / Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng. / Walking under the severe Saigon sunshine, I suddenly feel the coolness / Because there you are, wearing the Ha Dong silk long dress / You know, I have been in love with that colour in a dress / Like my poems which still maintain the colour of silk in its whiteness.
16 Tháng Tám 20214:24 CH(Xem: 12861)
Hôm qua em đi tỉnh về / Đợi em ở mãi con đê đầu làng / Khăn nhung quần lĩnh rộn-ràng / Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi! / You were due to come back from town yesterday / I was waiting at the end of the village gate’s causeway / There you were, wearing a velvet scarf and shiny silk pants / Little did you know how your snap-button shirt tortured me then!
07 Tháng Năm 20215:08 CH(Xem: 11985)
Tuần trăng mật của hai người là một chuỗi ngày rờn rợn và dài lê thê. Nàng có mái tóc vàng, xinh đẹp và e lệ. Chàng thì tính khí lạnh lùng, khiến những giấc mơ diễm tình thời con gái của nàng trở nên băng giá. Nàng yêu Jordán rất đỗi, tuy lắm khi lại thấy lo sợ bâng quơ, nhất là mỗi đêm cùng chàng đếm bước trên đường về nhà, nàng lén nhìn dáng vẻ cao to của chàng, lầm lầm lì lì không nói không rằng. Còn chàng cũng yêu nàng thắm thiết, nhưng không thích biểu lộ ra ngoài.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 12475)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 12152)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 18892)
Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).
23 Tháng Mười Một 20193:27 CH(Xem: 16981)
Trong suốt đời của Kagébayashi Miyuki, không có ngày nào ghi sâu đậm vào trí nhớ bằng cái đêm mùa thu 1950, đúng vào ngày lễ trăng tròn. Sau đại hội cho các cổ đông viên trong phòng họp danh dự của hãng, hãng luôn tổ chức một buổi tiếp tân nhỏ tại một trong những nhà hàng có tiếng ở vùng Nam Osaka. Giới giám đốc và quản trị được mời tham dự. Mùa thu năm ấy đã không là ngoại lệ.
25 Tháng Năm 20197:59 CH(Xem: 16407)
[Dưới đây là bài đăng trên báo Le Pays ra ngày thứ ba 18/8/1863] Như báo chúng tôi đã đưa tin về chuyến viếng thăm của phái đoàn ngoại giao của xứ Nam Kỳ, khởi hành từ Huế và sẽ đến Paris vào đầu tháng 9 năm 1863. Dưới đây là danh sách của phái đoàn do vua Tự Đức chỉ định theo sắc chỉ của nhà vua ngày 27 tháng 6 năm 1863:
18 Tháng Năm 20189:51 CH(Xem: 22073)
Alejandra Pizarnik ra đời năm 1936 tại Avellaneda, Argentina, là con gái của đôi vợ chồng di dân người Nga gốc Do Thái, tị nạn cộng sản và phát-xít. Vào năm 1955 tại Buenos Aires, nhà xuất bản Botella al Mar phát hành tập thơ đầu tiên của nàng “The Most Foreign Country”, Pizarnik nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu tay này, khi mới 19 tuổi. Những nhà phê bình thời đó cho rằng Pizarnik cũng như các nhà thơ lãng mạn khác như Antonin Artaud lúc bấy giờ đã bước vào một cuộc phiêu lưu kỳ dị sang “phía bên kia”. Một số nhà phê bình gọi nàng là “kẻ mộng du trên bờ vực ”, đến một nơi mà “đêm là sự sống và mặt trời là sự chết”, hay tìm sang “phía bên kia của đêm, nơi tình yêu là khả thể.”