- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngôi Nhà Không Thuộc Về Cô

25 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 10606)

w-pdf-hl95final3-final5pdf-100-287_0_100x94_1Emily Nasrallah, tên thật là Abi Rashed, sinh ngày 6 tháng 7, 1931 tại Li-Băng là một tiểu thuyết gia, nhà báo, giáo sư, và nhà tranh đấu nữ quyền. Tác phẩm đầu tay, Những Cánh Chim Tháng Chín [Birds of September], được xuất bản năm 1962, đã đem đến cho bà 3 giải thưởng văn học. Bà là tác giả của 8 cuốn tiểu thuyết, 4 tập truyện thiếu nhi, và 7 tuyển tập truyện ngắn. Emily Hasrallah thường viết về sự xáo trộn của đời sống nông thôn ở Li-Băng trong thời chiến, những bất hạnh con người phải gánh chịu và cuộc đấu tranh cho tự do qua cái nhìn của phụ nữ.

Chuyện ngắn Ngôi Nhà Không Thuộc Về Cô [A House Not Of Her Own] được trích từ tuyển tập mười bảy truyện ngắn do Thuraya Khalil-Khouri dịch từ nguyên bản Ả Rập.

Chiếc chìa đã nằm trong tay cô nhưng cánh cửa vẫn im lìm khóa trái. Chiếc chìa khóa không chịu tìm đến cái ổ, cánh cửa cũng không phản ứng. Cho đến lần thứ mười cô chợt nhớ: chìa khóa này không thuộc về cánh cửa. Chiếc chìa bám chặt những ngón tay mỗi khi cô bỏ tay vào túi xách. Nó hút lấy cô bằng năng lực nam châm. Cô xua nó vào một cái bọc nhỏ trong túi xách và lục tìm một chiếc chìa khác.

Cánh cửa mở ra và cô lưỡng lự đôi phút trước khi bước vào căn hộ. Cô chăm chú lắng nghe, sợ rằng có một người nào khác bên trong. "Một ai đó" không quen, sẽ vồ lấy cô và tra vấn cô là ai. Lời nói của cô sẽ vấp ngã vào nhau.

Cô đứng đó ngơ ngác và bối rối. Cô sẽ nói gì với người thẩm vấn? Cô có nên giải thích lý do mình đang ở đây không? Giọng nói khảo sát cứ lẩn quẩn bên trong và cô đứng im bất động nơi ngưỡng cửa. Cô quyết định sẽ không nói gì vì chẳng có từ ngữ nào lý giải được vì sao cô đang ở đây.

"Tại sao …?" Cô nghe giọng nói của người đàn bà nữ xinh đẹp phát ra từ bức hình trong khung ảnh mạ vàng nằm giữa phòng khách. Tiếng kêu thất thanh hướng về phía cô và cô run lên, ớn lạnh chạy khắp thân châu từ đầu đến gót chân.

"Tôi tưởng bà đã biết," cô lẩm bẩm.

Người đàn bà xinh đẹp dịu lại và giọng nói giảm hẳn phần gay gắt. "Họ có nói với tôi. Họ có viết thư báo cho tôi từ Beirut."

"Vậy là họ có viết …"

"Có, nhưng tôi quên mất …Tôi cứ tưởng cô là một người khác."

"Bà nói đúng. Sao bà có thể biết tôi, chúng ta chưa hề gặp mặt." Cô ngượng ngịu.

*

Đây không phải là lần đầu tiên cô bước vào căn hộ xa lạ này. Cô đã ở đây hơn một tuần. Từ khi chiếc hỏa tiễn, với năng lực tàn phá cô không tài nào nhớ rõ, rơi xuống ngôi nhà cô; ngôi nhà xinh xắn nằm giữa vườn hoa lộng lẫy trong khu ngoại ô Beirut. Chiếc hỏa tiễn ngang tàng xóa sạch dấu vết của ngôi nhà và nhổ tận gốc rễ khu vườn. Cô chỉ có thể cảm tạ Thượng Đế đã phù hộ cho cô và cả nhà được thoát khỏi vô thương tích.

Một ngàn lời cảm tạ đến Thượng Đế.

Cả nhà trốn dưới tầng hầm của một cao ốc lân cận. Những ngôi nhà bé nhỏ như của cô không thể chịu đựng nổi chiến tranh. Những căn nhà lớn hơn cũng vậy, cô suy tưởng khi nhớ lại cảnh tượng đã chứng kiến trên chặng đường từ những mảnh vụn tàn phá của ngôi nhà đến trung tâm thành phố. Cảnh tượng đó thuyết phục cô tin rằng những tòa lâu đài, những tòa cao ốc chọc trời và thành lũy cứng cáp cũng không thể chống lại sức mạnh của vũ khí hiện đại đang được thí nghiệm ngay trên đất nước cô. Không gì có thể đứng vững trước sự tập trung nã pháo, những bắn phá bừa bãi, những tấn công lác đác. Cô đã chứng kiến nhiều điều khủng khiếp và tự nhủ với linh hồn tang thương của mình, "Nỗi thống khổ của mình cũng ngang bằng người khác thôi."

Cô thường nhắc đi nhắc lại câu châm ngôn đó. Không vì cô cảm thấy mình hơn hẳn mọi người hay nỗi tuyệt vọng của mình quan trọng hơn, mà vì trong đời sống con người thường hay quên rằng họ chỉ là tro bụi. Đôi khi họ cho mình là những kẻ khổng lồ toàn năng, bóng soải dài hơn tầm nhìn xa rộng. Rồi họ bị một cú giáng choáng váng người, không biết đến từ đâu, họ tỉnh dậy, nhìn quanh và cuối cùng nhận thức được không gian và thời gian.

Cô đã mất nhà cửa. Cô đang sống trong một chỗ trú ngụ xa lạ mà một người bạn học cũ cho cô và gia đình mượn tạm. "Đầy đủ tiện nghi," người bạn nói với cô. "Chủ hộ nhờ tôi trông coi dùm khi họ vắng mặt." Người bạn trao cô chìa khóa.

Cô may mắn lắm. Cô đã không phải nằm đường trong sương giá, ngủ trên những băng ghế như hàng ngàn kẻ cơ cực khác. Cô may mắn có được một người bạn trong cơn nguy khốn.

*

Cô bước thêm bước nữa vào phòng khách. Cô để gói hàng lên chiếc bàn đặt ngoài hành lang theo bản năng. Gói đồ nghiêng sang một bên vì kích thước quá cỡ. Nó xô lệch bức tượng thần Hy Lạp. Cô vội vàng chạy đến chiếc bàn, chỉnh lại ngay ngắn tác phẩm mỹ thuật, thu dọn các thứ và khuất vào phòng ngủ, miệng lẩm bẩm câu xin lỗi.

Cảm giác tội lỗi luôn vây hãm từ khi cô bước vào căn hộ của những người xa lạ, từ khi cô toan mở cánh cửa bằng một chiếc chìa khóa khác. Cô bước đi trong căn hộ, tạ lỗi từng vuông gạch mỗi khi cô dẫm mạnh lên chúng. Cô đặt vật dụng trên mặt bàn. Cô nghe tiếng những bóng ma cằn nhằn xung quanh. Trẻ con thò đầu ra khỏi khung ảnh và quát tháo cô, "Đây là nhà của chúng tôi …Cô thuộc về một nơi khác." Nụ cười của chúng trở nên dữ tợn, như những mảnh đạn cứa vào da thịt cô.

Và người đàn bà xinh đẹp trong khung ảnh lớn, tay đỡ những nếp gấp rũ từ chiếc áo cưới được mặc vào nửa thế kỷ trước, bám sát cô, "Cô chui từ lỗ nào ra vậy?"

Chú rể lắc đầu, kéo mạnh chiếc nơ nơi cổ áo và nhỏ nhẹ nói, "Chắc cô ấy lạc đường. Hãy dịu dàng với cô ấy. Đừng làm cô ấy sợ hãi."

Rồi họ cùng la hét trên những bức tường, phía sau chiếc mặt nạ thời gian và bụi bặm. Tiếng nói của cha mẹ, ông bà, cô, dì, chú, bác, kẻ còn sống và người đã khuất trộn lẫn nhau, "Hãy đuổi cô ta đi. Cô ta là người lạ mặt. Ngôi nhà này không thuộc về cô."

"Mấy người nói đúng. Tất cả đều đúng. Tôi chỉ ở đây một thời gian ngắn thôi. Ngôi nhà của tôi đã bị phá hủy bởi hỏa tiễn..." Nhưng cô không thể nói tiếp vì họ đã quay lưng và trở nên điếc đặc với những lời giải thích.

Cô dọn để lên tủ trang điểm và chạm trán một đội quân chai lọ xếp thẳng hàng trên mặt bàn và những vật kỷ niệm treo lủng lẳng hai bên tấm gương. Cô xê dịch một vài thứ để tìm chỗ trống cho chiếc lược và vài vật dụng cá nhân. "Làm ơn, xin tha thứ" cô lẩm bẩm. "Chúng tôi chỉ ở tạm đây một thời gian ngắn thôi." Cô phát hiện mình đang trong tâm trạng bi thảm, nửa khóc nửa cười. Cô ngã quỵ xuống chiếc ghế gần đấy.

*

Trong giấc mơ thời ấu thơ niên thiếu, cô hình dung ra nhiều cảnh tượng, phát họa nhiều hình ảnh cho cuộc sống, nhưng chưa bao giờ cô tưởng tượng được hoàn cảnh hiện thời. Cô không bao giờ nghĩ đến, ngay cả trong những giấc mơ hoang dại nhất, có một ngày cô phải tị nạn trong một ngôi nhà không phải của mình.

Cô vẫn nghĩ ngôi nhà cưu mang cô, và những người thân yêu dấu, sẽ là của cô mãi mãi. Thời trẻ dại, cô tưởng tượng nó là một túp lều bằng bùn, trên bờ đê dọc theo dòng suối giữa những vườn cây ăn quả trong khu làng. Ngôi nhà lý tưởng dần lớn theo sự trưởng thành của cô. Nó cao lớn theo cô. Ngay cả khi nó chỉ là một căn nhà nhỏ bé trên cây trong vườn của bố, hay là một cái lều căng trên chóp căn hộ nghỉ mát của gia đình, nó vẫn là một cái gì đó đặc biệt. Của riêng cô. Nơi cô có thể nghỉ ngơi và mơ mộng, nơi cô có thể mời bạn bè đến chơi. Nó rộng mở và ân cần.

Những lời nói của cô té nhào và ngã xuống sự trống trải không đáy. Lời nói là tất cả những gì còn sót lại trong quá khứ. Lời nói và kỷ niệm bị chôn sâu trong sự vắng lặng của nơi này và sự trống trải của hiện tại. Cô nói với chính mình, "Chúng ta chỉ là những kẻ thoáng qua trái đất này. Thời khắc chúng ta đến cũng là lúc chúng ta bị tha đi bởi những đôi cánh nhấc bổng ta đến một nơi mà dự tính và mưu đồ không còn quan trọng. Một nơi mà sức tưởng tượng phong phú cũng không sao mô tả được."

Và một giọng nói đáp lời cô, "Nhưng con người là thân cây, nhánh không thể đâm chồi mọc lên những chiếc lá của sự sống trừ phi gốc rễ được trồng vững vàng dưới lòng đất."

Từ khi cô bị bứng khỏi gốc rễ và cắm vào mảnh đất mới này, cô cảm thấy choáng váng và tê cóng. Cô gục đầu vào trong lòng bàn tay mình, e rằng nó cũng sẽ rơi xuống. Đầu óc cô quay cuồng âm thanh và tiếng dội. Cô phải học hỏi đương đầu với hiện thực.

*

Một phần tư thế kỷ in đậm máu và nước mắt, cô xây ngôi nhà của mình như con chim mái xây tổ. Cô và anh, cả hai, cùng vượt qua số phận. Họ đã từng có một đời sống hạnh phúc. Những hạt giống hạnh phúc đã được gieo mầm bên dưới nền móng của ngôi nhà, bởi vì đá, sắt và gỗ không đủ làm nên một tổ ấm. Bàn ghế xa hoa và những ý tưởng điểm trang nội thất của những kẻ sáng tạo xa lạ cũng không đủ kết tạo tổ ấm. Một ngôi nhà khó có thể chịu đựng được sức mạnh của thiên nhiên nếu làn gió yêu thương và sức sống không tuần hoàn bên trong. Ý nghĩa của tổ ấm là gì nếu nó chỉ là cái kén không liên thông với thế giới và những giấc mơ diệu kỳ? Ý nghĩa của sự sống của cô là gì, trong chốn xa lạ này, nơi những bức tường chỉ là đá và cánh cửa chỉ là gỗ? Nếu nó được làm bằng gỗ mun đắt tiền thì cũng vậy thôi. Nó vẫn chỉ là gỗ. Nền đá hoa cương lạnh ngắt dưới chân và trần nhà hăm dọa dè lấy cô.

Cô bật dậy khỏi chiếc ghế, rảo bước quanh quẩn khắp các gian phòng và ban công. Biển đây rồi, màu xanh trải rộng, lạnh lẽo và xa cách. Biển làm cô nhớ đến đại dương bắc cực mà cô đã có lần viếng thăm. Và những tòa cao ốc, vai ngang vai, ôm sát, gắng sức che đậy khuyết điểm của nhau, những con đường ngoằn ngoèo chung quanh, ảm đạm, trải đầy bụi bặm. Cô nghe tiếng trẻ con khóc phát ra từ mọi phía. Âm thanh lơ lửng trong không khí trống rỗng niềm vui hồn nhiên. Trước mặt cô là ban công của những hộ nhà lân cận, giăng đầy những sợi giây phơi đồ - dấu hiệu đặc trưng của những kẻ nghèo của cải. Cô nhớ lại mình chỉ là một giọt nước trong khối đại đương bất hạnh mênh mông, một hạt cát ven bờ. Vậy mà cô đã xem trọng bản thân và cảm giác mình quá mức. Cô cuộn mình trong chiếc áo choàng của bất hạnh và biến căn hộ này thành một cái kén rình rập bóp nghẹn cô. Cô sao thế này? Ngay trong căn nhà đầu tiên nằm tại khu làng bé nhỏ trên đỉnh núi Haramoun, cô cũng đã mang trong mình một niềm khát khao khó dập tắt, khát khao hoàn thiện bản thân, học hỏi, và vượt trội trong thế giới, tìm tòi khám phá bí mật của vũ trụ.

*

Chân cô dẫn lối quanh căn hộ. Những nghi vấn dâng lên từ sâu thẳm lòng cô, khoanh một vòng trống rỗng, và đòi hỏi câu trả lời. Những câu trả lời sẽ đến từ phía nào?

Từ hướng Tây ư? Nơi những chiếc tàu chiến đang thả neo, thổ lửa và sự tàn phá lên mặt đất? Từ hướng Bắc nơi cơn gió băng giá đang thổi, cắt thịt da như một lưỡi dao? Hay từ hướng Đông nơi trận chiến đang ác liệt và mặt trận đang rực cháy; nơi chất nổ gầm như sấm và những viên đạn rên rỉ viết tên những người đã nằm xuống bằng ngọn lửa đỏ vàng trên nền trời đêm? Hay phía Nam sẽ đem đến những câu trả lời! Hướng Nam!

Cô vòng tay ôm lấy mình như thể đang ẩn nấp khỏi nguy hiểm vây quanh. Thân thể cô trở nên yếu ớt như đứa trẻ, bơ vơ, dưới quyền khống chế của thiên nhiên. Cô đỡ lấy mình bằng hai cánh tay, gắng sức xây rào cản chung quanh. Rồi cô nhận ra đôi cánh tay mình không đủ sức bảo vệ tấm thân tan nát vì chúng cũng thuộc về tấm thân ấy. Và sự chở che cô đang thiết tha ao ước trong lúc này không đến từ mặt đất.

*

Cô bị đánh thức khỏi cơn trầm tư bởi tiếng đập dữ dội lên cánh cửa. Cô quay lại và tự động đi đến cánh cửa, không màng hỏi ai đang đứng bên ngoài. Cô định mở nó nhưng cô rút tay lại. Cô nhớ ra mình đang ở đâu. Cô đứng yên một chỗ, bất động, lắng nghe tiếng đập lớn dần, bổ vào cô như nhát búa. Cô chầm chậm thu mình vào góc khuất, vì cô không mong chờ ai cả …và ngôi nhà không thuộc về cô.

Lưu Diệu Vân chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20216:27 CH(Xem: 12496)
Cây chi cây lạ lùng / Không cành cũng không lá / Toàn những thân với thân! / Mà thân thì dựng ngược / A plant that is so strangely amazing / Which has neither branches nor leaves growing / It has only body upon body growing about / And each body is growing upside down
24 Tháng Tám 20217:32 CH(Xem: 13140)
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông / Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng / Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng. / Walking under the severe Saigon sunshine, I suddenly feel the coolness / Because there you are, wearing the Ha Dong silk long dress / You know, I have been in love with that colour in a dress / Like my poems which still maintain the colour of silk in its whiteness.
16 Tháng Tám 20214:24 CH(Xem: 12860)
Hôm qua em đi tỉnh về / Đợi em ở mãi con đê đầu làng / Khăn nhung quần lĩnh rộn-ràng / Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi! / You were due to come back from town yesterday / I was waiting at the end of the village gate’s causeway / There you were, wearing a velvet scarf and shiny silk pants / Little did you know how your snap-button shirt tortured me then!
07 Tháng Năm 20215:08 CH(Xem: 11984)
Tuần trăng mật của hai người là một chuỗi ngày rờn rợn và dài lê thê. Nàng có mái tóc vàng, xinh đẹp và e lệ. Chàng thì tính khí lạnh lùng, khiến những giấc mơ diễm tình thời con gái của nàng trở nên băng giá. Nàng yêu Jordán rất đỗi, tuy lắm khi lại thấy lo sợ bâng quơ, nhất là mỗi đêm cùng chàng đếm bước trên đường về nhà, nàng lén nhìn dáng vẻ cao to của chàng, lầm lầm lì lì không nói không rằng. Còn chàng cũng yêu nàng thắm thiết, nhưng không thích biểu lộ ra ngoài.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 12388)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 12150)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 18885)
Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).
23 Tháng Mười Một 20193:27 CH(Xem: 16980)
Trong suốt đời của Kagébayashi Miyuki, không có ngày nào ghi sâu đậm vào trí nhớ bằng cái đêm mùa thu 1950, đúng vào ngày lễ trăng tròn. Sau đại hội cho các cổ đông viên trong phòng họp danh dự của hãng, hãng luôn tổ chức một buổi tiếp tân nhỏ tại một trong những nhà hàng có tiếng ở vùng Nam Osaka. Giới giám đốc và quản trị được mời tham dự. Mùa thu năm ấy đã không là ngoại lệ.
25 Tháng Năm 20197:59 CH(Xem: 16404)
[Dưới đây là bài đăng trên báo Le Pays ra ngày thứ ba 18/8/1863] Như báo chúng tôi đã đưa tin về chuyến viếng thăm của phái đoàn ngoại giao của xứ Nam Kỳ, khởi hành từ Huế và sẽ đến Paris vào đầu tháng 9 năm 1863. Dưới đây là danh sách của phái đoàn do vua Tự Đức chỉ định theo sắc chỉ của nhà vua ngày 27 tháng 6 năm 1863:
18 Tháng Năm 20189:51 CH(Xem: 22071)
Alejandra Pizarnik ra đời năm 1936 tại Avellaneda, Argentina, là con gái của đôi vợ chồng di dân người Nga gốc Do Thái, tị nạn cộng sản và phát-xít. Vào năm 1955 tại Buenos Aires, nhà xuất bản Botella al Mar phát hành tập thơ đầu tiên của nàng “The Most Foreign Country”, Pizarnik nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu tay này, khi mới 19 tuổi. Những nhà phê bình thời đó cho rằng Pizarnik cũng như các nhà thơ lãng mạn khác như Antonin Artaud lúc bấy giờ đã bước vào một cuộc phiêu lưu kỳ dị sang “phía bên kia”. Một số nhà phê bình gọi nàng là “kẻ mộng du trên bờ vực ”, đến một nơi mà “đêm là sự sống và mặt trời là sự chết”, hay tìm sang “phía bên kia của đêm, nơi tình yêu là khả thể.”