- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHIẾC GỐI NHỒI LÔNG

07 Tháng Năm 20215:08 CH(Xem: 17216)


HORACIO 1

CHIẾC GỐI NHỒI LÔNG

 

 Horacio Quiroga

Trần C. Trí chuyển ngữ

 

 

 

Horacio Quiroga (1878-1937) là nhà văn viết truyện ngắn, nhà thơ và kịch tác gia người Uruguay. Truyện của ông xoay quanh các đề tài đấu tranh sinh tồn của con người và động vật, những chứng bệnh tâm thần và trạng thái hoang tưởng. Ảnh hưởng của ông có thể thấy qua khuynh hướng hiện thực ảo (magic realism) trong các tác phẩm của Gabriel García Márquez, hay khuynh hướng siêu thực hậu hiện đại (postmodern surrealism) trong các tác phẩm của Julio Cortázar. Truyện ngắn El almohadón de plumas được trích trong tập truyện Cuentos de amor, de locura y de muerte (‘Yêu, Điên Và Chết’), xuất bản năm 1917.

 

Tuần trăng mật của hai người là một chuỗi ngày rờn rợn và dài lê thê. Nàng có mái tóc vàng, xinh đẹp và e lệ. Chàng thì tính khí lạnh lùng, khiến những giấc mơ diễm tình thời con gái của nàng trở nên băng giá. Nàng yêu Jordán rất đỗi, tuy lắm khi lại thấy lo sợ bâng quơ, nhất là mỗi đêm cùng chàng đếm bước trên đường về nhà, nàng lén nhìn dáng vẻ cao to của chàng, lầm lầm lì lì không nói không rằng. Còn chàng cũng yêu nàng thắm thiết, nhưng không thích biểu lộ ra ngoài.

Trong suốt ba tháng trời—họ lấy nhau vào tháng Tư—hai người sống trong hạnh phúc tràn trề. Cố nhiên là nàng ao ước được dễ thở hơn trong khung trời tình yêu lạnh lẽo đó, để được yêu dấu buông thả hơn, để được chiều chuộng nồng nàn hơn; nhưng vẻ mặt nghiêm nghị của chàng lúc nào cũng làm nàng cụt hứng.

Ngôi nhà nơi hai người đang ở cũng có phần nào ảnh hưởng đến nỗi sợ hãi của nàng. Khoảng sân im lặng, trắng toát—với nhiều cột trụ và những pho tượng bằng đá hoa—như toát ra không khí ảm đạm của mùa thu trong một toà lâu đài bị phù phép. Trong nhà, các bức tường óng ánh như băng tuyết, không gợn một vết trầy xước, càng làm tăng thêm cảm giác lạnh lùng đầy bất an. Từ phòng này đi qua phòng khác, tiếng chân người nghe vang vọng khắp nhà, tựa hồ như ngôi nhà bị bỏ hoang lâu ngày khiến âm thanh đó nghe càng thêm thăm thẳm.

        

 

Trong tổ ấm tình yêu lạ lẫm đó, Alicia đã trải qua hết mùa thu. Cuối cùng, nàng đành phủ một tấm khăn voan lên những mộng mơ ngày xưa của mình, để tiếp tục giấc miên trường trong ngôi nhà xa lạ, không buồn nghĩ ngợi gì nữa, khi nào chàng đến với nàng thì đến.

Nàng gầy đi trông thấy. Chỉ bị một trận cúm nhẹ thôi—nhưng nó cứ kéo dài dai dẳng hết ngày ngày qua ngày khác—nàng không bao giờ bình phục hẳn. Một hôm, nàng đủ sức ra ngoài vườn, có chàng dìu tay đi bên cạnh. Trông Jordán vẫn lãnh đạm như mọi ngày. Đột nhiên, chàng dịu dàng đưa tay vuốt tóc nàng. Alicia chợt oà lên khóc nức nở, vòng hai tay ôm lấy cổ chàng. Nàng khóc cho hả hết những nỗi sợ hãi câm nín bấy lâu nay, mặc cho nước mắt thi nhau tuôn trào mà không mong gì được vỗ về. Rồi những tiếng nấc nghẹn dần dần nguôi ngoai, nhưng nàng vẫn giấu mặt trong cổ chàng, không cử động, cũng không nói lời nào.

Đó cũng là lần cuối cùng nàng còn đi đứng được. Ngày hôm sau, vừa thức giấc là nàng đã ngất đi. Bác sĩ riêng của Jordán đến khám cho nàng thật kỹ, ông ra lệnh cho nàng phải tuyệt đối tĩnh dưỡng.

          - Tôi cũng không rõ nữa—vị bác sĩ trầm giọng nói với Jordán lúc đi ra đến cửa. Tôi nghĩ không ra vì sao bà nhà lại yếu như thế, lại không nôn mửa, chẳng có dấu hiệu gì... Nếu ngày mai mà bà thức dậy với tình trạng như hôm nay, ông phải gọi cho tôi ngay.

Rồi một hôm, bệnh tình của Alicia trở nặng. Khám lại cho nàng, bác sĩ kết luận Alicia bị thiếu máu trầm trọng, nhưng cũng không rõ nguyên do từ đâu. Alicia không còn ngất xỉu nữa, nhưng rõ ràng là nàng đang tiến dần đến cái chết. Phòng ngủ của nàng suốt ngày đêm bật đèn sáng trưng và hoàn toàn chìm đắm trong im lặng, cái im lặng nặng nề kéo dài từ giờ này sang giờ khác. Alicia mơ mơ màng màng trong giấc ngủ, trong khi Jordán hầu như chỉ ở ngoài phòng khách và cũng bật đèn sáng choang. Chàng đi đi lại lại trong gian phòng, không ngừng nghỉ, không hề biết mỏi mệt là gì. Thỉnh thoảng chàng lại bước vào phòng ngủ, đi tới đi lui ven giường, nhìn chằm chằm vào vợ mỗi lần hình hài của nàng lọt hẳn vào tầm mắt chàng.

 

 HORACIO 2

    


Chẳng bao lâu sau, Alicia đã bắt đầu có từng đợt hoảng loạn, thoạt đầu nàng thấy mình lơ lửng giữa không trung, rồi rơi dần xuống mặt đất. Nàng mở lớn hai mắt, nhìn đăm đăm vào tấm thảm trải phía dưới chân giường. Có đêm nàng thình lình mở mắt nhìn trừng trừng trong đêm tối. Rồi nàng bắt đầu la hét, môi miệng ướt đẫm mồ hôi. 

            - Jordán! Jordán! Nàng hoảng hốt la lên, mắt vẫn không rời tấm thảm.

Jordán chạy vào phòng ngủ, thấy Alicia trong tình trạng đó, cũng kinh hãi thét lên theo.

            - Anh đây, Alicia, anh đây!

Alicia nhìn Jordán bằng cặp mắt thất thần, đoạn nhìn qua tấm thảm, rồi lại nhìn về phía chàng. Cả hai đối diện nhau trong trạng thái sững sờ đó hồi lâu rồi Alicia mới tạm bình tĩnh trở lại. Nàng nhếch một nụ cười, nắm lấy tay chồng, run rẩy vuốt ve từng ngón tay của chàng.  

Trong những cơn ảo giác dai dẳng của Alicia, nàng thấy một hình nhân, hai tay chống xuống mặt thảm, mắt đăm đăm nhìn nàng không dứt.

Vị bác sĩ nào rồi cũng trở thành vô dụng. Họ thấy trước mắt một mảnh đời đang dần dần tiêu hao, mỗi ngày mỗi như đang rỉ máu, thậm chí cả từng giờ, từng phút, mà chẳng ai hiểu rõ vì sao. Trong lần khám bệnh cuối cùng, Alica nằm thẫn thờ cho các bác sĩ đo mạch; lần lượt, người này chuyền qua cho người khác cái cổ tay không còn chút sinh khí nào nữa của nàng. Họ im lặng đứng nhìn nàng hồi lâu rồi dời bước qua phòng ăn.

            - Ôi!... một bác sĩ nhún vai, chán nản nói—tình trạng này nghiêm trọng lắm rồi… chẳng còn cách nào nữa…

            - Đến nước này rồi sao? —Jordán rền rĩ than, đập mạnh hai tay xuống mặt bàn.

Alicia tàn tạ dần trong cơn mê sảng, do cơ thể càng lúc càng cạn máu luân lưu. Tình trạng đó trở nặng vào ban đêm, nhưng đến sáng lại đỡ đi đôi chút. Ban ngày, bệnh tình nàng không xấu đi mấy, nhưng sáng nào nàng cũng thức dậy với hình hài xanh xao, chỉ chực là ngất xỉu. Dường như là chỉ vào ban đêm, sự sống của nàng mới bay mất dần đi trên một đôi cánh đẫm máu. Khi thức giấc, lúc nào nàng cũng có cảm giác bị một sức nặng ngàn cân nào đó đè nặng nàng xuống giường. Qua đến ngày thứ ba, nàng không thể nào ngoi lên khỏi vùng sâu thẳm đó nữa. Đầu của nàng cử động vô cùng khó nhọc. Nàng không muốn ai chạm đến chiếc giường của mình cũng như giúp chỉnh lại cái gối kê dưới đầu cho ngay ngắn. Những cơn kinh sợ vào buổi hoàng hôn cứ tăng dần lên, hoá thành những con ác quỷ lê lết đến chiếc giường, bám chặt vào tấm khăn trải giường của nàng.

Càng lúc nàng càng chìm sâu vào cơn mê. Trong hai ngày cuối cùng, nàng chỉ còn nói  thều thào trong hoảng loạn. Ánh sáng ảm đạm, hiu hắt vẫn le lói trong phòng ngủ, ngoài phòng khách. Trong cái im lặng hấp hối khắp căn nhà, giờ đây chỉ còn nghe thấy tiếng rên rỉ đơn điệu phát ra từ chiếc giường trong phòng ngủ và âm thanh ngột ngạt từ những bước chân đi đi lại lại của Jordán.

Rồi Alicia trút hơi thở cuối cùng. Ngay sau đó, người hầu gái vào phòng để làm giường như mọi ngày. Cô lặng người đi một chốc khi nhìn thấy cái gối.

            - Ông chủ! —cô gọi Jordán, giọng lạc hẳn đi—Trên gối của bà có nhiều vết gì trông như máu!

Jordán lao vội vào phòng, cúi nhìn theo lời cô hầu gái. Quả vậy, trên chiếc bao gối, hai bên chỗ Alicia gối đầu, lốm đốm những vết nhỏ màu sẫm.

            - Giống như có con gì mổ vào vậy, ông ạ—cô hầu gái thì thào, sau một lúc sững người quan sát.

            - Đem nó ra chỗ sáng xem nào—Jordán bảo cô ta.

Cô hầu nhấc cái gối lên, nhưng lại lập tức thả nó xuống và ngây người nhìn trâng trối, mặt cô tái nhợt, toàn thân cô run rẩy. Tuy chưa biết có chuyện gì, Jordán vẫn cảm thấy tóc gáy của mình dựng đứng cả lên.

            - Cái gì vậy? —chàng thầm thì bằng giọng khản đặc.

            - Cái gối nặng kinh khủng! —cô hầu đáp, vẫn không ngừng run rẩy.

Jordán cầm cái gối lên; đúng là nó nặng một cách bất thường. Hai người chủ tớ mang cái gối ra khỏi phòng ngủ. Jordán để gối lên mặt bàn, dùng dao rạch lớp bao phủ ngoài. Mấy chiếc lông lớn bay ra. Cô hầu gái há hốc mồm, buông ra một tiếng thét hãi hùng, ghì chặt hai tay lại. Từ phía dưới đám lông, hai cái cẳng đầy lông lá của một con vật hết sức quái đản chậm rãi cựa quậy, chẳng khác gì một trái banh lầy nhầy và sống động. Con quái vật phình to đến nỗi gần như không thấy cái miệng của nó đâu cả.

Từ đêm này qua đêm nọ, lúc Alicia đã yên vị trên giường, con quái vật âm thầm đặt cái mỏ—hay đúng hơn là cái vòi—vào hai bên thái dương của nàng để hút máu. Những chỗ bị đâm vào hầu như không nhìn thấy được. Rõ ràng là vì cái gối được thay bao mỗi ngày, con quái vật không lớn nhanh lên được. Nhưng vì Alicia không cử động được nhiều, nó đã hút máu của nàng với một tốc độ chóng mặt. Chỉ trong năm ngày, năm đêm, nó đã hút cạn máu của nàng.

Những con vật ký sinh vào loài chim như thế—vốn rất nhỏ bé trong môi trường tự nhiên—đã trở nên to  lớn trong những điều kiện đặc biệt. Đối với chúng, máu con người dường như là món khoái khẩu, và chuyện khám phá ra chúng trong những cái gối nhồi lông chim không phải là hiếm.

 

Trần C. Trí chuyển ngữ từ tiếng Tây Ban Nha

 

Link vào nguyên bản:

 

https://www.literatura.us/quiroga/plumas.html

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20216:27 CH(Xem: 18269)
Cây chi cây lạ lùng / Không cành cũng không lá / Toàn những thân với thân! / Mà thân thì dựng ngược / A plant that is so strangely amazing / Which has neither branches nor leaves growing / It has only body upon body growing about / And each body is growing upside down
24 Tháng Tám 20217:32 CH(Xem: 19290)
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông / Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng / Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng. / Walking under the severe Saigon sunshine, I suddenly feel the coolness / Because there you are, wearing the Ha Dong silk long dress / You know, I have been in love with that colour in a dress / Like my poems which still maintain the colour of silk in its whiteness.
16 Tháng Tám 20214:24 CH(Xem: 18396)
Hôm qua em đi tỉnh về / Đợi em ở mãi con đê đầu làng / Khăn nhung quần lĩnh rộn-ràng / Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi! / You were due to come back from town yesterday / I was waiting at the end of the village gate’s causeway / There you were, wearing a velvet scarf and shiny silk pants / Little did you know how your snap-button shirt tortured me then!
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 17321)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 17067)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 24315)
Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).
23 Tháng Mười Một 20193:27 CH(Xem: 21490)
Trong suốt đời của Kagébayashi Miyuki, không có ngày nào ghi sâu đậm vào trí nhớ bằng cái đêm mùa thu 1950, đúng vào ngày lễ trăng tròn. Sau đại hội cho các cổ đông viên trong phòng họp danh dự của hãng, hãng luôn tổ chức một buổi tiếp tân nhỏ tại một trong những nhà hàng có tiếng ở vùng Nam Osaka. Giới giám đốc và quản trị được mời tham dự. Mùa thu năm ấy đã không là ngoại lệ.
25 Tháng Năm 20197:59 CH(Xem: 20342)
[Dưới đây là bài đăng trên báo Le Pays ra ngày thứ ba 18/8/1863] Như báo chúng tôi đã đưa tin về chuyến viếng thăm của phái đoàn ngoại giao của xứ Nam Kỳ, khởi hành từ Huế và sẽ đến Paris vào đầu tháng 9 năm 1863. Dưới đây là danh sách của phái đoàn do vua Tự Đức chỉ định theo sắc chỉ của nhà vua ngày 27 tháng 6 năm 1863:
18 Tháng Năm 20189:51 CH(Xem: 26290)
Alejandra Pizarnik ra đời năm 1936 tại Avellaneda, Argentina, là con gái của đôi vợ chồng di dân người Nga gốc Do Thái, tị nạn cộng sản và phát-xít. Vào năm 1955 tại Buenos Aires, nhà xuất bản Botella al Mar phát hành tập thơ đầu tiên của nàng “The Most Foreign Country”, Pizarnik nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu tay này, khi mới 19 tuổi. Những nhà phê bình thời đó cho rằng Pizarnik cũng như các nhà thơ lãng mạn khác như Antonin Artaud lúc bấy giờ đã bước vào một cuộc phiêu lưu kỳ dị sang “phía bên kia”. Một số nhà phê bình gọi nàng là “kẻ mộng du trên bờ vực ”, đến một nơi mà “đêm là sự sống và mặt trời là sự chết”, hay tìm sang “phía bên kia của đêm, nơi tình yêu là khả thể.”
18 Tháng Bảy 201511:10 CH(Xem: 30547)
Ruben là một danh họa bậc nhất ở Mexico, ông lại yêu say đắm Isabel, cô người mẫu của mình. Ấy vậy mà ngược lại, cô nàng lại tỏ ra tình tứ với tình địch của ông, gã này chẳng tiếng tăm gì cả. Isabel vẫn hay gọi ông Ruben là “Churro” bé nhỏ của nàng. “Churro” vốn là tên một loại bánh ngọt, mà cũng là tên thường gọi của người Mễ cho những chú chó con nuôi trong nhà. Ruben lại cho đó là một cái tên gọi tuyệt vời. Bởi thế cho nên hễ có ai đến thăm nơi ông vẽ, ông lại hí hửng khoe: “Ấy, nàng lại sắp gọi tôi “Churro” đấy”. Mỗi khi ông cười, chiếc áo lót như muốn bật tung ra, bởi lẽ ông càng ngày càng béo ra.