- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tháng Ba, Ngó Lại (nhân đọc Tháng Ba Gãy Súng Của Cao Xuân Huy)

25 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 97544)

1

Tháng Ba là một tháng vô duyên trong 12 tháng của một năm. Không lễ hội không sắc màu, tháng Ba chỉ có cái nóng. Mà khi đã ra nước ngoài ngó lại, tháng nào của Việt Nam mà chả nóng.

Vừa nóng vừa mưa, nhưng tháng Sáu có phượng thắm đỏ với những hàng lưu bút xanh dòng trên trang giấy trắng. Mùa hè đến, bao nhiêu là chuyện để làm để chơi. Ghi tên học Toán Lý Hóa Anh văn. Học bơi ở hồ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến sân Phan Đình Phùng coi bóng rổ học thể dục. Tha hồ mặc áo thung quần jean đi dép da, sơ mi quần tây sa-bô, tạm quên đồng phục trong ba tháng. Sau một ngày vất vả ngược xuôi buôn bán, tối về đạp xe qua nhà bạn tán dóc, mượn truyện về xem. Khi đã vào đại học, tháng Bảy đi xi nê về dưới mưa có nụ hôn ướt át vụng về mà say lòng son trẻ.

Hè chưa kịp nhìn thì đã tựu trường. Xôn xao thời khóa biểu. Lục đục sách giáo khoa, giấy mực dụng cụ học đường. Lồng đèn xanh đỏ Trung Thu cất lúc nào cũng chẳng biết. Rồi là kiểu quần nào mới phim nào hay. Lá me đường Trần Quí Cáp đã xanh ngắt vòm cây sau mùa mưa. Mộng mơ chờ thư bồ gửi đến hộp thơ của trường khi đã vào đại học. Chớp mắt đã thấy mình đi trên đường Lê Lợi tìm mấy cái thiệp Giáng Sinh tí hon tặng bạn bè. Rồi năm mới mơ mộng mới. Khi ngồi cắt râu củ kiệu rửa rổ dưa hành thì Tết như đã qua rồi mà ngày chưa thực đến.

Tháng Ba, có chi để nhớ. Mình nghĩ chỉ ai có sinh nhật trong tháng đó mới nhớ đến tháng Ba. Và một người lính không sinh tháng Ba. Không sinh tháng Ba nên chỉ nhớ một tháng Ba năm ấy. Tháng Ba năm ấy của người lính ấy, ra sao?

 

 

2.

Mười năm sau khi hai chân đã đứng được trên xứ người thì bắt đầu thương nhớ. Nhớ mẹ cha anh chị em bè bạn. Nhớ mái nhà góc bếp hè xưa. Thương thân mình như cọng ngò bị bứt rời góc vườn nhà đem vùi trên xứ lạ. Trong nỗi thương nhớ mình tìm đọc những quyển bút ký chiến trường xưa. Đã thương thân giờ thêm nỗi thương những người lính vô danh đã chết cho mình cho quê hương mà giờ mình mới biết thương tưởng. Rồi là nhận định, phân tích. Rồi là tự bạch tự minh tự nổ tự thuật. Bút ký chiến trường tha hồ được trưng dẫn bán buôn khi tác giả vẫn tù mòn lưng trong hầm kiên giam. Tưng bừng thương nhớ xót xa. Hân hoan đội mũ cho nhau. Sôi sục. Người lính vô danh không có lời. Điên tiết. Và người lính không sinh tháng Ba ấy viết lại tháng Ba của mình. Viết như nhìn lại mình và nói với đồng đội mình những người đã chết, rằng chúng ta không phải là anh hùng nhưng chưa bao giờ hèn, bại chứ không hàng. Viết để nói với mọi người rằng chúng tôi đã chiến đấu như thế đấy, và đã bị bỏ rơi như thế đấy. Vết thương chiến tranh chưa kịp khép đã lại banh ra toác hoác đỏ lòm. Rõ ràng mình là kẻ vô can mà nỗi hận chiến bại sao như quấn ruột. Nhắm mắt lại, tháng Ba vô duyên, tháng Ba năm ấy của người lính ấy, thôi hãy qua đi…

 

 

3.

Hơn ba mươi năm sau, ghé thăm quận Cam tình cờ mà đụng người lính tháng Ba. Quen cũ chiến trường xưa, họ gặp nhau thật hân hoan rộn rã. Diện ăn có đi theo ngồi chung bàn tha hồ mà nghe mà quan sát người của tháng Ba. Mắt đã đục, tóc đã phai thưa, nhưng lưng còn thẳng và giọng cười còn sảng khoái. Bọt bèo đôi chuyện văn chương chữ nghĩa, dóc lác mua vui chuyện thiên hạ sự, và rải rác đó đây những mảnh đời chinh chiến xa mờ. Sao như có gì lấn cấn. Người lính ấy, và tháng Ba năm ấy, ra sao? Cũng tới lúc mình nhìn lại vết thương cũ quên đi giận hờn mà trả nỗi buồn chiến bại về với quá khứ. Rụt rè thong thả, mình dở lại từng trang tháng Ba xưa.

Một trăm ba mươi trang sách nhỏ, cũng không nhiều. Điểm đáng chú ý đầu tiên là khác biệt lớn lao trong giọng văn.

Lời tựa chất chứa những bực bội giận hờn uất ức, giọng văn cay đắng mang chút nghiệt ngã lộ cái thương thân xót đồng đội bỏ mình oan uổng vì những cấp chỉ huy bất xứng và những quyết định vô lý. Trả lời phỏng vấn cuối sách thì có giọng bất cần thách đố, như một quả lựu đạn đã rút chốt sẵn chờ, ai đó rủi ro xấu số mà trúng phải thì đừng than trách. Đầu và cuối sách đầy những cuồng nộ cảm xúc, nhưng những gì kể lại bên trong thì thật giản dị bình lặng. Sự việc được kể thứ tự, đó đây kèm những nhận xét, xúc cảm, suy tư. Không thiếu lời mỉa mai than trách, nhưng mọi thứ đó được viết xuống như một ghi nhận thẳng thắn không cường điệu lên gân. Rất khác biệt, nhưng có lẽ bình thản là điều tác giả đã tự giới hạn mình để đạt mức trung thực tối đa cho những dòng hồi ký với lời khẳng định trách nhiệm. Vẫn là cung cách một quân nhân, một cấp chỉ huy dù thấp nhưng thực thụ và trọn trách nhiệm.

Điểm đáng chú ý thứ hai là cách người ấy kể lại câu chuyện.

Không viết văn chương không làm dáng chữ nghĩa. Chữ giản dị lời ngắn gọn cách kể chuyện thong thả. Không khó đọc nhưng đọc phải suy nghĩ. Viết thong thả đâm ra đọc cũng phải thong thả, không thích chuyện chiến tranh dễ bỏ qua chi tiết. Mà chi tiết là tất cả mà người ấy muốn ta thấy, không đưa ra tình cờ.

Và đứng chỗ nào để kể. Không phải là tự thuật về mình với mọi diễn biến xoay quanh “tôi”, cũng không phải là tường thuật của người đứng đó tai nghe mắt thấy những quyết định những phản ứng những tình huống đã diễn ra quanh mình nhưng không thực sự tham dự. Bút ký này của người trực tiếp tham dự đứng ra ngoài ghi lại. Chút khác biệt đó tạo nên cái vừa sôi động vừa lạnh lùng, đưa ra một góc cận ảnh của bức tranh lịch sử mà tìm trong đó thấy có “tôi”.

 

 

4.

Tháng Ba của người lính ấy thật ra chỉ 11 ngày. Nửa đầu quyển sách là nhật ký hành quân giản lược của 10 ngày, mở ra với vài ngày tiên khởi của một cái vòng luẩn quẩn, tiến dần đến việc từng ngày, rồi từng giờ từng lúc. Cái vòng luẩn quẩn bắt đầu khi đang tự gia hạn phép lại tìm mọi cách trở ra tuyến đầu cùng đồng đội đang đụng trận. Từ nơi tuyến đầu ấy lại cùng đồng đội vượt sống chết để về lại chốn mình vừa từ chối vì không muốn là một người lính hèn. Mười ngày ấy là một đời binh lửa, ghi lại cái chết thật anh hùng mà cũng thật vô danh của đồng đội, cũng là luật chơi của cuộc chiến - không tao thì mày, chúng ta trả giá cho chỗ đứng của mình bằng máu.

Ngày sau cùng, chiếm nửa sau quyển sách, là ngày người lính trưởng thành và tốt nghiệp trường đại học làm người, người trai thời loạn. Cái vòng luẩn quẩn đứt khúc giữa đường, và sau năm năm tù người ấy mới về lại đến nơi đã khởi hành. Một ngày dài như một kiếp người. Bao kiếp người. Người lính người dân bị bỏ lại trên đường tháo chạy như một đống rác khổng lồ.

Năm tháng đã qua, đúng hay sai và chính xác cỡ nào thì đồng đội còn sống có thể xác minh hay bác bỏ. Oan hay ưng, những người được nhắc đến nhiều người vẫn còn đây. Khi vết thương chiến tranh còn nóng hổi thì việc từng ngày từng giờ từng lúc sẽ làm sôi động tâm can và lòng người ta sẽ cảm xúc theo từng cái hoang mang thê thảm của đoạn đường tháo chạy ấy. Nhưng khi thời gian đã làm mờ phai cảm xúc, những bức cận ảnh đó là những chứng cứ hào hùng, và đau thương, với đầy đủ thân phận con người (không như những câu chuyện anh hùng phi nhân bịa đặt) ghi lại những ngày binh biến cuối của Việt Nam Cộng Hòa.

Có bức hình ghi lại “đống rác” dân và quân trên đường tháo chạy bị dập vùi trên sóng nước. Sóng tung cuốn dập vùi rồi lại tung cuốn dập vùi. Mạng người tơi tả như những cọng rác không hồn trên sóng.

Có bức hình ghi lại cảnh hỗn mang với bản năng của loài thú sống dậy trong từng người trong cuộc tranh sống sau cùng. Đủ mọi cách tranh sống và đủ mọi kiểu chết.

Có bức ghi lại cái hoang mang cùng cực và nỗi tuyệt vọng tràn lan như bệnh dịch với vòng tự sát bằng lựu đạn mau dần và to dần rồi gói vào một tâm điểm lạnh ngắt: Phước râu đòi tự tử vì “tụi nó tự tử nhiều quá,” và Khải máy đồng tình vì “mình chạy như vầy để làm cái gì…”

Bức vẽ lại mình và đồng đội càng thú vị. Những người lính ba gai với đủ mọi tật xấu đủ mọi trò cà chớn ma le được nhắc đến một cách oang oang thẳng thắn không vòng vo giấu diếm. Lạ là kể xấu nhưng thằng bị kể và người nghe không có gì để hổ, chỉ làm đậm rõ tính người và làm cho những mất mát của họ đáng trân trọng; trong khi có nhiều lời khen tặng mà đọc phải thấy ngượng cho người viết và người được khen. Những người lính hèn mọn ấy trong cơn tuyệt vọng tìm lẽ sống không bỏ bạn bỏ ông thầy. Những lúc chạy chết lạc nhau thì ba thằng “cao bồi” luôn đi tìm ông thầy. Bưởi luôn đỡ lưng và Khải máy lấy thân mình che cho 520 nương chạy, các đại bàng đã tung cánh bay xa. Họ, những người hèn mọn ấy, nếu biết truyện Tàu sẽ như Đơn Hùng Tín than rằng “hậu lâm nguy bất kiến chỉ huy.” (Xin quí vị còn ở lại với lính nhận lời tạ lỗi và tri ân của kẻ dân hèn.) Bị bắt tới nơi, trò xúi thầy chối trách nhiệm chỉ huy để còn được ở tù chung mà lo cho ông thầy. Chỗ này chợt nhớ phim “The last emperor” vua Phổ Nghi bị Cộng Sản Trung Hoa thảy vào tù. Trong tù vẫn có đệ tử trung thành đưa bàn chải kem đánh răng phục vụ, lấy cơm, v.v… dĩ nhiên chúng lôi đi chứ đâu để cho yên. Các anh em dù có xấu cũng không có gì để hổ, không hùng gì hơn ai nhưng chắc chắn không hèn.

Với mình và với nhau thì vậy. Với cấp chỉ huy bất xứng và lệnh vô lý đưa anh em vào chỗ chết, Huy râu ứa nước mắt thương anh em chết oan, uất hận mình đứng đó mà không cứu được đồng đội. Huy mập thoát chết không mừng mà khóc rống vì tức tối. Buồn cười. Cười rồi buồn.

Còn với kẻ thù? Được làm vua thua làm giặc. Những người lính hèn mọn ấy nói “bắn thì bắn…” nhất định không làm hàng binh. Không những vậy, thua trận vẫn chưa bỏ cuộc: bị bắt xỏ xâu chưa vào tù thì thầy đã tính kế vượt thoát cùng trò, đâu dễ dàng chịu bó tay. Dù chọn binh nghiệp hay bị cái ách chiến tranh nó quàng vào cổ thì khi ra trận các anh em vẫn đánh đến kẻ thù phải khiếp danh. Trang 108 và 109 là những hình ảnh chiến đấu oai dũng xuất sắc, và là những dòng xuất sắc.

Trang 108, Trâu Điên kẹt sâu trong vùng địch thì lệnh cho Kình Ngư vào giải vây nhẹ như bông gòn: “ông đem con cái vô đó!”

 Quân giặc bạt ngàn như kiến cỏ

 Gươm thần lồng lộn gạt trường thương… (Vô Ngã)

Trâu Điên “vẫn tả xung hữu đột chiến đấu như đang thực tập một bài chiến thuật trong quân trường.”

Khi bắt tay được với Kình Ngư vào giải vây, các anh em chỉ một lời: “đánh giặc đã quá ông thầy.” Bao máu xương mất mát, bao sinh tử cận kề mà chỉ một lời như vừa chơi xong một trận tranh tài football hay basketball, vòng loại. Các anh, đã thật.

Trang 109 là một bức tranh vẽ ra cái hào khí khốc liệt trong thinh lặng lạnh lùng. Các anh Hắc Long cùng đường vẫn chiến đấu dai hơn “đỉa”. Không mũ không giầy không giáp, vẫn “vừa đánh vừa cười nói bô bô.” “Chết sớm dzậy mảy,” anh khác tiến lên, ngã xuống, lại anh khác tiến lên…Người đánh quên mình và người chứng quên thân.

 Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường

Không đao to búa lớn vậy nhưng điều thực đã hơn vậy, hai chữ hào hùng thường đã bị lạm dụng. Cô nhi quả phụ của các anh Hắc Long, xin hãnh diện. Người lính tháng Ba với những dòng chữ đơn sơ ngắn gọn đã làm rực sáng những nét kiêu hùng.

 

 

5.

Tháng Ba, cái “tôi” không phải là trọng tâm dù được nói đến. Nhưng bóng dáng người viết vẫn từ từ rõ nét.

Những bút ký chiến trường xưa in dáng vẻ một người lữ khách cô đơn. Dẫu chiến đấu cùng đồng đội hay đơn độc qua các mặt trận các chiến trường, người ấy vẫn cô đơn. Một ba lô một điếu thuốc - người bạn thiết thân của lính, người ấy nói lên lẽ thật tuyên xưng cái thiện và nêu lên biết bao những nét hào hùng của người lính. Mà vẫn có bóng dáng cô đơn, vẫn có cái vẻ nặng nặng buồn buồn của những cánh chim trên phá Tam Giang, có cái giọng ai oán của người dân Quảng Trị. Ít khi người ta hút chung một điếu thuốc.

Trong tháng Ba thấp thoáng bóng dáng anh hùng Lương Sơn Bạc, sống cùng đồng đội và trong vòng tay đồng đội. Rượu say khà một tiếng quên hết sự đời. Trốn phép thì sáng xỉn chiều say. Hùng hục về tới đơn vị, nhậu. Đi tăng phái, nhậu. Đêm rải tuyến, nhậu. Chạy qua cầu Tràng Tiền ngó lại lần cuối, cũng nhậu. Thoát chết lên bờ, ờ thì nhậu. Ngồi giữa chợ mà nhậu, mà bàng quan thiên hạ sự. Không mấy khi người ta nhậu một mình. Nhậu, và cười. Cười quan bóp cổ cười lính anh hùng cười dê cỏn buồn sừng cười mình xua lính đánh giặc mồm. Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

Lương Sơn Bạc, nhưng chỉ là thư sinh lớn gan đi đánh giặc. Không biết lớn gan vì uống hay vì uống mà lớn gan, nhưng đánh giặc thì làm được trung úy cũng phải thôi. Sức đâu mà chạy như lính mà bay xa như quan. Moi năm ba cái lỗ tí hon thì được, chứ hố cá nhân thì lính nó phải đào giùm, có chết chỉ cần lấp cát.

Cái lấn cấn khi gặp người của tháng Ba đã rõ. Thật ra anh đã chết rồi tháng Ba năm ấy.

 Ai đi Tây Tiến mùa Xuân ấy

 Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Anh đã để lại hồn mình. Nghe nói chuyện thấy ngờ ngợ. Đọc xong tháng Ba hóa ra có chỗ mình chưa đọc đã biết vì chính là đời anh gói lại đó đây. Gấp sách lại, tưởng như anh đã đóng nắp hầm cho những anh em chọn ở lại, đắp mặt cho những anh em phơi thây, và hứa một chỗ cho mình. Tưởng như anh muốn nói - không chung số nhưng đồng phận, chúng ta đã sống trọn phận mình; tụi bay chờ, tao tới; anh em, chờ tôi với, 520 rồi sẽ đến.

Tháng Ba, thôi quên đi… 

Lưu Na

nhân đọc Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy
2009

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 52790)
“Kính gửi chị…..Tạp chí Văn đã đình chỉ đã vài tháng rồi nhưng chúng tôi chưa thông báo cho độc giả kịp. Thành thật xin lỗi chị”. Một cảm giác hụt hẩng và bàng hoàng xâm chiếm hồn tôi. Một mất mác vô cùng lớn bỗng làm tôi xốn xang như tôi vừa đánh mất một điều gì quí giá trong cuộc đời mình...
27 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 52393)
T háng 3 năm 75, cái hiền hòa thơ mộng của thành phố Nha Trang đã biến mất. Đà Nẵng đã thất thủ, dân và lính từ Kontum, Pleiku đang ào ạt đổ về thành phố biển. Thành phố bụi bặm và đông nghẹt người di tản với khuôn mặt ngơ ngác lo âu, những chiếc xe M-113 phủ lá cây ngụy trang từ Tây Nguyên ầm ì chạy vào thành phố và ngồi sau những khẩu đại liên là những người lính mệt mỏi đăm chiêu.
12 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 53135)
K hi nói tới kinh nghiệm làm việc với ông Chu Tử, một chi tiết chợt bật ra trong đầu mà đã từ lâu tôi quên bẵng đi mất. Đó là việc làm “ghost writer” cho người tự nhận đã bắn ông Chu Tử năm 1966, vào một giai đọan có thể nói là một trong các thời kỳ chính trị nhiễu nhương nhất của Việt Nam Cộng Hoà.
30 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 61723)
“… (Bệnh viện) Ung Bướu VN đã làm một điều quá tàn nhẫn với em là chuẩn đoán sai và phẫu thuật cẩu thả. bây giờ, mỗi khi nhìn xuống ngực mình là em rớt nước mắt. không biết nó đã cứu em hay đã giết chết em bằng 1 cách nào đó. em rất muốn gặp 1 người phụ nữ mất ngực để hỏi xem bằng cách nào mà họ vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui. em chưa thể...” ...Từ chỗ nằm gần như suốt ngày đêm, thư của Trang khiến tôi bật dậy..
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 64847)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
22 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 107883)
T ôi đến thăm anh một chiều mưa Huế. Nói chính xác là một chiều mưa rằm Huế. Trời xầm xì và mưa lách nhách. Lá cây ướt đầm...
22 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 104642)
K hi tôi viết những dòng chữ này, thì ở Nam California gia đình và thân hữu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đang tiến hành những nghi thức cuối, tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước đây gần hai năm cũng tại địa điểm này, cũng những thân hữu này, đã tiễn đưa nhà văn Cao Xuân Huy trong chuyến đi chót cùng của đời anh. Nguyễn Mộng Giác là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đầu tiên và Cao Xuân Huy là chủ nhiệm kiêm chủ bút cuối cùng của tạp chí  Văn Học ...
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 106494)
N guyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 87074)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 89995)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.